album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

TÔI ĐI NHẶT BỤI VÀNG

TÔI ĐI NHẶT BỤI VÀNG
(Tuỳ bút-thơ của Xuân Bảo. Nxb Hội nhà văn-2008)

Tập sách Tôi Đi Nhặt Bùi Vàng gồm 3 phần. Ký sự, thơ Đường luật của Xuân Bảo và thơ họa của bạn bè

ĐẾN VỚI THƠ ĐƯỜNG

Phần ký sự ghi lại quá trình nhà thơ Xuân Bảo (XB) đến với thơ Đường luật. Dấu ấn sâu đậm đối với Xuân Bảo là ở Bảo Tàng Lịch Sử năm 1974. Henry Kissinger sang thăm Việt Nam, ông ta chỉ vào bài thơ Nam Quốc Sơn Hà và khẳng định, “Đây là điều I, chương đầu của Hiệp Định Paris” (tr8). Điều ấy làm Xuân Bảo ngỡ ngàng. Năm 2003, bài Hà Nội-Nỗi Nhớ, bài thơ đầu tiên của XB được in trong tập Bút Xưa (tập V), sau đó XB đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt, gặp gỡ thi hữu Hoài Thu, Đăng Tâm (Ninh Thuận). Xuân Giáp Thân, XB được thư mời của Hoài Yên đề nghị gửi bài cho chủ đề Ngàn năm Thăng Long. Đầu năm 2004 XB được Hội VHNT Đồng Nai đề cử vào ban Nội dung Ngày Thơ VN lần thứ hai, nhờ đó XB cảm nhận được đặc sắc thơ của Bác qua bài Nguyên Tiêu. Những năm đầu thế kỷ XXI, đọc những tập thơ Bút Xưa, XB ngộ ra thơ Đường luật VN bỗng hồi sinh và khởi sắc. XB cũng được nhiều thân hữu họa thơ. Dự các cuộc hội thảo thơ (02.04.2000 và 27.04.2002), XB càng tin tưởng rằng “Thơ Đường luật VN không thể chết, không hề chết mà nó còn lung linh khoe sắc thời gian qua”(tr21). Và XB khẳng định trong bài Tham luận :” Giờ đây, thơ Đường luật đã được làm bằng thi liệu của cuộc sống hiện đại, đề cập đến muôn mặt đời thường của xã hội. Vậy thì thơ đường luật Việt Nam phải có vị trí xứng đáng trong làng thơ Việt Nam. Đó là một chân lý”. Cứ thế XB miên man về hành trình làm thơ Đường luật, yêu thơ Đường luật và trở thành nhà thơ với những bài thơ in trong các tuyển tập thơ Đường luật và in trong tập sách này.

Phần này sẽ giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu quá trình XB yêu thơ Đường và sáng tác thơ Đường như thế nào. Điểm xuất phát của XB là lòng tự hào dân tộc. XB đã học tập thơ ca dân tộc. Những cuộc gặp gỡ với bạn thơ cùng với các hoạt động thi ca đã giúp XB nhận ra giá trị của thơ Đường luật đồng thời khơi nguồn sáng tạo cho XB

NHỮNG HẠT BỤI VÀNG

Sáu “hạt bụi vàng “ mà Xuân Bảo tìm được đa số đã lên lão, nhưng “Tinh thần chưa quá date”. Đó là các cụ Thanh Trúc (1930), Hạnh Phương (1947), Tòng Lâm (75 tuổi), Nguyễn Xuân An (1926). XB kể lại việc đi tìm, gặp gỡ và giới thiệu sơ lược về các cụ, kèm theo trích tuyển một đôi câu, một đôi bài (có cụ không có thơ trích tuyển). Những bài thơ mà Xuân Bảo trích đăng của họ, tôi không thấy bài nào xuất sắc, nếu không nói là làng nhàng (chữ của Nguyễn Khuyến). Xin đọc :

Tám chục xuân rồi hả?
Vui thơ quên tuổi già
Tinh thần chưa quá “date”
Sức khỏe dường lưng “gas”
Tâm đắc bao nhiêu cụ?
“Thôi xao” được mấy bà?
Mái đời sương điểm tuyết
Hồn bút vẫn mơ hoa”
(Tám chục - Hỏi mình. Thanh Trúc)

Một cụ được Xuân Bảo giới thiệu là túc Nho, hiểu sâu rộng về truyện Kiều, đã viết nhiều bài khảo cứu về truyện Kiều. Cụ cảm hứng “chú giải truyện Kiều” như sau:

Buồn tình chú giải truyện Kiều chơi
Mới biết Nguyễn Du thật tuyệt vời
Mỗi chữ tưởng như chừng dễ hiểu
Vài dòng giải nghĩa mãi chẳng xuôi
(Xuân An)
Khen Nguyễn Du tuyệt vời chỉ là cách vuốt đuôi thiên hạ mà thôi! Cụ Xuân An viết vài dòng mà không giải nghĩa được một chữ của truyện Kiều là do năng lực ngôn ngữ của Xuân An hạn chế. Người bình dân thuộc lòng truyện Kiều, đâu cần chú giải. Họ còn lẩy Kiều, tập Kiều, bói kiều rất nhập tâm nữa. Bởi thơ Nguyễn Du là tấm lòng thấu suốt nghìn đời, là tấm lòng đến với tấm lòng. Đọc Kiều mà phải thông qua chú giải thì không hiểu Kiều được. Việc chú giải truyện Kiều đã có các nhà chuyên môn, đâu cần nhà thơ!! đúng là cụ Xuân An “Buồn tình chú giải truyện Kiều chơi”, cụ làm chơi thôi, không phải là thật, không phải là chú giải của khoa ngôn ngữ, văn bản một cách chuyên nghiệp. Xin bạn đọc đừng hiều lầm!

Đọc những câu thơ Xuân Bảo trích dẫn, tôi chưa nhận ra hạt bụi vàng (chữ của Nguyễn Khải) nào lấp lánh cả. Phải chăng đó là cách dùng chữ của XB để bày tỏ sự trân trọng với người làm thơ đã “quá date”. Trân trọng cho phải phép Lễ-Nghĩa trong giao tiếp mà người Việt gọi là “kính lão”!

DẤU ẤN CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT XUÂN BẢO

Phần Thơ Đường Luật có nội dung, đề tài tương đối rộng . Nhiều bài viết về Bác Hồ, về quê hương, về địa danh Đồng Nai (Trấn Biên, Tân Lân, Tân Triều, Xuân Lộc, Rừng Sác), Hà nội, Angkor. Xuân Bảo nghĩ suy về hiện tại, quá khứ, nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi, tiếng trống trận của Quang Trung, giọt lệ Huyền Trân…

Thơ Xuân Bảo vừa có nét tài hoa vừa thể hiện được cái tình cuả nhà thơ đối với quê hương đất nước, gia đình, bè bạn.

Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
Én vẽ trời xanh nét nét xuân
Lạc bước thi nhân vào cõi mộng
Hài in lối cũ gót giai nhân
(Nét Xuân)

DÒNG SÔNG QUÊ MẸ

Nao nao nhớ lại quãng đời qua
Bến nước, sân đình, với gốc đa
Thạch Hãn ngàn đời xuôi biển biếc
Nguồn Hàn muôn thuở đọng phù sa
Vấn vương kỷ niệm thời thơ dại
Đau đáu niềm riêng lúc tuổi già
Dù có mọi miền qua mọi chốn
Nhớ về quê mẹ nặng lòng ta

Có nhiều bài tạo được ấn tượng với người đọc về một phong cách lịch lãm, tao nhã, một nửa như cốt cách các nhà thơ Đường, một nửa như thi nhân Lãng Mạn thời Thơ Mới (1930-1945)

ĐỈNH BẠCH MÃ

Bạch Mã chon von Vọng Hải đài
Ngũ Hồ sóng sánh ánh dương mai
Đầu ghềnh vượn nhảy thân mờ tỏ
Cuối thác ve ngân tiếng vắn dài
Lãng đãng mây vờn mây ấp núi
Rì rào gió thoảng gió mời ai
Đổ Quyên thơm nức mùi hoa nở
Ta với tay lên tưởng chạm trời

Cảm hứng chung của thơ Xuân Bảo là tụng ca đất nước, con người. Khí vị thơ Xuân Bảo là khí vị thơ của những nhà Nho xưa khi “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo / thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, tuy cũng có bài lấy cảm hứng thế sự (Ngày Thơ Việt Nam, văn Miếu Trấn Biên, Làng Bưởi Tân Triều, Đàn Đá Bình Đa…)

Có điều, hiện thực hôm nay đã rất khác với những gì XB ghi nhận trong thơ. Cũng vậy, cảm thụ thơ hôm nay không còn là cảm thụ theo Chủ Nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa của những năm 1945-1975. Lúc ấy, nhà thơ và người đọc thơ luôn bay lên trong cảm xúc lãng mãn, theo kiểu “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”(Lê Anh Xuân). Năm 1961, miền Bắc mới chỉ vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng Tố Hữu đã đứng trên đỉnh cao muôn trượng nhìn nhân loại dưới chân :”Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông nam trông cả địa cầu”. Ngày ấy dân ta đi lượm ve chai để xây dựng chủ nghĩa xã hội :”Dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/ Mội hòn than mẩu sắt cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”! (Đã hơn 50 năm xây dựng chủ nghĩa Xã Hội, đến bây giờ, 2012, mới chỉ là định hướng xã hội chủ nghĩa). Nguyễn Khải đã viết truyện ngắn Cái Thời Lãng Mạn, và Nguyễn Minh Châu đã đọc Ai Điếu cho cái thời này. Những năm đổi mới (1986-1995), Văn chương Việt Nam đã phản tỉnh với Thời Xa Vắng, Mảnh Đất lắm Người Nhiều Ma, Đám Cưới Không Có Giấy Giá Thú, Thiên Sứ, truyện của Nguyễn Huy Thiệp…

Nói thế để thấy thơ tụng ca lãng mạn không còn là thơ của ngày hôm nay. Thế nhưng Xuân Bảo vẫn tụng ca:

Dòng sông ngăn bước nước dâng tràn
Thủy điện sôi trào thác Trị An
Động Ó tưng bừng vùng sinh thái
Đồng Trường rộn rã chốn tham quan
“Mã Đà sơn cước anh hùng tụ”
Vĩnh Cửu thâm lâm giặc Mỹ tan
Oanh liệt một thời lừng lẫy thế
Chiến khu đẹp mãi nước non ngàn
(Đây Trị An)
Rằng, nhà thơ đã ca ngợi Trị An rất đẹp, rất anh hùng, nhưng đó là của ngày xưa “oanh liệt một thời”. Còn hôm nay, báo chí đã đăng nhiều bài về những tiêu cực của các quan chức xẻ thịt lòng hồ Trị An. Ngay cả công trình thủy điện Trị An cũng không đạt yêu cầu như mục đích xây dựng. Dân Đồng Nai có đủ điện để dùng đâu!.

Hiện thực hôm nay có bao nhiêu điều nóng bỏng, nhưng thơ Xuân Bảo lại đứng ngoài cuộc. Biển Đông đã dậy sóng, lũ lụt hàng năm gây bao thiệt hại cho dân, tội ác giết người diễn ra hàng ngày, nhiều vụ tham nhũng thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên là nguy cơ về sự tồn vong của chế độ ( nghị quyết TW 4), nợ ngước ngoài của Việt Nam đã trở thành gánh nặng cho các thế hệ con cháu. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng quyết liệt, bao nhiêu công trình gây lãng phí. Xin đơn cử nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây tốn 3,5 tỷ USD, giờ cần 1,5 tỷ USD nữa để nâng cấp, thời gian xây dựng mất 20 năm. Chưa có một quốc gia nào làm ăn như vậy! Trớ trêu thay, một nước có dầu mỏ mà người dân hàng ngày cứ phải sử dụng dầu ngoại nhập với giá xăng tăng liên tục. Các tập đoàn, các nhóm lợi ích đang ra sức lũng loạn nền kinh tế, …

XB có bài thơ nào thể hiện thái độ của mình trước hiện thực ấy không? Khi nhà thơ đứng ngoài nhân gian thì thơ ca trở thành vô bổ. Người đời đọc thơ Đỗ Phủ, thơ Hồ Chí Minh bởi thơ ca là tiếng nói lương tri và trách nhiệm của nhà thơ trước thời đại.

Đọc bài thơ sau đây, bạn đọc sẽ phải hoài nghi về thái độ tụng ca của Xuân Bảo

Thời gian vun vút bóng câu qua
Thân phận con người thật xót xa
Quảng Trị xa rồi thời trai trẻ
Sài gòn gần lại lúc về già
Thánh răn tích đức vun điều thiện
Phật dạy tu nhân tránh ác tà
Diệu pháp hồng ân vơi nỗi nhớ
Mái chùa ríu rít tiếng chim ca
(Xa Quê Nỗi Nhớ)
Vâng, đó là thái độ nhận thức rằng “đời là bể khổ”, và nương náu mái chùa, tu nhân, tích đức mới là niềm vui. Vậy phải chăng” Oanh liệt một thời lừng lẫy thế” (Đây Trị An) cũng chỉ là trầm luân trong bể khổ của một thời lầm lạc, chưa ngộ được chân lý Thiền?

“Thơ Đường luật VN không thể chết, không hề chết…”

Thơ Đường luật là thể thơ nghiêm nhặt về niêm luật, giới hạn về câu chữ, lại đã có những thành tựu lớn trong lịch sử văn chương Việt Nam, thế nên những người làm thơ Đường luật đi sau khó vượt qua được con đường sáng tạo của nhà thơ lớp trước. Hầu như người làm thơ Đường luật hôm nay chỉ rập khuôn cách viết của người đi trước, đa phần là tụng ca sáo ngữ, không có khám phá mới nào về thi pháp. Vì thế thơ Đường luật trở nên khô khan, khuôn sáo và giả tạo. Nó tự đánh mất độc giả.

Xuân Bảo không vượt qua được hạn chế này của người làm thơ Đường luật đương đại.

HÀ NỘI-NỖI NHỚ
Nhớ lắm Hồ Gươm nhớ thiết tha
Nhớ mây Hà Nội, sóng Hồng Hà
Nhớ làng Võng Thị lung linh nguyệt
Nhớ trại Ngọc Hà rự rỡ hoa
Nhớ sáng Ba Đình cờ lộng gió
Nhớ chiều Bách Thảo nhạc hoan ca
Nhớ người yêu cũ ngày xưa ấy
Nhớ mối tình đầu dạ xót xa

Bài thơ rất chuẩn mực về niêm luật. Đọc bài thơ trên, người đọc biết được Xuân Bảo viết về Hà nội nhờ từng câu thơ có nhắc đến địa danh Hà Nội: Hồ Gươm, Ngọc Hà, Ba Đình, Bách Thảo. Tuy vậy Xuân Bảo không khám phá được gì là riêng của Hà Nội, mà tất cả hầu như rất chung chung. Mây Hà nội, sóng Hồng Hà có gì khác với mây ở Huế hay sóng sông Đồng Nai? Không cứ gì cờ ở Ba Đình lộng gió, mà khắp đất nước đầy gió này, cờ ở đâu mà không phất phới? Điều kỳ lạ là cảnh Hà Nội đẹp vậy mà tác giả nhớ người yêu cũ dạ xót xa. Người đọc không hề thấy đâu là Thăng Long - Hà Nội một ngàn năm lịch sử, một ngàn năm văn hiến, đâu là cảnh sắc riêng của Hà Nội, đâu là những bài học ý nghĩa lịch sử mà con người Việt Nam hôm nay nhận ra từ Hà Nội. Thành ra thơ Xuân Bảo viết về Hà nội chỉ có cái vỏ chữ, không có nghĩa. Hồn thơ lạc ở phương nào.

Xin đọc một bài tứ tuyệt của Xuân Bảo

QUA XUÂN LỘC

Xuân Lộc quê ta đất đỏ au
Cao su xanh mướt, chuối tươi màu
Ai về xin gửi niềm thương nhớ
Thắm thiết tình chung mãi có nhau
( Qua Xuân Lộc –Xuân Bảo )

LỜI RU – Đăng Tâm
(Hoạ bài Qua Xuân Lộc cuả Xuân Bảo

Quê hương đọng mãi điệu à-âu
Kỷ niệm chưa phai, tóc bạc màu
Năm tháng mỏi mòn chân lữ khách
Lời ru gợi nhớ đất chôn nhau

Bài cuả Xuân Bảo không nói được bất cứ điều gì riêng về Xuân Lộc, ngoài các chi tiết ai cũng biết : Xuân Lộc đất đỏ, có cao su và chuối.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Lộc đã góp vào chiến thắng chung của dân tộc bằng cuộc chiến đấu 12 ngày đêm oanh liệt, mở cánh cưả thép phía bắc của chính quyền Mỹ -Thiệu, từ đó đại quân ta kéo về giải phóng Sài gòn làm nên thắng lợi lịch sử 1975. Xuân Lộc không chỉ có cao su và chuối. Vườn Xuân Lộc sum suê nhiều trái cây khác như Sầu riêng, Chôm chôm, Măng cụt, Mít, café..Xuân Lộc có những anh hùng như Lê A, Hồ Thị Hương, Xuân Lộc có những địa danh khá nổi tiếng như Suối Tre, K.4, Xuân Lộc còn có rất nhiều con suối như Suối Rết, Suối Đỉa, Suối Chồn, Suối Tre. Địa xanh hành chính Xuân Lộc đều bắt đầu bằng chữ Xuân như Xuân An, Xuân Bình, Xuân Trung, Xuân Mỹ, Xuân Phú, Xuân Hòa…Nhà thơ tỏ ra không hiểu cặn kẽ đất Xuân Lộc, vì thế cái tình chung, niềm thương nhớ, trở nên giả tạo và sáo rỗng.

Bài thơ họa của Đăng Tâm không còn bóng dáng gì cuả Xuân Lộc. Xuân Lộc đâu có riêng điệu ru À-âu. Xuân Lộc là nơi tụ về của dân khắp bốn phương trời, đâu có điệu ru riêng. Xuân Bảo không có kỷ niệm gì ở Xuân Lộc, nhưng Đăng Tâm lại lưu luyến kỷ niệm, bạn đọc không rõ là kỷ niệm gì, có thể là kỷ niệm của Đăng Tâm với Xuân Bảo trong một lần nào đó ghé qua Xuân Lộc chăng? Bài thơ có chữ mà không có nội dung, hay nói cách khác, viết chỉ để cho có vần có chữ sao cho họa được câu chữ của Xuân Bảo, có khi Đăng Tâm không hề biết gì về Xuân Lộc cũng nên. Vì bài thơ không có nội dung, nên lời ru gợi nhớ đất chôn nhau thành ra giả tạo. Cả hai bài xướng và hoạ về Xuân Lộc đều là sáo ngữ, chưa bao giờ thơ lại hời hợt và vô bổ đến thế!!!.

THƠ HỌA, HỌA THƠ

Những bài thơ xướng - họa như thế này trong tập Tôi Đi Nhặt Bụi Vàng là thơ của những người bạn, xưng tụng nhau theo kiểu thơ thù tạc.

Ở tuổi cổ lai hy, có bạn thơ xướng họạ thù tạc, đó là một thú chơi tao nhã. Thơ xướng họa đòi hỏi tài năng và khẩu khí, đòi hỏi công phu và nhiều bài cũng ánh lên nét đẹp tài hoa. Xuân Bảo có thơ được đông đảo thi hữu họa vần, đó là một tín hiệu về sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu giữa những tri kỷ. Bài Văn Miếu Trấn Biên là một thí dụ

Văn miếu Trấn Biên rạng sử xanh
Tôn sư trọng đạo mãi tôn vinh
“Rồng chầu xứ Huế” vùng nhân kiệt
“Ngựa tế Đồng Nai” cõi địa linh
Đức Khổng cương thường ngời thế thái
Bác Hồ tư tưởng sáng nhân tình
Hiền tài hun đúc từ nguyên khí
Bia tạc tên vàng thật xứng danh
(Văn Miếu Trấn Biên- Xuân Bảo)

Bài họa của Tiêu Thanh Giang có tình ý hơn cả

Đồng Nai sông núi đượm màu xanh
Có Trấn Biên xưa thật hiển vinh
Văn Miếu ghi ơn người sáng lập
Khuê Văn khắc đức thánh uy linh
Ngày nay con cháu rèn tâm ý
Qúa khứ cha ông rạng nghiã tình
Thành kính dâng hương lòng ngưỡi mộ
Mong sao đạo học mãi lưu danh
(Trấn Biên Xưa-Tiêu Thanh Giang)

Tiêu Thanh Giang chỉ họa vần và lấy đại ý để viết một bài thơ khác về Trấn Biên theo nghĩ suy riêng của mình, không gò bó câu chữ để đối với bài của Xuân Bảo.

Thực ra bài của Xuân Bảo có nhiều chỗ cầu kỳ thành ra rất gượng ép, Xuân Bảo muốn dẫn người họa thơ vào tử địa mà bó tay phục tài. Bài xướng thì nên vậy. Nhưng bài xướng của Xuân Bảo lại lộ ra nhiều tử huyệt của tác giả.

Câu thứ 2 lặp hai chữ “tôn”, đó là sự nghèo nàn về vốn từ và khả năng diễn đạt.
Phép đảo trong câu (5) và (6) làm hỏng ý tứ. Lẽ ra phải viết “đạo cương thường của đức Khổng”, Xuân Bảo đã gượng ép mà viết “Đức Khổng cương thường”. Cũng vậy, lẽ ra phải viết :”Tư tưởng của Bác Hồ”, Xuân Bảo lại viết :” Bác Hồ tư tưởng”. Cấu trúc này hoàn toàn sai với ngữ pháp tiếng Việt, làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt, điều mà bác Hồ luôn nhắc nhở người cầm bút.

Trong ngữ nghĩa đời thường, chữ “ thế thái nhân tình” có nghĩa tiêu cực, chỉ thói xấu của người đời (Xin đọc Thế Thái Nhân Tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm), Xuân Bảo lại đem vào đánh giá đạo đức Khổng Tử và tư tưởng Hồ Chí Minh. Rằng đạo đức của Khổng Tử và tư tưởng HCM sáng ngời thế thái nhân tình. Tức là làm sáng cái đức xấu? Nhà Nho xưa luôn chú tâm làm sáng cái đức sáng (“tại minh minh đức”).Tôi cho rằng đó là chỗ người làm thơ kém tinh tế về ngữ nghĩa của ngôn từ, chứ không phải là cố ý hạ thấp giá trị đạo đức tư tưởng của các bậc thánh hiền.

Bài của Tiêu Thanh Giang tỏ ra hiểu sâu sắc hơn giá trị của Văn Miếu Trấn Biên, tuy có tụng ca song thành tâm hơn đối với người xưa. Bài này hơn hẳn bài của Xuân Bảo cả về tình ý và nghệ thuật thơ.

HY VỌNG MUỘN MÀNG

Chúng ta biết thơ Đường độc đáo ở tứ thơ tư tưởng. Vẻ đẹp thơ Đường là vẻ đẹp trí tuệ. Dù kể việc , tả tình hay bộc lộ nghĩ suy, thơ Đường có khả năng để lại những dấu ấn không phai trong thi ca nhân loại. Xin đọc các bài Tuyệt Cú của Giả Đảo ; Đề Đô Thành Nam Trang của Thôi Hộ; Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch… ; Thu Vịnh, Thu Điếu, Thu Ẩm cuả Nguyễn Khuyến…)

Thơ Đường luật của Xuân Bảo không có được tố chất này. Dường như người làm thơ không hiểu được đặc trưng thi pháp thơ Đường (?), không nghĩ đến việc cách tân thơ Đường luật, như những nhà thơ tiền bối (từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Khuyến ) đã nỗ lực Việt hóa thơ Đường. Có lẽ XB làm thơ là để vui tuổi già, để thù tạc? Nếu vậy còn mong gì có thơ để góp tiếng nói với thời đại và lịch sử.

Xin chia sẻ với Xuân Bảo ý này của cụ Thanh Trúc (ghép bài của Thanh Trúc với bài của Xuân Bảo)

Tám chục xuân rồi hả?
Vui thơ quên tuổi già…

…Thân phận thật xót xa
Xa rồi thời trai trẻ.

Tháng 3. 2012

_________________________________________________
Tham khảo

Nhân Tình Thế Thái – Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thế gian biến cải vũng nên đồi ;
Mặn, nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử ;
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân-thực ;
Ai nấy nào ưa kẻ đãi-bôi[1].
Ở thế, mới hay người bạc ác :
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét