album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

TẠP THI của Vương Duy

VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG

TẠP THI - Vương Duy (699–759)
Bùi Công Thuấn

雜 詩
君自故鄉來,
應知故鄉事。
來日綺窗前,
寒梅著花未。
Tạp thi - Vương Duy

Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trứơc hoa vị.

Dịch nghiã

Bạn từ quê cũ đến đây,
Chắc biết tình hình quê cũ.
Ngày (bạn) đến (đây), trước cửa sổ đẹp,
Cây mai lạnh đã nở hoa chưa ?

Thơ tạp
(Người dịch: Nguyễn Văn Nam)

Anh từ quê nhà tới,
Chắc biết rõ chuyện xưa.
Cây mai trước cửa sổ
Đông lạnh nở hoa chưa ?


Vương Duy 王 維 (699–759), người tỉnh Sơn Tây(TQ). Từ nhỏ đã nổi tiếng tài hoa. Đàn hay, vẽ giỏi, văn chương xuất chúng. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ và được bổ làm quan. Đời làm quan của ông nhiều thăng trầm. Sau loạn An Lộc Sơn(755), Vương Duy được phục chức và làm đến Thượng Thư Hữu Thừa. Ông ưa thú tiêu dao. Ông thường gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú ở trang viên riêng của mình. Thơ VD còn lại khoảng 400 bài. Phần nổi bật quan trọng của thơ ông là thơ thiên nhiên. Thơ ông còn đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của Phật. Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội họa. Tranh sơn thủy của ông mở đầu cho lối họa Nam Tông. Người ta thường khen ông là: "Trong thơ có họa, trong họa có thơ" (Thi trung hữu họa, Họa trung hữu thi). Ðối với Phật giáo đương thời, Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái thiền tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật. (Thivien.net)

Tạp Thi là bài thơ thể hiện tình yêu quê hương của Vương Duy. Ông thiết tha hỏi thăm bạn về quê hương, về cây mai trước nhà mình. Bài thơ là lời đối thoại của tác giả với bạn

Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.

“Anh từ quê xưa tới, Chắc biết chuyện quê xưa.”
Bài thơ mở đầu bằng tiếng “quân”[君], là tiếng xưng hô trân trọng với người đối diện (Quân là anh, bác –thí dụ : đã bấy lâu nay bác tới nhà –Nguyễn Khuyến ). Điều này giúp ta hiểu tác giả đang trong một cuộc đối thoại tiếp khách ở hiện tại. Chữ “cố hương” (quê cũ, quê xưa- quê hương mà hiện tại ta cách xa đã lâu ngày) được lặp lại hai lần trong hai câu thơ liên tiếp, diễn tả thái độ vồn vã, sự mong đợi của VD về “quê cũ”. Thái độ ấy bộc lộ tấm lòng của VD với quê xưa. Có lẽ VD đã xa quê lâu ngày, gặp được bạn quen từ quê ra, chưa kịp hỏi thăm bạn ra sao, nhà thơ đã săn đón hỏi chuyễn “cố hương”. Nhà thơ mong muốn được nghe chuyện quê cũ vì đoán chắc bạn biết chuyện quê của mình. Hẳn đây phải là một người nhà quê chân chất. Tại sao VD lại nóng lòng về chuyện cố hương vậy? Có thể lúc này đang loạn lạc chăng. An Lộc Sơn chiếm kinh thành Trường An (năm756), sát hại nhiều người. Đường Huyền Tông và Dương Quốc Trung hối hả bỏ chạy vào Thục[9]. Quân lính nhà Đường vô cùng hỗn loạn. Huyền Tông đành bắt Quý Phi thắt cổ ở Mã Ngôi.Trong hoàn cảnh ấy, Vương Duy cũng bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Phải chăng từ hoàn cảnh đó, VD mới nóng lỏng hỏi thăm bạn về “cố hương “.(Lưu ý: quê VD ở Sơn Tây- Trường An ở Thiểm Tây TQ)

Có một khoảng lặng im trong bài thơ giữa hai câu đầu và hai câu sau. Người đọc không nghe người bạn VD nói gì về tình cảnh “cố hương”. Có thể cố hương của ông không xảy ra điều gì đau thương trong cơn ly loạn ấy, hoặc đó là những chuyện chỉ nói riêng giữa hai người. Ngôn ngữ bây giờ là ngôn ngữ im lặng. Cho nên người đọc không nghe ông nói gì sau những câu ông dồn dập hỏi người bạn. Trong thế giới lặng im của “ý tại ngôn ngoại” ấy, vang lên tình yêu với quê hương với con người quê hương . Lời thơ nhường chỗ cho tiếng nói tâm hồn . Và tiếng nói tâm hồn nhường chỗ cho tình tri kỷ giữa hai người bạn. Với VD, tình bạn, tình quê là rất quý giá. Có lần xa nhà ông đã thốt lên :

Đất lạ đơn côi làm khách lạ
Mỗi lần tiết đẹp nhớ nhà hoài
Vẫn hay huynh đệ lên cao đấy
Đều cắm thù du thiếu một người.
(Ngày trùng cửu nhớ huynh đệ ở Sơn Đông -Người dịch: Đông A)
(* Thù du : Tên một loại thảo. Tiết Trùng Cửu người ta lên cao bẻ cành thù du
cắm vào một chỗ biểu tượng tình anh em gắn bó)

Trở lại Tạp Thi, câu thơ đang từ đối thoại đột ngột trở thành độc thoại

Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trứơc hoa vị.

Ta hình dung thế này, sau khi nghe bạn nói chuyện quê xưa, VD ngẩn người ra tư lự, rồi nhìn về xa xăm mà thốt lên : cây mai trước cửa sổ, Đông lạnh nở hoa chưa ? Bản dịch có chỗ chưa rõ. “Lai nhật” là “ngày bạn đến đây” hay là “khi ngày đến “ hoặc :” ngày ngày” (lai nhật : nghĩa từ nguyên là mặt trời đến) . Phép đối giữa câu 3 và câu 4 chỉ ra rằng , “lai nhật “ là từ đối với “hàn mai”. Cả hai cùng là danh từ. “Hàn mai” là mai lạnh , thì “lai nhật” là mặt trời đến, có nghĩa là “ngày ngày” (BCT). Điều này hợp lý hơn vì diễn đạt được nỗi mong đợi của VD. Trong ký ức của ông bây giờ là hình ảnh ngôi nhà ở quê, trước nhà có cây mai. Ông thường ngồi trong cửa sổ nhìn ra cây mai, đối thoại với cây mai, hoặc ít ra đó cũng là một người bạn bên ông mỗi khi mặt trời đến (bắt đầu một ngày). Ông nhớ lại cây mai và hỏi mai lạnh đã nở hoa chưa (Hàn mai trước hoa vi) Mai lạnh là mai mùa đông. Mai nở là mùa xuân. VD đang chờ mùa xuân đến ? Đây là thời gian hiện thực hay là một hình ảnh ẩn dụ? Có thể thực tại loạn lạc ông đang sống là mùa đông, và ông mong mùa xuân thanh bình đến? Dù thế nào, hình ảnh cây mai cũng bộc lộ cốt cách quân tử của ông. Trong thi pháp thơ cổ điển, tùng, cúc, mai, trúc là hình ảnh biểu tượng cho người quân tử. Cây mai trước cửa sổ ấy cũng chính là tác giả VD. Trong khoảnh khắc của ký ức, VD đã hoá thân vào cây mai quê hương, ông sống với chốn quê, với người quê. Và cũng chính ở quê nhà, VD mới giữ được cốt cách người quân tử, mới giữ được tâm hồn hướng về muà xuân trước mặt?

Bài thơ chỉ có 20 từ nhưng diễn đạt được hai tình cảm lớn là tình quê và tình nhà. Bốn câu thơ thực ra chỉ là hai câu hỏi. Câu đầu là câu hỏi từ thực tại, câu sau là câu hỏi trong ký ức. Những câu hỏi ấy diễn tả nổi trăn trở đau đáu của VD với quê nhà. Điều này khác rất xa với những bài thơ an nhiên của VD. Xin đọc :

Núi trống vắng tanh người,
Chỉ nghe vọng nói cười.
Nắng vào trong núi thẳm,
Lên ðám rêu xanh soi.
(Trại hươu - Người dịch: Trần Trọng San)

Điều đáng quý ở VD là, tuy được người đời tôn là Phật Thi, vì thơ ông nói về cái tâm KHÔNG của Phật( bài Đáp Bùi Địch) , nhưng VD vẫn nặng tình đời, tình người, tình quê. Nơi chốn ấy có những con người chân chất (Quân tự cố hương lai) , có cảnh sắc thanh cao (cây mai trước cửa sổ đẹp). Chính nơi ấy mới là chốn nuôi dưỡng hồn thơ ông, mới đem thơ ông đến với cuộc đời, và thơ ông mới vang lên những tình tự vọng đến ngàn sau. Ngày nay đọc lại thơ VD, ta gặp bóng dáng Nguyễn Khuyến trong con thuyền, hồ nước, chén rượi của VD (bài Lâm Hồ Đình) , gặp bước chân Phạm Thiên Thư trong những tứ thơ vừa rất đỗi trần tục vừa vô cùng thanh khiết của Phật Thi. (bài Mạnh Thành ao)

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

CHIA TAY MÙA HOA PHƯỢNG 2010



THẾ LÀ CHÚNG MÌNH CHIA TAY NHAU.
CHIA TAY TUỔI HỌC TRÒ THIÊN THẦN.
TẤT CẢ ĐÃ TRỞ THÀNH KỶ NIỆM. CHỈ CÒN TRONG KÝ ỨC XA XĂM.

SẼ CHẲNG CÒN NHỮNG GIỜ HỌC CHUNG ĐẪM MỒ HÔI.
SẼ CHẲNG CÒN NHỮNG NGÀY TRẠI THẬT VUI, CHẲNG CÒN NHỮNG BUỔI THAM QUAN ĐẦY ẤN TƯỢNG.

ĐÃ XA RỒI NHỮNG VIÊN CHOCOLAT NGỌT LỊM. SẼ NHỚ MÃI NHỮNG TRÁI SOÀI XANH CHUA ƠI LÀ CHUA. VÀ CHẲNG CÒN NHỮNG BUỔI HẸN HÒ QUẤN QUÝT.

THỜI GIAN ƠI, XIN NGỪNG LẠI ĐỂ GIỮ MÃI NHỮNG GIÂY PHUT NÀY

CHÚC CÁC BẠN 12 THẬT NHIỂU NIỀM VUI VÀ THÀNH ĐẠT TRONG MÙA PHƯỢNG NÀY

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

TIẾNG HÁT RU- truyện ngắn của Bùi Công Thuấn


TIẾNG HÁT RU
Truyện ngắn của Bùi Công Thuấn


“ Ầu ơ… gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại … ơ… ờ..
… Rau răm ở lại chịu lời … đắng … ơ… ơ.. cay “

Giọng ca u ẩn của ca sĩ Ngọc Hạnh làm sống dậy trong tôi một thời quá vãng không xa lắm. Giọng ca trong veo và ngọt như nước dưà, chuyên chở một nỗi niềm mênh mang sâu thẳm.

Chúng tôi đang ngồi trong một nhà hàng của một khách sạn 5 sao.Trên bàn ê hề thức ăn.Vỏ các lon bia vứt đầy dưới sàn nhà. Các cô gái phục vụ của nhà hàng ngồi xen kẽ với khách. Họ mặc áo dài xanh lạt, trẻ trung và thanh lịch. Lúc đầu chỉ có hai cô, sau chủ xị cho gọi thêm, để đủ mỗi người một cô, chẳng ai thiệt thòi. Chủ xị bảo, đó là chút lòng thành với những ân nhân của con mình. Có cả nhạc sống phụ họa. Ban nhạc gồm ca sĩ Ngọc Hạnh và một tay đàn ghita, chơi được cả cổ nhạc và tân nhạc. Thực ra cũng chẳng ai thưởng thức văn nghệ ở chốn này. Ban nhạc chỉ để đáp ứng những cơn ngẫu hứng của khách, và để che đi những cái thô tục đang bày ra một cách trơ trẽn.

Dù là lần đẩu tiên đến đây nhưng tôi không để tâm đến những gì trước mặt. Khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt tròn đen láy và giọng hát của Ngọc Hạnh đang ám ảnh tôi. Ngọc Hạnh vừa hát vừa nhìn ra xa. Cả tâm hồn cô đắm chìm trong lời hát ấy. Tôi bay trong tâm tưởng về nơi mà hiện tại chẳng còn lại dấu tích gì.

Đó là những ngày tháng giữa năm1963.Tôi sống ở miền Tây, miền quê hương sông nước dạt dào tôm cá, vang vọng tiếng hò và thắm thiết những gương mặt nồng nàn màu đất. Đồng quê, sông nước và mưa nắng bao giờ cũng làm cho lòng người sáng trong. Buổi chiều, tôi thường ngồi ở bờ sông. Dòng nước phù sa trôi chảy mênh mang. Chỉ nhìn dòng trôi cũng đủ cảm thấy cái vị ngọt của đất và nước
(người không quen khi thấy dòng nước đục thì bảo là dơ). Tôi đã đắm mình trong dòng sống ấy những năm tháng tuổi thơ. Dòng sông đã đem tôi theo trong những chuyến viễn du tít tắp đến chân trời luá xanh, dù cho đời lam lũ ghì tôi mãi xuống sát đất. Phù sa làm màu mỡ hồn tôi, gắn bó không rời với đất và nước xứ quê nghèo này. Nắng chiều lấp lánh ánh bạc trên sông mỗi khi làn gió nhẹ làm gợn lên những con sóng liu riu.

Buổi chiều ở vùng quê thật yên tĩnh. Dăm đứa trẻ nô đùa trên sông. Vài chiếc thuyền chài cắm sào chờ nước lên. Con đò thanh nhàn trên bến. Chiều về, khách sang sông đã vãn. Xóm tôi ở có dăm nhà, gần bến đò. Nhà tôi nhìn ra mặt sông. Ở đây mọi sinh họat đều diễn ra trên sông. Đò dọc, đò ngang qua lại xôn xao từ sáng sớm. Hàng tạp hóa được bán trên những chiếc thuyền nhỏ chèo dọc bờ sông. Cũng không có gì nhiều. Ở đồng, gạo thóc đã có đủ.Thức ăn không thiếu. Cá, tôm bắt được hàng ngày. Sáng sáng đi lượm trứng gà trứng vịt trong ổ. Chỉ cần thêm bánh xà phòng, hộp quẹt diêm, chai dầu nóng, xị dầu hôi để thắp ban đêm, thẻ nhang để cắm bàn thờ ông bà. Có khi mua thêm vài miếng đậu hũ để bữa ăn thêm hương vị.

Nhà anh Năm Hoà cánh nhà tôi chừng trăm mét. Anh Năm coi tôi như em út trong nhà. Ngày nào cũng vậy, chập tối, hai anh em đi cắm câu, thả lưới. Mỗi người , cắm chừng trăm cần, dọc hai bên bờ kinh. Cắm xong, vòng trở lại gỡ cá. Khoảng chạng vạng tối, cá dính câu gỡ sướng tay. Lưới thả sông chừng vài chục mét. Cứ để đó, đến sáng đi thu về. Chẳng ai bị trộm cắp bao giờ. Mỗi tối kiếm được chừng chục ký cá là vững cái bụng cho ngày hôm sau. Cuộc sống cứ trôi đi êm ả. Khi nước nguồn đổ về đầy đồng thì đó là muà thảnh thơi. Cánh đồng trở nên mênh mông. Cá mè dinh, cá lóc, cá rô bơi từng đàn trong ruộng luá, đổ ra kinh rồi vẫy vùng ra sông. Con nào cũng mập tròn béo ngậy. Cá linh tuôn về như con nước lũ. Người ta đóng đáy ngang sông, mỗi ngày đổ vựa hàng tấn.

Mùa nước nổi, mọi công việc đồng áng đều gác lại. Rãnh rỗi thì đi câu cá, bắt le le trong bụi . Phóng thuyền ba lá lướt đi trên đồng là một cái thú không gì sánh được. Mùi lúa ngọt ngọt, trời đất mênh mông trở thành nhà cuả ta , thảnh thơi vô cùng. Chỗ nào cá tụ thì dừng thuyền lại câu. Những con cá rô lấp ló trong bụi lúa, chúng nghiêng mắt nhìn bóng người trên thuyền. Mỗi khi có mồi thả xuống, chúng bơi ra đớp liền. Có lẽ chúng chưa phân biệt mồi với thức ăn dưới nước. Nhưng chỉ vài con bị giật văng lên khỏi mặt nước là chúng biết sợ. Mồi thả xuống, chúng nghi ngại, bơi giật lùi rồi biến mất trong ruộng luá. Phải chống thuyền đi câu chỗ khác thôi. Cá lóc dù nướng trui, kho tộ hay nấu canh chua đều rất ngon. Tháng chín tháng mười, nước rút, cá đọng lại trên kinh rạch cạn nước, nhiều vô kể. Đời nông dân cũng có lúc ung dung tự tại với ruộng với đồng.

Nhà anh Năm Hoà đơn chiếc, hai vợ chồng với hai đứa con gái trong một cái nhà lá nhỏ chỉ có một gian. Đầu nhà có che thêm cái chuồng gà vịt, cũng là chỗ con heo mọi nằm. Anh chị ngày đi làm mướn, ai gọi làm gì thi làm nấy. Đầu muà đi cày thuê, sạ thuê. Luá chín thì đi cắt, đi cộ. Chị đi làm hàng xáo kiếm hạt tấm hạt cám.Tối về, cơm nước xong, cả nhà đi coi cải lương diễn ở chợ. Nơi đây no đủ nên chẳng ai tích góp làm gì. Làm ngày nào xào ngày đó. Của ăn sẵn có ngòai đồng, miễn là chịu khó thì chẳng bao giờ đói. Anh chị hiền hoà, ăn ở có tình có nghiã nên ai cũng quý mến, chòm xóm coi nhau như ruột thịt. Người miệt quê Nam bộ chất phác, thẳng thắn, nhưng chí tình. Có khi chỉ một trái xoài, nồi cháo ếch hay vài con chuột đồng chiên giòn, anh em cũng đủ lai rai cả buổi

Tôi hay sang nhà anh Năm Hòa chơi, dạy con Hạnh học chữ.
Anh Năm Hoà nhìn tôi như gửi gắm:

_Chú Đức à, chú dạy con Hạnh học chữ giúp anh, nghen. Anh chị lo mần ăn, cực khổ quá, không cho nó đi học được. Chỉ cần nó biết đọc biết viết là được rồi. Ở ruộng, cần nhất là biết mần ăn. Sau này chú thành tài, nhớ dạy thêm cho nó.

Tôi chia sẻ với anh chị:
_ Anh chị cứ yên tâm. Để lúc rảnh rang em sẽ chỉ cho cháu.

Hạnh là con gái lớn của anh chị. Nó không được đi học vì phải ngó chừng nhà để cha mẹ đi làm. Nó học rất nhanh lại giỏi giang. Tôi rất quý nó. Mỗi khi được tôi khen, đôi mắt tròn đen của nó ánh lên niềm hân hoan rất trẻ thơ. Sáng sáng nó dậy sớm, chụm bếp nấu cơm châm nước cho ba má đi làm. Xong việc dọn dẹp nhà cửa thì nó trông em. Nó cho ăn, tắm rửa, và chơi với em chẳng khác gì má. Nhà gần bờ sông, nó chỉ lo em rớt xuống sông. Có lần nó mải mê làm việc, con bé bò ra mé sông vớt nước nghịch. Khi không thấy em trong nhà, con Hạnh hết hồn, nó la om sòm, làm mọi người tưởng em nó chết chìm. Những buổi chiều êm ả, khi ba má chưa đi làm về, nó cũng thường bồng em ra bờ sông ngồi ngó thuyền bè qua lại. Khách qua đò là người trong làng trong xóm thường đứng lại nựng con em, và xoa đầu con Hạnh. Cũng có người cho nó quà.

Lúc này lính Sàigòn đóng đồn gần đó đi lùng luôn. Có khi cả tiểu đội đi lúc sáng sớm, rình vồ con mồi lúc bất ngờ, có khi họ đi lúc chiều muộn để đánh chặn đường giao liên. Một buổi chiều, viên thiếu úy trưởng đồn ở đâu về dẫn quân tới bến đò. Có lẽ họ mới đi lùng Việt Cộng. Quần áo còn tèm lem bùn đất. Người chèo đò đã rời bến. Không có đò, họ gỡ một chiếc thuyền buộc sẵn ở đó. Không hỏi xem thuyền của ai, hay hỏi mượn ai đưa qua sông. Đó là chiếc ghe tam bản của ông già tôi. Lúc ấy ông đang ngồi trên sập giưã nhà, hút thuốc rê nhìn ra sông. Ông hay ngồi ngó mông lung như vậy. Dòng suy nghĩ của ông cũng ào ạt như dòng sông đang chảy. Đám lục bình trôi vật vờ làm ông tư lự. Ông không bận tâm gì tới những người lính. Chuyện của họ, mình đừng dây vào. Ông thường bảo tôi vậy. Ráng lo học để sau này lớn lên khỏi phải đi lính, chết uổng mạng. Tôi để ngoài tai lời ông già. Tôi nghĩ, vì mình còn nhỏ ranh, lo chi sớm.

Thấy bọn lính ngang ngược gỡ thuyền để sang sông, ông già tôi xách cây mác chạy ra. Ông đứng bên con thuyền, ánh mắt quắc lên. Nhìn vào mặt từng người lính, ông nói một câu tỉnh rụi. Chú nào thò tay gỡ dây thuyền, tôi chém ráng chịu. Chỉ huy của các chú đâu? Bọn lính thấy ông già làm dữ, có đứa chửi thề rồi lấm lét bỏ đi. Dường như họ e ngại điều gì đó. Ông già này chắc thứ dữ rồi. Dân ở đây ngày thường thì hiền như cục đất nhưng lúc có chuyện thì dữ chằng luôn, không biết họ đứng về phiá nào. Đụng với họ không có lợi. Mấy ông già Nam Bộ nằm vùng thì đừng hòng doạ nạt. Cứ nhìn cây mác bén ngót trong tay ông già thì đủ biết.

Nghe đâu ngày xưa ông già tôi là Việt Minh đi kháng chiến gì đó. Có thời ổng xách con mác rượt Tây chạy trối chết. Cây mác ông đang cầm là từ thời đó. Tôi còn nhỏ nên không biết. Cũng không nghe ổng hé răng lời nào. Từ khi có trí khôn, tôi chỉ thấy ổng làm ngoài đồng, cặm cụi suốt ngày. Không hiểu sao bọn lính lại bảo ổng là ông già Nam Bộ nằm vùng. Ổng dạy tôi ăn ở sao cho có đức, làm gì thì làm, đừng ác tâm. Phải biết bảo vệ người mình. Tôi không hiểu ổng nói thế nghiã là gì. Tôi mơ hồ rằng chiến tranh đang ở trước mặt và tương lai của tôi bị hút về phía ấy. Các thế lực vô hình đang chuyển động quanh tôi, gần lắm.

Cách nay chừng hơn một tuần, đồn lính ở bên kia sông bị Việt Cộng tấn công lúc chiều chạng vạng. Đồn ở ngay mặt lộ, gần nhà dân, sau lưng là sông, trước mặt là cánh đồng, cây luá đã gần làm đòng, mọc cao che khuất người ngồi trong ruộng. Lúc ấy lính trong đồn đang quây quần ăn cơm. Chỉ có một người canh gác. Anh ta ngồi hút thuốc, nhìn trời nghêu ngao câu vọng cổ. Không ngờ Việt Công đánh úp, lính trong đồn trở tay không kịp. Cả phố nghe nhiều tiếng nổ long trời lở đất. Viên sĩ quan trưởng đồn chết tại chỗ cùng với ba người khác. Khi im tiếng súng, lính trong đồn mới dám ngóc đầu dậy và gọi chi viện ở đồn gần đó. Chi viện đến thì Việt Cộng đã rút đi, không để lại dấu tích gì. Nghe đâu chỉ có hai Việt Cộng giả dạng thường dân. Họ áp sát đồn. Tranh thủ tranh tối tranh sáng, một người bắn uy hiếp và người kia tung lựu đạn. Cuộc đột kích gây tiếng vang lớn.Từ đó lính trong đồn hoảng sợ. Họ thường đi lùng để bắt Việt Cộng. Đi không, lại về không. Khắp cánh đồng mênh mông này chỉ có những người nông dân hiền hòa chất phác, lam lũ nắng mưa. Chẳng tìm thấy Việt Cộng đâu.

Buổi chiều hôm ấy tôi vẫn ngồi ngắm sông như mọi khi. Thoáng nghĩ vu vơ. Mặt nước lấp lánh ánh chiều. Dòng nước đỏ phù sa vẫn trôi êm ả. Lính đồn đi lùng về ngang. Họ dẫn theo một người. Anh ta ở trần, mặc quần xà lỏn.Tay bị trói thúc ké sau lưng, mắt bị bịt bằng một miếng vải đen. Người lấm lem bùn đất. Có lẽ anh ta bị bắt lúc đang làm ở ngoài đồng. Lính đồn còn khiêng theo một chiếc khạp sành nhỏ.
Dường như đây là một chiến công lớn hay sao đó nên lính đồn có vẻ phần khởi lắm. Coi cái cách họ giữ người bị bắt người ta có thể nhận ra đây là một nhân vật quan trọng. Tù binh bị bắt ngồi dưới đất. Hai lính kè hai bên, hai lính đứng vòng ngoài, súng giương lên, đạn lên nòng . Hai người khác canh cái khạp, nắp bịt kín bằng nilon. Họ bảo nhau đó là khạp đựng tài liệu.

Viên thiếu úy luôn mồm chửi thề ra lệnh cho lính :

_ ĐM. Lần này mới bắt được ông trời con, chúng mày phải trông chừng cho kỹ. Nếu không mất đầu có ngày đó. Thằng nào đi kiếm ghe mau lên? Né cái ông già cầm mác hôm nọ nghe chưa, để ổng làm toáng lên thì không xong đâu à nghen .

Hai người lính dáo dác chạy đi, mãi mới kiếm được một chiếc ghe tam bản. Bây giờ tôi mới nhận ra người bị bắt là anh Năm Hòa. Tôi vô cùng kinh ngạc. Lâu nay tôi có thấy anh làm Việt Cộng bao giờ đâu. Hay họ bắt lầm người. Ở cái xứ xa xôi này người dân chẳng có ai bảo vệ. Ai cũng có thể bị bắt, nếu bị nghi là Việt cộng. Có khi vài ngày là được thả về. Cũng có người đi không về. Lần này có cái khạp tài liệu, lính đồn bảo sẽ cất một mẻ cá to. Linh tính báo cho tôi biết chuyện chẳng lành đã tràn đến xóm này. Rồi đây những ai sẽ bị bắt nữa? Tôi thấy lòng bất an. Có khi nào là ông già tôi không?

Khi anh Năm Hòa bị xô xuống ghe, tôi thấy chị Năm te tái từ ngoài ruộng chạy về. Chị khóc gào lên : “ Thả chồng tao ra, thả chồng tao ra “. Anh Năm Hoà quay mặt về phiá có tiếng vợ khóc. Anh mím môi, không nói thành lời. Có tiếng lên đạn lách cách. Hai ngưới lính dùng cây dằm đẩy con thuyền xa bờ. Chiếc ghe tam bản chở anh Năm Hòa và bọn lính khẳm mấp mí nước. Họ biết là quá tải song chẳng tìm đâu ra chiếc thứ hai.Với lại con sông cũng không mấy rộng, bề ngang chừng trăm mét, chỉ vài phút nữa là về đến đồn. Bóng chiều đang xuống nhanh. Phải giải tên Việt Cộng này lên quận ngay. Thằng này là một trong hai thằng đã tấn công đồn hôm trước. Thứ dữ. Lần này nhất định được lên lon.

Tôi thấy tội nghiệp anh Năm Hòa quá. Anh bị bịt kín mắt, im lặng như cục đất. Nhưng cơ mặt anh căng lên, đanh lại. Con người ta ở giây phút quyết liệt này phải chọn lưạ một thái độ sống. Một là làm thân giun dế bị chà đạp để được ôm ấp vợ con, hai là chết cho một lý tưởng đã chọn lưạ. Chắc anh đau lòng lắm khi nghe tiếng chị Năm đang quyết liệt đòi chồng và tiếng khóc thét của hai đưá con. Tôi cắn chặt môi kềm giữ lòng mình không cho nước mắt ứa ra. Tôi gọi to : anh Năm..anh Năm. Cảm giác rưng rưng trào dâng trong lòng. Tôi thương anh, con người hiền lành, con người của đồng nước, ruộng lúa và lam lũ nắng mưa. Một người lính giương súng bắn chỉ thiên hăm doạ. Lính đồn sợ dân kéo tới đông, không có lợi. Trên bờ, chị Năm đã lạc giọng, nghe vô cùng thảm thiết. Hai đưá con nhỏ ôm lấy chân mẹ, khóc thét lên. Chúng nhìn theo chiếc ghe chở ba chúng qua sông mà chẳng hiểu điều gì.

Hai người trong xóm đỡ lấy chị Năm và an ủi:
_ Chỉ vài ngày là ảnh về thôi. Ảnh đâu có làm gì.
_ Anh đâu có là Việt Cộng, mà nếu là Việt cộng như ảnh thì làm gì có tội.
_ Ừa, tối ngày ảnh lo mần ăn, nuôi vợ nuôi con, nghĩa tình với xóm làng, ai bắt tội ảnh được.

Chiếc ghe tam bản chở anh Năm Hòa đã ra đến giữa sông, chỗ có ánh sáng lấp lánh chói lọi. Sóng lan tỏa như những vòng hào quang. Con thuyền cũng trở nên rực rỡ. Người đứng trên bờ nhìn thấy con thuyền lấp lánh giữa những vòng ánh sáng. Con thuyền bỗng quay ngang vì trôi vào một xoáy nước. Bỗng mọi người đồng thanh kêu lên “ kìa ‘. Anh Năm Hòa bất chợt đứng bật dậy, chân đạp mạnh vào mạn thuyền rồi phóng xuống sông. Chiếc thuyền chao nghiêng, lật úp tức khắc. Bọn lính lóp ngóp trồi thụp trên sông. Hai đưá kè anh Năm chìm nghỉm. Vài đưá bơi được vào bờ. Những đưá khác trôi theo dòng nước, chấp chới được vài giây rồi chìm. Chân lính đi giày, người đầy súng đạn, làm sao chống lại được sức mạnh giòng nước cuốn. Anh Năm bắt họ đi theo. Trong khỏanh khắc, mặt sông trở lại yên tĩnh. Những vầng hào quang vẫn còn ngời lên chỗ chiếc thuyền bị nhấn chìm. Anh Hòa cùng với chiếc khạp đã trở về với sông nước quê mình.

Những ngày sau đó, gia đình anh Năm Hòa thật thảm hại. Chiều chiều chị đứng ở bờ sông nhìn ra chỗ sóng nước lấp lánh. Bóng anh vẫn chói lọi trong tư thế nhấn chìm con thuyền. Những vòng hào quang tỏa ra mãi bên tượng đài ấy. Chị Năm bị lính đồn tra hỏi liên tục. Cả xóm lặng đi, ai cũng ngầm chia sẻ nỗi đau với chị. Người ta thấy mất mát một cái gì lớn lắm. Nhưng tất cả chôn kín trong lòng những gì mình thấy, mình biết, không ai hở ra một lời than vãn. Tiếng ru con của chị Năm Hòa trở nên u uất hơn mọi khi.

” Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay “.

Thời gian sau đó chiến tranh ngày một quyết liệt. Tôi lên Saigòn học. Rất lâu không có dịp về quê. Nghe nói chị Năm Hòa đã về ngọai ở miệt Đồng Tháp. Sau 30/4/1975, tôi mới biết những người xóm quê tôi ngày xưa tất cả đều là Việt Cộng. Tôi khâm phục sự âm thầm chịu đựng của họ. Sức mạnh của họ là sức mạnh của đất và của nước. Cách Mạng thành công được là nhờ ở những con người chân chất kiên định ấy. Bây giờ họ lại sống đời sống ruộng đồng sông nước như ngày nào. Tâm hồn họ hồn hậu như con nước phù sa.

Còn tôi, nghe lời ông già, tôi đi học Sư Phạm. Ra trường, tôi về dạy ở một vùng quê. Mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng đó là cái nghề có thể để đức cho mình và cho con cháu. Ở đời, sợ nhất là sự thất đức. Ác giả ác báo. Tai họa khôn lường. Ông già tôi bảo vậy. Trước giải phóng, thằng em tôi bảo, sao anh ngu vậy, có học như anh sao không đi sĩ quan, có lính escorter, các em gái hậu phương hò hẹn. Làm thầy giáo quèn, chỉ có ăn phấn vụn. Nó có ý coi thường tôi ra mặt. Sau giải phóng, thấy lính Sài gòn đi học tập cải tạo hết, thằng em tôi lại bảo , anh hay thiệt, anh mà đi sĩ quan thì giờ bóc lịch mút chỉ rồi .Tôi bảo, sao mày không bảo anh mày ngu nữa đi. Tôi nhớ lời ông già bảo, giữ lấy cái đức làm người. Chẳng biết thế nào là khôn với dại.

* * *

Những năm 1990…
Hội đồng chấm thi Tú Tài kỳ II được đặt ở một trường trung học. Chánh chủ khảo là ông trưởng Phòng Phổ Thông. Bốn vị Hiệu Trưởng bốn trường lớn trong tỉnh làm 4 phó chủ tịch. Thư ký và tổ trưởng là nhân viên phòng Phổ Thông và giáo viên từ các trường ở Huyện lên. Thời ấy Tú Tài chỉ thi 4 môn.

Thư ký và tổ trưởng đang cắt phách bài thi. Bài cắt phách xong được đem sang phòng chủ tịch lấy mã . Các phó chủ tịch vào mã rồi thư ký sao lại. Bộ máy làm thi chuyên nghiệp chạy rất đều tay. Họ là một ê kíp đã làm hội đồng chấm nhiều năm, hơn nữa, là những người được Sở tin tưởng về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ tổ chức chấm thi đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao.

Cán bộ Hội đồng Chấm mỗi người mỗi vẻ. Người nào cũng có tài riêng, nhưng họ giống nhau ở một điểm là hợp “ rơ “ với nhau, nên làm việc rất ăn ý. Chủ tịch Hội Đồng là người nhỏ con, tuy còn trẻ nhưng tóc bạc trắng . Ông rất nguyên tắc và rất kín nhẽ trong làm việc.Tuy nhiên, có đưá xấu mồm xấu miệng bảo ông là thằng gian hiểm. Ông đã từng làm cho nhiều hiệu trưởng phải lãnh án kỷ luật. Một thầy giáo già có uy tín với Sở, chỉ vì chống lại ông, đã được nghỉ hưu sớm, sau đó qua đời trong tức tửi . Một phó Giám Đốc Sở đối đầu với ông, cũng bị ông đánh văng khỏi Sở. Trớ trêu là vị ấy lại sang làm ở bên Ủy Ban Tỉnh, trên quyền ông. Ông có một cơ ngơi đồ sộ. Người ta bảo, điạ vị của ông đã cho ông nhiều cơ hội. Lúc ở ngòai Bắc mới vào, ông hai bàn tay trắng.

Phó chủ tịch (PCT) bộ môn Tóan người cao to, hơi đen, bụng phệ, đầu múp, trông giống một võ sĩ quyền Anh. Mắt ông lờ đờ, đôi tròng ngơ ngơ, vẻ bất cần đời. Trông vậy thôi, những lúc chơi bóng bàn, ông còn phong độ chán. Những cú phát bóng, trả bóng nhanh và hiểm hóc. Ông là giáo viên dạy Tóan nổi tiếng. Học trò học cours Tóan với ông kín nhà. Sáng, chiều, tối lúc nào cũng nườm nượp. Ông còn có chi viện của thân nhân ở nước ngòai nên phong cách sống như Việt Kiều. Áo hàng hiệu, hoa lá chim cò, nước hoa thơm phức. Ông cũng làm ăn, nhưng ăn lớn.

PCT môn tiếng Anh là người nhỏ con, hơi choắt, nhưng là một tay “ nổ “ khiếp, phét lác có hạng, một tay chơi thứ thiệt, một tay “ làm ăn “ trình độ. “ Gà “ của ông là con nhà giàu, và con nhà có thế lực. Ông nổi tiếng ở tất cả những nhà hàng trong tỉnh về cái khỏan chịu chơi, chơi như Tây. Ông cũng là một tay dạy cours có đông học sinh và có Dolla nước ngoài gửi về. Cũng quần áo hàng hiệu, hoa lá chim cò, nước hoa ngào ngạt. Ông hút thuốc liên tục, túi áo lúc nào cũng có gói ba số.

PCT môn Văn là một người tầm thứớc, ngăm ngăm, vuông vức. Tóc húi court kiểu móng lừa. Ông ưa nịnh và hay tỏ oai quyền với đàn em. Mặt lúc nào cũng đỏ như đang giận ai. Tuy vậy, ông luôn biết né không để đụng chạm với cấp trên. Nhờ thế cái ghế của ông khá vững. Đi đâu ông cũng cắp cái cặp to bè.Tất cả các phi vụ thi cử đều chứa trong cái cặp ấy. Ông cũng là tay làm ăn có máu mặt. Buổi tối ông thường đến phòng chấm để tiếp xúc với tổ trưởng về những ca cấp cứu cần làm. Gà qué được chăm sóc kỹ lưỡng. Hôm sau, tại phòng chấm, ông tỏ ra rất khách quan trước mặt mọi người. Các giáo viên thân tín, thường được ông gửi một danh sách các mã bài chấm để xin điểm. Chuyện có qua có lại, ông đâu có mất gì. Ông để cho họ tìm bài thỏai mái.

PCT môn Vật Lý cũng là một người to con tốt tướng, trông mũm mĩm và hiền lành như gà trống thiến. Ông rất nguyên tắc và cũng rất thỏai mái. Luôn đẹp lòng lãnh đạo. Cấp trên nhờ việc gì, ông làm chu tất. Ở ông chẳng có gì đáng chê trách, chỉ mỗi tội đào hoa. Các cô ở trường mê ông như điếu đổ mặc dù vợ ông cũng dạy cùng trường. Những khi có nhiều cô vây quanh, ông có vẻ rụt rè. Không phải ông e ngại vì sợ các cô nhờ vả, mà vì vợ ông hay xuất hiện bất ngờ. Mụ hay làm toáng lên.

Từng ấy con người gặp nhau. Họ thân thiện như tri kỷ.Tri kỷ trong cách làm ăn và tri kỷ trong cách ăn chơi. Họ công khai trao đổi về những trường hợp cần phải làm mọi cách cho gà của mình đỗ. Bởi vì đó là con các quan chức, những đối tượng có quan hệ, và cả những “ con gà đẻ trứng vàng“ của mỗi người. Dù chánh chủ khảo có giữ kín mật mã, thì các phó chủ tịch vẫn tìm được bài. Bởi vì trước khi bài được cắt phách, họ đã bí mật đánh dấu rồi. Sau đó tìm bài dễ dàng, và đưa cho cặp giáo viên thân tín chấm. Ngay cả khi thanh tra chấm có vô tình tìm thấy một con điểm vô lý, chẳng hạn bài đáng ba, nhưng cho bảy, thì tổ trưởng sẽ rỉ tai xin thanh tra , thưa đây là trường hơp con ông giám đốc này, cháu ông chủ tịch kia, thanh tra hiểu ra, vui vẻ ngay.Với lại ai cũng hiểu, cho tổ chức thi kỳ II, Bộ đã bật đèn xanh cho đậu tất. Ấy là một cách an dân. Hội đồng chấm cứ “ đãi cát tìm vàng “, tìm mọi cách cho học sinh đậu, Những “ con gà” cũng được hưởng “ chế độ ăn theo “ .

Lúc này đã hơn 11 giờ trưa. Có bóng một chiếc xe con đỗ ở ngòai cổng. Rồi người bảo vệ mở cổng cho chiếc xe ấy chạy vào trong sân.

PCT Toán bảo :
_ Tay Giám đốc ComBank đến, chắc anh em mình có độ.

PCT tiếng Anh săn đón ngay:
_ Con hắn có đậu Đại Học không mà có độ ?
_ Có, nghe tin đậu những ba bốn trường Đai Học.

PCT Vật Lý bình luận :
_ Có gì mà thằng chả không lo được. Hôm thi Tú tài kỳ I, mình đã lo cho con chả cả 4 môn. Còn thi Đại học, với chức Giám đốc, chả lo thế nào chẳng xong. Có tiền thì cửa nào cũng qua tuốt. Tú Tài mới khó, còn Đại học, khối anh không học mà cũng có hai ba bằng đỏ hẳn hoi.

PCT Tóan nhận định :
_ Dù sao hắn cũng biết luật chơi. Hôm con hắn thi Tú Tài có kết quả, tay bắt mặt mừng, hắn xỏ vào tay các ân nhân của con, mỗi người một chiếc nhẫn vàng óng, chưa kể quà cáp tận nhà và một cuộc mời đi chơi. Hắn còn hẹn, nếu con hắn đậu Đại Học, hắn sẽ đãi các thầy một chầu tươi mát nữa.

PCT Văn :
_ Có độ nhớ kêu tớ. Các cậu dạy Tóan, Lý, Hóa, Anh Văn độ xơi không hết. Tớ dạy Văn chẳng nước nôi gì. Văn là cái môn không cần học, cứ nói chính trị cho đầy trang cũng đủ điểm đậu. Nhưng mà này, nếu“gà” của các cậu bị toi vì môn Văn, thì vô phương. Chỉ có tớ mới có thuốc tiên. Nhớ đấy.

Vị Giám đốc Combank là một người hơi thấp nhưng đầy đặn và có dáng quan chức. Ông vào cơ quan như chỗ không người . Vừa vào vào đến cửa, ông ta đã oang oang, chẳng coi ai ra gì. Mặc dù ở đây cấm người lạ vào phòng lãnh đạo hội đồng thi :

_ Chào các thầy. Xin báo với các thầy thằng cháu nhà tôi mới có tin đậu được hai trường Đại Học, còn một trường nữa chưa báo, nhưng chắc chắn là đậu. Cháu bảo làm được bài, lại có người giúp đỡ tận tình. Giữ đúng lới hứa với quý thầy, mạo muội vào chỗ lãnh đạo hội đồng chấm đang làm việc, tôi mời tất cả quý thầy đi uống nước với tôi, để mừng cho cháu và cũng để có dịp cho tôi được tỏ lòng biết ơn quý thầy. Thứ Bảy tới cháu mới chính thức tổ chức tiệc mừng tại nhà hàng. Tôi sẽ gửi thiệp mời tới quý thầy sau. Còn bây giờ, cũng đã tới giờ nghỉ, xin mời tất cả lên xe tôi, mình đi uống nước thư giãn một chút, chiều sẽ lại làm việc. Chẳng mấy khi gặp được đông đủ thế này. Tôi xin mời tất, lạ cũng như quen, đều là chỗ thân tình cả.

Dĩ nhiên là mọi người vui vẻ nhận lời ngay. Chúng tôi lên xe đến một nhà hàng sang trong tỉnh. Vị Giám đốc chọn một phòng riêng kín đáo. Mọi người có vẻ như đã rất quen nơi này.Tôi là dân quê ở huyện lên, lại chưa đến nhà hàng bao giờ nên lóng nga lóng ngóng, vụng về đến cả đường đi nước bước, thôi thì cứ đi theo các anh ấy. Họ làm sao thì mình làm vậy. Tôi học cái tư thế ngồi sao cho sang , bắt chước các anh ấy đập khăn lau cho thật nổ, rồi lôi cái khăn ra tập lau mặt cho điệu nghệ. Khó nhất là học cách lịch sự với các em, vì xưa nay tôi là kẻ nhát phụ nữ, vào chốn sang trọng này chỉ sợ các em chê nhà quê thì không biết trốn vào cỗ nào cho đỡ ngượng. Trong khi mời mọi người an vị, Giám Đốc ComBank nói oang oang :

_ Này, các thầy cho phép tôi gọi là anh cho thân mật, nghen. Chúng ta cởi cái áo xã hội để ở ngòai phòng. Các anh vào đây là thoải mái, vô tư ! là sống với con người thật của mình. Con người ấy lâu nay bị cái áo xã hội che khuất. Cũng nên sống thật với mình một tí chứ. Mình đóng kịch với thiên hạ thôi. Chả nhẽ đóng kịch cả với mình! Có gì không phải các anh bỏ quá cho. Vào đây là phải vui, vui không giới hạn, vui mà giới hạn thì còn gì là vui. Không bận tâm đến công việc nữa. Thư giãn một chút có chết chóc gì. Các anh cứ tự nhiên, nghen.

Nghe ông ta nói, tôi hơi chột dạ. Bỏ cái áo xã hội ở ngòai phòng, thế nghĩa là, chỉ còn lại con người trần trụi vào đây. K.Marx bảo : “con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Tôi đã nghe ra rả câu này trong những đợt học chính trị. Nghiã là, giá trị của con người là giá trị xã hội. Vào đây làm con người trần trụi quả là một ý tưởng mới lạ. Ông ta nói thật hay đùa vậy ? Có lẽ là đùa vui cho các bậc mô phạm đỡ ngại ngùng khi đến chỗ ăn chơi này chăng? Tôi tự phòng thủ theo bản năng nghề nghiệp. Lòng thầm hỏi không biết sẽ có những trò gì.

Bồi bàn chạy lăng xăng. Bia Tiger được mang ra trước. Chỉ có hai em phục vụ nên hơi chậm. Tay Giám đốc chủ xị có vẻ không bằng lòng, hắn gọi chủ nhà hàng. Chập sau xuất hiện gần chục cô, trẻ trung , trang điểm bắt mắt, áo dài xanh lạt rất lịch sự. Ban văn nghệ gồm một em khá xinh với một tay đệm đàn. Trông cậu ta có vẻ lạc lõng, vô duyên đến tội nghiệp. Ở cái nơi người ta chỉ cần tiếp viên nữ phục vụ, cần kín đáo riêng tư, lại có một anh đực rựa chình ình ra đấy, thật dở hơi không chịu được. Dẫu sao tiếng đàn của cậu ta cũng giúp cho các giọng các cô đỡ trơ trẽn , và khách cũng có dịp để nhịp nhịp theo trong khi chờ đem thức ăn lên.

Nhưng chẳng ai bận tâm đến chuyện hát hỏng, dù các cô đã thay phiên nhau hát những bài rất “ sến “, rất “ mùi “, rất ư là sướt mướt. Người ta đến đây không phải là để nghe hát, mà để tranh thủ ngấu nghiến các món tươi sống. Dù sao thì cũng phải từ từ, không vồ vập được. Đầu tiên là uống bia cho đỡ khát, thầy giáo quèn mấy khi được uống Tiger thỏai mái, cứ dô! sau đó là nhét cho đầy cái dạ dày bằng những món ngon. Cũng phải cụng ly chúc mừng chủ xị cho phải phép. Rồi sau đó có muốn rôm rả văn nghệ văn gừng gì thì tính.

Sau khi hát một bài rất mùi, Ngọc Hạnh ngồi xuống cạnh tay giám đốc. Hắn chòang vai, kéo cô vào lòng và hôn cô đánh chụt một cái :

_ Cưng của qua hôm nay hát rất hay. Đây qua thưởng cho cưng.

Hắn cho tay vào túi quần móc ra một xấp, tòan là giấy xanh, loại năm mươi ngàn đồng (*), để trên bàn trước mặt Ngọc Hạnh. Nhưng cô có vẻ thờ ơ. Những cô khác chăm chăm vào xấp tiền còn nguyên niêm ngân hàng, có vẻ thèm thuồng. Cô nào cũng xin anh Giám đốc cho mình được hát phục vụ. Tôi nhìn xấp tiền, có lẽ bằng mấy tháng lương của mình. Giá trị của một thầy giáo thật vô nghiã ở chốn này. Tôi bỗng thấy tủi thân làm sao ấy, và hối hận đã lỡ bước đến nơi chốn không phải của mình.

Tay giám đốc nói :
_ Các em cứ phục vụ tốt các anh đây, qua sẽ thưởng. Các anh đây đều là chỗ rất thân của qua.

Sau cái lệnh đầy hơi tiền ấy, các cô đều ôm lấy cổ thực khách mà hôn, mà nâng bia, mà gắp đồ ăn bỏ vào miệng cho khách, và phô trương tất cả kỹ năng nghề nghiệp của mình. Còn thực khách bây giờ quả đã là những con người trần trụi.

PCT tiếng Anh chơi bạo ngay tại bàn tiệc. Hắn đè ngửa cô tiếp viên trong lòng hắn và thọc tay vào trong quần con bé. Con bé cố ôm lấy cổ nó, nghiêng người để che đi sự thô tục và che cái mặt đỏ như gấc. PCT Tóan có vẻ văn nghệ hơn, hắn chỉ vuốt, chỉ bóp những chỗ gợi cảm trên người cô gái, rồi lại ăn, lại uống. Cái khổ người kềnh càng nặng nề của ông ta dù có điệu nghệ cũng không che dấu đựơc sự thô vụng. Tay Chủ Tịch chỉ hôn hít sơ sơ, gọi là cho có lễ với chủ xị, của ngon được mời, chẳng lẽ không nhúng đũa. Hắn biết các cô ở đây là một ổ Sida. Hắn còn yêu đời, chẳng dại gì mang cái án tử 10 năm. Với lại cũng phải tỏ ra không đến nỗi đói ăn khát uống món thịt tươi sống, giữ thể diện với tay Giám Đốc chứ. PCT Văn tỏ ra ngượng ngập (dân A chi viện mới vào được vài năm). Có lẽ hắn chưa được ai truyền thụ cho cái cách thưởng thức thịt sống bao giờ. Cô gái ngồi bên cạnh cứ đẩy hắn ra. Anh không biết hôn à? Sao cái miệng anh hôi thuốc lào quá vậy ? Trời ơi, cái tay anh cứng như gọng kềm vậy ai chịu đời cho thấu, làm gì cũng phải nhẹ nhẹ một chút, em đâu phải là con mèo nhồi bông.

Ấy, tất cả đã bị cuốn vào cái vòng thỏai mái như vậy. Thầy thứ ký và các tổ trưởng thấy sếp trần trụi thì cũng diễn trò hoang dã đủ kiểu. Không chỉ thưởng thức một mình mà còn biểu diễn những đẳng cấp hơn người. Tay Hiệu phó đeo kính đen, ngày thường rất đạo mạo, một tấm gương sáng cho học trò, vào đây hắn chơi tục đến buồn mửa. Con bé tiếp viên bị hắn lôi ngay vào phòng toilet. Hắn hất ngược vạt áo dài trước lên vai cô rồi kéo quần, dí vào bờ tường làm tình. Con bé bị vùi giập tơi tả. Như một con chó bị dìm nước ướt sũng lông, thấy mà tội nghiệp. Cửa phòng toilet mở toang. Người ra vào toilet xả nước, nhìn hắn lắc đầu. Có người nhổ bẹt một bãi nước bọt vào người hắn. Nhưng hắn còn đang mải mê, không kịp phản ứng. Xong việc, hắn trở lại bàn, trơ tráo nhìn mọi người. Lát sau, hắn đã ngoẹo đầu xuống thành ghế ngáy khò.

Ngọc Hạnh ngồi bên cạnh tay Giám Đốc có vẻ an tòan hơn. Cô chỉ rót bia và gắp thức ăn cho hắn. Khuôn mặt cô lạnh trơ, vô cảm. Đôi mắt mở to xa xăm. Có lẽ cô đã quá quen với cái cảnh thô bỉ như thế này của những kẻ có tiền.

Tôi hỏi:
_Em làm ở đây lâu chưa ?
_ Em chạy sô. Nhà hàng có khách, cho gọi, thì em đến hát.
_ Em không phải tiếp viên của nhà hàng à?
_ Không .
_ Có sống được không ?
_ Cũng tùy thôi anh. Nều khách boa nhiều thì cũng sống được. Em không làm công việc
phục vụ nên có khi hát khan cả giọng cũng chỉ kiếm được vài chục.
_ Quê em ở đây à?
_ Em ở mãi tận miền tây lận, vùng Kiên Giang đó, anh biết không ?
_ Mãi miền tây, sao em lên tới đây được ?
_ Lúc trước em có theo một gánh hát, sau gánh hát rã đám, có người giới thiệu em lên đây.
_ Nếu gặp khách quậy thì sao?
_ Dạ , ăn thua do mình thôi à. Với lại, em phải cố gắng giữ gìn để còn có chỗ làm , kiếm tiền
gửi cho mẹ
_ Gia đình em ra sao ?
_ Bố em chết lâu rồi, lúc em còn nhỏ. Em chỉ nhớ mang máng thôi. Bố em bị lính Sàigòn bắt,
và chết trên sông.
_ Lúc trước anh cũng ở miền tây, bố em tên là gì ?
_ Năm Hòa.
_ Mẹ em giờ ra sao ?
_ Sau khi bố em chết, chúng nó làm dữ quá, mẹ đưa em về quê ngọai ở Đồng Tháp, lần hồi sống qua ngày. Một lần máy bay trực thăng Mỹ đi ruồng, chúng rượt du kích ở trên đồng. Má em trúng đạn, hư một mắt và bị thương ở chân. Giờ má yếu lắm, không còn làm gì được.

Tôi sững sờ . Không ngờ lại gặp Hạnh ở đây.Tôi kể cho Hạnh nghe tôi là chú Đức, ngày xưa sống gần nhà Hạnh. Lúc ấy Hạnh còn rất nhỏ. Hạnh ngạc nhiên và có vẻ sượng sùng.

_ Ủa, anh là chú Đức à, í quên, chú ! chú Đức giờ làm gì, sao ở đây?
_ Chú đi dạy học. Đang làm ở hội đồng chấm. Lãnh đạo Hội Đồng được ông Giám đốc mời đi giải khát, chú ăn theo thôi, lính lác mà, làm gì có tiền đến đây.Cũng chẳng dám sơ múi gì các cô tiếp viên, lấy tiền đâu mà boa!

_ Hèn gì, nãy giờ thấy chú ngồi ngó lơ. Cháu lại tưởng chú là tài xế của Giám Đốc. Chú thấy đó, ai đến đây cũng tích cực hưởng thụ. Chỉ có tụi cháu là… nhục lắm chú à.

Tôi thương con Hạnh. Lại thương anh Năm, con người hiền hòa. Tội nghiệp chị Năm, cả một đời phải sống trong thảm cảnh. Anh chị đâu biết con Hạnh giờ này thế nào.

Tay Giám đốc kéo Hạnh vào lòng ghì riết. Cô vùng dậy. Có lẽ cô biết có người cùng quê ngồi đây nên cố gắng giữ gìn chăng?

Hạnh lại cất tiếng hát , đó là một bài vọng cổ:
“Hò ơ … Gió đưa cây cải về trời
rau răm ở lại … ơ ờ ..
rau răm ở lại chịu lời ..ờ đắng cay ..
Ba ơi ! Giờ này ba đang ngậm cười nơi chín suối , còn con thì lạc lối .. i.. trên đời ..”

Chẳng có ai vỗ tay. Tất cả còn đang miệt mài hôn hít sau những cơn cuồng điên của con người trần trụi. Người ta chẳng hiểu là cô hát thật hay chỉ là một trò lừa mị để gợi lòng thương cảm của khách chơi.

Tôi không nghe tiếng hát của Ngọc Hạnh mà nghe tiếng ru của chị Năm. Giòng sông xưa lại hiện về. Những vòng ánh sáng cứ lan tỏa. Kìa, bóng anh Năm Hòa vụt đứng lên, đạp mạnh vào mạn thuyền, con thuyền lật úp tức khắc, những người lính Sàigòn đang chìm theo anh. Chị Năm gào lên thảm thiết. Con Hạnh ngơ ngác. Ánh sáng vẫn lấp lánh trên sông…Mắt tôi nhoà lệ. Tôi không còn kềm chế được lòng mình nữa, bất giác nghẹn ngào : anh Năm … anh Năm ơi…

Bùi Công Thuấn .1993

______________________________________________________
(*) Lúc ấy đồng 50 ngàn màu xanh là loại tiền có mệnh giá cao nhất, chưa có tiền giấy Polyester như bây giờ

(**) đã đăng trên VCV ngày 18/5/2010 :http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12873&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=743

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

TIẾNG KÈN SĂC-XÔ - truyện ngắn của Bùi Công Thuấn

TIẾNG KÈN SẮC- XÔ
Bùi Công Thuấn



Đó là mùa hè 1963. Tôi học lớp 7 tại một vùng quê miền Tây xa xôi. Nơi đây có những kinh rạch chằng chịt và vườn cây sai quả. Việc chèo ghe, cắt lúa, bắt cá thì tôi làm cái rẹt chẳng thua kém ai, còn việc học, tôi thường đội sổ. Trong học bạ tôi, môn học nào thầy cô cũng ghi yếu, từ tên xuống dưới yếu, yếu, kém ...Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình yếu kém như vậy. Đầu tôi âm u lắm. Những con Tóan, công thức Hóa học, những định lý Vật lý đối với tôi nó xa xăm như sao Hỏa. Tôi cứ tự hỏi học ba cái rắc rối ấy làm gì.

Cái tôi cần là làm sao mỗi ngày bắt được vài ký cá, có tiền xài , kiếm được ít lá khô để chụm bếp. Thế là đủ. Tôi mong nhất là mùa mưa lũ tháng bảy, nhà đừng dột, để quần áo mùng mền đừng bị ướt mem. Nước ngập mênh mông , mưa như trút nước, ngồi trong nhà mà như ở ngòai trơi thì khổ không biết chừng nào .Mùa lụt ngồi bó gối trên sàn nước, không biết lấy gì nấu cơm, rầu hết sức. Nhà nghèo, không than, không củi, tôi phải chèo ghe đi bứt từng tàu chuối khô về chụm. Ngày nắng ráo còn đỡ , ngày mưa thì đành nhịn đói. Có lẽ vì chỉ lo cái ăn, cái đói nên cái đầu tôi nó ngu chăng.
Suốt tuổi thơ, tôi chưa bao giờ được ăn no. Buổi sáng đi học, bà nội bảo, ăn nhiều chi cho nặng bụng , học nó ngu. Bưã tối, bà nội lại bảo, tối đi ngủ, ăn chi cho nặng bụng. Mỗi khi tôi lấy gạo nấu cơm, bà nội bắt đem rá gạo cho nội coi. Dù tôi đã tiết kiệm hết mức, nhưng nội cũng bốc lại một nắm gạo để phòng khi đói. Quanh năm suốt mùa chỉ có rau muống với mắm tôm bảy món .Thường là mắm gói lá chuối hấp nồi cơm. Rất tiện, cơm chín thì mắm cũng chín. Ngày nào ăn sang, bà nội cho thêm quả trứng. Cá câu được, không dám ăn. Nội bắt đem bán hết .

Sáng tinh mơ tôi đã ra vườn tưới rau. Chiều lại tưới, ngày gánh 400 đôi nước. Mùa lúa thì suốt ngày ngòai đồng, xạ lúa, nhổ cỏ, cấy dặm, bắt cào cào. Công việc không sao làm hết được. Ruộng lúa nhà tôi chừng sáu xào , bề ngang hẹp, dài 600 mét, nhìn mênh mông, lội bộ chân không từ đầu ruộng tới cuối ruộng cũng đứt hơi. Lúa chín thì còng lưng cắt, rồi gánh về chất thành đống. Sau tết, rãnh rỗi, mỗi ngày lôi ra đập ít bó. Cả việc sàng xảy, phơi luá, rê luá, chở lúa đi chà ở nhà máy, chỉ một mình tôi làm .

Nhờ thế mới chừng lớp bảy, việc gì tôi cũng rành. Mưa nắng làm cho người tôi đen mun, ánh lên màu nước phèn vàng ươm ở ruộng. Nếu lấy tay mà cào, da sẽ trắng bóc như có lớp phấn. Ở lớp, bọn con gái luôn nhìn cái cẳng lội ruộng của tôi mà cười. Tôi thấy nhột nhột .

Chẳng bao giờ mẹ cho tiền ăn quà.Thực ra cũng có, ấy là ngày đi thi. Mẹ cho một đồng. Năm hào đi xe lôi cho kịp giờ thi, ngày thường tôi chỉ đi bộ, năm hào ăn một ly chè đậu đỏ, để thi cho nó hên, cô bán chè ở cổng trường nói như vậy. Bọn con nhà giàu mỗi sáng chúng ăn một gói bánh kem sốp, có đến 5 đồng. Chúng nhai rốp rốp. Tôi thèm lắm, nhưng biết mình nghèo, quay mặt ngó lơ như không. Tôi không đòi cha mẹ bất cứ cái gì. Cả đến quần áo mặc, một năm cha tôi chỉ may cho một bộ duy nhất, cái quần đùi và chiếc áo sơ mi trắng vải thô để đi học. Ngày thường bà ba đen, quần xà lỏn vải thô. Ăn chắc mặc bền, bà nội tôi thường dạy vậy .

Tôi học ngu cũng phải. Suốt ngày ngòai đồng, chẳng học bài bao giờ. Tối đến mới thắp đèn dầu ngồi học. Ngọn đèn chỉ bằng hột đậu xanh. Ánh đèn tù mù. Chừng nửa giờ, tôi đã ngủ gục. Cha tôi bắt tắt đèn đi ngủ, học khuya tốn dầu. Bà nội bảo, hồi xưa, cha tôi không chịu học. Ồng trốn đi chơi. Sáng sáng , ổng cũng đi học như người ta, nhưng cuốn vở nhét vào bụi tre . Trưa về coi bộ ngon lành lắm. Tập vở trắng trợt. Cho đến khi nội biết chuyện thì đã muôn.

Cha tôi không qua khỏi lớp ba. Thế nên ổng không bao giờ dám la rầy tôi chuyện học hành , vì tôi học tới lớp 7 lận , nhờ thế cũng êm bụng.Trước mắt bà nội và cha, tôi là đứa ngoan, chịu khó làm lụng, chịu khó học hành, biết phận nghèo không đua đòi.Tôi cũng tự hào về mình .

Khổ nỗi, mỗi khi đến lớp, tôi lòi cái đuôi dốt ra, mắc cỡ hết sức.

Tôi dốt nhất là môn Nhạc. Gịong của tôi nó khàn khàn, chua chua như nước phèn dưới xình. Mỗi khi xướng âm, cổ tôi thóat ra những âm lơ lớ, ngang ngang, không sao bắt vào âm chuẩn của thầy được. Tôi xướng âm mà nghe như con gì nó kêu. Cả lớp cười bò. Thầy Thành nhăn mặt, lắc đầu. Tôi càng cố gắng lên giọng chừng nào, lớp càng cười chừng ấy. Dầu vậy, thầy Thành vẫn kiên nhẫn tập lại cho tôi hàng chục lần. Tôi chưa thấy ai kiên nhẫn như vậy.
Có lần tôi hỏi thầy:
_ Thưa thầy, học nhạc để làm gì ạ ?

Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, xem tôi có thể hiểu được những gì thầy sắp nói không . Giọng thầy ấm hơn mọi khi :
_ Học nhạc để làm gì à ! Em còn nhỏ , thầy khó nói cho em hiểu được. Này nha, lúc nhỏ mẹ ru em bằng gì ? Những bài hát ru chứ gì ! Âm nhạc đó. Em có thấy khi đưa người chết ra nghiã điạ , người nhà giàu còn thuê cả phường bát âm và ban kèn nữa. Ồn ào và rình rang, nhưng đó là Âm nhạc , nó làm cho đám ma trang trọng hơn . Sống hay chết, con người luôn gắn bó với Âm nhạc. Âm nhạc là linh hồn thanh khiết của cuộc sống, nó có sức mạnh lớn lắm, rồi em sẽ hiểu.

Nghe thầy nói, đầu tôi mơ hồ, vẫn chẳng hiểu học Nhạc để làm gì. Học nhạc, cùng lắm là để hát hò cho vui, âm nhạc làm gì có sức mạnh ghê gớm. Mấy cái anh đờn ca tài tử chỉ ngồi nhậu rồi đờn tưng tưng, có làm được gì ! Chắc thầy quan trọng hóa thôi. Ông thầy nào cũng cho môn học của mình là nhất. Tôi chỉ biết một điều là tôi rất khổ sở với môn Nhạc. Bảo tôi xuống đìa bắt cá , hay leo dừa bẻ trái lấy nước uống chơi, tôi làm trong nháy mắt. Việc xướng âm, quả thực là quá sức mình.

Có điều tôi rất thích thầy Thành. Thầy hiền hòa, điềm đạm, vui tính và đào hoa nữa, mặc dù tôi chẳng hiểu đào hoa là gì, người ta bảo vậy. Dường như thầy cũng dành cho tôi nhiều cảm tình thì phải. Đôi mắt thầy rất sáng, nhưng u ẩn. Có một sức mạnh tiềm tàng và một chân trời rất xa trong đôi mắt ấy...Thầy thổi kèn Sắc xô rất hay. Tiếng kèn khoẻ và mượt. Làn hơi nhiễn và ngọt . Có khi nó mênh mang như gió cuốn ngoài đồng, lại có khi trầm lắng ầm ì như sóng ngầm muà nước lũ. Ấy là bây giờ tôi mới nhận ra tiếng kèn cuả thầy hay như vậy, chứ lúc ấy, tôi cứ ngẩn người ra mà nghe. Tôi rất thích cái dáng nghệ sĩ của thầy. Cái tư thế thầy đứng thổi kèn nó không giống cái dáng tôi lội ruộng cầm cuốc.

Tôi phục thầy lắm. Vì thầy thổi được cái kèn rất lạ. Cái cổ nó như cổ ngỗng. Mình nó có rất nhiều nút bấm, như nắp ve chai. Miệng kèn loe ra. Đã có lần tôi thò tay vào loa kèn. Bên trong chẳng có gì, vậy mà sao nó kêu được. Kèn đám ma chỉ là cái ống tre nhỏ, miệng loe bằng cái chén, chẳng có nút bấm nào, ai cũng thổi được. Chỉ cần rặn hơi, phùng mang thổ , là nó kêu, dễ ẹc.

Khi thầy thổi kèn, ngón tay thầy thoăn thoắt. Những cái nắp ve chai cứ chập vào rồi nhả ra liên tục. Thanh âm bay khắp đất trời. Tôi không thấy thầy ngắt lấy hơi bao giờ. Cái ấy mới tài ! Có lần thầy Thành cho tôi tập thổi. Tay tôi chẳng biết bấm làm sao. Tôi nắm chắc cây kèn, hít một hơi căng lồng ngực, lấy sức thổi. Cái kèn hét lên như ngỗng kêu.Tôi ôm bụng cười, chảy cả nước miếng. Ở thôn quê người ta nuôi ngỗng để trông nhà. Có người lạ, ngỗng hét lên inh ỏi. Tôi không hiểu sao cái kèn cũng hét được như ngỗng . Thầy Thành bảo, ngày xưa khi thầy mới tập thổi, nó cũng kêu như vậy. Thầy còn bảo, mai mốt thầy sẽ tập cho tôi. Tôi thích lắm. Nhưng nói thực tình, tôi còn mắc lội ruộng .

* * *

Tối nay trường tổ chức văn nghệ cuối năm và phát thưởng. Nghe đâu có cả quận trưởng đến dự. Trường tôi nằm ngay mặt lộ, cách dinh quận chừng cây số. Sát bên trường là một con rạch. Con lộ vắt qua rạch chạy về tỉnh. Ngồi trong phòng học, chúng tôi có thể nhìn xuống rach coi người ta bơi thuyền, bán cá, bán rau. Những ngày nghỉ học, bọn học trò chúng tôi thường đứng trên lộ nhảy xuống cống rạch tắm , rồi bơi ra sông. Ở vùng quê này, bọn học trò coi trường là nhà, coi sông rạch là nguồn vui. Tắm sông là cơm bữa, nhưng tắm một mình không thích. Phải đông, thi nhau nhảy, thi nhau lặn hụp, thi nhau bơi, cả thi nhau mò bắt cá mới thích. Ngồi học nhưng cái đầu chúng tôi ở dưới rạch, cứ bị thầy cô la hòai.

Cả trường nhộn nhịp ngay từ sáng sớm, hàng phố cũng nô nức chờ xem. Ở vùng quê, rất hiếm có diễn văn nghệ. Người dân quê chẳng có gì vui chơi, nên hễ có gánh hát về, hoặc trường làm văn nghệ là người ta đi coi rất đông. Họ vừa coi văn nghệ vừa hãnh diện vì có con em mình diễn . Cải lương thì quen rồi. Nghe tân nhạc và xem múa nó mới lạ hơn, nó tân thời hơn.

Thầy Thành gọi tôi đến giúp thầy chuẩn bị sân khấu, nối giây điện, căng màn và trang trí. Thầy Thành cắt chữ và những hình ngộ ngộ.Thầy chỉ cho tôi cách dán trên phông màn.Thầy Thành giỏi thật. Cái gì thầy cũng làm được.Thầy tập chương trình văn nghệ cả tuần nay, Thầy làm sân khấu rất đẹp. Thầy sắp xếp bọn học trò diễn văn nghệ đứng ngồi chỗ nào, ăn mặc kiểu gì, diễn làm sao.. Cái sân khấu là nơi hấp dẫn nhất.

Tôi phụ thầy, lúc trên sân khấu, lúc xuống phòng thầy lấy thêm đồ trang trí.

Lần đầu tôi được vào phòng riêng của thầy Thành. Đối với bọn con nít chúng tôi , phòng riêng thầy cô là chỗ rất linh thiêng , chỉ được quyền ngó vào thôi. Chỉ những học trò rất cưng , thầy cô mới cho vào. Tôi rất sung sướng.

Đó là căn phòng đơn sơ nhưng gọn ghẽ, ngăn nắp. Có bàn làm việc.Trên bàn có những cuốn sách dày cộm.Trên tường treo chiếc kèn. Một tấm màn che cái giường và chỗ treo quần áo. Phía sau phòng là một mái che, có một cái hỏa lò, một ấm nước, hai cái nồi, chắc nồi nấu cơm và thức ăn. Phía rạch có một bờ đá làm chỗ lên xuống tắm rửa. Ghe bán hàng thường tấp vào đó.

Hồi chiều, tôi thấy có hai phụ huynh chèo ghe, tấp vào bờ đá, rồi lên nhà thầy Thành. Họ xách theo hai giỏ cá. Chân còn dính xình, có lẽ họ mới lội dười đià bắt cá. Hôm nay là ngày cuối năm, họ đem tới biếu thầy ăn lấy thảo.

Ở đây, người dân quý thầy cô lắm. Mùa nào thức ấy. Có khi chục xòai tượng, có khi vài con ếch, có khi cây thuốc rê, có khi con cá lóc to, hoặc quầy chuối. Họ gọi là cây nhà lá vườn .Đám giỗ đám kỵ đều mời thầy. Ngày tết đều cho con tết thầy, dù chỉ là cái bánh chưng hay một đòn bánh tét. Chữ “ thầy“ với họ còn thiêng liêng lắm.” Không thầy đố mày làm nên” ông cha dạy vậy .Họ gửi gắm con em cho thầy. Người dân chân lấm tay bùn chỉ mong con em biết được mặt chữ là đủ.
Khi hai phụ huynh cáo từ , thầy Thành mời họ ở lại coi văn nghệ. Họ đứng nhìn sân khấu , lại nhìn ra sân . Họ lên con lộ nhìn tới nhìn lui. Chập sau, họ chèo ghe đi, họ bảo về cụ bị tối đi coi văn nghệ. Hôm nào có cá lớn sẽ đem biếu thầy. Sau khi họ đi khỏi, thầy Thành bảo tôi :

_ Tối nay thầy nhờ em chút việc có được không ?
_Dạ , được.

Buổi tối , sân trường đông nghẹt người. Bọn học sinh reo hò bằng thích. Đồng bào các nơi đổ về nô nức.Tiếng chào hỏi, tiếng gọi nhau í ới. Người ta nói chuyện oang oang. Nông dân mà. Người khoe có con diễn tối nay. Người khoe có con lãnh thưởng. Người khoe có nghe nói chương trình đêm nay đủ cả ca múa nhạc, sôm tụ lắm. Cái thích nhất là được ăn, được mặc, được đi chơi sau một ngày lội ruộng mần ăn, ai cũng vui vẻ.

Tôi được thầy Thành phân công kéo màn. Bọn con nít chúng tôi múa hát lung tung cả , nhưng bà con cứ vỗ tay đôm đốp.Cái hấp dẫn của đêm diễn chính là những cái ngây ngô trẻ con của chúng tôi. Đứng bên cánh gà kéo màn , lâu lâu tôi lại thò cổ ra nhìn xuống sân, là để tụi bạn và bà con thấy mặt. Có tiếng la :

_ Thằng Tâm kìa.Thằng Tâm ! Tâm ơi…

Tôi thụt cổ vào ngay, sướng như điên.

Thầy Thành xoa đầu tôi bảo đừng làm thế , mất trật tự .Trông thầy vừa vui, vừa trang nghiêm. Nhưng mắt thầy rất sáng, nhất là từ lúc có quận trưởng đến. Chắc là diễn cho cấp trên coi làm thầy hãnh diện chăng. Chúng tôi chẳng bận tâm điều ấy. Quận trưởng là cái ông nào, trong đám đông đêm nay, mọi người như nhau, cùng coi văn nghệ , coi chúng tôi diễn. Chúng tôi mới là nhân vật chính. Thầy Thành mới là linh hồn của buổi diễn. Tôi hãnh diện về thầy và làm theo lời thầy .

Gần cuối chương trình, quận trưởng lên sân khấu phát biểu ba hoa về thành tích diệt cộng trong trận càn vừa rồi. Sân trường nhốn nháo. Có tiếng chửi thề. Người ta đến đây là để xem văn nghệ, đâu để nghe tuyên truyền.
Tôi thóang thấy hai phụ huynh hồi chiều đến gần sân khấu.Thầy Thành khều tôi nói nhỏ. Tôi lập tức lẻn ra sau. Không có ai chú ý. Sân trường càng ồn ào hơn. Tên quận trưởng cứ nói , chẳng ai thèm nghe ,.. Tôi đến bên dao điện, giật cái cầu chì quăng đi. Rồi chuồn ra phía trước lập tức. Sân trường tối thui, phía sân khấu có tiếng nổ lớn .

Có tiếng la của cảnh sát:
_ Việt công liệng lựu đạn, nằm xuống.

Chẳng nhìn thấy gì. Sau tiếng nổ, sân trường im ắng quá . Người ta nằm đè lên nhau. Một chập sau mới có tiếng ồn ào.

Người đứng phiá ngòai chạy dạt lên con lộ. Tiếng súng lên đạn lách cách và tiếng chân chạy rầm rập . Cảnh sát lo bảo vệ tên quận trưởng. Tiếng xe Deep rồ máy, de nhanh ra lộ vụt đi. Hai ánh chớp sáng ngời , rồi ánh lửa vàng , đỏ rực lên. Hai tiếng nổ liên tiếp, long trời, ở phía cây cầu vắt ngang rạch. Trong khói và lưả đỏ rực ấy, tôi thấy, chiếc xe Deep bị hất tung lên. Có tiếng cảnh sát la ;
_ Xe quận trưởng trúng mìn rồi…nằm xuống.

Nghe tiếng hô trúng mìn , người ta nằm sát đất, nín thở, chờ đợi những tiếng nổ tiếp theo. Chạy lúc này là ăn đạn. Tiếng súng bắn qua bắn lại trên lộ và phía ruộng rất rát.

Bỗng có tiếng kèn Sắc xô trỗi lên từ phía sân khấu. Tiếng kèn rất hùng tráng , bài Giải Phóng Miền Nam .Mọi người ngóc đầu dậy hướng về phía tiếng kèn. Tất cả đều lạ lùng và hồi hộp. Ai biểu diễn văn nghệ giờ này ? Có ánh đèn pin quét về phía sân khấu. Ô kìa . Một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh và ngôi sao vàng treo trên phông màn sân khấu tự bao giờ . Thầy Thành đang đứng trước lá cờ ấy, thổi hết sức mình. Tiếng kèn vang rất xa.Trông thầy oai phong dũng mãnh làm sao. Đạn bay chíu chíu về phía thầy Thành. Tiếng kèn vẫn thúc giục rộn rã. Lại có ánh chớp và tiếng nổ ở ngòai lộ.Tiếng lựu đạn nổ rất đanh . Có tiếng hô rất quyết liệt : “ Xung … phong ‘. Tôi nghe đúng là tiếng của người phụ huynh hồi chiều .Tiếng súng bây giờ giòn giã hơn ở phía ruộng. Bọn cảnh sát dạt ra.

Tiếng kèn im bặt .Tôi nằm nín thở . Không biết thầy Thành có sao không. Bỗng có bàn tay xoa trên đầu tôi.Tiếng nói rất nhỏ và ân hoan:

_ Tâm. em khá lắm. Ở lại học giỏi, thầy đi đây. Thầy sẽ gặp lại em.

Trong bóng đêm nhấp nhóang , tôi vừa kịp nhận ra dáng thầy Thành, vai có đeo súng, bước chân băng tới trước.Tôi không biết thầy Thành đi đâu. Dường như thầy băng qua con rạch sau trường và lẫn vào đồng ruộng mênh mông .Tôi sung sướng và hồi hộp. Lần đầu tiên giúp thầy được một việc làm thầy vui

Tiếng súng im hẳn, người ta bò ra lộ, rồi tan vào bóng đêm rất nhanh . Chẳng ai dám lớ ngớ ở đây, sợ ăn đạn của bọn cảnh sát. Những cuộc tấn công của Việt Cộng lúc này xảy ra luôn, nên người ta cũng không còn lạ lùng mấy nữa.

Sáng hôm sau, người ta đến xem hiện trường rất đông. Sân trường còn vương vãi dép guốc, mũ nón nhưng không có ai bị thương. Lá cờ nửa đỏ, nửa xan , sao vàng vẫn còn treo trên sân khấu, xung quanh có nhiều lỗ đạn .

Có tiếng bàn tán:
_ Sao Việt Cộng lại tấn công vào nhà trường.
_ Tại có thằng quận trưởng ngồi đó. Họ đánh thằng quận trưởng .
_ Đánh thằng quận thì đánh vào đồn, vào dinh. Ở đây chết học trò thì sao ?
_Ngày thường nó ở trong lô cốt, bê tông dày cộm, lính tráng bu quanh ,
trung liên nó quạt như vãi thóc .
_ Việt Cộng ghê thiệt.

Bây giờ tôi mới biết hai vị phụ huynh đến gặp thầy Thành chiều qua là Việt cộng. Giỏ cá là giỏ đựng mìn. Con cá lớn là tên quận trưởng .Tiếng nổ lớn trên sân khấu chỉ là tiếng pháo đùng để lừa bọn cảnh sát .Trận địa ở trên lộ, chỗ chiếc cầu vắt qua con rạch. Việt cộng gài mìn, phục kích tên quận trưởng . Họ đánh trả trận càn vừa qua. Bọn cảnh sát nói thầy Thành cũng là Việt công.Vậy mà tôi không biết. Bây giờ thầy Thành đi đâu ?

* * *

Ba mươi năm sau tôi mới gặp lại thầy Thành.

Tôi đang đứng trong nghĩa trang tỉnh. Nắng lấp lánh trên lớp lớp ngôi mộ.Tôi tìm thấy mộ thầy Thành ở một góc khuất, một ngôi mộ cũ, không nhang khói. Trên bia mộ, có tấm hình của thầy năm xưa. Hình đã phai nhưng ánh mắt thầy vẫn rực sáng và u ẩn. Thầy đang nhìn thẳng vào tôi như ngày nào , ấm áp và nhân hậu . Tôi không ngờ gặp lại thầy nơi đây. Lưu lạc mấy chục năm, tôi mới có dịp về lại quê cũ. Mắt tôi rưng rưng nhòa lệ.

Bây giờ tôi đã hiểu học nhạc để làm gì, nhưng thầy Thành đã không còn trên cõi đời này nưã . Tôi muốn thổi một giai điệu Sắc -xô thật trữ tình để tâm sự với thầy. Nhưng tiếng kèn của tôi vẫn chỉ là tiếng ngỗng kêu.

Ở ngoài kia ồn ào và nhiều tiếng ngỗng kêu quá, thầy có buồn không ?


****************************************

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI BẠN ĐỌC - Bùi Công Thuấn

ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI BẠN ĐỌC TRẺ-Bùi Công Thuấn

KÍNH GỬI BẠN TRI ÂM



Những ngày gần đây, blog BCT có đưa thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, bài viết THƠ VIỆT, MỘT HÀNH TRÌNH CHƯA NGỪNG NGHỈ và NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ (đọc thơ Lưu Diệu Vân ). Bạn đọc đã có những phản đối mạnh mẽ.

Điều này là một tín hiệu vui, bởi bạn đọc đã đứng trên ý thức thẩm mỹ của văn hoá Việt có truyền thống văn hiến hàng ngàn năm, từ đó nhận ra những gì không phù hợp với cái đẹp Việt Nam, từ đó phản đối những gì là độc hại và có nguy cơ làm tha hoá người trẻ. Thái độ ấy thật quý gía, vì cuộc sống hôm nay, chủ nghiã thực dụng phương Tây đang làm sụp lở bao giá trị đẹp đẽ của văn hoá Việt

Một số tác giả hải ngoại (có cả trong nước)nhân danh Hậu Hiện Đại,không coi nghệ thuật là sự sáng tạo cái ĐẸP, họ đạp đổ những Đại Tự Sự, tức là những niềm tin chân lý, những giá trị thiêng liêng, những truyền thống văn hiến (sự đạp đổ ấy được gọi là "gỉai thiêng"); thay vào đó là sự lên ngôi của cái TỤC, cái DƠ, cái "đầu đường xó chợ". Họ chửi bới, chà đạp lên tất cả. Họ dùng những cách nói năng, mà một người VN bình thường, có văn hoá, trong giao tiếp cũng không sử dụng. Họ cho rằng ngôn ngữ không có từ sang từ hèn, không có từ thanh từ tục. Ngôn ngữ là bình đẳng, nên từ nào cũng như từ nào. Bạn đọc trong nước và các bạn trẻ có nền tảng văn hoá Việt đều không thể tiếp nhận được kiểu viết như vậy

Bởi thực chất đó là những quan điểm suy đồi về văn học nghệ thuật. Nghệ thuật, từ muôn thuở, là SỰ SÁNG TẠO CÁI ĐẸP. Khi lấy CÁI TỤC, CÁI DƠ, CÁI KHÔNG VĂN HOÁ làm đối tượng và chuẩn mực cho sáng tạo nghệ thuật thì người viết đã từ bỏ nghệ thuật rồi. Nguyễn Đăng Thường chủ trương làm một thứ "thơ không thơ, văn không văn", nhóm Mở Miệng cũng tuyên bố "không làm thơ ". Đúng như bạn Nguyễn Thị Bé nhận định: những cái đó không phải là "thơ". Rất may,ở trong nước, nhiều tác giả trẻ đang nỗ lực cách tân ngòi bút của mình bằng kỹ thuật Hậu Hiện Đại, nhưng vẫn giữ được ý thức thẩm mỹ truyền thống Việt.

Ngôn ngữ dùng để gọi tên sự vật,vì thế nó phản ánh sự vật, nó gợi trong đầu óc người nghe, người đọc về sự vật được định danh. Ngôn ngữ còn là công cụ tư duy, công cụ giao tiếp, là chất liệu sáng tạo nghệ thuật, nó là văn hoá. Bản thân vỏ chữ là bình đẳng. Nhưng nội hàm của chữ, tức là hiện thực nó phản ánh và ý thức về hiện thực ấy thì không bình đẳng. Trong hiện thực, cái DƠ, cái TỤC, cái ĐẸP là khác nhau, có giá trị khác nhau, không thể đứng bên nhau (hoa hồng không thể cắm trên bãi phân trâu, chưng trong phòng khách). Vì thế quan niệm cho rằng ngôn ngữ là bình đẳng chỉ là ý thức làm tha hoá ngôn ngữ, che dấu những mục đích riêng. Con người cần cái ĐẸP, và cũng chỉ con người mới có ý thức về cái ĐẸP, có ý thức làm đẹp. Văn học nghệ thuật chính là ý thức ấy, nó góp phần thăng hoa con người từ con người bản năng thành con người văn hoá. Tất cả những gì làm cho con người văn hoá trở lại con người bản năng đều là suy đồi. Văn học nghệ thuật luôn chống lại sự suy đồi.Hãy ngồi trong một phòng hoà nhạc và nghe Yanni trình tấu, bạn sẽ cảm nhận được giá trị tuyệt vời của cái đẹp. Cuộc sống trở nên thú vị biết bao

Văn hoá và ngôn ngữ của một dân tộc phản ánh sức sống, bản lĩnh và cốt cách của dân tộc ấy. Dân tộc này khác dân tộc kia chủ yếu là khác biệt văn hoá. Dân tộc VN sở dĩ tồn tại được trong 4000 năm lịch sử, là nhờ có một bản lĩnh văn hoá và ngôn ngữ giàu đẹp. Các thế hệ nhà thơ nhà văn luôn có ý thức làm cho ngôn ngữ ấy mỗi ngày mỗi giàu đẹp hơn (xin đọc lại Nguyễn Trãi,Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm...). Vì thế, việc làm tha hoá ngôn ngữ văn chương Việt thực chất là một khuynh hướng đi ngược với truyền thống, không thể chấp nhận được.

Những bài viết trên blog BCT có đề cập đến một số bài "thơ" của các tác giả hải ngoại, trước hết là để bạn đọc biết qua về những gì họ viết và cách họ viết. (để biết rõ hơn văn học hải ngoại, xin đọc các bài viết của Thuỵ Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mộng Giác...). Quyền đánh giá hoàn toàn thuộc về bạn đọc. Người Việt trên khắp thế giới, dù ở đâu cũng thuộc về dân tộc Việt Nam (nếu trong huyết nhục họ còn những phẩm chất văn hoá Việt). Văn học nghệ thuật Việt trong nước là chính, nhưng trên thế giới, văn học nghệ thuật của người Việt cũng có những thành tựu và những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng đáng trân trọng.

Tuy vậy, trong sáng tác của tác giả hải ngoại, có nhiều khác biệt về văn hoá và ý thức thẩm mỹ đối với văn hoá và thẩm mỹ Việt trong nước. Có thể có những khoảng cách văn hoá không thể vượt qua. Dù sao, trong xu thế toàn cầu hoá, văn học nghệ thuật VN cần vươn ra thế giới, đồng thời chúng ta cũng cần biết và chấp nhận những cái khác biệt. Mọi tiếp thu, sáng tạo cái mới đều phải mang tính nhân văn, tính dân tộc sâu sắc. Có vậy VHNT Việt Nam mới có cơ may sánh vai với các nền VHNT tiến bộ trên thế giới.

Trên dòng sông văn chương, những cái RÁC, cái DƠ, cái TỤC, cái NHỐ NHĂNG, cái nổi lềnh bềnh, rồi sẽ bị cuốn trôi.

Với tư cách người viết phê bình văn chương, BCT cần tiếp cận với mọi khuynh hướng sáng tác. BCT đã sử dụng phương pháp phân tích của nhiều lý thuyết văn học khác nhau để tiếp cận tác phẩm. BCT trân trọng những khám phá sáng tạo, những thể nghiệm đem đến cho văn chương VN cái MỚI, cái ĐẸP,và những giá trị giàu tính NHÂN VĂN trên nền tảng cuả văn hoá DÂN TỘC.

Vài dòng chia sẻ với bạn đọc. Xin cám ơn tất cả các bạn đã ghé thăm blog BCT. Xin cám ơn những comments,những lo lắng trăn trở về những vấn đề văn học nghệ thuật đương đại. Chúc các bạn nhiều niềm vui và thăng tiến.