album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

TOI DU TRAI SANG TAC

TRẠI SÁNG TÁC ĐÀ LẠT MÙA HÈ 2012 Bùi Công Thuấn Sinh hoạt ở Hội VHNT Đồng Nai từ 1988, nhưng đến nay tôi mới có dịp dự trại sáng tác do Hội tổ chức. Trước đây Hội đã tổ chức nhiều trại ở Nha Trang, Dalat, Vung Tàu, Đại Lãnh nhưng tôi không sao dứt mình ra khỏi công việc để tham dự. Lần này nhạc sĩ Trần Viết Bính, trưởng Ban Âm Nhạc gọi điện đốc thúc, tôi không từ chối được. Đoàn có 12 nhạc sĩ của Ban Âm Nhạc Hội VHNT Đồng Nai tham gia. Ns Trần Viết Bính (TB), NS Cao Hồng Sơn, NS Tống Duy Hoà, NS Thy Đường, NS Điểu Được, NS Nguyễn Phương, NS Thứ Bảy, NS Hồng Việt, NS Nguyễn Văn Tuyên, NS Nguyễn Thọ. NS Đoàn Quang Trung. Câu chuyện sáng tác không hay bằng câu chuyện của các nhạc sĩ. 1.Người sưu tầm dân ca Mạ ở Đồng Nai Nhạc sĩ Trần Viết Bính đi dự trại sáng tác, nhưng ông còn mang theo tuyển tập dân ca Mạ ông mới sưu tầm được trong những cuộc điền dã gần đây. Tuyển tập trước của ông đã hòan thành và đạt giải quốc gia 2011. Ông khoe, tớ cũng đã biên tập xong cuốn hồi ký 400 trang, gồm phần sáng tác, hình ảnh và phần các bài viết về TVB. Hồi ký kết thúc bằng một bài tình ca. Ông bảo, viết hồi ký, là tớ đã xác định sự ra đi của mình, bất cứ lúc nào, 80 rồi, nhưng không bận tâm. Nói thiệt, nhiều lúc tớ còn yêu như mình đang còn 20. Thấy không khí trại đầm ấm, thân tình, có kỷ luật và dồi dào năng lực sáng tạo, NS TVB rất vui. Anh trình làng bài hát : Cảm Xúc Nam Cát Tiên, phổ thơ Tiêu Thanh Giang. Bài hát có giai điệu trữ tình, đậm chất dân ca. Anh hát cho tôi nghe thử, giọng anh vút lên nốt mí, fá (cao) khiến tôi không ngờ. Ở tuổi 80 mà giọng của anh vẫn còn đầy sức lực. Sức làm việc, sức sáng tạo, sức cống hiến và tinh thần chan hoà với anh em của NS TVB thật đáng kính nể và có rất nhiều điều anh em trẻ đáng học tập. Tôi bảo, trong các ca khúc của anh, tôi thích nhất những ca khúc thời sự anh hát với Guitar, thu và phát trên Đài Đồng Nai những năm đần đổi mới. Anh phê phán mạnh mẽ thói xa dân, thói hưởng thụ, nạn tham nhũng của một số cán bộ tha hoá thời ấy. NS Tống Duy Hoà lúc ấy làm ở Đài Đồng Nai, đã thu và phát cho anh. Quả thực, vào lúc ấy mà TDH dám thu và phát những bài ấy thì quả là “to gan”. TVB có nhiều ca khúc đứng được trong lòng người nghe, có bài được chọn trong tuyển tập bài hát thiếu nhi hay nhất 50 năm qua. Sự nghiệp sáng tác và sưu tầm của anh khá đồ sộ. Anh đọc cho tôi nghe bản thảo tổng kết trại. Anh tâm đắc nhiều điều, anh quan tâm tới từng chi tiết và dùng từ thật chuẩn xác, ấn tượng. Chẳng hạn, viết về NS Nguyễn Phương, anh dùng chữ “một Giám Đốc TTVH trăm công ngàn việc, vẫn dứt áo đi dự trại, đánh trần để sáng tác.” Anh mở ngoặc, “đánh trần” có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chỉ nỗ lực của anh em, nghĩa thứ hai chỉ NS Nguyễn Phương ở trần suốt ngày, mặc dù Đà Lạt mùa này khá lạnh. Anh nhấn mạnh tinh thần kỷ luật, tinh thần đoàn kết và nỗ lực của các NS dự trại. Anh đáng giá cao chất lượng nghệ thuật và sự phong phú trong các tác phẩm của anh em. 12 nhạc sĩ đã nộp cho anh 17 ca khúc. NS Nguyễn Thọ có 3 bài. Anh bảo, thế là thành công hơn mọi trại sáng tác trước đây nhiều. 2. Nhạc sĩ Lý Quảng Anh em ngồi uống cafê buổi sáng ở căng tin. NS Tống Duy Hoà đột nhiên giới thiệu: -Ở Đồng Nai muốn viết về nhạc sĩ Nguyễn Phương thì phải viết từ thời Lý Quảng. Hỏi Nguyễn Phương thì không ai biết. Mọi người quay nhìn Ns Nguyễn Phương ngạc nhiên: -Sao Nguyễn Phương lại là Lý Quảng, tên nghe giống người Hoa quá NS Tống Duy Hoà bật mí: -Lý Quảng là thời anh làm quản tù, mà lại là tù phục hồi nhân phẩm cơ đấy. Anh em NS trố mắt nhìn Nguyễn Phương (NP), không thể tưởng tượng được một nhạc sĩ hiền lành đang ngồi trước mặt mình lại là một cán bộ trại phục hồi nhân phẩm, quản lý 300 em nữ và 200 em nam, gái điếm, xìke ma tuý và vượt biên trái phép những năm 80s. NS Tống Duy Hoà giải thích: -Nhờ làm Lý Quảng nên mới được đi học nhạc. NS Nguyễn Phương, vốn ít nói, bỗng đứng lên hùng hồn -Mình ở nhà tên gọi là Quản, tên khai sinh là Phương, nhưng lúc đi học nhạc viện, trường cứ gọi là Quản, thành ra khi cấp bằng tốt nghiệp, phải mở ngoặc ghi tên Phương, cùng thời với Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Lộc, Thanh Tùng. Vào nhạc viện, hỏi Quản thì người ta biết, hỏi Phương không ai biết. -Thế anh làm cán bộ ở trại phục hồi nhân phẩm khi nào? -Hồi ấy đi Thanh Niên Xung Phong, Trung Ương Đoàn cử sang làm quản giáo, ban quản giáo có mấy người, và vài chục bảo vệ. Thôi thì đủ mọi thứ khốn khổ, chịu không nổi. Các trại viên ở trong các lán trại, không ngày nào không có dăm đứa trốn. Phần vì ăn uống cực khổ, lại lao động nặng, nên chỉ vài tháng, các em trở nên xấu xí bệnh tật. Mấy thằng xìke thì rên xiết vật vã vì thiếu thuốc, tiếng rên của dân Bắc nó sầu thảm không sao chịu được. Các bà mẹ Bắc Kỳ năn nỉ cán bộ thương cháu, cho cháu giảm liều từ từ, nhưng rồi họ cũng tuồn thuốc vào trại được. Thuốc để trong ruột bánh mì, để trong ruột cục xà bông. Thuốc bọc giấy thiết, bỏ trong nồi thịt kho, đưa vào. -Thế ấn tượng mạnh nhất trong anh những ngày ấy là gì -Là các em tắm tiên 3 phút và mấy đứa xìke tự huỷ -Là sao? -Trại gần một con suối nhỏ. Cả trại hơn năm trăm con người tắm ở đó. Các em cứ từng tốp, từng tốp thay nhau tắm khoả thân, chỉ được tắm 3 phút. Nhảy xuống cái ùm, kỳ cọ qua loa rồi lên. Tất cả trần như nhộng. Một anh bình luận - Sướng nhá, tha hồ… NS Nguyễn Phương có vẻ tiếc rẻ - Chỉ có mấy đứa bảo vệ cầm súng canh chừng là dòm thoải mái. Cán bộ như mình thì ngồi xa, đâu dám, sợ bị kiểm điểm. Có thằng xì ke vừa nhảy xuống nước là co rúm người lại, sợ nước, bò lên ngay. Tối ngủ, trời nóng không chịu nổi, các em cũng trần 100%. Ngày đi lao động, khi đi qua trại của ban quản giáo, các em thường hát chọc ghẹo cán bộ. - Mấy đưa xìke tự huỷ thế nào? -Hoặc là trốn, hoặc là chết. Chúng làm đủ cách để huỷ hoại thân thể. Nhốt vào phòng Đặc biệt chúng cũng tìm được cách. Chỉ một miếng lạt tre thôi. Có đưa cắt da thịt cho thối có giòi để được đi bệnh viện, và trốn. Nhiều đứa trốn lúc đi vệ sinh. Trại không có tường rào, nên trốn lúc nào chẳng được. Ban quản giáo phải dùng biện pháp cho cán bộ dẫn trại viên đi vệ sinh, bắt họ vừa đi vệ sinh vừa hát. Có đứa vừa hát vừa rặn, làm bài hát méo mó không chịu được. Có quản giáo buộc dây vào chân trại viên, rồi ngồi ngoài xa chờ, lâu lâu giật dây xem trại viên đi vệ sinh xong chưa. Yên trí ngồi chờ. Nhưng chờ lâu quá, cán bộ mới đến kiểm tra, hoá ra trại viên trốn mất rồi, hắn cột dây vào gốc cây, cán bộ giật dây tưởng hắn còn ở đó. -Thế anh đi học nhạc viện khi nào? -À, có một chú lãnh đạo thấy mình có khiếu văn nghệ nên sau một thời gian mình ở trại, chú cho phép đi học. Lúc về xin phép Tỉnh, một chú lãnh đạo bảo, sao mày không học kỹ sư, học kinh doanh mà học nhạc. Học nhạc thì làm gì được! -Dạ cháu không biết học gì nên mới học nhạc, thưa chú. -Thế là anh đi học nhạc viện ? -Mình về nhạc viện, người đen đủi, tóc quăn, hông đeo khẩu Colt, ai cũng né. Sau thấy không tiện, mình trả lại súng Bây giờ anh em mới biết nhạc sĩ Lý Quảng là NS Nguyễn Phương, Phó Phòng TTVH thị xã XL, Giám đốc TTVHTT Long Khánh. Anh dự trại mà điện cơ quan gọi liên tục xin ý kiến về các chương trình văn hoá văn nghệ hè của Thị xã. Sẽ chẳng ai biết đó là nhạc sĩ Lý Quảng và ấn tượng về dòng suối 3 phút của anh. 3.”Yêu em người con gái…tưng tưng” PGS -TS Bác sĩ – Nhạc sĩ Nguyễn Thọ trước đây là Giám Đốc bệnh viên Tâm Thần Đồng Nai, giờ đã đổi về TpHCM giảng dạy ở ĐH Y Dược. Tác phong của ông nhìn bề ngoài rất nghiêm nghị, chuẩn mực, nhưng tâm hồn nghệ sĩ cũng ít người sánh bằng. Ông viết ít, nhưng ca khúc nào của ông cũng rất hay, và đặc biệt giọng hát của ông rất trẻ, khoẻ và cuốn hút. Ông chỉ cho anh em bí quyết hát hay khi gặp sự cố. Ông nói rằng, ca sĩ thường gặp 3 sự cố, cao độ, phát âm và quên lời. Khi giai điệu quá cao ca sĩ không lên tới, thì tập bài hát của người thợ xây: “Ta xây nhà cao cao, cao quá, …không lên được …thì xuống một tông…” Đặc biệt chỗ nào quên lời, ca sĩ cứ thêm vào chữ :”tưng tưng”vào và lướt đi. Thí dụ, ông hát bài Lá Diêu Bông của Trần Tiến :”Ngày lấy chồng, em tưng tưng tưng tưng con dê mòn lối về có đứa nhìn theo tưng tưng…yêu em người con gái tưng tưng, …. Mọi người bò ra mà cười, phải công nhận NS Thọ có duyên kể chuyện. Ở trại, bây giờ, bất cứ nói câu gì, dù nghiêm trang hay bông đùa, mọi người đều thêm vào chữ “tưng tưng ‘của Nguyễn Thọ. Câu chuyện hấp dẫn hẳn lên. Trại sáng tác nhạc trở thành trại viết văn hài. Kiểu như thế này. “ Thưa nhạc sĩ trưởng Ban Âm Nhạc tưng tưng. Quả là không có trại sáng tác nào tưng tưng bằng trại chúng ta. Mỗi người đều có bài tưng tưng để nộp, vượt chỉ tiêu trại đề ra. Bài nào cũng hay, nghe là thấy hồn tưng tưng ngay. NS trưởng ban không còn tưng tưng lo vì không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn hãnh diện đã tổ chức thành công một trại kiểu mẫu tưng tưng, đáng để các Ban khác của Hội tưng tưng học tập…” Haiza!…NS Trần Viết Bính nghe xong có vẻ tâm đắc. Đúng là không có trại nào mà trại viên nghiêm túc trong sinh hoạt, say mê sáng tác và hoàn thành tác phẩm trước thời hạn như trại này. Phòng nào của trại viên cũng vang lên tiếng hát say mê. Đủ mọi kiệu giọng và kiểu giai điệu, từ giai điệu phương Tây đến giai điệu của nhạc lên đồng. NS Nguyễn Thọ lâu quá không viết bài nào, đánh liền một phát 3 bài, trong đó có một ca khúc nhạc Đồng (loại nhạc nền cho các cô Đồng múa lúc đồng nhập) Cả phòng hát vang lên như một đám thượng Đồng, chỉ thiếu Song Lan và đàn Đáy nữa là đủ bộ. Lúc trao đổi, các nhạc sĩ còn đối chiếu với giọng Ngắm Đứng trong lễ Phục Sinh của Công Giáo nữa. Quả là chưa có trại nào mà không khí sáng tạo lại giàu màu sắc nghệ thuật như vậy. Những bữa cơm trưa hoặc tối, lúc nào cũng hấp dẫn những câu truyện kể của NS Nguyễn Thọ. Có khi ông đọc thơ kiểu Bút Tre. Ông hay nêu xuất xứ. Chuyện này có thật ở một trại sáng tác. Một học viên hỏi thầy về gieo vần của thơ lục bát. Ông bảo, lục bát có những câu mà bậc thầy cũng không sửa vần được, thí dụ Biển mênh mông sóng dập dồn Chị em phục nữ đem lưng… ra phơi Các thầy nghe xong bèn lắc đầu, đúng là không thể nào sửa được vần. Ông đọc bài thơ kiểu Bút Tre hiện đạ, vừa nghiêm túc, vừa khôi hài. Gặp em anh nhìn không ra Kính đen che mắt, mùi soa che mồm May mà có cơn gió nồm Đùi em anh thấy một lùm quen quen Mọi người lại lăn ra cười. Có lần anh ckể chuyện chẩn lâm sàng bệnh sợ vợ, nhân khi anh em bình luận về đức sợ vợ của các hội viên Hội VHNT Đồng Nai: Anh nghiêm nghị nói. Anh em yên lặng chăm chú. Trong Y khoa, người ta luôn xác lập các mức độ. Bệnh sợ vợ có 5 mức độ. Mức thứ nhất là ga-lăng vợ. Mức thứ 3 là vợ bảo gì thì làm theo như vậy. NS Nguyễn Thọ kể câu chuyện Ông Tướng Cờ Vàng minh hoạ. Đức vua triệu tập văn võ bá quan trong triều xem ai không sợ vợ. Nhà vua cho cắm 2 cờ, cờ xanh và cờ vàng. Ai sợ vợ thì đứng ở phía cờ xanh. Ai không sợ vợ thì đứng ở phía cờ vàng. Khi vua ra lệnh, tất cả các quan đều đứng về phía cờ xanh, chỉ có một vị tướng đứng ở phía cờ vàng. Vua đắc ý. Ít ra trong triều cũng còn có 1 người không sợ vợ. Vua khen vị tướng và hỏi, sao khanh dám đứng ở phía cờ vàng? Khanh không sợ vợ á? Vị tướng trả lời rằng, ở nhà vợ hạ thần dặn không được chen vào chỗ đông người, phía cờ xanh đông người quá, hạ thần đứng ở phía cờ vàng là làm theo vợ dặn ạ. Mọi người cười không sao ngừng được, anh vội ngăn tay Mức sợ vợ thứ 4 là làm theo khuôn phép, nền nếp vợ đã giáo dục. Thí dụ, trong Hội có vị giờ nào việc nấy, chở con đi học, đi chợ, nấu ăn chùi nhà ,giặt giũ, nhất nhất cứ thế làm, không kêu ca lời nào Mức thứ 5 là bị ám ảnh vì vợ. Tây nó có chuyện này. Ông chồng kia rơi từ tầng 10 xuống, bà vợ đứng dưới đất thấy thế sợ quá hét lên. Ông chồng nghe tiếng vợ hét, sợ quá,bay ngược trở lên lầu 10. Ở VN có chuyện này. Một du khách Việt sang Thái Lan, thấy nữ hướng dẫn viên nói tiếng Thái, ông ta hốt hoảng tưởng là tiếng vợ tôi… Mọi người nghe chuyện bèn đề xuất Hội nên đưa NS Nguyễn Thọ sang Ban Văn, làm phó ban phụ trách văn chương hài, vì Hội ta còn thiếu chuyên ngành này 4.Đêm Diễm Xưa nghe nhạc Trịnh Buổi tối, chúng tôi đến quán Diễm Xưa nghe nhạc Trịnh. Đà Lạt lạnh, tối nghe nhạc trong một phòng trà ấm cúng thì thật tuyệt. Quán nằm trong một công viên nhỏ, xa trung tâm thành phố. Chỉ những người thực sự yêu nhạc mới đến đây. Đó là một nhà tròn lợp lá gồi, khá rộng. Những dãy ghế kê theo vòng tròn, vây lấy một sân khấn nhỏ. Có hình Ns Trịnh Công Sơn ôm guitar hat bên cánh phải sân khấu. Trên sân khấu có một cây Piano, một Guitar, một Mandolin, một ghế tròn để ngồi hát. Tại quầy có bình trà bằng đất và dòng chữ khách tuỳ ý thưởng trà. 8 giờ tối, chương trinh chưa bắt đầu. Anh trưởng đoàn xin phép chủ quán để anh em Đồng Nai trình bày vài bài. Tiếng đàn Piano của Ns Đoàn Quang Trung hoà với tiếng đàn Guitar của Ns Cao Hồng Sơn thật tài hoa, quyến rũ. Ns Hồng Việt hát bài Hạ Trắng, tôi cũng góp giọng với bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, dù biết giọng hát của mình trên sân khấu thật sẽ bị ném đá. Nhưng cũng liều mạng góp vui. Đúng 8:30 chương trình của quán bắt đầu. Ở đây các ca sĩ hát các ca khúc của cố NS Trịnh Công Sơn, nhạc Pham Duy và nhạc tiền chiến. Họ tự giới thiệu mình không phải là ca sĩ, mà chỉ là yêu nhạc Trịnh. Anh MC ngừơi cao to, mặc pull đen. Sợi dây chuyền bạc và miếng thẻ bài lấp lánh trên ngực. Kiểu tóc dài buộc túm tóc đuôi gà, gây được ấn tượng. Anh giới thiệu khá lưu loát về một số ca khúc của Trịnh. Giọng trầm tiếng Hanội khá hấp dẫn, tuy không bằng giọng Tuấn Ngọc hay Jo Marcel ngày xưa. Nghe anh giới thiệu nhạc Trịnh, người lạ có thể sẽ ngạc nhiên, nhưng tôi ngẫm ra, anh bịa. Chị Băng Tâm, tác người hơi dư mỡ như Siu Black, có giọng khàn một nửa của Khánh Ky một nửa của Lê Uyên những năm 1970s. Cô Chim B’Rao giọng rất ngọt và trẻ. Cô để tóc dài, uốn quăn và buông thả như Lê Uyên, dáng người mảnh khảnh nhưng có nét nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vừa hát cô vừa đềm đàn guitar thùng khá điêu luyện. Đó là ba ca sĩ chủ đạo của chương trình. Có thêm một thanh niên trẻ, mặc complet rộng, đệm đàn. Khi thì anh chơi Organ, khi đệm Piano. Những bài được chọn hát thuộc đủ các dòng nhạc Trịnh, từ Ca Khúc Da Vàng đến tình ca, và bài ca về thân phận. Họ đã hát Quỳnh Hương, Người Con Gái VN Da Vàng, Phôi Pha, Như Cánh Vạc Bay, Diễm Xưa, Nghìn Trùng Xa Cách, Kỷ Niệm... NS Đoàn Quang Trung và NS Cao Hồng Sơn cũng hát giao lưu. Gọng hát của ĐQT mượt mà, cao vút và đầy nhạc cảm, Anh hát Như Cánh Vạc Bay và Còn Chút Gì Để Nhớ. Tất nhiên là hay hơn giọng nam của nhạc quán. Có một du khách Hanội lên hát bài Đà Lạt Mộng Mơ, giọng trẻ và khá điêu luyện. Lúc cô hát, con của cô cầm Ipad quay phim, có lẽ cũng là dân có máu văn nghệ ở Hà nội. Rất tiếc có mấy thanh niên Hà nội trong quán, hơi ồn ào, có lẽ cũng đã dô vài chai. MC quán phải nhắc nhở đến vài lần. Lúc ra về anh em mới giao lưu với các ca sĩ của quán. Chị Băng Tâm đã 63 tuổi, con đã hơn 40, có lẽ chị cùng tuổi với Khánh Ly. Cô Chim B’Rao đã hơn 50, có con học ĐH năm thứ II, vậy mà khi lên hát, trông cô chỉ chừng 30. Ở Đalạt có được một quán nhạc Trịnh như vậy cũng là quý, số khách từng đêm tuy không đông bằng phòng trà Sàigon, nhưng đủ để làm một chương trình ấm cúng. Tôi nghiệm ra rằng, Nhạc Trịnh nói được nhiều điều trong sâu xa tâm hồn con người, mà những xô bồ hàng ngày che khuất đi, vì thế người ta yêu nhạc Trịnh là vậy. Rất tiếc quán quá ít ca sĩ, nên sức hấp dẫn bị giảm đi, vì những người trẻ khó thưởng thức được một loại nhạc sâu lắng tư tưởng và cảm xúc, khi người ca sĩ trình diễn đã già nua. Đêm sau, đoàn đi nghe nhạc ở Tiếng Đàn Xưa, trẻ trung hơn, đa dạng hơn về ca khúc. Rất tiếc quán hơi ồn. Đó chỉ là dạng Café có nhạc sống để giao lưu, không phải phòng trà để nghe nhạc. Ngày xưa Lê Uyên Phương đã nổi lên từ những quán như vậy ở Đà Lạt, thành danh, về Sàigòn. Sau đó họ sang Mỹ. Phương đã là người thiên cổ, nhưng ca khúc của họ vẫn sống với Đà Lạt. 4.”Nhạc tao , tao hát- Hươ-wâywây” NS Điểu Được người Chơ Ro, tuy tác người hơi nhỏ nhưng nhanh nhẹn và rât duyên. Lúc bình thường, anh trầm mặc như cái cây trong đại ngàn. Nhưng khi anh nói chuyện, thì không khí xung quanh anh náo nhiệt hẳn lên. Mọi người vui lây nụ cười của anh. Câu chuyện của anh dí dỏm, bộc trực nhưng rất giàu trữ lượng văn hoá. Có ngồi bên anh, nhìn kỹ khuôn mặt anh lúc anh nói chuyện mới nhận ra chất nghệ sĩ thứ thiệt ở người nhạc sĩ này. Anh từng tham dự nhiều liên hoan âm nhạc từ Bắc vào Nam, nhận huy chương vàng, chụp hình chung với TBT Nông Đức Mạnh. Anh cũng biểu diễn ở nhiều chương trình ca nhạc. Anh kể, có lần được mời biểu diễn, nhưng anh không kịp chuẩn bị bài, lại phải hát playbach theo nhạc, nhưng nể tình ban tổ chức, anh miễn cưỡng mà lên. Cái cách biểu diễn ăn gian của anh là, nhắm câu nhạc đầu và câu nhạc cuối của CD cho đúng nhịp, còn lại là anh hat fantasy, chỗ nào quên lời , anh nói Rap bằng tiếng dân tộc và thêm vào mấy tiếng hươ-wây-wây. Khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chỉ có ban tổ chức là biết anh hát fantasy. Họ cằn nhằn chuyện này chuyện nọ. Anh bảo, nhạc tao tao hat, mặc kệ chúng mày Anh em bình luận rằng, NS Điểu Được là người có bản lĩnh và đầy tự tin. Nhạc tao tao hát, tao chế, làm gì tao.Câu ấy trở thành tính cách của Điểu Được. Tính cách phóng khoáng, tự do của đại ngàn mênh mông, hùng vĩ. Những lúc gần gũi, tâm sự, anh cũng đầy tâm trạng. Anh kể lúc sinh thời, mẹ anh chỉ có một con là anh, và mẹ anh cũng không còn người thân. Khi mẹ anh lớn tuổi, anh muốn làm thượng thọ cho mẹ, nhưng không kịp. Mẹ ra đi, anh cảm thấy trơ trọi, trống vắng và hụt hẫng. Anh bảo, không làm thương thọ cho mẹ được, anh tiếc lắm. Anh học Nhạc Viện nhưng không tốt nghiệp vì không học môn quân sự Buổi tối anh em đi nghe nhạc ở Diễm Xưa, có cô ca sĩ vừa xinh vừa hát rất hay tên là Chim B’rao. Nhiều anh làm quen không đước. Lúc về nhà , Điểu Được cho biết Chim B’ao 53 tuổi tồi, có con học ĐH năm thứ II, đã ly dị chồng vì không hạp nhau. Trông nàng ở xa thì rất trẻ và đẹp, nhưng nhìn gần, nàng dùng Mỹ phẩm dày quá, trôngghê lắm. Anh em té ngửa ra rằng Điều Được đã đi trước anh em một bước rất xa, nắm được ngọn ngành lý lịch của nàng. Tối hôm sau, anh em nghe nhạc ở Tiếng Đàn Xưa, nhưng ồn ào quá lại đến Diễm Xưa. Câu đầu tiên Chim B’rao hỏi là hỏi về Điểu Được. Nhưng tối nay anh không tới. Lão Ns TVB, nói với em rằng, lão đã về phòng ngủ, nhưng nhớ Chim B’rao không chịu nổi, bèn tung chăn đến Diễm Xưa tìm em. Trời mưa tầm tã, vậy mà sau đêm diễn, lão Ns lại được Chim B’rao chở về phòng bằng xe Vespa, một quãng đường chừng 2km. Thế mới biết lão Ns lại tài hoa có đẳng cấp. Các Ns trẻ thua lão hết. Lão bảo, nếu có Điểu Được thì đời nào đến phiên lão, rồi lão cười haha. Không biết tối hôm ấy Ns Điểu Được đi đâu, có khi lại âm thầm đi “hoạt động cách mạng” ở nơi nào? (Chữ “hoạt động cách mạng” là mật ngữ chỉ NS Điểu Được đi tìm cảm hứng sáng tác, kiểu như đi tìm hiểu Chim B’rao.) 5. Lại chuyện “súng đạn” của các lão nhạc sĩ Trên đường từ Đồng Nai đi Đà Lạt, có một ngọn núi không cao, nhưng trên đỉnh có một khối đá lớn hình Linga hướng lên trời. Linga hấp dẫn đến nỗi các Ns đã yêu cầu tài xế ngừng xe ở một chỗ mà góc nhìn rõ nhất, hoàn hảo nhất để chụp. Thế là câu chuyện về “súng đạn” đã nỗ ra vô cùng rôm rả. Tôi chia sẻ điều này. Ở VN hiện nay vẫn còn lễ hội Phồn Thực ở một làng xã Hà Nội. Sau những sinh hoạt vui chơi ban ngày, đến gần nửa đêm, trưởng làng đọc một bài văn khấn, sau đó cử hành nghi thức Giao Hoan. Một người đàn ông cầm linga bằng gỗ đâm vào Yony cũng bằng gỗ do một người đàn bà cầm. Lúc ấy đèn tắt hết. Mọi người lắng nghe tiếng giao hoan. Nếu không có tiếng động nào thì nghi lễ giao hoan tốt đẹp, năm ấy làm ăn thuận lợi. Nếu nghe tiếng “cạch”, nghĩa là Linga không đâm trúng Yony, thì năm ấy làng gặp khó khăn. Ngày xưa sau lễ Giao Hoan, trai gái được phép tìm nhau để giao hoan. Nếu trong năm mà cô gái nào sinh con, thì đó là con của thần thánh được cả làng nuôi dưỡng. Ngày nay Nhà Nước bỏ tục lệ ấy rồi Mọi người nghe tôi kể đều rất ngạc nhiên, từ câu chuyện vui dân gian chuyển sang sự nghiêm túc về văn hoá. Tôi nói tiếp. Hành vi giao hoan trong một nghi lễ có tinh linh thiêng ấy chính là tín ngưỡng phồn thực đã có từ ngày rất xa xưa. Ở Việt Nam, nếu vào các tháp Chăm, du khách có thể thấy tượng bằng đá tạc hình Linga và Yony rất to.Nhưng có điều này, hiện nay ở Nhật cũng có lễ hội Phồn Thực. Người ta làm một Linga bằng gỗ rất to, phải chở bằng xe chở Container đi diễu hành, có cờ quạt và các nghi lễ trang trọng. Họ dưa Linga đến một đền, có các trụ trì (mặc áo như nhà sư) làm lễ. Trước cổng đền, người ta cũng làm hai Linga bằng gỗ rất to, nhiều cô gái đã leo lên ôm Linga để chụp hình. Người ta còn làm các vật lưu niệm hình Linga để bán cho du khách, làm cả kem chocolat nữa. Nhiều cô gái Nhật đã mua loại kem này và ngậm mút giữa thanh thiên bạch nhật rất say mê. Vâng, đó là sự khác biệt rất xa trong văn hoá Đông-Tây. Phương Tây chỉ nghĩ đến sex một cách bản năng trong khi phương Đông lại đồng nhất Linga và Yony như những thần linh sánh ngang với Đấng Tạo Hoá Nhân chuyện hòn đá hình Linga, các NS quay sang chuyện “súng đạn” của các lão nhạc sĩ. Cách tính số cữ giao hoan theo BS-NS Nguyễn Thọ là lấy số tuổi nhân với 9. Thí dụ, độ tuổi 20 thì : 2x9=18, nghĩa là mỗi tuần (số 1) giao hoan 8 cữ ( con số 8). Ái chà chà, thế này thì các cụ 90 vẫn còn hy vọng : 9o thì lấy 9x9=81, nghĩa là 8 tuần một cữ. Lão nhạc sĩ TVB nhẩm tính , tớ 80 thì tính làm sao . Lấy 80 x 9 = 72, nghĩa là cụ còn xơi được 7 tuần 2 cữ, bình quân một tháng một cữ (8 tuần). Lão NS TVB ngẩn người ra, tiêu chuẩn là thế mà tớ không sao làm tròn cái quy trình phải có của tình yêu. Ở bên em mà đành lặng thinh, chẳng còn là thằng đàn ông. Đúng đấy, dù có là quan lớn, là đại gia ở bên em mà thất bại về chuyện đó thì coi như tiêu. Có chăng là em chỉ tìm cách móc tiền túi của mình Một NS khác lên tiếng. Cách tính của Bs-NS Nguyễn Thọ là tính bình quân tối thiểu để sức khoẻ tốt. Nhưng thực ra, có thuyết cho rằng, trời cho mỗi người đàn ông một số đạn, nếu thời trẻ anh bắn laphan, thì khi lớn tuổi, súng anh hết đạn. Ngày nay nhiều ông mới 30 hay 40 đã mắc bệnh liệt, hay còn gọi là rối loạn cương dương, có lẽ anh ta đã nã đạn suốt ngày theo công thức của các cụ nhà ta ngày xưa là “đêm bảy, ngày ba, vào ra không kể”, thế nên hết đạn sớm là tất nhiên. Trong số các anh ở đây, nhiều người súng chắc đã rỉ, vì lâu không còn đạn để bắn. Mọi người phá ra cười khi nhìn cụ TVB. Cụ bảo, tớ vẫn yêu như tuổi 20, chỉ có điều, không thể hoàn thành cái quy trình cuối cùng của tình yêu thôi. 6. Ấn tượng trại sáng tác hè 2012 Trước khi các NS trình bày tác phẩm của mình trong buổi họp trao đổi về sáng tác, NS Trần Viết Bính đem máy quay phim tới từng phòng, yêu cầu mỗi Ns trình bày tác phẩm của mình để ông ghi hình làm tư liệu. Ông bảo không cần chuẩn bị gì, cứ hát mộc, hát tự nhiên. Cần chính tác giả trình bày mới quý. Chúng tôi chỉ biết tặc lưỡi kính nể lão nhạc sĩ 8o. Cụ còn trẻ trung, hiện đại và biết chắt chiu tư liệu hơn người trẻ chúng tôi. Bản thân tôi dịp này được cụ chỉ cho vài chiêu Encore Cụ bảo, những bài hát tôi gửi cho cụ bằng chương trình Encore, cụ phải chép lại, Cụ nói, nhất định phải lên LK chỉ cho tôi vài chiêu. Lâu nay trang nhạc của tôi, chữ thường chạy so le với nốt nhạc. Thấy tôi đang ngồi máy, Cụ ngồi xuống và ra tay ngay. Chỉ vài cái bấm chuột là chữ và nốt ngay hàng thẳng lối. Cụ bảo, chiêu này ngày xưa phải mày mò mãi mới ra.Tôi thực sự bái phục. Buổi chiều, khi các NS đang trình bày ca khúc của mình thì NS Khánh Hoà, chủ tịch Hội VHNT lên thăm. Chưa kịp nhận phòng, anh đã ngồi vào bàn tròn để cùng thưởng thức và thẩm định tác phẩm. Anh bảo, bài nào cũng tròn trịa, và hay, không bài nào phải chỉnh sửa. Thực ra trong khi trình bày tác phẩm, các NS cũng góp ý cho nhau về một vài từ chưa mới, hoặc về điều chỉnh nốt nhạc để hồn nhạc vút lên, hoặc, cân nhắc xem nên để chất dân ca là chính hay chất tân nhạc là chính. Cá nhân tôi nhận thấy thế này. 12 ca khúc của các NS dự trại đều rất hay, chỉ nghe một lần đã cảm được hồn nhạc. Các ca khúc đều được viết ở thể nhạc nghiêm túc, chuẩn mực, giàu màu sắc thẩm mỹ, giàu sắc thái chủ đề. Các NS đều xử lý ca từ, xử lý giai điệu rất công phu, và NS nào cũng tâm đắc với ca khúc của minh. Sau buổi thẩm định tác phẩm, có một NS nói vui. Giờ thì khó cho lãnh đạo khi xét khen thưởng tác phẩm dự trại. Tôi nói rằng, điều quan trọng là tất cả các NS đều có tác phẩm hay, và rất quý lần gặp gỡ sinh hoạt chung với nhau lần này, còn chuyện trao giải là chuyện của hành chính, của lãnh đạo Hội, mình không quá bận tâm. NS Trần Viết Bính thông báo sẽ làm tuyển tập, thực hiện DVD, và đưa các sáng tác của trại vào chương trình biểu diễn dịp 3.9.2012 sắp tới. Ngày mai chúng tôi đi tham quan một số nơi ở Đà Lạt trước khi trở về Đồng Nai, đem theo bao niềm vui và những điều từ trại sáng tác lần này. Nói như NS Nguyễn Thọ, trái tim chúng tôi sẽ tưng tưng nhiều ắm trên đường về, lúc đi qua òn núi Linga và dòng suối 3 phút của NS Lý Quảng. Ngày 14.07.2012 ____________________________ Comment của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp 13/7/2012 Anh Thuấn ui Em ghen với anh đấy. Anh được dự một cái trại sáng tác âm nhạc thật thú vị. Hồi nãy em ngồi đọc một mình mà cười chảy nước mắt. Gía mà trại nào cũng vui như vậy. Và giá mà Ban Văn học cũng vui như Ban âm nhạc. Theo em thì bài ghi chép của anh rất hay, chỉ cần bỏ bớt một vài đoạn hơi tục còn thì đem đăng trên VNĐN cho mọi người cùng đọc và cùng noi theo. Lâu nay nhiều trại chỉ cãi vã, làm những chuyện không văn nghệ tí nào, đúng không anh?. .. … Em hy vọng các anh trở về nguyên vẹn, không bị thất thoát rò rỉ sau chuyến du ngoạn tuyệt vời. Về chuyện linga của các nhạc sĩ bị… bỏ phế đến han gỉ do không sử dụng thường xuyên thì em rất chia sẻ, vì thời nay, ngay cả người trẻ công năng cũng kém, có khi “trên bảo dưới không nghe” huống hồ là các bậc trưởng thượng. Nhưng mong rằng trừ cụ TVB ra, “ súng nước” của những người còn lại đều đầy đủ đạn dược, chỉ cần đừng bị… cướp cò ! Mong gặp anh. Chúc mọi người mạnh giỏi, thành công. Theo em thì từ nay tới cuối năm Ban nhạc nên làm một buổi công bố tác phẩm mới. Em Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét