album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN PHÊ BÌNH-CHÀO NĂM MỚI 2013

CÂU CHUYỆN PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG
Bùi công Thuấn

Năn 2012 đã trôi vào vĩnh cửu. Mọi chuyện đã trở thành dĩ vãng. Nhìn lại câu chuyện phê bình năm qua trong tâm thế đón chào mùa xuân mới đang về, cái nhìn của chúng ta có thể sẽ trong sáng hơn, bao dung hơn và lạc quan hơn, và biết đâu chúng ta học được điều gì đó từ năm cũ.

CHUYỆN ĐÌNH ĐÁM NĂM NHÂM THÌN

Chuyện đình đám nhất là hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đến dự hội thảo có đông đảo các cấp đạo của Hội Nhà Văn và Hội đồng Lý Luận phê bình VHNT trung ương. Một cuộc hội thảo thật “hoành tráng” về một hiện tượng “thơ thần”, có thể đề cử giải Nobel văn chương. Có đến mấy chục tham luận của các bậc khoa bảng. Không ngờ dư luận phản đối kịch liệt. Nguyễn Minh Tâm đưa chứng cớ đối chiếu kết luận Hoàng Quang Thuận sao chép nguyên văn cuốn “Chùa Yên Tử, Lịch Sử - Truyền Thuyết Di Tich và Danh Thắng” của tác giả Trần Trương. Thế là mọi sự đã rõ. Thường trực BCH Hội Nhà Văn đã phải họp rút kinh nghiệm về chuyện này (1). Thực ra có thể thông cảm, bởi vì nếu chỉ đọc những bài thơ của Hoàng Quang Thuận mà không đối chiếu với“Chùa Yên Tử, Lịch Sử - Truyền Thuyết Di Tich và Danh Thắng” thì người ta rất dễ ngộ nhận. Thế nhưng trong chuyện này, người ta đã dùng lý luận và phê bình văn học cho những mục đích ngoài văn học, và tạo thêm tình trạng “loạn” trong phê bình văn học hiện nay.

Trái ngược với sự ồn ào trên là tình trạng yên ắng đáng ngạc nhiên ở những tháng cuối năm, khi hầu như các trang mạng văn chương, nơi diễn ra những tranh luận văn chương nảy lửa, bị hacker đánh sập. Trang web lethieunhon.com, bị đánh sập hoàn toàn. Khi nương nhờ vào Google, thì trang web này không còn là diễn đàn nóng nữa. Trang web của nhà văn Trần Nhương, trannhuong.com, bị đánh sập nhiều lần, mãi mới khôi phục được, cũng không giữ được độ nóng thời sự văn học trước đó. Có lẽ mọi người đã ngộ ra rằng, web hay blog văn chương trên net chỉ là trò chơi, một cuộc chơi, còn đấy, mất đấy, chẳng có gì bảo đảm cho một sự nghiệp lâu dài. Và người ta có thể “xóa xổ” anh được bất cứ lúc nào. Yahoo công bố đóng cửa blog của họ và 17.1.2013. Không biết có bao nhiêu người chơi blog kêu trời về việc này. Vâng, đành vậy. Khi cuộc chơi không còn có lời thì người ta đóng cửa thôi. Văn chương là cuộc chơi.

Nhất là cuộc chơi của người trẻ và của người có tiền. Bởi thế năm con rồng không còn ồn ào những thơ trẻ, văn trẻ như những năm 2005. Lúc ấy trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Người viết văn làm thơ trẻ đua nhau phát ngôn gây sốc. Nhưng đến nay còn lại những ai, và còn ai tiếp tục khám phá sáng tạo?hay những người trẻ đã lặp lại mình và trở thành già? Ngay như Nguyễn Ngọc Tư, cuốn sách mới nhất của cô, tiểu thuyết đầu tay Sông, cũng không gây được tiếng vang nào ngoài những lời quảng cáo. Có người còn tổ chức những buổi phát hành sách rầm rộ, cả ngoài Bắc trong Nam, nhưng sách thì chìm vào im ắng. Nguyễn Huy Thiệp với Vong Bướm cũng không còn là Nguyễn Huy Thiệp được vồ vập cách đây hơn 20 năm nữa.

CÁNH CỬA HẸP

Người ta hay nói phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương. Nhận thức này hàm chứa những điều gì? Phải chăng cứ mỗi cuốn sách văn học được in ra thì nhà phê bình phải bám lấy ngay để viết bài phê bình? Điều này là không tưởng, bởi số tác giả của Hội Nhà Văn có hàng ngàn, mà số nhà phê bình chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì dù có muốn cũng không thể làm được. Như thế mãi mãi phê bình đi sau sáng tác. Vấn đề là những cuốn sách được in ra đó có gì đáng đọc hay không? Hay chỉ mất thì giờ của người đọc? Bởi ngay cả sách của những tác giả đã có nghề, chưa hẳn đã hấp dẫn nhà phê bình, nếu cuốn sách ấy không mới.

“phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương” có phải là do nhà văn Việt Nam quá tiên phong, quá mới về tư tưởng nghệ thuật, tác phẩm văn chương VN quá sâu sắc về tư tưởng và mới mẻ về phương thức thể hiện, khiến cho nhà phê bình không đủ tầm để đọc? giống như tình trạng phê bình văn chương ở VN đối văn học Hậu Hiện Đại thế giới chăng? Điều này còn lâu lắm văn chương VN mới đạt đến. Văn chương VN không có tư tưởng, nhà văn VN không tự sáng tạo ra bất cứ một trường phái nghệ thuật nào (ngoại trừ bắt chước học theo những trào lưu nước ngoài). Những cái gọi là thơ Trình Diễn, nghệ thuật Sắp Đặt, chủ nghĩa Siêu Thực, chủ nghĩa Hiện Sinh,Thơ Tân Hình Thức, Thơ Hậu Hiện Đại ở VN thời gian vừa qua… chỉ là bắt chước sống sượng của văn chương nghệ thuật nước ngoài, chưa để lại được tác phẩm nào có giá trị đóng đinh vào tiến trình phát triển của văn học VN. Điều này không thể nói “phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương”.

Phê bình văn chương đang ở đâu mà văn đàn im ắng thế? Câu trả lời là ngôi nhà văn chương hiện nay chỉ dành cánh cửa hẹp cho nhà phê bình. Thậm chí nhiều nhà phê bình đã gác bút.

Khi nhà văn hướng về thị trường, hướng về mục đích giải trí, thì tác phẩm của họ, dù có được công chúng cổ vũ, cũng không phải là mối bận tâm của nhà phê bình. Những bài viết nhằm PR cho cuốn sách đã được các nhà xuất bản thực hiện rồi. Vì thế ta không lạ tại sao văn chương trẻ không trưởng thành được, vì nhiểu người coi văn chương là cuộc chơi, viết chơi vậy thôi. Người đọc cũng chỉ đọc để tìm vui, tìm cái lạ, tìm cái thỏa mãn cái tôi. Văn chương ấy không nằm trong sự kiếm tìm của nhà phê bình.

Ở một sân chơi khác, sân chơi Câu Lạc Bộ sáng tác văn chương, tác phẩm được viết ra nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi, và để thù tạc (thí dụ, câu lạc bộ Người Cao Tuổi, Câu lạc bộ Thơ Đường, Câu lạc bộ Thơ Lục Bát, Câu lạc bộ Cựu Chiến Binh…). Ở đây, vui là chính. Không phải là nơi ươm mầm những tài năng. (Tôi không có ý nói thơ văn câu lạc bộ không hay và ở CLB không có nhân tài). Mỗi khi sinh hoạt CLB, tác giả đọc tác phẩm lên, mọi người khen hay và vỗ tay, không cần biết bài thơ có hay thực không, miễn là không khí sôi nổi, hội viên sống vui sống khỏe . Phải nhận rõ điều này, các CLB là phong trào quần chúng làm văn nghệ, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ở môi trường này, nhà phê bình xin chớ “phê”, sẽ làm mất lòng mọi người đấy. Vâng, nhà phê bình cứ vỗ tay cổ vũ theo mọi người. Và nếu được hỏi, thì cứ khen hay, hay lắm, ấn tượng lắm, tình nghĩa lắm, tính tư tưởng chính trị rất cao…

Lại một sân chơi khác là các giải thưởng văn học, cấp tỉnh, cấp khu vực, hay của Hội Nhà Văn. Các cuộc thi này đều có một ban giám khảo gồm những nhà văn, nhà phê bình có uy tín làm công việc thẩm định. Họ căn cứ vào tiêu chí cụ thể để thẩm định, và giải thưởng nào cũng có những mục đích riêng. Khi giải đã được công bố và trao cho người nhận giải, thì nhà phê bình có lên tiếng cũng chỉ là người đứng ngoài. Kết luận của Hội Đồng Thẩm định của giải, nhất định là kết luận đúng về giá trị tác phẩm được trao giải, và tổ chức trao giải có quyền của mình. Người ta có ồn ào về Hội Thề, về Dị Hương hay về kết quả giải của Đồng Bằng Sông Cửu Long, cũng chỉ là để cho có không khí dân chủ và quảng bá cho tác phẩm đạt giải mà thôi. Ngay cả giải Nobel văn chương người ta còn tranh cãi, huống gì một giải quốc gia. Vâng , nhà phê bình độc lập không có chỗ đứng trong sân chơi này.

Còn lại mảnh đất nào cho nhà phê bình ? Tất nhiên là còn khu vực những nhà văn thực sự sáng tạo, những người viết chỉ vì cuộc đời và vì nghệ thuật, những ngòi bút không ngừng tìm tòi những cách viết mới, không ngừng suy tư về những vấn đề của lịch sử và của thời đại. Ở những nhà văn này, viết là một thôi thúc bẩm sinh, một năng lực trời cho. Sức làm việc, sức sáng tạo thật đáng kính nể. Xin đơn cử, nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh (tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội Gạo Lên Chùa), Hoàng Quốc Hải (hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”), Bùi Ngọc Tấn, …Tác phẩm của những nhà văn này, là mảnh đất màu mỡ cho nhà phê bình mặc sức khám phá. Và không phải nhà phê bình nào cũng theo kịp nhà văn để chia sẻ. Để phê bình được Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Tô Hoài, nhà phê bình ít nhất phải có kiến thức lịch sử, văn hóa sánh ngang với nhà văn.

Hoàng Quốc Hải đã viết bộ Nhà Trần 15 năm, bộ nhà Lý 20 năm, với bao nhiêu công sức đi tìm tư liệu. Ông kể :” … việc tìm kiếm tư liệu, trước hết phải dần khai thác các truyện dân gian. Truyện dân gian là sử ngôn vô cùng phong phú. Và nguồn nữa là các gia phả, tộc phả, thần phả, các hoành phi, câu đối trong các đình, đền, chùa cũng nói lên nhiều điều cần thiết. Các bi ký, các kiến trúc còn rơi sót lại và cả các khai quật về khảo cổ cũng là những tư liệu quý. Một mảng quan trọng khác là tham khảo lịch sử nhà Tống đối chiếu các triều đại tương ứng của hai bên. Ngoài lịch sử còn các ký, truyện của các viên quan nhà Tống từng đi sứ Đại Việt có ghi chép lại, cả những viên bại tướng, từng xâm lược nước ta đôi khi cũng để lại các ghi chép. Lại nữa, Viện Viễn Đông Bác cổ của người Pháp cũng nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều tư liệu, để lại cho ta một khối lượng khá lớn”. Ông còn phải đi điền dã:” Lịch sử các thời đại Lý - Trần thường xảy ra các cuộc giao tranh hoặc chiến tranh giữa nước ta với nước Champa, nước Tống, nước Nguyên. Nhiều trận có quy mô khá lớn, chiến trường trải rộng và rất ác liệt. Muốn dựng lại được một cách khả dĩ trung thực, người viết không thể không đi khảo sát thực địa, kể cả khảo sát về văn hóa, phong tục của miền đất ấy, dân tộc ấy. Vì vậy tôi phải đi lại nhiều lần các vùng đất có liên quan, kể cả vùng đất cũ của Champa và một số vùng có liên hệ trên đất Trung Hoa…”(2). Liệu có nhà phê bình nào theo chân được nhà văn trong quá trình khám phá sáng tạo ấy?

CHỜ MỘT MÙA THU HOẠCH MỚI

Viết làng nhàng, phê bình cũ kỹ đang là một thực trạng của văn chương VN. Nhiều người cầm bút viết theo quán tính bắt chước, có khi sự bắt chước không có ý thức, nhưng đã trở thành một tiềm năng. Làm thơ cổ điền thì cứ Đường luật, với luật bằng trắc, niêm, đối, gieo vần, dựa theo khuôn mẫu của Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan hay Đồ Chiểu. Làm thơ trào phúng thì đã có khuôn mẫu Trần Tế Xương, và bây giờ là Bút Tre . Làm thơ trữ tình thì cứ thơ 7 chữ, 8 chữ kiểu thi pháp thơ Thơ Mới 30-45. Làm thơ kể người kể việc thì cứ theo kiểu thơ Tố Hữu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật; thơ suy tư thì theo kiểu Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…Những bài thơ như thế rất chuẩn về niêm luật, ý tứ, không chê vào đâu được, nhưng không đọng lại được gì. Cũng thật khó tìm được những truyện ngắn ấn tượng như truyện của Nguyễn Tuân, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu. Văn chương thiếu vắng sự khám phá, sáng tạo, thiếu cá tính, và thiếu tài năng.

Nói phê bình tức là đọc và đánh giá tác phẩm văn chương. Kết quả đánh giá tùy vào năng lực của người đọc và phương pháp giải mã tác phẩm. Hầu như vẫn tồn tại một cách đọc áp đặt theo khuôn mẫu chính trị. Tức là xem tác phẩm phản ánh hiện thực gì, phản ánh thế nào, và thái độ phản ánh của tác giả. Qua đó đánh giá thái độ chính trị của tác giả, việc đánh giá hoàn toàn chủ quan, cảm tính. Tác phẩm văn chương chỉ còn là cái chứng cớ để xem xét ý thức chính trị của tác giả. Phê bình như thế là giết chết văn chương.

Đành rằng con người nhận thức thế giới xung quanh bằng giác quan cảm tính. Bởi con người có 5 giác quan cùng với trực giác, mở ra thế giới bên ngoài đón nhận thông tin. Cho nên cùng là hiện thực 1930-1945, thì Nguyễn Công Hoan chỉ khai thác cái hài kịch, còn Nam Cao lại thành công khi viết về cái bi kịch, và Thơ Mới thì bay bổng khỏi mặt đất để “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Nghệ thuật là cảm tính, và thưởng thức nghệ thuật cũng là cảm tính.

Nhưng phê bình không được cảm tính, muốn tìm ra giá trị văn chương, nhà phê bình cần sử dụng những phương pháp phê bình khoa học. Chủ nghĩa cấu trúc đã chỉ ra nghĩa của tác phẩm là nghĩa của cấu trúc, không phải nghĩa của tác giả hay người đọc áp đặt vào tác phẩm. Tác phẩm là một cấu trúc ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại là một cấu trúc, chính cấu trúc mới tạo nghĩa. Nói cách khác, bằng cấu trúc tự thân, tác phẩm có ý nghĩa riêng của nó. Nhà phê bình cần đọc đúng thông điệp này của cấu trúc văn bản.
Xin đọc truyện này của Kafka:

Người canh gác

Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.” Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”

Đọc truyện này, điều quan trọng là giải mã cho được cấu trúc ngôn ngữ của Kafka, chứ không phải là đánh giá con người tác giả Kafka trong truyện này. Mọi cách tiếp nhận cảm tính đều không thể đạt tới ý nghĩa đích thực của tác phẩm.

Hướng về tương lai, chúng ta có quyền hy vọng. Chúng ta chờ đợi những tài năng, nhưng đồng thời chúng ta cũng trân trọng mọi khám phá sáng tạo nghệ thuật, dù rất nhỏ, góp phần làm giàu đẹp đời sồng tinh thần của chúng ta. Dân tộc này vốn bình dị và đằm thắm nghĩa tình.

Mùa xuân Quý Tỵ - 2013
__________________________________________
(1) “Thi Vân yên Tử được sao chép từ đâu”- http://lethieunhon.com/read.php/6103.htm
(2) http://www.tienphong.vn/van-nghe/177160/Hoang-Quoc-Hai-Mao-hiem-voi-Tam-trieu-vua-Ly.html



Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

CUOC SONG-VAN CHUONG và LÝLUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC


CUỘC SỐNG - VĂN CHƯƠNG VÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH
Bùi Công Thuấn
___________________________________________________________________

Nhân Đại hội VHNT Đồng Nai lần thứ V, tôi thử nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua (2007-2012) văn chương Đồng Nai đã có những bước đi như thế nào. Và từ đó ngẫm nghĩ đôi điều về tương lai. Hội VHNT Đồng Nai họat động bằng kinh phí của Nhà Nước, và thực hiện nhiệm vụ chính trị được UBND Tỉnh Đồng Nai trao phó, vì thế cần xem xét sự phát triển của văn chương trong tương quan với sự phát triển xã hội. Đồng thời cũng cần quan sát sự vận động nội tại của văn chương. Nó đang tiến về phía trước, hay dậm chân tại chỗ?

2007-2012 là 5 năm với những sự kiện lớn. Đồng Nai kỷ niệm Biên Hòa 310 năm (1698-2008), kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), cũng là giai đoạn Đồng Nai có những bước phát triển mới.... Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng theo định hướng, tạo tiền đề để tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. UBND Tỉnh Đồng Nai đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 : Phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa- hiện đại hóa. (Báo cáo số : Số: 10459 /BC-UBND ,ngày 16 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh ĐN)

1.VĂN HỌC ĐỒNG NAI ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG NGHIỆP HÓA CHƯA?

Câu trả lời là chưa, nhưng 5 năm qua, văn học Đồng Nai đã có nhiều thành tựu cả về mặt phong trào và nỗ lực cá nhân.

Ban Văn Học đã tổ chức nhiều trại sáng tác cho các Hội viên. Nhiều đề tài đã được triển khai ở các địa bàn khác nhau hướng đến nhiều lĩnh vực đời sống, qua đó hội viên có cơ hội thâm nhập sâu vào hiện thực đang diễn ra xung quanh mình. Đó là, trại về đề tài công nghiệp, đề tài tam nông, đề tài chất độc da cam và nỗi đau còn lại sau cuộc chiến, đề tài Nhà Giáo-nhà trường, đề tài học tập gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội cũng đặt hàng viết về lịch sử 310 năm Biên Hòa Đồng Nai (Trên Dòng Sông Phố-tiểu thuyết của Trần Thúc Hà)

Về phía cá nhân nhà văn, tôi nhận thấy nhiều nhà văn có nỗ lực sáng tạo rất đáng kính nể. Nhiều nhà văn đã tham gia tích cực các trại sáng tác, các sinh hoạt của Hội, nhờ thế có những đóng góp cho thành tựu chung của VN ĐN.

Nhà văn Trần Thúc Hà, tuy năm nay đã 75 tuổi, trong 5 năm ông đã viết : Chuyện nhà tôi, tập truyện ngắn (2007); Người đàn bà, tập truyện ngắn (2008); Trên dòng sông Phố, truyện dài (2008); Nỗi đau này cho đến bao giờ, bút ký; Thế à, truyện ngắn; Người trầm lặng (2011); Người đi mở cõi ; Giã từ cù lao Phố ; Đồng nâu,truyện(2012) …

Nhà văn Nguyễn Quốc Hoàn, nay đã 67 tuổi , tham gia nhiều trại sáng tác, đã viết : Ký (2007)
;Ước mơ của chú bé tật nguyền; Tàn mà không phế; Những năm tháng hào hùng,truyện ký (2010); Xuân Định, sự giao hòa ý Đảng- lòng dân; Lấy máu mình vẽ chân dung Bác Hồ, bút ký (2012). Ngôi chợ quê độc đáo,bút Ký. Một hình ảnh giàu lòng yêu nước, bút ký (305 tr A4-2012)

Nhà văn Khôi Vũ, năm nay đã 62. Anh cho in liên tiếp các truyện dài và nhiều truyện ngắn: Phía sau một khách sạn (2007); Tóc trắng, truyện dài (2007); Vỡ dần trong mắt, tiểu thuyết (2009); Chuyện kể của chú bé phiêu lưu; Phù Phiếm Bên Biển - Tập truyện ngắn (2010)…

Nhà văn Tấn Hoài (Trần Quốc Tiến ) in Muối đỏ, truyện vừa (2007); Viên gạch lạ, tập truyện (2008); Viên kim cương biển,truyện; Hoa Quý Lan, tiểu thuyết (2012); Trường Bà Huồn, (Truyện ngắn). Cũ, mới xuân lộc (2012).

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, người rất xông xáo trong phong trào sáng tác, cũng là người nhận được nhiều giải thưởng . Hoàng Ngọc Điệp thành công ở thể loại bút ký: Chú cún đeo lục lạc, tập truyện thiếu nhi (2007); Món quà giáng sinh, tập truyện thiếu nhi (2010); ”DỜI ĐÔ” và tấm tình nghệ sĩ với 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; Lời tự tình của đất; Ngôi Nhà Gốm. Truyện ngắn; Hương Bưởi, Nắng Sớm, Vợ Chồng Kalíu,… truyện . Dạo chơi trong vườn,bút ký (2012). Chuyện một người Công giáo, bút ký (2012)…,

Nhà văn Đặng Minh Hân (79 tuổi), ngòi bút còn rất khỏe, đã in Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận,tiểu luận (2007); Chất anh hùng của người Đồng Nai, ký (2007); Chất độc da cam nỗi đau còn lại sau cuộc chiến tranh-phóng sự ảnh; Tiến độ xây dựng nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc - Đồng Nai (2012); Đôi điều suy nghĩ về cuốn’ Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh’, bút ký (2012)

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy đã in. Huỳnh Văn Nghệ như là giấc mơ. Giải khuyến khích của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT 2010; Văn học Đồng Nai Lịch sử &diện mạo, nghiên cứu (2011).

Nhà văn Nguyễn Một, sau Dòng sông độ lượng, ký (2007); là tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009) đạt giải C, cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn (2009-2010); Ngược mặt trời, tiểu thuyết (2012)

Các nhà văn nhà thơ khác, có người in 1 cuốn, 2 cuốn, có người không in riêng thì đăng trên VNĐN và các trang mạng. Phải kể đến Xuân Bảo, Tiêu Thanh Giang, Đào trọng Thử, Đỗ Minh Dương, Đào Sỹ Quang, Lê Đăng Kháng, Dương Đức Khánh, Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Hoài Nhơn, Kiều Văn Phẩm , Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Hoàng Đình Nguyễn, Ngọc Thùy Giang, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Nguyễn Thị Khánh, Trương Thanh Phận, Đào Nguyên Thảo…, và gần đây : Trâm Oanh, Dương Thu Hường, Hạnh Vân được dư luận chú ý.

Về đề tài, nhà văn chú ý đến nhiều mặt của đời sống xã hội
Đề tài chiến tranh Cách Mạng có Một Hình ảnh Giàu Lòng Yêu nước (Bút ký của Nguyễn Quốc Hoàn), Tấn Hoài có Muối đỏ; Viên gạch lạ, Viên Kim Cương Biển. Hoa Quý lan…
Đề tài người lính, Anh Hoàng có tác phẩm Mặt trận thầm lặng (2007) về lực lượng vũ trang nhân dân, Lê Đăng Kháng có Người lính hát đơn ca, tập truyện ngắn (2007) và Sương sớm, tập truyện ngắn (2011)…

Đề tài lịch sử, Trần Thúc Hà có Trên dòng sông Phố và Người đi mở cõi..

Đề tài về Bác Hồ, Bác và trăng, tiểu luận của Xuân Bảo. Tình cảm Bác Hồ với Đồng Nai –tấm lòng người Đồng Nai với bác Hồ -Bút ký của Đàm Chu Văn. Lê Thanh Xuân có Ngõ Công Poăng- Ngôi Nhà Sàn Của Bác- Tân Trào,(2012). Đào Sỹ Quang : Bác Hồ sống mãi trong trái tim tôi,(2012)…
Nguyễn Thái Hải, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng là những tác giả vẫn viết truyện cho thiếu nhi.

Đề tài về đời sống công nghiệp, về nông thôn, về nhà giáo, về quê hương Đồng Nai, về đất và người Đồng Nai, về nỗi đau da cam, về những vấn đề “nóng” của đời sống, tình yêu lứa đôi, những nghĩ suy về cuộc sống hôm nay chiếm đa phần trong các sáng tác của nhà thơ nhà văn Đồng Nai. Chẳng hạn: Phù Phiếm Bên Biển (Khôi Vũ), Sự Đời (Đào Sỹ Quang), Đòn Gió (Dương Thu Hường), Với Miền Đất Đỏ, Đợi chờ bình minh em của Đỗ Minh Dương. Đau, Trốn (Đào Trọng Thử), Người đẹp Cù lao (Bùi Kim Chi:), Trọn nghĩa vẹn tình (Hạnh Vân)…

Lý luận phê bình có Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận,tiểu luận (2007) của Đặng Minh Hân,Viên phấn và cây viết của Bùi Quang Tú; Văn học Đồng Nai lịch sử và diện mạo, nghiên cứu của Bùi Quang Huy. Chút tình tri âm (2009), Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức (2009) và Những dòng sông vẫn chảy, LLPB (2011) của Bùi Công Thuấn…
(Tôi xin lỗi vì đã không nêu được đầy đủ tác phẩm của các tác giả Đồng Nai)

2.NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VÀ LÝ LUẬN

Chúng ta đã có tác phẩm đạt giải trung ương, nhưng chúng ta chưa có tác phẩm tương xứng với tầm vóc Đồng Nai hôm nay. Thời kháng chiến, Hoàng Văn Bổn đã có những bộ sử thi về Đồng Nai, (Trên Mảnh Đất Này, Miền Đất Ven Sông). Hôm nay ta có Trên Dòng Sông Phố, tiểu thuyết lịch sử của Trần Thúc Hà, nhưng Trên Dòng Sông Phố, chưa thể so sánh về tầm vóc đồ sộ và chất sử thi như tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn. Bao giờ VNĐN mới có những tác phẩm ngang tầm với nền văn học của các nước công nghiệp hóa khi Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp?

Số người viết về đề tài về chiến tranh Cách Mạng còn rất ít, Tấn Hoài thành công ở Viên Gạch Lạ (chuyện ở miền trung) và Nguyễn Quốc Hoàn có tập bút ký Một Hình Ảnh Giàu Lòng Yêu Nước, viết về những người con anh hùng của Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

Những công trình nghiên cứu lịch sử văn học Đồng Nai mới chỉ manh nha ở cuốn “Văn học Đồng Nai Lịch sử &diện mạo” của Bùi Quang Huy (2011). Dù rất trân trọng công sức và tâm huyết của tác giả với văn học Đồng Nai, song tôi nghĩ, cuốn sách này cần phải được gia công nhiều hơn nữa mới đạt đến tầm vóc và giá trị mà tác giả mong muốn. Chẳng hạn, việc đưa Nguyễn Đình Chiều vào văn chương Đồng Nai (1861-1930) cần phải được xem lại, bởi Nguyễn Đình Chiểu đã về Bến Tre sống trong chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc-Long An) từ 1859, cũng tại đây ông viết Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc 1861; về phương diện khác, tính lịch sử của sự phát triển văn học ở Đồng Nai cần được làm rõ. Điều còn thiếu của cuốn sách là văn học đương đại Đồng Nai chưa được nghiên cứu toàn diện. Cách viết lịch sử văn học còn chịu ảnh hưởng của cách viết trong nhà trường. Tác giả chưa thực sự có những kiến giải của riêng mình. Có khi có những đánh giá võ đoán, thiếu tính khoa học.. Chẳng hạn kết luận về nhà văn Lý Văn Sâm :” Ông sống gần trọn thế kỷ XX.. Trong 80 năm ấy, LVS như một người từ cõi nào đó, đến rồi đi. Ngay những lúc bình yên nhất, nhà văn vẫn tìm cách bứt ra khỏi sự phẳng lặng. Và, đến lúc không làm người giang hồ được nữa, ông ngồi nhớ da diết tháng ngày…Văn chương, đối với nhà văn, là một thứ cần phải viết,…” (tr. 539). Lý Văn Sâm là nhà văn Cách Mạng, đã từng bị địch bắt tù vì những trang văn của mình, là người cầm bút có lý tưởng, là nhà văn khai thác được đậm chất Đồng Nai, vậy mà tác giả lại coi là “ một người từ cõi nào đó, đến rồi đi”, sống” làm người giang hồ “, thì tôi e rằng, những đánh giá như thế sẽ gây họa cho những người đi sau (?)

Tôi nghĩ rằng Hội cần đầu tư chuyên sâu cho những mảng đề tài này với những kế hoạch và sự hỗ trợ thích đáng, may ra chúng ta mới có được tác phẩm tương xứng với tầm vóc Đồng Nai hôm nay

Chúng ta đã tổ chức nhiều trại sáng tác, đã tài trợ sáng tác nhiều tác phẩm, song kết quả không cao. Có tác giả sau một đợt dự trại, gửi về bản thảo chỉ 2 trang A4, nội dung như một bản tin. Nói cho thật đúng, cách tổ chức tham quan thực tế vài ngày rồi viết, thì dù nhà văn có tài, cũng chỉ có thể viết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cà kê về chuyến đi, gặp người này người kia, rồi thêm vào vài lời bình ngoại đề, thế là có tác phẩm. Có người chỉ gọi điện thoại nói chuyện với nhân vật rồi viết bài. Dù tác giả có tâm huyết và tài năng, thì những tác phẩm như vậy chỉ có thể cung cấp thông tin gián tiếp không có sự khám phá cái đẹp từ bên trong đối tượng.

Tôi muốn nói đến chất lượng tác phẩm. Người ta nói nhiều đến các yếu tố tạo nên tác phẩm như vốn sống, tư tưởng và chủ đề, năng lực tổ chức tác phẩm, tâm huyết với đề tài và cái tạng riêng , cái tư chất riêng của ngói bút. Xét đến cùng là tài năng, cái chuẩn mực mà Nam Cao phân biệt người thợ khéo tay và nhà văn, nhà thơ. Xin thí dụ. Cùng viết tùy bút về dòng sông, mặc dù Hoàng Phủ Ngọc Tường đi sau Nguyễn Tuân, nhưng tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” vẫn mang đặc sắc tư tưởng nghệ thuật riêng của HPNT, khác với Sông Đà của Nguyễn Tuân. Để viết được một bài bút ký về sông Đồng Nai như Nguyễn Tuân và HPNT, tôi nghĩ nhà văn phải đổ ra không ít công sức và tâm huyết. Cũng vậy Nguyễn Tuân là bậc thầy về Tùy bút, Bút ký, nhưng Anh Đức, dù đi sau, bằng tập bút ký Bức Thư Cà Mau, vẫn tự tạo cho mình một vị trí riêng. Chúng ta học được gì từ Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm hay những nhà văn khác như Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh? Những nhà văn đi trước ấy để lại cho ta những kinh nghiệm gì để làm nên tác phẩm giá trị?

Câu trả lời là phải sáng tạo.Tức là làm ra cái mới, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy nghệ thuật và thi pháp.
Nhiều bài bút ký hôm nay vẫn giữ nguyên cách viết bút ký thời kháng chiến chống Mỹ cách nay đã 40 năm. Tất nhiên là nó không còn hợp với khẩu vị độc giả thế kỷ 21 toàn cầu hóa. Nhiều bài thơ hôm nay vẫn viết trong kiểu thi pháp thơ Đường luật thời Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, vẫn những kiểu thơ 7 chữ, 8 chữ vần điệu du dương với những tứ thơ lãng mạn như Thơ Mới; vẫn tổ quốc ơi, dòng sông ơi, con đò ơi, cánh cò ơi… kể người kể việc, như thơ kháng chiến, không vượt qua được Quang Dũng, Hoàng Cầm, Tố Hữu, Bằng Việt, Xuân Quỳnh…Thành ra thơ rất cũ. Đọc thơ mà thấy ngán ngẩm. Thơ không gây được ấn tượng với bạn đọc.(Xin mở ngoặc, tôi không có ý nói thơ cũ là không hay. Thực tế là, Tây Tiến của Quang Dũng, mặc dù đến nay đã 62 năm, đọc lại vẫn còn rất mới, trong khi Đèo Cả của Hữu Loan ra đời trước, lại không ấn tượng bằng)

Trong mấy chục năm qua, nhiều thế hệ nhà thơ VN đã nỗ lực cách tân, song cho đến giờ, chưa nhà thơ nào thành công trên con đường đổi mới thơ của mình, bởi chủ yếu họ cách tân về hình thức, mà thiếu hẳn một kiểu tư duy thẩm mỹ mới. (Lê Đạt có “bóng chữ”. Trần Dần sử dụng chữ rỗng, Khế Yêm làm thơ Tân Hình Thức, Hoàng Cầm, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều đi vào Siêu Thực, các nhà thơ trẻ thì thử nghiệm Hậu Hiện Đại…).

Ở Đồng Nai tôi cũng đã được đọc nhiều bài thơ hay trong các tập thơ của Xuân Bảo, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn…, đã được đọc nhiều truyện hay trong Viên gạch Lạ của Tấn Hoài, trong Phù Phiếm Bên Biển của Khôi Vũ, Nông Nổi Cù Lao của Dương Đức Khánh, Lời Tự Tình của Đất của Hoàng Ngọc Điệp, Một Hình ảnh Giàu Lòng Yêu Nước của Nguyễn Quốc Hoàn, Sự Đời của Đào Sỹ Quang, Sương Sớm của Lê Đăng Kháng…Nhưng tôi vẫn mong nhà thơ nhà văn đổi mới hơn nữa thi pháp và khám phá sâu sắc hơn nữa hiện thực mình khai phá.

Đã có những dấu hiện của sự đổi mới trong thơ Lê Thanh Xuân, Nguyễn Đức Phước, Trần Ngọc Tuấn, nhưng các tác giả đã không đi đến tận cùng con đường tìm tòi nghệ thuật của mình. Về Văn, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Hoàng Ngọc Điệp có khá nhiều trăn trở trong việc tìm tòi những cách thể hiện mới, và ít nhiều đã gặt hái được thành công.

Tôi nghĩ, dù là nhà thơ hay nhà văn, thì cái khó nhất của người cầm bút là làm ra cái mới, sự nhọc nhằn khôn nguôi của người sáng tạo là nỗ lực vượt qua cái bóng của chính mình. Điều này chỉ những nhà văn nhà thơ đánh vật với con chữ, đau đáu tìm tòi trong đơn độc mới tìm thấy chìa khóa.

MỘT LỜI CHÚC TỐT ĐẸP
“đến năm 2015 Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa- hiện đại hóa”, không biết đến đó (chỉ 3 năm nữa) văn chương Đồng Nai có trở thành một nền nghệ thuật như văn chương các nước công nghiệp hay không (!), tôi không kỳ vọng một cách máy móc về điều ấy. Nhưng thành tự của văn chương nghệ thuật đồng Nai trong 5 năm tới hoàn toàn trông nhờ vào nỗ lực sáng tạo của các nhà thơ nhà văn. Tôi tin rằng những nhà văn nay đã bảy tám mươi tuổi vẫn còn viết được, bởi viết văn là nghiệp. Và đội ngũ nhà văn trẻ kết thừa sẽ phát huy được tài năng để khẳng định thế hệ mình.

Xin kính chúc nhà thơ, nhà văn Đồng Nai dồi dào sức lực và ý tưởng sáng tạo trên một chặng đường mới .

Tháng 11.2012
_______________________________________________________
(1) Bài này không phải là bài tổng kết 5 năm văn học Đồng Nai. Qua một vài thành tựu của VH ĐN, tác giả suy nghĩ đôi điều.
(2) Xin đọc thêm các bài khác BCT đã viết về văn chương Đồng Nai (Về Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ,Xuân Bảo, Đào Trọng Thử, Hải Ba, Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Nguyễn Một…

Trái Tim Biết Khóc, Nguyễn Đức Phước Đồng Nai, Văn Nghệ Trẻ đăng10/8/08 . Văn nghệ Đồng Nai số 44( tháng 9&10/08. http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=332

Người Đàn bà Lưu Vong
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=10028&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=743

Đọc Miền Đất ven Sông ,thử tìm hiểu tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn
http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=8&scat=&id=1735

Lý Văn Sâm và hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng :
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8514.


Đọc lại Lời Nguyền Hai Trăm Năm của Khôi vũ
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11625&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=743

CHUYỆN CỦA NHỮNG KẺ CHƠI DAO.đọc Đất Trời Vần Vũ của Nguyễn Một
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9181
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11654&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=743

TRIẾT LÝ NGƯỜI HIỀN. Đọc Sương Sớm của Lê Đăng Kháng
http://vanvn.net/news/11/1170-triet-ly-nguoi-hien.html. ngày 4.11.2011

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

"LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN"


‘LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN”
Bùi Công Thuấn

Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ (ĐTVD) của Hàn Mặc Tử (HMT) được giảng dạy trong chương trình phổ thông. GS Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng “cái độc đáo và đẹp của câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là “nghệ thuật cách điệu hóa. Không nên tìm ở đây hình ảnh tả thực, tuy rằng cách điệu hóa cũng xuất phát từ sự thực : trong những ngôi nhà vườn xinh xắn, sau những hàng tre trúc, thấp thoáng có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu, dễ thương “[1] Thế nhưng lý giải ấy không đủ sức làm thỏa mãn người đọc về cái hay của câu thơ này. Nhiều người đã tìm những hướng tiếp cận khác nhau để khám phá cho được tín hiệu nghệ thuật và thông điệp HMT gửi trong đó. Nhưng xem ra cho đến nay, điều ấy vẫn còn ngoài tầm tay.



Gần đây Nguyễn Cẩm Xuyên (NCX) cho rằng “có lẽ cái đáng băn khoăn nhất ở đây là 3 chữ “mặt chữ điền”. Sao lại mặt chữ điền? “chữ điền” là để tả mặt cô thiếu nữ thôn Vĩ chăng?[2] Tác giả cũng dẫn ra nhiều cách hiểu của những người đi trước, chẳng hạn “Đọc câu thơ : “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ta hình dung ra cảnh cô thiếu nữ thôn Vĩ đang e ấp, thẹn thùng nhìn khách phương xa qua kẽ lá. Cách hình dung này là hợp lí… Nhiều nhà nghiên cứu thơ đã nghĩ như vậy”[đd].



Tác giả NCX cũng dẫn thêm một cách hiểu khác :” câu thứ tư tả thêm một nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang …tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Quả thật theo phong thủy, kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào, cách khoảng 5-7 mét. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt chữ điền (田) và một số người bình dân vùng nông thôn Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…”[đd]




Sau khi dẫn thêm các trường hợp lầm lẫn của nhà in, chẳng hạn việc in sai hai chữ trong câu “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” trong bài Đoàn Thuyền Đánh Cá- Huy Cận, tác giả NCX đưa ra kiến giải về “mặt chữ điền” như sau:” Từ giai thoại trên ta có thể nghĩ ngợi rằng: thôi cứ cho “mặt chữ điền” là khuôn mặt của thiếu nữ thôn Vĩ đi… thì e là hay hơn ! Câu thơ trở nên sống động, có thần mà lại rất lãng mạn, nên thơ… dù có thể là lúc đặt bút viết thơ Tử đã không nghĩ như thế;… Tử đã không theo khuôn sáo tầm thường mực thước trói người lãng tử. Cô gái của Tử miêu tả trong Đây thôn Vĩ Dạ phải lạ đời với khuôn mặt chữ điền… và khuôn mặt lạ ấy đã đem đến cho người đọc bao nhiêu là cảm nhận thú vị; vì thế cho mãi đến hôm nay người ta vẫn còn băn khoăn, xôn xao mãi và bàn tán nhiều như vậy…”




Tôi bị cuốn hút vào cách đặt vấn đề của NCX, nhưng thực sự hụt hẫng và thất vọng về kết luận của ông đối với câu thơ của Hàn Mặc Tử. Bởi lý giải võ đoán ấy không có sức thuyết phục, nó vẫn nặng về cảm tính và bất lực. Tác giả Nguyễn Khôi thì quyết đoán hơn:” Về Cô gái trong "Lá trúc che ngang mặt chữ Điền" đó là cô gái do sức tưởng tượng của Thi nhân mà hiện ra thôi "...Nay ta xem lai di ảnh Nhà Giáo- cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (1913- 1989) thì đúng là Cúc có khuôn mặt chữ ĐIỀN phúc hậu...chứ không phải như ai đó (Thang Ngọc Pho và V,V...) quả quyết đó là chữ ĐIỀN- Hán tự đắp nổi ở "mặt trước phía trên cổng các nhà Quí tộc Huế " hay ở các tấm bình phong trước nhà...”[3]. Còn cách giải thích “mặt chữ điền” là tấm bình phong là của Dương Hiền Nga :” Ở Vĩ Dạ lúc đó trồng nhiều trúc bên lối đi, cổng nhà thường có tấm “Chấn Phong” để chắn gió, trên đó thường đắp nổi hoặc viết một chữ điền (bằng chữ Hán) vừa cho đẹp vừa hàm ơn là đất vua ban khi tuổi già xế bóng. Gặp một vài người già ở Huế hỏi điều này, họ xác nhận như vậy nhưng quan trọng nhất là đặt trong mạch thơ đầy lưu luyến hồi tưởng về thôn Vĩ, về cuộc sống bên ngoài, tôi thấy hợp lý.”[4]



Có thể nhận thấy điều này, các tác giả tìm hiểu bài Đây Thôn Vĩ Dạ đã sử dụng phương pháp tiểu sử, cố gắng tìm và áp đặt một khuôn mặt chữ điền có thật của cô gái ở thôn Vĩ cho “mặt chữ điền” trong hình tượng thơ của HMT, thậm chí còn cho đó là khuôn mặt của Hoàng Thị Kim Cúc (như đã dẫn ở trên). Nhưng vấn đề là những lý giải như thế để đạt tới điều gì? Có giải mã được bí mật thẩm mỹ của thơ HMT không? Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” hay, đẹp, sáng tạo độc đáo cũa HMT là ở chỗ nào, và, ghi lại hình ảnh ấy, HMT muốn chuyển tải thông điệp gì? Chẳng lẽ HMT mời anh “về chơi thôn Vĩ “ là để nhìn “nắng hàng cau”, rồi nhìn “vườn ai” và sau cùng là nhìn mặt Kim Cúc sao ?
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Rõ ràng hình tượng thơ trở nên đa tầng , đa nghĩa, giàu màu sắc thẩm mỹ; vượt lên rất xa so với hiện thực được HMT dùng làm chất liệu miêu tả. Không thể đọc thơ bằng cách áp câu thơ lên hiện thực để xem có phải sự thực tác giả đã viết như thế hay không, như thể áp “mặt chữ điền” lên khuôn mặt Hoàng Kim Cúc trên di ảnh. Nếu văn chương là thế thì chẳng cần đến sự sáng tạo của nhà thơ, cũng không cần đến sự độc đáo của cá tính sáng tạo nữa. Bài thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh, hình tượng thơ tự nó có ý nghĩa riêng ngoài ý chủ quan của tác giả. Hiện thực được dùng làm chất liệu chỉ là nguyên liệu thô được chưng cất, nó là cái vỏ mà nhà thơ thổi hồn vào. Cái đẹp của tứ thơ, của hồn thơ mới làm nên giá trị thơ



Xin đặt câu thơ trong tổng thể bài thơ. Đây Thôn Vĩ Dạ là ấn tượng của HMT về cảnh sắc và con người xứ Huế. Mỗi khổ thơ là một bức tranh ấn tượng, vì thế không có một không gian, thời gian, góc nhìn thống nhất cho cả bài thơ. Đó là ấn tượng về cảnh sắc ở ba nơi khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Cảnh sắc được lọc qua tâm tưởng của tác giả, không phải là tả thực, khách quan như trong các bài tả cảnh. Khổ I là cảnh sắc vườn tược tinh khôi buổi sáng, khổ 2 là cảnh sắc sông nước đêm trăng thơ mộng và buồn. Khổ 3 là những ngày mưa trắng trời ở Huế với những thiếu nữ mặc áo trắng nhòa trong mưa. Ba cảnh này không liên can gì nhau, nhưng hiện lên trong tâm tưởng HMT và chứa đựng cái tình của tác già. Tấm lòng của tác giả với xứ Huế là sợi dây liên kết ba khổ thơ tạo nên sự thống nhất cho cấu trúc bài thơ.




Quan sát kỹ những bức tranh ấn tượng về xứ Huế của HMT (xin không lầm lẫn với nghệ thuật Ấn Tượng), người đọc nhận thấy đặc điểm này : cảnh sắc được miêu tả rất sắc nét, hiện lên rõ mồn một trước mắt ta, nhưng con người xứ Huế chỉ thấp thoáng trong tranh, không rõ nét, không rõ chân dung.


Lối theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thi hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.



Sự chuyển hóa bút pháp của HMT trong 3 khổ thơ là yếu tố đặc biệt cần xem xét khi giải mã tín hiệu nghệ thuật của từng khổ thơ. Khổ 1, bức tranh được vẽ bằng bút pháp Hiện Thực. Khổ 2, cảnh sông nước đêm trăng là bức tranh Siêu Thực. Khổ 3, hình ảnh ở thực tại chuyển sang bút pháp huyền ảo có màu sắc tâm linh, ở đây HMT hình dung ra mình đứng ngoài cõi nhân gian xa lắc (mờ nhân ảnh) nhìn về cõi người và “mơ khách đường xa”, cảnh thực ở Quy Nhơn nhòa trong cảnh thực ở Huế, được nhìn mằng tấm lòng của một người ngỡ mình đã “mờ nhân ảnh” trong cõ đời này.




Như thế không nhất thiết phải truy tìm nghĩa cụ thể của “mặt chữ điền” là gì, là mặt của ai, mà chỉ cần hiểu đó là khuôn mặt người dân Huế, thấp thoáng trong ngõ trúc, lá trúc che ngang. Độc đáo của HMT là chỉ cần dùng “lá trúc” cũng đủ gợi ra cành trúc và ngõ trúc, bởi người đọc liên tưởng ngay tới “cành trúc la đà “ trong ca dao và “ngõ trúc quanh co” trong thơ Nguyễn Khuyến. Tứ thơ vừa mới, vừa truyền thống. “Lá trúc che ngang bặt chữ điền” là hình ảnh thấp thóang của người dân Huế trong ngõ trúc. Trên đường đi, cành trúc nghiêng nghiêng, lá trúc lòa xòa trên mặt người, không thể “che ngang”, điều ấy làm lộ ra góc nhìn của HMT và một tín hiệu nghệ thuật cần giải mã. Tứ thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ẩn chứa một thông điệp.



“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”



HMT, hóa thân trong Kim Cúc, mời gọi về thăm thôn Vĩ. Nhưng thôn Vĩ có gì đặc biệt để thăm? Thôn Vĩ có nắng mới lên trên hàng cau, có vườn xanh ngọc mơn mởn, có con người xứ Huế thấp thoáng đôn hậu. HMT còn tỏ lộ khát vọng tình duyên tươi mới qua hàng cau trong nắng sớm, một sức sống dào dạt trên những lá non xanh ngọc qua vườn ai, và sự thân thiện gần gũi khi nhìn con người xứ Huế đôn hậu. Xứ Huế có những giá trị tinh thần quý giá ấy níu chân HMT.



“Mặt chữ điền” của người xứ Huế là khuôn mặt rắn rỏi, đôn hậu. Khuôn mặt ấy chỉ thấp thoáng sau lá trúc, là sự bộc lộ sự kín đáo, thâm trầm và dung dị tính cách con người ở xứ kinh đô. Tôi còn thấy người dân Huế rất trọng lễ nghĩa. Phải chăng chữ “che ngang mặt” dẫn người đọc đến tầng nghĩa này? Người xưa, trước khi làm gì, đều thi lễ. Cách thi lễ thường là đưa tay lên ngang mặt. Chẳng hạn trước khi uống rượu, khách mời nâng chén rượu (cử bôi) ngang mặt thi lễ rồi mới uống. Người kỹ nữ trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị trước khi đánh đàn đã “Tay ôm đàn che nửa mặt hoa”( Do bão tỳ bà bán già diện ) sau đó mới vặn đàn, dạo qua vài tiếng đầy tâm trạng cho khách nghe. Vâng , HMT mời gọi, anh nên về thăm thôn Vĩ, vì ở đây có những con người đáng yêu, đáng quý như vậy. HMT tỏ ra hiểu sâu sắc cảnh sắc, con người xứ Huế, nhà thơ dành cho nơi đây (không chỉ dành cho Kim Cúc) tất cả tình yêu thương sâu nặng của mình. Điều ấy lộ ra khi HMT đã vào trại Quy Hòa, sống xa cõi người. Quả là một hồn thơ lạ lùng, bởi trong tình cảnh đau thương ấy, tâm hồn nhà thơ vẫn đầy ắp sức sống, dào dạt tình yêu thương, trân trọng nâng niu cái đẹp của cảnh sắc, của tình người. Tâm hồn ấy tinh khôi như nắng mới lên, thanh khiết một màu xanh như ngọc, và rắn rỏi đôn hậu biết bao, hòa trong cảnh sắc và con người xứ Huế.



Tôi nghĩ cái hay, cái đẹp, cái tình, cái tài hoa của câu thơ Hàn Mặc Tử là ở đó. Thương lắm một người thơ đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh thần đặc sắc như vậy.


Tháng 9.2012



(Bài đăng trên Vanchuongviet.org ngày 20.09.2012:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19335)
________________________________________
[1].Văn Học lớp 11 tập 1, sách giáo viên, Nxb Giáo dục-tr.123
[2] http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19328
[3] http://duyphitho.blogspot.com/2011/11/nguyen-khoi-ve-cau-tho-la-truc-che.html
[4] http://www.baomoi.com/Cau-tho-La-truc-che-ngang-mat-chu-dien/152/3522643.epi


Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

PHÊ BÌNH VĂN HỌC VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HỌC

PHÊ BÌNH VĂN HỌC VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HỌC
Bùi Công Thuấn

Đã có khá nhiều ý kiến về tình trạng phê bình văn học hiện nay. Nhiều người đã chỉ ra những “căn bệnh” của phê bình. Các Lớp Tập Huấn về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội Đồng LLPB VHNT trung ương cũng nói nhiều đến tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình và sự yếu kém của đội ngũ làm công tác lý luận phê bình. Đa số thống nhất ý kiến này, phê bình không theo kịp sáng tác Thực chất của vấn đề là gì?

1.Tình trạng “loạn” trong đời sống văn học nghệ thuật

Tình trạng này đã kéo dài ít nhất là từ sau “đổi mới” đến nay, khi Chủ Nghĩa Hiện Thực XHCN không còn là phương pháp sáng tác và phê bình chính thống, có trính cách bắt buộc đối với nhà văn, nhà phê bình. Khi đã không còn một lý thuyết phê bình và sáng tác thống nhất thì tình trạng “loạn” của sáng tác và phê bình là đương nhiên. Và từ đó, mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy viết, lấy quan điểm chủ quan của mình làm chuẩn, lấy ý kiến chủ quan của mình làm chân lý. Và khi các diễn đàn Internet nở rộ thì mảnh đất lý luận phê bình trở thành nơi cỏ mọc vườn hoang . Đủ mọi ý kiến được phô diễn, kể cả những ý kiến phi học thuật. Những năm gần đây ồn ào thường diễn ra ở một vài tác phẩm, tác giả được trao giải văn chương, ở các hội đồng chấm giải (chẳng hạn, giải của Đồng Bằng Sông Cửu Long, của Hội Nhà Văn…). Mãi đến nay, Hội Đồng LLPB Trung Ương mới đề xuất đề án lý luận phê bình Việt Nam, đề án cấp nhà nước, để làm chuẩn mực chung. Nghĩa là ở thời điểm này, người làm lý luận phê bình hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa một lý thuyết phê bình nào đó để tiếp cận tác phẩm và đời sống văn học.

Nó tình trạng “loạn” trong đời sống phê bình và sáng văn học, trước hết phải kể đến sự “nổi loạn” của tác giả. Có tác giả muốn thử sức ngòi bút của mình ở những lĩnh vực mà nhà văn chưa chưa hề đặt chân đến. Chẳng hạn, có lúc, các nhà văn trẻ ào ạt viết về sex, thì nhà văn “già” cũng không cưỡng lại được sự háo danh, chạy theo viết sex và phát ngôn rất ư hùng hồn về tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, chính nhà văn làm “loạn” văn đàn bởi những sáng tác không hề có chuẩn mực nghệ thuật nào, mà chủ yếu chỉ đề cầu danh. Trước đây, có người trẻ đã phát ngôn gây sock, chẳng hạn họ làm thơ không thơ.. Có người chẳng là nhà văn bao giờ, bỗng viết truyện sex, chụp hình sex tặng kèm, chỉ để nổi tiếng. Sách dịch tràn lan sex, Xin Lỗi Em Chỉ Là Con Đĩ trở thành best seller. Thế là người đọc chẳng còn biết đâu là văn chương đích thực, đâu là những giá trị văn chương. Người ta mặc sức khen chê. Trong khi tác phẩm đạt giải văn chương Nobel được dịch rất ít người đọc.

Người làm “loạn” thứ hai là nhà xuất bản (Tôi xin lỗi nếu làm phiền lòng nhà xuất bản nào đó). NXB có thể in đủ mọi loại sách, miễn là không phạm luật và bán được, Tất nhiên NXB có lý khi xuất bản một cuốn nào đó, và cũng không ít cuốn được in ra đã bị thu hồi (chẳng hạn Dự Báo phi Thời Tiết). Nếu NXB chỉ in những cuốn thực sự có giá trị văn chương thì đâu có tình trạng “loạn”. Nhưng nếu làm như thế thì NXB sẽ chết. Trong nền kinh tế thị trường, bất cứ ai có tiền cũng có thể in sách, và hàng năm không biết bao nhiêu tập thơ của cá nhân đã được in. Không một nhà phê bình nào đử sức đọc và viết về những tập thơ ấy, đành phó mặc cho người viết giới thiệu tập thơ và NXB. Tập sách nào cũng được giới thiệu thật tuyệt vời.

Người làm “loạn” thứ ba là bạn đọc. Trăm người đọc có trăm ý kiến. Điều ấy phát huy tính dân chủ của văn học, người đọc là người đồng sáng tạo với tác giả, người đọc quyết định ý nghĩa và số phận tác phẩm. Tuy nhiên, bạn đọc có trình độ lý luận phê bình văn chương lại không nhiều. Xin cứ ghé một trang mạng văn chương có comment nào đó, người đọc sẽ thấy tình trạng”loạn” đến phát hoảng, bởi những người thực sự cầu thị trên các diễn đàn ấy có thể bị “ném đá” tơi bời, đành “bỏ của chạy lấy người”. Ở đây người viết comment chẳng theo chuẩn mực học thuật nào cả, thoải mái phát biểu khen chê cảm tính, và không ít những kẻ giấu mặt thiếu thiện tâm đối với một tác giả, tác phẩm nào đó dùng diễn đàn cho mục đích riêng. Nếu chỉ căn cứ vào những comment ấy thì quả thực tình trạng “loạn” phê bình đã vượt tầm kiểm soát.

Người làm “loạn” ồn ào hơn lại chính là một vài nhà phê bình, kiểu phê bình “đao to búa lớn”, “cả vú lập miệng em”, “nói lấy được”, cốt sao đè bẹp “đối thủ”, bất chấp chân lý nghệ thuật, bất chấp luật chơi, bất chấp yêu cầu về văn hóa phê bình (trong đó có cả nhửng nhà phê bình trẻ).... Xin cứ đọc lại những bài các nhà phê bình viết về Hội Thề của Nguyễn Quang Thân thì sẽ rõ. Đã có nhà phê bình chân chính phải xin từ bỏ cuộc đối thoại văn chương vì không thể kham nổi kiểu đối thoại phê bình “múa gậy vườn hoang”, không có tiêu chí học thuật, đạo đức nào làm chuẩn mực.(*)

2. Có thực là lý luận phê bình văn học hiện nay hoàn toàn “lệch, lạc “ không?

Nếu chỉ căn cứ vào những bài quảng cáo sách, những comment trên mạng, những bài viết không có giá trị học thuật tràn lan trên báo, trên mạng thì người đọc bình thường sẽ nghĩ tình trạng “loạn” trong lý luận phê bình văn học đã “hết thuốc chữa”, bởi như nhà thơ Inrasara đã bắt mạch, có đến 10 căn bệnh của lý luận phê bình, thì thuốc nào chữa được! Tôi không nghĩ như vậy. Dòng sông văn học vẫn chảy, hết lớp sóng này đến lớp sóng khác. Bọt bèo có khi phủ cả mặt sông, nhưng sớm muộn cũng bị cuốn trôi. Điều này đã rõ. Xin nhìn lại những ồn ào của đời sống văn học và phê bình trước và sau năm 2005, đến giờ, tác phẩm nào còn trụ được, nhà văn nào chứng tỏ được tài năng thực sự, những cách tân nào có giá trị mở ra những dòng chảy mới? Vì thế không nên bận tâm về những hiện tượng ồn ào giả tạo, không nên mất bình tĩnh về những ý kiến trái chiều về một tác phẩm nào đó. Đã có sự ồn ào làm nên giá trị, đó là trường hợp cánh Đồng Bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Trong văn chương nghệ thuật, chỉ những giá trị nghệ thuật đích thực mới sống được với thời gian, với thời đại. Những nhà văn chân chính có bản lĩnh luôn tự tin vào con đường sáng tạo của mình, và họ âm thầm đóng góp cho sự phát triển văn học. Các nhà văn trẻ học được gì ở nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Ma Văn Kháng… ?

Lý luận và phê bình vẫn đang vận động và phát triển. Nhà thơ Lê Quang Trang trong tham luận ở Lớp tập Huấn đã điểm những thành tựu: GS Trần Đình Sử đã sớm đưa Thi Pháp Học xem xét thơ Tố Hữu. GS Hoàng Trinh, GS Trương Đăng Dung quan tâm đến VH so sánh. Phan Ngọc vận dụng chủ nghĩa Cấu Trúc để tìm hiểu truyện Kiều. Đỗ Lai Thúy dùng Phân Tâm Học để xem xét thơ Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm, và gần đây các cây bút trẻ quan tâm đến phê bình Hậu Hiện Đại khi họ đề cập đến việc giải trung tâm, đế sự lật đổ những “đại tực sự”….Trong những nhà phê bình trẻ, tôi thấy nhiều người có năng lực và phẩm chất phê bình rất tốt, chẳng hạn, Nhã Thuyên, Trần Thiện Khanh, Miên Di, Nguyễn Hữu Hồng Minh (nhà thơ)…tất nhiên họ còn cần nhiều thời gian để tôi luyện ngòi bút của mình.

Nhìn vào hoạt động của Hội Nhà Văn và Hội Đồng LLPB trung ương nhưng năm vừa qua, trong việc tổ chức các hội thảo văn học, những Lớp Tập Huấn chúng ta có quyền hy vọng hoạt động LLPB sẽ dần dần tái lập các giá trị học thuật, đủ sức góp phần thúc đẩy sáng tác.


3.Con đường nào cho lý luận phê bình văn chương?


Trước hết bản thân nhà văn phải ý thức con đường sáng tạo của mình, nỗ lực khai phá những con đường chưa ai đi trên nền tảng nhân bản và có bề dày văn hóa dân tộc. Có tác phẩm hay mới có thể phê bình hay. Sáng tác để phục vụ thị trường giải trí, nổi loạn để cầu danh, sáng tác chỉ để giải tỏa nỗi niềm thế thái nhân tình, không thực sự tìm tòi những giá trị tư tưởng, nghệ thuật thì khó tồn tại được trong dòng chảy thời gian. Người ta nói nhiều đến Lê Đạt, Trần dần, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Hoàng Cầm… bởi những tác giả này thực sự góp phần vào sự cách tân thơ Việt Nam. Cũng vậy, người ta ghi nhận giá trị tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Lê Lựu, Bảo Ninh, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh… bởi tác phẩm của những nhà văn này thực sự ghi lại được bộ mặt tinh thần của thời đại.

Muốn có phê bình chuyên nghiệp thì nhà phê bình cũng phải được đào tạo chuyên nghiệp. Những người “tay ngang” viết phê bình chỉ làm “loạn” đời sống văn học mà thôi, bởi họ chỉ khen chê cảm tính. Trong phê bình, mọi khen chê đều không có giá trị, có chăng nó vuột ve tác giả được chút gì đó . Hiện nay những người có khả năng viết phê bình trong cả nước khá đông đảo (bằng chứng là họ hiện diện trong 2 lớp tập huấn của Hội Đồng LLPB VHNT vừa qua), và những nhà phê bình trẻ đã xuất hiện, họ có vốn tri thức học thật khá tốt. Đội ngũ này có thể gánh vác được trách nhiệm, nếu họ được tổ chức và tạo điều kiện tốt để tiếp cận đời sống văn học. Cái vướng mắc căn cơ nhất của LLPB hiện nay là chúng ta chưa có được một hệ thống lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam để làm chuẩn chung. Đúng như PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh : LLPB phải đứng trên nền tảng Mỹ Học Marxist, kế thừa kinh nghiệm của cha ông và tiếp thu tinh hoa VHNT nhân loại. Thế nhưng đến nay ở VN phương pháp phê bình Marxist không phải có thể áp dụng cho mọi tác phẩm thuộc những khuny hướng sáng tác khác nhau (J.P.Sartre đã phải phối hợp phương pháp Phân Tâm Học với phương pháp phê bình Marxist). Nói kế thưà kinh nghiệm LLPB của cha ông, điều ấy mọi nhà văn đều phải học tập, nhưng cha ông ta lại không có một hệ thống lý luận phê bình cụ thể, thống nhất, vì thế việc kế thừa cần được nghiên cứu công phu hơn nữa. Cũng vậy, việc tiếp thu tinh hoa văn học nghệ thuật nhân loại là điều phải làm trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, thế nhưng, chẳng hạn, ở lĩnh vực lý thuyết văn chương và phê bình, hầu như hiện nay chúng ta hướng về phương Tây, mà bản thân phương Tây, các lý thuyết văn chương và phê bình cứ thay nhau, phủ định nhau (Cấu trúc, giải cấu trúc, Phân Tâm Học, Marxist… Hậu Hiện Đại), vậy nhà phê bình sẽ tiếp thu những gì?

Câu trả lời là, bản thân nhà phê bình phải tự học tập trang bị cho mình những điều cần thiết cho công tác phê bình. Không có điểm chung. Có người dùng Thi Pháp Học, người khác vận dụng Phân Tâm Học, người lại say mê Hậu Hiện Đại…Có một sự thật là phương pháp phê bình cũ không thể đọc được những tác phẩm được viết ở hệ mỹ học và thi pháp mới. Người quen đọc theo Chủ Nghĩa Hiện Thực XHCN sẽ không đọc được thơ Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều,Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Lê Vĩnh Tài… Nói như vậy để thấy vai trò của Hội Nhà Văn, Viện Văn Học, Hội Đồng LL,PBVH,NT Trung ương có ý nghĩa quyết định cả về 3 lĩnh vực: Hoạt động nghiên cứ khoa học, đấu tranh với những quan điểm lý luận sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, và bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Chúng ta không thể để mặc tình trạng tự phát của phê bình văn học nghệ thuật như hiện nay. Đặc biệt, Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà Văn cần có nhiều hoạt động tích cực để giúp đỡ nhà văn, nhà phê bình trẻ dấn thân mạnh mẽ vào đời sống văn học đang diễn ra. Và trong hoạt động lý luận phê bình nói chung, cần một cái nhìn chung.

GS Phan Trọng Thưởng đề xuất việc thống nhất một số quan điểm LL,PB

1. Về bản chất của phê bình : Phê bình vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật

2. Về đối tượng của phê bình : là tác phẩm cụ thể trong quan hệ với người đọc và tác giả

3. Về chức năng của phê bình : Phát hiện cái hay cái đẹp, cũng như cái dở, cái xấu, cái độc hại để khẳng định hoặc phê phán. Thông qua phê bình, gắn kết nhà văn, tác phẩm và công chúng, qua đó tác động tích cực tới quá trình sáng tạo, tới thị hiếu nghệ thuật cũng như tới toàn bộ quá trình vận động của lý luận và lịch sử văn học. Tôi nghĩ những ý kiến này có thể định hướng được cho người viết phê bình văn học trong giai đọan hiện nay. Nhưng xin lưu ý, phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Người viết phê bình cũng phải đồng sáng tạo với nhà văn.

Tháng 7.2012
__________________________________________

Bài này đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 32 ngày 4-5.08.2012 và trên phongdiep.net (*) Gần đây Hội Thảo về thơ Hoàng Quang Thuận do Hỗi Nhà Văn tổ chức thực sự là một sự hỗn loạn về phê bình văn chương. Mấy chục tham luận ca ngợi một thứ thơ làng nhàng, bị công chúng phản ứng dữ dội. Điều đáng buồn là hai trang lethieunhon.com và trannhuong.com đăng nhiều bài phản đối thơ HQT lại bị đánh sập hoàn toàn, không phục hồi được.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

LỚP TẬP HUẤN “CÔNG TÁC LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT”

LỚP TẬP HUẤN “CÔNG TÁC LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT” Ghi chép của Bùi Công Thuấn
(TS Đào Duy Quat tổng kết hội nghị) Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức Lớp Tập Huấn “ Công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật” cho 31 tỉnh phía Nam, từ Quảng Ngãi đến Cà Mau. Danh sách được triệu tập có 273 người. Đối tượng là các cán bộ chỉ đạo, quản lý, các nhà lý luận, phê bình, cán bộ công tác trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, các Hội chuyên ngành trung ương, các báo, tạp chí, trường Đại học. Trong số tham dự viên tôi thấy có Hội Nghệ Sĩ Nhiếp ảnh, Nhạc viện Tp HCM, ĐH.KHXH&NV, Hội Kiến Trúc sư VN, các Trưởng, phó Ban Tuyên Giáo tỉnh, Sở VH –TT-DL, các đài PTTH, TBT và phóng viên các báo… PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Hội đồng LLPB.VHNT TW trong phát biểu khai mạc Lớp Tập Huấn đã nhấn mạnh các họat động của Hội Đồng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Ban Bí Thư giao, để góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 23 của Bội Chính Trị về “ tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời lỳ mới”, hoạt động của Hội Đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đã và đang hướng vào 3 nhiệm vụ chính : Hoạt động khoa học, tham gia đấu tranh với những quan điểm lý luận sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, và bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Lớp Tập Huấn lần này nằm trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Trong năm 2012 Hội đồng tổ chức 2 Lớp Tập Huấn, một lớp tại Ninh Bình (10-13/7/2012) một lớp tại Đồng Nai (18-21/7/2012) Nội dung tập huấn có 14 chuyên đề, kết hợp với tham quan chiến khu D, sinh hoạt với các tác giả trẻ, giao lưu văn nghệ với Hội VHNT Đồng Nai. Các chuyên đề trọng tâm là : 1.Một số vấn đề vền lý luận văn nghệ -GS-TS Đinh Xuân Dũng 2.Lý luận văn nghệ -GS Mai Quốc Liên 3.Các chiêu thức và thao tác phê bình một tác phẩm cụ thể - PGS-TS Phan Trọng Thưởng 4.Lý luận phê bình văn học những năm gần đây-TS Lê Thành Nghị 5.Một số vấn đề nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay –Họa sỹ Trần Khánh Chương 6.Âm nhạc và một số vấn đề về lý luận, phê bình âm nhạc hiện nay-TS Nguyễn Thị Minh Châu 7.Lý luận và phê bình kiến trúc –PGS-TS, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông 8.Đánh giá khái quát công tác lý luận, phê bình sân khấu trong thời gian qua-NSND Lê Tiến Thọ 9.Thực trạng sáng tác VHNT và tình hình lý luận, phê bình VHNT các dân tộc thiểu số-Inrasara 10.Bàn về thuộc tính của VHDG-GS-TS Nguyễn Xuân Kính… PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh cũng nhấn mạnh đến mục đích của lớp tập huấn: 1.Lớp cung cấp thông tin về tình hình LLPB, và định hướng xử lý thông tin. 2.Trong tổ chức học tập, cá nhân học viên được quyền phát biểu ý kiến của mình trên nền Nghị Quyết, Cương lĩnh của Đảng. Cương lĩnh 2011 đã chỉ ra 8 đặc trưng, thì đặc trưng 3 nêu rõ : xây dựng nền VHNT tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất mà đa dạng trong 54 dân tộc anh em. 3.Báo cáo chính trị cũng lưu ý LLPB phải đứng trên nền tảng Mỹ Học Marxist, kế thừa kinh nghiệm của cha ông và tiếp thu tinh hoa VHNT nhân loại. Hội Đồng cũng xây dựng đề án về LLPB làm chuẩn cho công tác LLPB. Qua 4 ngày hội nghị, Các chuyên luận thực sự chạm đến những vấn đề “nóng” của đời sống văn học nghệ thuật hiện nay , từ thơ văn, đến âm nhạc điện ảnh, sân khấu, múa, kiến trúc... GS Mai Quốc Liên nói sâu sắc về lý luận văn nghệ Marxist. Lý luận Marxist mạnh vì gắn với chính trị, vì con người ở đâu cũng là con người chính trị. Lý luận văn nghệ của Đảng là đúng, vì nó đúng với con người VN. Không có chuyện văn nghệ chỉ là tự sự, chỉ là chữ, không có nội dung. Ông cũng nhấn mạnh đến sự kế thừa và sáng tạo. Kế thừa dân tộc và nhân loại để sáng tạo. Đặc biệt là tinh thần độc lập trong sáng tạo, không nô lệ trong quan điểm sáng tạo. Lâu nay lý luận phương Tây tràn vào VN rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở giới trẻ, quỳ mọp xuống sùng bái phương Tây đó là nô lệ tính. GS Mai Quốc Liên cũng điểm qua tình hình lý luận phê bình văn nghệ trên thế giới.Ông nhấn mạnh, phải có bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị mới có thể trở thành nhà phê bình, cũng phải học tập liên tục. Nói văn nghệ, phải đặt văn nghệ trong văn hóa dân tộc. Nhà thơ Lê Quang Trang, PCT Hội Nhà Văn VN nói về sự đổi mới của Văn Học VN, những thành tựu của đổi mới. Đó là, có những sự việc ta nhận thức lại,có những việc ta nhận thức đầy đủ hơn, xét đến cùng, mục tiêu vì tổ quốc , vì chủ nghĩa xã hội là mục tiêu kiên định.Văn học nghệ thuật có nhiệm vụ phục vụ tổ quốc, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều vấn đề được nhận thức lại như trước kia VH chỉ có 3 chức năng giờ chúng ta quan tâm đến những chức năng khác nữa như chức năng giải trí, chức năng dự báo. Sau đổi mới (86), VHVN, LLPB đã mở ra nhiều hướng, Phân tâm Học, chủ nghĩa Cấu Trúc, Hậu Hiện Đại… Đời sống PBVH rất sôi động, đã công bằng, khách quan và gần chân lý hơn. Chẳng hạn đánh giá lại phong trào Thơ Mới (1930-1945), Tự Lực Văn Đoàn, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng, Bích Khê, Vòng Trắng (Phạm Tiến Duật), đánh giá lại văn học Sài gòn (55-75). Lúc đầu chúng ta chưa hiểu hết. Giờ đọc lại , chắt lọc những tác phẩm gần với dân tộc. Tất nhiên, tác phẩm nào chống lại CM, chúng ta cần đánh giá sòng phẳng. Trong LLPB, việc vận dụng các lý thuyết phê bình đã có những thành tựu. GS Trần Đình Sử đã sớm đưa Thi Pháp Học xem xét thơ Tố Hữu. GS Hoàng Trinh, GS Trương Đăng Dung quan tâm đến VH so sánh.Phan Ngọc vận dụng chủ nghĩa Cấu Trúc để tìm hiểu truyện Kiều. Đỗ Lai Thúy dùng Phân Tâm Học để xem xét thơ Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm, gần đây các cây bút trẻ quan tâm đế Hậu Hiện Đại. Hội Nhà Văn đã tổ chức 2 đại hội LLPB (ở Tam Đảo, Đồ Sơn) Nhà thơ lê Quang Trang cũng đề cập đến các hoạt động của Hội Nhà Văn, như phục hồi cho Phan Khôi, Trần Dần, lê Đạt, Trương Tửu, Phùng Quán, Hoàng Cầm, xác định lại Nhân Văn Giai Phẩm là vụ án chính trị gián điệp mà một số nhà văn có dính líu. Hội cũng mở rộng giao lưu với nhiều nước trên thế giới… Khi được hỏi về tình hình lệch chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình hiện nay, Nhà thơ LQT nhấn mạnh: Định hướng chính trị là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mục tiêu là văn nghệ vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội là khẳng định.Nếu chỉ phê bình chữ, chỉ phê bình cấu trúc không cần nội dung, chỉ xem xét tiềm thức vọt trào mà không quan tâm đến nội dung chính trị thì đó là lệch chuẩn, loạn chuẩn. Muốn hay không phải lấy phương pháp Marxist là chính, là chủ nghĩa Duy Vật (kể cả tiềm thức và vô thức), là duy vật lịch sử (vì con người tồn tại trong một xã hội nhất định.)… PGS-TS Phan Trọng Thưởng nói về các chiêu thức và thao tác phê bình. Chuyên luận này khá bổ ích cho những người làm công tác LLPB, bởi nó là những thao tác nghề nghiệp cụ thể để viết LLPB. Ông nhắc đến căn bệnh nghiệp dư của LLPB, hoặc những thái độ cực đoan khi độc tôn phương pháp Marxist, hội chứng Thi Pháp Học, Tự Sự Học, Phân Tâm Học. Thực ra những trào lưu đó đã có từ lâu (đầu thế kỷ 20) trên thế giới và du nhập vào ta cũng đã lâu. Chẳng hạn , về Thi Pháp Học, sách của Bak-tin đã viết từ 1929. TS PHT cũng nới đến tình trạng lệch chuẩn, tình trạng thiếu văn hóa phê bình (phê bình trịch thượng, mạt sát, quy chụp, phê bình đao búa, phê bình chặt chém…) Từ đó ông đề xuất cần thống nhất một số quan điểm 1. Bản chất của phê bình : Phê bình vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật 2. Đối tượng của phê bình : là tác phẩm cụ thể trong quan hệ với người đọc và tác giả 3. Chức năng của phê bình :Phát hiện cái hay cái đẹp, đánh giá, giá trị truyền rung cảm giá trị của văn học cho người khác, đánh thức khiếu cảm thụ nghệ thuật ở người khác. Phê bình thúc đẩy sáng tác, giúp VH phát triển, giúp hình thành cá tính sáng tạo, hoàn thiện quá trình sáng tạo. PB tác động đến người đọc từ đó tác động đến xã hội Phần trọng tâm của chuyên đề là các chiêu thức, quy trình PBVH TS Lê Thành Nghị gửi đến hội nghị những thông tin về tình hình LLPB hiện nay. Ông cũng điểm qua tình hình sáng tác: mở rộng đề tài (như sex, đồng tính, Cải cách Ruộng Đất, chiến tranh, đề tài thế sự, đạo đức đề tài lịch sử trong văn).Thơ có 3 dòng chính là thơ truyền thống (Hữu Thỉnh, Bằng Việt…),, dòng thơ nhiều lời (Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý…) và dòng thơ tắc tỵ… Ông bày tỏ rằng “tôi không mấy hy vọng vào dòng thơ tắc tỵ, vì không biết sẽ đưa thơ VN đến đâu. Nếu anh không đi từ văn hóa, thẩm mỹ dân tộc thì anh sẽ không thể tới đâu. Văn học không thể là “không thể hiểu”, chỉ là vọt trào vô thức, tôi cho đó là những tác giả kém bản lĩnh” TS Lê Thành Nghị cũng khẳng định LLPB không phải là bị bỏ rơi, bằng chứng là Hội Nhà Văn và Hội Đồng LLPB VHNT TW đã tổ chức rất nhiều hoạt động. Thực tế là: lực lượng làm LLPB còn yếu, PB không theo kịp sáng tác, PB nghiệp dư, cảm tính lấn át.. Ông kết luận, Văn học đã cởi mở, nhưng chưa có đỉnh cao. PB vẫn chưa theo kịp sáng tác Tôi cho rằng những chuyên đề của GS Mai Quốc Liên, PGS-TS Phan Trọng Thưởng, nhà thơ LQuang Trang, TS lê Thành nghị là rất hữu ích cho người làm công tác phê bình, công tác quản lý văn hóa văn nghệ (tuy những vấn đề đặt ra khôg mới, vì hầu hết đã được trình bày ở Lớp Tập Huấn 2010 tại Cần Thơ) Những chuyên đề của nhà thơ Inrasara (VH các dân tộc thiểu số), TS Nguyễn Thị Minh Châu (Lý luận phê bình âm nhạc), GS Nguyễn Xuân Kính (VHDG)… gấy tranh cãi và phản ứng nơi học viên, bởi tác tác giả không tập trung vào chủ đề, bởi những ý kiến cá nhân có chỗ chưa đạt tới chân lý, bởi cách trình bài có cá tính hơi khác người… Nhà thơ Inrasara giới thiệu chuyên đề của mình có hai phần, VH các dân tộc thiểu số và khởi động xu hướng phê bình mới. Mở đầu chuyên đề, Inrasara đã phê bình ngay TS Lê Thanh Nghị rằng, khi phân thơ làm ba dòng, TS lê Thanh Nghị đã gạt ra 3 dòng khác là Thơ Tân Hình Thức, Thơ Nữ Quyền và thơ Hậu Hiện Đại. Trong cảm hứng của Inrasara, anh nghiêng về ca ngợi 3 dòng này. Anh cũng khẳng định khi phê bình anh không khen chê. Về nội dung chuyên đề, Inrasara mới chỉ trình bày được phần I. không còn thời gian để trình bày phần II. Anh cho rằng VHVN được hình thành bởi ba nước. Nếu biết phát huy VH 3 nước này sẽ là đóng góp lớn cho sự phát triển VHVN nói chung. Khi được hỏi 3 nước mà anh nói đến là nước nào, anh trả lời : Đại Việt, Chămpa và Thủy Chân Lạp. Có học viên đã hỏi lại rằng không có nước Thủy Chân Lạp, có chăng là nước Phù Nam đã mất tích từ thế kỷ thứ VII. Anh đã không trả lời được về vấn đề này. PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đã phải “đỡ” cho anh. Vì e rằng sẽ lạc vào những vấn đề nhạy cảm. Ông khẳng định VHVN là văn học đa dạng nhưng thống nhất trong 54 dân tộc anh em. TS Nguyễn Thị Minh Châu cũng trình bày tình trạng cực đoan, lệch chuẩn trong PB âm nhạc. Lúc thì ta chê cổ, lúc lại phục cổ quá đà. Lúc thì cấm nhạc nhẹ, giờ nhạc giải trí chiếm lĩnh thị trường âm nhạc. TS Châu cũng điểm lại các bài PB âm nhạc ngày xưa…Chị cho rằng phê bình báo chí lấn sân phê bình âm nhạc chuyên nghiệp…nguyên nhân là tính nghiệp dư, sự bất cập trong biên tập chương trình. Ta không thiếu tiến sĩ, thạc sĩ âm nhạc, nhưng có độ chệnh giữa nhà trường và thực tế âm nhạc. Chị cũng hát minh họa một đoạn nhạc Rap… Thực ra những chuyên luận về Âm Nhạc, Mỹ Thuật, Kiến Trúc, nghệ thuật Múa, Điện ảnh, Nhiếp ảnh đều có chung một vấn đề, đó là tình trạng yếu kém của phê bình nghệ thuật, thiếu người viết phê bình chuyên nghiệp, tính nghiệp dư lấn át. Hiện nay chưa có khả năng cải thiện… Điều ấy tác động mạnh đến suy nghĩ của học viên về trách nhiệm đối với văn học nghệ thuật. Bởi khi không có LLPB định hướng, khẳng định giá trị, chỉ ra những mặt yếu kém thì tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn, sự phát triển văn nghệ bị mất phương hướng là đương nhiên. Hiện nay, VN đang chịu những cuộc xâm lăng văn hóa dữ dội từ bên ngoài do toàn cầu hóa. Cuộc xâm lăng này tác động sâu sắc đến giới trẻ. Chủ nghĩa thực dụng phương Tây trở thành văn hóa của người trẻ. Sân khấu biểu diễn ca nhạc lai căng không chấp nhận được, lai căng Hàn Quốc từ kiểu quần áo đầu tóc, bước nhảy đến giai điệu và cách thể hiện, lai căng Mỹ từ giai điệu, hòa âm phối khí, láo nháo lời tiếng Việt xen với lời tiếng Mỹ, khiến không thể nhận ra đó là nhạc Việt hay nhạc Mỹ… Văn chương sex, đồng tính.. dẫn đến sự suy đồi văn hóa đạo đức. Theo tôi, đặt ra được vấn đề để học viên (là nghững người quản lý văn nghệ và làm công tác LLPB) cùng nhận thức, thống nhất hành động đó chính là thành công của lớp tập huấn. TS Đào Duy Quát tổng kết hội nghị như sau 1. Số học viên tham dự lớp tập huấn là 265/ 273 người 2. Thành phần Lứa tuổi : 40% là 5x, 6x- 60% là 7x, 8x Học thức : 5Tiến Sĩ, 31 Thạc sĩ, còn lại là ĐH, CĐ Chức vụ : 39 GĐ Sở VH-TT-DL, 100 trưởng phòng Sở VH-TT-DL, 50 lãnh đạo các báo, đài, Hội chuyên ngành, trường ĐH. Lớp học nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị, đọc tài liệu, lắng nghe ghi chép, trao đổi sôi nổi, có tính tư tưởng, có văn hóa trao đổi tốt. Về phương pháp, Ban tổ chức đã dành 2/3 thời gian cho báo cáo chuyên đề, 1/3 thời gian trao đổi. Các chuyên đề đã cung cấp thông tin, lý luận bổ ich cho học viên. Tham Quan Chiến khu D và Đồng Nai rút ra được bài học rất bổ ích. Đó là phải gắn chặt phát triển kinh tế với phát triển văn hóa… Những hạn chế của lớp cũng được TS Đào Duy Quát thẳng thắn nêu ra để rút kinh nghiệm tổ chức tốt cho những năm tới. Đó là, biên tập tài liệu còn sơ xuất. Các báo cáo viên tuy đa số là tốt, nhưng cũng có báo cáo viên không tập trung vào chuyên đề và những vấn đề cơ bản của LLPB. Chưa cung cấp cho các nhà quản lý văn nghệ những chuẩn mực của LLPB. Chưa tiến hành thảo luận, đánh giá trên một tác phẩm, một hiện tượng văn học nghệ thuật cụ thể, chưa cấp giấy chứng nhận khóa học, Hội đồng tiếp thu và làm tốt sang năm. TS Đào Duy Quát kết luận : Đánh giá chung, lớp tập huấn là cần thiết và bổ ích, đạt được mục đích Hội Đồng LLPB, VHNT Trung ương đã đề ra. TS cũng cám ơn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng nai đã hỗ trợ nhiệt tình mọi điều kiện ăn ở đi lại, tham quan giúp cho Lớp Tập Huấn thành công tốt đẹp Các học viên đều bày tỏ mong muốn được dự nhiều lớp tập huấn như thế này trong thời gian tới.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

TOI DU TRAI SANG TAC

TRẠI SÁNG TÁC ĐÀ LẠT MÙA HÈ 2012 Bùi Công Thuấn Sinh hoạt ở Hội VHNT Đồng Nai từ 1988, nhưng đến nay tôi mới có dịp dự trại sáng tác do Hội tổ chức. Trước đây Hội đã tổ chức nhiều trại ở Nha Trang, Dalat, Vung Tàu, Đại Lãnh nhưng tôi không sao dứt mình ra khỏi công việc để tham dự. Lần này nhạc sĩ Trần Viết Bính, trưởng Ban Âm Nhạc gọi điện đốc thúc, tôi không từ chối được. Đoàn có 12 nhạc sĩ của Ban Âm Nhạc Hội VHNT Đồng Nai tham gia. Ns Trần Viết Bính (TB), NS Cao Hồng Sơn, NS Tống Duy Hoà, NS Thy Đường, NS Điểu Được, NS Nguyễn Phương, NS Thứ Bảy, NS Hồng Việt, NS Nguyễn Văn Tuyên, NS Nguyễn Thọ. NS Đoàn Quang Trung. Câu chuyện sáng tác không hay bằng câu chuyện của các nhạc sĩ. 1.Người sưu tầm dân ca Mạ ở Đồng Nai Nhạc sĩ Trần Viết Bính đi dự trại sáng tác, nhưng ông còn mang theo tuyển tập dân ca Mạ ông mới sưu tầm được trong những cuộc điền dã gần đây. Tuyển tập trước của ông đã hòan thành và đạt giải quốc gia 2011. Ông khoe, tớ cũng đã biên tập xong cuốn hồi ký 400 trang, gồm phần sáng tác, hình ảnh và phần các bài viết về TVB. Hồi ký kết thúc bằng một bài tình ca. Ông bảo, viết hồi ký, là tớ đã xác định sự ra đi của mình, bất cứ lúc nào, 80 rồi, nhưng không bận tâm. Nói thiệt, nhiều lúc tớ còn yêu như mình đang còn 20. Thấy không khí trại đầm ấm, thân tình, có kỷ luật và dồi dào năng lực sáng tạo, NS TVB rất vui. Anh trình làng bài hát : Cảm Xúc Nam Cát Tiên, phổ thơ Tiêu Thanh Giang. Bài hát có giai điệu trữ tình, đậm chất dân ca. Anh hát cho tôi nghe thử, giọng anh vút lên nốt mí, fá (cao) khiến tôi không ngờ. Ở tuổi 80 mà giọng của anh vẫn còn đầy sức lực. Sức làm việc, sức sáng tạo, sức cống hiến và tinh thần chan hoà với anh em của NS TVB thật đáng kính nể và có rất nhiều điều anh em trẻ đáng học tập. Tôi bảo, trong các ca khúc của anh, tôi thích nhất những ca khúc thời sự anh hát với Guitar, thu và phát trên Đài Đồng Nai những năm đần đổi mới. Anh phê phán mạnh mẽ thói xa dân, thói hưởng thụ, nạn tham nhũng của một số cán bộ tha hoá thời ấy. NS Tống Duy Hoà lúc ấy làm ở Đài Đồng Nai, đã thu và phát cho anh. Quả thực, vào lúc ấy mà TDH dám thu và phát những bài ấy thì quả là “to gan”. TVB có nhiều ca khúc đứng được trong lòng người nghe, có bài được chọn trong tuyển tập bài hát thiếu nhi hay nhất 50 năm qua. Sự nghiệp sáng tác và sưu tầm của anh khá đồ sộ. Anh đọc cho tôi nghe bản thảo tổng kết trại. Anh tâm đắc nhiều điều, anh quan tâm tới từng chi tiết và dùng từ thật chuẩn xác, ấn tượng. Chẳng hạn, viết về NS Nguyễn Phương, anh dùng chữ “một Giám Đốc TTVH trăm công ngàn việc, vẫn dứt áo đi dự trại, đánh trần để sáng tác.” Anh mở ngoặc, “đánh trần” có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chỉ nỗ lực của anh em, nghĩa thứ hai chỉ NS Nguyễn Phương ở trần suốt ngày, mặc dù Đà Lạt mùa này khá lạnh. Anh nhấn mạnh tinh thần kỷ luật, tinh thần đoàn kết và nỗ lực của các NS dự trại. Anh đáng giá cao chất lượng nghệ thuật và sự phong phú trong các tác phẩm của anh em. 12 nhạc sĩ đã nộp cho anh 17 ca khúc. NS Nguyễn Thọ có 3 bài. Anh bảo, thế là thành công hơn mọi trại sáng tác trước đây nhiều. 2. Nhạc sĩ Lý Quảng Anh em ngồi uống cafê buổi sáng ở căng tin. NS Tống Duy Hoà đột nhiên giới thiệu: -Ở Đồng Nai muốn viết về nhạc sĩ Nguyễn Phương thì phải viết từ thời Lý Quảng. Hỏi Nguyễn Phương thì không ai biết. Mọi người quay nhìn Ns Nguyễn Phương ngạc nhiên: -Sao Nguyễn Phương lại là Lý Quảng, tên nghe giống người Hoa quá NS Tống Duy Hoà bật mí: -Lý Quảng là thời anh làm quản tù, mà lại là tù phục hồi nhân phẩm cơ đấy. Anh em NS trố mắt nhìn Nguyễn Phương (NP), không thể tưởng tượng được một nhạc sĩ hiền lành đang ngồi trước mặt mình lại là một cán bộ trại phục hồi nhân phẩm, quản lý 300 em nữ và 200 em nam, gái điếm, xìke ma tuý và vượt biên trái phép những năm 80s. NS Tống Duy Hoà giải thích: -Nhờ làm Lý Quảng nên mới được đi học nhạc. NS Nguyễn Phương, vốn ít nói, bỗng đứng lên hùng hồn -Mình ở nhà tên gọi là Quản, tên khai sinh là Phương, nhưng lúc đi học nhạc viện, trường cứ gọi là Quản, thành ra khi cấp bằng tốt nghiệp, phải mở ngoặc ghi tên Phương, cùng thời với Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Lộc, Thanh Tùng. Vào nhạc viện, hỏi Quản thì người ta biết, hỏi Phương không ai biết. -Thế anh làm cán bộ ở trại phục hồi nhân phẩm khi nào? -Hồi ấy đi Thanh Niên Xung Phong, Trung Ương Đoàn cử sang làm quản giáo, ban quản giáo có mấy người, và vài chục bảo vệ. Thôi thì đủ mọi thứ khốn khổ, chịu không nổi. Các trại viên ở trong các lán trại, không ngày nào không có dăm đứa trốn. Phần vì ăn uống cực khổ, lại lao động nặng, nên chỉ vài tháng, các em trở nên xấu xí bệnh tật. Mấy thằng xìke thì rên xiết vật vã vì thiếu thuốc, tiếng rên của dân Bắc nó sầu thảm không sao chịu được. Các bà mẹ Bắc Kỳ năn nỉ cán bộ thương cháu, cho cháu giảm liều từ từ, nhưng rồi họ cũng tuồn thuốc vào trại được. Thuốc để trong ruột bánh mì, để trong ruột cục xà bông. Thuốc bọc giấy thiết, bỏ trong nồi thịt kho, đưa vào. -Thế ấn tượng mạnh nhất trong anh những ngày ấy là gì -Là các em tắm tiên 3 phút và mấy đứa xìke tự huỷ -Là sao? -Trại gần một con suối nhỏ. Cả trại hơn năm trăm con người tắm ở đó. Các em cứ từng tốp, từng tốp thay nhau tắm khoả thân, chỉ được tắm 3 phút. Nhảy xuống cái ùm, kỳ cọ qua loa rồi lên. Tất cả trần như nhộng. Một anh bình luận - Sướng nhá, tha hồ… NS Nguyễn Phương có vẻ tiếc rẻ - Chỉ có mấy đứa bảo vệ cầm súng canh chừng là dòm thoải mái. Cán bộ như mình thì ngồi xa, đâu dám, sợ bị kiểm điểm. Có thằng xì ke vừa nhảy xuống nước là co rúm người lại, sợ nước, bò lên ngay. Tối ngủ, trời nóng không chịu nổi, các em cũng trần 100%. Ngày đi lao động, khi đi qua trại của ban quản giáo, các em thường hát chọc ghẹo cán bộ. - Mấy đưa xìke tự huỷ thế nào? -Hoặc là trốn, hoặc là chết. Chúng làm đủ cách để huỷ hoại thân thể. Nhốt vào phòng Đặc biệt chúng cũng tìm được cách. Chỉ một miếng lạt tre thôi. Có đưa cắt da thịt cho thối có giòi để được đi bệnh viện, và trốn. Nhiều đứa trốn lúc đi vệ sinh. Trại không có tường rào, nên trốn lúc nào chẳng được. Ban quản giáo phải dùng biện pháp cho cán bộ dẫn trại viên đi vệ sinh, bắt họ vừa đi vệ sinh vừa hát. Có đứa vừa hát vừa rặn, làm bài hát méo mó không chịu được. Có quản giáo buộc dây vào chân trại viên, rồi ngồi ngoài xa chờ, lâu lâu giật dây xem trại viên đi vệ sinh xong chưa. Yên trí ngồi chờ. Nhưng chờ lâu quá, cán bộ mới đến kiểm tra, hoá ra trại viên trốn mất rồi, hắn cột dây vào gốc cây, cán bộ giật dây tưởng hắn còn ở đó. -Thế anh đi học nhạc viện khi nào? -À, có một chú lãnh đạo thấy mình có khiếu văn nghệ nên sau một thời gian mình ở trại, chú cho phép đi học. Lúc về xin phép Tỉnh, một chú lãnh đạo bảo, sao mày không học kỹ sư, học kinh doanh mà học nhạc. Học nhạc thì làm gì được! -Dạ cháu không biết học gì nên mới học nhạc, thưa chú. -Thế là anh đi học nhạc viện ? -Mình về nhạc viện, người đen đủi, tóc quăn, hông đeo khẩu Colt, ai cũng né. Sau thấy không tiện, mình trả lại súng Bây giờ anh em mới biết nhạc sĩ Lý Quảng là NS Nguyễn Phương, Phó Phòng TTVH thị xã XL, Giám đốc TTVHTT Long Khánh. Anh dự trại mà điện cơ quan gọi liên tục xin ý kiến về các chương trình văn hoá văn nghệ hè của Thị xã. Sẽ chẳng ai biết đó là nhạc sĩ Lý Quảng và ấn tượng về dòng suối 3 phút của anh. 3.”Yêu em người con gái…tưng tưng” PGS -TS Bác sĩ – Nhạc sĩ Nguyễn Thọ trước đây là Giám Đốc bệnh viên Tâm Thần Đồng Nai, giờ đã đổi về TpHCM giảng dạy ở ĐH Y Dược. Tác phong của ông nhìn bề ngoài rất nghiêm nghị, chuẩn mực, nhưng tâm hồn nghệ sĩ cũng ít người sánh bằng. Ông viết ít, nhưng ca khúc nào của ông cũng rất hay, và đặc biệt giọng hát của ông rất trẻ, khoẻ và cuốn hút. Ông chỉ cho anh em bí quyết hát hay khi gặp sự cố. Ông nói rằng, ca sĩ thường gặp 3 sự cố, cao độ, phát âm và quên lời. Khi giai điệu quá cao ca sĩ không lên tới, thì tập bài hát của người thợ xây: “Ta xây nhà cao cao, cao quá, …không lên được …thì xuống một tông…” Đặc biệt chỗ nào quên lời, ca sĩ cứ thêm vào chữ :”tưng tưng”vào và lướt đi. Thí dụ, ông hát bài Lá Diêu Bông của Trần Tiến :”Ngày lấy chồng, em tưng tưng tưng tưng con dê mòn lối về có đứa nhìn theo tưng tưng…yêu em người con gái tưng tưng, …. Mọi người bò ra mà cười, phải công nhận NS Thọ có duyên kể chuyện. Ở trại, bây giờ, bất cứ nói câu gì, dù nghiêm trang hay bông đùa, mọi người đều thêm vào chữ “tưng tưng ‘của Nguyễn Thọ. Câu chuyện hấp dẫn hẳn lên. Trại sáng tác nhạc trở thành trại viết văn hài. Kiểu như thế này. “ Thưa nhạc sĩ trưởng Ban Âm Nhạc tưng tưng. Quả là không có trại sáng tác nào tưng tưng bằng trại chúng ta. Mỗi người đều có bài tưng tưng để nộp, vượt chỉ tiêu trại đề ra. Bài nào cũng hay, nghe là thấy hồn tưng tưng ngay. NS trưởng ban không còn tưng tưng lo vì không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn hãnh diện đã tổ chức thành công một trại kiểu mẫu tưng tưng, đáng để các Ban khác của Hội tưng tưng học tập…” Haiza!…NS Trần Viết Bính nghe xong có vẻ tâm đắc. Đúng là không có trại nào mà trại viên nghiêm túc trong sinh hoạt, say mê sáng tác và hoàn thành tác phẩm trước thời hạn như trại này. Phòng nào của trại viên cũng vang lên tiếng hát say mê. Đủ mọi kiệu giọng và kiểu giai điệu, từ giai điệu phương Tây đến giai điệu của nhạc lên đồng. NS Nguyễn Thọ lâu quá không viết bài nào, đánh liền một phát 3 bài, trong đó có một ca khúc nhạc Đồng (loại nhạc nền cho các cô Đồng múa lúc đồng nhập) Cả phòng hát vang lên như một đám thượng Đồng, chỉ thiếu Song Lan và đàn Đáy nữa là đủ bộ. Lúc trao đổi, các nhạc sĩ còn đối chiếu với giọng Ngắm Đứng trong lễ Phục Sinh của Công Giáo nữa. Quả là chưa có trại nào mà không khí sáng tạo lại giàu màu sắc nghệ thuật như vậy. Những bữa cơm trưa hoặc tối, lúc nào cũng hấp dẫn những câu truyện kể của NS Nguyễn Thọ. Có khi ông đọc thơ kiểu Bút Tre. Ông hay nêu xuất xứ. Chuyện này có thật ở một trại sáng tác. Một học viên hỏi thầy về gieo vần của thơ lục bát. Ông bảo, lục bát có những câu mà bậc thầy cũng không sửa vần được, thí dụ Biển mênh mông sóng dập dồn Chị em phục nữ đem lưng… ra phơi Các thầy nghe xong bèn lắc đầu, đúng là không thể nào sửa được vần. Ông đọc bài thơ kiểu Bút Tre hiện đạ, vừa nghiêm túc, vừa khôi hài. Gặp em anh nhìn không ra Kính đen che mắt, mùi soa che mồm May mà có cơn gió nồm Đùi em anh thấy một lùm quen quen Mọi người lại lăn ra cười. Có lần anh ckể chuyện chẩn lâm sàng bệnh sợ vợ, nhân khi anh em bình luận về đức sợ vợ của các hội viên Hội VHNT Đồng Nai: Anh nghiêm nghị nói. Anh em yên lặng chăm chú. Trong Y khoa, người ta luôn xác lập các mức độ. Bệnh sợ vợ có 5 mức độ. Mức thứ nhất là ga-lăng vợ. Mức thứ 3 là vợ bảo gì thì làm theo như vậy. NS Nguyễn Thọ kể câu chuyện Ông Tướng Cờ Vàng minh hoạ. Đức vua triệu tập văn võ bá quan trong triều xem ai không sợ vợ. Nhà vua cho cắm 2 cờ, cờ xanh và cờ vàng. Ai sợ vợ thì đứng ở phía cờ xanh. Ai không sợ vợ thì đứng ở phía cờ vàng. Khi vua ra lệnh, tất cả các quan đều đứng về phía cờ xanh, chỉ có một vị tướng đứng ở phía cờ vàng. Vua đắc ý. Ít ra trong triều cũng còn có 1 người không sợ vợ. Vua khen vị tướng và hỏi, sao khanh dám đứng ở phía cờ vàng? Khanh không sợ vợ á? Vị tướng trả lời rằng, ở nhà vợ hạ thần dặn không được chen vào chỗ đông người, phía cờ xanh đông người quá, hạ thần đứng ở phía cờ vàng là làm theo vợ dặn ạ. Mọi người cười không sao ngừng được, anh vội ngăn tay Mức sợ vợ thứ 4 là làm theo khuôn phép, nền nếp vợ đã giáo dục. Thí dụ, trong Hội có vị giờ nào việc nấy, chở con đi học, đi chợ, nấu ăn chùi nhà ,giặt giũ, nhất nhất cứ thế làm, không kêu ca lời nào Mức thứ 5 là bị ám ảnh vì vợ. Tây nó có chuyện này. Ông chồng kia rơi từ tầng 10 xuống, bà vợ đứng dưới đất thấy thế sợ quá hét lên. Ông chồng nghe tiếng vợ hét, sợ quá,bay ngược trở lên lầu 10. Ở VN có chuyện này. Một du khách Việt sang Thái Lan, thấy nữ hướng dẫn viên nói tiếng Thái, ông ta hốt hoảng tưởng là tiếng vợ tôi… Mọi người nghe chuyện bèn đề xuất Hội nên đưa NS Nguyễn Thọ sang Ban Văn, làm phó ban phụ trách văn chương hài, vì Hội ta còn thiếu chuyên ngành này 4.Đêm Diễm Xưa nghe nhạc Trịnh Buổi tối, chúng tôi đến quán Diễm Xưa nghe nhạc Trịnh. Đà Lạt lạnh, tối nghe nhạc trong một phòng trà ấm cúng thì thật tuyệt. Quán nằm trong một công viên nhỏ, xa trung tâm thành phố. Chỉ những người thực sự yêu nhạc mới đến đây. Đó là một nhà tròn lợp lá gồi, khá rộng. Những dãy ghế kê theo vòng tròn, vây lấy một sân khấn nhỏ. Có hình Ns Trịnh Công Sơn ôm guitar hat bên cánh phải sân khấu. Trên sân khấu có một cây Piano, một Guitar, một Mandolin, một ghế tròn để ngồi hát. Tại quầy có bình trà bằng đất và dòng chữ khách tuỳ ý thưởng trà. 8 giờ tối, chương trinh chưa bắt đầu. Anh trưởng đoàn xin phép chủ quán để anh em Đồng Nai trình bày vài bài. Tiếng đàn Piano của Ns Đoàn Quang Trung hoà với tiếng đàn Guitar của Ns Cao Hồng Sơn thật tài hoa, quyến rũ. Ns Hồng Việt hát bài Hạ Trắng, tôi cũng góp giọng với bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, dù biết giọng hát của mình trên sân khấu thật sẽ bị ném đá. Nhưng cũng liều mạng góp vui. Đúng 8:30 chương trình của quán bắt đầu. Ở đây các ca sĩ hát các ca khúc của cố NS Trịnh Công Sơn, nhạc Pham Duy và nhạc tiền chiến. Họ tự giới thiệu mình không phải là ca sĩ, mà chỉ là yêu nhạc Trịnh. Anh MC ngừơi cao to, mặc pull đen. Sợi dây chuyền bạc và miếng thẻ bài lấp lánh trên ngực. Kiểu tóc dài buộc túm tóc đuôi gà, gây được ấn tượng. Anh giới thiệu khá lưu loát về một số ca khúc của Trịnh. Giọng trầm tiếng Hanội khá hấp dẫn, tuy không bằng giọng Tuấn Ngọc hay Jo Marcel ngày xưa. Nghe anh giới thiệu nhạc Trịnh, người lạ có thể sẽ ngạc nhiên, nhưng tôi ngẫm ra, anh bịa. Chị Băng Tâm, tác người hơi dư mỡ như Siu Black, có giọng khàn một nửa của Khánh Ky một nửa của Lê Uyên những năm 1970s. Cô Chim B’Rao giọng rất ngọt và trẻ. Cô để tóc dài, uốn quăn và buông thả như Lê Uyên, dáng người mảnh khảnh nhưng có nét nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vừa hát cô vừa đềm đàn guitar thùng khá điêu luyện. Đó là ba ca sĩ chủ đạo của chương trình. Có thêm một thanh niên trẻ, mặc complet rộng, đệm đàn. Khi thì anh chơi Organ, khi đệm Piano. Những bài được chọn hát thuộc đủ các dòng nhạc Trịnh, từ Ca Khúc Da Vàng đến tình ca, và bài ca về thân phận. Họ đã hát Quỳnh Hương, Người Con Gái VN Da Vàng, Phôi Pha, Như Cánh Vạc Bay, Diễm Xưa, Nghìn Trùng Xa Cách, Kỷ Niệm... NS Đoàn Quang Trung và NS Cao Hồng Sơn cũng hát giao lưu. Gọng hát của ĐQT mượt mà, cao vút và đầy nhạc cảm, Anh hát Như Cánh Vạc Bay và Còn Chút Gì Để Nhớ. Tất nhiên là hay hơn giọng nam của nhạc quán. Có một du khách Hanội lên hát bài Đà Lạt Mộng Mơ, giọng trẻ và khá điêu luyện. Lúc cô hát, con của cô cầm Ipad quay phim, có lẽ cũng là dân có máu văn nghệ ở Hà nội. Rất tiếc có mấy thanh niên Hà nội trong quán, hơi ồn ào, có lẽ cũng đã dô vài chai. MC quán phải nhắc nhở đến vài lần. Lúc ra về anh em mới giao lưu với các ca sĩ của quán. Chị Băng Tâm đã 63 tuổi, con đã hơn 40, có lẽ chị cùng tuổi với Khánh Ly. Cô Chim B’Rao đã hơn 50, có con học ĐH năm thứ II, vậy mà khi lên hát, trông cô chỉ chừng 30. Ở Đalạt có được một quán nhạc Trịnh như vậy cũng là quý, số khách từng đêm tuy không đông bằng phòng trà Sàigon, nhưng đủ để làm một chương trình ấm cúng. Tôi nghiệm ra rằng, Nhạc Trịnh nói được nhiều điều trong sâu xa tâm hồn con người, mà những xô bồ hàng ngày che khuất đi, vì thế người ta yêu nhạc Trịnh là vậy. Rất tiếc quán quá ít ca sĩ, nên sức hấp dẫn bị giảm đi, vì những người trẻ khó thưởng thức được một loại nhạc sâu lắng tư tưởng và cảm xúc, khi người ca sĩ trình diễn đã già nua. Đêm sau, đoàn đi nghe nhạc ở Tiếng Đàn Xưa, trẻ trung hơn, đa dạng hơn về ca khúc. Rất tiếc quán hơi ồn. Đó chỉ là dạng Café có nhạc sống để giao lưu, không phải phòng trà để nghe nhạc. Ngày xưa Lê Uyên Phương đã nổi lên từ những quán như vậy ở Đà Lạt, thành danh, về Sàigòn. Sau đó họ sang Mỹ. Phương đã là người thiên cổ, nhưng ca khúc của họ vẫn sống với Đà Lạt. 4.”Nhạc tao , tao hát- Hươ-wâywây” NS Điểu Được người Chơ Ro, tuy tác người hơi nhỏ nhưng nhanh nhẹn và rât duyên. Lúc bình thường, anh trầm mặc như cái cây trong đại ngàn. Nhưng khi anh nói chuyện, thì không khí xung quanh anh náo nhiệt hẳn lên. Mọi người vui lây nụ cười của anh. Câu chuyện của anh dí dỏm, bộc trực nhưng rất giàu trữ lượng văn hoá. Có ngồi bên anh, nhìn kỹ khuôn mặt anh lúc anh nói chuyện mới nhận ra chất nghệ sĩ thứ thiệt ở người nhạc sĩ này. Anh từng tham dự nhiều liên hoan âm nhạc từ Bắc vào Nam, nhận huy chương vàng, chụp hình chung với TBT Nông Đức Mạnh. Anh cũng biểu diễn ở nhiều chương trình ca nhạc. Anh kể, có lần được mời biểu diễn, nhưng anh không kịp chuẩn bị bài, lại phải hát playbach theo nhạc, nhưng nể tình ban tổ chức, anh miễn cưỡng mà lên. Cái cách biểu diễn ăn gian của anh là, nhắm câu nhạc đầu và câu nhạc cuối của CD cho đúng nhịp, còn lại là anh hat fantasy, chỗ nào quên lời , anh nói Rap bằng tiếng dân tộc và thêm vào mấy tiếng hươ-wây-wây. Khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chỉ có ban tổ chức là biết anh hát fantasy. Họ cằn nhằn chuyện này chuyện nọ. Anh bảo, nhạc tao tao hat, mặc kệ chúng mày Anh em bình luận rằng, NS Điểu Được là người có bản lĩnh và đầy tự tin. Nhạc tao tao hát, tao chế, làm gì tao.Câu ấy trở thành tính cách của Điểu Được. Tính cách phóng khoáng, tự do của đại ngàn mênh mông, hùng vĩ. Những lúc gần gũi, tâm sự, anh cũng đầy tâm trạng. Anh kể lúc sinh thời, mẹ anh chỉ có một con là anh, và mẹ anh cũng không còn người thân. Khi mẹ anh lớn tuổi, anh muốn làm thượng thọ cho mẹ, nhưng không kịp. Mẹ ra đi, anh cảm thấy trơ trọi, trống vắng và hụt hẫng. Anh bảo, không làm thương thọ cho mẹ được, anh tiếc lắm. Anh học Nhạc Viện nhưng không tốt nghiệp vì không học môn quân sự Buổi tối anh em đi nghe nhạc ở Diễm Xưa, có cô ca sĩ vừa xinh vừa hát rất hay tên là Chim B’rao. Nhiều anh làm quen không đước. Lúc về nhà , Điểu Được cho biết Chim B’ao 53 tuổi tồi, có con học ĐH năm thứ II, đã ly dị chồng vì không hạp nhau. Trông nàng ở xa thì rất trẻ và đẹp, nhưng nhìn gần, nàng dùng Mỹ phẩm dày quá, trôngghê lắm. Anh em té ngửa ra rằng Điều Được đã đi trước anh em một bước rất xa, nắm được ngọn ngành lý lịch của nàng. Tối hôm sau, anh em nghe nhạc ở Tiếng Đàn Xưa, nhưng ồn ào quá lại đến Diễm Xưa. Câu đầu tiên Chim B’rao hỏi là hỏi về Điểu Được. Nhưng tối nay anh không tới. Lão Ns TVB, nói với em rằng, lão đã về phòng ngủ, nhưng nhớ Chim B’rao không chịu nổi, bèn tung chăn đến Diễm Xưa tìm em. Trời mưa tầm tã, vậy mà sau đêm diễn, lão Ns lại được Chim B’rao chở về phòng bằng xe Vespa, một quãng đường chừng 2km. Thế mới biết lão Ns lại tài hoa có đẳng cấp. Các Ns trẻ thua lão hết. Lão bảo, nếu có Điểu Được thì đời nào đến phiên lão, rồi lão cười haha. Không biết tối hôm ấy Ns Điểu Được đi đâu, có khi lại âm thầm đi “hoạt động cách mạng” ở nơi nào? (Chữ “hoạt động cách mạng” là mật ngữ chỉ NS Điểu Được đi tìm cảm hứng sáng tác, kiểu như đi tìm hiểu Chim B’rao.) 5. Lại chuyện “súng đạn” của các lão nhạc sĩ Trên đường từ Đồng Nai đi Đà Lạt, có một ngọn núi không cao, nhưng trên đỉnh có một khối đá lớn hình Linga hướng lên trời. Linga hấp dẫn đến nỗi các Ns đã yêu cầu tài xế ngừng xe ở một chỗ mà góc nhìn rõ nhất, hoàn hảo nhất để chụp. Thế là câu chuyện về “súng đạn” đã nỗ ra vô cùng rôm rả. Tôi chia sẻ điều này. Ở VN hiện nay vẫn còn lễ hội Phồn Thực ở một làng xã Hà Nội. Sau những sinh hoạt vui chơi ban ngày, đến gần nửa đêm, trưởng làng đọc một bài văn khấn, sau đó cử hành nghi thức Giao Hoan. Một người đàn ông cầm linga bằng gỗ đâm vào Yony cũng bằng gỗ do một người đàn bà cầm. Lúc ấy đèn tắt hết. Mọi người lắng nghe tiếng giao hoan. Nếu không có tiếng động nào thì nghi lễ giao hoan tốt đẹp, năm ấy làm ăn thuận lợi. Nếu nghe tiếng “cạch”, nghĩa là Linga không đâm trúng Yony, thì năm ấy làng gặp khó khăn. Ngày xưa sau lễ Giao Hoan, trai gái được phép tìm nhau để giao hoan. Nếu trong năm mà cô gái nào sinh con, thì đó là con của thần thánh được cả làng nuôi dưỡng. Ngày nay Nhà Nước bỏ tục lệ ấy rồi Mọi người nghe tôi kể đều rất ngạc nhiên, từ câu chuyện vui dân gian chuyển sang sự nghiêm túc về văn hoá. Tôi nói tiếp. Hành vi giao hoan trong một nghi lễ có tinh linh thiêng ấy chính là tín ngưỡng phồn thực đã có từ ngày rất xa xưa. Ở Việt Nam, nếu vào các tháp Chăm, du khách có thể thấy tượng bằng đá tạc hình Linga và Yony rất to.Nhưng có điều này, hiện nay ở Nhật cũng có lễ hội Phồn Thực. Người ta làm một Linga bằng gỗ rất to, phải chở bằng xe chở Container đi diễu hành, có cờ quạt và các nghi lễ trang trọng. Họ dưa Linga đến một đền, có các trụ trì (mặc áo như nhà sư) làm lễ. Trước cổng đền, người ta cũng làm hai Linga bằng gỗ rất to, nhiều cô gái đã leo lên ôm Linga để chụp hình. Người ta còn làm các vật lưu niệm hình Linga để bán cho du khách, làm cả kem chocolat nữa. Nhiều cô gái Nhật đã mua loại kem này và ngậm mút giữa thanh thiên bạch nhật rất say mê. Vâng, đó là sự khác biệt rất xa trong văn hoá Đông-Tây. Phương Tây chỉ nghĩ đến sex một cách bản năng trong khi phương Đông lại đồng nhất Linga và Yony như những thần linh sánh ngang với Đấng Tạo Hoá Nhân chuyện hòn đá hình Linga, các NS quay sang chuyện “súng đạn” của các lão nhạc sĩ. Cách tính số cữ giao hoan theo BS-NS Nguyễn Thọ là lấy số tuổi nhân với 9. Thí dụ, độ tuổi 20 thì : 2x9=18, nghĩa là mỗi tuần (số 1) giao hoan 8 cữ ( con số 8). Ái chà chà, thế này thì các cụ 90 vẫn còn hy vọng : 9o thì lấy 9x9=81, nghĩa là 8 tuần một cữ. Lão nhạc sĩ TVB nhẩm tính , tớ 80 thì tính làm sao . Lấy 80 x 9 = 72, nghĩa là cụ còn xơi được 7 tuần 2 cữ, bình quân một tháng một cữ (8 tuần). Lão NS TVB ngẩn người ra, tiêu chuẩn là thế mà tớ không sao làm tròn cái quy trình phải có của tình yêu. Ở bên em mà đành lặng thinh, chẳng còn là thằng đàn ông. Đúng đấy, dù có là quan lớn, là đại gia ở bên em mà thất bại về chuyện đó thì coi như tiêu. Có chăng là em chỉ tìm cách móc tiền túi của mình Một NS khác lên tiếng. Cách tính của Bs-NS Nguyễn Thọ là tính bình quân tối thiểu để sức khoẻ tốt. Nhưng thực ra, có thuyết cho rằng, trời cho mỗi người đàn ông một số đạn, nếu thời trẻ anh bắn laphan, thì khi lớn tuổi, súng anh hết đạn. Ngày nay nhiều ông mới 30 hay 40 đã mắc bệnh liệt, hay còn gọi là rối loạn cương dương, có lẽ anh ta đã nã đạn suốt ngày theo công thức của các cụ nhà ta ngày xưa là “đêm bảy, ngày ba, vào ra không kể”, thế nên hết đạn sớm là tất nhiên. Trong số các anh ở đây, nhiều người súng chắc đã rỉ, vì lâu không còn đạn để bắn. Mọi người phá ra cười khi nhìn cụ TVB. Cụ bảo, tớ vẫn yêu như tuổi 20, chỉ có điều, không thể hoàn thành cái quy trình cuối cùng của tình yêu thôi. 6. Ấn tượng trại sáng tác hè 2012 Trước khi các NS trình bày tác phẩm của mình trong buổi họp trao đổi về sáng tác, NS Trần Viết Bính đem máy quay phim tới từng phòng, yêu cầu mỗi Ns trình bày tác phẩm của mình để ông ghi hình làm tư liệu. Ông bảo không cần chuẩn bị gì, cứ hát mộc, hát tự nhiên. Cần chính tác giả trình bày mới quý. Chúng tôi chỉ biết tặc lưỡi kính nể lão nhạc sĩ 8o. Cụ còn trẻ trung, hiện đại và biết chắt chiu tư liệu hơn người trẻ chúng tôi. Bản thân tôi dịp này được cụ chỉ cho vài chiêu Encore Cụ bảo, những bài hát tôi gửi cho cụ bằng chương trình Encore, cụ phải chép lại, Cụ nói, nhất định phải lên LK chỉ cho tôi vài chiêu. Lâu nay trang nhạc của tôi, chữ thường chạy so le với nốt nhạc. Thấy tôi đang ngồi máy, Cụ ngồi xuống và ra tay ngay. Chỉ vài cái bấm chuột là chữ và nốt ngay hàng thẳng lối. Cụ bảo, chiêu này ngày xưa phải mày mò mãi mới ra.Tôi thực sự bái phục. Buổi chiều, khi các NS đang trình bày ca khúc của mình thì NS Khánh Hoà, chủ tịch Hội VHNT lên thăm. Chưa kịp nhận phòng, anh đã ngồi vào bàn tròn để cùng thưởng thức và thẩm định tác phẩm. Anh bảo, bài nào cũng tròn trịa, và hay, không bài nào phải chỉnh sửa. Thực ra trong khi trình bày tác phẩm, các NS cũng góp ý cho nhau về một vài từ chưa mới, hoặc về điều chỉnh nốt nhạc để hồn nhạc vút lên, hoặc, cân nhắc xem nên để chất dân ca là chính hay chất tân nhạc là chính. Cá nhân tôi nhận thấy thế này. 12 ca khúc của các NS dự trại đều rất hay, chỉ nghe một lần đã cảm được hồn nhạc. Các ca khúc đều được viết ở thể nhạc nghiêm túc, chuẩn mực, giàu màu sắc thẩm mỹ, giàu sắc thái chủ đề. Các NS đều xử lý ca từ, xử lý giai điệu rất công phu, và NS nào cũng tâm đắc với ca khúc của minh. Sau buổi thẩm định tác phẩm, có một NS nói vui. Giờ thì khó cho lãnh đạo khi xét khen thưởng tác phẩm dự trại. Tôi nói rằng, điều quan trọng là tất cả các NS đều có tác phẩm hay, và rất quý lần gặp gỡ sinh hoạt chung với nhau lần này, còn chuyện trao giải là chuyện của hành chính, của lãnh đạo Hội, mình không quá bận tâm. NS Trần Viết Bính thông báo sẽ làm tuyển tập, thực hiện DVD, và đưa các sáng tác của trại vào chương trình biểu diễn dịp 3.9.2012 sắp tới. Ngày mai chúng tôi đi tham quan một số nơi ở Đà Lạt trước khi trở về Đồng Nai, đem theo bao niềm vui và những điều từ trại sáng tác lần này. Nói như NS Nguyễn Thọ, trái tim chúng tôi sẽ tưng tưng nhiều ắm trên đường về, lúc đi qua òn núi Linga và dòng suối 3 phút của NS Lý Quảng. Ngày 14.07.2012 ____________________________ Comment của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp 13/7/2012 Anh Thuấn ui Em ghen với anh đấy. Anh được dự một cái trại sáng tác âm nhạc thật thú vị. Hồi nãy em ngồi đọc một mình mà cười chảy nước mắt. Gía mà trại nào cũng vui như vậy. Và giá mà Ban Văn học cũng vui như Ban âm nhạc. Theo em thì bài ghi chép của anh rất hay, chỉ cần bỏ bớt một vài đoạn hơi tục còn thì đem đăng trên VNĐN cho mọi người cùng đọc và cùng noi theo. Lâu nay nhiều trại chỉ cãi vã, làm những chuyện không văn nghệ tí nào, đúng không anh?. .. … Em hy vọng các anh trở về nguyên vẹn, không bị thất thoát rò rỉ sau chuyến du ngoạn tuyệt vời. Về chuyện linga của các nhạc sĩ bị… bỏ phế đến han gỉ do không sử dụng thường xuyên thì em rất chia sẻ, vì thời nay, ngay cả người trẻ công năng cũng kém, có khi “trên bảo dưới không nghe” huống hồ là các bậc trưởng thượng. Nhưng mong rằng trừ cụ TVB ra, “ súng nước” của những người còn lại đều đầy đủ đạn dược, chỉ cần đừng bị… cướp cò ! Mong gặp anh. Chúc mọi người mạnh giỏi, thành công. Theo em thì từ nay tới cuối năm Ban nhạc nên làm một buổi công bố tác phẩm mới. Em Điệp

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

NGUYEN QUANG THIEU VE MAT NHAN LOAI HINH LUC GIAC

“Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác”* (Bùi Công Thuấn đọc thơ Nguyễn Quang Thiều) Đọc cảm tính : Đọc một mạch hơn 140 bài thơ của Nguyễn Quang Thiều (NQT), tôi lâm vào trạng thái như người bị stress. Cái đầu nặng như chì, âm âm u u. Cứ đọc vài bài, tôi lại phải đứng lên, vuốt mặt, hít thở nhiều lần, để mạch máu não đừng trương nở quá mức. Tôi chìm vào trạng thái chao đảo, không biết là tỉnh hay mê. Khi thì bịt bật tung lên thinh không chói lòa ánh sáng với thiên thần bay lượn, khi lại rơi xuống vực thẳm không cùng, sống chung với hồn những người chết trở về, lúc lại lạc vào vườn cây, tung tăng với lũ trẻ chơi đùa, lúc lại ngồi nhìn đàn kiến bò, hay chịu đựng đàn cho cắn vào mình. Bóng tối, ánh sáng, giông bão , đâm chém, nhà tù, nhà tù, cái chết thối rữa và nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi … Tôi như ” ai đó vẫn lần mò trong căn phòng nặng nề bóng tối /để kiếm tìm tiếng hót từ con chim sặc sỡ nhồi bông”(NQT) Đọc không cảm tính: 2. Hành trình nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều Nhiều tham luận và ý kiến đã được trình bày trong Hội thảo khoa học: "Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều", tôi xin không nhắc lại và không trao đổi, bởi đó là những góc nhìn, những nhận thức khám phá riêng, ít nhiều đều chứa đựng chân lý về thơ NQT, và mỗi người chỉ có thể nhiều nhất nhìn thấy một nửa chân lý, như đứng từ trái đất, ta chỉ có thể nhìn thấy nửa sáng của mặt trăng. Tôi chỉ trình bày góc nhìn chủ quan của mình. Tôi nhận thấy thế này. NQT đi từ thơ truyền thống sang kiểu thơ Lãng Mạn rồi thơ suy tưởng và sau cùng là thơ Siêu Thực. Tiến trình này không có gì mới. Thơ Mới 1930-1945 đã hoàn tất tiến trình này từ lâu rồi,và Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ theo dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh, Phạm Thiên Thư đã làm thơ Thiền và Chế Lan Viên cũng đã đạt đến đỉnh cao của thơ suy tưởng. Nếu cần nói NQT cách tân thì phải xét ở bình diện khác, đặc biệt là thơ tư tưởng. Người đọc dễ tiếp nhận những bài thơ viết bằng thi pháp truyền thống, thi pháp thơ Lãng Mạn và suy tưởng, nhưng không thể hiểu những bài thơ Siêu Thực, mà đa phần thơ NQT là thơ Siêu Thực. Xin đơn cử 4 Bài theo tiến trình thơ NQT: BÂY GIỜ ĐANG CUỐI MÙA ĐÔNG (Thơ Lục Bát dân dã) Bây giờ đang cuối mùa đông Làng bao cô gái lấy chồng đi xa Chút chiều hoe nắng ngõ nhà Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ. Bây giờ lấm tấm lộc mơ Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào Tình tôi có chút lộc nào Nảy xanh qua tiếng thét gào bão mưa. Bây giờ cải đã thành dưa Làng bao cô gái cũng vừa lớn lên Ra đường gặp tiếng xưng em Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau. Thế rồi ngày tháng qua mau Cho con tằm nhả tơ màu nắng sông Thế rồi lại đến cuối đông Làng bao cô gái lấy chồng, còn tôi... ĐÔI BỜ (Kiểu thi pháp thơ Lãng Mạn, nhân vật trữ tình Tôi là nhân vật tâm trạng) "Lý con sáo" đưa tôi qua sông Hậu Để con phà trên sóng đi nghiêng Trời bên ấy như em nâng vạt áo Đừng khóc mà, đừng khóc, gió lo âu. Bao dìu dặt Tây Đô giờ vắng lặng Chỉ bến bờ em đứng cứ nhoài theo Không phải sóng đẩy chúng mình xa cách Bởi vì sông đã thế có hai bờ Anh lênh đênh, nhưng anh không trôi nổi Không thể để đôi bờ xói lở về nhau Anh không thể buộc đò vào hai bến Nên suốt đời goá bụa bến bên em. THAY LỜI CẦU NGUYỆN (Thơ suy tưởng kiểu Chế Lan Viên) Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ bằng nỗi sợ hãi và tiếc thương nhưng ít người chúng ta nhìn thấy cỗ xe tang lộng lẫy trong tiếng trống tưng bừng làm thần chết cũng hết phiền muộn Và tên tuổi chúng ta được khắc trên phiến đá lặng im lấp lánh và uy nghiêm như tên các vị thánh Ít hơn nữa những người chúng ta tìm thấy âm nhạc tinh khiết trong buổi cầu hồn và gương mặt những nhạc công phường bát âm đắm say trong thế giới bí ẩn Và càng ít hơn những người sau chén trà buổi tối ngồi trên tràng kỷ nghe bài điếu văn viết cho mình vang lên với một giọng trầm trong một tối mùa thu tuyệt đẹp Và lúc đó ở bên ngoài cửa sổ khu vườn giàn giụa trăng họ đã nhìn thấy vẻ đẹp diệu kỳ trong những gì luôn đe doạ người khác LINH HỒN NHỮNG CON BÒ (Thi pháp siêu thực) Ra đi từ đêm Và bây giờ, những con bò bóng tối, đã đến Cánh đồng cuối cùng Suốt đêm tiếng rống đàn bò Rền rĩ những cách đồng câm lặng Suốt đêm hơi thở đàn bò Phả nóng như một đêm mùa hạ Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng Những chiếc ách biến mất gần sáng Dấu chân chúng đã điểm chỉ Trên những cánh đồng thế gian Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực Và tan vào ánh sáng Những tiếng rống vọng lại Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ Đang tập buổi cuối cùng Để đón lễ Phục sinh Giờ chỉ còn những đám mây Phiên bản của đàn bò Bay trên cánh đồng Của những con bò khác. Nếu Sự Mất Ngủ Của Lửa còn dễ đọc thì 7 chương của Nhịp Điệu Châu Thổ Mới khóa chặt cửa đối với người đọc quen đọc thơ truyền thống. 2. “Bẻ khóa” thơ Nguyễn Quang Thiều Có người đã nói đến sự khó hiểu của thơ NQT và đưa ra nhiều lý giải đầy tính học thuật, nhằm giải mã bí mật thơ NQT, song le, dường như càng lý giải lại càng rắc rối. Thú thực khi đọc những lý giải ấy, tôi thấy mình cần đi con đường khác. Thơ NQT chỉ có một giọng là giọng buồn, giọng kể chuyện tự tình. Mỗi bài thơ là một truyện ngắn, được kể không đầu không đuôi. Có khi tác giả trực tiếp kể, có khi hóa thân vào nhân vật để kể, và hầu hết những câu chuyện ấy là những dụ ngôn, những ẩn dụ, thể hiện sự suy tư, tìm kiếm tư tưởng. Thơ NQT là thơ tư tưởng. Vì thế nếu muốn tìm kiếm cái hay trong thơ của NQT thì phải tìm ở cấu trúc truyện, ở sự khám phá về tư tưởng của tác giả, không phải ở câu chữ hay thủ pháp so sánh, liên tưởng. Và giá trị của thơ NQT là ở phần tư tưởng anh khám phá và thể hiện, không phải ở giá trị phản ánh hiện thực hay tài sáng tạo câu chữ, hay liên tưởng trùng trùng điệp điệp là rối trí người đọc. Nhiều người đã ngộ nhận về đặc điểm thi pháp này của thơ NQT. Đọc thơ NQT là đọc truyện tư tưởng, mọi giá trị nghệ thuật hay nội dung của thơ NQT tích tụ ở đây. Nếu sa vào câu chữ, sa vào các liên tưởng siêu thực, sa vào các thủ pháp của NQT, người đọc sẽ sa vào mê trận chữ và lạc mất lối ra. Thơ Siêu thực sử dụng những yếu tố hoang tưởng, lộn xộn, đứt đoạn , phi logic. Đó là những hình ảnh như trong một giấc mơ. Hình ảnh xuất hiện, chồng lên nhau, không đầu đuôi, và nhiều khi hoàn toàn không có trong đời thực, lúc ngủ mơ ta không thể ý thức. Thơ Siêu Thực phủ định triệt để tính logic của nhận thức bằng lý trí. Xin đọc: BẦY CỪU Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo. Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất Những mảnh thân xác tản mát đâu đó Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, những ngọn đồi… những ngọn đồi… những ngọn đồi… bất tận. NQT kể chuyện đàn cừu ở Achill. Cốt truyện đơn giản : Những con cừu vùng Achill im lặng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, thi thoảng kêu lên. Mỗi ngày lại mất một con. Các con khác vẫn im lặng tiếp tục…Nếu bỏ đi phần cốt truyện, bài thơ còn lại là những suy tư, võ đoán của tác giả: Những con cừu không hề than thở, chúng thực hiện sứ mệnh, kêu lên tiếng buồn bã. Tác giả nhận ra mỗi ban mai lại mất một con và nghĩ rằng thân xác cừu tản mát đâu đó. Cái tiến trình ấy là không đảo ngược, bất tận Bỏ nội dung trực tiếp kể chuyện đàn cừu đi, người đọc nhận ra suy tư gì của NQT : Đó là suy tư về Hiện Sinh. Tồn tại là tồn tại quy tử. Sống là đi về cái chết, không cưỡng lại được, như mỗi ngày lại mất một con cừu (bị người ta làm thịt), đàn cừu hoàn toàn không ý thức điều này. Nỗi buồn đọng rất sâu trong bài thơ là tư tưởng sống là đi về cõi chết, mà chuyện đàn cửu chỉ là cái vỏ không có thật để chuyển tải tư tưởng. Cái có thật là NQT nhìn đàn cừu đi lên đồi mà suy tư, vậy thôi. NQT có rất nhiều bài thể hiện suy tư Hiện Sinh (cần phải có một chuyên luận mới có thể nói hết những cái mới mà thơ NQT đóng góp cho thơ ca VN đương đại). Tuy nhiên, đọc những bài thơ như thế, bất giác tôi tự hỏi, phải chăng NQT tái hiện những câu chuyện của F.Kafka, bằng những hình ảnh khác. Về tư tưởng, NQT không thể sánh với Kaf Ka, bởi NQT không phải là nhà tư tưởng Hiện Sinh. Về cách kể chuyện thể hiện tư tưởng Hiện Sinh, những câu chuyện của NQT cũng không sánh được với Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu (DNM). Trong truyện này, DNM miêu tả cụ thể, hiện tượng luận những trải nghiệm hiện sinh. NQT chưa đạt tới kỹ thuật này. Xin đọc: Một ngụ ngôn nho nhỏ-F.Kafka “Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.” Câu chuyện này chỉ cần ngắt câu xuống dòng, thêm thắt vào vài hình ảnh so sánh liên tưởng, là thành bài thơ kiểu NQT. Kafka chỉ ra rằng cái tất yếu con chuột phải đi đến là cái chết không thể khác được, dù có muốn đổi hướng (Hiện sinh quy tử). Chiều sâu của Kafka là chỉ ra sự bất nhân của kẻ chỉ đường (con mèo). Tất cả những kẻ dẫn đạo (kẻ chỉ đường-như con mèo) đều là lưu manh và bất nhân. Kỹ thuật viết của Kafka là nhập thân vào nhân vật con chuột và con mèo, để nhận thức, để lên tiếng nói. Câu chuyện là một ẩn dụ, và phải hiểu ý nghĩa ẩn dụ của câu chuyện, nhất thiết không được sa vào chi tiết, thủ pháp, ngôn ngữ, bởi đó chỉ là giả định. Đọc thơ NQT cũng cần đọc như thế, bỏ câu chữ, bỏ câu chữ đi, tìm hiểu tư tưởng. Về tư tưởng, tôi còn nhận ra NQTcó cảm thức quy hướng về Thượng Đế như trong Thơ Dâng của R. Tagore. Hay nói cách khác, NQT suy tư về hiện thực bằng tư tưởng Hiện Sinh và bế tắc. Ông tìm thấy sự thăng hoa trong tôn giáo, mà R.Tagore đã mở lối. Hơn ai hết R. Tagore đã viết những lời ngợi ca tuyệt hay về Thượng đế. Ánh sáng tư tưởng ấy của R.Tagore lấp lánh trong thơ Nguyễn Quang Thiều, tất nhiên NQT có khám phá riêng của mình. Xin đọc LỜI DÂNG của R. Tagore: 1 Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận. Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi. Xác này cây sậy khẳng khiu, người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng, và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời. Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve, tim tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết. Tặng vật người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin, tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng. Thời gian lớp lớp đi qua, người vẫn chửa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi. 12 Thời gian cuộc hành trình tôi đi thì dài và đường đi cũng thế. Tôi ra xe lúc trời vừa tảng sáng, ruổi rong qua bao thế giới hoang vu, dấu chân in trên nhiều vì sao và hành tinh. Đây là cuộc ra đi xa xôi nhất, cuộc ra đi dẫn tôi đến bên người; cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của một hòa âm. Trước khi về tới nhà mình, lữ khách đã phải gõ cửa biết bao căn nhà xa lạ; lữ khách phải lang thang qua bao thế giới bên ngoài cuối cùng mới đến miếu thất sâu thẳm bên trong. Mắt tôi đã lang thang khắp bốn phương trời trước khi tôi nhắm mắt lại và nói: “Mình đến nơi rồi!” Câu hỏi và tiếng kêu: “Ồ, nơi nao?” biến tan thành ngàn suối lệ, nhận chìm thế giới dưới sóng xác tin: “Ta tới rồi đây”. Và đọc thơ NQT: DƯỚI CÁI CÂY ÁNH SÁNG (trích đọan 2) “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này Người đã cho con một thân thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao Người đã lấy đau đớn và hổ nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và một linh hồn trong sáng Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian Con đã cười vang, tiếng cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người Con đã từng nằm trong vòng tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ và kể cho con câu … Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con Con đã đến nơi ấy xa xôi trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người …” Người đọc sẽ nhận ra R.Tagore trong rất nhiều hình ảnh, tứ thơ ý tưởng trong thơ NQT, chẳng hạn, về sự ra đi, một cuộc hành trình trong ruổi qua bao thế giới, cuối cùng trở về với miền sâu thẳm bên trong, ý niệm về thời gian (Bàn Tay Của Thời Gian), hình ảnh đồi núi, ban mai, tinh tú, giấc mơ và đặc biệt là ánh sáng cứu rỗi… Như vậy để hiểu NQT, bạn đọc cần đọc Kafka, đọc Tagore và cả Thiền nữa (Lễ Tạ), nói cách khác, bạn phải có kiến thức cơ bản về triết học phương Tây và cả phương Đông (Thiền). Ở góc nhìn này, bạn đọc sẽ thấy đâu là sáng tạo của NQT, đâu là đóng góp, cách tân của NQT đối với thơ ca VN đương đại. Lễ Tạ là một bài thơ có khí vị Thiền rất hay. LỄ TẠ Con đường Con đường Con đường Dắt ta về hồ nước cũ Phảng phất một lá sen già Đợi ta trên miền nước lặng Hỡi người hái hoa kiếp trước Kiếp này có hoá bình không? Phải đào ba tấc đất sâu Mới tìm được người hầu rượu Phải lên đến bảy tầng trời Mới gặp được người thưa chuyện Ngẩng mặt một vầng mây đỏ Nỗ vang tiếng sấm của trời Cúi đầu một miền cỏ trắng Nở xoè bên cõi sen tươi Ra đi từ hồ nước cũ Con đường Con đường Con đường. 3.Những điều băn khoăn Tôi đã dõi theo những ý kiến trao đổi về thơ NQT, tất cả đều khẳng định NQT là nhà thơ cách tân thơ Việt, nhưng tôi lại không tìm thấy những ý kiến xác lập xem đâu là giá trị của thơ NQT. Phải chăng giá trị thơ NQT là ở sự cách tân. Hay như có người nói rằng, thơ hay phải đọng lại trong lòng người đọc, được mọi người thuộc và tâm đắc.(Tôi hoài nghi về tiêu chí này, bởi bài thơ Con Cóc lưu truyền trong dân gian, chỉ đọc một lần là nhớ, và được nhiều người truyền tụng, vậy Thơ Con Cóc là thơ hay ?) và nếu xét theo tiêu chí này thì thơ NQT không phải là thơ hay? Người ta đánh giá cao tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa và chọn bài thơ Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông như là bài thơ hay nhất của NQT. Điều này có lý của nó, bởi đa số những bài thơ trong tập thơ này dễ đọc, đề cập đến những cảnh những người gần gũi và thắm thiến những tình cảm quê hương, tình gia đình ( với cha, mẹ, con gái) với dòng sông Đáy, làng Chùa, với những người đàn bà lam lũ…và cả những cảnh xô bồ thực tại.Nó mang đến một cái nhìn mới lạ và chứa đựng những tình cảm giàu phẩm chất nhân văn. Tuy vậy, ở những tập thơ mà phần thơ Siêu thực, thơ tư tưởng là chính, thì đâu là giá trị của thơ NQT? Trước hết nhiều bài thơ có những liên tưởng đứt đọan khiến người đọc không thể lần ra được manh mối điều NQT suy nghĩ. Nhiều hình ảnh so sánh liên tưởng chỉ để làm dáng câu chữ, làm rập rạp phân tán câu chuyện, không thực sự biểu hiện tư tưởng. Nhưng điều làm cho thơ NQT thiếu sự sống trong những bài thơ suy tưởng Siêu Thực ấy là sự vắng bóng đời sống hiện thực và thái độ tích cực của tác giả. Khi thơ chỉ là những ẩn dụ không thực, những ẩn dụ chủ quan nhìn qua góc của bóng tối và ánh sáng, cùng với sự né tránh (?) của nhà thơ khi đối mặt với hiện thực Việt Nam sau 1975 đến nay, hẳn nhiên những bài thơ ấy không đem đến cho độc giả một giá trị nào cả, ngòai một câu chuyện không thật với những hình ảnh không thực, để che dấu ý nghĩ thực của nhà thơ đối với hiện thực. Xin đọc: LINH HỒN NHỮNG CON BÒ Ra đi từ đêm Và bây giờ, những con bò bóng tối, đã đến Cánh đồng cuối cùng Suốt đêm tiếng rống đàn bò Rền rĩ những cách đồng câm lặng Suốt đêm hơi thở đàn bò Phả nóng như một đêm mùa hạ Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng Những chiếc ách biến mất gần sáng Dấu chân chúng đã điểm chỉ Trên những cánh đồng thế gian Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực Và tan vào ánh sáng Những tiếng rống vọng lại Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ Đang tập buổi cuối cùng Để đón lễ Phục sinh Giờ chỉ còn những đám mây Phiên bản của đàn bò Bay trên cánh đồng Của những con bò khác Chẳng bạn đọc nào lại mất thời gian, căng đầu để giải mã những hình ảnh ẩn dụ đàn bò bóng tối, đi hết đường cày cuối, tan vào ánh sáng ban mai có ý nghĩa là gì, và những đám mây phiên bản của đàn bò là gì? Suy nghĩ thực của nhà thơ về hiện thực Việt Nam được mã hóa qua hình ảnh đàn bò đi trong đêm và tan biến trong ban mai là gì? Và vì bài thơ chỉ là câu chuyện khách quan chuyển tải tư tưởng, thiếu vắng hoàn toàn cảm xúc của nhà thơ, mà cảm xúc là ngọn lửa làm nóng chảy trái tim người đọc. Thơ NQT trở thành vô cảm. Một bài thơ không thể hiểu, không chứa đựng hiện thực, một bài thơ vô cảm, thì sẽ còn lại gì trong lòng người đọc? Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự lên tiếng nói trước hiện thực, bày tỏ thái độ trước những vấn đề của đởi sồng, là sự tìm kiếm những mối đồng cảm tri âm của cộng đồng. Thế nhưng những bài thơ suy tưởng Siêu thực của NQT lại không thể soi tỏ được điều gì cho bạn đọc về hiện thực Việt Nam, không thể làm tan chảy trái tim người đọc thành nước, thành lửa để nung đốt, thanh tẩy cái hiện thực đầy bóng tối như NQT mơ hồ nhận thấy, và đặc biệt là NQT không thể hiện được trách nhiệm ngòi bút (?) trước những đòi hỏi của hiện thực mà người cầm bút phải tham gia vào để làm cho hiện thực ấy sáng hơn lên, hay ít ra cũng xua đi ám ảnh của bóng tối: Chỉ còn lại trong mắt chúng ta khu vườn hoang và lũ trẻ ốm đau. Và khu vườn hoang tàn hơn, lũ trẻ ốm đau hơn Bóng tối nặng hơn trong những lùm cây làm thân cây còng xuống Chúng ta sợ hãi hơn khi bóng đêm đổ xuống (Một Ngày Thu) Tôi không rõ có ai khen những câu thơ như thế không nhỉ ? hoặc có thể NQT đã không thích Nietzche , hoặc không tiếp cận với tinh thần vô úy của PhẬt (?). Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi hiểu tại sao Tổ Quốc Nhìn Từ Biển của Nguyễn Việt Chiến có được nhiều hồi âm trong lòng người đọc. Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo Lạc Long cha nay chưa thấy trở về Lời cha dặn phải giữ từng thước đất Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi (Tổ quốc nhìn từ biển" - Thơ của Nguyễn Việt Chiến) 4. Nỗi sợ hãi, bóng tối và ánh sáng “Ra đi... đó là ánh sáng / Dựng lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa “. …”Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu.” (Người Thổi Kèn Rắn-Gửi một nhà thơ) Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời, một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh (sự chuyển động của cái đẹp) Ôi quyền lực và sự man rợ của bóng tối biến chàng thành côn trùng? thành con sói cô độc? thành đại bàng im lìm trên đỉnh núi lạnh? thành lạc đà và thành ngôi sao xanh? Giấc mơ nào chàng cũng gặp những người đàn bà mang thai xanh như nước biển đi qua ngôi nhà Họ đã đi và vẫn đi, còn đi mãi,.. (Cây Ánh sáng) Trong thơ NQT, “bóng tối” là một ý niệm xuyên suốt hành trình sáng tạo, như một ám ảnh sợ hãi, như một ẩn dụ chứa đựng nhiều ý tưởng của NQT. “Bóng tối” luôn đi với đêm và nỗi sợ hãi. Nhưng “bóng tối” ấy là gì. Có thể là bóng tối hiện thực Việt Nam (Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Những Ngôi sao đổi Ngôi, Buồn Hơn Cái Chết, Bữa Tiệc Trong Bóng Tối,..). Bóng tối là quãng đời thăng trầm, lưu lạc nghèo khó của tác giả? “Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối. Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ” (Thánh Ca Nhỏ) “Bóng tối” là ý niệm hiện sinh về cái chết ? nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi (Những con quạ thành phố Karachi). Nhưng rõ nhất là “bóng tối” mang cảm thức tôn giáo. Thực ra đây là tư tưởng, sự khám phá tư tưởng, trải nghiệm tư tưởng hiện sinh Thiên Chúa Giáo về con đường đau khổ và Phục Sinh. Đây không phải niềm tin tôn giáo như có người ngộ nhận. Điều này không mới, bởi Nikos Kazantzakis (1883-1957) đã từng khám phá tư tưởng này trong Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ (1951) và R.Tagore (1861-1941) đã thi hóa trong Lời Dâng (Gitanjali ) , nhưng ở Việt Nam, thì sự khám phá tư tưởng Hiện sinh Thiên Chúa Giáo là điều thật mới mẻ và táo bạo. Có người đã nhận xét thơ NQT phương Tây hơn phương Đông chính là ở đặc điểm tư tưởng này. Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo nói đến bóng tối tội lỗi, sự chết, tương phản với ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Đức Giêsu nói :”Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”..”ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng…”(Ga. 8.12 và 3.19). “Bóng tối” là tội lỗi, sự chết. Sợ hãi bóng tối là sợ hãi tội lỗi mà con người đã gây ra đầy mặt đất, sợ hãi nỗi thống khổ phải tự mình vác lấy thập tự, tự mình đóng đi và treo lên . Chính đức Giêsu trong giờ phút cầu nguyện tại vườn ôliu trước lúc bị người Do Thái bắt đóng đinh, Người cũng đã xao xuyến và sợ hãi trong nỗi cô độc đến cùng cực. Luca thuật lại :” Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (luc.22.41-44). Không biết người trần gian có ai đã trải nghiệm hiện sinh đến tận cùng thân phận làm người như Giêsu? NQT đã khám phá tư tưởng ấy của Kinh Thánh “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này Người đã cho con một thân thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao Người đã lấy đau đớn và hổ nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và một linh hồn trong sáng Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian …”(Cây Ánh Sáng-đoạn 2) Có thể coi Cây Ánh sáng là một khúc ca hay nhất của thơ NQT, một khúc ca hùng vĩ tư tưởng Hiện sinh Thiên Chúa Giáo đầy bi thiết, đầy sức mạnh Vượt Qua về đau khổ và Phục sinh, Con Người chiến thắng bóng tối, sự chết. “Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con Con đã đến nơi ấy xa xôi trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người Và lúc này da thịt con đau đớn làm sao, tội lỗi làm sao ẩn náu dưới sự quyến rũ của vẻ đẹp cơ bắp cường tráng Con chỉ biết ngước lên, gương mặt nhàu nát, sạm đen, tuyệt vọng và sợ hãi của con đang sáng dần lên trong ánh mắt của Người Hãy để những giọt máu chảy từ hai bàn tay bị đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con Để ánh sáng của Người xua tan trong lòng con bóng tối của kiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng “ 4.Cách tân có phải là giá trị của thơ ca ? Cách tân thơ Việt là một yêu cầu của quá trình phát triển. Những thế hệ đi trước đã làm được điều này. Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng.. đã để lại những dấu ấn. Tôi hiểu điều căn cốt để cách tân ấy là thay đổi hẳn thi pháp, trong đó phải có ý thức thẩm mỹ mới, kiểu tư duy mới, hình tượng mới, ngôn ngữ mới. Tôi vẫn thấy trong thơ NQT bóng dáng của Kafka, R.Tagore, Thanh Tâm Tuyền, Chế Lan Viên, vẫn thấy hồn cốt thơ truyền thống và thơ Lãng Mạn…Theo tôi, NQT mới chỉ cách tân ở thủ pháp ngôn từ đó là kiểu thơ kể chuyện, thơ văn xuôi, thơ suy tưởng, dùng nhiều so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngắt quãng, sử dụng một vài thủ pháp của Tượng Trưng và Siêu thực (tất cả những thủ pháp, những kiểu loại này cũng đã có trong thơ VN lâu rồi, tôi xin phép không dẫn ra ở đây). Nói NQT cách tân là cách tân thế này : NQT đã thoát hẳn chủ nghĩa Hiện Thực XHCN của thơ 45-75, thoát hẳn kiểu thơ thời kháng chiến chống Mỹ, kể người kể việc, gọi nhau ơi ới, với giọng thơ điệu nói bỗ bã, cho ra vẻ quần chúng, và đặc biệt xây dựng kiểu thơ tư tưởng mà thơ VN đương đại chưa có. Nói cách tân thực sự trong thơ VN đương đại, phải chờ đến những nhà thơ trẻ sau NQT mới đạt được, chẳng hạn Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải.. khi họ tiếp cận được với thi pháp Hậu Hiện Đại, họ phá vỡ các yếu tố của tác phẩm truyền thống như không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện… Thơ NQT có nhiều bài hay (tùy theo góc nhìn, cách cảm thụ). Những bài thơ Lục Bát của NQT rất có duyên và có thể tiếp nối lục bát Nguyễn Bính. Tôi đặc biệt thích bài thơ Lễ Tạ ở cái khí vị thơ Thiền mà hiện nay hiếm có nhà thơ có được. Những bài thơ tư tưởng của NQT đôi khi cũng lóe lên những ánh sáng riêng có thể ghi được dấu ấn của NQT (Dưới Cái Cây Ánh Sáng, Bầy Cừu, Bầy Trẻ Di Cư, Chiếc Gương, Gửi Một Ông Vua, Lịch Sử Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ, Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Thánh Ca Nhỏ, Hồi Tưởng Tháng Ba, Hồi Tưởng Tháng Bảy, Thanh Minh, Bầy Chó Của Tôi, Khúc cảm V, Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ 21 gửi những nhà thơ đời Đường…). Điều có thể nhận thấy rõ là NQT là một nhà thơ có tài, sức sáng tạo của anh thật mạnh mẽ. Con đường anh đi : kiểu thơ tư tưởng nhất định sẽ là con đường sáng tạo về lâu về dài để thơ VN cần phải đạt nếu muốn ngang tầm với thơ thế giới. Trong thơ NQT, Ẩn rất sâu bên dưới những câu chuyện ẩn dụ Siêu Thực, những suy tưởng Hiện Sinh về tồn tại tử sinh, như trong những giấc mơ hoang tưởng hỗn độn nhập nhòa, ngập ngụa bóng tối và chói lòa ánh sáng, hoan ca trong vườn cây và bầy trẻ, và dõi theo bước chân những người đàn bà.., là một tấm lòng yêu thương nhân hậu của một nhà thơ rất đỗi hiền lành và sâu sắc. Con đã đến trong tiếng gọi của Người. Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối. Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ và ánh sáng của Người tràn ngập trong con. (Thánh Ca Nhỏ) Tháng 7. 2012 _____________________________________ (*) “Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác” có thể hiểu đó là con mắt nhìn sáu cõi thế gian?