album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

IM LẶNG GHÊ NGƯỜI CỦA GIỚI PHÊ BÌNH

CÓ MỘT SỰ IM LẶNG GHÊ NGƯỜI CỦA GIỚI PHÊ BÌNH…
( Bùi Công Thuấn trả lời phỏng vấn của Văn Nghệ Trẻ)



Văn nghệ Trẻ trò chuyện với nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn



“Phê bình mà phẳng lặng như mặt nước ao tù, không gây cho bạn đọc ấn tượng gì, không đem đến cho bạn đọc những khám phá nào về giá trị của tác phẩm, không hé lộ cho bạn đọc thấy được tài năng của nhà văn là gì, mình nghĩ, văn chương chẳng cần đế thứ phê bình như thế. “




VNT: Thời gian qua, nhiều bạn đọc đã rất chú ý đến loạt bài “Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ”. Những tác phẩm mới của các bạn viết trẻ đã lọt vào “tầm ngắm” của anh. Xin hỏi anh, vì sao anh dành sự nhiều sự quan tâm của mình cho văn trẻ mà không phải là văn… “già”?

BCT : Mình yêu quý nhà văn trẻ, vì thời trẻ là thời của sáng tạo, thời của ý thức dấn thân, thời của sự bộc lộ tài năng và cá tính mạnh mẽ. Khi người ta lớn tuổi, kinh nghiệm sống và nghĩ suy có thể dày dạn hơn, nhưng năng lực sáng tạo, khả năng làm ra cái mới là hạn chế, rất khó vượt ra khỏi lối mòn , sức ì sẽ là trở lực rất nặng của ngòi bút.

Còn một lý do nữa, mình nghe nhiều ý kiến khen chê các tác giả trẻ, phần nhiều là PR cho tác phẩm, vì thế mình muốn tự mình tìm hiểu xem thực chất của vấn đề là gì, bởi quảng cáo thường hướng vào thị trường, với mục đích lợi nhuận, không phải mục đích văn chương.

Về sâu xa, mình muốn tìm biết điều này, đã hết thập niên đầu của thế kỷ 21, đa số nhà văn lớp trước đã luống tuổi, họ thuộc về thời đã qua, người đọc không thể đòi hỏi họ nhập cuộc với thời hôm nay, không thể đòi hỏi họ sáng tạo cái mới (*). Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lâu nay không viết, khi trả lời Hồng Thanh Quang, ông bảo “Tôi nghĩ là, có lẽ cái việc của mình nó xong rồi. Tôi cũng là nhà văn của một giai đoạn, mình cũng đã đến tuổi 60 rồi…” (1).Vậy đội ngũ nhà văn trẻ có thể tiếp bước thế hệ trước đưa văn chương VN tiến lên những chặng đường sáng tạo mới hay không. Đây là một vấn đề quan trọng. Dường như lớp nhà văn “già” còn hoài nghi nhiều về nhà văn trẻ.

VNT : Có những bài phê bình của anh nhận được sự phản hồi khá gay gắt. Thậm chí có ý kiến cho rằng anh không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp nên các bài phê bình không đáng tin cậy. Anh tiếp nhận điều này như thế nào?

BCT : Mình tổng hợp nhiều phương pháp phê bình khác nhau để đọc tác phẩm, nhờ đó có thể có được cái nhìn đa diện về tác phẩm. Mình chú ý đặc biệt đến ý thức sáng tạo của tác giả, bởi lần theo ý thức sáng tạo của nhà văn, người đọc có thể hiểu đúng tác phẩm hơn. Có một sự thật là chỉ những nhà văn có quan điểm nghệ thuật tiến bộ mới làm nên tác phẩm giá trị và họ có khả năng đi xa (Thí dụ Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu… )

Trong việc sử dụng các phương pháp phê bình, mình quan tâm đến những phương pháp có cơ sở khoa học, để tìm kiếm những kết quả khách quan, vì thế những gì mình phát hiện về tác phẩm là khả tín. Bạn có thể đọc trong bài viết của mình những góc nhìn của Phê Bình Mới, của chủ nghiã Cấu Trúc, Giải Cấu Trúc, cuả Phân Tâm Học, Thi Pháp Học, Phong Cách Học và phê bình Marxist …, tuỳ theo kiểu tác phẩm và bút pháp của tác giả. Với tư cách là người đọc (tiếp nhận văn học), mình chú ý điều này: nhà văn có năng lực sáng tạo hay không, nhà văn có cái riêng độc đáo hay không, nhà văn có khả năng đi xa hay không. Những nhà văn viết theo bản năng thì không có được những phẩm chất ấy.

Và vì thế, những phản hồi “gay gắt” dựa trên cảm tính không tạo cho mình chút hứng thú nào trong khám phá tác gỉa và tác phẩm. Mình luôn lắng nghe và mong muốn được trao đổi với những bạn đọc có ý kiến dựa trên những phương pháp phê bình khoa học. Rất tiếc hiện nay những phản hồi như thế là rất ít. Với lại, phê bình mà phẳng lặng như mặt nước ao tù, không gây cho bạn đọc ấn tượng gì, không đem đến cho bạn đọc những khám phá nào về giá trị của tác phẩm, không hé lộ cho bạn đọc thấy được tài năng của nhà văn là gì, mình nghĩ, văn chương chẳng cần đế thứ phê bình như thế.

VNT : Quan tâm, theo dõi sự chuyển động của văn học trẻ vậy, theo anh, sự chuyển động ấy có điểm gì đáng chú ý?

BCT : Mình rất mừng vì đội ngũ viết văn trẻ nhiều tài năng, và sung sức. Họ đang đem đến cho văn chương Việt Nam niềm hy vọng. Họ đang dần dần nhận lấy trách nhiệm làm nên một thời đại mới cho văn chương VN ở TK 21. Những khuôn mặt sáng giá về năng lực sáng tạo có thể kể là Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Trần Thu Hằng, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Uông Triều…

Ở thế hệ nhà văn trẻ hôm nay, có một nỗ lực rất đáng trân trọng là nỗ lực cách tân trong bút pháp, khiến cho văn chương của người trẻ hiện nay đã rất khác với thế hệ trước đó . Họ đang vượt lên để theo kịp với thời đại. Sự thành công ở nỗi lực này còn hạn chế, nhưng người đọc có thể nhận ra họ đã làm nên một thế hệ nhà văn mới.

VNT : Theo anh, điểm yếu của văn trẻ hiện nay là gì?

BCT : Nhiều nhà văn trẻ có tài năng , nhưng họ chưa có được tác phẩm ngang tầm với tài năng ấy bởi họ chưa có được quan điểm sáng tạo riêng , độc đáo . Nhận thức về chức năng của văn chương, thiên chức của nhà văn còn rất hẹp. Có người coi sáng tác văn chương là trò chơi chữ nghĩa, có người coi văn chương là cách để nổi danh, trong khi cách chúng ta rất xa, Phan Bội Châu đã nhận ra “văn chương quan thế đạo thịnh suy”(2), Nam Cao, Nguyễn Minh Châu đã trăn trở khôn nguôi về ngòi bút của mình và Nguyễn Tuân đã để lại kinh nghiệm lao động văn chương nghiêm túc thế nào.

Văn trẻ thiếu tư tưởng nhân văn tiến bộ làm cốt lõi . Những câu chuyện được kể sẽ qua đi nhưng tư tưởng sẽ đọng lại mãi. Đoạn Trường Tân Thanh (nguyễn Du), Những Người Khốn Khổ (V. Hugo), Ông Già và Biển Cả (E. Hemingway), Số Phận Con Người(Sôlôkhốp)… dù đã cách xa chúng ta, vẫn là ánh sáng soi dẫn bạn đọc đi về phiá trước, bởi tư tưởng nhân văn tiến bộ toát ra từ những hình tượng nghệ thuật được xây dựng chân thật.

Văn Trẻ chưa chạm được những vấn đề trung tâm của đời sống, để lên tiếng nói với thực tại, để trở thành ánh sáng lương tri ở phiá trước . Nhiều ngòi bút chỉ hướng đến thị trường, đáp ứng những thị hiếu hời hợt, văn chương chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí. Văn trẻ hôm nay không có được tiếng nói mạnh mẽ trước những vấn đề cuả đất nước như trước đây Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài, Ma Văn Kháng đã từng lên tiếng.

Tôi cũng thấy có nhà văn trẻ chịu ảnh hưởng những quan điểm nghệ thuật suy đồi. Họ không coi sáng tác văn chương là sự sáng tạo “cái đẹp” bằng ngôn từ nghệ thuật, và vì thế họ hăng say miêu tả “cái xấu”, họ ngỡ rằng như thế mới là văn chương của thời đại mới. Họ dựa vào thái độ phủ định những “đại tự sự” của chủ nghiã Hậu Hiện Đại mà đạp đổ những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc. Họ nhân danh “cái mới” mà chà đạp lên những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng. Nhiều nhà văn trẻ thiếu chiều sâu và bản lĩnh văn hoá dân tộc, thiếu chiều sâu của vẻ đẹp nhân văn phương Đông. Chúng ta biết rằng E. Hemingway được Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển trao giải Nobel văn chương vì trước hết ông là nhà văn Mỹ, đồng thời là “một trong những nhà kiến tạo phong cách vĩ đại nhất trong kỷ nguyên này ở nghệ thuật tự sự của cả Mỹ và châu Âu.”(3)

VNT : Xu hướng viết/ kể về mình đang được nhiều tác giả mới ưa chuộng. Những câu chuyện tình yêu mang tính riêng tư, những entry trên blog được tập hợp lại và dán nhãn “tiểu thuyết” hoặc “truyện ngắn”. Anh đánh giá thế nào về xu hướng này?

BCT : Có một thực tế này, nhà văn nào ở chặng đường đầu đời cũng bắt đầu viết khởi đi từ chính mình, rồi dần dần mới tách mình ra, mới vươn tới chân trời sáng tạo. Con đường sáng tạo là là con đường không có lối đi. Thiên tài tự mở lối cho chính mình. Nhưng nhiều người đã không vượt qua được giai đọan tập sự. Họ chỉ là những thợ chữ. Nam Cao bảo rằng văn chương không cần đến những người thợ chữ như thế.

Chỉ khi nhà văn thoát khỏi chính mình, hoá thân vào nhân lọai, lúc ấy họ mới có tác phẩm văn chương đích thực.

VNT : Có một thực tế là : Nhiều tác phẩm văn học mới xuất hiện, gây tranh cãi. Độc giả rất muốn lắng nghe tiếng nói của những người làm công tác phê bình văn học. Thế nhưng dường như các nhà phê bình chưa (không ?) muốn nhập cuộc. Việc nghiên cứu các bậc tiền bối là cần thiết, nhưng đời sống văn học cũng cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà phê bình. Quan điểm của anh về vấn đề này?

BCT : Đây cũng là một vấn đề lý thú. Quả thực có một sự im lặng ghê người của giới phê bình đối với văn chương trẻ thời gian qua. Đội ngũ phê bình văn chương hiện nay khá đông đảo nhưng không biết họ bỏ đi đâu.

Đối tượng của nhà phê bình trước hết là tác phẩm văn chương của ngày hôm nay. Phê bình là tiếng nói của công luận đối với tác phẩm ấy. Một nền văn học mạnh khoẻ nhất thiết phải có tiếng nói phê bình sôi nổi, vậy mà trong những năm gần đây, văn đàn thật im ắng.

Có thể có nhiều lý do .

Nhà văn trẻ còn đang trưởng thành, đang tự khẳng định, con đường sáng tác họ còn dài phiá trước, chưa cần phải vội vã đọc họ, cứ để thời gian lắng dần những eo sèo thời thượng, lúc ấy hãy đọc. Sự sàng lọc của thời gian giúp cho nhà phê bình nhìn rõ hơn giá trị văn chương của họ.

Cũng có một thực tế này, có nhà phê bình đã quen với phương pháp phê bình của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, khi đối diện với tác phẩm được viết với những phương pháp sáng tác khác, thì họ không đọc được.

Cái lúng túng thấy rõ là nhà phê bình không có được một phương pháp phê bình khoa học, không có những tiêu chí văn chương (tiêu chí cái đẹp) khả dĩ có thể đánh giá được tác phẩm , khi thực tế sáng tác của nhà văn trẻ là trái hẳn với những tiêu chí trước đây, vì thế nhà phê bình không biết nên phê bình thế nào.

Còn một lý do nữa là ngại đụng chạm. Có một nhà văn đàn anh đã nhắc nhở mình thế này, cậu viết phê bình như vậy nhà xuất bản họ không bằng lòng đâu. Vậy theo bạn mình phải viết phê bình thế nào để làm vừa lòng tất cả mọi người?

VNT : "Nguyên tắc tối cao" của anh khi làm phê bình là gì?

BCT : Đối tượng của phê bình là tác phẩm văn chương. Đó là một hệ thống ký hiệu, một thế giới nghệ thuật, một sáng tạo mang dấu ấn cá tính tác giả và thời đại, cũng đồng thời là một sinh mệnh. Trước tiên mình cố gắng giải mã cho được ý nghĩa của hệ thống ký hiệu ấy, khám phá cho được thế giới nghệ thuật của tác phẩm, và nhìn tác phẩm như một sinh mệnh trong tương quan nhiều chiều đối với xã hội và
tác giả. Nguyên tắc tối cao của mình là tính khách quan, khoa học trong khám phá những giá trị của tác phẩm. Những nhận định, đánh giá phải được lý giải tường minh dựa trên những tiêu chí được xác lập theo những chuẩn mực của truyền thống văn hoá xã hội. Mục tiêu mình mong đạt đến là khám phá cho được cá tính sáng tạo của nhà văn và những giá trị đặc sắc và mới mẻ mà tác giả mang đến cho văn học. Còn điều này nữa, phê bình vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, mình cố gắng trình bày vấn đề sao cho hấp dẫn và có văn phong riêng.

Một nguyên tắc khác của mình khi viết phê bình là thể hiện tình tri âm với tác giả. Mình cố gắng hết sức để hiểu đúng ý tác giả, trân trọng những nỗ lực sáng tạo và chia sẻ những thông điệp tác giả gửi trong tác phẩm. Điều này thật khó, vì ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ hàm hồ, không dễ có thể hiểu được những gỉ tác giả đã mã hoá, và vì thế không tránh khỏi độ kênh trong đánh giá tác phẩm. Điều này có thể làm buồn lòng tác giả.

PV VNT

_________________________________________________________________

(*) Theo nhà văn Khôi Vũ, Hội Nhà Văn có hơn 70% trên 60 tuổi, rất nhiều hội viên 15 năm nay
không có thêm tác phẩm nào mới

(1)http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2010/8/54066.cand?Page=1

(2)Phan Bội Châu- Quan niệm của tôi đối với văn chương- Thơ Văn Phan Bội Châu-Nxb Văn Học.1985.tr. 266

(3)Tuyên Dương của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển- Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

ĐĂNG TRÊN WWW.PHONGDIEP.NET NGÀY 18.11.2010:
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11525

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

THÁNG HOA HỌC TRÒ



KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ SỨC KHOẺ, NIỀM VUI VÀ NHIỀU HOA HỒNG TRONG THÁNG HOA NÀY

Mời các bạn nghe ca khúc HOA DÂNG THẦY CÔ của Bùi Công Thuấn

http://amnhac.yume.vn/nghe-bai-hat/hoa-dang-thay-co.buicongthuan.35B5F440.html

HOA DÂNG THẦY CÔ
Nhạc và lời : Bùi Công Thuấn

Dâng lên thầy cô / hoa hồng thắm tươi trong ngày tết vui
Dâng lên thầy cô / lòng yêu mến nhiều tháng ngày vất vả
Dâng lên thầy cô / như rừng xanh lá / ước mơ ngọc ngà
Dâng lên thầy cô / những lời em hưá sẽ học rất ngoan

Này em xin hưá / sẽ là học trò ngoan
Dâng bao niềm tin / xây đời bao ước vọng
Này em xin hưá / sẽ là học trò ngoan
Dâng đôi bàn tay/ xây đời xây tương lai