album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

GIỮA DÒNG HIỆN SINH

Bùi Công Thuấn đọc Văn trẻ
GIỮA DÒNG HIỆN SINH
Tiểu thuyết GIỮA DÒNG CHẢY LẠC, của Nguyễn Danh Lam,Nxb Văn Nghệ 2010

GIỮA DÒNG CHẢY LẠC (GDCL) là câu chuyện của một gã tâm thần đơn độc với tuổi già phiá trước (tr.373). Vợ mới cưới được ba tháng đã bỏ đi. Người bạn hoạ sĩ tâm giao cũng chết đột ngột không rõ nguồn cơn. Người bạn thời sinh viên, sau tai nạn phải sống thực vật cũng đã ra đi. Mấy lần đi xin việc rồi phải bỏ việc. Nhiều lần lên cơn điên hiện sinh tưởng đã chia lià cõi đời phù du này. Chỉ còn lại một con người đơn độc, bất lực, vô vọng, không biết về đâu, không chốn nương thân (NO COUNTRY FOR OLD MEN.tr.375) giữa dòng chảy cuộc đời.

Nếu tác phẩm chỉ là như thế, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ đây là một câu chuyện nặng đầu, khô khan và lạc lõng giữa những cuốn tiểu thuyết khác đầy sex, đầy hoan lạc. Trái lại , ngòi bút Nguyễn Danh Lam (NDL) miêu tả tuyệt hay chuyện tình của nhân vật Anh, dựng những cảnh đối thoại chàng và nàng sinh động và trí tuệ đến không ngờ, thâm nhập rất sâu vào tâm thức nhân vật để phát hiện những trạng thái hiện sinh mê cuồng. NDL cũng có những chi tiết miêu tả chân thật đến độ sững sờ. Một giọng văn đôn hậu ấm áp và một cách viết hấp dẫn đến những dòng cuối cùng.

Đọc GDCL , người đọc bị treo lửng lơ giữa nhiều tầng ý nghiã, mà chưa hẳn đã nhận ra rạch ròi ý nghiã nào là thông điệp đích thực của tác phẩm. Ý nghiã hiện thực hay ý nghiã tư tưởng. Lòng yêu thương hay thái độ phê phán? Phải chăng GDCL là một thách thức về cách đọc? Chỉ điều này là rất thực: Tiếng nói của NDL trong tác phẩm là tiếng nói tỉnh táo, trải nghiệm và rất hồn hậu. NDL có khả năng nhìn xuyên qua nhiều thế giới, để đi đến tận cùng của phận người, kiếp người, lạc lõng giữa dòng chảy khốc liệt ngoài kia, những con người mà anh gọi là một “Lost Generation”, khi cái cũ đã qua mà cái mới còn chưa tới.(1)

Những câu chuyện tình lãng mạn nhưng nhiều vị đắng

Anh là một người cô đơn nên chân thành tìm kiếm tình yêu. Khi bất chợt gặp Cô trong công ty Bảo Hiểm lúc chờ phỏng vấn, Anh đã tạo được sự tư tin trước mặt cô lúc có đám cháy làm mọi người hoản loạn. Sau đó Anh mong chờ mỏi mòn một tin nhắn, một cuộc gọi cuả Cô. Tất cả bặt tăm, rồi đột nhiên Anh nhận tin nhắn của Cô, hẹn đi uống café, rồi cùng đi chơi biển. Cuộc đi chơi với bao nhiêu hào hứng bỗng khựng lại vì Cô đòi về. Sau đó lại mất tăm. Anh chạy theo Cô như trong một cuộc chơi cút bắt. Lại mong chờ mỏi mòn, và rồi Cô lại đến. Lần này Cô yêu cầu Anh chở ra ngoại thành chơi. Quả là một dịp tuyệt vời để tỏ tình, để những quan hệ tình thân trở nên thắm thiết. Cô nằm trên cỏ, hai người tâm tình. Chiều xuống, trước khi trở về thành phố, Cô nói một lời làm anh hụt hẫng, Anh chỉ là bạn thôi. Cô lại biến mất. May mà trong mobile còn tấm hình Anh chụp lén lúc cô nằm trên cỏ. Anh để làm hình nền.

Cô mất tích. Anh trở lại cô đơn hơn bao giờ. Khi đi đăng ký đi học tiếng Anh, Anh gặp một cô gái khác, xinh đẹp và hơn anh về trình độ hội thoại. Lại mong chờ, đón đợi để được làm quen, Anh mua tặng cô bô CD học tiếng Anh. Rồi bât ngờ, cô nhờ Anh chở về nhà. Cô nói rõ gia cảnh khốn khó của mình. Cô đi học tiếng Anh là để mong quen một người xuất cảnh đem cô theo. Một lần không tiện về nhà, cô xin Anh chở cô về nhà Anh. Anh nghĩ đây sẽ là dịp thuận tiện nhất để bày tỏ lòng mình. Nhà chỉ có hai người. Khi cô ngủ, Anh thức bên cô để bảo vệ giấc ngủ của cô, có lúc không kềm được xúc động. Rồi Anh thiếp đi. Khi Anh thức dậy, cô đã bỏ đi, đồng thời số phone cuả cô trong máy Anh cũng bị xoá mất. Cô để lại một lá thư chia tay. Chúc Anh và vợ hạnh phúc. Cô ngỡ hình nền cô gái trong mobile là người vợ của Anh . Cô bỏ đi để lại một là thư chia tay. “Trái tim anh thắt nghẹn. Yêu thương. Nuối tiếc. Ân hận. Dằn vặt. Tuyệt vọng…Mớ cảm xúc hỗn mang, nhào lộn…”(tr.179)

Anh bấm máy và gặp lại Cô (làm ở công ty bảo hiểm ), hiện Cô đang thất nghiệp và cô đơn. Anh đến nhà thăm cha mẹ cô, được sự đồng ý của ông bà, Anh quyết định lấy cô. Ngày hẹn Anh đi lấy thiệp cưới, cô lại bỏ đi chơi với bạn. Anh giận điên người nhưng nhẫn nhịn. Đám cưới vẫn diễn ra vui vẻ với bao nhiêu hy vọng đổi đởi. Nhưng thực tiễn lại héo hắt vì tiền bà chị gửi mừng đám cưới, sau khi thanh toán mọi khoản, còn lại anh phải bù đắp cho một người bạn bị tai nạn nằm viện. Trăng mật diễn ra tẻ nhạt hiu hắt trong một nhà nghỉ nghèo ở biển. Những ngày sau đó, Cô đi công tác hoài. Nhiều đêm không về nhà. Có gí đó bí mật về Cô mà anh chưa biết. Cuộc sống căng thẳng và lạnh lẽo. Nhiều lần Cô từ chối những đề nghị của Anh. Hôm kỷ niệm 3 tháng ngày cưới, Anh mua quà chờ Cô về để tặng, nhưng Cô không về. Anh tìm Cô ở cổng cơ quan. Có thấy bóng Cô nhưng rồi mất hút. Anh phóng xe đuổi theo. Như một mật thám xem Cô đi đâu, với ai. Anh biết điều ấy là tồi tệ, nhưng không thể khác. Rất may Cô đi với một cô bạn tới một khách sạn. Khi Cô trở về, hai người đối mặt nhau quyết liệt trước sự thật. Cô ra đi trong tan vỡ phũ phàng.”…anh cảm thấy sự sống đang trôi ra khỏi mình, chầm chậm, như những giọt máu đang kiệt dần trong huyết quản. Những giờ dài không uống , không ăn, nối nhau tan lìm lịm”(tr.324)

Anh nhận ra điều này : “Hai lá thư để lại.Hai người con gái. Hai cung cách biến mất vô dấu tích, ngay cả đến số điện thoại của họ anh cũng chẳng còn. Hai phiên bản chồng lên nhau, tạo nên một độ mờ nhoè khiến cả hai càng gần với ảo giác “(tr.327) và cả Anh nưã, tất cả cũng chỉ là một phiên bản những con người cô đơn, dở dang, vô vọng “Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công mệt mỏi”(tr.304). Hai cuộc tình mà anh tốn nhiều công sức theo đuổi, cuối cùng vuột khỏi tay anh, dù anh cố sức đến kiệt lực, đến mỏi mòn để giữ. Điều gì làm Anh thất bại? Trong tình yêu, Anh rất trân trọng Cô, rất cảm thông hiều biết từng tình huống cụ thể, Anh chịu nhận phần thiệt về mình. Cả hai cô đều xinh đẹp, lịch lãm, tinh tế, và mạnh mẽ. Cả hai đều có lòng tự trọng rất cao, thẳng thắn và chủ động trong tình yêu, trong sự định đoạt số phận mình. Vậy mà họ phải chia tay nhau.
Bởi vì có độ kênh trong ý thức về tình yêu giữa Anh và hai cô. Anh là người cô đơn, tìm đến Cô là để có người chia sẻ, là để đổi đời, đổi số phận. Cô gái học Anh văn tìm đến Anh vì ngỡ Anh là người sắp đi xuất cảnh, nhưng khi phát hiện ra trong mobile của anh có hình cô gái, cô ngỡ là vợ anh, nên bỏ đi, đó là lẽ tất nhiên, cũng là tự trọng. Rõ ràng giữa họ có sự ngộ nhận, và chưa hề có tình yêu. Cô gái chỉ muốn nương vào Anh để thoát cảnh nghèo của gia đình. Với Cô (Bảo Hiểm ), hai người đã có những kỷ niệm đầy ấn tượng, đã hiểu biết nhau nhiều hơn, đã đi đến hôn nhân và chung sống được 3 tháng, nhưng tại sao Cô ra đi. Cô đã trách anh thờ ơ, không quan tâm đến cô. Còn Anh, mỏi mòn trông đợi ở Cô hạnh phúc gia đình như anh hằng mong mỏi (có con ), mong một cuộc sống đầm ấm như bao người, nhưng Cô cứ bỏ nhà đi suốt. Anh hỏi thì Cô nói là đi công tác hoặc bận việc công ty. Chỉ khi không còn cách nào che dấu, Cô mới thú nhận với anh mình có tình yêu đồng tính với cô bạn gái cùng cơ quan. Họ đi nhà nghỉ với nhau ngay trước ngày đám cưới và những ngày sau đám cưới. Có thể Anh đã không giúp cô trở lại bản năng phụ nữ, để rồi Cô lại băng mình đi, còn Anh thì xót xa thương cảm. Cả hai đều không có tình yêu. Đám cưới của họ là do ước muốn thiết tha cuả hai gia đình. Dù Anh tha thiết xin sống với cô như bạn, nhưng cô đã rũ bỏ sạch mọi quan hệ với Anh. Dù sao đó cũng là lòng tự trọng đáng thương.
Cũng phải kể đến cuộc tình năm ngày của chị gái Anh với anh rể. Anh rể về nước, quen chị năm ngày thế là thành vợ hồng. Anh về nước để xả stress và hưởng thụ nhà hang, rượu và gái, chẳng cần dấu diếm cậu em vợ.

Tất cả những cuộc tình ấy hé lộ điều gì về thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay. Cái nghèo vẫn chi phối quay quắt. Tháng lương làm thuê của Anh bèo bọt đến nỗi Anh không dám về nhà. Cô gái học Anh văn chỉ mong tìm người xuất để thoát nghèo. Tuần trăng mật của Anh và Cô (Bảo hiểm) hiu hắt thê lương trong nhà trọ rẻ tiền, chỉ vì Anh và Cô cùng đang thất nghiệp. Tiền bà chị gửi cho thì đã nhẵn túi. Chủ nghiã thực dụng làm sụp đổ tất cả. Cô bảo Hiểm lấy Anh chỉ là để che dấu cái thực tại đồng tính của mình trước mặt cha mẹ và mọi người. Vì thế, dù gia đình cha mẹ cô, gia đình cha mẹ và chị của Anh, và cả Anh nữa, có khao khát thế naò, vun đắp thế nào cũng chỉ là xây nhà trên cát. Tất cả đều thật đáng thương trước sự phũ phàng của dòng đời hôm nay. Nó cứ băng về trước và hất ra bên lề những con người cố giữ lấy những giá trị truyền thống, giá trị nhân bản. Tiếng kêu cứu của tác phẩm là tiếng kêu thống thiết. Số phận của Anh và cái chết của ông Hoạ Sĩ như một lời cảnh báo cho mọi gia đình, mọi người trẻ về thực tại kiếm tìm hạnh phúc của họ. Tác giả không đưa ra lời giải đáp, nhưng người đọc có thể hiểu được những gì tác giả gửi gắm trong những trang văn nặng lòng của mình

Có thể nói sức cuốn hút của GDCL là từ những cuộc tình được miêu tả thật hấp dẫn này. Người đọc khát khao tìm biết xem diễn cuộc tình sẽ ra sao. Điều bí mật luôn ở trước mặt họ. Rồi những kết thúc đột ngột làm sững sờ và tiếc nuối. Ai cũng mong cho Anh và Cô tìm được hạnh phúc, bởi vì họ thực tình tìm kiếm nhau, bởi họ rất tự trọng và giữ gìn nhân cách. Những cuộc đối thoại của họ được viết rất tài năng, nó vưà tự nhiên như ngoài đời, nhưng lại là những cuộc thách đố trí tuệ giưã hai con người. Tất cả đều được soi chiếu qua óc quan sát tinh tế và giàu kinh nghiệm cuả Anh. Điều đáng quý là trong tác phẩm này NDL không hề miêu tả sex, mặc dù anh có nhiều cơ hội để phơi bày những hành vi giao cấu (như nhiều nhà văn trẻ khác đã làm để câu khách). Thế nhưng truyện vẫn hấp dẫn. Người đọc không thể rời tay trước khi đọc hết dòng cuối cùng cuả tập truyện. Kinh nghiệm khám phá và miêu tả thế giới bên trong con người, khám phá ý thức về bản thể tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm, có thể sẽ là rất tốt cho cho sự thử nghiệm của các cây bút trẻ khác.

Một thế giới yêu thương rất mực

Người chị gái của Anh ở Mỹ là một hình ảnh của thế giới ấy. Tất cả dành cho em, lo cho em. Ngòai tiền chị gửi về cho em ăn xài, chị còn lo cho công việc cuả em, lo cho em lập gia đình. Chuyện gì khó khăn của em chị cũng nhận lấy “để chị tính”. :”Anh lặng người.”để chị tính”, với anh bà luôn là vậy. Sống giữa cái đất nước ‘chẳng ai lo cho ai’, sự tự thân tồn tại đã trở thành văn hoá, thành động lực xã hội, bà chị Anh vẫn thế, vắt kiệt sức mình để lo cho những người thân”(tr.226). Dường như tình yêu thương cuả chị với em là không vơi cạn. Tình yêu thương ấy bao trùm suốt tác phẩm, suốt đời em, cả khi em đã lập gia đình và hưá không làm phiền chị.

Tình yêu thương cuả gia đình Cô (Bảo hiểm ) đối với con gái và con rể (Anh) cũng thật sâu nặng và cảm động. Họ mong cho con hạnh phúc, tuy vậy họ vẫn tôn trọng cá tính và cuộc sống riêng cuả con. Họ rất mừng khi thấy con gái có nơi có chỗ, nhưng họ bất lực trước thực tại. NDL nói tiếng nói chính thống về gia đình qua lời Ông bà già Cô nói với Anh :
-“Nó là con gái út, cá tính lại mạnh mẽ. Bao nhiêu người quen, nó chẳng chịu người nào. Chẳng phải là con gái mình hư, nhưng bác chỉ sợ nó theo cái mốt cuả xã hội bây giờ, nhiều cô chẳng muốn ràng buộc gia đình, cứ thế tự sinh rồi tự nuôi. Giờ biết nó muốn đến với con, hai bác mừng lắm
-Mỗi người có một quan điểm mà hai bác…
-Không –Ông cương quyết lắc đầu -Thời nào thì cũng phải vậy. Tạo hoá đã quy định rồi. Người cha có phần của người cha, người mẹ có phần của người mẹ. Có cha có mẹ đầy đủ mới tác động tốt đến tâm sinh lý đưá con sau này. Thiếu một trong hai, chắc chắn đưá trẻ sẽ mất cân bằng, phát triển không tốt về sau. Và chính xã hội sẽ phải gánh chịu sự mất cân bằng ấy. Mình muốn tự do mà tước đi sự cân bằng cuả đưá trẻ, là mình ích kỷ. Bác không ủng hộ điều đó”(tr.193)

Khi cô bỏ đi chơi với bạn ngay trước ngày cưới, cả gia đình hoảng loạn, anh cũng giận điên người . Mọi người sôi lên như trong vạc dầu lửa bỏng. Rất dễ cáu gắt nặng lời, rất dễ tổn thương lòng tự trọng . Đó là tình huống bẽ bàng cho cả cha mẹ cô dâu và chú rể. Tình huống có thể đẩy cao nghi ngờ thành đổ vỡ. Phải chăng cô đi chơi với người tình lần cuối trước khi lấy chồng. Vậy thì chẳng còn gì để mà níu kéo. Tàn nhẫn và xỉ nhục nhau đến thế sao. Nhưng tình yêu thương đã vượt lên. Mẹ cô nói với anh những lời trĩu lòng thế này

-“ Nó còn trẻ lắm, mới để xảy ra chuyện như thế này. Hai bác mong con tha lỗi cho nó, cho hai bác ! Rồi còn sau này nữa chứ…Thật khổ quá, chẳng dạy nổi con…
Anh phải gắng cười, đặt tay lên tay bà:
-Hai bác đừng nghĩ ngợi gì cả. Cô ấy đi chơi lần cuối với bạn bè, trước khi lấy chồng, để chia tay thời con gái cũng là phải thôi bác ạ”(tr.202)

Trong lời đối thoại ấy, không chỉ có lòng yêu thương sâu thẳm của cha mẹ, mà có cả một nền văn hoá nhân bản hàng nghìn năm. Những con người yêu thương chia sẻ nỗi buồn đau xé lòng bằng những lời dịu êm để nỗi đau đằm xuống. Trong hành xử, họ lấy sự tương kính làm trọng. Họ thành thật nhận lỗi với nhau, và cùng giữ gìn sao cho mọi chuyện đều tốt đẹp, có ý thức tránh gây ra những đổ vỡ.

Hình ảnh bà mẹ già chăm sóc người con đang sống thực vật cũng là một hình ảnh ấn tượng. Cô em gái người bạn nói với Anh :”Trước đây mẹ tôi lẫn lắm, nhưng chẳng hiểu sao từ ngày anh đổ xuống, cụ lại mạnh lên. Cụ làm tất cả như cái máy. Có lẽ là nhờ thương ảnh quá “(tr329)

Qủa thực, rất ít cây bút trẻ hiểu và diễn đạt được cái đẹp văn hoá, cái đẹp nhân văn của con người Việt Nam như thế. Những điều ấy tạo nên chiều sâu giá trị của tác phẩm và ánh lên những màu sắc thẩm mỹ lấp lánh trên nền những bóng tối, bất lực và vô vọng của dòng chảy hiện sinh

NDL cũng miêu tả tình quê hương thật lắng đọng. Ông hoạ sĩ bạn Anh, sau khi đã xuất cảnh, không sống nổi trong sự cô đơn và bất lực ở nước ngoài, đã trở về Việt Nam và nói với Anh những lời gan ruột thế này:

“…có ly cà phê, điếu thuốc, hít thở không khí quê nhà. Tao như tỉnh lại. Rớm nước mắt mày ạ “
- Em hiểu
- Mày không thể nào hiểu được! Chắc chắn không thể nào, nếu mày chưa trải qua những ngày tháng vừa rồi như tao! Nghe một tiếng chó sủa cũng rơi nước mắt!

Ông rút một hơi thuốc, nhấp ngụm cà phê. Khoé mắt bắt đầu tinh anh, hấp háy
- Sướng lắm mày ơi. Đêm qua tao vừa nghe tiếng rao! Chỉ vì cái tiếng rao nửa khuya ấy mà tao trở dậy. Nằm trên giường cũ mà cứ run lên từng chặp! Nhắc lại điều này có vẻ cũ, nhưng sự thực nó là vậy.”(tr.342)

Ấy là những dòng miêu tả được tình quê hương sâu nặng và cụ thể trong lòng lão họa sĩ. Lão đã trở về, tìm lại quán cà phê trước đây, lần ra bờ sông và rồi gửi mình trên sông nước quê hương. Cả khi đã vào cõ hư vô, lão vẫn nói với Anh cái khát vọng được gửi mình nơi dòng sông quê hương mênh mang, mát rượi. Có thể nói NDL đã viết được một bài thơ đẹp về tình quê hương, dù rằng những chuyện anh viết, nhiều người đã kể. Quê hương không phải là cái gì trừu tượng, mà là tiếng rao đêm, là ly ca phê quán cóc, là những con người nghèo khó nghiã tình, là cả cái không khí hít thở hàng ngày. Nhiều người muốn đi nước ngoài để có cuộc sống sung túc hơn thoải mài hơn, điều ấy cũng là bình thường trong thế giới toàn cầu hoá, thế nhưng khi hội nhập với thế giới ta không được để mất đi cái bản sắc văn hoá của mình, và tình yêu quê hương là một trong những bản sắc văn hoá Việt Nam cần giữ gìn.Trong GDCL, Nguyễn Danh Lam, đã khẳng định được điều ấy.

Tình bạn cũng được NDL miêu tả thật cảm động. Với người bạn bị tai nạn chấn thương sọ não phải sống đời thực vật, mỗi lần đến thăm, nhìn bạn , Anh đau xót vô vàn. “Anh lại gần, nhìn vào gương mặt gã bạn có phần ngổ ngáo xưa. Chỉ là một cái sọ đúng nghiã, trên ấy phủ qua một lớp da dính hai sợi lông mày và cặp mắt khép hờ, bất động tuyệt đối”(tr.331), Anh đứng đó và chìm vào “trạng thái tê dại toàn thân”. Với ông hoạ sĩ già, sau khi về nước sống đời cô độc với, Anh chứng kiến những giờ phút tàn tạ cuả ông.”Nhưng chuyện đáng buồn hơn cả là sự bi quan bắt đầu đẩy ông qua bên kia ranh giới của bệ rạc.Cơ thể ông bay ra một thứ mùi ngày càng khó tả. Có những lần anh phải lôi ông vào nhà tắm, mở vòi nước, xối và kỳ cọ cho ông như giặt một cái quần. Ông ngồi thở phập phào, tấm lưng xanh rớt, sống lưng gồ lên, lủng củng dưới đám bọt xà phòng. Anh có cảm giác nếu mình kỳ mạnh, những đám da ông sẽ tuột ra thành từng mảng, như những bệt thịt từ một con cá hấp”(tr 350). Khi ông chết, chỉ có mình Anh bên ông. Hoả táng ông xong, Anh đem cái hũ tro cốt của ông về nhà, hàng ngày đối ẩm với cái hũ tro ấy, nghe ông nói chuyện, và làm theo mọi điều như ý nguyện của ông, như không hề có cách trở âm dương. Tình bạn của Anh đã vượt qua cõi tử sinh. Miêu tả một tình bạn như thế là hiếm có trong tác phẩm cuả những cây bút trẻ như NDL

Có thể nói GDCL là một bài ca của yêu thương nặng lòng, yêu thương vượt không gian thời gian, yêu thương vượt cả lẽ tử sinh ở đời.

Một cái nhìn rất sâu vào bản thể

Có hai con người trong nhân vật Anh. Con người xã hội của Anh, một con người “vốn đầy mặc cảm sau vẻ bề ngoài cố tạo sự ngạo nghễ”, một sinh viên đã tốt nghiệp Đại Học, đã sống lăn lộn với cuộc đời. Đó là một con người rất tinh tế, khôn ngoan, chu tất, biết nhẫn nhịn, biết tự trọng và tôn trọng người khác, lấy cái đẹp làm chuẩn mực ứng xử với mọi người. Những phẩm chất ấy bộc lộ trong những đoạn đối thoại của anh với hai cô gái mà anh theo đuổi buổi đầu, những trao đổi của anh với cha mẹ vợ, những chia sẻ cuả anh với lão hoạ sĩ. Đây là một con người đằm thắm, nghĩa tình, tỉnh táo, có trình độ, có một bề dày văn hoá truyền thống, nhưng cũng rất hiện đại..
Ông hoạ sĩ bị xe tông phải nằm viện . Anh đến thăm không gặp. Khi Anh đến nhà thì ông đã đang ngồi vẽ. Ông kể lại tai nạn xe, kể lại trải nghiệm cái chết. Ông bảo Anh, thời gian của ông chẳng còn, phải tranh thủ vẽ. Anh bảo, nếu vì vậy mà bố vẽ thêm được nhiều thì cũng tốt. Anh can ông khi ông đòi uống bia. Ông bảo :

- “Kệ, nhiêù khi mình cũng yếu đuối, phải vịn vô mấy thứ này
Anh mở nắp hai lon. Họ cụng nhẹ trong im lặng. Qua một lúc, ông nhìn mặt anh
- Hình như mày cũng đang gặp chuyện gì phải không?
- Con xưa giờ vẫn thế. Có gì buồn, có gì vui?
- Mày sống thế là nhạt. Chẳng còn gì tệ hơn một thằng sống nhạt.!
- Cũng nhiều khi con muốn sống khác đi đấy chứ?
- Không phải muốn mà hãy bắt tay vào. Khả năng mày không phải là không có. Cũng vì điều đó mà tao chơi với mày đến ngày hôm nay. Tao hy vọng.
- Con thấy ngổn ngang quá, chẳng biết bắt đầu lại từ đâu?
Ông hoạ sĩ đề nghị Anh đến ở và vẽ với ông.”Anh thừ người. Quả thật đây cũng là một lời đề nghị khá đúng lúc. Về khiá cạnh thực tế, anh đã hết tiền, hết sạch đồ ăn. Về tâm lý, anh cũng chẳng hơn gì ông, đang trong những ngày u uất”(tr.72)

Đoạn đối thoại ngắn trên chỉ ra rằng, Anh hiểu rõ hoàn cảnh cuả mình, hiểu rõ cả tâm tính cuả mình, biết phân tích và hành động theo nhận thức mà lý trí mách bảo là đúng. Anh còn có cách trả lời ông hoạ sĩ rất khôn ngoan khi ông nói khích :” Mày sống thế là nhạt. Chẳng còn gì tệ hơn một thằng sống nhạt”, rồi nhân đó tranh thủ ý kiến của ông :” Con thấy ngổn ngang quá, chẳng biết bắt đầu lại từ đâu? Quả thật ông hoạ sĩ đã vẽ ra cho anh một phương cách.

Nhiều lần anh đã đứng dậy để quyết tâm bắt đầu một bước ngoặt mới, chẳng hạn, việc anh lấy vợ ,“Cuộc hôn nhân này sẽ là mốc giới cho những thay đổi trong anh. Nếu không thay đổi, sẽ chẳng còn bước ngoặt nào khác để đổi thay được nữa”(tr.277)Tuy nhiên, số phận Anh cứ trôi đi ngoài tầm tay với.Tất cả đều bỏ Anh mà đi. Anh chẳng còn gì để mất. Nguyên nhân số phận Anh đã được ông hoạ sỹ lý giải :”Phần mày, vấn đề nằm ở chỗ, mày quen nhận sự bao cấp của bà chị mày rồi. Cứ sống mãi như vậy, đến một hôm mày đánh mất đi kỹ năng để vươn ra thế giới quanh mình”(tr.346). Một lần khác ông nói rõ hơn :” Cứ sống mãi bằng sự bao cấp, chẳng làm gì cả, rồi sau này có muốn làm cũng chẳng làm nổi gì nữa đâu”(tr.34), “Cái thói ỷ lại, tủi thân con nít đã ăn vào máu”(tr.151). Ông anh rể thì đốp thẳng vào mặt Anh :”Đàn ông con trai mà không có việc làm là hỏng”,”Mày đừng tự ái, tao không chửi mày đâu, anh em trong nhà mà. Nhưng tao muốn cho mày cái cần câu, chứ không cho mày con cá”,”… mày cứ chơi hoài, đến lúc muốn chơi cũng chẳng có tiền mà chơi “(tr94)

Tôi ngờ rằng NDL không nói về con người xã hội của Anh, vì trong đời thực, chẳng thể có một người như thế. Anh có bằng Đại Học, lại khôn ngoan, nhẫn nhục, hơn thế, anh còn có cái tâm yêu thương, thì trước sau gì anh cũng có nơi có chỗ, :”có phúc có phần “. NDL nói đến Anh như một con người tư tưởng. Bởi nhân vật này luôn tra hỏi về hiện sinh. “Câu hỏi thường trực trong đầu, tại sao mình lại ở đây, trong một thế giới mênh mông, đầy xa lạ…Chẳng nơi đâu là nhà, chẳng nơi nào là quê hương?”(tr.320). Đi hưởng trăng mật với vợ, anh ngồi một mình ở bãi biển và tự hỏi “Sao mình lại ngồi đây “(tr232). Trên đường đưa gia đình ra sân bay, Anh lại tự hỏi “không biết mình đang đi đâu, tại sao lại đi.”(tr.277).Ở chỗ làm, Anh lại tự hỏi “còn ở nơi này, anh có chỗ của mình không?”(tr 146)

Anh nhìn sâu vào chính bản thể của mình. Một thân phận cô đơn, cô đơn tuyệt đối.” anh không thể làm với bất kỳ ai được nữa”(115).Căn nhà trống không, con mèo là người bạn duy nhất đã chết, để lại cho anh một nỗi buồn mất mát chưa từng nếm trải (tr.133)” Anh ngồi phịch xuống sàn. Lòng trống trải mênh mộng. Vậy là bóng dáng sinh thể cuối cùng bên anh giờ đây đã mất”(tr 132). Hai cô gái anh miệt mài tìm kiếm, sau cùng cũng bỏ anh đi không còn tăm tích gì, đẩy anh vào những tháng ngày “mang tâm trạng cận kề hư vô”(tr326). Người bạn sống đời thực vật chết, ”Hình vóc đang phân huỷ từng giờ của gã bạn ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau đó”(tr333).Anh lâm vào nỗi hoảng sợ vô cớ, bởi những ám ảnh bên trong”(334). Sau cùng người bạn hoạ sĩ chết. Anh mất hẳn điểm tựa tinh thần, anh thực sự sống trong hai cõi thực và ảo trộn hoà (tr.360).

Những cái chết liên tiếp luôn đặt anh vào sự tra hỏi ý nghiã của tồn tại.”cái chết dù chỉ là của con mèo, dường như cũng nhắc nhở anh một điều gì đó”(tr133)” Điều gì đó ấy là :Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta về đâu “(tr.133) Hiện sinh là phù du (tr.371), là xa lạ (tr.305), phi lý (tr.13), là trần trụi “không còn gì để mất”(tr.328, 336,349). Hiện sinh không chốn nương thân (tr.336), là biến mất không dấu tích (hai cô gái), là đi về cái chết không cưỡng lại được. Hiện sinh ấy là số phận không thể khác đi. Anh nhận ra điều này khi chứng kiến những tháng ngày sau cùng của ông họa sĩ :”Vậy là số phận đã dồn đuổi tiếp đến ông, trong các danh sách không mấy dài những người mà anh thân thiết. Bằng cách này cách khác, chẳng thân phận nào thoát được cái lưới vô hình đang bủa vây tứ phía”(tr.337). Trước những bủa vậy của hiện sinh như vậy, Anh sống trong trạng thái” nghe như có oan hồn nào đang kêu réo từ trong chính khoang bụng của mình…cả tâm trí chìm trong nỗi sợ đến bấn loạn”(tr 355)

Người đọc nhận ra ngay những ý tưởng của NDL là ý tưởng của văn chương Hiện Sinh thế kỷ XX trong những tác phẩm của Kafka, A.Camus, J.P.Sartre. NDL nói rõ những gì anh chịu ảnh hưởng :”Những tác giả văn học tôi yêu nhất và chắc chắn chịu ảnh hưởng là A. Camus, F. Kafka, E. Hemingway, F. S. Fitzgerald, R. Carver... và gần đây là H. Murakami.” (2). Vậy anh đã kế thừa văn chương Hiện Sinh thế nào ?

NDL đã có những thành công trong việc sử dụng kỹ thuật miêu tả dòng ý thức của nhân vật Anh, đặc biệt miêu tả cảm giác hiện sinh trong từng khoảnh khắc cụ thể. Ngôn ngữ anh giàu có. NDL đẩy đến cao độ suy tư của nhân vật Anh về nỗi cô đơn, xa lạ, phi lý, buồn nôn, tồn tại và hư vô, trôi dạt. Con người không chốn nương thân, hiện sinh là tồn tại đi về cái chết. Anh cũng miêu tả được dòng thời gian đặc quánh, nung mủ trong não trạng hiện sinh. Miêu tả được trạng thái nhân vật Anh kề cận cái chết. Ý thức chỉ còn chập chờn như ngọn lửa sắp tắt.Tuy nhiên phần thành công của anh chỉ là ở kỹ thuật. Anh chưa thực sự xây dựng được nhân vật của tư tưởng hiện sinh. Bởi con người của nhân vật Anh chao đảo qua lại giữa con người xã hội và con người tư tưởng, để sau cùng, nhân vật Anh tồn tại như một kẻ tâm thần. Anh phải đi bác sĩ và uống thuốc chưã trị.

Đọc GDCL, người đọc thấy rõ ngòi bút NDL cố gán cho nhân vật Anh những cô đơn, những nỗi buồn, những cảm giác xa lạ, trạng thái không chốn nương thân. Thực sự con người Anh, cuộc sống của Anh không phải là như thế. Anh được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, anh chị và bạn bè. Tuy Anh có thất nghiệp và thất bại trong xin việc, nhưng nguyên nhân chính là ở thói ỷ lại và quen sống nhờ vào chị gái. Anh vẫn có khả năng làm việc, khả năng chịu đựng và rất tỉnh táo, sáng suốt phân tích mọi diễn biến đang xảy ra để có phản ứng thích nghi. Sự trở về cuả nhân vật hoạ sĩ cũng chỉ là để hoàn thành cái mệnh đề Hiện sinh quy tử, gượng ép đến thô thiển. Lão họa sĩ là người có triết lý sống tích cực, sống phản tỉnh mạnh mẽ, người có ý thức rất cao về giá trị đời sống, không thể bỗng chốc lại trở nên tê liệt, cứng đờ “thần thái xưa trong ánh mắt gần như chết hẳn. Cái hấp háy tinh anh bị phủ lên một sắc thái lờ nhờ, đờ đẫn “(tr.347)

Nhân vật Anh là ngườiViệt Nam, đắm mình trong văn hoá Việt Nam, thì ít nhất trong tâm thức cũng có ít nhiều tư tưởng phương Đông. Và khi tiếp xúc với tư tưởng Hiện sinh, nhất định là không tránh khỏi sự va chạm. Ấy là những triết lý hành động của Nho giáo, về Tứ Diệu Đế và chữ Tâm của Phật giáo, là tư tưởng trở về với Đạo, sống an nhiên của Lão Trang. Những tư tưởng ấy có khả năng giải thoát con người khỏi những bi kịch cuả hiện sinh. Anh không thể trôi dạt vô định buông xuôi số phận trôi vào bi kịch của hư vô như NDL miêu tả. Cũng xin lưu ý rằng Triết học Hiện sinh là triết học chống lại sự thống trị của chủ nghiã duy lý trong xã hội phương tây..”Nguồn gốc của chủ nghiã hiện sinh và các hình thức khác của chủ nghiã phi duy lý hiện đại là sự khủng hoảng, sự bại hoại tinh thần do chủ nghiã duy lý gây nên trong xã hội phươnbg Tây hiện đại “(3) Văn chương Sài Gòn trước 1975 đã nói quá nhiều về những lo âu xao xuyến, cô đơn, buồn nôn, vong thân, tự do , hành động dấn thân, bởi xã hội miền Nam lúc đó ngập tràn bi quan, chiến tranh, lo âu và chết chóc, bế tắc về chính trị và tư tưởng. Người ta tìm đến J.P.Sartre , Simone de Beauvoir, F.Sagan. Trong bối cảnh toàn cầu hoá cuả xã hội tiêu thụ hiện nay, thống trị một bộ phận người trẻ là chủ nghiã thực dụng, vị kỷ, vô luân. Chủ nghiã Hiện Sinh đã lùi vào quá khứ. Kiểu nhân vật như nhân vật Anh là lạc lõng. Như chính NDL gọi nhân vật cuả mình là những phiên bản lạc giữa giòng đời.”tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công , mòn mỏi…”(tr.304)

Tuy nhiên, những cảm thức về hiện sinh, về bản thể, về thân phận con người vẫn luôn tồn tại. Do đâu NDL có những cảm thức Hiện sinh như vậy. Anh giải thích :” Tương ứng với giai đoạn “mười mấy đôi mươi” của thế hệ tôi là thời kì thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, cùng nhiều thứ liên quan. Kế theo một khoảng nôn nao chuyển đổi, những “giá trị sống mới” bắt đầu hình thành, rồi “lên ngôi”. Khi tôi ngồi học trong nhà trường, thì lí tưởng vẫn là những thứ rất… sách vở, nhưng bước ra khỏi cổng lại là một thực tế rất khác. Tôi bắt đầu cảm nhận, mình là thành viên của một “Lost Generation”, khi cái cũ đã qua mà cái mới còn chưa tới.”(4)Anh giải thích về nội dung của GDCL :” Tôi viết về những con người không kịp chuẩn bị kĩ năng sống, giữa dòng chảy cuồn cuộn và hối hả của thế giới hôm nay. Chân phải bước lên “đoàn tàu mới”, nhưng chân trái bị kẹt lại “sân ga cũ”. Thành thử bị… xé làm đôi! Ðại ý vậy”(theo ANTG, đd). Như vậy NDL không định viết kiểu nhân vật tư tưởng như kiểu nhân vật cuả chủ nghiã Hiện Sinh, anh chỉ phản ánh một kiểu người cuả thực tại không hội nhập được với cuộc sống đang cuồn cuộn chảy.

Chương cuối anh viết rất hay, rất xúc động và vượt trội về tư tưởng khi nhân vật Anh đối ẩm với cái hũ đựng tro cốt ông hoạ sĩ, như thể ông vẫn đang sống, đang chia sẻ những cảm nghiệm hiện sinh mặc dù ông đã vượt qua tử sinh. “Vậy thì với ông, trước mặt anh phút này đây, có ý nghiã gì trong việc phân chia tồn tại với hư vô. Anh thật sự thấy ông đang ngồi đó, cũng như đương nhiên rằng ông đã chết. Hai cõi thực và ảo trộn hoà”(tr.360) Đoạn đối thoại sau đây của Anh với linh hồn ông hoạ sĩ chứa đựng nhiều tư tưởng cuả NDL:
- “Sao anh đi mà không báo em một tiếng?
- Tao đã đi đâu, vẫn đang ngồi trước mặt mày đó thôi
- Có thật thế không anh? Em đang tỉnh hay mơ?
- Mày đừng bắt tao triết lý nữa. Nào, mình cùng uống.
- Chị đang về đó anh ạ. Chị về đón anh đi!
- Tao chẳng đi đâu cả! Mày đem tao ra cái chỗ hôm rồi ngồi nhậu. Tao thích chỗ đó!Mày nhớ cái kè đá chứ?
- Để làm gì anh?
- Hãy cho tao xuống dòng sông…(tr.360)
- ..Mày hãy đưa tao đi khi nào thấy lòng thật bình an, đừng nghĩ đến chia ly hay ngậm ngùi gì cả
- Em đã thấy bình an
- Nào, vậy hãy lên đường” ”(tr.363)

NDL đã vượt qua hiện sinh, vượt qua cái duy tâm siêu hình, vượt qua cõi chết bước vào được cõi thường hằng, an nhiên. NDL không giải quyết vấn đề sinh tử theo quan điểm hư vô chủ nghiã hay bằng niềm tin tôn giáo. Anh cũng không theo kiểu duy tâm dân gian cho linh hồn người chết trở về báo mộng. Nhân vật Anh đối thoại với ông hoạ sĩ ngay trong cõi hiện sinh, với tâm thế an nhiên tĩnh tại, đằm thắm tình nghiã, dứt khoát về tư tưởng. Có thể nói NDL đã thâm nhập được rất sâu vào bản thể của tồn tại.

Trở về với dòng sông

Thái độ cuả NDL trước hiện thực là thế nào ?

Anh miêu tả cách làm việc của một cơ quan thật quái gở. Nơi ấy sếp là Chị Hai, chủ trì bàn nhậu, hết tăng một rồi tăng hai, tuần nào cũng nhậu, nhậu đến khi gục tại bàn mới thôi, không nhậu được là không thể trụ với cơ quan. Nơi ấy không thể dung chưá những người muốn làm việc như Anh. (chương 8.tr,149)

NDLcũng miêu tả với một nỗi xót xa vô hạn cái thực tại khó nghèo đến tận cùng cuả vợ chồng Anh ngay trong những ngày trăng mật. Anh không còn tiền, phải trọ nhà nghỉ rẻ tiền. Không khí thê lương u uất. Trên chuyến tàu trở về Anh chỉ còn biết khóc (tr246). Cảnh cùng cực của những người làm công ăn lương là vậy. Tháng lương Anh nhận ở dịch vụ vi tính bèo bọt đến nỗi làm Anh sụp đổ mọi dự tính, Anh không dám về nhà.(tr.258)

NDL cũng có thái độ rõ rệt với việc xuất cảnh. Nhiều ngươi coi việc đi Mỹ là một khát vọng cháy bỏng. Họ hình dung ra đất Mỹ như thiên đàng, giàu có, sung sướng, tự do. NDL đã phủ định cái nhận thức ấy. Người bạn rẫy khuyên Anh dứt khoát không đi. Ông hoạ sĩ trở về cũng khẳng định không đâu bằng quê nhà. Cô gái học Anh văn để tìm người xuất cảnh biến mất không còn tăm tích gì. Thái độ chần chừ của Anh về việc chị bảo lãnh tuy không phải là một thái dộ có ý thức về tình yêu quê hương hay thái độ từ bỏ lối sống thực dụng Mỹ, nhưng phần nào có ý nghiã phản ánh thái độ cuả NDL về vấn đề xuất cảnh.

Nhìn rộng ra các quan hệ xã hội, NDL thấy có một lớp trẻ sống vật vờ, thực dụng. Cô Bảo hiểm đã khai thác Anh để đi chơi biển rồi lấy Anh là để che dấu hành vi đồng tính nữ, còn cô học Anh văn, có lẽ lấy anh vì nghĩ rằng anh sẽ xuất cảnh và đem cô theo. Hai cô dong dỏng và lùn trong cơ quan trở thành chuẩn mực đo tửu lượng của nhân viên nam cho đến khi họ bị đánh gục. Lại có những người sống ỷ lại, chỉ ăn nhậu và ngủ. Nhân vật Anh có thể trở thành điển hình cho thói đại lãn . Nhân vậy bí mật trong bàn nhậu, gã quái đản (tr.352), nhiều lần Anh gặp ở quán, có lần suýt gây lộn, là nỗi ám ảnh suốt tác phẩm. Các quan hệ tình nghiã truyền thống trở nên vỡ vụn. Ông Hoạ sĩ bị vợ con đặt sang bên lề (tr.336), bạn bè hất hủi , đành trở về bến sông. Không còn khái niệm thuỷ chung trong tình yêu , không còn hình ảnh quen thuộc một gia đình đầm ấm có con cái cha mẹ, ông bà yêu thương quây quần bên nhau. Những tưởng cuộc tình duyên của Anh và Cô sẽ hạnh phúc, ông bà già vợ Anh đốc thúc hai người mau có con, vậy mà chỉ ba tháng họ đã chia tay. Ở một ý nghiã nào đó, tương lai đang trôi vô định không biết về đâu.

Con đường nào cho thực tại đang vỡ vụn ấy?
Phải trở về với dòng sông.

Trở về với dòng sông là trở về với cuộc sống đang trôi chảy, đang vượt lên phiá trước. Có một tiếng nói khẳng định mạnh mẽ trong tác phẩm. Những suy tư siêu hình chẳng ích gì, những trăn trở lo âu phải biến thành hành động. Phải bước theo cho kịp với mạch sống của thời đại. Những thói ỷ lại sống bám vào sự bao cấp của người khác chỉ dẫn đến cái chết. Phải làm chủ cuộc sống, làm chủ số phận cuả mình. Chương miêu tả nhân vật Anh đi thăm một người bạn làm rẫy là một chương có ý nghiã tư tưởng tích cực. Nhân vật Anh luôn tra hỏi về ngày mai:”Ngày mai sẽ ra sao “ một câu hỏi làm nát đầu Anh. Người bạn trả lời:”Cái ngày mai của ông đang ở trước mắt ông mà ông cứ lo tìm kiếm tận đẩu tận đâu. Chán bỏ mẹ! Ông đừng tưởng tui không biết tính ông!”(tr317). Anh ta nói về việc làm ăn thật sôi nổi. Anh có hàng chục mẫu cà phê, làm việc không ngơi tay, nhà đầy đủ tiện nghi. Vợ chồng, con cái vui vẻ, đầm ấm, hiếu khách. Bị cúp điện thì chạy máy nổ để thắp sáng và cho vợ con xem tivi. Nhìn cơ ngơi của bạn, Anh nhận định :

“Thế thì ông giàu to là phải!
Chớ sao. Phi nông bất ổn, ông bà noí vậy rồi. Nói thiệt, giờ tôi thấy cứ như mình là chắc cú nhất! Trí thức các ông phức tạp bỏ mẹ. Buông mấy thằng nông dân này ra là chết ngắc! Phải cho mấy ông lên đây, mỗi ông vài năm là tỉnh ra ngay!”(tr.312)
Khi Anh nói ý định đi xuất cảnh của mình thì người bạn gạt đi ngay.
- Ông điên à
- Sao lại điên?
- Tui thấy chẳng nơi nào bằng ở chỗ này! Có cho tui tỷ tấn vàng tui cũng chẳng đi đâu hết! Ông phải nghĩ lại, nghĩ lại ngay!...
- ..Ừ theo ý ông tôi sẽ nghĩ lại.(tr.316)
- Ông hiểu được ra như vậy là sáng suốt. Nhớ đó nghe, đừng đi đâu cả! Nếu cần thì ông lên đây hợp tác làm ăn với tui. Bán mẹ cái nhà thành phố mà lên. Đấy là biết nhìn xa trông rộng, biết đầu tư đúng chỗ. Cái nhà ông ở đó thử hỏi lên giá được bao nhiêu nữa? Còn đất đai trên này lên từng ngày một. Ông bán cái nhà ấy, hôm nay mua được hai ba, ít năm nữa mua được hai mươi, ba mươi. Tui nói dóc ông, tui đi đầu xuống đất”(tr.317)

NDL đã nói điều này : phải sống tích cực, thực tiễn. Phải làm chủ số phận của chính mình, không nên ảo tưởng về những cái gì ở ngoài mình, phải biết nắm bắt thời cơ, biết nhìn ra vấn đề về lâu dài.

Ông hoạ sĩ cũng truyền lại cho Anh những điều trải nghiệm, nhất là sau lần bị tai nạn tưởng chết:
”Tao nợ cuộc đời này nhiều. Nợ hội họa càng nhiều. Mất bao năm chẳng vẽ vời được gì. Những khát vọng tuổi trẻ bị vùi lấp. Cho đến lúc ý thức được ra cũng chỉ vẽ cầm chừng, bởi tự tôn. Qua sự việc vừa rồi, tao thấy mình cần làm một cái gì đó”(tr71)
Ông cũng nói với anh về trách nhiệm hôn nhân:

“Về cuộc hôn nhân của mày, tao không bàn thêm, chỉ dặn, nếu đã quyết thì phải ráng giữ gìn hạnh phúc. Quen nhau nhiều năm, lấy nhau rồi vẫn không tránh khỏi những cú sốc, có thể sẽ phải đối diện với thời gian đầu. Mày mới gặp nó chỉ vài tháng, đã tổ chức đám cưới ngay, vì thế càng cần phải sáng suốt, bình tĩnh. Cái sự xốc nổi của mày, tao lo lắm. Chuyện công việc làm ăn có thể đổi thay, còn hôn nhân nếu đã xác định bước vào nghiã là đã ký thác cả cuộc đời mày vào đó. Lỡ một lần là trượt dài, không đứng dậy nổi đâu. Mà có đứng dậy nổi, nhìn lên mọi thứ cũng đã cạn kiệt, ngày tháng, tâm trí, sức khoẻ..Trẻ còn chẳng làm gì nên chuyện, huống hồ già cả”(tr.198)
Ông anh rể cũng là hiện thân của cái triết lý hành động. “Ông ra đi ngót nghét ba chục năm, từng lăn lê với đủ thứ nghề trên đất khách. Từ đánh cá ở cực bắc, đến bắt gà bỏ bao trong mấy cái nhà máy chế biến thực phẩm ở miền trung, cắt cỏ ở miền đông, cuồi cùng là sang miền tây mở tiềm làm móng.”(tr.80) Ông nói với Anh :” Tao là vậy, làm hết mình, chơi hết sức. Đâu ra đó”(tr.94)

Vâng, phải hành động tích cực cho cuộc sống, phải thích ứng được với thời đại, đồng thời phải giữ cho được những giá trị truyền thống văn hoá Việt trước những cơn bão lũ vật vã của thời đại. Ta phải làm chủ vận mệnh của ta, bằng nội lực của chính mình.Trở về với dòng sông là trở về với những giá trị truyền thống văn hoá dân tộc, cũng là vượt qua tử sinh, đạt đến cõi an nhiên trong tâm thức trước những biến động không ngừng của cuộc sống, trước những thực dụng, vị kỷ và vô luân. Trong tất cả chiều kích của tác phẩm, có thể nói điều này : đâu là ý nghiã của tồn tại?
Tháng 10. 2010
_______________________________
(1) www.thotre.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1397
(2) Phong Điệp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Danh Lam
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=2907
(3) Chủ nghiã Hiện Sinh – Nguyễn Tiến Dũng.Nxb Tổng hợp Tp HCM.2006. tr.10
(4) /www.thotre.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1397
(5) Nguyễn Danh Lam Sinh năm 1972.Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn.
Đã xuất bản:
- Tìm (thơ)
- Bến vô thường (tiểu thuyết)
- Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết)
- Mưa tháng mười một (tập truyện ngắn

ĐÃ ĐĂNG :
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/nha-van-tre/giua-dong-hien-sinh/32/0/2614.star,
ngày 26.10.2010
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=14113&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=743. Ngày 28.10.2010
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11384. Ngày 28.10.2010

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

NẶNG LÒNG PHÙ PHIẾM


NẶNG LÒNG PHÙ PHIẾM
Đọc Phù Phiếm Bên Biển của Khôi Vũ. VănNghệ 2010
Bùi Công Thuấn

Phù Phiếm Bên Biển là tuyển tập gồm 14 truyện ngắn của Khôi Vũ do báo Tuổi Trẻ chọn đăng trong khoảng 25 năm (1984-2009). Khôi Vũ bảo :”Đếm lại, hơn 20 năm mà chỉ có 14 cái truyện được Tuổi Trẻ chọn in, càng thấy mình…kém quá. “ Anh tự an ủi :”Dù sao thì 14 truyện đã in cũng là những trang viết với hết sức hết lòng của kẻ cầm bút này vào các thời điểm khác nhau. Nhớ lời người xưa dạy bảo : Tận lực, tận tâm thì không có gì phải ân hận “(1) Ấy là tác giả tự đánh giá ngòi bút của mình như vậy. Người đọc có thể nghĩ khác. Trong 25 năm, với bao nhiêu biến đổi, Khôi Vũ vẫn giữ được phong độ ngòi bút của mình, vẫn giữ được lòng mến mộ của bạn đọc (báo Tuổi Trẻ chọn in), thì đó là một thành công không phải nhà văn nào cũng có được.Tôi tự hỏi do đâu Khôi Vũ có được những giá trị như vậy?

Trước hết, trong nhiều truyện, anh thể hiện một tấm lòng thương yêu con người đôn hậu, đằm thắm và sâu lắng.Đó là những truyện : Người Đàn Bà Nhặt Bông Sứ, Người Kép hát Trên Xe, San Hô, Trái Dưa Tây Lép…Anh cảm thông sâu xa với Cô Năm, vì nghịch cảnh phải làm điếm nuôi con. Anh hoà mình với mọị người bày tỏ lòng tri ngộ với anh kép hát trên xe, anh đau đớn trước cái chết của người đàn bà nghèo nhặt bông sứ bị rắn cắn chết. Anh nhìn thấu nỗi xót xa của người nhạc công, anh mát xa, người hành khất, người bán bánh cuốn (San Hô) trong nỗi nhọc nhằn kiếm sống. Cái tình người của anh thấm đượm trong từng câu chữ khi anh viết về họ, những con người mà trong cuộc sống xô bồ hôm nay, họ bị lãng quên.

Anh cũng có cái nhìn hết sức sâu sắc nhưng lại thể hiện bằng ngòi bút có tình , khi phải phê phán những thói đời nhem nhuốc. “Sáu chân đất” bị lừa sạch vốn khi hùn hạp với “sếp” mở cửa hàng ăn uống (Lỗ Mọt). Vì ghét học nên chú Kiên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhờ bong võng mạc, nên Phó Bí Thư mới nhìn rõ đám nhân viên dưới quyền của mình tiêu cực. Khôi Vũ viết rất hay khi phê phán Thói Ngậm Tăm của quan chức để được thăng chức. Nhưng anh cũng chỉ ra những giá trị giả sẽ không thuộc về mình khi một quan chức lên Nhận Giải Thưởng nhờ công sức của người khác.Thực ra Khôi Vũ chỉ phê phán rất nhẹ nhàng bằng bút pháp hiện thực có pha chất khôi hài. Bởi tư chất ngòi bút của anh là đôn hậu, là nhân ái, cho nên anh không báng bổ, không lật đổ đối tượng phê phán bằng những cơn giận dữ hay những lời lửa cháy của mình

Những truyện làm người đọc trăn trở cùng anh là những suy tư về nghề viết, về triết lý sống ở đời. Tất nhiên, anh không nâng lên thành truyện tư tưởng, nhưng cái tư tưởng trong những truyện của anh là những suy tư đời thường ai cũng có lúc trải nghiệm và tìm câu trả lời. Trong Tri Thiên Mệnh , anh cố tìm câu trả lời ấy ở cuộc đời và lời dạy của cha anh: “Ở đời, khó nhất là biết mình“.Năm ấy tôi 23 tuổi”ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi (tr.102).Trong Phù Phiếm Bên Biển, anh ưu tư nhiều về chính việc viết văn của mình.Anh gọi những thành tựu của anh là những lâu đài cát. “Một cái giải thưởng ở Sài gòn,một cái giải thưởng ở điạ phương, một cái giải thưởng ở Hội Nhà Văn. Những lần như thế tôi không dấu nổi niềm vui. Nhưng sau đó, không bao giờ là lâu cả, là một sự trống rỗng, là nỗi buồn vu vơ. Dường như những cái lâu đài kia cũng chỉ là những lâu đài cát, chúng nhanh chóng bị những cơn sóng khắc nghiệt xoá đi”(tr.50)…”Đúng là biển đời dữ dội. Những cơn song cứ ào tới triền miên”(tr.52)…”Biển như cuộc đời dữ dội thật, nó buộc mình phải lui bước để bảo vệ sự sống, trước hết là bảo vệ miếng ăn “(tr.48)

Thế nhưng, không vì miếng ăn mà đánh mất nhân phẩm và lòng tự trọng dân tộc. trong Gió Không Thổi Từ Biển, cả nhân vật Hương Vân và nhà văn Khôi Vũ đã bỏ việc ở một ty nước ngoài lương cao để được sống với lòng tự hào chân chính của dân tộc mình.Trong truyện Biển, anh triết lý nhẹ nhàng :”Biển già đến bạc đầu sóng mà vẫn cứ hồn nhiên, cớ sao con người chỉ lo đối phó với cuộc sống, với đồng loại thay vì sống hồn nhiên hơn, để đến nỗi chỉ có trăm năm một đời người, đầu đã bạc !(tr31). Muốn vậy con người phải biết tự sám hối như Chín Tàng. Ba lần ông ta muốn chết nhưng không chết được. “Lão muốn chết nhưng chính lão lại không cho phép mình chết. Vì sao ? bây giờ lão đã hiểu. Vì lão còn chưa nói ra được điều tội lỗi bí mật của mình. Thật là kinh khủng. Tội lỗi của con người có thể che dấu trước mọi người chung quanh, trừ chính y “(tr.30). Điều này có thể đánh động lương tâm của tất cả chúng ta.

Đọc Khôi Vũ, tôi thấy anh viết rất tự nhiên, câu truyện tự nó phải diễn ra như vậy, anh chỉ là người kể khách quan. Tuy nhiên, khám phá bí mật thi pháp Khôi Vũ không dễ dàng, bởi vì người đọc dường như thấy anh không hề dụng công trong xây dựng tác phẩm hay sáng tạo những điều mới lạ. Vâng bí mật thi pháp của Khôi Vũ chính là ở cái tự nhiên trong cách kể chuyện của anh.

Trước hết anh khai thác chuyện đời thường diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người. Chẳng hạn chuyện trên xe lô chở khách, chuyện khách chọc ghẹo cô tiếp viên trong nhà hàng, chuyện sóng lấp ngoài bãi biển, chuyện ông cán bộ ở quán ăn ra miệng vẫn ngậm tăm, chuyện nhận bằng khen trong hội nghị, cái lỗ một vỏ xe, quả dưa tây lép, cái vỏ san hô…Vấn đề là ở chỗ, từ những chuyện đời thường ấy, Khôi Vũ lại nhìn ra vấn đề và có cách viết rất dung dị. Anh thường chọn một chi tiết chủ đề rồi tô đâm cái chi tiết đó lên thành tư tưởng - thẩm mỹ của truyện (trái dưa tây lép. Lỗ mọt, san hô, cái tăm trên miệng ông cán bộ…)

Nhiều truyện ngắn của anh được viết bằng kỹ thuật dựng tiểu thuyết, truyện hiện lên sống động như đang diễn ra trước mắt người đọc. Ngòi bút của anh có những nét rất tinh tế (miêu tả tinh tế giọt sương như tiếng khóc, nhìn thấy hai đưá trẻ trong một đứa trẻ -tr.35), miêu tả nội tâm nhân vật thật sâu sắc (Tả tâm lý Hiền trong đêm tr146). Giọng văn của anh điềm đạm, nồng ấm tình người, cả khi phải phê phán, tuy lý trí rất rạch ròi, nhưng cái tâm của anh lại làm trang văn trở nên nhẹ nhàng, khiến những điều anh trăn trở hay phê phán có sức thấm sâu vào những nghĩ suy của người đọc .

Có thể nhận rõ điều này trong 25 năm truyện ngắn của anh, anh không khai thác những đề tài lớn, những đề tài thời thượng, những đề tài nhạy cảm, bởi anh biết những kiểu đề tài ấy, sóng đời sẽ xoá ngay đi thôi. Sở dĩ những truyện anh viết cách đây 25 năm, 10 năm ngày nay đọc vẫn thấm thiá là bởi anh đã chạm vào được chiều sâu tâm thức cuả thời đại, ấy là tình người, ấy là cảnh đời cuả những con người dưới đáy xã hội, ấy là những day dứt khôn nguôi về thực tại còn nhiều điều nhiểu nhương, ấy là ý nghiã thực cuả thân phận làm người là gì?” Ở đời, khó nhất là biết mình” điều ấy không chỉ là lời tự nhủ cuả chính anh mà cũng là lời nhắc nhở với người đọc. Làm sao biết được mình trong tương quan với mọi người, biết được mình có vai trò gì, có trách nhiệm gì với cõi đời này, biết được ý nghiã kiếp sống này là gì. Nếu trả lời được câu hỏi ấy chắc chắn người ta sẽ sống tốt, sẽ sống hồn nhiên hơn. Và xét đến cùng những chuyện của anh đặt được vào tâm khảm người đọc điều gì đó, thì đó là cái tâm của anh, một cái tâm đau đáu với đời nhưng cũng đã vượt qua được những cơn sóng đời dữ dội, đạt đến an nhiên. Anh nhớ đến người đàn bà nhặt bông sứ bị rắn cắn chết :”tôi nhớ đến một người nhặt hương cho đời, cuối cùng chỉ nhặt lại cho mình, có chăng, lòng nhớ thương của dăm ba người nào đó, như tôi”. Tôi nghĩ Khôi Vũ cũng là người nhặt hương cho đời và tác phẩm của anh đã sống trong lòng nhiều người trong suốt 25 năm qua.Chúc anh có thêm nhiều truyện ngắn hay nữa.

tháng 10/2010
__________________________________---

NHỚ 1000 NĂM THĂNG LONG -HÀNỘI

NHỚ 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI
Ca khúc của Bùi Công Thuấn

Ta đi từ thuở rồng bay
giang sơn rạng rỡ từng ngày
Thăng Long ngàn năm đẹp mãi
Thăng Long muôn thuở thái bình

Nhớ Lý Thường Kiệt đọc thơ Thần
non sông đã định tại thiên thư

Nhớ nhà Trần ba lần
dân quân đánh bại giặc Nguyên Mông

Ta đi từ thuở rồng bay
giang sơn rạng rỡ từng ngày
Thăng Long ngàn năm đẹp mãi
Thăng Long lịch sử còn đây

Ngàn năm dù thăng trầm
bể dâu đã bao lần
thì Thăng Long vẫn chói sáng
vẫn xứng đáng / ngàn năm văn vật

Nhớ cuộc hành quân tốc hành
Quang Trung đánh bại 20 vạn quân Thanh

Nhớ Cách mạng thành công
Thăng Long rợp trời cờ đỏ / Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn
Một nước Việt Nam mới chào đời ở phương Đông
và từ đây lương tâm nhân loại hướng về

Nhớ 12 ngày đêm năm nào
Hà nội, Thăng Long , Điện Biên Phủ trên không
toả sáng trời đất mới giữa năm châu

Ôi tự hào tổ quốc chúng ta
tự hào lịch sử vẻ vang
ngàn năm sau sẽ còn mãi
năm tháng hào hùng
con chau Lạc Hồng
ngàn năm Thăng Long oai hùng

MỜI BẠN NGHE CA KHÚC TẠI:
http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Nho-1000-nam-Thang-Long-Ha-Noi-Minh-Hoang.IW6DFU7O.html

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

ĐÔI MẮT NHÌN SÂU VÀO LỊCH SỬ

Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
ĐÔI MẮT NHÌN SÂU VÀO LỊCH SỬ
Tập truyện ngắn ĐÔI MẮT ĐÔNG HOÀNG của Uông Triều. Nxb Hội Nhà Văn 2010



Đôi Mắt Đông Hoàng là một tập truyện ngắn gồm 11 truyện, trong đó có 7 truyện dựa trên dã sử, truyền thuyết. Sự chọn lựa này của ngòi bút Uông Triều là một dấn thân đầy thử thách không dễ thành công đối với một cây bút trẻ. Nhưng trước hết đó là sự chọn lựa bản lĩnh và đầy cá tính của một ý thức sáng tạo riêng.

Trong khi nhiều tác giả trẻ khác chạy theo những đề tài thời thượng, lấy sex làm yếu tố câu khách , miêu tả sex không trơ trẽn, thì Uông Triều lại tìm về lịch sử, đặt mình trong tâm thức lịch sử, tái hiện lại lịch sử, để thể hiện những nghĩ suy của ngày hôm nay. Đó là một lối đi rất rộng nhưng lại rất hẹp, bởi lịch sử còn nhiều khoảng trống cho nhà văn khai thác, nhưng lịch sử là những gì đã được đóng đinh, ai cũng biết, vì thế rất khó cho sự sáng tạo.

Những chuyện lịch sử được kể, người đọc đã biết trước cốt truyện, biết trước tính cách và số phận nhân vật. Điều này làm mất đi yếu tố hấp dẫn cuả cốt truyện, nhân vật và sự sáng tạo. Với vốn “biết trước” ấy, người đọc đối chiếu với những gì nhà văn đang viết để đánh giá giá trị trang văn. Chỉ một chút sai sót kiến thức, thiếu cẩn trọng trong tra cứu, nhà văn có thể đánh mất mình trong mắt của độc giả.

Vì thế, viết truyện dã sử, nhà văn phải tra cứu lịch sử công phu, phải đi sâu vào dân gian tìm hiểu những truyền thuyết, tìm hiểu tâm thức dân gian, và quan trọng hơn tìm cho được những chứng liệu mà chính sử không có, để từ đó tái tạo, hư cấu viết thành tác phẩm. Cái khó là dựng cho được không khí, không gian văn hoá của lịch sử, từ bối cảnh, ngôn ngữ, phong tục, trang phục và tính cách, cuộc sống của con người ở quá vãng.

Nhưng sự sống còn của một tác phẩm văn chương hư cấu từ lịch sử là tư tưởng nhà văn gửi trong đó. Sự việc lịch sử đã xảy ra rồi, những đánh giá về con người, sự việc cũng đã thành định kiến trong dư luận. Nhà văn soi rọi điều gì mới cho con người và sự việc của quá khứ? Theo quan điểm chính thống của lịch sử hay đi ngược lại quan điểm ấy. Hoàng Lê Nhất Thống Chí là một thí dụ cho thái độ và tư tưởng cuả nhà văn đối với lich sử. Thái độ ấy đã bị độc giả ngày nay phê phán.

Viết về lịch sử, nhà văn sẽ chọn bút pháp nào để tạo ra không khí lịch sử cho tác phẩm ? Tam Quốc Diễn Nghiã là một đỉnh cao bút pháp viết về lich sử rất khó có thể vượt qua. Hay nhà văn sẽ chọn bút pháp trong các cuốn sách sử (Chẳng hạn : Sử Ký Tư Mã Thiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )? hay chọn cách kể chuyện dân gian kể về những sự tích, những truyền thuyết, những giai thoại? Nguyễn Huy Thiệp đã tổng hợp tất cả các cách viết ấy để viết nên những truyện ngắn khác hẳn so với bút pháp cuả Chủ Nghiã Hiện Thực Xã Hội Chủ nghiã. Uông Triều sẽ đi con đường nào khi trước mặt mình là những đỉnh Thi Sơn sừng sững đầy thách thức, mà nhìn lên đã thấy rợn ngợp, sợ hãi, đối với những ngòi bút không có đởm lược?

Ngòi bút Uông Triều có những sáng tạo gì trong truyện NÀNG ĐIỂM BÍCH (tr.35)?

Giai thoại về chuyện nàng Điểm Bích và Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) được kể trong Tổ Gia Thực Lục và Tam Tổ Thực Lục có những chi tiết khác nhau. Phạm Đình Hổ (1768-1839) trong Vũ Trung Tuỳ Bút cũng chỉ kể lại sơ lược. Đại thể câu chuyện như thế này:

Vua Trần Anh Tông muốn thử đạo hạnh Huyền Quang, bèn sai nàng Điểm Bích đến núi Yên Tử để dụ dỗ ông. Khi trở về Điểm Bích tâu vua rằng:

“Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng, sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm nửa đêm, sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên cạnh phòng của thiền sư để nghe xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng:
Vằng vặc giăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ
Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình.

Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi lại ngủ một đêm, rồi cho tôi một dật vàng”. (1)
“Vua nghe chuyện xong, lòng buồn rượi. Hôm sau ngài đem chuyện nầy nói lại với vài cận thần tâm phúc. Một vị bàn nhà vua nên mở đại hội Vô Già . Ngày đại hội, vua cho đặt trên bàn cúng đủ loại và đồ ăn mặn... Huyền Quang được chỉ định làm chủ lễ hội Vô Già. Ông biết biết mình bị vua nghi ngờ.

Tới đàn, sư thầm khấn:
- Kẻ tu hành nầy, nếu có điều gì bất chánh, xin chư Phật cho đọa xuống A Tỳ địa ngục, còn nếu không thì xin cho những tạp vật kia biến hết đi!

Huyền Quang ngửa mặt lên trời thổi một hơi, rồi đi lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm cành dương xanh, mật niệm thần chú rưới khắp pháp điện. Ðại chúng từ nhà vua đến bần dân đều kính cẩn nhìn sư hành lễ. bỗng một đám mây đen từ đâu kéo tới rồi tiếp theo là những cơn lốc, bụi bay mù mịt. Một lát trời sáng thì những thứ tạp vật trên pháp điện bị gió cuốn bay đi, chỉ còn lại hương đèn và lục cúng nằm nghiêng ngã trên bàn. Mọi người thất sắc kinh hồn.

Vua thấy hạnh pháp của sư thấu cả thiên địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ tội.
Hôm sau thiết triều, nhà vua sai quan đề hình xét lại vụ Ðiểm Bích. Quan đề hình cho mời vị ni sư già và chú tiểu chùa Vân Yên xuống Thăng Long để đối chất.

Biết câu chuyện bịa đặt bị lộ, Ðiểm Bích thú nhận là đã vu oan cho Huyền Quang. Thị Bích bị đình thần ghép vào tội khi quân (phải chém đầu). Nhưng được Huyền Quang xin, vua tha tội chết, giáng làm kẻ nô bộc quét chùa trong dinh Cảnh Linh ở nội điện “(2)

Câu chuyện trên được người xưa kể theo góc nhìn của sự việc. Thái độ người xưa là thái độ trọng nam khinh nữ. Truyện kể là để bênh vực cho Huyền Quang và chạy tội cho nhà vua.
Uông Triều cũng căn cứ vào Tam Tổ Thực Lục kể lại chuyện này (tr.38) nhưng Uông Triều lấy nhân vật Điểm Bích làm điểm nhìn nghệ thuật, tạo dựng lại nhân vật Điểm Bích theo cảm quan của mình để đặt vào đó tiếng nói tư tưởng mới.

Uông Triều kể: Chín tuổi Điểm Bích được tuyển vào cung. Nàng mơ ước có thể sinh ra một hoàng nam. Vua sai Điểm Bích đi thử giới hạnh Huyền Quang. Trước khi đi nàng xin với vua “cho phép thiếp trở thành đàn bà “. Yêu cầu của Điểm Bích được vua ân chuẩn. Điểm Bích ra đi nhưng trong lòng không có ý đồ nào hết. Đến Yên Vân, Điểm Bích xin ở lại cửa Phật. Nàng thường đàm đạo thơ văn với Huyền Quang. Nàng thấy Huyền Quang đạo hạnh, nhưng nàng cũng mơ ước có một người cho riêng mình. Nhưng cả hai (vua và Huyền Quang) đều không thuộc về nàng. Một đêm trăng nàng tìm gặp Huyền Quang và đọc bài thơ (Vằng vặc trăng mai ánh nước/Hiu hiu gió trúc ngân sênh/Người hoà tươi tốt, cảnh hoà lạ/Mâu Thích ca nào thuở hữu tình.)(3). Sau đêm đó Điểm Bích rời Yên Tử trở về đem theo thỏi vàng Huyền Quang tặng lúc chia tay.

Phần còn lại Uông Triều kể như trong các giai thoại và kết truyện như sau: Điểm Bích đâm đầu xuống giếng tự vẫn trong bụng nàng đã hình thành một hình hài nhỏ. “Hai trăm năm sau có người đào được mộ nàng, thấy môi nàng vẫn đỏ, nhan sắc, thân thể còn nguyên vẹn. Người ấy kinh sợ báo cho quan triều đình lập đàn cúng tế mà đưa nàng trở về chỗ cũ “(tr.46)

Kết thúc như vậy, Uông Triều sửa lại những chi tiết được miêu tả trong Vũ Trung Tuỳ Bút :
“buổi đầu năm Cảnh Hưng, có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn còn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền.”(Vũ Trung Tuỳ Bút )

So sánh hai cốt truyện trên ta nhận ra Uông Triều đã có những sáng tạo đặc sắc. Thay cho chi tiết Điểm Bích ngủ với Huyền Quang là chi tiết Điểm Bích được vua ân chuẩn cho ngủ với vua một đêm trước khi lên đường. Chi tiết này đặc sắc ở chỗ, vừa minh oan được cho Huyền Quang, vưà đáp ứng cái khát vọng sâu xa cuả Điểm Bích, khát vọng của mọi người cung nữ. Đồng thời chỉ ra cái nhân quả hành động cuả Trần Anh Tông. Chính nhà vua sai Điểm Bích đi. Nàng đã lấy được kim tử bằng vàng đem về như lời vua truyền, nhưng lại bị vua trị tội, để rồi nàng phải chết thảm đem theo bào thai ( con của Anh Tông sau đêm Điểm Bích được vua ân chuẩn )

Chi tiết về ngôi mộ và hình hài của Điểm Bích cũng là sự sáng tạo. “Hai trăm năm sau có người đào được mộ nàng, thấy môi nàng vẫn đỏ, nhan sắc, thân thể còn nguyên vẹn.” Đó là sự tôn vinh tài sắc đức hạnh Điểm Bích. Trong Vũ Trung Tuỳ Bút, hình hài của Điểm Bích đã tan thành nước: “mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi”

Uông Triều đã khắc họa được một nàng Điểm Bích vừa sâu sắc, vừa mới mẻ, chưá đựng được tư tưởng nhân văn có chiều sâu văn hoá dân gian. Điểm Bích là một người vừa xinh đẹp, vưà tài hoa. Nàng bị đẩy vào hoàn cảnh làm công cụ cho quyền lực phong kiến (làm cung phi của vua, rồi làm gián điệp cho vua, và sau cùng bị vua trị tội để xoá dấu vết thủ đoạn của mình), nhưng nàng đã chủ động hành xử theo lương tri trong sáng của mình. Lên Yên Tử theo lệnh vua nhưng trong lòng nàng không có đồ gì. Điểm Bích thường đàm đạo với Huyền Quang, nhưng tâm hồn trong sáng, mang vẻ đẹp tài tử giai nhân. Nàng không còn bận gì về trách nhiệm nhà vua giao. Đêm trăng sau cùng trước khi chia tay với Huyền Quang là một đêm trăng đẹp. Uông Triều đã sáng tạo đêm trăng đó căn cứ vào bài thơ mở đầu bằng câu :”Vằng vặc trăng mai ánh nước “Đêm trăng sáng ấy đã xua tan mọi nghi án về Huyền Quang. Nàng cũng chính là ánh trăng như hoa mai lấp lánh ánh nước.

Tôi nghĩ rằng Uông Triều đã thành công trong nghệ thuật viết lại dã sử ở khả năng sáng tạo tinh tế, ở cái nhìn nhân văn sâu sắc, và ở tấm lòng với những con người tài hoa như Điểm Bích. Anh đã vượt qua được những thử thách tưởng khó có thể làm được ở một cây bút trẻ. Tôi hiểu anh đã dụng công rất nhiều trong sáng tạo nghệ thuật cuả mình

Những truyện viết theo dã sử của Uông Triều

Viết về dã sử là mặt mạnh của Uông Triều trong tập truyện này. Nước Mắt Sông Cầm là câu chuyện về lòng bao dung của dân làng đối với Phan Nhan, một tên phản bội tổ quốc bị Trần Quốc Tuấn xử chém. Nàng Điểm Bích là lời giải oan cho những điều tiếng về mối quan hệ giữa Điểm Bích và Thiền sư Huyền Quang. Kiếm Sắc và Hoa Đào một bảnh anh hùng ca về cuộc đời nữ tướng Lê Chân, thuộc hạ của Trưng Trắc. Người Con Gái Yên Tử là sự tích Lâm Nhi, lập ra làng Nương, làng Mụ dưới chân núi Yên Tử. Không Có Con Gái Đẹp là giai thoại về miếu Trinh Nữ ở làng Thị. Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân là tâm trạng của Trần Nhân Tông trước khi viên tịch. Huyền Thọai Hạ Long là huyền thoại về Hang Trinh Nữ ở rặng đảo Bồ Hòn.

Tất cả những truyện này đều đã có dấu tích trong sử sách hay trong những truyền thuyết, giai thoại được kể trong dân gian. Uông Triều đã dựng lại bối cảnh, làm sống lại nhân vật, đưa người đọc vào không khí lịch sử, huyền thoại của câu chuyện. Nếu người đọc chỉ đọc lướt qua, theo dõi cốt truyện thì sẽ không nhận ra những sáng tạo đặc sắc của Uông Triều. Sự hấp dẫn của những truyện này không phải ở sự tích được kể lại, hay ở những yếu tố ma mị huyền hoặc như trong những truyện Liêu Trai, những điềm báo lạ lùng về một thần nhân hay thiên tử. Sự hấp dẫn thực sự là từ bút pháp của Uông Triều, và từ cá tính sáng tạo của ngòi bút


Kiếm Sắc và Hoa Đào có thể là một tuyệt bút của Uông Triều. Vì nó thể hiện một năng lưc sáng tạo mạnh mẽ có bề dày văn hoá dân gian Bắc Bộ, và có được sự sâu sắc của tâm thức Việt. Nó cũng tỏ lộ được những đặc sắc trong bút pháp của anh, mà nét cơ bản là cảm hứng lãng mạn anh hùng ca.

Những tư liệu chính thức trong sử sách về nữ tướng Lê Chân không có nhiều, đại thể như sau:
“Lê Chân là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.

Tương truyền bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo Thần Tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu[1]. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Bà cũng chiêu mộ trai tráng để luyện binh. Binh sỹ có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống Hát Giang tự vẫn. Lê Chân cũng mất năm đó nhưng về cái chết của bà, theo truyền thuyết, có một số giả thiết sau : 1/Bà trầm mình theo Hai Bà Trưng. 2/Bà hy sinh khi chiến đấu tại vùng núi thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. 3/Sau khi chống quân Mã Viện ở vùng sông Bạch Đằng không thành công, bà phải lui về hồ Tây rồi Mai Động, Hà Nội và hy sinh ở đây.

Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Lê Chân được thờ làm thành hoàng cũng như được lập đền thờ ở khá nhiều nơi: đền Nghè, quận Lê Chân, Hải Phòng; làng Mai Động (nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai), Hà Nội; đền thờ tại huyện Kim Bảng, Hà Nam; đền thờ trên núi Vẻn tại quê bà. “(4)

Uông Triều giữ nguyên cốt truyện này, nhưng phần sáng tạo của anh là ở chỗ dựng lại bối cảnh, làm sống lại con người theo cách dựng cảnh của tiều thuyết. Trên cơ sở đó, anh sáng tạo nhiều chi tiết thật hay. Chẳng hạn chi tiết về hoa đào phủ kín mặt đất, máu và hoa đào. Vừa lãng mạn vừa bi thương, vừa rất mực yêu thương vừa cháy bỏng căm thù. Chi tiết về việc Lê Chân luyện kiếm trong vườn đào. Anh nhắc lại nhiều lần câu nói của người cha khi dạy Lê Chân :”Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc nhưng lặng như nước trong hồ. Kẻ dùng kiếm nhưng không vì kiếm”. Câu nói ấy như câu quyết của Lê Chân mỗi khi muá lên những tuyệt chiêu mà ánh sáng của kiếm pháp bao quanh người tạo nên một vẻ đẹp mê hồn. Vẻ đẹp của hoa đào kết hợp với ánh kiếm, vẻ đẹp của giai nhân trong khí phách người anh hùng, vẻ đẹp lẫm liệt của một con người mà tầm vóc sánh ngang với thời đại cùng với nét dịu hiền của người con gái đất Việt hiếu thảo, thuỷ chung. Chi tiết sau cùng về cái chết cuả Lê Chân cũng là một sáng tạo, thể hiện được tầm vóc người anh hùng. Lãng mạn và lẫm liệt. Truyền thuyết nêu ra gỉa thiết Lê Chân trầm mình. Uông Triều miêu tả Lê Chân bay ngựa lên núi Giáp Dâu :

“Người đã lên được đỉnh Giáp Dâu, tầm mắt mở ra bốn phía, non cao đẹp, hoa đào núi nở sớm,đâu là nơi cha mẹ ta an nghỉ, bản quán ta.Tiết xuân về, hoa rắc hồng mặt cỏ, ta múa gươm trong vườn, nhất quyết không động đến từng cánh hoa đào. Thiếu thời của ta, gió thông thốc.Cha mẹ ta táng ở lưng đồi, bao tướng sĩ đã vì non sông ngã xuống. Trưng Vương giữ khí tiết trầm mình ở dòng Hát Giang, chàng lái đò đã quên mình giải vây cho ta. Xin vái ba lạy tạ tội mẹ cha, tiễn thương tướng sĩ…Từ đỉnh Giáp Dâu, Lê Chân thúc ngựa phi xuống như gió. Trước mặt nàng là sông Đạm Thuỷ hiền hoà, sông Kinh Thầy uốn lượn. Rừng cây phiá dưới là đồi hoa đào bát ngát… tất cả bao quanh một sắc hồng thắm, ta trở về với hoa đào..Nàng thả mình nhẹ dần…Lê Chân tuẫn tiết trên đỉnh Giáp Dâu “(tr72)

Uông Triều đưa Lê Chân lên đỉnh Giàp Dâu là một hình thức nghệ thuật nhằm tôn vinh Lê Chân . Tác giả cũng đặt nhân vật cuả mình giữa màu hồng thắm của bát ngát hoa đào, để tâm hồn Lê Chân yên nghỉ cùng với quê hương, đất nước, với cha mẹ, người thương, và với bao nhiêu anh hồn các liệt sĩ. Đó là một cái chết lẫm liệt, bất tử, một bản anh hùng ca đẹp đẽ, lãng mạn làm xúc động người đọc hôm nay. Đặc sắc thẩm mỹ của ngòi bút Uông triều là sự kết hộp giữa cái anh hùng với cái đẹp lãng mạn. Đặc sắc thẩm mỹ này hiếm có trong ngòi bút của các tác giả trẻ hiện nay.

Để tạo được đặc sắc thẩm mỹ ấy, Uông Triều đã dồn tụ nhiều thủ pháp nghệ thuật cho ngòi bút của mình. Một mối tình thầm lặng giữa Lê Chân và chàng trai chèo đò được miêu tả âm thầm trong lòng hai người ấy. Mối tình ấy đã trở thành sức mạnh chiến đấu của Lê Chân. Chàng trai ấy, trong cuộc giải vây cho Lê Chân đã hy sinh oanh liệt vì nước và vì người mình yêu . Hình tượng ấy là một bước đệm tôn vinh Lê Chân lên cao hơn. Đoạn văn miêu tả cái chết cuả chàng sau đây có thể được xem là tiêu biểu cho cách viết cuả Uông Triều
”Trưng Vương đưa quân về vùng Lãng Bạc tử chiến

Cánh quân Lê Chân tiến về Lạt Sơn. Nhất quyết không để chịu bắt. Ta sẽ kháng cự đến cùng.

Quân mã chạy tuá, những binh sĩ, anh em, họ hàng của ta, hãy luồn rừng thoát vây trở về đất cũ, chờ thời mới.

Tì tướng mặt lưu vết khói, máu khô đọng trên vai, chià tay ra, vết kiếm tuốt nổi trên bàn tay.
-Ngươi hãy trở về quê cũ, trời định rồi, sức ta không thắng được.
-Hôm đợi dưới bến Kinh Thầy lòng ta đã quyết. Người không đến ta đâm nát dòng sông. Ta quyết cùng người tử chiến nơi đây.

Vòng vây hẹp dần.

Tiếng thét. Kẻ ngồi trên lưng ngựa, nét thanh tú kia chính là nữ chủ tướng, bắt sống lấy.

Quân xông vào bảo vệ nữ chuá. Gươm múa tơi bời, độc kiếm vô hình. Đầu giặc rụng tơi bời.

Tên bắn tua tuả.Người lao ra như mưa. Trong đám tên mưa hỗn loạn ấy. Người tì tướng vững chãi như thành đồng, vai trần xăm những hình quái sông, thuồng luồng lao ra tử chiến. Tì tướng xuất thân người lái đò trên sông Kinh Thầy.

Quân giặc bu vào chỗ ấy, gươm vung loang loáng, người chặn trên xả dưới, kiếm vung túi bụi, đám giặc xông vào, dội ra. Bóng lưng trần tả xung hữu đột, mở đường máu, không cho giặc chạm vào chủ tướng
Vòng vây co cụm, giáo giặc đan lại một vòng, tất thảy mũi nhọn chỉa vào. Tiếng gươm lạnh buốt, tổ kiến lửa bu vào con mồi, bung ra, vỡ ra, mở rầm rĩ, náo loạn .

- Xin chủ nhân đừng để giặc chạm đến, tôi quyết chết vì người.

Tiếng kêu xé họng nhỏ dần, máu phun khắp nơi, giáo giặc chõ lại như xiên vào tổ ong. Tiếng thét cuối cùng trước khi vĩnh biệt. Ta không bao giờ nhìn thấy nàng nữa rồi, chưa nhận được một lời âu yếm từ người con gài làng An Biên. Mũi giáo lạnh buốt thấu gan ruột”(tr.70)

Uông Triều không tả cảnh chiến trận như Tam Quốc Diễn Nghiã, hay sử dụng cách tả như trong những cảnh so tài quần hùng võ lâm trong tiểu thuyết của Kim Dung. Anh chỉ gợi ra những hình ảnh giàu sức liên tưởng, tốc độ kể nhanh, ngôn từ sắc như gươm tuốt. Người đọc tự mình hình dung ra cảnh chiến trận. Góc trần thuật của Uông Triều thay đổi liên tục.Từ vai một người thuật khách quan, anh nhập vai vào người lính trong không gian chiến trận với tất cả cảm giác và hào khí xung thiên, thoắt cái anh chuyển vai sang nhân vật khác. Sự miêu tả kết hợp cảnh và tâm, hành động và tâm trạng, những vận động ào ạt của thực tiễn và phản ứng nội tại của nhân vật, cái chung và cái riêng, nhấn vào những chi tiết ấn tượng đã tạo nên một không gian nghệ thuật đặc biệt cho ngòi bút Uông Triều. Tôi nghĩ đó là một thành công của anh.

Anh cũng sử dụng những bài thơ xen kẽ vào mạch truyện, tuy cách viết này không mới, nhưng vẫn tạo ra hiệu quả thẩm mỹ đáng kể. Những bài thơ ấy dệt nên vẻ tài hoa lấp lánh cuả nhân vật (đặc biệt trong truyện Nàng Điểm Bích, Kiếm Sắc và Hoa Đào), đồng thời vang lên như những giai điệu trữ tình, diễn tả được những cung bậc tình cảm sâu thẳm trong lòng không nói thành lời. Thiên truyện cuốn đi ào ạt như một giao hưởng anh hùng ca, nhưng trên nền hoành tráng cuả hào khí chiến trận là những nét nhỏ, rất thanh, rất sáng của một giai điệu trữ tình, của một lời tình ca vút lên, đủ sức làm ngẩn ngơ lòng người.

Văn của anh cũng giàu chất thơ. Một chất thơ vừa mộc khỏe, vừa mượt mà, như một sự kết hợp kiếm sắc lấp lóa và hoa đào rực rỡ. Tôi xin viết lại một đoạn văn. Xuống dòng ở mỗi dấu chấm, để thưởng thức chất thơ trong văn của anh

“Đêm trăng
Lê Chân muá kiếm trong vườn
bóng áo trắng
lướt dưới tán đào
Hoa rụng như mưa
Kiếm vun vút
loang loáng
Trên cao đốc xuống, xiên ngang, lốc gió
nghiêng người , uốn thân, rạp thấp
Kiếm sáng bao tứ phiá
Gió cuốn, lá non bay nát
một đường lỡ tay
kiếm bập vào thân đào niên
thân cây rung bần bật,
hoa rơi tơi tả
Máu ứa trên cánh tay trần”(tr.59)

Những trang văn như thế đã ánh lên vẻ tài hoa của ngòi bút Uông Triều. Tuy vậy những truyện như Kiếm Sắc và Hoa Đào trong tập truyện thì không nhiều. Đa số truyện có kết thúc nhạt, tư tưởng của tác phẩm chưa đủ sức tạo ấn tượng cho người đọc. Các truyện đều kết giống như kiểu kể chuyện dân gian : nhân vật được thờ làm thành hoàng, còn đền thờ ở nơi này nơi kia.Viết về Lê Chân :

”Dân làng An Biên xây đền thờ trên núi Vàn, tôn nữ tướng làm thành hoàng làng. Đền một năm có ba ngày hội. Mồng tám tháng 2 nhằm ngày sinh, mười lăm tháng tám giỗ trận, hai lăm tháng chạp nữ tướng tuẫn tiết trên đỉnh Giáp Dâu”(tr72)

Cách kết như vậy đưa người đọc trở về với kiểu truyện dân gian thường đọc, làm mất đi cái bâng khuâng, sự trăn trở về những vấn đề tác giả mới đặt ra, mất cả những hứng thú thẩm mỹ mà thế giới nghệ thuật của tác phẩm vừa đem đến. Chỉ còn lại cái cảm giác này : À thì ra tác giả kể chuyện sự tích, vậy thôi, :”chuyện ngày xửa ngày xưa ấy mà “! Ừ, chuyện xưa thì chẳng có gì liên quan đến cuộc sống hiện tại cả. Nên chăng, tác giả chỉ ghi chú ở cuối tác phẩm, để minh chứng cho những gì mình kể là thật, tạo niềm tin với người đọc

Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân miêu tả thật hay sự rung chuyển nội tại trong tâm hồn Phật Hoàng Nhân Tông trước lúc viên tịch (tr.159). Uông Triều kết hợp tâm giới với ngoại cảnh để nói điều này, khi con người đã đạt tới sự giác ngộ, thì tâm lay động có thể làm cả hư không quần đảo. Tâm yên tĩnh sẽ làm cho “trời bỗng sáng rực lên”.

Đêm mịt mùng trên đỉnh Ngoạ Vân mấy ngày mưa gió gào thét. Nhà vua nhớ lại trận chiến với quân Thát trên sông Tam Trĩ, trận Bạch Đằng, “chém giết vung tay không tiếc”, “Sa trường đẫm máu, nỗi đau tràn mãi không sao xoá khỏi “. Hối tiếc việc gả Huyền Trân Công Chuá cho Chế Mân, lòng người cha trăn trở lo âu vì mệnh nước, vì gia quyến. Lại nhớ khi chị gái Thiên Thuỵ bịnh nặng gọi nhà vua về, ngài dặn chị tới thời thì cứ đi. Nhân Tông cũng trăn trở về những điều tiếng việc ngài đi tu, người đời bảo :”Lão ấy vốn ham danh thôi, muốn được ngang hàng với thái tử Tất Đạt Đa ở nước Ấn xa xôi “ Nghĩ đến những người đi theo ngài, Nhân Tông nghi ngại ”lòng người khó lường biết ai chân thật. Những người theo ta, họ có thực lòng hay chỉ theo danh một ông hoàng mà mưu danh Phật pháp”. Sự lay động sâu xa nhất là lay động chân tâm:”Ta có nghi ngờ chăng? Đức tin của ta đặt đúng chỗ chăng”.

Cơn vận chuyển dữ dội ấy diễn ra trong lòng Nhân Tông. “Chưa bao giờ người đệ tử trung thành thấy Những vận chuyển ghê gớm trong lòng pháp chủ. Ngài vận khí huyết, hai tay rung lên, dòng máu đỏ chảy vần vũ trong đó.Trời cồn cào, vặn vã. Không phải cuồng phong nhưng đau nhức xé ruột”(tr.159).Khi bão lòng của nhà vua qua đi thì ngoài kia,“trời quang đãng, sáng rực lên. Gưã đêm, không khí thoáng rộng lạ thường”. Ngài đọc một bài kệ rồi nằm như thế sư tử, và ra đi lặng lẽ

Tạo dựng lại một nhân vật trong chiều kích vũ trụ và chiều kích tâm thức Thiền như thế, ngòi bút của Uông Triều đã đạt được những thành công nhất định cả về tư tưởng và nghệ thuật. Phải hiểu biết lịch sử, hiểu biết Thiền thế nào thì Uông Triều mới đặt được cái tâm cuả mình vào cảnh giới của Nhân Tông. Tác giả kể :”Vào dịp 700 năm ngày mất của Người (Trần Nhân Tông ), Uông cùng một đoàn văn nghệ sĩ trong vùng, đắc ý hành hương lên thăm Ngoạ Vân. Uông đã ngồi Thiền dưới chân tháp tổ, ăn rau rừng, uống nước suối, bẻ trúc làm gậy, một đêm miên man không ngủ được”(tr151)

Tuy vậy Uông Triều miêu tả quá nhiều bất an trong tâm của Nhân Tông. Cái tâm đó quằn quại trong dày vò, hối tiếc, hoài nghi. Cái nghi tâm ấy bao trùm lên cả tha nhân, lật ngược cả đức tin của chính mình, phủ định mọi giá trị của cả đời mình, cô độc trong cả đời tu.”hai bàn tay úp rồi lại mở ra, đời người cũng như hai bàn tay thôi”,”ai hiểu được lòng ta”, “Có ai dõi theo ta không? Chẳng ai cả”.. Liệu tâm bất an như thế, Nhân Tông có nhập niết bàn được không. Lẽ ra Tác giả cần miêu tả một cái tâm rỗng rang thanh tịnh tuyệt đối và toả sáng Phật quang trước khi Nhân Tông viên tịch, thì sự miêu tả ấy mới thuyết phục. Có thể là, Uông Triều chưa ngộ được bài kệ cuả Nhân Tông nên mới sáng tạo những khoảnh khắc Nhân Tông chao đảo dữ dội như thế trước khi ngài vào cõi KHÔNG ?(5)

Tôi ngờ rằng Uông Triều chỉ mượn Nhân Tông để nói cái tư tưởng cuả mình về thế sự. Anh hoài nghi về chiến tranh.”Nhưng bao nhiêu chiến binh tử trận? Máu quân thù, quân ta chảy thành sông. Qua vùng chiến điạ vẫn ngửi thấy mùi xác người chết thối. Chiến công nào chẳng có bùn và máu”. Anh cũng hoài nghi về sự hy sinh của Huyền Trân Công Chuá :”Bờ cõi được mở rộng nhưng công chuá sống một đời xa lạ, sự hy sinh có đáng không ?”. Nhân Tông nghi ngờ con đường của chính mình, nghi ngờ đức tin cuả chính mình, đó có phải là điều Uông Triều đặt vấn đề về chính thực tại hôm nay?

Những truyện viết về ngày hôm nay

Đó là những truyện Đêm Q.M, Vô Thức, Đi xem chuông, Đôi mắt Đông Hoàng.Ở mảng truyện này, ngòi bút Uông Triều không phát huy được thế mạnh của mình.

Đi Xem Chuông là một chuyện tình lạt lẽo đến xa lạ với người đọc trẻ hôm nay. Vô Thức là một ẩn dụ tư tưởng nhưng được viết rất gượng gạo và lộ liễu. Tư tưởng không toát ra từ hình tượng mà do nhân vật phát ngôn trực tiếp, thành ra truyện thiếu hẳn tính truyện, không có màu sắc thẩm mỹ, lẩm cẩm những triết lý vu vơ.”Ta cô đơn lắm, sao mi không nói gì với ta?”, “Ta nói với Vô Hình rằng ta đi tìm chính ta”. “Ta là ta mà ta chẳng biết ta, ta đi lang thang để tìm mình”, “Sự trở về của ta chẳng có ích gì. Tốt nhất ta hãy lặng lẽ biến mất khỏi mặt đất, để mọi người khỏi mất thêm những giọt nước mắt khóc thương giả tạo ? Phải chăng đó là những phạm trù Hiện Sinh đã rất xưa cũ, hay những tư tưởng cuả Trang Chu đã thành kinh điển? Uông Triều chưa tiếp cận được, cũng chưa có gì trải nghiệm và khám phá mới hơn?

Đôi Mắt Đông Hoàng được lấy làm chủ đề của cả tập truyện, thông qua lời kể của một người lính phiên dịch Nhật, tác giả ca ngợi Việt Minh, mà cụ thể là một cô gái trẻ có đôi mắt ám ảnh :

“Buồn
Đẹp
Bất cần
-Con ranh gián điệp
-Một nhát kiếm là xong”

Quân đội Nhật không sao khuất phục được người phụ nữ ấy.

Ngày 8 tháng 6 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Đông Hoàng, “Những người đàn ông gầy gò, má hóp lại, tay cầm súng trường, giáo mác xông vào đồn huyện lỵ. Những đôi mắt đã không còn lờ đờ. Căm giận.Thật khủng khiếp. Cuộc hoán đổi quá nhanh chóng “(tr.120). Cô gái mắt ướt, bất cần là một chỉ huy dân quân. Người lính Nhật muốn tự sát, cô gái bắn hai phát đạn làm thủng hai bàn tay cầm kiếm của hắn, không cho hắn tự tử.

Chủ đề của truyện khá đơn giản và đã cũ. Tác giả ca ngợi tinh thần nhẫn nhục và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trước kẻ thù Phát xít Nhật. Tuy nhiên cái nhìn cuả tác giả có vẻ hững hờ khi anh kết thúc truyện:” chiến tranh giống như một bức tranh u buồn”…”Ở thời buổi này không tìm đâu ra một người đàn bà chân trần. Mắt ướt, u sầu”. Phải chăng lịch sử đã trở nên nhạt nhoà trong mắt nhìn của thế hệ trẻ hôm nay?

Chi tiết nghệ thuật cô gái nhanh như chớp, bắn thủng cả hai bàn tay cầm kiếm của người lính Nhật, ngăn không cho hắn tự sát, điều này thật đáng ngờ. Tôi có cảm tưởng đây là một cảnh trong phim cao bồi Mỹ, một cowboy bắn súng bách phát bách trúng, như chớp giật, không phải là cô gái Việt Minh ngày xưa.

Đêm Q.M là một truyện có cách viết lạ và không dễ đọc.

Đó là truyện viết về cái bóng của hiện thực, mơ hồ, và huyễn tưởng. Thị trấn Q.M về đêm, ở một góc ngã tư có những người đàn bà quẩy đôi quang gánh bán nem chua, những thiếu nữ môi đỏ má hồng, vài anh xe ôm, vài cậu thiếu niên ngồi ăn quà, ông Trâu Đá nằm dưới chân thành cổ. Thuyền dưới bến về muộn, ánh đèn loé vạch nhập nhằng.Toàn cảnh Q.M buổi tối được vẽ lại qua đôi mắt cuả một hoạ sĩ. Có ba người trên cầu, hai người ( một cặp nam nữ) đang đùa giỡn . 4 người trong quán phở P (2 Váy ngắn, Tông xanh, Taxit trắng), ông Trâu Đá, hai ông Lim cổ thụ, bà điên, vợ chồng và đưá con thuyền chài, con mẹ bán ngô nướng. Phố quá nhỏ, Taxi trắng đi một vòng qua các phố. Chưa chục phút đã hết nhà mặt đường, cánh đồng mờ mịt. Hơi lạnh. Về đêm tất cả đều dồn lên cầu để ngắm cảnh, để đuà nghịch và nói chuyện. Người này theo dõi, nhận xét hành động người kia, và tự cảnh giác. Những câu chuyện vu vơ. Hoạ sĩ muốn vẽ cảnh Q.M về đêm nhưng tiếc vì đã ném cây viết chì xuống sông. Ông Trâu Đá, ông Lim cổ thụ cũng tham gia câu chuyện nhưng các ông làm cho người ta sợ. Sau cùng :”Trên cầu Hoàng Thành, những bóng người mờ dần…, những khoảng sáng tối đan vào nhau, người đi không nhận ra đâu là đường thẳng hay gập ghềnh. Q.M mờ mờ trong khói trắng, không biết ngày mai trời sẽ nắng hay mưa”(tr.34)

Uông Triều muốn nói điều gì về hiện thực đang diễn ra trước mắt anh ?

Hiện thực ấy có những khoảng sáng tối đan vào nhau. Người hoạ sĩ muốn vẽ nét đẹp cuả cuộc sống nhưng lại không vẽ được. Một cặp trẻ đang đuà vui trên cầu. Họ có vẻ rất hạnh phúc. Dưới sông cặp vợ chồng trong thuyền đang tự tình và đưá trẻ đang ngủ. Gió thổi, các em váy ngắn cố giữ váy khi có người đi phiá sau nhìn. Đó là nét đẹp Q.M còn giữ được.

Bên cạnh đó là hình ảnh những con người lam lũ: anh xe ôm, người xe thồ, quang gánh bán nem, người bán ngô nướng, có cả những em gái gọi xe ôm đi đón khách đêm. Có sự đối thoại giữa hiện tại và quá khứ qua Ông Trâu Đá ở chân thành cổ và 2 ông Lim cổ thụ được nhân hoá. Họ là tượng trưng cho quá khứ, họ tìm về hiện tại nhưng họ chỉ làm cho con người hiện tại e ngại, sợ hãi. Cũng có kẻ muốn nung vôi ông Trâu. Người hoạ sĩ nuối tiếc :”Hoạ sĩ thở dài, ta chỉ có một mình, ngày mai ra đây, bức tranh sẽ phác lại. Không còn nghe tiếng rao hàng, phố đã đi ngủ cả rồi, cả mụ điên nữa, vừa nãy mình không mua một ít ngô nướng, tội nghiệp con mẹ hàng ngô”(tr 34).

Nền của câu truyện là những vang vọng thảng thốt và những câu hỏi không có câu trả lời: Thứ Bảy mà chẳng có khách khứa gì hết. Người trốn đâu hết cả”, Ngô bán cho ai?, Ai dám đuà giỡn với cái chết? dòng sông có thể giết người?”, “những sợ hãi trong vô thức còn ám ảnh hơn cả những sự vụ hiện tại”, “Lòng người luôn hồ nghi về người khác“, “Cháu về nhà để chứng kiến sự đổ vỡ ư? Đổ vỡ trong lòng rồi, nhìn làm gì cho chết hẳn. Giữ một chút cho mình và cho người, đừng trắng phớ như tờ giấy”,” Q.M mờ mờ trong khói trắng, không biết ngày mai trời sẽ nắng hay mưa”

Người đọc có thể hiệu được tấm lòng của Uông Triều qua khát vọng và tâm trạng nhân vật hoạ sĩ. Nhưng tất cả đều mờ mờ, và người hoạ sĩ chỉ có một mình, cây viết chì để vẽ đã ném xuống sông. Ngày mai. Vâng, chờ ngày mai vẽ lại. Nhưng không biết ngày mai trời nắng hay trời mưa? Dường như người hoạ sĩ ngậm ngùi trước tương lai không biết sẽ thế nào. Có chăng còn lại là một tấm lòng quan tâm đến mọi số phận người xung quanh, và một chút yên bình còn giữ được.”Anh có phải người Q.M không ? Người Q.M lặng lẽ lắm”

Với một tập truyện ngắn, cây bút trẻ Uông Triều đã gây được những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc về khuynh hướng tư tưởng và bút pháp, tôi nghĩ anh đã gặt hái được thành công và đã đặt được những bước đi đủ tự tin trên con đường sáng tạo đầy gian khổ. Mặt yếu của anh là ở độ sâu tư tưởng anh muốn đặt cho tác phẩm, song sự trải nghiệm tư tưởng ở anh còn đang trong quá trình dò dẫm tìm kiếm (truyện Vô Thức và Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân ), vì thế chưa thể định hình được trong tác phẩm, điều ấy rồi đến một ngày nào đó anh sẽ “ngộ” ra. Chúng ta hy vọng sẽ được đọc những truyện hay hơn cả Kiếm Sắc và Hoa Đào, và Đêm Q.M, vì bút lực của anh còn dồi dào lắm.

Tháng 10. 2010
__________________________________________________
(1) dẫn theo Nguyễn Huy Thiệp ( trích Tam Tổ Thực Lục ):
http://nguyenhuythiep.free.fr/giangluoi/GIANGLUOI.html
Có thể đọc Nguyễn Đổng Chi, truyện cổ tích Việt Nam
(2) Nguyễn Mộng Khôi ,dẫn theo Tổ Gia Thực Lục, http://www.chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view&id=1189
(3) bài này có nhiều bản khác nhau
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ,
Màu Thích ca nào thử hữu tình
(4) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(5) Tam Tổ Hành Trạng viết về những phút viên tịch của Nhân Tông yên tĩnh, đầy uy lực, không bất an như Uông Triều miêu tả. Xin trích:
“ngày 18, Vua lại đi bộ lên chùa Tú Lâm ở trên ngọn núi An Sinh Kỳ Đặc. Thấy mình đau đầu, Vua bảo hai nhà sư Tử Man và Hoàn Trung rằng:
- Ta muốn lên ngọn núi Ngọa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?
Hai nhà sư nói:
- Đệ tử xin hết sức giúp đỡ.
Vừa lên đến núi Ngọa Vân, Vua cảm tạ hai nhà sư và bảo:

- Thôi, xuống núi ngay đi, chăm chỉ tu hành, chớ coi sinh tử là việc chơi!

Ngày 19, Vua sai người hầu là Pháp Không lên núi Tử Tiêu gọi ngay Bảo Sái đến. (…..)
Ngày 21 Bảo Sái đến Ngọa Vân. Vua thấy đến bèn cười hỏi:
- Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong Phật pháp có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi!
Bảo Sái thưa:
- Phật mặt trời, Phật mặt trăng [nhật diện Phật, nguyệt diện Phật] ý nghĩa như thế nào?
Vua lớn tiếng bảo:
- Tam Hoàng Ngũ Đế là gì?
Đáp:
- Chỉ là những rừng hoa chói lọi, những cuộn gấm rỡ ràng, những khóm trúc ở miền Nam, những cây gỗ ở đất
Bắc, chứ còn là gì?
Vua bảo:
- Chọc mù mắt của ngươi, giết chết mới xong!

Mấy ngày liền, trời đất tối om, gió giật dữ dội, mưa tuyết phủ kín cây cối, khỉ vượn chạy quanh am, chim chóc hót thê thảm, Đêm mùng ba tháng Mười một [bỗng nhiên] sao sáng đầy trời, Vua hỏi:
- Giờ này là giờ gì?
Bảo Sái thưa:
- Bây giờ là giờ Tý.
Vua lấy tay đẩy cánh cửa sổ, trông ra ngoài mà nói:
- Đây là giờ của ta đó!
Bảo Sái hỏi:
- Vua đi đâu bây giờ?
Vua nói:
- Hết thảy pháp không sinh, hết thảy pháp không diệt. Hiểu được thế thì chư Phật thường hiện ra trước mắt, còn gì là đi, còn gì là đến!

Nói xong, Vua liền nằm như sư tử và tịch ở am trên núi.
Pháp Loa theo lời di chúc, hoả thiêu thi hài, nhặt được một nghìn viên xá lợi đem về. ..
(http://daitangkinhvietnam.org/lich-su-phat-giao/nhan-vat-phat-giao-viet-nam/1206...)

______________________________________________

Bài đã đăng trên
www. Phongdiep.net:
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11261, ngày 11/10/2010
www.letheunhon.com
http://lethieunhon.com/read.php/4504.htm. ngày 11/10/2010