album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

MÊNH MÔNG MỘT KHỐI TÌNH CHUNG

THƠ HỒNG PHƯƠNG,
MÊNH MÔNG MỘT KHỐI TÌNH CHUNG
(Đọc tập thơ Mênh Mông của Hồng Phương. Nxb Thanh Niên 2007& những bài thơ Hồng Phương tuyển chọn)

Bùi Công Thuấn

Nhà thơ Hồng Phương đặt tên cho tập thơ của mình là Mênh Mông hẳn đã gửi gắm trong đó một tấm lòng trước hiện thực mênh mông của đất nước trong suốt những năm tháng gian nan và bày tỏ những nghĩ suy tâm huyết về thời đại vẻ vang của dân tộc mình. “Máu xương hòa biển hòa sông/ ba mươi năm đánh giặc thấy mênh mông cuộc đời”(Cuộc Đời Mênh Mông). Phần thơ viết về Đất Nước, về quê hương, chiếm phần lớn số bài trong tập thơ (58/88 bài).

Đó là đất nước từ những ngày mùa thu tháng tám năm 1945 (Mùa Thu Tháng Tám), trải suốt 60 năm (Mừng Đất Nước Sáu Mươi Năm-Nhớ Lại), đất nước của những con người anh hùng, Gian Khổ Gì Bằng Lính Đặc Công, Máu Em Lai Láng Chị Sáng Vần Thơ, “Từ đấy, mẹ thờ thêm hai bát nhang/ Một bát thờ con chống Mỹ/ Một bát thờ chồng chống Pháp/ Mẹ không khóc/ Lưng mẹ còng theo thời gian”(Mẹ Cười Nghiêng), sự hy sinh lớn lao không thể kể hết được .”Khăn tang nào phủ hết mộ Trường Sơn”(Nhắc Nhở Nhau). Nhà thơ bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu xa về Bác Hồ, về các chiến sĩ đặc công rừng Sác, về chiến khu D, về di tích Trung Ương Miền

Nhắc tên Bác lòng tự hào
Những lời Bác dạy con nào dám quên
Việt Nam – Bác là ông tiên
Giáng trần độ thế vạn niên ơn Người
(Bác là ông tiên)

Rừng Sác Cần Giuộc luồng, lạch, lau
Chặn đường Soài Riệp tuyến Lòng Tàu
Nơi đây tiếp sức Tàu Không Số
Xác giặc nay còn đắm biển sâu
(Gian Khổ Gì Bằng Lính Đặc Công)

Bùi ngùi kỷ niệm chiến khu D
Sốt núi, mưa nguồn, rắn, vắt, ve
Củ chụp, măng rừng tay súng chắc
Mồ chôn xác giặc-Một lời thề
(Bùi Ngùi Kỷ Niệm)

Thơ tình yêu của Hồng Phương cũng là thơ tình của lứa đôi chiến đấu. Họ hò hẹn rồi xa nhau, mong chờ và hy vọng.

…Vui lên nghe em con sông Hồng
Bên sông Vàm Cỏ
Mang nỗi niềm hai đầu thương nhớ…
Anh cứ mân mê chiếc áo mùa đông em đan gửi ra mặt trận
Ấm lòng người lính gác biên cương
Hậu phương tiền tuyến mặn nồng…
(Lời Ngọt Ngào)
Đất trời bao la mịt mùng bom đạn
Thắng trận đi tìm em- bặt vô âm tín
…Bao đêm rồi thao thức
Hy vọng ngày được gặp lại nhau
Kỷ niệm chiến tranh nhiểu quá thương đau..
(Thời Trai Trẻ)
Tuy vậy hầu hết thơ tình trong tập thơ này được viết theo thi pháp thơ Lãng Mạn 1930-1945 với hình ảnh tượng trưng. Cho đến nay thi pháp này đã trở nên lỗi thời, nhiều bài thơ tình của Hồng Phương trở nên cũ kỹ và sáo rỗng

Tình đầu rễ bám chắc hồn nhau
Nhụy đã trao hương vướng mạch sầu
Muốn chặt đứt cành chôn lấp lá
Dễ gì- càng lấp hố càng sâu
(Dễ Gì)

Ai hỏi tôi giờ ở đâu?
Tôi đang ở chốn không nhau
Chong đèn nhớ về một thuở
Những nẻo đường xưa lối cũ
Mênh mang thương nhớ một thời…
(Ai Hỏi Tôi)

Mong tắm mưa ngâu chẳng thấy về
Tình chàng ý thiếp cứ lê thê
Cầu Ô chưa bước đã gãy nhịp
Gửi lại sông Ngân một câu thề
Mưa ngâu không đến, đến mưa dầm
Tiếng pháo mừng xuân đành lặng câm
Vừa bước lên cầu ai rút ván
Bão lòng lại xoáy trong mưa đêm
(Chờ Mưa Ngâu)
Bạn trẻ hôm nay mà đọc những bài thơ tình như Chờ Mưa Ngâu, họ sẽ tự hỏi không biết nhà thơ định nói gì. Ý tứ vừa ước lệ, vừa quê mùa lộn xộn. Đang nói mưa ngâu tháng Bảy, lại liên tưởng đến tiếng pháo mừng Xuân. Cầu Ô chưa bước đã gãy thì ai “bước lên cầu”, “ai rút ván” ? Thành ngữ “qua cầu rút ván” trong dân gian có nghĩa không tốt, sao có thể dùng diễn tã tình Ngưu Lang - Chức Nữ? Câu thơ “mưa ngâu không đến, đến mưa dầm” không rõ chủ thể, rằng, em không đến vào lúc mưa ngâu mà lại đến lúc mưa dầm, hay nhà thơ mong chờ mưa ngâu, nhưng mưa ngâu không đến (mưa tình yêu) mà mưa dầm lại đến (mưa mùa, mưa cách trở). Những lời, những ý về “tình chàng ý thiếp”, mưa ngâu, sông Ngân, cầu Ô thước đã được khai thác cạn kiệt trong thơ cổ điển từ lâu lắm rồi.

Trong Chinh Phụ Ngâm (1741):

Khác gì ả Chức, chị Hằng
Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng
(câu 239-240)

Nọ thì ả Chức chàng Ngâu
Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông
(câu 331-332)

Đây là đoạn thư Đạm Thủy gửi cho Tố Tâm (tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách-1922): "Anh ơi, đêm hôm nay là đêm gì mà mưa gió âm thầm, góc trời đen nghịt, có phải mồng ba tháng bảy, là ngày ả Chức chàng Ngâu một năm mới thấy mặt nhau một lần không, anh nhỉ? Thảo nào mà chiều hôm nay em tiếp được thư anh, nhưng thư không phải là người, chỉ là ảnh và bút tích của người mà thôi, còn chàng Ngâu và ả Chức là người cả, chả biết rằng Ngưu Lang Chức Nữ những khi xa cách nhớ thương bên sông sùi sụt có oán hận những người đem sông Ngân mà chắn qua con đường ái ân không nhỉ?

Khi sử dụng lại một chất liệu nào đó, điều quan trọng là nhà thơ phải có những khám phá mới. Đó là quy luật của sự sáng tạo. Hồng Phương không có được năng lực này.

Rất nhiều bài thơ của Hồng Phương thiếu chất thơ. Dường như nó được viết theo quán tính, không được kết tinh từ ý thức sáng tạo nào. Tác giả nghĩ gì viết nấy, không câu chấp ngôn ngữ, không chú ý đến nhạc thơ. Năng lực kể chuyện trong thơ tự sự mờ nhạt. Nhân vật trữ tình không có tâm trạng. Ở thể loại thơ nào, Hồng Phương cũng không khai thác được đặc trưng thi pháp thể loại, dù là Lục Bát hay thơ Đường, thơ 7, 8 chữ như kiều thơ Lãng Mạn. Nhiều bài sáo rỗng, vô cảm, và cũ kỹ. Vì thế thơ Hồng Phương khó mà đọng lại trong lòng người đọc.

Xin đọc thơ Đường luật với những chất liệu quá cũ như xuân lan thu cúc, tùng bách, chị hằng, con nai ngơ ngác… gần như là một sự hỗn độn nháo nhào mọi thứ mà tác giả cóp nhặt được mà người đọc tinh ý có thể nhận ra nguồn.

Khéo vẽ bốn mùa núi biếc xa
Xuân lan thu cúc hạ liên hòa
Hạc hồng sải cánh vờn mây trắng
Tùng bách vươn cành ngắm suối ca
Chỉ cuốn luồn bay thêu lá cỏ
Kim tỳ năm ngón dệt cành hoa
Chị hằng lấp ló, nai ngơ ngác
Tia sáng gập ghềnh nỗi nhớ xa
(Tranh Thêu)

Thơ Lục Bát sai vần, ý tứ diễn tả phi logic làm người đọc ngơ ngẩn.

Cánh nhạn vượt mấy dòng sông
Giăng đường tơ nối tấm lòng đôi ta
Rơi rơi lệ thấm thư nhòa
Đầu lòng công chúa tên là Hiền Lương
Hoàng tử con tên Trung Thành
Gọi thế cho đẹp tấm lòng mẹ cha…
(Cháu Đích Tôn Thăm”Nhà” Ông)

Thơ 7 chữ sau đây, câu chữ chưa được chọn lọc, bỏ hẳn luật gieo vần , và dù người đọc có nghĩ đến những hình ảnh siêu thực cũng không hiểu nổi

Dưới ruộng đồng chiêm đất hoác miệng
Trên nương khoai héo bắp khô màu
Kênh nương nứt nẻ queo đường ruột
Chờ trộ mưa rào đỡ khát khao
Bất chợt cơn mưa đường biển vào
Nắng vàng đang trải cuốn mau mau
Hoa cười nụ héo liền ôm nhụy
Sóng lúa rập rờn mơn mởn rau
(Chờ Mưa)
Thật kỳ lạ. ruộng đồng chiêm đất hoác miệng, tức là đất khô hạn, nứt nẻ hoác ra, không một loài cây nào có thể mọc. Vậy mà chỉ một cơn mưa bất chợt đến là “Sóng lúa rập rờn mơn mởn rau”. Thật là một phép lạ! Chỉ một cơn mưa đến là cánh đồng nứt nẻ toang hoác ấy đã xanh tốt lúa dạt dào, gió thổi trên đồng lúa tạo nên những con sóng điệp trùng . Và lạ hơn nữa, trên cánh đồng “sóng lúa rập rờn” ấy, bỗng dưng rau ở đâu lại lọt vào cuối câu! Có lẽ tác giả cần viết them chú thích cho những điều lạ lùng như thế này thì may ra người đọc mới có thể tiếp cận bài thơ.

Có một hiện tượng hơi lạ trong thơ Hồng Phương là, nếu viết ở dạng bài thơ có nhạc có vần, thơ Hồng Phương không đứng được, nhưng khi bài thơ ấy chuyển sang thơ văn xuôi, người đọc lại thấy có hơi thơ. Bài Mẹ Cười Nghiêng sau đây in trong tập Mênh Mông ở dạng bài thơ, khi in lại trong tập thơ tuyển (bản photo), Hồng Phương viết dạng thơ văn xuôi

CƯỜI NGHIÊNG
Một đoạn đường cong con đi mẹ tiễn, tần ngần trên bến sông quê, chuyền tay con đôi dép lốp, nói gì con không nghe kịp, ngoái nhìn, mẹ quay mặt. Đò tròng trành, lòng con lòng mẹ cũng tròng trành. Mái chèo khua lỗi nhịp vỗ tan tác từng mảnh sao mờ.
Đêm đêm theo bóng một con đò, mẹ chờ giằng giặc.
Một cú sét! Hy sinh mặt trận phía Nam. Từ đây mẹ thờ thêm một bát nhang. Một bát thờ con chống Mỹ, một bát thờ chồng chống Pháp
Mẹ không khóc lưng mẹ còng theo thời gian
Mẹ cười nghiêng giữ lại thật lâu trong tâm tưởng hình bóng hai đảng viên Cộng Sản ngày ngày nghi nút khói nhang.
Mẹ luôn cười nghiêng!

Nói vậy để thấy Hồng Phương cũng đã trăn trở đối với thơ của mình. Bạn đọc có thể chia sẻ sự cố gắng của Hồng Phương trong bài Vào Viếng Lăng Bác, bản in đầu trong tập Mênh Mông (2007) và bản in sau trong tuyển tập (2012), mặc dù sự cố gắng ấy đã không đem đến hiệu quả nghệ thuật như người đọc mong đợi

KÍNH DÂNG BÁC MỘT TRỜI HOA
Vào lăng viếng Bác giữa mùa hoa
Đón Bác năm nào ngỡ sáng qua
Lặng lẽ bao người lau nước mắt
Ước gì dừng bước ngắm mặt cha
Ngàn thu ngon giấc mãi chẳng xa
Niềm vui Nam Bắc trọn một nhà
Cả nước thi đua học đức Bác
Lập công dâng Người một trời hoa 2007)
VÀO VIẾNG LĂNG BÁC
Vào lăng viếng Bác giữa mùa hoa
Đón Bác năm nào ngỡ sáng qua
Chầm chậm nghiêng đầu lau nước mắt
Kiễng chân ngoái mặt ngắm cha già
Chúng con ước nguyện noi gương sáng
Cả nước thi đua học đức cha
Mãi mãi ơn sâu tình nghĩa nặng
Đời đời tạc tượng ngắm Sơn Hà.
(2012)


Tôi thực sự ngạc nhiên về hồn thơ trong veo và tình yêu không mệt mỏi của Hồng Phương đối với thơ. Nếu được trau chuốt hơn, và được soi rọi bằng ánh sáng của một ý thức sáng tạo riêng, thơ của chị có thể sẽ đạt được những giá trị mà chị mong đợi.
Tháng 3. 2012
____________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét