album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

LOAY HOAY ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN

LOAY HOAY ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN
Bùi Công Thuấn

Đề Văn thi ĐH khối D năm nay đọc có vẻ hay nhưng thực chất là quá sức học sinh. Bởi học sinh làm bài thi như làm bài đánh đố.

Bấy lâu nay người ta hay nói đề khái niệm đề “mở” , khái niệm khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong bài làm thi Đại Học. “Mở” và “sáng tạo” là biện pháp chống học vẹt, học thuộc lòng, điều ấy đúng. Nhưng trong thực tiễn, đại đa số học sinh học Văn chỉ có khả năng hiểu và học thuộc lòng. Trong một 100 học sinh , khó tìm thấy một em có khả năng đọc tác phẩm và tìm ra những kiến giải mới hơn với SGK và sách tham khảo. Bởi vì SGK và sách tham khảo được các giáo sư, tiến sĩ , thạc sĩ văn chương, những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết, làm sao trí não non nới của các em sánh được với những bộ não chuyên nghiệp ấy mà đòi các em “sáng tạo “? Năng lực viết của các em cũng hạn chế, vì các em phải học tới 10 môn, Văn không phải là môn chính để các em dành nhiều thì giờ rèn luyện.Vậy ra đề ”mở” cho đại trà 100% học sinh “sáng tạo” là một điều không tưởng. Tôi có cảm giác Bộ có kỳ vọng biến bài làm của các em thành bài tham luận trong các kỳ hội thảo Văn học chăng? Chỉ trong các hội thảo, người ta mới cố gắng tìm kiếm những ý tưởng mới.

Vì người soạn đề “mắc kẹt” trong ý niệm không tưởng ấy, nên đề Văn thực sự đẩy các em vào trạng thái “bó tay” khi làm bài, và lối thoát duy nhất là “tán “ để may ra được điểm nào hay điểm ấy.

Xin đọc đề Ngữ Văn khối D
Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành ” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí
Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật
Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao).

Dạy và học tác phẩm văn học thầy và trò cần nắm chắc các yếu tố cấu trúc của tác phẩm, đó là cốt truyện, nội dung, chủ đề, nhân vật, bút pháp, phong cách. Phân tích kỹ các yếu tố này đã không đủ thời gian. Không thầy cô nào có thì giờ để đi sâu vào từng chi tiết. Chỉ những nhà nghiên cứu chuyên sâu, có thì giờ, tỉ tê nghiền ngẫm, mới có thể phát hiện chi tiết truyện và giá trị các chi tiết ấy. Nếu ra đề mà nhắm vào các chi tiết thì đó là một hình thức đánh đố.

Thí dụ, trong truyện Chí Phèo, nhân vật Chí Phèo cười mấy lần, ý nghiã nội dung và nghệ thuật của tiếng cười ấy? Thí dụ, trong truyện Vợ Nhặt, nhân vật bà cụ Tứ khóc mấy lần ? Thí dụ, trong Chữ Người Tử Tù làm sao sáu người tù có thể mang trên cổ một cái gông nặng đến bảy tám tạ? Thí dụ , trong truyện Rừng Xà Nu, khi Tnú về thăm làng, tại sao tác giả lại đặc tả bàn tay cụ Mết như cái kềm sắt trên vai Tnú? …Ra như thế là đánh đố, không phải kiểm tra năng lực đọc tác phẩm và kỹ năng làm bài của học sinh. Ra đề đến những chi tiết hiểm hóc như thế thì đâu còn là đề “mở”. đâu còn là khuyến khích sự”sáng tạo” của học sinh !
Xin đọc đề Ngữ Văn khối C:

Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)

Phần đặt vấn đề của câu hỏi này rất lơ lửng và không đúng nguyên tắc ra đề.

Trong phân môn Tập làm Văn ở PTTH không có kiểu bài nào là kiểu bài “cảm nhận “ cả. Cảm nhận là gì ? có thể hiểu là cảm xúc và nhận thức (tức là khi đọc hai đoạn thơ ấy, học sinh có cảm xúc gì, và nhận thức, suy nghĩ điều gì), Cảm nhận nghiêng về nhận thức cảm tính, quen được gọi là cảm thụ. Đã là cảm tính thì không còn khách quan. Học sinh muốn tán thế nào cũng được. Đề yêu cầu viết cảm nhận thì học sinh phải viết ý kiến riêng của cá nhân, 100 em 100 ý. Sẽ có những ý kiến hoàn toàn trái ngược với đáp án. Vậy GK có cho điểm sáng tạo không, hay vẫn theo đáp án bắt buộc ?

Cứ cho rằng học sinh biết viết cảm nhận thì yêu cầu của đề là gì ? “Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau “ là một câu văn lơ lửng. Cảm nhận về cái hay cái dở cuả hai đoạn thơ, cảm nhận về hình tượng thơ, cảm nhận về bút pháp, thi pháp, nghệ thuật ngôn từ của hai đoạn thơ hay về phong cách của hai tác giả? hay phải viết về tất cả những thứ ấy, hay chỉ nói cái khoái cảm khi đọc hai đoạn thơ ầy ?! Học sinh phải viết mỗi đoạn thơ thành một bài riêng hay phải so sánh đối chiếu, chỉ ra đoạn thơ nào hay hơn đoạn thơ nào, chỉ ra sự khác biệt giữa hai đoạn thơ…

Rõ ràng cách đặt vấn đề như thế là hết sức “mở” theo kiểu lơ lửng, đánh đố học sinh ? Còn đâu tính khoa học, tính giáo khoa của một đề thi? Những học sinh đã được “luyện “ thì biết rằng đề yêu cầu phải phân tích riêng từng khổ thơ, sau đó so sánh, lý giải sự giống nhau và khác nhau của hai khổ thơ, hai tác giả và trình bày cảm nghĩ riêng của cá nhân. Những điều ấy được hiểu ngầm đằng sau câu chữ, học sinh phả đoán ra, lần ra. Như vậy không là đánh đố học sinh hay sao.Câu đặt vấn đề cần phải tường minh và xác định rõ yêu cầu kiến thức, kỹ năng Bộ cần kiểm tra đánh giá là gì. Đề ra “lơ lửng”, đánh đố, không phải là đề “mở”.

Xin đọc đề nghị luận xã hội khối D:
Câu II.
Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhóang.Từ ý kiến trên anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

Để làm được đề này, học sinh phải hiểu đạo đức thật là gì, từ đó mới biết đạo đức giả. Nhưng khổ một nỗi trong nhà trường ( môn Ngữ Văn ) không dạy cho các em đạo đức thật là đạo đức gì. Đó là đạo đức phong kiến Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh, hay đạo đức cách mạng "trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng "? Cả hai thức đạo đức này đã rất xa lạ với thứ đạo đức của nền kinh tế thị trường, đạo đức của chủ nghiã cá nhân và chủ nghiã thực dụng .Vậy các em sẽ làm thế nào ? Những vấn đề như thế vượt quá sức hiểu của các em. Thay vì dựa trên những kiến thức chuẩn xác và thực tiễn cụ thể (điều này các em không được dạy), các em sẽ chỉ tán liều để lấy 1 điểm. 100% các em sẽ làm bài như vậy. Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá được gì về nhận thức và năng lực của học sinh qua một đề thi như vậy.

Xin đọc Chiếc Thuyền Ngoài Xa cuả Nguyễn Minh Châu. Khi thấy nhân vật người đàn bà bị chồng bạo hành, nhân vật Phùng xông vào đánh người đàn ông chài để bênh vực chị. Nhân vật Đẩu định đưa chị ra toà ly dị chồng để giải thoát cho chị. Theo quan điểm đạo đức bình thường thì đó là những hành động tốt. Thế nhưng kết quả thì ngược lại, Phùng bị thằng Phác thù ghét và cả Phùng và Đẩu đều bị người đàn bà chài chê là kém hiểu biết. Đâu là tốt, xấu? đâu là đạo đức thật ?

Xin đọc Một Người Hà Nội cuả Nguyễn Khải. Trong khi những người con Hà Nội ra đi chiến đấu, thì ở nhà, tháng nào bà cô Hiền cũng tổ chức tiệc tùng họp mặt những người bạn quý tộc, để được sống phong cách quý tộc . 660 người con Hà Nội ra đi, còn lại trên dưới 40 người trở về. Người lính sống sót (Dũng) trở về thăm nhà khi bà cô Hiền đang tiệc tùng, họ xa lạ như người dưng. Một ông già hỏi “ Đồng chí bộ đội có chuyện gì vui kể nghe nào “. Bộ đội chỉ có chuyện chiến đấu và hy sinh. Đó đâu phải là chuyện góp vui cho những ông bà quý tộc trong tiệc tùng ăn chơi. Giưã nhân vật mẹ cuả Tuất có con hy sinh và bà cô Hiền sống hưởng thụ, Nguyễn Khải ca ngợi ai ? Nguyễn Khải gọi bà cô Hiền là hạt bụi vàng cuả Hà nội. Vậy bà cô Hiền đúng, hay bà mẹ Tuất có con hy sinh là đúng? đâu là đạo đức thật và đâu là đạo đức giả trong sự ca ngợi của Nguyễn Khải?

Hai tác phẩm trên dạy cho học sinh đạo đức gì ?Thực dụng chủ nghiã như bà cô Hiền, hay cam chịu nhẫn nhục như người đàn bà chài? Dạy cho học sinh sự khôn ngoan cơ hội chủ nghiã cuả bà cô Hiền hay dạy cho học sinh chấp nhận thói vũ phu của nam giới ? Đâu là đạo dức thật, đâu là đạo đức giả? Đâu là thực tiễn học tập của học sinh và đâu là sự không tưởng của người ra đề?

Quả thực, đề ra chẳng khác gì đánh đố học sinh vậy.
Xem xét đề khối D, Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận anh/chị về đoạn thơ sau:

những tiến đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo chòang đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vần trăng chếnh chóang
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hòang
áo chòang bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
(Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 164-165)

Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được viết bằng bút pháp siêu thực, nhiều hình ảnh siêu thực rất khó giải mã đúng. Hoc sinh chưa hiểu chủ nghiã siêu thực là gì, chưa được tiếp cận nhiều với nghệ thuật siêu thực làm sao các em có thể hiểu được thấu đáo hình tượng thơ. Mỗi học sinh lại có thể có những liên tưởng khác nhau khi giải mã ngôn ngữ thơ . Ở trường Phổ Thông, mỗi thầy cô cũng liên tưởng và giảng rất khác nhau. Nhiều hình ảnh không hiểu đành phải “lờ đi”. Ra đề vào một tác phẩm chưa có sự thống nhất chuẩn kiến thức , có khác nào thả các em giữa biển cho các em bơi. Dù có bơi (tán) giỏi thế nào, giữa biển khơi , không có gì bám víu, trước sau cũng chết chìm.

Để làm được câu so sánh hai đọan thơ trong Tràng Giang và Đây Thôn Vĩ Dạ (khối C), các em phải biết thi pháp của hai bài thơ ấy, biết phong cách của hai tác giả thì mới có thể làm được. Cụ thể ,đoạn thơ của Hàn Mặc Tử có những yếu tố của bút pháp siêu thực, đoạn thơ của Huy cận đậm đặc thi pháp cổ điển Đường Thi. Những kiến thức ấy với học sinh phổ thông là chưa thể vươn tới được.

Cũng vậy, câu cảm nhận về hai đoạn văn của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường (khối C), học sinh trước hết phải nắm được phong cách mỗi tác giả, và phong cách ngôn ngữ văn bản mới có thể làm tốt. Thế nhưng sách giáo khoa nói rất sơ sài về phong cách mỗi tác giả. Kiến thức về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân vẫn còn tranh cãi, các em có kiến thức đâu để làm bài?

Nói rằng đổi mới trong cách ra đề, thực chất Bộ vẫn loay hoay tìm cách đánh đố học sinh, đẩy các em phải đến các lò luyện thi. Vì ở đó chỉ có thầy cô dạy luyện thi mới “giải mã” giúp các em biết nghệ thuật đánh đố của người ra đề. Đề yêu cầu các em viết "cảm nhận " chính là để các em"tán". Em nào biết “tán” là đạt. Bộ lại đi sâu vào các chi tiết tác phẩm, theo kiểu tiả tót câu chữ, mà không dựa trên những lý thuyết văn chương, lý thuyết phê bình mới để đặt ra những vấn đề giúp học sinh có những khám phá mới về tác phẩm . Hơn thế đề ra vẫn rất xa rời với đời sống văn học đương đại, mà ở đó, đang có nhiều vấn đề cần có y kiến chung của xã hội, cần cho các em có y kiến ( thí dụ hiện tượng văn chương sex bẩn chẳng hạn : Bóng Đè, I'm Đàn Bà, Dại Tình , Sợi Xich..)

Tôi nghĩ Bộ cần nghiên cứ kỹ hơn về yêu cầu của một đề thi, về cách ra đề môn Ngữ Văn, về mục đích giáo dục mà môn Văn cần đạt tới qua đề thi. Xin đừng ảo tưởng về đề “mở”, đề đòi hỏi học sinh “sáng tạo”. Những kiểu đề ấy dành cho luận văn tốt nghiệp Đại Học, luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Và ngay cả những luận văn ấy, cũng không ít sự sao chép, “ăn cắp” văn của người khác. Không biết thầy cô dạy Văn và học sinh Phổ Thông học Văn còn khổ vì thi cử đến bao giờ?

Tháng 7.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét