album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

DỊ BẢN, DỊ DẠNG, DỊ...Phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn

Bùi Công Thuấn đọc Văn trẻ
DỊ BẢN
Tập truyện ngắn của KENG*. Nxb văn Nghệ 2009

Keng trình làng một mẫu “dị bản “ của người trẻ thời @, chủ yếu là nhân vật nữ. Kiểu nhân vật này hoàn toàn khác với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ trẻ này, do một hoàn cảnh nào đó, đã bị biến dạng đi, xô lệch đi, phá cách đi so với chuẩn mực của xã hội Việt Nam. Nói cho đúng, Keng khẳng định một mẫu hình người phụ nữ trẻ mới. Đó là con người bứt phá hết mọi trói buộc của văn hoá truyền thống, khoác lên mình cái hình hài văn hoá thực dụng phương Tây, một người phụ nữ hoàn toàn “tự do”, tức là không bị ràng buộc bởi ý thức lấy chồng, thiên chức làm vợ và làm mẹ , không bận tâm giữ gìn tiết hạnh, nhất là tự do quan hệ với đàn ông và thoải mái sex với họ.

Họ có dáng nét chung thế này : trẻ, không phải bận tâm về kiếm sống. Một em thổ lộ :” Một năm rưỡi, em chuyển chỗ ở 3 lần. Hài lòng với công việc hiện tại của mình, công việc dễ thương, đồng nghiệp dễ thương, sếp dễ thương… song cuộc sống của em vẫn nhàn nhạt. Em không có một chỗ dựa khi mệt mỏi, dù chẳng lúc nào em ở một mình. Người ta lướt qua cuộc đời em, cũng như em lướt qua cuộc đời nhiều người khác để rồi cuốn xoáy theo những vòng quay rã rời. Vòng quay đó, đẩy em ly tâm khỏi xúc cảm đích thực khi sống “(tr.49). Họ giao tiếp với đàn ông một cách vô cảm. “yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao”, người tình nếu có, chỉ như chiếc áo khoác trong nhất thời. Đan nói :” em cặp với ai cũng chỉ để vui thôi mà “(tr.198), “Đan coi những chuyện đã qua chỉ là tình một đêm “(193). Họ là ai trong xã hội? Nhân vật Em tự định danh mình như sau :”Bạn bè của người ấy ai cũng cặp bồ, họ đều quan niệm’cặp bồ là mốt’. Dĩ nhiên em là vợ hai, là người yêu, là bồ nhí,… của người ấy. Có lần người ấy hỏi em thích được gọi bằng gì? Em lơ đễnh :’ Vợ bé, nhân tình, bồ nhí, phở,… gì cũng được’, rồi bất chợt chùng xuống ‘…hoặc là gái gọi cũng chẳng sao’. Em giải thích :’thì chẳng phải lúc nào anh gọi em mới đến sao?’ “(tr.53). Hoàn cảnh sống của họ : “ là kẻ lông bông, gia đình ở xa, một mình bon chen giữa thành phố xô bồ…”(114).Tính cách của họ hao hao nhau: ”Từng trải, gai góc, sành sỏi”(tr.74). Họ đốp chát, huỵch toet vào mặt đàn ông :”Chẳng phải đàn ông chỉ cần vui vẻ trong chốc lát thôi sao? Chẳng phải đàn ông chỉ vì chút dục vọng có thể chà đạp lên tất cả mọi giá trị sao ? chẳng phải anh đã có gia đình rồi mà vẫn lao vào em ngoại tình ?( 198)

Họ hoàn toàn xa lạ với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ truyền thống coi phẩm hạnh, tình nghiã thuỷ chung là giá trị hàng đầu. Những cô gái dị bản không hề bận tâm đến phẩm hạnh, không hề biết trơ trẽn khi nhân phẩm loã lồ. Nếu người phụ nữ truyền thống coi việc có chồng, có con, đảm đang xây dựng gia đình, lấy đức hy sinh cho chồng con làm nền tảng của hạnh phúc thì trái lại, những dị bản không nghĩ đến chuyện chồng con, vì không tin ai , ăn ngủ với nhiều người mà không bận tâm đến tra hỏi về giá trị nhân phẩm. Đạo thuỷ chung, đức hy sinh là hoàn toàn xa lạ. Người phụ nữ truyền thống (nhân vật Hai Bà Trưng - Lời Than Vãn Của Bà Trưng Trắc, Nguyễn Ái Quốc ), nhân vật người phụ nữ trong văn học cách mạng còn có phẩm chất xã hội cao đẹp hơn, như phẩm chất anh hùng, tình làng nghiã xóm, tình đồng chí đồng bào, họ dám xả thân cho nghiã lớn.Nhân vật dị bản chỉ quanh quẩn trong cái tôi của mình, trong không gian ảo, quán café, khách sạn và khi không còn lối thoát, thì một vốc thuốc ngủ là xong đời (tr.175)

Xa rời truyền thống, những cô gái dị bản có gốc gác xã hội từ đâu ? Ai cũng hiểu tính cách của dị bản thực chất là văn hoá của chủ nghiã thực dụng phương Tây, chủ nghiã cá nhân, chủ nghiã sex, như một phương cách giải phóng phụ nữ (khỏi đạo đức phong kiến). Thích ai thì mời lên giường, qua đêm, “quấn quýt lấy nhau tíu tít trong phút giây, rồi lại bình thản nhìn nhau như người dưng giữa cuộc đời “(tr 39). Với họ, sex là một bản năng như mọi bản năng cần đáp ứng thế thôi. Như, đói thì ăn, khát thì uống, lên cơn xác thịt thì tìm thoả mãn, chán thì chia tay. Không đạo đức, không ràng buộc, không là bất cứ giá trị nhân phẩm nào. Nhân vật dị bản có thể rao bán trái tim, đại hạ giá, xuống mức cho không biếu không (169).

Keng tô đậm những đường nét này ở những nhân vật dị bản, một cách khẳng định, một cách tự tin, như một lẽ sống, một đắc thắng đối với phẩm hạnh truyền thống. Các nàng dị bản đã quật ngã các chàng ( với tư cách là dân chơi) trong những cuộc tranh luận. Nhân vật Tôi phải thú nhận chiu thua (tr.205). Điếu này có nghiã gì? Phải chăng Keng muốn rao truyền kiểu sống như vậy cho các bạn gái trẻ? Nếu tác giả có chủ đích như vậy thì đó là sự tha hoá trong ý thức của người cầm bút đáng lên án và sẽ là tuyệt vọng để tìm sự cứu rỗi.

Có thể tác giả KENG cũng là một dị bản, một dị dạng của nhân cách.
Keng trả lời trong một cuộc phỏng vấn :

“Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.”(1)

Hỏi :-“Keng có nói, không phủ nhận yêu nhiều người. Liệu Keng có phủ nhận đã “have sex” với nhiều người không ?”

Keng trả lời :-”Hơn 1 đã là số nhiều, dĩ nhiên trước giờ tôi không chỉ có duy nhất 1 tình yêu để nảy sinh mối quan hệ có sex với duy nhất một người” (tr.212)

Những trả lời của tác giả Keng giúp người đọc hiểu những gì Keng viết trong Dị Bản cũng là những phiên bản của chính tác giả, viết để tự bào chữa cho chính mình và rao truyền “triết lý” sống ấy cho người khác. Keng thú nhận :”… trong mắt gia đình tôi bây giờ, tôi mang tính cách của các nhân vật nữ đã xây dựng. Gia đình tôi nghĩ có thể tôi là Les (đồng tính nữ), quan hệ tình dục bừa bãi, yêu đương nhố nhăng…”(tr 210). Keng biết rõ điều này :”Không biết có ai chấp nhận nổi mình trong gia đình của họ để làm vợ, làm mẹ?Nhưng tôi sẽ vẫn là tôi, khó thay đổi “(tr.211). “Văn là người” , chắc chắn gia đình Keng có cơ sở để nghĩ như vậy, và người đọc cũng không nghĩ khác về tác giả Keng.

Minh triết phương Đông và chuẩn mực văn hoá Việt không hề có kiểu cô gái dị bản như thế. Người phụ nữ Việt hiểu rõ thiên chức làm vợ và làm mẹ. Hạnh phúc của họ là ở chính thiên chức ấy, vì “phúc đức tại mẫu”. Người vợ, người mẹ là cội phúc của gia đình. Tình yêu trong hôn nhân bao giờ cũng là tình yêu trách nhiệm, thuỷ chung, giàu đức hy sinh. Sex không phải là một giá trị, một thú vui, mà tiết hạnh mới là đạo đức. Vì thế người phụ nữ trong văn hoá Việt được nhân dân được tôn thờ. Cả nước có rất nhiều đền thờ “thánh mẫu “. Cả nước hiện vẫn đang “đền ơn đáp nghĩa” các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự thuỷ chung, đức hy sinh của họ làm nên đất nước này. Hơn ai hết, người phụ nữ Việt Nam thể hiện đầy đủ nhất nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bởi lịch sử suốt 4000 năm dân tộc này phải chống ngoại xâm.

“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng”
(Mặt Đường Khát Vọng- Đất Nước-Nguyễn Khoa Điềm )

Nếu những người vợ ấy không là cái gốc của gia đình và xã hội, liệu người lính ngoài mặt trận có yên tâm và có sức chiến đấu không ? và dân tộc này có còn tồn tại trước những sức mạnh xâm lược quân sự và văn hoá không? Chúng ta hiểu rõ, bản lĩnh của một dân tộc thể hiện ở vẻ đẹp và sức mạnh văn hoá của dân tộc ấy. Rõ ràng nhận thức của Keng trong Dị Bản đã mất gốc về văn hoá

Nhân vật dị bản mất gốc về văn hoá nên mất cả định hướng cuộc sống, Họ không còn tìm thấy giá trị của cuộc sống. Nhi đã trải qua cuộc tình với Bảo, Phương, Hải, Tuấn, Anh, Quân, nhưng “Đời sống của Nhi chênh vênh không điểm tựa. Công việc dính liền với cái máy vi tính khiến Nhi trải lòng mình vào mạng ảo. Chat, mail, forum, blog… ồn ào trong những ảo ảnh của con tim cô độc”(tr.71), “ Nhi cười nói ầm ĩ nhưng trong lòng đã mòn một niềm tin”(tr73)

Keng thú nhận :”Biết sao hông ? Bởi vì cuộc sống của Keng nhàm tẻ quá! Keng không biết tìm niềm vui ở đâu, cho nên chỉ còn cách dựa vào thế giới ảo, bấu víu vào những gì không thực để huyễn hoặc mình”, ”vậy thì mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133). Keng đã nói như thế thì chúng ta chẳng có gì phải bàn về những cô gái dị bản như Keng nữa.

Tuy vậy, ở góc độ tác phẩm, không phải tác giả Keng hoàn toàn phủ định giá trị truyền thống trong tình yêu, hôn nhân và đạo đức. Nhân vật Chị và nhân vật Tôi nhiều lần lên tiếng nhắc nhở những dị bản, nhưng những tiếng nói ấy yếu ớt lắm.

Chị nói :”Nhưng em cũng đứng tuổi rồi, nên xác định cho mình một tương lai. Đừng như thế mãi, không tốt đâu. Em không nghĩ mình phải lấy chồng sao?” ( Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao.tr47)

Tôi khuyên Đan :”Nếu em thấy tình yêu đem lại hạnh phúc, sao không thử tiến đến hôn nhân?”
Đan trả lời :”Hạnh phúc gì đâu!Thỉnh thoảng yêu để thay đổi không khí chút. Chứ gắn liền nhịp sống của mình với một người nào đó, em chịu không thấu. Thực lòng mà nói em không nhớ được mình đã yêu những ai nữa”(Dị Bản.tr.188)

Trong suốt tập truyện ngắn , tác giả Keng có nhắc nhiều đến “quá khứ đau thương “ của các nhân vật, như là nguyên nhân gây ra những dị bản , chẳng hạn trường hợp Đan bị bố dượng hãm hiếp để trả thù mẹ Đan (Dị Bản ), nhưng theo dõi các nhân vật, hầu hết họ là hậu qủa cuả lối sống công nghiệp phương Tây hiện đại, quay quắt trong sự giao lưu văn hoá mà không định hướng được đâu bản sắc Việt. Họ không thể tự quân bình được chính mình. Cách sống của họ là một hình thức phản kháng yếu đuối, nếu không noí là bất lực. Keng có nói thật điều này:”Em yếu đuối trong cái vỏ gai góc, bản lịnh…”(tr. 56):

“…lúc nào em cũng không hài lòng về bản thân mình, chán nản với cuộc sống cầu bơ cầu bất của kẻ xa gia đình, bởi vì em bơ vơ, bởi vì ngoài bản thân, em không có bất cứ một điều gì khác. Trong sự mưu sinh chật vật, em đánh mất bao điều quan trọng của đời người. Em không biết ước mơ của mình nằm ở đâu? Em bất lực nhìn sự tự tin trôi tuột khỏi suy nghĩ mình. Sự sôi sục của tuổi trẻ lụi tàn trên thể xác kiệt quệ của em, và cái lăng kính màu hồng em từng nhìn đời phai màu xám xịt”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.56)

Những mẫu cô gái dị bản là có thật trong đời sống, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ của người trẻ. Chỉ có điều Keng đã tô quá đậm về họ và nâng lối sống của họ lên như một kiểu mẫu lý tưởng. Keng xác nhận :”Tôi thấy cuộc sống của mình rất tốt, độc lập, không chịu bất cứ sự kiềm tỏa nào. Có rất nhiều người tâm sự rằng mong muốn có một cuộc sống hoàn toàn tự do như tôi, để được phép quyết định mọi chuyện mình làm “(tr214).

Tôi nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng của tác giả Keng. Trong cõi đời này, làm gì có cái gọi là “hoàn toàn tự do”. Bởi chính Keng đang là con rối của chủ nghiã cá nhân vị kỷ, chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã sex phương Tây, mà Keng lầm tưởng là tự do. Keng mất gốc về văn hoá Việt và đang ngụp lặn lầm lạc trong văn hoá phương Tây đó thôi. “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, nó bị chi phối bởi xã hội. Giá trị của một con người là giá trị xã hội. Phẩm giá và ý nghiã đời người cũng nằm trong xã hội. Con người trần trụi, hoang dã, con người bản năng, thì không phải là con người văn hoá. Nhân loại phải mất bao nhiêu thế kỷ mới vươn lên từ con người bản năng thành con người văn hoá. Cái “hoàn toàn tự do” mà Keng miêu tả, cổ vũ trong Dị Bản là tự do sex với bất kỳ ai, không văn hoá, không đạo đức, kể cả không nhân phẩm. và cuối cùng là một vốc thuốc ngủ như chính Keng thú nhận : mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133).”Hoàn toàn tự do” như thế, nào có ích gì cho ai trong cõi đời này? Nếu Đặng Thuỳ Trâm còn sống, đọc những dòng này, chị sẽ nghĩ gì về những cô gái dị bản thế hệ sau mình ?

Nhưng tôi nghĩ rằng ở ngoài đời thực, tác giả Keng không nghĩ suy và sống như nhân vật của mình. Có chăng đó chỉ là những ẩn ức của Keng, vỡ ra thành nhân vật thôi, như cái nhọt nung mủ trong não trạng, trong vô thức, phải vỡ ra sự hôi thối không thể khác được.

Như vậy, sau khi cho nhân vật thoả mãn mọi khát vọng bản năng, lăn mình trần truồng vô cảm theo tiếng gọi của chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã cá nhân và cái gọi là tư do sex của phương Tây , Tác giả Keng đã nhận ra, từ những trải nghiệm đớn đau truyệt vọng, những giá trị nhân văn của phương Đông về những ý nghiã và giá trị đời người. Hầu như trong tập truyện, những chàng trai tốt đều bỏ những cô gái dị bản mà đi, sau khi đã cố thuyết phục họ không được. Cô gái điếm đã ngộ ra :”Nàng là một con điếm đã hoàn lương, nàng không thể sống bất cần như trước đây, nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình… cuộc sống của nàng rồi sẽ lại nguyên sơ xúc cảm “(Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau, tr.36). Vâng đúng . Trong cuộc sống , mỗi người phải có trách nhiệm với chính mình, và mọi người xung quanh. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải chỉ là tiền, là sex, là tự do thỏa mãn bản năng, là sống như loài thú hoang. Hạnh phúc lại ở trong chính việc thực hiện trách nhiệm của mình, khi mình biết hướng lòng yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Ai cũng cần có điểm tựa tinh thần, ai cũng cần hơi ấm. “Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều”. Trải nghiệm ấy của Keng đáng để bạn trẻ suy nghĩ.

Tác giả nhắn gửi mọi người : “Sống trên đời ai cũng cần một chiếc áo khoác cho tâm hồn, bởi có nhiều lúc ta cảm thấy lạnh. Nếu ta biết rằng mình là một chiếc áo cho ai đó, hãy cố gắng giữ ấm cho trái tim của người ấy nhé. Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều… sau câu chuyện kể, đó là lời nhắn nhủ của em. Mong rằng sẽ không còn ai lạnh lẽo, cô độc trên đời”( ”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.60)

Trong Dị Bản cũng có truyện khứa vào được những vấn đề xã hội, làm nhói buốt trái tim người đọc (Vàng, Dị Bản ).Những truyện này chứng tỏ Keng có năng lực viết vượt lên chính cái tôi cuả mình. Những truyện khác chỉ là tâm trạng , nghĩ suy của nhân vật tôi (phiên bản của tác giả). Keng chưa vượt qua được bước đầu tiên của nghề viết, là vượt ra ngoài nghĩ suy, trải nghiệm của cái tôi tác giả. Keng chưa hoá thân vào những kiếp người khác, chưa nói được tiếng nói nhân sinh trong những hình hài, những hoàn cảnh ngoài cuộc sống của chính Keng.

Dị Bản là một tự truyện không hơn không kém, Keng thú thực: “Dị bản thực chất là một trong số các entry tôi viết cách đây hơn một năm”.(2) tuy có hư cấu, có thay tên đổi họ nhân vật, có đặt họ vào những không gian khác nhau. Đọc suốt tập truyện, người đọc có cảm giá Dị Bản chỉ là truyện của một nhân vật. Mỗi truyện ngắn là một chương của một truyện dài. Thí dụ, truyện Chấm Hết, chỉ là nối tiếp miêu tả lần gặp gỡ thứ 6, sau 5 lần gặp gỡ trong truyện Tình Ảo Như Cánh Diều Đang Bay. Có thể liên tưởng thế này :

Keng là một dị bản, là một Les, vì thế Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao. Gia đình, Người tình như chiếc áo khoác. Nàng đã trải qua nhiều người đàn ông (như NHI trong Những cuộc tình chia lià chầm chậm ). Tất cả chỉ là “khúc tình không tên, Mong Manh Hư ảo, Tình ảo Như cánh Diều Đang Bay, con đường tình ngày càng tuột dốc, đến nỗi Rao bán trái tim, tình cho không biếu không cũng bị từ chối. Cuộc đời cứ như Những sợi len đan rối vào nhau.Tự tử nhiều lần cũng không thoát trách nhiệm, sau cùng con đường duy nhất là hoàn lương, “nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình “(tr.36)

Cái yếu nhất của ngòi bút Keng là thiếu vốn sống, Keng tỏ ra không biết “trời cao đất dày” xung quanh mình. Không gian truyện của Keng chỉ là vài quán café xung quanh hồ Con Ruà, vài chuyến vào Nam, ra Bắc, ra Vũng Tàu hoặc sang Thái Lan. Tác giả chỉ kể chứ không miêu tả cụ thể cảnh sắc, con người, sinh hoạt của từng nơi. Xã hội Việt Nam hiện tại có bao nhiêu điều cần nhà văn lên tiếng nói, chẳng hạn nạn phá thai ở người trẻ (mỗi năm ở VN có khoảng 1.6 triệu ca nạo phá thai, do người trẻ sống buông thả như keng) ; chẳng hạn tội ác ngày càng tăng trong giới trẻ, như giết người yêu, chặt đầu, cắt khúc phi tang; chẳng hạn tình trạng mất văn hóa do sự xâm lăng văn hoá từ bên ngoài khi VN mở cửa hội nhập…Cuộc sống đang tiến về phiá trước, có bao nhiêu cái đẹp mới ở người trẻ mà những thế hệ trước không có mà nhà văn có thể khẳng định. Dị Bản trình bày một bức tranh u ám chán ngắt về người trẻ. Những con người không còn ý thức gì về chính sự sống của mình. Không lý tưởng, không mục tiêu vươn lên, không có ý thức gì về cộng đồng, về đất nước, càng không có ý thức gì về văn hoá, về cái đẹp về những giá trị nhân văn cần giữ gìn.

Thực tình mà nói, đọc Keng, vài truyện đầu, tôi còn có một chút thú vị về giọng văn đáo để của con gái xứ Bắc, về ngôn ngữ chat trên net, về cách nói năng huỵch toẹt vào mặt nhau của những kẻ không còn ý thức nhân phẩm, về cá tính mạnh mẽ của một cây bút nữ, dám thổ lộ mình trực tiếp trong tác phẩm. Keng cũng có được những câu văn hay, có những nghĩ suy triết lý (kiểu triết lý vặt), những đoạn tâm trạng thấm thiá. Nhưng đọc thêm, tôi thấy chán ngắt, bởi vì cả tập truyện chỉ có một kiều bút pháp, một kiểu nhân vật, một kiểu thể hiện . Thực ra Keng chưa hiểu gì về bút pháp, về thi pháp truyện ngắn và ý thức sáng tạo. Keng mới viết ở dạng bản năng. Cụ thể là, nhân vật chưa hiện lên được như những chân dung, những tính cách, những số phận độc đáo, có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ.

Không gian truyện của Keng vô cùng tù túng, cuộc sống ngột ngạt không sao chịu nổi. Cách miêu tả áp đặt đến cực đoan (Nhi, Đan…). Tính sáng tạo nghệ thuật rất ít, nhiều chỗ kết nối vụng về và lặp lại. Chẳng hạn, nhân vật nữ về khuya, không vào nhà được, phải ngủ lại nhà bạn trai, chung giường tự nhiên, thế rồi là sex (Nhi với Quân, tr.72- Mộc, tr.102 – Đan và Tôi, tr 191…). Có một truyện Keng hé lộ năng lực sáng tạo của mình là Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau. Nhân vật cô gái điếm ngủ mơ thấy mình chết , hồi tưởng quá khứ. Sau đó tiếng mèo kêu đánh thức mình dậy. Nhưng truyện này Keng viết Cải lương quá, hời hợt và gượng gạo, thiếu tính logic hiện thực.
Tác giả Keng nói về việc “sáng tác” của mình thế này : - Tôi cũng tự nhận thấy hầu hết các nhân vật nữ trong Dị bản đều na ná nhau. Đây là lần đầu tiên tôi viết truyện. Trước đây, tôi thực sự không có ý sẽ viết truyện và in sách. Chính vì vậy mà khi viết những entry - truyện ngắn, nhân vật nào tôi cũng lôi tính cách của mình vào. Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.(1)

Tác giả Keng tiết lộ phản ứng của độc giả sau khi tập truyện Dị Bản phát hành : ”Họ nói văn thơ của tôi vớ vẩn, rẻ tiền, tôi bị bệnh hoang tưởng, tôi cần trở về cuộc sống bình thường…”(tr 210) Phản ứng của Keng là thế nào khi mobile của cô có tin nhắn SMS “mắng chửi” cô ? :”tôi ghét bị nháy máy vô cùng, thường nó làm tôi bực bội và chỉ muốn tra ra tận cùng kẻ đó là ai để hù cho kẻ đó biết mặt. Thực tình là tôi khá đanh đá !”(210). Tôi nghĩ, khi đã cầm bút, nhà văn phải chịu đựng được những ý kiến phản hồi của độc giả. Họ có lý của họ, bởi khi tác phẩm đã được phát hành, nó thuộc về công chúng. Tác giả đã chết (R. Barthes)

Ngòi bút của Keng có một vài mặt mạnh, nhưng nó còn ở dạng tiềm năng. Nếu Keng tiếp tục viết như đã viết Dị Bản thì phản ứng của bạn đọc cũng sẽ giống với thái độ gia đình Keng như tác giả thổ lộ ; ”Gia đình tôi nói không muốn đọc những tác phẩm sau này của tôi nữa nếu cứ tiếp tục viết như thế”(tr.210).

Bùi Công Thuấn. Tháng 7.2010

___________________________________

(*) Tác giả Keng
Tên thật: Đỗ Thị Thùy Linh. Ngày sinh: 21/10/1983. Hiện đang theo nghề copywriter tại Công ty Quảng cáo
New D&N, TPHCM.
(1) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews
(2) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét