album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

TẠP THI của Vương Duy

VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG

TẠP THI - Vương Duy (699–759)
Bùi Công Thuấn

雜 詩
君自故鄉來,
應知故鄉事。
來日綺窗前,
寒梅著花未。
Tạp thi - Vương Duy

Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trứơc hoa vị.

Dịch nghiã

Bạn từ quê cũ đến đây,
Chắc biết tình hình quê cũ.
Ngày (bạn) đến (đây), trước cửa sổ đẹp,
Cây mai lạnh đã nở hoa chưa ?

Thơ tạp
(Người dịch: Nguyễn Văn Nam)

Anh từ quê nhà tới,
Chắc biết rõ chuyện xưa.
Cây mai trước cửa sổ
Đông lạnh nở hoa chưa ?


Vương Duy 王 維 (699–759), người tỉnh Sơn Tây(TQ). Từ nhỏ đã nổi tiếng tài hoa. Đàn hay, vẽ giỏi, văn chương xuất chúng. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ và được bổ làm quan. Đời làm quan của ông nhiều thăng trầm. Sau loạn An Lộc Sơn(755), Vương Duy được phục chức và làm đến Thượng Thư Hữu Thừa. Ông ưa thú tiêu dao. Ông thường gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú ở trang viên riêng của mình. Thơ VD còn lại khoảng 400 bài. Phần nổi bật quan trọng của thơ ông là thơ thiên nhiên. Thơ ông còn đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của Phật. Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội họa. Tranh sơn thủy của ông mở đầu cho lối họa Nam Tông. Người ta thường khen ông là: "Trong thơ có họa, trong họa có thơ" (Thi trung hữu họa, Họa trung hữu thi). Ðối với Phật giáo đương thời, Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái thiền tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật. (Thivien.net)

Tạp Thi là bài thơ thể hiện tình yêu quê hương của Vương Duy. Ông thiết tha hỏi thăm bạn về quê hương, về cây mai trước nhà mình. Bài thơ là lời đối thoại của tác giả với bạn

Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.

“Anh từ quê xưa tới, Chắc biết chuyện quê xưa.”
Bài thơ mở đầu bằng tiếng “quân”[君], là tiếng xưng hô trân trọng với người đối diện (Quân là anh, bác –thí dụ : đã bấy lâu nay bác tới nhà –Nguyễn Khuyến ). Điều này giúp ta hiểu tác giả đang trong một cuộc đối thoại tiếp khách ở hiện tại. Chữ “cố hương” (quê cũ, quê xưa- quê hương mà hiện tại ta cách xa đã lâu ngày) được lặp lại hai lần trong hai câu thơ liên tiếp, diễn tả thái độ vồn vã, sự mong đợi của VD về “quê cũ”. Thái độ ấy bộc lộ tấm lòng của VD với quê xưa. Có lẽ VD đã xa quê lâu ngày, gặp được bạn quen từ quê ra, chưa kịp hỏi thăm bạn ra sao, nhà thơ đã săn đón hỏi chuyễn “cố hương”. Nhà thơ mong muốn được nghe chuyện quê cũ vì đoán chắc bạn biết chuyện quê của mình. Hẳn đây phải là một người nhà quê chân chất. Tại sao VD lại nóng lòng về chuyện cố hương vậy? Có thể lúc này đang loạn lạc chăng. An Lộc Sơn chiếm kinh thành Trường An (năm756), sát hại nhiều người. Đường Huyền Tông và Dương Quốc Trung hối hả bỏ chạy vào Thục[9]. Quân lính nhà Đường vô cùng hỗn loạn. Huyền Tông đành bắt Quý Phi thắt cổ ở Mã Ngôi.Trong hoàn cảnh ấy, Vương Duy cũng bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Phải chăng từ hoàn cảnh đó, VD mới nóng lỏng hỏi thăm bạn về “cố hương “.(Lưu ý: quê VD ở Sơn Tây- Trường An ở Thiểm Tây TQ)

Có một khoảng lặng im trong bài thơ giữa hai câu đầu và hai câu sau. Người đọc không nghe người bạn VD nói gì về tình cảnh “cố hương”. Có thể cố hương của ông không xảy ra điều gì đau thương trong cơn ly loạn ấy, hoặc đó là những chuyện chỉ nói riêng giữa hai người. Ngôn ngữ bây giờ là ngôn ngữ im lặng. Cho nên người đọc không nghe ông nói gì sau những câu ông dồn dập hỏi người bạn. Trong thế giới lặng im của “ý tại ngôn ngoại” ấy, vang lên tình yêu với quê hương với con người quê hương . Lời thơ nhường chỗ cho tiếng nói tâm hồn . Và tiếng nói tâm hồn nhường chỗ cho tình tri kỷ giữa hai người bạn. Với VD, tình bạn, tình quê là rất quý giá. Có lần xa nhà ông đã thốt lên :

Đất lạ đơn côi làm khách lạ
Mỗi lần tiết đẹp nhớ nhà hoài
Vẫn hay huynh đệ lên cao đấy
Đều cắm thù du thiếu một người.
(Ngày trùng cửu nhớ huynh đệ ở Sơn Đông -Người dịch: Đông A)
(* Thù du : Tên một loại thảo. Tiết Trùng Cửu người ta lên cao bẻ cành thù du
cắm vào một chỗ biểu tượng tình anh em gắn bó)

Trở lại Tạp Thi, câu thơ đang từ đối thoại đột ngột trở thành độc thoại

Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trứơc hoa vị.

Ta hình dung thế này, sau khi nghe bạn nói chuyện quê xưa, VD ngẩn người ra tư lự, rồi nhìn về xa xăm mà thốt lên : cây mai trước cửa sổ, Đông lạnh nở hoa chưa ? Bản dịch có chỗ chưa rõ. “Lai nhật” là “ngày bạn đến đây” hay là “khi ngày đến “ hoặc :” ngày ngày” (lai nhật : nghĩa từ nguyên là mặt trời đến) . Phép đối giữa câu 3 và câu 4 chỉ ra rằng , “lai nhật “ là từ đối với “hàn mai”. Cả hai cùng là danh từ. “Hàn mai” là mai lạnh , thì “lai nhật” là mặt trời đến, có nghĩa là “ngày ngày” (BCT). Điều này hợp lý hơn vì diễn đạt được nỗi mong đợi của VD. Trong ký ức của ông bây giờ là hình ảnh ngôi nhà ở quê, trước nhà có cây mai. Ông thường ngồi trong cửa sổ nhìn ra cây mai, đối thoại với cây mai, hoặc ít ra đó cũng là một người bạn bên ông mỗi khi mặt trời đến (bắt đầu một ngày). Ông nhớ lại cây mai và hỏi mai lạnh đã nở hoa chưa (Hàn mai trước hoa vi) Mai lạnh là mai mùa đông. Mai nở là mùa xuân. VD đang chờ mùa xuân đến ? Đây là thời gian hiện thực hay là một hình ảnh ẩn dụ? Có thể thực tại loạn lạc ông đang sống là mùa đông, và ông mong mùa xuân thanh bình đến? Dù thế nào, hình ảnh cây mai cũng bộc lộ cốt cách quân tử của ông. Trong thi pháp thơ cổ điển, tùng, cúc, mai, trúc là hình ảnh biểu tượng cho người quân tử. Cây mai trước cửa sổ ấy cũng chính là tác giả VD. Trong khoảnh khắc của ký ức, VD đã hoá thân vào cây mai quê hương, ông sống với chốn quê, với người quê. Và cũng chính ở quê nhà, VD mới giữ được cốt cách người quân tử, mới giữ được tâm hồn hướng về muà xuân trước mặt?

Bài thơ chỉ có 20 từ nhưng diễn đạt được hai tình cảm lớn là tình quê và tình nhà. Bốn câu thơ thực ra chỉ là hai câu hỏi. Câu đầu là câu hỏi từ thực tại, câu sau là câu hỏi trong ký ức. Những câu hỏi ấy diễn tả nổi trăn trở đau đáu của VD với quê nhà. Điều này khác rất xa với những bài thơ an nhiên của VD. Xin đọc :

Núi trống vắng tanh người,
Chỉ nghe vọng nói cười.
Nắng vào trong núi thẳm,
Lên ðám rêu xanh soi.
(Trại hươu - Người dịch: Trần Trọng San)

Điều đáng quý ở VD là, tuy được người đời tôn là Phật Thi, vì thơ ông nói về cái tâm KHÔNG của Phật( bài Đáp Bùi Địch) , nhưng VD vẫn nặng tình đời, tình người, tình quê. Nơi chốn ấy có những con người chân chất (Quân tự cố hương lai) , có cảnh sắc thanh cao (cây mai trước cửa sổ đẹp). Chính nơi ấy mới là chốn nuôi dưỡng hồn thơ ông, mới đem thơ ông đến với cuộc đời, và thơ ông mới vang lên những tình tự vọng đến ngàn sau. Ngày nay đọc lại thơ VD, ta gặp bóng dáng Nguyễn Khuyến trong con thuyền, hồ nước, chén rượi của VD (bài Lâm Hồ Đình) , gặp bước chân Phạm Thiên Thư trong những tứ thơ vừa rất đỗi trần tục vừa vô cùng thanh khiết của Phật Thi. (bài Mạnh Thành ao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét