ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI BẠN ĐỌC TRẺ-Bùi Công Thuấn
KÍNH GỬI BẠN TRI ÂM
Những ngày gần đây, blog BCT có đưa thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, bài viết THƠ VIỆT, MỘT HÀNH TRÌNH CHƯA NGỪNG NGHỈ và NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ (đọc thơ Lưu Diệu Vân ). Bạn đọc đã có những phản đối mạnh mẽ.
Điều này là một tín hiệu vui, bởi bạn đọc đã đứng trên ý thức thẩm mỹ của văn hoá Việt có truyền thống văn hiến hàng ngàn năm, từ đó nhận ra những gì không phù hợp với cái đẹp Việt Nam, từ đó phản đối những gì là độc hại và có nguy cơ làm tha hoá người trẻ. Thái độ ấy thật quý gía, vì cuộc sống hôm nay, chủ nghiã thực dụng phương Tây đang làm sụp lở bao giá trị đẹp đẽ của văn hoá Việt
Một số tác giả hải ngoại (có cả trong nước)nhân danh Hậu Hiện Đại,không coi nghệ thuật là sự sáng tạo cái ĐẸP, họ đạp đổ những Đại Tự Sự, tức là những niềm tin chân lý, những giá trị thiêng liêng, những truyền thống văn hiến (sự đạp đổ ấy được gọi là "gỉai thiêng"); thay vào đó là sự lên ngôi của cái TỤC, cái DƠ, cái "đầu đường xó chợ". Họ chửi bới, chà đạp lên tất cả. Họ dùng những cách nói năng, mà một người VN bình thường, có văn hoá, trong giao tiếp cũng không sử dụng. Họ cho rằng ngôn ngữ không có từ sang từ hèn, không có từ thanh từ tục. Ngôn ngữ là bình đẳng, nên từ nào cũng như từ nào. Bạn đọc trong nước và các bạn trẻ có nền tảng văn hoá Việt đều không thể tiếp nhận được kiểu viết như vậy
Bởi thực chất đó là những quan điểm suy đồi về văn học nghệ thuật. Nghệ thuật, từ muôn thuở, là SỰ SÁNG TẠO CÁI ĐẸP. Khi lấy CÁI TỤC, CÁI DƠ, CÁI KHÔNG VĂN HOÁ làm đối tượng và chuẩn mực cho sáng tạo nghệ thuật thì người viết đã từ bỏ nghệ thuật rồi. Nguyễn Đăng Thường chủ trương làm một thứ "thơ không thơ, văn không văn", nhóm Mở Miệng cũng tuyên bố "không làm thơ ". Đúng như bạn Nguyễn Thị Bé nhận định: những cái đó không phải là "thơ". Rất may,ở trong nước, nhiều tác giả trẻ đang nỗ lực cách tân ngòi bút của mình bằng kỹ thuật Hậu Hiện Đại, nhưng vẫn giữ được ý thức thẩm mỹ truyền thống Việt.
Ngôn ngữ dùng để gọi tên sự vật,vì thế nó phản ánh sự vật, nó gợi trong đầu óc người nghe, người đọc về sự vật được định danh. Ngôn ngữ còn là công cụ tư duy, công cụ giao tiếp, là chất liệu sáng tạo nghệ thuật, nó là văn hoá. Bản thân vỏ chữ là bình đẳng. Nhưng nội hàm của chữ, tức là hiện thực nó phản ánh và ý thức về hiện thực ấy thì không bình đẳng. Trong hiện thực, cái DƠ, cái TỤC, cái ĐẸP là khác nhau, có giá trị khác nhau, không thể đứng bên nhau (hoa hồng không thể cắm trên bãi phân trâu, chưng trong phòng khách). Vì thế quan niệm cho rằng ngôn ngữ là bình đẳng chỉ là ý thức làm tha hoá ngôn ngữ, che dấu những mục đích riêng. Con người cần cái ĐẸP, và cũng chỉ con người mới có ý thức về cái ĐẸP, có ý thức làm đẹp. Văn học nghệ thuật chính là ý thức ấy, nó góp phần thăng hoa con người từ con người bản năng thành con người văn hoá. Tất cả những gì làm cho con người văn hoá trở lại con người bản năng đều là suy đồi. Văn học nghệ thuật luôn chống lại sự suy đồi.Hãy ngồi trong một phòng hoà nhạc và nghe Yanni trình tấu, bạn sẽ cảm nhận được giá trị tuyệt vời của cái đẹp. Cuộc sống trở nên thú vị biết bao
Văn hoá và ngôn ngữ của một dân tộc phản ánh sức sống, bản lĩnh và cốt cách của dân tộc ấy. Dân tộc này khác dân tộc kia chủ yếu là khác biệt văn hoá. Dân tộc VN sở dĩ tồn tại được trong 4000 năm lịch sử, là nhờ có một bản lĩnh văn hoá và ngôn ngữ giàu đẹp. Các thế hệ nhà thơ nhà văn luôn có ý thức làm cho ngôn ngữ ấy mỗi ngày mỗi giàu đẹp hơn (xin đọc lại Nguyễn Trãi,Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm...). Vì thế, việc làm tha hoá ngôn ngữ văn chương Việt thực chất là một khuynh hướng đi ngược với truyền thống, không thể chấp nhận được.
Những bài viết trên blog BCT có đề cập đến một số bài "thơ" của các tác giả hải ngoại, trước hết là để bạn đọc biết qua về những gì họ viết và cách họ viết. (để biết rõ hơn văn học hải ngoại, xin đọc các bài viết của Thuỵ Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mộng Giác...). Quyền đánh giá hoàn toàn thuộc về bạn đọc. Người Việt trên khắp thế giới, dù ở đâu cũng thuộc về dân tộc Việt Nam (nếu trong huyết nhục họ còn những phẩm chất văn hoá Việt). Văn học nghệ thuật Việt trong nước là chính, nhưng trên thế giới, văn học nghệ thuật của người Việt cũng có những thành tựu và những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng đáng trân trọng.
Tuy vậy, trong sáng tác của tác giả hải ngoại, có nhiều khác biệt về văn hoá và ý thức thẩm mỹ đối với văn hoá và thẩm mỹ Việt trong nước. Có thể có những khoảng cách văn hoá không thể vượt qua. Dù sao, trong xu thế toàn cầu hoá, văn học nghệ thuật VN cần vươn ra thế giới, đồng thời chúng ta cũng cần biết và chấp nhận những cái khác biệt. Mọi tiếp thu, sáng tạo cái mới đều phải mang tính nhân văn, tính dân tộc sâu sắc. Có vậy VHNT Việt Nam mới có cơ may sánh vai với các nền VHNT tiến bộ trên thế giới.
Trên dòng sông văn chương, những cái RÁC, cái DƠ, cái TỤC, cái NHỐ NHĂNG, cái nổi lềnh bềnh, rồi sẽ bị cuốn trôi.
Với tư cách người viết phê bình văn chương, BCT cần tiếp cận với mọi khuynh hướng sáng tác. BCT đã sử dụng phương pháp phân tích của nhiều lý thuyết văn học khác nhau để tiếp cận tác phẩm. BCT trân trọng những khám phá sáng tạo, những thể nghiệm đem đến cho văn chương VN cái MỚI, cái ĐẸP,và những giá trị giàu tính NHÂN VĂN trên nền tảng cuả văn hoá DÂN TỘC.
Vài dòng chia sẻ với bạn đọc. Xin cám ơn tất cả các bạn đã ghé thăm blog BCT. Xin cám ơn những comments,những lo lắng trăn trở về những vấn đề văn học nghệ thuật đương đại. Chúc các bạn nhiều niềm vui và thăng tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét