Đất Nước là Đất Nước nhân dân
(Đọc đoạn trích ĐẤT NƯỚC, chương V Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm)
Bùi Công Thuấn
Đoạn trích Đất Nước, chương V trường ca Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm là một bài rất khó giảng trong chương trình Văn lớp 12.(SGK Văn 12, tập I, tr. 117, Nxb Giáo dục). Sách Giáo Viên lớp 12 (tập 1, Nxb Giáo Dục tr. 174) tuy có hướng dẫn tổng quát, song không đi vào chi tiết giảng thơ, thành ra thầy cô dạy 12 vẫn phải tự mình mày mò giải mã tác phẩm và lại loay hoay tìm cách hướng dẫn học sinh học tập. Và dường như xoay cách nào, vẫn không thấy an tâm với việc khám phá ý nghĩa thật của tác phẩm. Với thời lượng 2 tiết, việc đọc hiểu đoạn trích đã là vất vả, còn nói gì đến giảng giải, phân tích, cảm thụ một đoạn thơ hay. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều với thầy cô dạy lớp 12 về những gì mà Sách Giáo Viên không nói đến, và chia sẻ một cách tiếp cận khác đối với bài thơ này
1.Đất Nước là thơ Chính luận…
Chính luận –trữ tình là kiểu thơ đặc sắc của thơ ca chống Mỹ, là sự kết tinh giữa cảm xúc và suy tư. Thơ là dòng chảy tâm trạng của nhân vật trữ tình thông qua tứ thơ. Tư duy thơ là tư duy hình tượng. Chính luận thuộc kiểu tư duy logic, là suy tư, nhận thức, bàn luận. Đặc trưng của chính luận là nghệ thuật lập luận. Hai kiểu tư duy này trái ngược nhau, nhưng lại có thể kết hợp để tạo ra một kiểu thơ trí tuệ trong thơ ca Việt Nam đương đại, nâng thơ ca VN lên bước phát triển mới so với thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Đất Nước là một thành công đặc biệt của kiểu tư duy chính luận –trữ tình, trí tuệ mà dân dã, truyền thống mà hiện đại. Cái hay của thơ Chính luận-trữ tình là cái hay trí tuệ, không phải cái hay cảm tính, vì thế, nếu không hiểu được nội dung thơ, không hiểu sự khám phá trí tuệ của nhà thơ, thì không thể cảm nhận được giá trị thẩm mỹ của thơ.
Xin đọc đoạn thơ mở đầu
Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..
Cấu trúc đoạn thơ là một lập luận quy nạp. Câu mở đầu và câu kết, mở ra và chốt lại chủ đề : Đất nước đã có từ lâu đời, từ “ngày xửa ngày xưa”. Những tứ thơ nằm ở giữa đoạn là chất liệu, nhằm chứng minh cho chủ đề, khẳng định lập luận của tác giả.
Điệp từ “có” khẳng định sự tồn tại của Đất Nước.
Tác giả không nói Đất Nước là gì, mà khám phá ra sự tồn tại của Đất Nước. Người đọc theo chỉ dẫn của tác giả, mà tự mình khám phá ra Đất Nước. “Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể”, tức là có trong cổ tích. Đọc truyện Họ Hồng Bàng, ta hiểu cội nguồn dân tộc từ Lạc Long Quân-Âu Cơ truyền lại 18 đời vua Hùng, hiểu những truyền thống cao đẹp của ĐN. ĐN là miếng trầu của bà, là búi tóc của mẹ, là cái tên của ta, là hạt gạo ta ăn. Do đâu tác giả có thể khẳng định điều ấy ? Bởi vì, chỉ có người VN mới có tục ăn trầu. Người VN “búi tó của hành làm anh thiên hạ” khác với người Hoa tết tóc đuôi sam... Người VN đặt tên con bằng những vật dụng mộc, cái kèo, cái cột, thằng tí thằng tèo, khác với người Hoa đặt tên chữ. Hạt gạo cũng là ĐN, bởi hạt gạo VN nhiều mồ hôi, nhiều tình nghĩa “Một nắng hai sương” khác hạt gạo Mỹ sản xuất bằng máy móc công nghiệp.
Vâng, ĐN là những cái cụ thể, thiết thân. ĐN không phải là cái xa với ở ngoài ta. Nguyễn Khoa Điềm nhắc đến miếng trầu của bà, bới tóc của mẹ, tình thương của cha mẹ là để nói đến mối quan hệ máu thịt , thiết thân của ta với ĐN, như ta với bà, với mnẹ, với mẹ cha.
Hiểu như thế, mới chỉ là hiểu trên mặt cấu trúc tường minh, còn một lớp nghĩa khác nằm ngoài cấu trúc. ĐN có những truyền thống cao đẹp ngàn đời. Truyền thống “trồng tre đánh giặc”, tức là truyền thống đánh giặc anh hùng khởi đi từ Gióng. Truyền thống thuỷ chung : “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Câu thơ này không thể hiểu bằng nghĩa tường minh, mà nghĩa nằm trong một liên văn bản. Ca dao có câu :”Tay bưng đĩa muối chén gừng/ gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Cha mẹ thương nhau bằng tình nghĩa thuỷ chung, câu thơ mượn tình ý ở vế ẩn “xin đừng quên nhau”để nói về một truyền thống cao đẹp của gia đình VN. Gia đình Phong kiến Trung Hoa thì “năm thê bảy thiếp”, phương Tây thì lứa đôi li dị như thay áo, chỉ có người VN mới sống thuỷ chung, vì cha mẹ cùng chia nhau “gừng cay muối mặn”, gian khổ ngọt bùi.
Người đọc vẫn còn băn khoăn ở những từ, tuy thoáng qua, nhưng không thể không giải mã. Chẳng hạn, ĐN đã có 4000 năm lịch sử, sao tác giả lại có thể viết :” Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”? Hai chữ “bắt đầu” và “bây giờ”tạo nên một ngữ nghĩa thật lạ lùng. Đất Nước bắt đầu với miếng trầu hay ĐN bắt đầu bây giờ”? Cả khi hiểu ĐN bắt đầu từ khi có miếng trầu (truyện trầu cau thời vua Hùng) cũng không ổn. Phải Giải Cấu Trúc câu để tìm đến liên văn bản. Người Việt có tục ăn trầu, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Chữ “bắt đầu” trong câu thơ có nguồn từ câu tục ngữ này. Cả câu thơ chỉ có nghĩa, miếng trầu bà ăn hôm nay, tuy đã có từ thời vua Hùng, cũng là đất nước.
Câu thơ sau đây còn lạ lùng hơn nữa về một kiểu ngôn ngữ thơ.
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
Đọc ở mặt văn bản thì câu này chỉ là một câu văn nói vụng về, lủng củng (thì, là, mà…). Vậy “chất thơ” thể hiện ở yếu tố nào ? Tôi nói đây là câu văn nói vụng về bởi câu văn có thể viết lại cho trong sáng hơn : “tóc mẹ bới sau đầu”. Ngay cả viết như thế, câu văn cũng không đem lại một thông tin nào mới mẻ. Bởi tóc ai mà không bới sau đầu, chẳng nhẽ lại bới tóc trước đầu (?!). Ấy vậy mà câu văn nói vụng về ấy lại là một câu thơ. Thật không dễ phát hiện ra chất thơ của phát ngôn này. Chất thơ được tạo ra ở chữ “thì”. Đó là một điều lạ lùng của ngôn ngữ. Từ “thì” được dùng để nhấn mạnh,(nghĩa tu từ, không phải nghĩa từ vựng) và nhấn mạnh vào búi tóc. Người đọc buộc phải suy nghĩ xem tại sao tác giả khẳng định búi tóc của mẹ cũng là Đất Nước. Đến Đây, buộc ta phải quan sát, so sánh. Người Việt búi tó củ hành, khác với người Hoa tết tóc đuôi sam. Phụ nữ phương Tây thì uốn tóc. Nếu có ba người phụ nữ khác nhau về quốc tịch : Hoa, Pháp, Việt, thì ta có thể nhận ra ngay người phụ nữ VN qua búi tóc. Nhận ra búi tóc cũng là là nhận ra ĐN. Tác giả bước thêm một bước nhận thức : búi tóc của mẹ cũng là Đất Nước.
Để hiểu Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, cần phải giảng giải cận kẽ nghệ thuật ngôn ngữ, kiểu tư duy thơ rất riêng của NKĐ như vậy. Nếu không, sẽ chỉ là “tán”, là “đoán mò” ngữ nghĩa, và không thể nhận ra chất thơ, và cái hay của kiểu thơ trí tuệ. Điều đặc sắc là NKĐ đã khám phá và khẳng định sự tồn tại của Đất Nước từ văn hoá, tục ngữ, ca dao, cổ tích, phong tục… Bởi bản sắc của một dân tộc nằm trong văn hoá, lịch sử, lối sống. Nhiều người nước ngoài không phân biệt được văn hoá Việt Nam với văn hoá Trung Quốc. Khẳng định sự tồn tại của đất nước qua sự tồn tại của một nền văn hoá lâu đời, có bản sắc riêng, là một khẳng định đầy tính thuyết phục. Và người đọc, nếu không có vốn văn hoá này, và không hiểu kiểu tư duy thơ Nguyễn Khoa Điềm thì không thễ cảm thụ đoạn thơ.
2. Đất nước là thơ trữ tình
Nhiều khi thầy cô quá thiên về khai thác những ý nghiã chính luận của đoạn thơ mà dễ dàng bỏ qua chất trữ tình trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.
NKĐ đã triển khai một hệ thống ý tưởng để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước là của nhân dân. Mở đầu tác giả khẳng định ĐN đã tồn tại lâu đời. ĐN là một thể thống nhất, ĐN do nhân dân hoá thân thành và ĐN là của nhân dân. Nhà thơ kêu gọi mỗi người phải có trách nhiệm “gắn bó và san sẻ” trách nhiệm với ĐN, kêu gọi mọi người “hoá thân “ để làm nên ĐN muôn đời
Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
Đoạn thơ hoàn toàn là là một lời kêu gọi chính luận. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ chính luận, là lời kêu gọi trực tiếp. Đoạn này được ra thi Tú Tài, hầu hết thí sinh sẽ phân tích thơ như làm một bài chính luận, có chăng chỉ khác một chút là cố gắng “tán” mấy từ “hoá thân cho dáng hình xứ sở”, và cũng chỉ tán chung chung mơ hồ, không thể giải mã được gì. Tất nhiên, nếu xét về tư tưởng, thầy cô vẫn khai thác được những ý tứ có chiều sâu. Chẳng hạn, tư tưởng “ĐN là máu xương của mình”. Đây là ý thức yêu nước sâu sắc. Chỉ đến thơ thời kỳ chống Mỹ mới đạt đến. Thơ thời kháng chiến chống Pháp tình cảm yêu nước lồng trong tình quê hương (chẳng hạn, bài thơ Đồng Chí-Chính Hữu). Văn học trung đại thể hiện tư tưởng yêu nước Thiên Mệnh (Sông Núi Nước Nam), yêu nước trung nghĩa (Hịch Tướng Sĩ), yêu nước nhân nghĩa (Bình Ngô Đại Cáo). Đến Nguyễn Đình Chiểu , yêu nước là yêu “tấc đất ngọn rau ơn chúa”. Phan Bội Châu thì hát bài ca Ái Quốc: ” Nay ta hát một thiên ái quốc/ Yêu gì hơn yêu nước nhà ta/ Trang nghiêm bốn mặt sơn hà/ Ông cha để lại cho ta lọ vàng…”(Ái quốc). Yêu nước là yêu núi sông gấm vóc do cha ông để lại…Nhưng nếu giảng như thế, đoạn thơ hoàn toàn thiên về tư tưởng chính luận, làm mất đi chất thơ của đoạn trích
Trong tình huống như vậy, cần phải khai thác chất trữ tình trong thơ NKĐ.
Trong cụm từ “em ơi em” thì nhân vật em là ai. Những từ “ta, anh, em, dân mình, đồng bào ta, con ta..” bộc lộ cảm xúc gì của tác giả ?
Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn…
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ…
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Nhà thơ đã nhập thân vào ĐN, đã hoá thân để nói tiếng nói sâu thẳm trong lòng mỗi người, bộc lộ trực tiếp những tình cảm với ĐN, khiến cho câu thơ không cần giảng nghĩa mà vẫn có thể cảm được. Thực ra những tiếng nói như thế đã là tiếng nói của cả dân tộc từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc lập. Người tố cáo tội ác của thực dân Pháp:
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết…
3.Sự hài hoà chính luận-trữ tình làm nên đặc sắc của Đất Nước.
Đoạn thơ sau đây có thể là tiêu biểu
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Chủ đề đoạn thơ là câu cuối cùng:” Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Chủ đề này được triển khai bằng một đoạn quy nạp. Tám câu đầu là những trường hợp cụ thể sự hoá thân của nhân dân thành Đất Nước. Bốn câu cuối là khái quát sự hoá thân của nhân dân trong không gian, trong thời gian lịch sử.
Nếu chỉ trình bày ý tưởng chính luận ấy của đoạn thơ thì sẽ không sao cảm nhận được tài thơ của ngòi bút NKĐ. Hãy nhìn vào cấu trúc của 8 câu thơ đầu. Tất cả các câu đều có cùng một cấu trúc ngữ pháp (tu từ cú pháp). Vế trước của mỗi câu là nhân vật, phía sau của câu là một di tích , một địa danh. Tác giả khám phá ra ĐN từ những di tích, địa danh, và khám phá ra sự hoá thân của nhân dân thành ĐN.
Tại sao tác giả lại đưa lên đầu đọan hình ảnh người phụ nữ?
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Từ sự tích Hòn Vọng Phu, người đọc khám phá ra ý nghĩa này, lịch sử 4000 năm của dân tộc là lịch sử chống ngoại xâm. Những người mẹ, người vợ đã dâng hiến con mình, chồng mình cho ĐN, hy sinh hạnh phúc, hy sinh tuổi thanh xuân. Nếu không có sự hy sinh âm thầm, lớn lao ấy của những người mẹ, người vợ, ĐN này đã không thể tồn tại. Ngay trong thời đại chúng ta, có người mẹ anh hùng hy sinh 7 người con. Mẹ đã đi từ bắc chí nam, theo dấu chân hành quân của đơn vị để tìm mộ con, nhưng đến đâu cũng chỉ tìm thấy mộ tập thể của đồng đội con. Những người vợ nhớ chồng đáng tôn kính biết bao.
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình điều gì?
Học trò Việt Nam xưa nay vốn nghèo, lấy gì mà đóng góp ? Còn nhớ chuyện học trò nghèo Trần Minh khố chuối. Nghèo đến thế thì lấy gì mà góp cho ĐN? “Núi Bút non Nghiên” là một di tích, trở thành biểu tượng cho sự đóng góp to lớn của anh học trò nghèo. Một nhân vật lịch sử có thể làm rõ ý tưởng này. Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh, vốn là người học trò nghèo. Thế nhưng, những gì Nguyễn Trãi “góp” cho ĐN này, khó có ai sánh bằng. Tư tưởng nhân nghĩa, Bình Ngô Đại Cáo, thơ Quốc Âm, Lam Sơn Thực Lục, Dư Địa Chí, Quân Trung Từ Mệnh Tập là những tác phẩm vô giá cho đời sau. Nguyễn Trãi trở thành danh nhân văn hoá thế giới. Trở thành niềm tự hào của dân tộc này.
Khai thác những ý tưởng như thế của hình ảnh thơ, sẽ chạm đến giải tầng tình cảm sâu thẳm trong lòng học sinh về nhân dân và đất nước mình. Để rồi sau đó, ở 4 câu cuối, tình cảm ấy sẽ cất lên thành niềm yêu mến, tự hào có sức ngân vang sử thi. Tình cảm yêu mến tự hào về đất nước của tác giả hoà trong bai ca, ca ngợi sự hoá thân của nhân dân thành ĐN.
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Trong phần khái quát này, NKĐ tiếp tục khám phá ĐN bằng những suy tư không dễ giải mã.
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.
Tác giả nhìn thấy căn gốc Việt, bản lĩnh Việt, sức mạnh Việt là ở nông thôn, tận những “ruộng đồng gò bãi”, hiển lộ trong dáng hình, trong ao ước và trong lối sống ông cha. Đó là cái nhìn vừa có chất sử thi, vừa đậm màu sắc tâm linh (địa linh nhân kiệt). Dáng hình đó là gì, cha ông có ao ước gì, lối sống ông cha là lối sống thế nào ?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải trở lại hệ thống hình ảnh ở trên, tìm ý nghĩa trong, những người vợ, Gióng, Hùng Vương, anh học trò nghèo, con voi, con rồng, con cóc con gà, ông Đốc, ông Trang, Bà Đen Bà Điểm, cả những con người không tên. Đó là dáng hình yêu nước anh hùng của Gióng, là ao ước hoà bình của những người vợ chờ chồng đi chiến trường, là khát vọng cống hiến cho đất nước của người trí thức nghèo, là lối sống giản dị nghĩa tình (con cóc con gà-những người lao động bình dân), lối sống lấy sự hoà mình, tự nguyện vì cộng đồng (Ông Đốc, ông Trang), khác rất xa với lối sống vị kỷ, cá nhân thực dụng chủ nghĩa của một bộ phận người Việt hôm nay. Nếu cảm nhận được như vậy, ta sẽ thấy yêu thêm đất nước mình, quý mến trân trọng hơn nhân dân mình.
Vì tác giả khai thác vốn văn hoá làm chất liệu thơ, người đọc cũng phải có vốn văn hoá dân tộc mới cảm hiểu được những suy tư của tác giả. Sức hấp dẫn của thơ trí tuệ là ở năng lực trí tuệ khám phá những ý tưởng thơ. Người xưa nói , “vô tri bất mộ”, không hiểu thì không yêu mến. Không biết đất Tổ Hùng Vương có 99 ngọn núi nằm như 99 con voi phục, thì sao hiểu được tầm trí tuệ cha ông thời mở nước, để đất nước này tồn tại mãi với muôn đời. Không biết ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm là ai, sao có thể hiểu tính cách con người phương Nam. Không hiểu Gióng thì không thể hiểu sức mạnh Việt Nam. Thế mới biết, giảng văn đòi hỏi thầy cô một trình độ hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc mình, một tấm lòng yêu tha thiết nhân dân mình, và một lòng nhiệt thành cháy mãi khôn nguôi truyền lửa cho học sinh thân yêu của mình. Đất Nước là một đoạn trích hay và sâu sắc.
Tháng 6 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét