album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

ÔN THI ĐH-NGUYỄN TUÂN-CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ



Ôn thi Đại học
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ Bùi Công Thuấn



Nguyễn Tuân là một tác gia thường được ra thi. Chữ Người Tử Tù và Người Lái đò Sông Đà tiêu biểu cho hai thời kỳ sáng tác của ông. Đồng thời thể hiện sự thay đổi về chất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đề ra về Nguyễn Tuân khá đa dạng, tuy nhiên vẫn nằm trong hai tác phẩm trên. Cần học kỹ tiểu sử, sự nghiệp văn chương, đặc điểm con người và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT HUẤN CAO TRONG CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
(Dàn ý chi tiết)

NGUYỄN TUÂN TẬP TRUNG MIÊU TẢ NHÂN VẬT HUẤN CAO

Nhân vật Huấn Cao gây được ấn tượng sâu đậm là do cách Nguyễn Tuân (NT) khắc họa nhân vật. Trước hết NT miêu tả gián tiếp qua nhận thức cuả quan ngục.

Khi nhận trát giao tù, Quan ngục đã nghe vang danh HC :” Đứng đầu bọn phản nghịch “, nổi tiếng về “ cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp “. Ngoài tài viết chữ tốt Huấn Cao còn có tài bẻ khoá và vượt ngục nưã “. “ văn võ toàn tài “. “ Một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ “. Quan ngục muốn biệt đãi Huấn Cao, trong mắt nhìn HC, Quản ngục có lòng kiêng nể. Những miêu tả ấy tạo nên ám ảnh khiến người đọc chờ đợi được đối diện trực tiếp với HC

Trong cảnh xuất hiện trước cưả ngục, HC ngang tàng, coi khinh bọn quan ngục.

Trong cảnh đối diện trực tiếp với quản ngục : HC khinh bạc đến điều nhưng ngạc nhiên về thái độ quản ngục. HC thổ lộ tâm sự : Chí lớn không thành

Trong cảnh cho chữ ở cuối truyện : HC lẫm liệt trong ánh sáng cuả cái đẹp, khí phách và thiên lương . NT dành cho HC tất cả sự tôn vinh khi để Ngục Quan “ vái người tù một vái “.

Ngôn ngữ của NT khi viết về HC là ngôn ngữ ngợi ca. Nguyễn Tuân cho HC xuất hiện dần dần, bắt đầu bằng tiến đồn vang dội, bằng sự chuẩn bị nghiêm nhặt cuả Quản ngục, bằng thái độ biệt đãi và trọng nể cuả quản ngục. Rồi HC xuất hiện trực tiếp, lời nói, cử chi khinh bạc đến điều, và sau cùng, trong cảnh cho chữ, HC lẫm liệt, khoan dung, trong ánh sáng rực rỡ cuả cái đẹp, khí phách và thiên lương.


VẺ ĐẸP CUẢ HÌNH TƯỢNG HUẤN CAO

1.Vẻ đẹp cuả một tài hoa khác thường

a. Đó là “ tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp “. “ chữ cuả HC đẹp lắm , vuông lắm” ..” nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành cuả một đời con người “.

Người xưa có thú chơi chữ tao nhã : treo ở nhà một đôi câu đối cuả một người nổi tiếng văn chương đức độ. Những câu đối ấy vưà có cái đẹp cuả thư pháp vưà có cái hay cuả nội dung và nghệ thuật văn chương, lại vưà chưá đựng những ý tứ thâm trầm cuả cả người cho chữ và người xin chữ . Thường thì người xin chữ nói ra ra sở nguyện cuả mình để người cho chữ tuỳ theo sở nguyện ấy mà viết. Trong lời khuyên cuả HC với quan ngục , HC nó đến yêu cầu cuả việc chơi chữ “ Thầy quản nên tìm về quê ở đã ..rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ “

Chơi chữ chính là sự thể hiện cuả cái đẹp, mà cái đẹp chính là yếu tính cuả nghệ thuật cuả tài hoa . Tài viết chữ, cho chữ cuả HC chính biểu hiện cuả một tài hoa khác thường ( cần lưu ý HC không phải là một nghệ sĩ , nhưng HC là một con người tài hoa )

b. Khác thường ở :

HC là người “ chọc trời khuấy nước “ chỉ nghĩ đến “ chí lớn “, “ ông ít chịu cho chữ “. HC bảo : “ đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân cuả ta thôi “ nghiã là chữ cuả HC rất hiếm có , đồng thời không dễ gì xin được chữ HC. “ Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà èp mình viết câu đối bao giờ “

Vì thế chữ cuả HC trở thành một báu vật. Chính Quan ngục nhận thức rõ điều này : “Có được chữ ông HC mà treo là có một báu vật trên đời “

Quan ngục lao tâm khổ trí ( thức suốt đêm suy nghĩ “ băn khoăn bóp thái dương “ ), bất chấp luật pháp triều đình để hậu đãi HC (Quan ngục thổ lộ với HC : “ sợ đến tai lính tráng họ biết , thì phiền luỵ riêng cho tôi nhiều lắm “ ), chấp nhận sự khinh bạc sỉ nhục cuả HC (HC nói “ cố ý làm ra khinh bạc đến điều “, quan ngục “chỉ lễ phép lui ra với một câu : xin lĩnh ý” ). Toàn bộ sức lực, tâm huyết cuả quan ngục là dồn vào việc xin chữ HC, Quan ngục “tái nhợt người đi sau khi tiếp nhận công văn “ giải HC vào kinh thọ án.Trong tình thế ấy, ông phải chấp nhận một giải pháp nhiều rủi ro là nhờ Thầy Thơ lại đến gặp HC .

Chính tài hoa khác thường cuả HC ( thực chất là cái đẹp ) có sức cảm hoá quản ngục. Sau khi HC viết xong bức châm và khuyên bảo quan ngục , “ Ba người nhìn bức châm , rồi lại nhìn nhau “ . Tất cả cùng hướng về cái đẹp, lặng im chiêm ngưỡng và suy tư . Cái đẹp ( bức châm ) trở thành yếu tố trung tâm cuả mọi quan hệ, hoá giải mọi sự thù nghịch. HC và Quan ngục trở nên như hai người bạn “ tri kỷ “ .

Chắc chắn Quan ngục sẽ nghe theo lời HC. Ông sẽ về quê, thoát khỏi cái nghề làm tay sai, để giữ thiên lương cho lành vững. Ở nơi ấy ông sẽ treo “ một bức luạ trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên hoài bão tung hoành cuả một đời con người “

2. Vẻ đẹp cuả một “ thiên lương “ trong sáng

Trong lời khuyên cuả HC với Quan ngục , HC nhấn mạnh đến Thiên lương. Phải giữ Thiên lương lành vững đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Như vậy Thiên lương là yếu tố căn bản con người phải có để tiếp nhận cái đẹp .
Nhưng thiên lương là gì ? đây là chữ Nguyễn Tuân sáng tạo ra để nói cái lẽ thiện uyên nguyên (trời sinh) cuả con người.“Nhân chi sơ , tính bản thiện“ : con người lúc mới sinh ra, bản tính vốn thiện.

Thiên lương là cốt lõi cuả nhân cách. Nhân cách cuả một con người trước hết phải là nhân cách một đời lương thiện. HC nhấn mạnh rằng nếu không giữ được thiên lương lành vững thì “ rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi “ ( trước kia HC khinh miệt quan ngục, vì trong mắt HC, Quan ngục chỉ là công cụ tay sai cuả bọn thống trị, quan ngục là công cu tội ác. Hàng ngày Quan ngục phải hành xử ác. Mấy tên lính, khi nói quan ngục để tâm đến HC là “ có ý nhắc viên quan ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khoé hành hạ thường lệ ra “. HC cũng biết rõ, sau khi nói những lời khinh bạc vào mặt quan ngục, HC đã “ chờ đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo cuả Quan ngục” )

Thiên lương cuả Huấn cao là gì ? lẽ thiện cuả HC là gì ? vẻ đẹp nhân cách cuả HC là gì ? Đây mới chính là điều làm cho Quan ngục nể trọng, từ đó lắng nghe lời HC dạy bảo .

Thiên lương cuả HC là lẽ thiện đứng về phiá nhân dân, chống lại triều đình, để bị kết tội làm giặc, phải nhận án chém. Nhân cách cuả HC là nhân cách một con người “ văn võ toàn tài “, cuả đấng trượng phu “ uy vũ bất năng khuầt , phú quý bất năng dâm , bần tiện bất năng di :” ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế ép mình viết câu đối bao giờ “ . Quan ngục cũng biết rõ :” y cũng thưà hiểu những người chọc trời khuấy nước , đến trên đầu người ta , người ta cũng chẳng còn biết có ai nưã ..”

Vẻ đẹp cuả thiên lương HC còn thể hiện ở mối quan hệ tri kỷ người với người, “ một tấm lòng trong thiên hạ ‘ Khi nghe thầy thơ lại nói lại cái sở nguyện cuả Quan ngục, và suốt thời gian trong ngục suy nghĩ về hành động cuả quan ngục, HC đồng ý cho chữ . Lòng HC bồi hồi cảm động : “ Ta cảm cái lòng biệt nhỡn hiền tài cuả các người . Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nưã, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ “

Gọi thiên lương cuả HC là thiên lương trong sáng cao đẹp vì tất cả đều sáng tỏ, minh nhiên giưã thiên hạ. HC đã dấn thân và đánh đổi chính mạng sống cuả mình cho lẽ thiện ấy, HC công khai lẽ thiện ấy như là chính bản thể cuả mình “Có nhiều đêm nghĩ đến chí lớn không thành “ HC khẳng định “ .. bao nhiêu điều quan trọng , ta đã khai bên ti niết cả rồi. Ta đã nhận cả. Lời cung ta đã kí rồi ..” . Trước khi vào cõi vĩnh hằng, HC cũng truyền lại cái lẽ thiện ấy cho Quan ngục. HC nói một cách tâm huyết, trang trọng và Quản ngục cũng kính cẩn chân thành “ xin bái lĩnh “

Chính vẻ đẹp cuả thiên lương ấy, vẻ đẹp cuả nhân cách ấy cuả HC mới thực sự có sức cảm hoá Quản ngục. Và khi thiên lương ấy kết hợp với tài hoa ấy đã toả sáng những sắc màu khác thường ở HC .

3. Vẻ đẹp cuả một khí phách lẫm liệt :

Khí phách ấy biểu hiện ở chỗ nhà tù, sự tàn bạo, án chém… không hề làm HC nao núng, bận tâm. Trong nhà ngục, HC ung dung lẫm liệt trong tư thế xuất hiện, trong lời ăn tiếng nói, trong suy nghĩ hành xử. (Trước cưả ngục, HC không bận tâm đến những lời đe doạ cuả lính tráng và sự ra uy cuả Quan ngục. Đối diện với Quan ngục, HC nói những lời sỉ nhục y, cố ý làm ra khinh bạc đến điều. Khi nhận lời Quan ngục, HC nói những lời đầy uy lực : “ Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bai giờ ‘. HC còn ung dung cảm nhận được mùi mực thơm: “ thoi mực , thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá . Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không ? “ )

Thường thì tội nhân lãnh án tử hình , trong thời gian chờ thọ án, họ đều trầm uất, nổi loạn , vưà sợ hãi vưà ăn năn hối tiếc.Trái lại HC rất thanh thản. HC có suy nghĩ là suy nghĩ về “ tấm lòng trong thiên hạ “ cuả Quan ngục. HC ung dung lẫm liệt trong cảnh cho chữ, dồn hết tâm lực vào bức châm, hơn thế HC còn hướng đến những điều cao sâu hơn việc cho chữ, chơi chữ, đó là sự cảm hoá con người.

Khí phách này có uy lực làm Quan ngục phải có “ lòng kiêng nể “, buộc Quan ngục phải nhất nhất tuân lệnh (Quan ngục thưa với HC : “ xin lĩnh ý “,“ kẻ mê muội này xin bái lĩnh “ ). Hơn thế, đứng bên HC, Quan ngục phải “ khúm núm “, còn thầy thơ lại thì “run run “. Uy lực cuả HC vang dội cả tỉnh Sơn Hưng Tuyên, và vang dội đến trong Kinh, đến nỗi quan Hình Bộ Thượng Thư bắt phải giải HC vào trong kinh thọ án .

Đó là khí phách tầm vóc lớn cuả người anh hùng. Nguyễn Tuân mượn chữ cuả Nguyễn Du tả Từ Hải để nói về HC: “ HC chí lớn không thành, là người chọc trời khuấy nước “ ( Từ Hải ; Chọc trời khuất nước mặc dầu / dọc ngang nào biết trên đầu có ai ) .

HC trở thành người chủ động, người đứng trên cao, người dạy bảo Quản ngục. HC là người chiến thắng, chiến thắng nhà ngục ( Quản ngục và lính tráng trở thành kẻ phục vụ ), chiến thắng bọn thống trị (Quản ngục phải khuất phục trước HC ), chiến thắng cái chết (Khi HC bước vào cõi vĩnh hằng thì chính Quan ngục là người đang giữ cái tài hoa cuả HC, đang thực hiện thiên luơng cuả HC, là người không còn cam chịu thân phận nô lệ, làm công cụ cho thống trị và sự tàn bạo. Quan ngục sẽ bỏ về quê , ấy là sở nguyện cuả HC ) .

4. Giá trị cuả hình tượng HC:

Cả ba vẻ đẹp quyện vào nhau làm nên một vẻ đẹp lý tưởng. HC là nhân vật lý tưởng. Nhân vật HC chưá đựng lý tưởng thẩm mỹ, chưá đựng tư tưởng tình cảm cuả Nguyễn Tuân .

Người đọc biết rằng nguyên mẫu cuả Huấn Cao là nhà thơ Cao Bá Quát ( 1808-1855 ), một người nổi tiếng văn chương và khí phách (người đương thời truyền tụng : “ văn như Siêu Quát vô Tiền Hán : Văn mà như ông Nguyễn Văn Siêu , Cao Bá Quát , thời Tiền Hán ở Trung Quốc không ai sánh bằng ). Cao bá Quát cao ngạo, chán nghét chế độ phong kiến, ông đi theo nghiã quân chống lại triều đình nhà Nguyễn và hy sinh. ( năm 1854, Cao Bá quát tham gia khởi nghiã Mỹ Lương do Lê duy Cự làm minh chủ. Ông bị nhà Nguyễn tru di tam tộc). Qua hình tượng HC, Nguyễn Tuân cũng bày tỏ thái độc khinh bạc chán ghét chế độ thực dân phong kiến đương thời, gián tiếp bày tỏ tình cảm yêu nước mơ hồ

Giai đoạn 1930-1945, đa số tử tội trong nhà tù Thực Dân là chiến sĩ Cách mạng. Trước đó, Phan Bội Châu từng bị TD Pháp kết án tử hình. Năm 1930 Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng bị TD đưa lên máy chém.. Phiên toà đại hình 2/5/1933 xử 120 người CM trong đó có 8 người bị kết án tử hình, 19 người chung thân, 79 người từ 5 đến 20 năm tù. Các đồng chí Trần Phú , Ngô Gia Tự , Nguyễn Đức cảnh , Lý Tự Trọng đều nêu gương lẫm liệt trước kẻ thù. Lý Tự Trọng tuyên bố trước mặt kẻ thù : “ con đường cuả thanh niên chỉ có thể là con đường CM “ và hát vang bài Quốc Tế Ca khi lên máy chém. Như vậy ca ngợi HC, một người tù làm giặc bị án chém, chính là gián tiếp ca ngợi các chiến sĩ CM

Thực ra Chữ Người Tử Tù không trực tiếp miêu tả hành động đấu tranh chống lại triều đình cuả HC . Người đọc không rõ HC đã làm những gì. Chỉ biết phong thanh rằng HC “ Chí lớn không thành “ , “ chọc trời khuấy nước, “ văn võ toàn tài “, “ làm giặc ..”, vì thế không thể tìm thấy tư tưởng yêu nước cụ thể cuả Nguyễn Tuân ( ta gọi là yêu nước mơ hồ là vì vậy ) điều này có thể là do bút pháp Lãng mạn, cũng có thể Nguyễn Tuân muốn tránh sự truy xét cuả mật thám Pháp. Nguyễn Tuân đã từng bị mật thám Pháp bắt giam vì tội giao du với người hoạt động chính trị.

Xét về mặt hình tượng nghệ thuật , Huấn cao là một hình tượng độc đáo. Cả văn chương lãng mạn và văn chương Hiện Thực 1930-1945 không có một hình tượng nào như thế. HC vưà có những nét cổ điển vưà hiện đại. Đó là kiểu nhân vật trượng phu xưa “ đội trời đạp đất ở đời “, vưà thấp thoáng bóng dáng những chiến sĩ CM kiên cường bất khuất đương thời, lại vưà có nét riêng là vưà tài hoa rất mực vưà khí phách lẫm liệt. HC xuất hiện trong một cấu trúc truyện đầy tính kịch, trong một “ cảnh xưa nay chưa từng có ‘, hình tượng HC càng toả sáng những ánh sáng chói lọi. HC thể hiện đầy đủ tư tưởng thẩm mỹ cuả Nguyễn Tuân. Cái đẹp, cái cao cả anh hùng chiến thắng cái xấu , cái nô lệ thấp hèn.

__________________________________________________

NHÂN VẬT QUAN NGỤC

1. Quan ngục đươc miêu tả như thế nào ?
Quan ngục được miêu tả trực tiếp trong tất cả các cảnh. Đầu tiên là cảnh quan ngục nhận trát báo sắp chuyển giao Huấn Cao. Quan ngục bàn bạc với thầy thơ lại. Sau đó là chân dung quan ngục thao thức trong đêm suy nghĩ về HC : “người ngồi đấy , đầu đã điểm hoa râm , râu đã ngả màu.. Những đường nhăn nheo cuả bộ mặt tư lự , bây giờ đã biết mất hẳn. Ở đấy , giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân , bằng lặng , kín đáo và em nhẹ”

Nguyễn Tuân trực tiếp nhận xét , giới thiệu với một tình cảm ưu ái trân trọng : “ Trong hoàn cảnh đề lao , người ta sống bằng tàn nhẫn , bằng lưà lọc , tính cách dịu dàng và lòng biết giá người , biết trọng người ngay cuả viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giưã một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ .” ông chính là “ cái thuần khiết giưã đống cặn bã , là “ người ngay thẳng phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt ..”

Nguyễn Tuân cũng vẽ những nét rất tinh và rất sắc xảo, sống động về quan ngục. Quan ngục dõi “ cặp mắt hiền lành với 6 tên tù và có biệt nhãn với riêng HC “ lúc ông nhận tù . Dáng vẻ “ khúm núm lúc Quan ngục đứng bên HC trong cảnh cho chữ, và chi tiết kết thúc truyện “ ngục quan cảm động , vái người tù một cái , chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “ kẻ mê muội này xin bái lĩnh “

2. Quan ngục có những phẩm chất gì ?

Quan ngục là người “ biết đọc vỡ nghiã sách thánh hiền “ tức là có học, có một nền tảng đạo lý, có những phẫm chất cuả một “ người quân tử “ xưa, vì thế mới có “ tấm lòng trong thiên hạ “, mà cốt lõi là lòng Nhân, mới có “ tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay”. Chính ở phẩm chất căn bản này, Quan ngục mới gặp gỡ được với tấm lòng cuã HC

Quan ngục còn có sở nguyện là “ một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông HC viết “, tức là sở nguyện về cái đẹp. Thực ra là sở nguyện về cả những tài hoa, thiên lương và khí phách HC thể hiện trong câu đối. Một người có sở nguyện về cái đẹp như một mục đích sống, dốc hết tâm trí sức lực để có được cái đẹp, dám đánh đổi mọi hiểm nguy ruỉ ro, kể cả phải chịu sỉ nhục vì cái đẹp, hẳn con người ấy đáng mặt tri kỷ cuả HC. Những lời HC nói với Quan ngục là lời cuả tri kỷ. HC và quan ngục không còn là hai kẻ thù nghịch, không còn hoài nghi khinh miệt, mà là sự trân trọng rất mực. HC đỡ Quản ngục đứng thẳng lên, còn quản ngục vái HC một vái, lòng đầy cảm động .

Cũng cần kể đến những nét đẹp khác cuả quản ngục, chẳng hạn lòng tự trọng và giữ chữ tín trước Huấn Cao. HC muốn Quan ngục “ đừng đặt chân vào đây “, thì từ đó Quan ngục không bao giờ đến gặp HC, dù rằng như thế, Quan ngục đang lâm vào tình trạng bế tắc, nếu không nói là khủng hoảng . Không tiếp cận HC, làm sao Quan ngục xin được chữ cuả HC. Quan ngục đã mất bao nhiêu công sức lao tâm khổ trí để gần HC, giờ đây việc ấy vụt ngoài tầm tay. Khi nhận trát áp giải HC vào kinh thọ án , Quan ngục đã tái nhợt người đi.

Sống trong cảnh đề lao, trong sự tàn nhẫn lọc lưà nhưng Quan ngục vẫn giữ được “ thiên lương , giữ được “đời lương thiện “ như HC nhận xét, đó là một nét son cuả Quan ngục. Căn cứ vào những phẩm chất ấy cuả Quan ngục, người đọc tin rằng Quan ngục sẽ thực hiện lời HC khuyên bảo. Mặc dù điều này là rất khó

Bảo Quan ngục bỏ về quê ở, là bỏ môi trường sống, bỏ quyền lực, bổng lộc, trở về làm một người bình thường, sẽ chẳng thế nào thực hiện được. Bỏ tất cả để giữ lấy thiên lương , để sống đời lương thiện để chiêm ngưỡng một bức luạ óng có chữ cuả một tử tù, dường như sẽ là một ảo tưởng đối với người thường. Nhưng căn cứ vào phẩm chất và tính cách cuả HC, người đọc tin rằng Quan ngục sẽ làm được. Bởi vì lời HC là lời nói sau cùng cuả một tri kỷ, lời tâm huyết cuả một đời người giác ngộ lẽ sống có thiên lương, lời ấy lại được đặt trên nền cuả “ cái đẹp “ là sở nguyện một đời cuả Quan ngục. Hành động vái người tù cuả Quan ngục là một hành động tiếp nhận có giá trị thiêng liêng, như trong một buổi lễ truyền đạo , tâm truyền giưã HC và quan ngục .

Quản ngục là hiện thân cuả một cái đẹp khác , cái đẹp hiện thực bên cạnh cái đẹp lý tưởng cuả HC .Cả hai cái đẹp này tạo nên một hoà âm vưà có những âm sắc nghịch vưà có những giai điệu thuận, tính thẩm mỹ cuả tác phẩm đạt đến một trình độ rất cao

Có sự chuyển hoá quan trọng ở nhân vật Quan ngục . Ở đầu truyện, quan ngục là một người đầy quyền uy. Những trát lệnh, công văn, những lệnh truyền quân canh tăng cường canh phòng cẩn mật, những tàn bạo thị uy ..Những quyền uy ấy là quyền uy công cụ thống tri, quyền uy tội ác. Đến cuối truyện, Quan ngục trở thành người tri kỷ cuả HC, chuyển hoá hoàn toàn thành con ngườ cuả cái đẹp , thiên lương và nhân cách. Không còn là công cụ cuả sự thống trị tàn bạo. Nhân vật Quản ngục cũng thực hiện tư tưởng cuả tác phẩm. Không có quản ngục, HC không thể bộc lộ những vẻ đẹp cuả mình , chủ đề cái đẹp , cái cao cả cái anh hung chiến thắng cái xấu , cái thập hèn nô lệ không thể toả sáng.

Nhân vật Quan ngục còn tạo ra dư âm cuả truyện. Truyện kết thúc, HC bước bào cõi vĩnh hằng, nhưng câu truyện vẫn còn tiếp tục. Quan ngục sẽ bỏ nghề coi ngục mà vế quê, thực hiện lới HC, lúc ấy chủ đề truyện mới thực sự trọn vẹn. Điều này tạo nên bao nhiêu mỹ cảm trong lòng người đọc.

Kết luận : nếu HC là nhân vật lý tưởng rất khó vươn tới, thì Quan ngục lại là một nhân vật hiện thực có sức thuyết phục. Tuy nhiên ở một khiá cạnh nào đó, Quản ngục cũng là một dạng nhân vật lý tưởng khác trong quan điểm thẩm mỹ cuả Nguyễn Tuân. Vì trong cảnh đề lao, giưã đống cặn bã, cùng những bọn người quay quắt, người ta sống bằng tàn nhẫn bằng quyền uy, thì không dễ gì có sự chuyển hoá, càng khó có thể chỉ vì một bức luạ có chữ đẹp mà Quan ngục có thể đánh đổi tất cả. Ấy cũng là đặc điểm bút pháp lãng mạn cuả Nguyễn Tuân.
________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét