album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC
Bùi Công Thuấn

1.Tôi ghi lại vài ý tưởng của GS Trần Đình Sử trong bài Nghề Văn Không Sang Trọng để suy gẫm. GS Trần Đình Sử mượn lời của Walter Benjamin để đưa ra các nhận định:

“…từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng…

Walter Benjamin “ ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa…”

…Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.”

2. Tôi không nghĩ như GS Trần Đình Sử. Người nhặt rác là người nhặt rác, anh ta lượm nhặt những gì dùng được để kiếm sống, chẳng bảo lưu gì cả. Còn nhà văn là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ. Dù nhà văn có dùng chất liệu thô là những rác rưởi của xã hội, thì nhất thiết anh ta bằng tài năng của mình, biến chất liệu thô ấy thành tác phẩm nghệ thuật.

3.Tôi tự hỏi, những áng "thiên cổ hùng văn" của thơ văn Lý-Trần chẳng nhẽ là rác? Bình Ngô Đại Cáo là do Nguyễn Trãi nhặt rác mà làm thành? Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộclà do rác mà Nguyễn Đình Chiểu nhặt được mà làm thành? Nguyễn Du viết "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" là kêu gọi nhặt rác? Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân cũng là rác? Phải chăng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tuân viết văn là nhặt rác kiếm sống, hay dọn rác làm vệ sinh cộng đồng, vì theo GS Trần Đình Sử, ngày nay "rác tràn ngập khắp nơi"?

4.Người ta đã nói quá nhiều về chức năng, nhiệm vụ của văn chương. Mỗi người cầm bút sáng tác đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, mục đích của mình và những giá trị mình viết ra. Chỉ khi nhà văn có ý thức sáng tạo tiến bộ mới làm nên những tác phẩm giá trị... Nguyễn Đình Chiểu dùng văn chương để “chở đạo, đâm gian”. Lỗ Tấn dùng ngòi bút để phanh phui các tật bệnh tinh thần của quốc dân để mọi người tím phương chạy chữa. Phan Bội Châu cho rằng “Văn chương quan thế đạo thịnh suy” và ông cổ vũ người An Nam nên học lấy nghề văn. Nam Cao cho rằng Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, và ông chỉ viết về những tiếng đau khổ. Trái lại Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp, cái đẹp cao cả, cái đẹp có sức cảm hóa cái xấu…

5. Mọi người đều có thể nhận ra mục đích đằng sau một loạt bài viết gần đây của GS Trần Đình Sử như : Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại; Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ; Phê bình kiểm dịch,…

Nhà thơ Trần Trương nhận xét :” Cách viết của ông trong mấy bài viết gần đây tôi thấy :Loằng ngoằng” quá. Ông tỏ ra khách quan, có vẻ bênh cái luận văn rất tầm thường va tục tĩu của Nhã Thuyên, ông chê bai và phân tích một cách bôi bác và dè bỉu lịch sử văn chương của ta qua từng thời kỳ”. Nhà thơ Trần Trương khuyên GS Trần Đình Sử :” Nhà nước phong cho ông là giáo sư do sự phấn đấu của ông bao nhiêu năm, vậy mà ông đang quên ông là nhà khoa học , Xin ông hãy thật khách quan, đứng đắn trong những vấn đề cụ thể, đừng biến mình làm con thoi trong khung dệt rối chỉ ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16234/may-loi-voi-ong--tran-dinh-su.vhtm)

Đạo diễn-Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn phản bác :” Nhà văn Trần Đình Sử có nhắc lại điều tác giả Benjamin đã ví: nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế...Vâng, đúng vậy! Và tôi nghĩ: nhà văn nhà thơ không chỉ trân trọng nhặt nhạnh những gì là "rác", mà còn nâng niu những gì là nguyên liệu tinh khôi, là "khí của trời đất"- ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16230/nghe-van-khong-sang-trong-nhung-van-chuong-lai-can-su-sang-trong.vhtm)

Tôi rất quý mến GS Trần Đình Sử. Trang viết của ông chứa hàm lượng trí thức đáng trân trọng. Và tôi tự hỏi tại sao những bài viết gần đây của ông làm tôi nghĩ khác hẳn về ông. Cũng có thể đến một lúc nào đó đầu óc người ta không còn đủ sáng suốt trong cái mớ bòng bong lý luận màu xám trói buộc lấy mình, hoặc không còn đủ sức thoát ra khỏi sự nô lệ ý thức khi viện dẫn ông này, ông kia, mà không tự mình độc lập suy nghĩ? Và điều đó cũng là thường tình. Nhưng tôi lấy làm tiếc, như thể tôi đã đánh mất một niềm tin.

Tháng 8. 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét