album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

NHỮNG CỬA CHỚP-L.Aragon

Những cửa chớp- L.Aragon


"Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp?"



1.Emai của một bạn đọc:
Theo kiến trúc Phương Tây, cửa sổ có hai lớp : “ Kính” và “ Chớp” . Cửa chớp gồm nhiều thanh xếp nghiêng để che ánh sáng nhưng thông gió. Nhìn qua cửa chớp ta không thấy bên ngoài song không khí vẫn lưu thông. Hẳn là ngồi trong nhà sẽ không thể chết ngạt vì thiếu khí nhưng cũng không biết ngoài kia điều gì đang xẩy ra với trời đất , với con người . Hẳn là người trong trạng huống ấy cảm nhận được sự tù túng , bức bách đến nhường nào !
Bài thơ “ Những cửa chớp” của Aragon gồm sáu dòng với mười tám từ cửa chớp. Thế thôi ! Mới đọc thấy nhàm. đọc nhiều lần thấy có lý ! Đọc thêm nữa thì cái cảm giác “ Tức anh ách” xuất hiện như một người bị cầm tù, bị bịt mắt, bị cô lập với mọi thứ ! Thật tuyệt vời, một bài thơ chưa từng thấy về sự độc đáo !
2. Louis Aragon (1897–1982) là nhà sử học, nhà thơ và nhà văn người Pháp nổi tiếng thế giới, từng là một thành viên của viện Goncourt. Ông sinh và mất ở Paris. Ông cũng là người chiến sĩ dâng hiến trái tim chân thành cho tự do, hòa bình của nhân loại. Ông từng nhập ngũ trong thế chiến I và thế chiến II. 1927 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Hành trình nghệ thuật của ông khởi đi từ “chủ nghĩa đa đa”, “chủ nghĩa siêu thực”, chuyển sang “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”và tìm kiếm những cách viết khác. Ông mất ngày 24-12-1982 tại Paris.
Ông có một “Vườn thơ Elsa” ngợi ca lý tưởng, Tổ quốc và nhân dân. Thơ Aragon không có các loại dấu chấm câu, và cách ngắt dòng rất linh hoạt, tự do, không theo khuôn phép nào cả. Ông muốn xóa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi, thích viết dài để bộc lộ hết xúc cảm trào tuôn
(http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=503)

3. Bài thơ Những Cửa Chớp được L.Aragon viết bằng bút pháp gì?

Bài thơ chỉ có một chữ “cửa chớp”, được lặp lại và xếp thành 6 hàng ngang, mỗi hàng có số chữ khác nhau, điều này buộc người đọc phải chú ý đến cấu trúc của bài thơ.

“Cửa chớp” là một danh từ, gọi tên một sự vật, bên cạnh từ cửa chớp không có một tính từ miêu tả nào. Chữ cửa chớp cũng không được đặt trong một câu có cấu trúc ngữ pháp cố định để giúp người đọc định vị sự vật đang vận động thế nào, ở đâu. Nói các khác, “bài thơ” không tả cửa chớp, cũng không cho biết cửa chớp ở đâu và được dùng làm gì, không biết tác giả nói đến cửa chớp trong không gian thời gian nào, và tác giả đứng ở vị trí nào để quan sát hay tưởng nghĩ hình dung ra. Bản thân chữ “cửa chớp” không chứa đựng bất cứ hàm nghĩa nào, ngoài nghĩa tường minh, nghĩa thông tin sự vật : chữ “cửa chớp” là tiếng gọi tên sự vật, là một loại cửa sổ, khác với cửa ra vào, cửa buồng, cửa chính. Sau chữ cửa chớp ở hàng dưới cùng, có một dấu hỏi, có thể có nghĩa là, sau khi quan sát rất nhiều cửa chớp, tác giả hỏi, không biết đâu là cửa chớp tác giả muốn tìm trong những cửa chớp ấy (?)

Và vì thế, không thể xác định “bút pháp” của bài thơ. Chắc chắn đây không phải là bài thơ Siêu Thực với những hình ảnh hoang tưởng phi logic, không phải chủ nghĩa Lập Thể phá vỡ cấu trúc sự vật, cũng không là chủ nghĩa Lãng Mạn với cái tôi cá nhân và tình cảm chảy tràn. Cũng không là chủ nghĩa Hiện Thực, miêu tả cái điển hình trong hoàn cảnh điển hình, càng không là chủ nghĩa Hiện Thực XHCN, miêu tả hiện thực cách mạng kết hợp với lãng mạn cách mạng. Aragon đã đi xa hơn những kiểu bút pháp ấy, ông đặt người đọc đối diện với một vật thể duy nhất là cửa chớp và buộc người đọc phải tư duy về chính cái “cửa chớp” hiện diện siêu hình, vô cảm trước mặt.

Người đọc nhìn thẳng vào những cái cửa chớp mà khám phá và suy tư, bài thơ trở thành một tác phẩm thị giác, tức là đọc bằng mắt (tất nhiên bài thơ nào chẳng đọc bằng mắt), như kiểu xem một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc...căn cứ vào các mối quan hệ của cấu trúc, ta có thể lần ra toàn thể cấu trúc. Cửa chớp là cửa số, tức là cửa gắn trên tường của một toà nhà. Một căn nhà thường có nhiều cửa số (có thể thuộc loại cửa chớp, hay cửa đóng bằng cánh). Cửa mở ra để lấy ánh sáng và không khí, và có thể hắt ánh sáng từ trong nhà ra khi các cửa chính đã đóng kín. Nhìn vào cấu trúc bài thơ, ta hình dung ra, có một toà nhà (không nhìn thấy trước mắt ta), có lẽ bị bóng đêm che lấp.

“Bài thơ” có 6 hàng cửa chớp, tức là toà nhà có 6 tầng. Mỗi hàng có nhiều cửa chớp, tức là có nhiều phòng. Mỗi phòng có một cửa, hoặc hai cửa, không thể một phòng có 3 hoặc 4 cửa sổ. Như vậy cấu trúc bài thơ là một “tứ” : trước mặt người đọc là một toà nhà nhiều tầng, có nhiều phòng, nhiều cửa chớp. Thời gian là ban đêm, căn nhà hoàn toàn chìm trong bóng tối, chỉ nhìn thấy cửa chớp nhờ ánh sáng hắt ra. Có dãy còn sáng đủ các phòng (nhiều cửa chớp), có dãy chỉ còn một phòng sáng (hàng cuối, một chữ cửa chớp). Điều này giải thích tại sao số chữ “cửa chớp” trong mỗi dòng khác nhau. Và ta hình dung ra, có một người đứng trong bóng tối nhìn lên căn nhà, miệng đếm số cửa chớp từ trên cao xuống. Tầng dưới cùng chỉ còn một phòng sáng đèn, những phòng khác đã tắt đèn.

4. Ý nghĩa “bài thơ” là gì ?

Tôi dùng chữ “bài thơ” trong ngoặc kép bởi vì so với thơ truyền thống, bài này hoàn toàn khác về thi pháp. Thơ truyền thống có bố cục, có cấu trúc, sự vật được đặt trong thời gian, không gian nhất định, có câu chuyện được kể, có nhân vật sự vật được miêu tả. Nhân vật có tâm trạng, có vấn đề,...về hình thức, thơ truyền thống có nhạc, có vần, có tứ thơ. Bài Những cửa chớp hoàn toàn không có yếu tố “thơ” truyền thống nào, ngoài cách viết thành nhiều dòng. Nó giống như trò chơi xếp chữ, trò chơi đố chữ, mặc cho người đọc ra sức đoán nghĩa. Tác giả không bắt người đọc phải nghĩ theo tác giả, mà nghĩa bài thơ tuỳ thuộc vào cách đọc và những gì người đọc có thể tưởng tượng, liên tưởng ra.

Tất nhiên đọc thơ, đầu tiên, người đọc phải tái hiện hình ảnh, khám phá hình tượng, khám phá tứ thơ. Mọi điều tác giả muốn nói đều được gói ẩn mật bên trong tứ thơ. Vậy tứ thơ –hình tượng thẩm mỹ tư tưởng (nếu có) của bài này là gì? Có chăng do liên tưởng, đó là một toà nhà trong đêm, bóng đêm che khuất tất cả, chỉ còn thấy những hàng cửa chớp (do ánh sáng từ trong hắt ra), nhìn từ trên xuống, tầng trệt chỉ có một phòng còn sáng. Tác giả đứng nhìn toà nhà ấy, chỉ chú ý vào các cửa chớp, nhìn từ trên xuống, có ý tìm kiếm, không biết là cửa chớp nào. Người đọc cũng không rõ tác giả là ai, tìm ai hay tìm cái gì trên các phòng có cửa chớp, còn sáng, hay tìm phòng mà cửa chớp đã tắt đèn, không biết là phòng nào (cửa chớp ?). Bạn đọc ở trên cho rằng bài thơ tạo ra cảm giác ” Tức anh ách” xuất hiện như một người bị cầm tù, bị bịt mắt, bị cô lập với mọi thứ ! “Tôi không nghĩ như vậy, vì nếu bạn chỉ ngồi trong một phòng nhìn ra, bạn chỉ thấy nhiều nhất là hai cửa sổ (loại cửa chớ) sao thấy được 6 tầng cửa chớp với 18 cửa chớp như cấu trúc của bài thơ. Cấu trúc bài thơ chỉ ra rằng, người đọc chỉ có thể đứng ngoài toà nhà, đứng dưới nhìn lên, và vì thế không hề có cảm giác “bị cầm tù” mà “tức anh ách”
Vì không có nhân vật trữ tình (chủ thể của hành động thơ), cũng không có một hình tượng thẩm mỹ-tư tưởng (hình ảnh chứa đựng cái đẹp, chứa đựng tư tưởng tình cảm), không có cấu trúc (không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật) nên bài thơ hoàn toàn không có nghĩa tự thân. Nghĩa nếu có là nghĩa do người đọc cảm nhận từ cấu trúc hình ảnh của “bài thơ”. Là như thế này. Một người bàng quan qua đường ban đêm có thể sẽ chẳng quan tâm gì đến toà nhà với những cửa chớp như thế, vì nó không liên can gì với anh ta. Nhưng nếu là chàng Roméo đứng nhìn lên, chàng sẽ rất mong nàng Juliette ở một khung cửa sổ nào đó. Một người vô gia cư nhìn lên, chắc sẽ ao ước có được một căn phòng có cửa chớp ấy. Và nếu là một ông già, phải lên đến tầng 6, trong tình trạng đau khớp, nhìn những khung cửa chớp ấy sẽ rất ngán ngẩm. Và bạn, người đọc, có thể nghĩ ra bất cứ điều gì tuỳ theo tâm trạng của bạn khi đứng trước những khung cửa chớp trong đêm. Đêm nay nghĩ thế này, đêm mai nghĩ khác, không có một nghĩa cố định.

5. Giá trị của bài thơ này là gì?

Bài thơ không có nội dung nên không có giá trị nội dung. Giá trị hình thức nếu có, thì đó là sự thử nghiệm một kiểu tư duy nghệ thuật, một kiểu sáng tác mới lạ, khác hẳng với tư duy nghệ thuật và thi pháp truyền thống (như đã trình bày ở trên). Tiếp cận lần đầu với “bài thơ”, người đọc thấy lạ, vì bài thơ chỉ có một chữ, lạ ở chỗ không hiểu bài thơ nói gì, vì xưa nay tác giả luôn gửi thông điệp trong tác phẩm, luôn đặt vấn đề thông qua nội dung tác phẩm. Lạ ở chỗ không sao đọc được bài thơ như đã quen đọc kiểu bài thơ có cấu trúc, có nội dung, có sự việc, con người trong không gian thời gian nhất định, thơ là tiếng nói tâm trạng, thơ là hình là nhạc, là vần, là tứ. Bài thơ này không đọc theo cách đọc thơ truyền thống như thế. Tác giả trình bày một kiểu tư duy thẩm mỹ mới, một kiểu tác phẩm mới. Nghệ thuật không phải là sự sáng tạo cái đẹp, thơ không phải thơ, đọc thơ không phải đọc bằng trái tim, mà đọc bằng thị giác vô cảm (như một camera của robot). Điều này sẽ làm khó chịu tất cả những ai đã quen với quan điểm nghệ thuật truyền thống. Và vì thế, bài thơ sẽ bị bỏ qua, không đọng lại gì, nó chỉ là chứng tích một thứ trò chơi ngôn ngữ, vậy thôi., dù rằng trò chơi có dụng công. Không sao cả, thưởng thức nghệ thuật là quyền tự do của mỗi người. Và nếu đã gán cho nghệ thuật những chức năng cao cả, những sứ mệnh lịch sử, thì cũng có thể nhận ra nghệ thuật chẳng là gì cả, trò chơi ngôn ngữ, thế thôi.

Tháng 3.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét