album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT VÀ NHÀ PHÊ BÌNH

THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT VÀ NHÀ PHÊ BÌNH
Bùi Công Thuấn

Đối tượng của nhà phê bình là tác phẩm văn chương, nhưng làm thế nào để đọc được mã nghệ thuật của tác phẩm, quả thật không dễ dàng chút nào. Với những tác phẩm được viết bằng tư duy nghệ thuật đi trước thời đại, chắc chắn nhà phê bình chỉ có thể đứng chiêm ngưỡng tòa lâu đài kỳ lạ đó mà thôi. Đỗ Lai Thúy đã nhận xét thế này về Hoài Thanh :” Thị hiếu của Hoài Thanh chỉ dừng lại ở thẩm mỹ lãng mạn, mà chưa vượt sang được Tượng trưng và Siêu thực như chính bản thân Thơ Mới. Vì vậy, một mặt ông đưa vào Thi nhân Việt Nam rất nhiều những nhà thơ lãng mạn bàn nhì, bàn ba, mặt khác lại sập cửa trước mũi các thi tài Tượng trưng lớn như Đinh Hùng, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh. Và chính ông, Hoài Thanh, cũng nhiều lần thừa nhận mình không tìm được lối vào cổng chính của thơ Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử”(1)

Ở Việt Nam, người ta đã quá quen với phương pháp tiểu sử của Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804-1869) và phương pháp phê bình Marxist. Hai phương pháp này có nhiều ưu điểm, giúp soi sáng nhiều vấn đề đối với những tác phẩm được viết bằng bút pháp Hiện Thực. Nhà phê bình tìm hiểu tiểu sử tác giả, rồi dùng tiểu sử ấy lý giải và đánh giá tác phẩm. Chẳng hạn, tại sao nhân vật Từ Hải trong Đoạn Trường Tân Thanh phải chết oan, để rồi Nguyễn Du phải đắng cay ngậm ngùi !“hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” ? Bởi vì Nguyễn Du là ông quan phong kiến, không thể cùng một lúc thờ hai vua, vừa ca ngợi Gia Tĩnh, vừa ca ngợi Từ Hải. Mặc dù Từ Hải là một nhân vật lý tưởng của Nguyễn Du, nhưng Từ Hải phải chết. Cũng vậy, tác phẩm của Nhất linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng một thời bị coi là “có vấn đề” bởi thái độ chính trị của tác giả. Phê bình tác phẩm văn chương trở thành sự kết án con người xã hội của tác giả. Tác phẩm văn chương trở thành chứng cớ kết tội. Có nhà văn đã phải sống cái kiếp nạn văn chương hết cả một đời con người.

Phương pháp phê bình Marxist tập trung xem xét mối quan hệ của văn học với hiện thực. Giá trị văn chương của tác phẩm là giá trị phản ánh hiện thực. Tác phẩm văn chương phải góp phần vào cuộc đấu tranh giai cấp của nhân dân. Hòn Đất, Người Mẹ Cầm Súng, Sống Như Anh, Rừng Xà Nu đáp ứng những yêu cầu này. Hạn chế của các phương pháp này là không thâm nhập khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nhà phê bình không chỉ ra được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm là gì, đâu là cá tính sáng tạo của nhà văn. Phê bình văn chương trở thành phê bình xã hội học, thái độ phê bình trở thành thái độ chính trị. Cánh Đồng Bất Tận, Trăng Nghẹn trở thành tác phẩm “có vấn đề” dưới góc nhìn của hai phương pháp phê bình “truyền thống” bởi lý do đó.

Nếu áp dụng hai phương pháp ấy để đọc thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền thì nhà phê bình sẽ phải bỏ cuộc. Xin đọc

“Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non
ngo ngó sông đầy
Cây gạo già
lơi tình
lên hiệu đỏ
La lả cành
cởi thắm
để hoa bay
Em về nói làm sao với mẹ…”
(Quan họ-Lê Đạt)

Bài thơ trên phản ánh điều gì? Thể hiện cái nhìn giai cấp thế nào và góp phần thế nào vào cuộc đấu tranh giai cấp ? tất nhiên là không có câu trả lời, và nếu có cũng không quan trọng, bởi cần phải chỉ ra được những cách tân trong thơ Lê Đạt, bài thơ ấy hay ở những yếu tố nào? Tiếng nói nghệ thuật của Lê Đạt có gì đặc sắc? Lê Đạt làm thơ là tạo ra “bóng chữ”. Đọc thơ Lê Đạt là đọc “cái bóng” do con chữ gợi ra. Nghĩa của thơ không nằm trên mặt con chữ, có khi không cần hiểu nghĩa. Hãy bắt đầu thâm nhập thế giới nghệ thuật của bài thơ từ chữ “cởi thắm”. Hai chữ này tự nó không có nghĩa, nhưng nó dẫn người đọc liên tưởng đến hai bài ca dao tạo nghĩa, đó là bài ca dao về “một cô yếm thắm bỏ bùa… ” và bài Qua cầu gió bay. Lê Đạt vẽ ra một khung cảnh tình tự. Có hai người đang yêu nhau dưới gốc gạo già, rực rỡ hoa đỏ. Dòng sông nước đầy, bờ bãi ngô non. Cô gái đã cởi hết những gì phong kín hương trinh nữ, lồ lộ gọi mời. Đùi trắng như ngó sen, ánh mắt lơi tình la lả… Nhà thơ hướng ống kính camera lên cây gạo già để tả cái say tình của cô gái. Sắc hoa đỏ là tình yêu đang nồng cháy và hoa bay là sự thăng hoa của những cơn yêu không còn kềm giữ. Người con gái ấy đã để cho chàng cởi yếm thắm để nâng niu ngọc ngà, bây giờ “em về nói làm sao với mẹ”. Cởi áo cho nhau thì còn dối mẹ rằng“qua cầu gió bay”. Cởi yếm cho nhau thì dối mẹ làm sao? Hai hình ảnh thiên nhiên và con người chồng lên nhau. Chăm chú nhìn, người đọc sẽ chỉ thấy thiên nhiên, nhưng rõ ràng bài thơ là một clip yêu đương nhục thể, bên bờ sông, dưới gốc cây gạo già và bờ bãi ngô non thân quen. Cái hay của nhà thơ là diễn tả chất say đắm nhục thể của tình yêu bằng những “bóng chữ”, đủ sức gợi ra bao điều thú vị trong lòng người đọc.

Tôi vừa đọ thơ Lê Đạt với một cách đọc khác với phương pháp phê bình truyền thống. Thơ Bùi Giáng không đọc theo cách đọc “bóng chữ” của thơ Lê Đạt.

“Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm
(Bùi Giáng- Người định đi tu)

Đoạn thơ gợi ra hình ảnh Mã Giám Sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh:

Hỏi tên, rằng :”Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng :”Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Quá niên trạc ngoại tự tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao

Nếu nhà phê bình cứ chúi mũi vào giải mã từ ngữ đoạn thơ Bùi Giáng theo cách đọc truyền thống thì dù có vò đầu bóp trán đến mấy cũng không thể vỡ ra nghĩa câu chữ Bùi Giáng định nói gì. Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh bằng bút pháp ước lệ, giống như thật. Trái lại, thơ Bùi Giáng là thơ Vô Ngôn kiểu dụng ngữ của các Thiền sư. Nhà thơ trả lời để mà trả lời. Chữ không có nghĩa :” Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”. Bùi Giáng từ chối nói tên và quê của ông. Ông trả lời bằng cách nói theo logic bình thường, nhưng dùng hình ảnh làm lạc hướng nhận thức của người nghe. Ấy là, khi anh còn xét nét tôi theo kiểu cân đong đo đếm chi li “một, hai, ba”, khi anh còn nhìn tôi bằng con mắt “diệu tưởng” và cái Tâm Sai Biệt (nghi tâm) thì anh không thể hiểu tôi. Anh hỏi tôi như thể đang kiểm tra lý lịch, soi mói, nghi ngờ. Nếu vậy, tôi chẳng có gì để nói với anh. Chỉ khi nào nhìn tôi bằng cái Tâm Bát Nhã, thì anh sẽ nhận ra tôi. Bạn đọc đã thấy lộ ra tư tưởng và mỹ học Thiền trong đoạn thơ của Bùi Giáng. Những điều như thế nằm ngoài ngôn từ, đòi hỏi một phương pháp khác để đọc tác phẩm.

Một thí dụ khác. Mời bạn đọc thử một truyện ngắn của F. Kafka

Một ngụ ngôn nho nhỏ
“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.

Bạn đọc sẽ thấy phương pháp phê bình” truyền thống” bất lực trước tác phẩm này của F.Kafka. Bởi đây là một “ngụ ngôn” chứa đựng tư tưởng Hiện Sinh và được viết bằng cái nhìn Hiện Tượng Luận. Trước hết hãy hình dung ra khung cảnh sự việc. Một con chuột đang chạy trong một căn phòng rộng, sau cùng nó đến một bờ tường, dẫn đến một cái bẫy chuột. Nó ý thức rõ về cái chết không tránh được. Chưa biết phải làm gì để thoát chết thì nó nghe có tiếng nói chỉ đường :” Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”. Cả người đọc và con chuột ngộp thở, vui mừng. Nhưng ngay lúc nó nghe lời khuyên và đổi hướng, thì cũng là lúc nó phải chết. Cái chết như một tất yếu bi đát. Hiện sinh là hiện sinh quy tử. Sống là để đi về cái chết, thân phận con người là vậy, không thể khác được. Con người phải đối diện với một sự thật nghiệt ngã, tàn bạo. Điều căm phẫn là ở chỗ, kẻ chỉ đường (mèo) lại là tên sát nhân. Không có sự lưu manh, bất nhân, giả hình nào hơn thế. Về nghệ thuật, F.Kafka miêu tả không gian căn phòng qua mắt nhìn của con chuột khi nó đang chạy, khiến cho căn phòng trở nên mênh mộng và chuyển động đến chóng mặt. Truyện chỉ có hai lời thoại, lời của con chuột và lời khuyên của con mèo. Nhưng tốc độ truyện phát triển nhanh, mở rất rộng biên độ của sự tưởng tượng, giúp người đọc lần ra manh mối tư tưởng chứa đựng trong dụ ngôn. Tư tưởng Hiện Sinh được khám phá và thể hiện bằng một thái độ bi phẫn. Tác phẩm trở thành tác phẩm tư tưởng, thách đố trí tuệ người đọc.

Bạn đọc vừa cùng với tôi đọc Bùi Giáng và F.Kafka bằng chính bút pháp của tác giả. Vâng, nhất thiết cần phải lần theo bút pháp mà nhà văn xây dựng tác phẩm. Không thể đọc tác phẩm Siêu Thực bằng cách đọc của tác phẩm Hiện Thực. Bởi đọc tác phẩm Hiện Thực, người ta sẽ đối chíêu nội dung được miêu tả trong tác phẩm có giống với những gì xảy ra ở ngoài đời hay không. Và tất nhiên người đọc sẽ phản ứng với sự sáng tạo “vô lý” của nhà văn. Huy Cận viết :”Mặt trời xuống biển như hòn lửa”. Có người hỏi rằng, thưa nhà thơ, biển Việt Nam là Biển Đông, biển ở phía đông, người Việt Nam chỉ có thể nhìn thấy mặt trời mọc lên từ biển, sao nhà thơ lại viết “mặt trời xuống biển” ? Tôi nghĩ, đó chỉ là một câu hỏi đùa cho vui. Chẳng ai đọc thơ như vậy, hiện thực một cách máy móc.

Xin đọc một bài thơ Siêu Thực, bài Đàn Ghita của Lorca, thơ Thanh Thảo. Bài thơ muốn khắc họa lại hình ảnh cuộc sống, con người và cái chết bi tráng của Lorca, bằng cách dùng chính những hình ảnh Siêu Thực trong thơ Lorca : hình ảnh một chàng kỵ sĩ cô đơn "con ngựa đen, vầng trăng đỏ", với hình ảnh nàng di-gan như ngọn lửa xanh "xanh thân hình, xanh tóc".

“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn ...
...tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy ...
(Thanh Thảo- 1979- Khối vuông rubich)

Bài thơ có nhiều hình ảnh không dễ giải mã. Có một sự thật này, nhiều thầy cô giáo đã đọc và diễn giải ý nghĩa những hình ảnh ấy rất khác nhau, và không có cơ sở để xác định rằng cách hiểu này là đúng hay là sai. Vậy thì có cách nào tiếp cận thế giới nghệ thuật của bài thơ này không? Hãy nghe nhà thơ Thanh Thảo trả lời :”

Hỏi : Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm: "tiếng đàn bọt nước", "vầng trăng chếnh choáng", "yên ngựa mỏi mòn"...Vì sao Thanh Thảo lại dùng những hình dung từ này? Ý nghĩa của những hình ảnh đó trong việc thể hiện chủ đề?

Thanh Thảo: Anh hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai ? Thực ra, tôi cũng dùng những "hình dung từ" ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không "mài giũa ngôn từ". Những liên hệ( nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lorca. Những "chếnh choáng", " mỏi mòn", "bọt nước" dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lorca, chúng ám cả vào thi ca của Ông(2)

Hỏi : Câu thơ “”
Giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Xin Nhà thơ cho vài lời gợi mở để độc giả có thể hiểu thêm hai câu thơ rất đẹp trên?

Thanh Thảo: Cảm ơn anh! Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không thể cắt nghĩa, không nên cắt nghĩa.

Tác giả đã trả lời như thế thì thầy cô giáo dạy Văn 12 cũng “bó tay” thôi!

Thực ra Chủ nghĩa Siêu Thực khai thác những hình ảnh không có thực như trong giấc mơ, coi trọng cái phi lý, quyết liệt chống lại cái logic của lý trí. Trong giấc mơ, có những hình ảnh lạ, những hình ảnh chồng lên nhau, những hình ảnh không bao giờ có trong đời thực, nó ở trong vô thức. Khi ta tỉnh dậy, ta không thể ý thức được rõ ràng những hình ảnh ấy là gì. Logic lý trí bất lực. Vì thế nếu có những cách hiểu khác nhau hoặc không thể hiểu được theo cách hiểu thông thường thì cũng là tự nhiên. Tốt nhất, nói như Thanh Thảo :” Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không thể cắt nghĩa, không nên cắt nghĩa. “

Cùng khai thác những giấc mơ như chủ nghĩa Siêu Thực, nhưng phê bình Phân Tâm Học lại đi tìm cái xung lực tính dục gọi là Libido và mặc cảm Oedipe ở nhà văn, thăng hoa lên thành sáng tạo nghệ thuật. Người ta có thể phân tâm tác giả, phân tâm nhân vật và hình dung ra có một “vô thức văn bản” của tác phẩm.

Khi dùng phê bình Phân Tâm Học để nghiên cứu thơ Hoàng Cầm và tập thơ Về Kinh Bắc, Đỗ Lai Thúy phát hiện ra điều này :”

Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, tôi thấy thi phẩm Về Kinh Bắc giống như một giấc mơ. Tư duy thơ đứt đoạn, những hình ảnh mới lạ đứng cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, lộn xộn tạo ra nhiều khoảng trống gây khó hiểu... Những đặc điểm trên của tập thơ cũng chính là ngữ pháp của giấc mơ... Trở lại với những bài thơ Em - Chị, có thể thấy được sơ đồ cảm hứng của tác giả: có sự ham muốn tình dục với một người lớn tuổi hơn, muốn cưới để thỏa mãn ham muốn này trong sự hợp thức hóa (Cây tam cúc), nhưng không được người nữ chấp nhận (Lá diêu bông, Quả vườn ổi) và cũng không được xã hội chấp nhận vì không hợp lẽ và nguy hiểm (Cỏ bồng thi), nên rơi vào tình trạng nước đôi, vừa yêu vừa ghét, vừa thương mến vừa hờn giận, vừa muốn quên vừa mong nhớ (Nước sông Thương). Đây cũng là cấu trúc cảm hứng của toàn bộ tập Về Kinh Bắc, rộng hơn toàn bộ sáng tác của Hoàng Cầm. Tình yêu của Hoàng Cầm với chị Vinh, một người chị lớn tuổi, không chỉ đơn giản là tình yêu trai gái thuần túy, mà còn là sự phóng chiếu của một mối phức tâm khác, mặc cảm Oedipe.”(3)

Đỗ Lai Thúy đã có những phát hiện mới lạ về thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều, Hoàng Cầm…Tuy nhiên, phương pháp phê bình Phân Tâm Học không thể áp dụng cho mọi tác giả, mà chỉ có thể giúp khám phá con đường sáng tạo của những nhà thơ nhà văn mà thời thơ nhi họ không vượt qua được mặc cảm Oedipe, như trường hợp Hoàng Cầm ở trên. Dù sao, khi nhà phê bình nói những điều riêng tư như thế về một tác giả nào đó, sẽ có thể có những phản ứng không đồng thuận từ phía tác giả...GS Trần Đình Sử cho rằng:” Một tác phẩm văn học lớn tuyệt nhiên không phải vì nó biểu hiện được khát vọng tính dục của tác giả mà vì tầm tư tưởng xã hội và nhân văn sâu sắc của nó.”(4)

Nếu Phương Pháp phê Bình Marxist giúp tìm hiểu con người xã hội của tác giả và giá trị xã hội của văn chương thì phương pháp phê bình Phân Tâm Học giúp tìm hiểu con người vô thức của nhà văn, về sự tranh chấp giữa “cái Nó”, “cái Tôi” và “cái Siêu Tôi”, về sự thăng hoa của những ẩn ức, những mặc cảm tính dục thành nghệ thuật. Tuy nhiên, khi nhà phê bình đối diện với một tác phẩm mà không biết tác giả, vậy anh ta sẽ phải dùng phương pháp nào ? Chỉ có một cách là đối diện trực tiếp với văn bản tác phẩm, và sử dụng những phương pháp phê bình chỉ tập trung vào văn bản.

Hình Thức Luận Nga tìm kiếm tính văn chương của văn bản, đặc biệt là chức năng lạ hóa ngôn ngữ. Phương pháp của Phê Bình Mới Anh Mỹ tìm kiếm đâu là yếu tố chủ đạo trong việc hình thành ý nghĩa của một tác phẩm văn học.(5) Cấu Trúc Luận (structuralism) đưa cấu trúc văn bản vào vị trí trung tâm tạo nghĩa.(6) Giải Cấu Trúc (Deconstruction) phủ nhận sự tồn tại của một cấu trúc căn bản hằng định, bất biến. Văn bản là một hệ thống liên hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ, luôn luôn tồn tại một TRUNG TÂM (CENTER), được tạo nên từ ít nhất là một cặp đối lập nhị phân (binary oppositional pair). Việc đọc của một nhà phê bình Giải Cấu Trúc là một sự phản biện văn bản để làm bộc lộ những sự vô thức tiềm ẩn trong ngôn ngữ. Nhà phê bình giải cấu trúc thường tập trung vào một chi tiết nào đó của văn bản có vẻ như ngẫu nhiên, rồi dùng nó như một trục chính của toàn bộ văn bản và việc đọc sẽ được tiến hành thông qua phép so sánh và đối chiếu với trục văn bản đó…(7).

Ngày nay người ta đang nói nhiều về Hậu Hiện Đại. Việc đọc các tác phẩm Hậu Hiện Đại thật không dễ dàng , bởi thi pháp Hậu Hiện Đại phá vỡ cấu trúc truyền thống, thay vào đó là những mảnh vỡ, những ngẫu nhiên, những hoang tưởng (paranoia), những vòng luẩn quẩn (Vicious circles), sự diễu nhại (pastiche). Nhà văn hậu hiện đại gắng hết sức đập nát bốn yếu tố của tiểu thuyết là cốt chuyện, nhân vật, cảnh trí và đề tài, cốt chuyện bị nghiền nhỏ thành những biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán thành một bó của những khát vọng, cảnh trí chỉ mô tả sơ sài. Họ không thích sự liền mạch và kết thúc trong truyện thuyền thống, mà ưa chuộng phương thức đa kết, bằng cách ban cho một cốt chuyện rất nhiều hệ quả có thể có được. Tác giả có thể trực tiếp nói chuyện với độc giả, còn tự bước vào truyện như một nhân vật. Vài tác giả còn phá vỡ kết cấu văn bản, trong những khoảng trống, nhà văn ghép vào những trích dẫn, hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, bản thiết kế… hoàn toàn không quan hệ gì đến câu chuyện. Có bản văn có màu khác nhau, chữ in đậm, in nghiêng, kiểu chữ Gothic, chữ viết tay, dấu ký âm, dấu nhấn giọng, và cả những thứ linh tinh những cột, những chú thích chen chúc bên cạnh những vết bẩn tách cà phê, dấu hoa thị…(8)…

Xin thử đọc
SINH TỒN- Văn Cầm Hải

Thuở nào xanh xao
mặt trăng má hồng hiện qua sông mây
cơn đẻ đã đến
kim loại nhành hoa
ngôn ngữ thơm máu thịt
rung rinh lưỡi chàng cuội
rì rào thắp sáng dương gian
trầm tư sinh khí
sữa trắng làm chiếc nôi cho tiếng khóc
bơi chập chững
nhiệm màu
thánh thót
tiếng khóc vạn kỷ
đêm rụng cánh đơm hoa
cho tay người xin thêm
mồi lửa.

Việc tiếp thu và vận dụng các lý thuyết phê bình vào thực tiễn phê bình một tác phẩm văn chương đòi hỏi nhà phê bình rất nhiều nỗ lực học tập và nghiên cứu. Đã có những thất bại.

Khi đọc một tác phẩm, trước tiên tôi tiếp cận trực tiếp với tác phẩm, không qua bất cứ một lăng kính nào, sau đó tôi lần theo ý thức sáng tạo, lý tưởng thẩm mỹ của tác giả, bởi ý thức này chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của nhà văn. Rồi từ đó, phá vỡ cấu trúc tác phẩm, thâm nhập cho được thế giới nghệ thuật riêng của tác giả, để tìm những độc đáo, tìm “chất văn” trong ngòi bút của người viết. Sau cùng cố gắng vẽ cho được, ít ra là những nét phác thảo, chân dung phong cách nhà văn. Tất nhiên đọc tác phẩm là để thưởng thức cái hay cái đẹp của văn chương. GS Trần Đình Sử có kinh nghiệm này :“Tuy nhiên cho đến nay không có phương pháp phê bình văn học nào là vạn năng, mỗi phương pháp có phạm vi và vị trí riêng của nó”(đd). Tôi hiểu, nhà văn, nhà phê bình là người cũng đồng hành, cùng khám phá và sáng tạo.

Tháng 4.2011
________________________-
(1) http://dinhhatrieu.vnweblogs.com/post/11131/263017
(2) http://phanthanhvan.vnweblogs.com/post/8200/107738
(3) Đỗ Lai Thúy - Phê bình phân tâm học ở Việt Nam-Evan 2004
(4) Trần Đình Sử-Phê bình Phân Tâm Học và Đỗ Lai Thúy. http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=0&catid=7&ID=2905&shname=Phe-binh-phan-tam-h-c-va-Do-Lai-Thuy-1%20%20
(5) Nguyễn Hưng Quốc- Các lý thuyết phê bình văn học chính từ đầu thế kỷ 20 đến nay : http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3778
(6) Nguyễn Minh Quân - http://hoangphongtuan.wordpress.com/2010/06/06/cac-ly-thuy%E1%BA%BFt-phe-binh-van-h%E1%BB%8Dc-c%E1%BA%A5u-truc-va-gi%E1%BA%A3i-c%E1%BA%A5u-truc-nguy%E1%BB%85n-minh-quan/
(7) Có thể đọc thêm Thụy Khuê phân tích bài Nguyệt Cầm bằng phê bình Cấu Trúc Luận bài của Nguyễn Văn Dân viết về Giải Cấu Trúc : Roland Barthes đã Giảu Cấu Trúc như thế đấy (http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1762:roland-barthes-a-qgii-cu-trucq-nh-th-y&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135)
(8) Đông La- http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Chu_nghia_hau_hien_dai_va_anh_huong_o_nuoc_ta/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét