album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

NĂM QUÝ TỴ và CHUYỆN RẮN

NĂM QUÝ TỴ và CHUYỆN RẮN
Bùi Công Thuấn




1.Người tuổi con rắn

Tôi có mấy người bạn nữ, tuổi Tỵ, đều cô độc. Có người tuổi Tỵ lớn (49), có người tuổi Tỵ nhỏ (37). Trong khoa Tử Vi, người phụ nữ tuổi Tỵ ở cung Mệnh và Phu đều có sao Cô Quả (Cô Thần, Quả Tú). Có hai sao này thì dù có nằm bên chồng vẫn cảm thấy thui thủi một mình. Người cãi số mệnh, nhắm mắt lấy liều thì chồng cũng chẳng ra gì. Tôi thực sự chia sẻ cái khát vọng sâu xa của người phụ nữ ở họ, nhưng không sao giải thích được tại sao bạn gái tuổi Ty lại khó lấy chồng như vậy, khó hơn cả tuổi Dần? Những người phụ nữ có dáng đi lưng uốn vặn như lưng rắn thì cực kỳ gian dâm. Người mắt rắn thuộc tướng đại ác. Mắt nhỏ và dài, xanh lè, đuôi chẻ, là kẻ giết người không gớm tay, chỉ thua kẻ mắt tam giác, bậc nhất trong thập ác. Năm nay, người tuổi Tỵ (năm tuổi) gặp vận hạn lao đao, bị quậy đến chóng mặt, bởi Tử Vi có nhóm đại sát tinh xâm nhật. 2 Kình Dương, 2 Tang Môn, 2 Thiên Khốc, 2 Bạch Hổ xung chiếu hạn. Người tuổi Tỵ phải phòng hỏa, phải giải vía cọp may ra mới đỡ chuyện đau buồn (Tang Khốc) (Ấy là tôi nghe người ta tán vậy). “Đức trọng quỷ thần kinh”, người có phúc đức dày thì chẳng quỷ thần nào quậy phá được…

2. Sấm Trạng Trình

Nhắc tới năm rắn, khi còn nhỏ tuổi, tôi đã nghe truyền tụng sấm Trạnh Trình. Người ta bàn nhiều câu về nhiều sự kiện vào những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn.

Nói về khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học (quê Vĩnh Bảo):
Một mình yên ngựa ai sùng bái
Nhắn con nhà vĩnh bảo cho hay

Nói về việc Tây rút khỏi Việt Nam :
“Bao giờ trúc mọc trên chì
Voi đi trên giấy Tây thì về Tây”
(Khi xuất hiện đồng tiền kẽm có khóm trúc, đồng tiền giấy có in hình con voi)

Nói về chiến tranh, các cụ luận câu này. Ấy là hồi còn chiến tranh, tương lai còn xa mờ, ai cũng mong hòa bình.

Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua tứ xứ khổ đao binh
Mã đề , Dương cước anh hùng tận
Thân Dậu liên lai kiến thái bình
(Cuối năm Rồng, đầu năm Rắn thì chiến tranh bắt đầu. Bốn phương khổ vì gươm đao tràn lan. Cuối năm Ngựa, năm Dê anh hùng không còn ai. Năm Thân năm Dậu mới có thái bình)

Người ta đem những câu sấm này để luận về chiến tranh Việt Nam. Cuối năm 1964 (Giáp Thìn), đầu năm 1965 (Ất Tỵ) nhân vụ Vịnh Bắc bộ, Mỹ đánh tràn ra miền Bắc, và ào ạt đổ quân Mỹ vào miến Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Mức độ tàn khốc, ác liệt chưa bao giờ từng có trước đó. Tổng tiến công Mậu Thân (1968) làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Thế nhưng Thân Dậu liên lai (1968-1969) vẫn chưa thấy hòa bình ở đâu. Đế Quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh (1968-1972) . Chỉ khi thất bại, chúng mới chịu ký hiệp định Paris. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta còn tiếp tục cho đến năm 1975 (Ất Mão), đất nước mới hòa bình thống nhất. Hóa ra sấm chỉ là sấm, và ứng vào thời nào chẳng ai biết.

3. Rắn trả thù ba đời ?!


Nói về rắn thì giai thoại Nguyễn Trãi bị rắn báo oán là ly kỳ bậc nhất. Sách Tang thương ngẫu lục đã ghi lại :” Nay xét mồ mả tổ tiên ông tại làng Nhị Khê thì huyệt táng giữa khu ruộng bằng phẳng. Người thì nói rằng đó là kiểu đất tướng quân mở cờ, kẻ lại bảo đó là kiểu đất tướng quân cụt đầu, bởi vì ở hướng Nam của mả có cái gò hình con rùa quay đuôi lại. Bản Kiểm ký của Hoàng Phúc có ghi rằng: Nhị Khê mạch đoản, họa thảm tru di, tức là khu đất này.
Tương truyền, khi còn chưa được hiển đạt, ông dạy học trò ở làng Nhị Khê. Một hôm, ông trỏ cái gò nhỏ ngoài đồng và bảo học trò rằng:

- Ngày mai các anh ra phạt cỏ gò ấy để lấy đất dựng nhà mà học.
Học trò vâng lời. Tảng sáng hôm sau, ông mơ thấy một người đàn bà tới nói với ông rằng:

- Tôi còn yếu người và con thì còn nhỏ, xin ông hãy thư thư cho vài ba bữa để tôi còn kịp dọn đi nơi khác.
Tỉnh dậy, ông vội chạy ra đồng xem thì học trò đã dọn gò đất xong rồi. Họ bắt được hai quả trứng rắn. Ông hỏi thì họ nói:
- Vừa rồi thấy có con rắn, chúng con đánh nó cụt đuôi và nó đã chạy mất.

Ông cầm hai quả trứng rắn đem về cất giữ. Đêm đêm chong đèn đọc sách thì có con rắn trắng bò trên xà nhà, máu từ đuôi nó chảy xuống, rơi đúng chữ đại nghĩa là đời, thấm ướt đến ba tờ giấy liền. Ông tự hiểu và than rằng:
- Nó sẽ báo oán ta đến ba đời.

Hai trứng rắn nở ra được hai con, một dài một ngắn, ông sai đem thả xuống sông Tô Lịch ở làng bên. Nay, những rắn ấy đều được tôn làm thần sông.

Sau khi đã hiển đạt, hàng ngày từ triều về, qua phố hàng chiếu ông vẫn thường gặp một người con gái nhan sắc rất mặn mà. Hai bên dùng thơ vui đùa, rồi yêu mến nhau, ông cưới cô gái ấy về làm thiếp. Trong năm Thiệu Bình, người con gái ấy được ra vào nơi cung cấm, được hoàng đế Lê Thái Tông cho làm Nữ Học Sỹ. Khi Hoàng Đế băng, triều đình đem cô ra tra khảo thì cô khai là Nguyễn Trãi sai cô giết Hoàng Đế. Bởi lẽ này mà ông bị trị tội. Khi đem ra hành hình, người con gái ấy liền hóa thành một con rắn, bò xuống nước mà đi mất”.(Nguyễn Khắc Thuần- http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=93093)

Khi học đại học, tôi còn nghe một GS Đại học nói về Nguyễn Trãi kể tiếp rằng, lúc Nguyễn Trãi bị đem hành hình, có người đàn bà đến gần ông để xin một kỷ vật, ông bảo bà ta ngửa bàn tay ra, rồi ông nhổ bọt vào tay, bảo bà mang về. Bà ấy về mang thai, sinh ra Anh Vũ. Khi Nguyễn Trãi bị nạn, bà ấy trốn lên rừng, về sau khi Vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, nhà vua có cho tìm kiếm con cháu Nguyễn Trãi để ban ơn. Anh Vũ được phong chức và được cử đi sứ Trung Quốc. Khi thuyền Anh Vũ đến Động Đình Hồ thì có con giao long hiện lên đòi mạng. Anh Vũ bảo, ông đang đi sứ, chừng nào xong việc sẽ trả mạng. Con giao long lặn mất. Khi Anh Vũ trở về, con giao long hiện lên cuốn Anh Vũ xuống hồ. Ứng nghiệm với chữ “đại”, con rắn báo oán ba đời.

Ai cũng biết giai thoại này là bịa đặt. Nhà Lê đã sát hại Nguyễn Trãi và bịa đặt ra chuyện Lệ Chi Viên và con rắn báo oán để chạy tội. Ngay từ khi Lê Lợi còn sống, nhà Lê đã muốn trừ diệt hết con cháu nhà Trần. Ông Ngoại Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán bị bức tử. Những người bạn của Nguyễn Trãi như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo cũng bị nhục hình, bản thân Nguyễn Trãi cũng từng bị bắt giam trước đó. Nếu rắn biết báo oán thì những bợm nhậu thịt rắn ngày nay chắc đã chết sạch. Bợm nhậu vào quán, chủ đem ra một lồng rắn, khách thích con nào thì chỉ. Chủ quán treo cố con rắn lên, cắt đuôi hứng lấy máu, rạch bụng rắn, cắt lấy cái mật bỏ vào ly rượu, rồi đem ly rượu cho khách uống trước cho bổ, sau đó xơi món rắn bằm hoặc cháo rắn. Người ta bảo ăn thịt rắn ngon hơn thịt gà và rất bổ. Ăn một bữa khỏe tới 6 tháng.

4. Rắn cũng đáng yêu



Những năm 1960 tôi ở miền tây. Mùa nước nổi, cánh đồng nước mênh mông, rắn thường bò vào nhà. Ở những vì kèo thường có vài con rắn khoanh quấn lấy thân kèo, con nào cũng bằng bắp tay. Nó ngủ rất êm. Cũng không ai làm phiền nó, vì nó bắt chuột trên mái nhà. Chỉ khi nào cần nhậu, người ta mới móc xuống một con làm mồi. Miền tây hồi đó cá tôm ên hề nên dân nhậu lâu lâu mới xơi món rắn, bởi có nhiều món hảo hơn. Cá lóc cỡ một kg, đắp đất sét, nướng rơm ăn tuyệt ngon. Đi câu tôm, dân câu bao giờ cũng đem theo quầy dừa. Câu được tôm, bỏ vào nước dừa, tôm chím đỏ, ăn thật tuyệt. Món rắn phải làm cầu kỳ hơn , còn phải kiêng không được làm thịt rắn trên thớt me, ăn bị độc.

Thời học trò lội ruộng ấy, tôi có ấn tượng đặc biệt với bài thơ Rắn Đầu Biếng Học của Lê Quý Đôn. Người ta kể rằng, một hôm, Tiến sĩ Vũ Công Trấn đến thăm Tiến sĩ Lê Phú Thứ là người bạn cùng đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1724 (sau đổi là Lê Trọng Thứ). Nghe con bạn là Lê Quý Đôn còn trẻ mà đã hay chữ, nên ông Trấn lấy đầu đề “Rắn đầu biếng học” để thử tài. Ít phút sau, Lê Quý Đôn đã làm xong bài thơ dưới đây:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

Dân lội ruộng, biết nhiều loại rắn, đọc bài thơ sẽ thấy thú vị vô cùng. Lê Quý Đôn đưa được tên nhiều loài rắn vào bài thơ. Đó là rắn Liu Điu, rắn Hổ lửa, rắn Mai Gầm, rắn Ráo, rắn Hổ Mang. Nghệ thuật chơi chữ đạt đến chỗ tuyệt diệu trong phép đối, luật bằng trắc của thơ Đường luật, đồng thời diễn đạt tình ý sâu sắc và tinh tế. Lê Quý Đôn nhập thân vào vai ông Trấn để dạy dỗ, nhưng đồng thời cũng diễu cợt ông Trấn. Ẩn chứa đàng sau câu chữ còn là sự thể hiện tình nghĩa mẹ cha, và thế giá gia tộc. Nó cũng bộc lộ khẩu khí của Lê Quý Đôn, một bậc tài danh sau này. Giá trị bài thơ còn ở cách Việt hóa thơ Đường luật. Bài thơ đậm chất dân dã ở cách dùng từ nôm na gần gũi (rát cổ, ráo mép, tuồng lếu láo, lằn lưng, kẻo hổ mang…) Bài thơ này chưa có bài họa xứng tầm. Thơ Đường luật hôm nay khó có bài nào sánh được.

5. Tại sao nhân loại ghét rắn?

Nhân loại có ấn tượng xấu về rắn bởi Kinh Thánh nói khá nhiều về con vật này. Thời Adam-Eva còn sống trong Vườn Địa Đàng, ở giữa vườn có một cây khôn ngoan, gọi là cây trái cấm. Đức Chúa cấm Adam-Eva không được ăn trái cây ấy. Con rắn đã cám dỗ người đàn bà ăn trái cấm. Từ đó loài người đã bị trừng phạt. Sách Sáng Thế Ký kể rằng (chương 3):

” 1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân…

Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."

16 Với người đàn bà (Eva), Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."

17 Với con người (Adam), Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. 18 Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. 19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất."

Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai.24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.”

Đoạn trích Sáng Thế Ký gợi ra nhiều điều suy gẫm. Vì con rắn cám dỗ (ma quỷ) nên loài người phải khổ, nhất là người phụ nữ, và con người là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất."

Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã lường trước mọi hiểm nguy và dạy môn đồ : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói, Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”(Mt 10:16). Ngài cũng nguyền rủa các Kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình là loài rắn độc : "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ?(Mt 23. 13-33)

Phật thọai cũng có câu truyện Đức Phật hàng phục rắn :
” Một lần, đức Phật dừng chân ở núi Linh Thứu nước Ma Kiệt Ðà, thuyết pháp giảng kinh cho rất nhiều đệ tử. Lúc đó, vua nước Ma Kiệt Ðà là Tần Bà Sa La Vương, dẫn đầu một đoàn đại thần rất đông lên núi Linh Thứu, chắp tay cung linh lễ chân Phật rồi xin ngài hang phục con rắn ở rừng trúc lâm.

Ðức Phật bằng lòng giúp nhà vua, nên một hôm, Ngài một mình một thân đi bộ thẳng vào khu rừng trúc, nơi con rắn độc đang ẩn náu. Ðức Phật vận dụng lực từ bi, từ mỗi đầu ngón tay của Ngài phát ra năm tia ánh sáng năm mầu. Những tia ánh sáng năm mầu rực rỡ này chiếu lên thân con rắn khiến nó lập tức trở nên hiền lành, độc khí tiêu tan, tâm hoan hỉ phát sinh, nó ngóc đầu lên chiêm ngưỡng đức Phật

Ðức Phật biết là con rắn độc đã được Ngài điều phục rồi, nên nói với nó rằng:

- Trưởng giả Hiền Diện, trong những kiếp trước ngươi là người keo kiệt tham lam, ngươi có biết tội của mình đã làm không? Trong thời quá khứ, ngươi tuy rất giàu sang phú quý nhưng tâm keo kiệt và đố kỵ rất mạnh, ngươi chuyên môn dối trá gạt người, không có việc ác nào mà ngươi không làm, chưa từng một lần bố thí vật gì cho ai. Cái người hành khất đáng thương kia đến xin, ngươi đã không cho hạt gạo nào thì chớ, còn nổi giận nhìn người ta, dùng ác khẩu mắng người ta. Vì thế kiếp này ngươi mới phải chịu quả báo mang lấy hình thù xấu xí, tại sao ngươi lại chưa chịu phản tỉnh mà sám hối? Tại sao lại còn sinh tâm ác độc mà nhiễu hại những người đi ngang qua đây? Tội nghiệp của ngươi đã nặng lắm rồi, bây giờ còn tiếp tục tạo nữa, vậy ngươi muốn chịu khổ cho tới chừng nào mới ngưng? Nếu ngươi cứ theo đà này thì quả báo khổ đau về sau sẽ vô cùng vô tận, cả ngàn vạn kiếp cũng không thoát ra được.

Ðức Phật thấy nó đã rõ ràng tự biết tội mình và thật lòng muốn cầu giải thoát, nên giáo hóa nó.

Rắn độc nghe thế, tự nhiên biết mở miệng ra nói cho đức Phật hiểu được:

- Thế Tôn, con không dám làm trái lời giáo huấn từ bi của Ngài, từ nay về sau con thề nguyện sẽ phụng hành.

- Thế thì hãy chui vào bát của ta

Ðức Phật vừa dứt lời, con rắn đã tuân lệnh ngay, bò vào bát của Ngài. Ðức Phật bèn ôm bát ra khỏi rừng trúc. Nhà vua cùng rất nhiều người nghe tin ấy, vội vàng vào rừng xem ngã ngũ câu chuyện ra sao. Khi con rắn nhìn thấy người ta, lòng cảm thấy hổ thẹn và chán ghét thân hình rắn độc của mình, liền chết ngay tại chỗ. Mệnh vừa dứt, nhờ nó đã chân thành sám hối với tâm muốn cải thiện, nên được sinh lên cung trời Ðao Lợi hưởng phúc cõi trời. (http://truyenviet.com/truyen-phat-giao/84-dieu-hanh-giao-trinh/1011-hoi-loi-sinh-thien)

Cả hai bậc thánh nhân đều chỉ ra rắn là loài độc ác,” chuyên môn dối trá gạt người, không có việc ác nào mà ngươi không làm,..”và hậu quả là không tránh khỏi. “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ?”; “quả báo khổ đau về sau sẽ vô cùng vô tận, cả ngàn vạn kiếp cũng không thoát ra được. Không biết những kẻ tâm địa rắn độc có biết sợ những lời cảnh báo như thế không nhỉ ?!

6. Rắn và khát vọng của con người




Truyện dân gian Việt Nam kể rằng, sau khi hạt lúa thần bị bà góa đập vỡ, con người phải cày cấy vất vả quá thì kêu trời, trời ơi là trời! trời ơi ngó xuống mà xem! sao khổ cực thế này. Trời chịu không thấu tiếng kêu của dân nên sai một vị thần xuống trần. Vị thần này mặc áo thụng xanh, đội mũ cánh chuồn, đem xuống một nắm cỏ và một nắm lúa. Trời bảo gieo nắm lúa cho dân nhờ. Khi xuống trần gian, bao nhiêu trò vui làm vị thần này quên mất không biết nắm nào là cỏ, nắm nào là lúa. Đến giờ phải về chầu trời, thần vứt đại một nắm hạt xuống đất. Trời yêu trí phen này dân có lúa ăn, khỏi phải vất vả. Nhưng trời chưa kịp ngồi nóng đít thì tiếng dân kêu trời lại dội lên, thảm thiết hơn. Trời ngó xuống, trần gian cỏ mọc ngút ngàn. Giận quá, trời phất tay một cái, vị thần gieo cỏ rơi xuống đất, biến thành con trâu, từ đó trâu phải ăn cỏ.

Để sửa lỗi, Trời sai một vị thần khác xuống trần gian, ban cho dân một ân huệ đặc biệt là không phải chết. Trời cho vị thần một câu quyết :”Người già người lột, rắn già rắn tụt vào săng”(săng là cái quan tài, ý nói rắn già thì rắn chết, vì rắn là loài độc ác). Vị thần thứ hai xuống trần. Bao nhiêu điều hấp dẫn đã làm vị thần này quên mất câu quyết. Rắn già rắn lột hay người già người lột? Đến giờ chầu trời, vị thần ấy nói cho xong “Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng”. Trời yên trí phen này dân không còn nguyền rủa trời nữa. Nhưng hỡi ôi, trời chưa kịp ngồi yên ghế thì tiếng khóc thương của dân lại vang thấu trời. Trời ngó xuống trần gian, chỗ này người già chết, chỗ kia người trẻ chết. Trời biết vị thần thứ hai đã đọc sai câu quyết, vì thế loài người phải chết. Giận quá, trời phất tay một cái, vị thần thứ hai rơi xuống trần, đúng ngay bãi phân của người nông dân ở bờ ruộng, thần biến thành con bọ hung. Từ đấy, giống bọ hung phải chui rúc trong đống phân. Phải chi vị thần này nói đúng câu quyết, thì con người sẽ lột da sống mãi, các cô khỏi phải đi mỹ viện lột da mặt làm đẹp (!)

Con rắn quấn quanh chiếc gậy là biểu tượng của Y khoa. Điều này có nguồn gốc từ thần thoại Hy lạp và thoại La Mã, thần Hermes và thần Asklepios. “Về truyền thuyết, rắn là một loài vật được nhiều nền văn hoá, tôn giáo và truyền thuyết nhắc đến, thậm chí được sùng kính. Một số bộ tộc Phi châu, bộ tộc Ấn độ cổ đại, đạo Hin-đu (từ khoảng thế kỷ 6 đến 4 trước Công nguyên) còn thờ cúng rắn trong các buổi lễ nghi thức. Thế tại sao rắn được sùng kính như vậy. Người ta cho rằng, rắn nó nằm trong một lớp vỏ bọc, và theo niềm tin của các bộ tộc này, họ cho rằng rắn có khả năng thay vỏ để trẻ hoá và kéo dài tuổi thọ. Và họ tin rằng rắn sống trường sinh bất lão…Ở Ai cập cổ đại các mẫu rắn được dùng trong các kiểu viết chữ tượng hình. Ở Trung quốc và cả Việt Nam rắn là một loại thuốc trị được nhiều chứng bệnh..”
(Nguyễn Đình Nguyên- ttp://www.ykhoa.net/binhluan/nguyendinhnguyen/NDN001.htm)
26 tháng chạp Nhâm Thìn (Tháng 2.2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét