Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
SONG SONG NHỮNG PHẬN NGƯỜI
(tiểu thuyết Song Song của Vũ Đình Giang. Nxb Văn Nghệ 2007)
Song Song là câu chuyện của những người đồng tính. Kết thúc truyện, tác giả viết “Đừng hồ nghi trí tưởng tượng, hãy tiếp tục suy diễn đi. Tôi khuyến khích sự suy diễn...Trò bịp nào cũng khởi đi từ một cội nguồn khốn khổ...Ngày 1 tháng Tư, bạn nhớ không... Cả thế giới thừa biết đó là ngày gì”(tr. 319) .Vâng, như vậy là đã rõ. Song Song chỉ là một trò bịp của ngày cá tháng tư. Nói một cách khác, đó chỉ là truyện hư cấu, truyện bịa đặt của trí tưởng tượng. Vì thế người đọc không cần bận tâm đến những gì nhà văn miêu tả, cũng không cần phải xét xem trong thực tế có những con người và những câu chuyện như thế không, bởi Vũ Đình Giang (VĐG) chủ trương “Văn chương là nghệ thuật của hư cấu, hướng vào những khai phá mang tính mới lạ và khác biệt”...” Tôi luôn quan niệm, viết là sáng tạo nên cuộc sống. Thế giới hiện ra dưới ngòi bút của nhà văn là những con người và cuộc đời khác biệt, mới mẻ, thú vị như chưa từng được biết”(1).Vấn đề là qua tác phẩm, nhà văn nói gì và tiếng nói nghệ thuật của anh ta có gì mới mẻ, đặc sắc hay không !
Nhà văn Phong Điệp cho rằng :” Với Song Song, tác giả đã thể hiện bản lĩnh sáng tạo của mình. ... Xác lập một dấu ấn riêng, không trộn lẫn - cá tính, khác lạ - đó những điều Vũ Đình Giang đã và đang làm trong hành trình văn chương của mình…”(2). Nhà văn Bích Ngân thì nhận xét : “Với Song Song, Vũ Đình Giang đã giải tỏa cơn dằn vặt của ý thức. Giang và một vài người viết trẻ khác, đã không chấp nhận lối viết giống với những gì đã có, không trượt theo đường mòn quen thuộc, không viết theo xu hướng thỏa hiệp với chính mình. Giang viết trong khát vọng muốn tìm kiếm những giá trị mới cho văn học trong xu thế mới. ” (tr.325).
Vậy thì, “bản lĩnh sáng tạo, dấu ấn riêng, khát vọng tìm kiếm những giá trị mới cho văn học” của Vũ Đình Giang là gì?
Xin hãy nghe VĐG trình bày : “Sở thích của tôi là hành hạ các nhân vật của mình, bằng cách ném chúng vào những trường hợp gian khó, quá trình chúng quẫy đạp tìm cách thoát hoặc tự huỷ hoại, cũng là lúc chúng thách thức ngược lại tôi. Giải quyết xong vấn đề của nhân vật là mọi khó khăn chấm dứt. Có thấm mệt đôi chút nhưng tôi dễ dàng sa ngay vào những trò nhảm nhí hấp dẫn khác, nhờ thế tôi bắt đầu sáng tác mới. Thú thật, tôi là người chỉ thích mổ xẻ nội tâm phức tạp của con người trên trang viết, ngoài đời tôi lảng tránh mọi kiểu đau khổ dù nó cố lao vào.”(3)
Kỹ thuật viết của VĐG có gì đặc biệt ? -” Ở cuốn Song Song, tôi thử tách - nhập nhân vật ra làm nhiều lớp, đặt các điểm nhìn cùng lúc để nghiên cứu chúng dưới từng góc độ, trong các giả định và chiều kích không gian khác nhau - loại kỹ thuật mà trước đây tôi hầu như không sử dụng đến. Tôi cũng chú tâm nhiều hơn đến nhịp điệu tổng thể, tông giọng và những chuyển đổi khác biệt giữa từng mạch văn, sao cho các loại không gian tâm trạng khác nhau được bày ra một cách cố ý”(4).
VĐG cho biết thêm :” Nghề thiết kế mỹ thuật giúp tôi ứng dụng vài kỹ thuật vào viết, ví dụ như sáng tạo các chi tiết cách điệu nhằm gây ấn tượng mạnh, chú trọng vào bố cục chặt chẽ, tính nhịp điệu, hiệu ứng thị giác sinh động khi miêu tả đối tượng...”
VĐG nhận thức thế nào về hành trình sáng tạo của mình ? Khi được hỏi :” Vậy là viết để giải mã chính mình hay…?” VĐG trả lời : - Vâng, tôi cũng thấy như vậy! “Một hành trình tự nhận thức” Càng viết, tôi càng thấy mình giống như bị dẫn sâu vào một đường hầm bí ẩn, chỉ có đi vào chứ không thể lùi ra. Tình trạng đó khiến mình phải tập thói quen nhận diện rõ ràng mọi thứ trong tăm tối, đồng thời kiểm soát nỗi sợ hãi và dè dặt bước chân nếu không muốn sa lầy”(4)
Quan sát ý thức sáng tạo của VĐG ở trên, tôi không thấy điều gì là mới lạ hay là cá tính độc đáo cả. Tiểu thuyết hư cấu (fiction) đã có từ lâu trong văn chương. Kỹ thuật mổ xẻ nội tâm, hay kỹ thuật phân thân, tách nhập nhân vật ra làm nhiều lớp cũng không phải là mới. Nói cho đúng VĐG chú ý đến kỹ thuật viết nhiều hơn. VĐG không có ý thức cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Anh cũng chưa có được một kiểu tư duy nghệ thuật mới. Điều mà người đọc thấy là “mới” của VĐG ở Song Song là tiếng nói trực tiếp của người đồng tính, là cách viết gây rối khiến người đọc không sao phân biệt được nhân vật xưng Tôi là ai (G.g, H hay Kan). VĐG có thêm góc nhìn Camera để cho sự việc hiện lên khách quan. Nếu nói “cái mới lạ” nữa trong Song Song thì đó là những trò chơi giết chóc quái gở như trong ảo giác của những người bị tâm thần phân liệt. Màu đỏ máu được tô đậm suốt tác phẩm. Nếu bỏ đi những đoạn đối thoại và miêu tả, thì Song Song chỉ còn lại là những cảnh làm tình của những người đồng tính nam, thuần túy bản năng và hết sức quái gở (bạo dâm, khổ dâm ) theo khả năng tác giả có thể tưởng tượng được. Đọc Song Song thì rất nặng đầu mà gấp Song Song lại, thì nhẹ hẫng, bởi Song Song chẳng để lại được điều gì trong lòng người đọc.
Nhà văn Phong Điệp có cảm nhận này:” Không thể phủ nhận đây là một cuốn sách khó đọc, thậm chí nên có “chống chỉ định” rằng: những ai đang trong tâm trạng trầm uất thì không nên đọc”. Thú thực đọc Song Song tôi nặng đầu kinh khủng. Nhiều lần định buông không đọc nữa, bởi không chỉ nhà văn “hành hạ nhân vật” mà chính anh ta đang hành hạ độc giả bằng những kỹ thuật gây “ấn tượng”.
Ngoài kia, cuộc sống cao rộng, sôi nổi biết bao. Xung quanh ta có bao điều thú vị nhưng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề nóng bỏng có thể làm nổ tung cả trái đất. Ta day dứt không nguôi với bao điều nhức nhối tâm can, nhưng ta cũng tìm được những phút dịu êm trong vòng tay của những người thương yêu. Cuộc sống cuồn cuộn chảy về tương lai với bao nhiêu hy vọng. Khi tôi viết những dòng này thì ở Libia hàng trăm ngàn người tỵ nạn đang khốn khổ cần cứu giúp. May mắn thay hơn bốn ngàn công nhân Việt Nam ở Libia đã được đưa về nước. Nhưng trong nước, bão giá đang quất những ngọn gió rất mạnh vào mái tranh của nhiều gia đình, khiến mặt người nhìn nhau se sắt, ái ngại. Hoàng sa vẫn dậy sóng. Nhưng dù thế nào, Việt Nam vẫn đang lớn lên, cuồn cuộn trong dòng chảy vươn ra biển lớn.
Vậy mà Song Song lại dẫn ta vào một căn nhà gỗ nhỏ, tăm tối, rồi nhét ta vào bồn tắm, thậm chí chôn ta xuống một cái hố ngoài vườn, bắt ta mở mắt xem những trò quái gở như đổ thuốc trừ sâu và mực đen vào chậu thau nước để giết mặt trời, làm cho cái ghế thành thương tật, dùng dây thòng lọng cột những con rối lên trần, tìm cách thủ tiêu con cú bằng đồng. Bắt ta chứng kiến những cảnh khổ dâm bằng roi da, cảnh làm tình trên giường đinh, chân thõng xuống xoa vào những con rắn, dìm ta xuống hồ nước massage trong G.World... Ta bị nén chặt trong một không gian tăm tối trầm uất không lối thoát . Ngột ngạt không sao chịu nổi. Chưa hết, VĐG đổ lên người ta những loáng nước đỏ máu (máu rắn lục pha máu ngỗng, nhiều lắm, cả nước sơn màu đỏ) và để lưỡi dao lam lên đầu ta, giương cái búa tạ lên và liên tục hét vào tai ta : Giết! Giết! Giết! Ta kinh hãi tột độ. “roẹt! “thế là xong đời....Ta tưởng mình đã chết ngọt lịm. Nhưng không…Đấy chỉ là trò bịp của trí tưởng tượng. Nhảm nhí hết sức, mất thời gian, vô ích. Tôi tiếc cái công sức mình đã bỏ ra để đọc tác phẩm. Đó là cái “ấn tượng “ mà Song Song để lại trong tôi. Có lẽ VĐG đã đạt được mục đích viết của mình. Anh bảo : “Tôi hy vọng mình có thể viết một cuốn gây chút ấn tượng. Giữa “hay” và “ấn tượng”, tôi thích chữ sau hơn!”. Liệu những “ấn tượng” như thế có ích gì cho văn chương không ?
Nếu người đọc chỉ đọc để giải trí, để tiêu khiển, để tìm cảm giác lạ, để phiêu lưu vào những thế giới chưa hề có chưa hề biết, thì nhà văn nên viết cho có “ấn tượng”. Bởi sau khi đọc xong , người đọc sẽ quên ngay, thậm chí vứt cuốn truyện ấy vào sọt rác của bộ nhớ. Tôi không tin rằng VĐG định tìm kiếm những “ấn tượng” như thế. Anh bảo “Viết là một hành trình nhận thức”. Vậy anh nhận thức thế nào về người đồng tính nam trong Song Song ?
Anh miêu tả họ có hai con người. Con người xã hội bình thường, họ là họa sĩ, là nhân viên công ty như mọi người, và một con người trống rỗng, cô độc, sống trong những ảo giác giết chóc. Tất cả ý thức, tri giác và hành động của họ chỉ còn là tìm kiếm thỏa mãn bản năng tình dục. Vấn đề là ở chỗ, VĐG không miêu tả con người xã hội của họ như họ đang tồn tại, mà chỉ tập trung tô đậm tính quái gở ở họ. Khiến cho nhân vật trở nên méo mó, tính chân thực nghệ thuật bị xuyên tạc. Nhân vật trở thành “nhận thức” hết sức lệch lạc của nhà văn về hiện thực. VĐG cũng không lý giải được nguyên nhân đồng tính nam là do đâu? Không lý giải được điều gì bên trong con người họ thôi thúc họ tìm đến nhau để thỏa mãn tình dục. Nói cách khác VĐG chỉ miêu tả hiện tượng đồng tính mà không có khả năng thâm nhập sâu vào cái căn cốt bên trong để khám phá, giải mã những hiện tượng đồng tính. Anh áp đặt cho nhân vật đồng tính của mình những ý niệm như cô đơn, trống rỗng, cuộc sống của những sinh vật lạc loài, bệnh hoạn, tật nguyền.(307) Anh không đưa ra được lời khuyên hay giải pháp nào cho họ, có chăng một chút cảm thông hời hợt (tr.288) .
Tôi cho rằng đó là chỗ thất bại của VĐG trong Song Song. Tiểu thuyết hư cấu tồn tại được là ở hình tượng nghệ thuật và tư tưởng. VĐG không có tư tưởng. Nói cho cạn nhẽ, anh có nói đến “cơn buồn nôn” (tr.50, 129…) nhưng đó không phải là trạng thái buồn nôn triết học trước hiện sinh, mà thuần túy là cảm giác tâm lý. Hình tượng nghệ thuật của VĐG mới ở dạng trứng nước, chưa đủ tượng hình, lại bị làm cho xô dạt đi, thành méo mó. Cuối cùng, Song Song chỉ còn là một cuốn truyện giải trí đơn điệu.
Vũ Đình Giang chọn lối viết khó đọc. Vậy lối viết khó đọc của VĐG có những độc đáo và giá trị gì? Thông thường khi nói một tác giả khó đọc, một tác phẩm khó đọc là nói về độ khó trong khám phá tư tưởng và nghệ thuật của tác giả và tác phẩm ấy. Chẳng hạn F.Kafka, Gabriel Garcia Márquez . Đó là cái khó của tư tưởng mà người đọc bình thường không có vốn tri thức triết học sẽ không thâm nhập được. Đó là cái khó của tư duy nghệ thuật và bút pháp, (chẳng hạn chủ nghĩa Siêu Thực, mà người quen đọc tác phẩm Hiện Thực khó tiếp cận được). Xin lưu ý điều này. Viết khó đọc không phải là giá trị văn chương của một tác giả hay tác phẩm. E.Hemingway được vinh danh vì ông là nhà văn “viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người “ còn A. Schopenhauer thì bảo rằng :”không gì dễ hơn là viết khiến cho không ai hiểu gì cả, ngược lại, không có gì khó hơn là diễn tả những điều sâu xa bằng một cách mà tất cả mọi người, từ ngu phu, ngu phụ đều nhất thiết hiểu được....Sự đơn giản bao giờ cũng được coi như một dấu hiệu của sự thật, nó còn là một dấu hiệu của thiên tài...một bút pháp tối tăm hay tồi tệ có nghĩa là một đầu óc trì độn hay rối loạn “(5)
“Cái khó “ của văn chương VĐG không thuộc về tư tưởng và nghệ thuật mà thuần túy thuộc về kỹ thuật gây rối của tác giả.
Trong 108 phân đoạn cùng với những ngày tháng và lời giới thiệu ở đầu cuốn sách, mỗi phân đoạn đều được nhân vất TÔI kể lại sự việc . Nhưng TÔI là ai? Là G.g, H, hay Kan? Nếu người đọc không làm bản thống kê và phân tích dữ liệu thì không thể biết TÔI là ai, thế là câu chuyện rối tung lên. Và dù khi đã biết Tôi là ai, thì người đọc cũng bất lực theo dõi câu chuyện, vì cả ba nhân vật G.g, H và Kan cũng chỉ là một, nhạt nhòa vào nhau. Chỗ non tay của VĐG là không xây dựng được từng nhân nhật như một cá tính độc đáo, khác biệt hẳn với nhân vật khác, mặc dù anh có đắp cho nhân vật một chút lai lịch quá khứ. ( lai lịch Kan đoạn 33-lai lịch G.g, đoạn 95) .
Cái khó đọc khác của VĐG là sự trộn lẫn thực - ảo. Nhà văn Bích Ngân gọi là “mới lạ ngay trong chính nội dung song song của nó về cái tính gỉa- thật, thật-giả, về trạng thái thực-ảo lẫn lộn” (tr.325). Đúng là kỹ thuật trộn lẫn thật-ảo có làm cho người đọc ngạc nhiên và khó hiểu đôi chút, nhưng nó chỉ mang đến sự ngạc nhiên cơ giới của một trò hú tim mà thôi. Nó không tạo ra những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ. Chẳng hạn cảnh khổ dâm trên giường đinh, thõng chân xuống xoa đầu lên những con rắn có làm cho người đọc kinh hoàng (đoạn 94-95), song ngay sau đó, VĐG bật mí : đó chỉ là những đinh cao su và những con rắn cao su. Thế là toàn bộ cảm giác người đọc có được khi ngỡ rằng đó là cảnh thật đã tan biến nhanh. À! thì ra văn chương chỉ là trò chơi thôi mà! Nhưng có điều này : Nếu VĐG để cho G.g và H giết ông già và thằng bé hàng xóm là thực , việc tự sát của G.g là thực, thì chính tác giả là kẻ thủ ác, bởi nhà văn đã không lý giải được nguyên nhân và hậu quả của hành vi tàn ác này. Tôi tin rằng, một lần nữa VĐG lại chơi trò cá tháng Tư với độc giả?
VĐG miêu tả các nhân vật rất ý thức về chính bản thể của mình. Họ có cái nhìn tỉnh táo và hành xử rất lý trí trước mọi sự việc xảy ra. Nhận thức của họ tưởng như đạt tới chiều sâu triết lý. Vậy mà cũng chính những con người ấy lại trườn đi như những robot bị điều khiển bởi bản năng mà không hề cố thoát ra hay cố tìm nguyên nhân để tự sửa chữa, để trở về đời sống bình thường. H sống và làm tình với G.g, nhung nhớ G.g như một người yêu. Nhưng H lại lén lút ăn nằm với Kan, tránh không cho G.g biết. Và Kan, lại buông thả nhục dục với G.g. trong sự chứng kiến của H. Tại sao có hiện tượng ấy? Hoặc là nhà văn cố ý miêu tả như vậy do không lý giải được ; hoặc nhà văn trộn lẫn hai đặc điểm ấy để tạo ra sự giả ngụy, thật-giả, giả-thật như nhà văn Bích Ngân nhận xét, để vừa thuyết phục người đọc rằng những điều nhà văn viết về đồng tính là thật, vừa nói rằng họ đáng thương bởi họ bị điều khiển bởi bản năng mù quáng. VĐG không miêu tả họ mù quáng, trái lại, nhà văn chỉ rõ họ ý thức trạng thái sống giả, họ tìm kiếm những trải nghiệm chung đụng thân xác với nhiều đối tượng, nhiều kiểu hành dâm. Họ biết rõ sống như thế là tội lỗi, nhưng họ vẫn chọn lựa thái độ sống ấy.
Điều đáng tiếc là VĐG đã không miêu tả được những phẩm chất Người khác ở họ. Chẳng hạn tình yêu giữa những người đồng tính. VĐG có để cho nhân vật nói : Tôi yêu ông ấy, nhưng tình yêu ấy cụ thể được khám phá thế nào, khác với tình yêu nam nữ ra sao, tình yêu ấy dẫn những con người đồng tính đi về đâu, tình yêu ấy trả lại cho họ những giá trị nhân bản nào? Trong thực tế đã có những cặp đồng tình cưới nhau và chung sống như vợ chồng. Họ khẳng định hạnh phúc của chính họ. VĐG chưa chạm tới được những giá trị ấy, thành ra những gì VĐG viết về họ cũng chỉ là trò bịp (chữ của VĐG) mà thôi. Và chính trò bịp ấy làm cho văn VĐG trở nên khó hiểu. Tiếng nói bênh vực, cảm thông với họ trở nên nhợt nhạt. Những gì VĐG khám phá về họ trở nên vô nghĩa, và cái được gọi là “táo bạo, mới lạ” của ngòi bút VĐG chẳng qua chỉ là trò cá tháng tư, chẳng có giá trị tư tưởng nghệ thuật gì !
Dầu vậy, đọc Song Song, tôi đã thấy hé lộ những trang văn của một ngòi bút tài năng. Anh miêu tả thật sống động những cảnh sống, những trạng thái tâm hồn ; miêu tả được “dòng ý thức “trôi chảy bên trong của nhân vật. Ngôn ngữ tiểu thuyết chuẩn xác và đặc quánh. Ngôn ngữ chứa đựng năng lượng làm vỡ ra một thế giới nghệ thuật rất riêng. Ngôn ngữ có sức khủng bố não trạng người đọc. Ngôn ngữ có ma lực làm người đọc hôn mê ú ớ, không thoát ra được. Kỹ năng miêu tả tâm lý, phân tích tâm lý của anh gần đạt đến cách miêu tả Hiện Tượng Luận trong văn chương Hiện Sinh. Cách miêu tả như thế ít nhà văn trẻ Việt Nam có được. Chỉ tiếc rằng văn chương của anh thiếu tư tưởng. Chỉ tiếc rằng anh chưa xây dựng được kiểu nhân vật tư tưởng, bởi đó là hai yếu tố để một tác phẩm hư cấu đứng được. Và tất cả những gì trong quan niệm sáng tạo nghệ thuật của anh chưa giúp anh viết được một tác phẩm giá trị, tương xứng với tài năng của anh, ngoài cái “ấn tượng” mà anh có thể gieo vào đầu người đọc.
Tôi ngờ rằng người đọc chỉ đủ can đảm bị cái “ấn tượng” ấy ám ảnh một lần thôi. Họ sẽ không bao giờ để VĐG chôn trong bồn tắm mà đổ ngập nước đỏ lòm máu rắn, máu ngỗng và phẩm màu vào người họ một lần nữa. Họ sẽ không dại dột cho anh để dao lam trên đầu họ. Lạnh lùng giết họ : “roẹt”. Và ném lại một lời :”Tôi đi đây” (tr.313). Bởi ngoài kia còn bao điều tươi đẹp hạnh phúc đang chờ họ. Sẽ chỉ có mình anh đi vào đường hầm sáng tạo . Anh bảo :” Càng viết, tôi càng thấy mình giống như bị dẫn sâu vào một đường hầm bí ẩn, chỉ có đi vào chứ không thể lùi ra.”Dù nhà văn đi trong đường hầm nhưng văn chương cần có ánh sáng minh triết soi dẫn và một tấm lòng nhân hậu đủ sưởi ấm mọi nẻo giá băng của lòng người. Văn chương ấy mới cần cho đời.
Tháng 3. 2011
_________________________________________________
(1) http://www.baomoi.com/Viet-la-sang-tao-nen-cuoc-song/152/4842827.epi
(2) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=4892
(3) http://tintuc.xalo.vn/00-1240887043/Nha_van_Vu_Dinh_Giang_Toi_thich_hanh_ha_cac_nhan_vat_nbsp.html
(4) http://tintuc.xalo.vn/001786814445/Vu_Dinh_Giang_Lam_la_hoa_nhung_dieu_binh_thuong.html
(5) Con Đường Sáng Tạo- Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu.-A.Schopenhauer nói về bút pháp-Quế Sơn ấn hành lần thứ I năm 1971, Hồng Hà ấn hành lần II năm 1973, Sàigon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét