CẦN LẮM NHỮNG YÊU THƯƠNG
(đọc tiểu thuyết Mắt Bão của Phan Hồn Nhiên. Nxb Văn Nghệ 2009)
Bùi Công Thuấn
“Mọi thứ trên đời này ấy mà, xấu hay tốt, không phải người khác gây ra cho mình đâu. Tự mình chọn hết, anh ạ. Mình làm. Và mình chịu trách nhiệm. Nên chẳng có gì phải hối tiếc nữa. (tr.319) Thái Vinh nói với Hải như vậy. Sau đó cô tự sát trước sự bàng hoàng của mọi người. Có thật đó là một thái độ chọn lựa đạt tới chân lý không ? Thái Vinh sinh ra trong một gia đình giàu có, tính khí kỳ lạ. Cô được cha mẹ cho sang Sing học. Mùa hè về nước, cô ta “quậy” tưng bừng. Đi ăn, đi chơi, đi mua sắm, làm người mẫu thời trang, ngủ qua đêm ở khách sạn, trở thành thứ đồ chơi cho đàn ông (tr.224). Sau cùng cô ta “chán hết mọi thứ”. Và “ sợ hãi tất cả trong cuộc sống này”(tr.318). Thái Vinh tìm đến cái chết, tự chịu trách nhiệm về đời mình. Phan Hồn Nhiên cho rằng Thái Vinh đã “lăn xả vào các cuộc lùng kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, theo các cách điên cuồng của cô ấy”(tr.358). Cách giải quyết số phận Thái Vinh như vậy buộc người đọc phải hoài nghi về những ý tưởng có tính “triết lý” mà Phan Hồn Nhiên đưa ra trong tác phẩm. Bởi nếu tất cả các cô gái 19 tuổi như Thái Vinh đều đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc đời bằng những cuộc lùngkiếm ăn chơi như thế, thì cõi nhân gian này sẽ ra sao ?
1.Một truyện dài hấp dẫn
Trong Mắt Bão (MB) có khá nhiều ý tưởng có tính “triết lý” như vậy. Nó giúp cho những điều Phan Hồn Nhiên (PHN) miêu tả trở nên có chiều sâu, và làm nên cái riêng của văn chương PHN, và hơn thế, Mắt Bão là một tiểu thuyết hấp dẫn. PHN khai thác được độ căng kịch tính trong mỗi chương và trong suốt 47 chương của tập truyện. Câu truyện kể lại cuộc đối đầu giữa các sinh viên xoay quanh hai sự kiện : tổ chức hội chợ và bầu chủ tịch Hội sinh viên. Vĩnh sinh trưởng trong một gia đình giàu có, thế giá. Em Vĩnh là Thái Vinh du học ở Sing về nghỉ hè. Các nhân vật Hữu, Hải, Nhã Thư là những sinh viên nghèo tỉnh lẻ, họ về thành phố học và phải bươi trải hết sức vất vả. Mỗi người chòi đạp kiếm sống theo một cách. Hải làm gia sư. Nhã Thư làm hướng dẫn viên du lịch. Hữu, hợp tác với Trung và lợi dụng Thái Vinh mở cửa hàng thời trang thể thao. Bằng nhiều thủ đoạn ma giáo(chữ của PHN), Hữu thắng Vĩnh trong cuộc tổ chức thi hoa khôi của trường, sau đó lại thắng Hải trong cuộc bầu cử vào chức chủ tịch Hội sinh viên. May nhờ có Thư giúp sức, Vĩnh lật tẩy trò gian đánh tráo thùng phiếu của Hữu. Hải chiến thắng. Độ căng và sự hấp dẫn của truyện là cuộc đầu trí đấu lực giữa một bên là Hữu và một bên là Vĩnh, Hải và Nhã Thư. Hữu đã làm cho Vĩnh chao đảo từ thất bại này đền thất bại khác, cuối cùng đành chấp nhận thua cuộc. Đau đớn cho Vĩnh là Hữu khai thác được Thái Vinh tiền của Vĩnh, và xô đẩy Vinh vào con đường tha hóa để sau cùng Vinh tự sát mà Vĩnh bất lực chịu đòn. Mắt Bão còn là một cuộc đấu tranh khác, Một bên là triết lý sống thực dụng và những thủ đoạn độc địa của Hữu và một bên là hành động theo lẽ thiện của Vĩnh, Hải. Và sâu xa hơn là cuộc đấu tranh bên trong mỗi con người dưới sự tác động của hoàn cảnh khốc liệt. PHN nói rằng :”Ai đó nói đúng. Đáng sợ nhất không phải là đấu với người khác, mà là vật lộn với kẻ vô hình bên trong chính mình. Nó luôn muốn lái anh theo những điều được xem là đúng đắn và lương thiện mà bất kỳ ai cũng phải tuân thủ. Nhưng anh dư biết. Đó cũng là cách để trở thành kẻ yếu đuối, tầm thường “(tr.344). PHN miêu tả một cách tài năng cả hai cuộc đấu tranh này, đem đến cho người đọc nhiều thú vị. Ngòi bút PHN có khả năng “lộn trái” mỗi con người, bắt nó phải phơi bày cái bản chất của từng hành động và chỉ ra đâu là điều đáng ca ngợi, đâu là cái đáng nguyền rủa. Nhờ thế Mắt bão đọng lại trong lòng người đọc nhiều nghĩ suy về những vấn đề của người trẻ hôm nay.
2.Và những vấn đề “nóng”
Những sinh viên nghèo từ các tỉnh lẻ lên thành phố học phải chật vật kiếm sống. Trước những nhu cầu, trước những cám dỗ và cả những cạm bẫy, họ đã bươn chải thế nào ? Hải làm gia sư, mỗi tháng được ba trăm ngàn, sau làm quản lý resort của một tay Việt kiều, làm việc tối tăm mày mặt với đồng lương rất bèo, ẩn nhẫn để học kinh nghiệm. Nhã Thư làm hướng dẫn viên du lịch mỗi ngày được 50USD, trước đó Thư đã từng phải làm người mẫu chụp hình nude . Hữu được Trung bảo trợ mở cửa hàng thời trang thể thao, và bằng cách ăn cắp tiền, tài khỏa của anh ta tăng nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, anh ta có mấy trăm triệu trong ngân hàng. Anh ta dự định mua căn hộ ở chung cư cao cấp. Nhưng Hữu phải thỏa mãn nhu cầu tình dục đồng tính của Trung. Trong thực tiễn, sinh viên tỉnh lẻ về thành phố học, họ làm gì để sống, để tồn tại và thăng tiến ? Họ cam chịu sống nghèo và đầy mặc cảm như Hải, hay dùng thủ đoạn lưu manh, thực dụng để làm giàu và đoạt lấy những đẳng cấp xã hội như Hữu? Những nữ sinh viên như Nhã Thư, họ sống thế nào ? Hãy nghe Nhã Thư tâm sự với Hải :”Yêu thương sẽ vô nghĩa nếu không được bảo đảm một cuộc sống đầy đủ và yên ổn, Hải ạ!- Tôi mới thuê chỗ này để sống. Tôi ưa thích tiện nghi, Hải ạ. Tôi không đủ hư hỏng để làm gái bao moi tiền đàn ông như một vài cô gái khác. Nhưng tôi cũng phải xoay sở theo cách tốt nhất chứ. Lúc nào tôi cũng cố gắng làm việc, nhưng dân tỉnh lẻ tụi mình, làm mấy chục năm nữa mới có đủ tiền mua nơi chốn như thế này hả Hải ? Một người như Vĩnh sẽ bảo đảm cho tôi một đời sống an toàn dài lâu”(tr.256). Có thực là các cô sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học đều lăn mình vào cuộc sống thực dụng như vậy không ?
Thái độ của Phan Hồn Nhiên là thế nào trước những vấn đề như vậy ?
Có thể thấy rõ nỗ lực của ngòi bút PHN tập trung vào xây dựng nhân vật Hải như là tiếng nói của PHN. Lúc đầu, Hải sống đầy mặc cảm và không có kinh nghiệm. Con đường thăng tiến của anh là nỗ lực làm việc và quyết tâm vượt lên bằng con được học tập. Vĩnh đã giúp anh học tiếng Anh, Nhã Thư giới thiệu anh đi làm cho một resort ở Mũi Né. Dù làm gia sư, đi học, hay đi làm, Hải luôn nhẫn nhục chịu đựng và đem hết sức mình cho công việc. Nhờ đó anh trưởng thành mau chóng và đẩy tự tin vào chính năng lực của mình. Sau cùng, bằng chình tài năng của mình, anh được ông Quang, là cha của Vĩnh, đánh gía là rising star, (là thành phần đang vươn lên tr.295). Ông chọn Hải đầu tư, bằng cách tài trợ anh du học. Anh cũng được ông Quyền, chủ resort, chỉ bảo một số kinh nghiệm. Hải cũng thắng cử trong đợt bầu chủ tịch Hội sinh viên, vượt qua Hữu. PHN để cho Vĩnh, người bạn giàu có, đầy ưu thế, ca ngợi Hải bằng những lời có cánh sau đây :”Hải - chính cậu ấy mới là người bất khả chiến bại. Một con người hành động. Hãy nhìn dáng vẻ rắn rỏi, đang đi lên, đang tự trui rèn của cậu ấy. Hãy nhìn vào ánh mắt chua xót mà vẫn trung thực và quả cảm của cậu ấy. Thực tế thì cuộc sống luôn được dẫn dắt bởi những con người ưu tú như Hải. Bao giờ cũng thế, trong cuộc đấu bất tận giữa tốt và xấu, cái xấu luôn tìm được cách để vượt lên, ngụy trang dưới những lớp vỏ tinh vi trong một số thời điểm nào đó. Nhưng đấy chỉ là những bài tập, để cho cái tốt mạnh lên, nắm giữ vai trò quyết định..”(tr.352). Trước khi lên máy bay du học, Vĩnh nhìn một lượt mọi người ở ga, anh thấy Hải nổi bật lên :”...Dường như tất cả những ai hiện diện ở đây đều bị điều khiển bởi một bàn tay vô hình duy nhất, chi phối họ bằng vô số mục đích bé mọn. Giữa tất cả những con người ấy, Hải bỗng nổi bật lên. Đôi vai rộng và thẳng. Ánh mắt kiên định. Dáng đứng tự tin, vừa căng thẳng vừa thoải mái. Tất cả tạo nên ấn tượng về một con người đã bắt đầu làm chủ chính mình, một cá nhân can trường, ẩn chứa sức mạnh lớn lao...”(tr.360)
Tuy nhiên cũng phải nhận thấy điều này, trong cách giải quyết số phận các nhân vật, thái độ của PHN có lúc đã thỏa hiệp với thực tiễn. PHN để cho Hữu thắng Vĩnh trong tất cả cuộc đối đầu. Điều ấy chỉ ra rằng con đường thực dụng, thủ đoạn của Hữu có sức mạnh chiến thắng tất cả, mang về cho Hữu những “thắng lợi” vẻ vang cả về danh dự và tiền bạc. “Hải cũng thừa nhận, người như Hữu luôn tỏa sáng đặc biệt, có sức hấp dẫn khôn cưỡng. Và chính họ cũng là một thứ động lực rất tốt để các cỗ máy vận hành “(tr.362). Chuyện Hữu thất bại trong cuộc bầu chủ tịch Hội sinh viên chỉ một phiếu sau Hải là chuyện cỏn con, không ảnh hưởng gì đến thành công của Hữu. Hữu còn được Trung cho cả shop thời trang và bỏ qua tội ăn cắp 150 triệu, chỉ vì thương Hữu giống như Trung 20 năm trước. Sự chiến thắng của nhân vật Hữu lấn át tiếng nói khẳng định của PHN, vì nhân vật Hải mờ nhạt truớc mắt mọi người, hơn thế trong suốt cuộc hành trình, Hải mới chỉ tự tin và đứng vững, còn lại anh cũng liên tiếp thất bại cay đắng như Vĩnh. Hải làm việc hết sức mình cho ông Quyền nhưng lại bị ông nghi ngờ. Hải hết lòng với Vĩnh nhưng không cứu vãn được sự thua cuộc của Vĩnh trước Hữu, dù hai lần anh đã phải dùng nắm đấm để xử lý Hữu. Hải cũng không sao giúp Vĩnh giữ lấy tình yêu với Nhã Thư, dù anh đã được Vĩnh trao phó trách nhiệm. Và hơn hết, Hải là người duy nhất gần gũi với Thái Vinh, người mà Thái Vinh yêu thương chia sẻ tâm sự, người được ông Quang và Vĩnh nhờ cậy chăm sóc Thái Vinh, vậy mà Hải cũng không cứu được Thái Vinh khỏi cái chết bi thiết. ”Sự ra đi của Thái Vinh chính là một cú đập, lôi anh ra khỏi trạng thái tự tin ngây ngô, buộc anh đối diện với thực tế khắc nghiệt” (Tr.322). Bởi trong quá trình lăn vào đời, anh đã dần dần bị tha hóa, trở thành kẻ vô cảm, trống rỗng, chai lỳ :”chúng khiến mắt anh chỉ có thể nhìn thấy bề mặt mọi thứ đang diễn ra. Chẳng hạn bên dưới những hành động kỳ quặc của Thái Vinh là gì, cô bé đã truyền đi thông điệp câm lặng gì, anh đã không thể nhận biết, không thể đồng cảm.. Thái Vinh cần anh nhất, thì anh lại thờ ơ...”(tr323).
Thái độ thỏa hiệp của PHN cũng thể hiện rõ ở nhân vật Nhã Thư. Ở đầu tác phẩm, Nhã Thư xuất hiện với tất cả vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh và sự tự tin của một người thành đạt, một người làm chủ số phận mình, Có thể coi Nhã Thư là một mẫu người trẻ của thời đại mới. Vậy mà dần dần, Nhã Thư hiện ra với hình ảnh ngày càng thảm hại, bởi cuộc sống đã nhào nặn Thư trong vũng bùn của nó. Tưởng thắng cuộc vẻ vang trong cuộc thi hoa khôi của trường, Nhã Thư bị lột trần, nhục nhã bằng những tấm hình nude mà Hữu phô ra vào giây phút vinh quang nhất của Thư. Những tấm hình ấy cô đã chụp cách đó 3 năm chỉ để kiếm tiền, không ngờ bị kẻ xấu lợi dụng. Mối tình với Vĩnh tưởng rằng sẽ đem đến cho Thư hạnh phúc và một cuộc sống tiện nghi lâu dài như cô tính toán, bởi hai người đã có những ngày sống bên nhau thật hạnh phúc ở Phú Quốc, vậy mà khi biết Thư có thai, Vĩnh đã bỏ chạy. “Tất cả vỡ vụn. Cô khuỵu xuống sàn, úp mặt lên những ô gạch vuông vẫn còn mờ dấu giày của người yêu”(tr.247) Để rồi, Thư hợp tác với Hữu đánh bại Vĩnh trong cuộc bầu cử vào chức chủ tịch Hội sinh viên. Thực ra Thư không phải là người tồi tệ. Thư đã giữ lại đứa bé, đã từ chối thẳng thừng lời đường mật của Hữu về một gia đình hạnh phúc, một căn hộ cao cấp có đầy đủ tiện nghi, Thư cũng từ chối cả lòng tốt của Hải khi anh tự nguyện nhận làm việc nuôi Thư và đứa bé. Tuy nhiên, trong bản chất của nhân vật, Nhã Thư thực dụng chẳng kém gì Hữu (tr.336). Thư chỉ khác Hữu ở chỗ cô đã phản tỉnh, và vì thế người đọc còn một chút hy vọng. Cô nói với Hữu :”Em không muốn mai này nghĩ lại khi còn trẻ, em phải nguyền rủa những lựa chọn của em. Những kẻ như anh và em có quá nhiều áp lực. Phải sống, phải tồn tại. Nhưng đừng nghĩ chúng ta ngoi lên. Thật ra chúng ta đang đầu hàng đấy. Các hành động cho thấy chúng ta đang suy đồi, trở nên gớm ghiếc lúc nào không hay...Em sẽ không để mất con đường của mình đâu. Em phải tỉnh lại...”(tr.340)
Do thái độ thỏa hiệp ấy, những vấn đề PHN đặt ra thiếu hẳn tính thuyết phục. Chẳng hạn, PHN kêu gọi gia đình phải quan tâm đến con cái, vậy mà lại để Vĩnh nhiều lần đánh Thái Vinh, khiến Thái Vinh hoàn toàn câm lặng. Từ đây cô băng mình vào cuộc sống sa đọa. PHN chỉ thấp thoáng nói về tình yêu thương và lòng lương thiện, mà lẽ ra những giá trị đó phải là căn cốt, phải được nâng lên thành tư tưởng nhân bản của tác phẩm. Từ lá thư tuyệt mệnh của Thái Vinh, Hải nhận ra điều này :”Những kẻ như chúng ta, từ lúc nào đó, đã đánh mất lòng yêu thương với ngưới khác rồi (tr.326). Cũng từ cái chết của Thái Vinh, Nhã Thư nói với Hữu :” Em hiểu rồi. Không có quỷ dữ hiện hình hay hóa thân. Chỉ có sự vắng mặt lòng lương thiện của người ta trong các khoảnh khắc quyết định. Với trường hợp của Thái Vinh, và biết đâu nữa là cả em sau này, sự vắng mặt của lòng lương thiện trong anh đã đẩy tới một kết cục bi thảm “(tr.333). Sự thiếu vắng tư tưởng nhân bản và vẻ đẹp nhân văn trong tác phẩm làm cho Mắt Bão hụt hẫng trong sự mong đợi của người đọc. Đó là chỗ yếu của nhà văn trẻ.
3. Người trẻ hôm nay
PHN nói nhiều đến sự vô cảm, cô độc, sợ hãi, trống rỗng trong tâm hồn người trẻ, và sự vô nghĩa trong đời sống của họ trong cuộc chạy đua để sống, để tồn tại. Dù đó là Vĩnh giàu có, tương lai đầy triển vọng hay là Hữu, con người chiến thắng tất cả bằng thủ đoạn thực dụng ma giáo, hay Hải cần cù nhẫn nhục, và Thư, con người luôn vận động để thích ứng với mọi hoàn cảnh.Sau khi nghe Vĩnh báo tin Thái Vinh bị Hữu bạo hành ở khách sạn phố Tây, Hải chìm trong nỗi sợ hãi. “Chưa bao giờ Hải thấy lạnh lẽo và sợ hãi đến vậy. Anh xiết chặt tay Vĩnh , chia sẻ với bạn nỗi đau xót, buồn rầu và cả sự trống rỗng khi đối diện với thực tế nghiệt ngã”(tr.172). Khi Vĩnh trốn chạy khỏi nhà Thư, Hải tìm thấy Thư trong hộc tủ âm dương.”Một Nhã Thư tự tin, thân thiện và nhẹ nhàng hoàn toàn biến mất. Chỉ còn cái hình nhân rỗng không bị ném vào cái hốc tủ âm dương này. Sợ hãi lẫn xót thương “(tr.251). Khi nghe Thư nói về toan tính của mình, “Chưa bao giờ Hải thấy lạnh và cô độc đến thế. Một thế giới đầy toan tính mà vẫn trống trải đến kỳ dị, không thể nào hiểu được “(tr.257). Ở Sing về sau chuyến công tác, Vĩnh nhìn thấy Thái Vinh như một con bướm đêm, anh co rúm và buồn nôn khủng khiếp. Vĩnh lấy xa của cha, trốn chạy khỏi thành phố, ngủ qua đêm với gái ở một khách sạn....”chưa bao giờ Vĩnh nhìn sự lạc lối của mình rõ thế. Anh có tất cả : Gia đình, học vấn, tương lai sáng rõ. Nhưng đồng thời, anh biết mình chẳng có gì cả. Tựa một cái bình thủy tinh chế tác công phu, hấp thụ và phát ra ánh sáng lóng lánh, nhưng thực chất bên trong nó chẳng có gì. Bất kể lúc nào cũng có thể bị đập vỡ. Vĩnh lặng lẽ khóc “ (tr.287) Hữu là con người của chiến thắng và kiêu hãnh vậy mà, khi Vĩnh từ bỏ Thư, Hữu tìm đến nhà cô và ngủ lại. Anh đã mơ một ác mộng khủng khiếp. Anh thấy mình rơi xuống vực. ”Rơi và mãi rơi...nghẹt thở. Đau đớn và sợ hãi khủng khiếp. Hữu vùng dậy dữ dội”(tr.330) Một lần khác Hữu lại cảm nhận hữu hình cơn ác mộng ấy. Sau khi kiểm phiếu lại lần 2, âm vọng lời Hải “hãy cẩn thận “ hiện ra với ý nghĩa khác, “Con người bên trong Hữu đã rũ xuống, co lại thành một hòn đá đen nhám. Một bàn tay vô hình đang liên tục ném, nhặt lên rồi lại ném hòn đá ấy ra xa hơn. Hòn đá bắt đầu lăn từ mỏm đá này sang mỏm đá khác. Thình lình nó rơi xuống vự thẳm tối om, nơi mà đáy vực là thứ không hề hiện hữu “(tr.355). Ngay cả khi chỉ nghe một nhân viên nói đùa một câu,”đột nhiên Hữu thấy sợ hãi không sao hiểu nổi “(tr267)
Tại sao người trẻ lại có cảm giác trống rỗng , vô nghĩa và sợ hãi đến vậy ? PHN đã không lý giải được một cách thuyết phục.Bởi vì nhà văn không có được một tư tưởng nhân văn làm nền tảng, cũng không xây dựng nhân vật của mình trên nền văn hóa truyền thống dân tộc thấm đẫm lòng yêu thương con người. PHN chỉ muốn nói những gì chị khám phá (chủ quan) về người trẻ trong bối cảnh hiện đại, bối cảnh chủ nghĩa thực dụng và kinh tế thị trường, ở đó đồng tiền và quyền lực là sức mạnh làm tha hóa tất cả. “Càng về sau này, Hữu càng tin chắc vào mối liên kết ghê gớm giữa tiền bạc và quyền lực “(tr.185). Hữu đã đuổi việc Sơn để chứng tỏ quyền lực của mình. Ngay cả đến Hải, một con người chân thực, cũng nhận rõ sức mạnh của quyền lực “Anh bắt đầu mạnh dạn sử dụng quyền lực. Anh phát hiện sở hữu quyền lực, sử dụng nó hợp lý, sẽ làm cho mọi việc vận hành rất tuyệt. Khám phá này chẳng có gì mới mẻ nhưng lại khiến Hải vui suốt mấy ngày”(tr200). PHN tập trung miêu tả được hiện tượng này là, bị cuộc sống nghiệt ngã làm quay quắt, người trẻ mất phương hướng và trở thành con robot, bị điều khiển bởi một bàn tay vô hình, không thoát ra được. Có một “chân lý vô hình “ cuốn họ đi (tr.354) và họ chỉ là những hình nhân rối trong một vở diễn của sân khấu cuộc đời (tr.339, 351). Nhưng bàn tay vô hình ấy là gì, và chân lý vô hình ấy là chân lý gì, PHN không giải mã được, dù ngòi bút của PHN có sức mạnh của trí tuệ tỉnh táo. Đôi khi PHN có chạm tới cõi vô hình nhưng nhà văn chưa đủ sức tiếp cận với thế giới ấy. Trước cái chết của Thái Vinh, Hải tự hỏi :”Tại sao Thái Vinh quyết định ra đi chóng vánh đến vậy? Lằn ranh giữa sự sống và cái chết có thật hay không? Sau cái chết, linh hồn bé bỏng của cô ấy trôi dạt đi đâu? Người ta nỗ lực điên cuồng trong đời sống để làm gì? “ Hải không có câu lời. Thế có nghĩa là, cả cái chết cũng vô nghĩa. Thái Vinh chán tất cả, sợ hãi tất cả, tìm đến cái chết như là một cách giải thoát, nhưng sau cái chết, Thái Vinh đạt tới trạng thái tồn tại nào cho có giá trị hơn cõi sống ?
Nếu đọc kỹ một chút , người đọc có thể nhận ra điều này, các nhân vật của PHN thiếu tình người. Ở những phút lặng, họ nhận ra từ sâu thẳm lòng mình sự khao khát hơi ấm của lòng yêu thương. Một lần, vùi trong công việc, Hải nhận ra mình vô cùng cô độc. Anh khẩn thiết tìm gặp Nhã Thư. Anh bảo với Nhã Thư :”Tôi cô đơn không thể chịu nổi, Thư ạ !”. Anh chia sẻ với Nhã Thư mọi nỗi niềm. Anh thấy dễ chịu và tìm thấy niềm tin cậy giữa hai người (tr.236). Vĩnh cũng có cảm nghiệm này :”Nếu không cảm thấy tình yêu thương và gần gũi, nếu không cho đi và nhận lại lòng cảm thông từ phía khác, thì con người anh chỉ là nơi trú ngụ cho sự trống rỗng mà thôi. Đột nhiên, Vĩnh hiểu, anh cần Nhã Thư ghê gớm “(tr.178). Rất tiếc PHN đã không đưa những cảm nghiệm, những nghĩ suy ấy thành tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, để các nhân vật nương theo đó mà vươn lên. Thành ra họ cứ rơi xuống vực thẳm không cùng.
4.Nghệ thuật tiểu thuyết của Phan Hồn Nhiên
Phan Hồn Nhiên có khả năng kể chuyện hấp dẫn. Mỗi chương khai thác một sự việc, và đẩy cao những mâu thuẫn để chuyển sang chương sau. Những phân tích tâm lý người trẻ thật sắc xảo, được diễn đạt khẳng định như những kinh nghiệm sống có tính triết lý. Ở mỗi nhân vật, tâm lý được phơi bày trước khi hành động, nên người đọc hiểu được con người bên trong của anh ta. Sự khám phá tinh tế thế giới bên trong con người của ngòi bút PHN tạo nên sự thú vị cho người đọc. PHN đặc biệt miêu tả được những nét biến đổi rất nhỏ trạng thái cảm xúc của nhân vật trong mắt nhìn của người khác, khi họ đối mặt trong những cuộc đấu tranh cân não, điều này chứng tỏ chị có khả năng quan sát thật sắc xảo. PHN viết rất tài năng những đoạn đối thoại đấu trí giữa các nhân vật. Nó phản ánh cái nhìn đa diện của PHN về các những cách nhìn, cách sống khác nhau của người trẻ. Chẳng hạn, PHN một mặt khẳng định giá trị con đường và lối sống của Hải, nhưng mặt khác PHN cũng công nhận trong thực tế quan điểm và lối sống của Hữu có những mặt mạnh và thành đạt nhanh hơn. PHN không kết tội lối sống ấy mà chỉ nguyền rủa tính cách con người Hữu. PHN gọi Hữu là tên láu cá hãnh tiến (tr.49), con thú chiến thắng (tr.63), tên khốn nạn (tr.118), kẻ bạc bẽo phản trắc (tr.347) và tô đậm những tính cách của Hữu như một tên sát nhân máu lạnh, không hề nương tay hay xót thương bất kỳ ai. Cái ấn tượng ghê tởm nhất về Hữu là lần hắn ăn nằm với Thái Vinh trong khách sạn phố Tây và bóp cổ cô cho đến khi tròng mắt Thái Vinh không còn chuyển động nữa (tr.157). Hữu bỏ đi lạnh lùng. Lần khác, khi Thái Vinh đến đòi tiền, hắn túm tóc và dập đầu cô vào tay lái xe Way rồi bỏ đi. Trong tay hắn vẫn còn một nắm tóc của cô (tr.271) làm cho tay lái của hắn chệnh choạng.
Tuy vậy PHN cũng bộc lộ rất rõ những non yếu của mình trong nghệ thuật viết tiểu thuyết.
Xin lần theo một vài yếu tố của tác phẩm. PHN lặp lại quá nhiều lần từ “khủng khiếp”, khiến nó trở nên vô nghĩa. Người đọc nhận ra sự nghèo nàn vốn từ và sự hạn chế trong năng lực diễn những trạng thái tâm hồn con người của ngòi bút PHN, hơn thế tác giả muốn cường điệu hóa điều diễn tả. Xin đọc : “khoảng cách khủng khiếp hiện ra…”(tr.6),Vĩnh muốn biết hết, biết tất cả về cái thứ đã làm anh tổn thương khủng khiếp”(tr.90), ”Anh xúc động khủng khiếp “(tr.126),”Nhưng khủng khiếp nhất có lẽ là cái túi kiểu bao tải”(tr.148), “Anh ta khó chịu khủng khiếp”(tr.152), “Hữu bỗng chán nản khủng khiếp “(tr.155), “Nhưng tất cả những điều bé nhỏ ấy khiến anh xúc động khủng khiếp “(tr179), “Hải nhớ Nhã Thư khủng khiếp “(tr.201), “Cô nhóc đang phấn chấn khủng khiếp “(tr.208), “Hải chua xót khủng khiếp “(tr.126), “cảm giác mãnh liệt khủng khiếp “(tr.245), “nước da tái xanh khủng khiếp “ (tr.253), (Thư nói :) ”Nhưng sự sợ hãi và im lặng của anh ấy khiến tôi tổn thương khủng khiếp (tr.255), “Hải đau khủng khiếp “(tr.323), “Khủng khiếp và không hiểu được - Ừ, thật khủng khiếp!”(tr 326), “đau đớn và sợ hãi khủng khiếp “(330), “cảm giác khó chịu khủng khiếp”(tr.343), “xáo trộn khủng khiếp “(tr.350)…Những diễn đạt ở trên thì chấp nhận được, nhưng một nhà văn thì không nên viết “Hải vẫn thấydễ chịu khủng khiếp “ (236).
Cũng có câu văn sai ngữ pháp, và sự nhầm lẫn tên nhân vật, gây ra vết xước khó chịu cho người đọc. Dù nằm trong văn bản và chịu sự chi phối của ngữ pháp văn bản, nhưng câu văn sau đây phạm lỗi về ngữ pháp :” Tu một hơi, ly nước mía đã cạn. Anh cầm cái ly còn trơ khấc những viên đá, đưa ngang tầm mắt”(tr 124). Có lẽ sự lầm lẫn nhân vật sau đây là do sơ xuất đánh máy (?) : (Vĩnh ) “Bước đến sau lưng Thái Vinh, anh vòng tay ôm quanh eo lưng cô , áp môi hôn lên gáy, nói khẽ : - Bỏ qua sự cáu giận của anh Thư nhé!”(tr.244)
Dường như tất cả các nhân vật của PHN trong MB đều được xây dựng theo một công thức. Họ giống hệt nhau về cá tính , chỉ khác nhau hành động và suy nghĩ . Nhân vật nào cũng đẹp, thông minh, giỏi giang tinh tế, có sức vươn lên mạnh mẽ, có quyết tâm cao độ, lăn xả vào vòng xoáy... nhưng ngay sau đó, họ lại tỏ ra yếu đuối, sợ hãi, trống rỗng, cô độc và chao đảo. PHN viết về Vĩnh :”Đề cao trạng thái tỉnh táo và sáng suốt trong mọi việc, Vĩnh hết sức tự tin vào khả năng kiểm soát suy nghĩ và tình cảm của chính mình”(tr.74)”Anh đã tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc...Giành chiến thắng hai trong năm cuộc tuyển dụng”(tr.358). Một người như vậy mà lại không kiểm sóat được mình, thẳng tay đánh em ruột là Thái Vinh và nguyền rủa em là :”đồ đĩ điếm rẻ tiền, biết không ? Mày đang làm nhục cái nhà này đấy, biết không (tr.220). Một trí thức, sinh ra trong một gia đình nề nếp, vậy mà khi biết Thư có thai với mình, Vĩnh trốn chạy vội vã như một kẻ đê tiện (tr.248). Nhã Thư được miêu tả là “quá đẹp”, “quá thông minh” nhiều lần. Nhã Thư xuất hiện trước mặt Vĩnh :” Cô gái quá đẹp. Chính xác hơn cô ta không đơn thuần là đẹp. Mái đầu hoàn hảo trên đôi vai thanh tú kiêu hãnh. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là khuôn mặt. Chưa bao giờ anh tận mắt nhìn thấy người mà những ý nghĩ từ bên trong tỏa sáng lên đôi mắt, vầng trán, khóe miệng. Tất cả khiến gương mặt ấy là độc nhất, khiến người ta phải chếnh choáng “...(tr.33) Nhã Thư cũng được tôn vinh trong kỳ thi hoa khôi làm cho Vĩnh hết sức hãnh diện. Nhã Thư học hai trường đại học và làm hướng dẫn viên du lịch. Tất cả những điều ấy làm khớp vía bất cứ chàng trai nào như Hải. Cô tỏ ra giàu kinh nghiệm làm việc, giao tiếp với nhiều loại người. Cô cũng chia sẻ nhiều ý tưởng quý báu với Hải khi anh bị ông Quyền, chủ resort nghi ngờ. Một cô gái “lý tưởng” như vậy, bỗng chốc xụp đổ tan tành trong tay Hữu ở ngay phút vinh quang nhất, cô gái ấy cũng sụp đổ không sao gượng được khi Vĩnh bỏ chạy, rồi cô gái ấy lại đích thân gặp Hữu hợp đồng nhờ cậu ta làm bạn trai để trả thù Vĩnh . Quả thực Nhã Thư không khác gì Vĩnh. Mặt khác Nhã Thư cũng không khác gì Hữu.
Phải chăng PHN đã đổ khuôn ép để nặn ra các nhân vật robot thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Nhân vật Thái Vinh là rõ nhất cái khuôn ấy. PHN muốn nói điều này, sở dĩ Thái Vinh “hư hỏng “ là vì không được gia đình quan tâm, từ đó lên tiếng cảnh báo với các bậc cha mẹ. Thế nên, PHN mới để cho Thái Vinh “quậy tưng bừng”, để cho Vĩnh sử xự với em tàn bạo, tuyệt nhiên không có chút tình. Ở Sing về ban đêm, Vĩnh thấy em một mình trong đêm như gái điếm, thay vì anh chở em về và khuyên bảo em, Vĩnh lại lái xe đi khách sạn và ngủ qua đêm với gái. Ở trong nhà , anh em không hề nói chuyện được với nhau. Ông Quang là cha của Vĩnh và Thái Vinh, một người giàu kinh nghiệm mà không hề biết gì về con gái mình. Cả Vĩnh và gia đình đều không biết gì về hành động giao du của Thái Vinh với Hữu, với ông Dee và những người khác, dù poster hình quảng cáo của Thái Vinh được Hữu và ông Dee treo khắp nơi. Thái Vinh cũng không được miêu tả tâm lý, trạng thái bên trong, mà chỉ được khắc họa một vài hành động “quậy “ quái gở bên ngoài. Và ngay cái hình ảnh bên ngoài của Thái Vinh cũng được PHN ép theo ý định chủ quan của mình. Khi ngủ với Hữu ở khách sạn Tây, hình hài Thái Vinh thật tội nghiệp và đáng gớm ghiếc, khiến cho Hữu, trước đó dù muốn chiếm đoạt Thái Vinh, thì giờ đây “ngồi trên mí giường, Hữu bỗng chán nản khủng khiếp..bởi cô hệt như một bóng ma”(tr.155-157). Điều này để nói rằng, ngay cả khi đem sex ra quyến dụ người khác, Thái Vinh cũng không được ai xót thương. Nhưng khi Thái Vinh làm người mẫu thời trang cho Hữu thì vẻ bề ngoài của cô lại được PHN tô đậm lên vẻ đẹp lạ lùng đúng model. Hữu nhận ra điều này ở Thái Vinh :” Lý do duy nhất khiến gã trung niên kia (Dee) để mắt Thái Vinhchính là vẻ non nớt và sắc đẹp khác thường của cô. Vẻ đẹp lạc chuẩn, hoang dã bí hiểm mà ngay chính cô bé cũng chưa thể ý thức. Tại sao ta không chộp lấy điều này để kiếm tiền “(tr.195). Thái Vinh đã bị Hữu lợi dụng, khai thác , dẫn dụ vào con đường tha hóa. Quả là Thái Vinh đã bị ép đến chết do ý đồ chủ quan của tác giả. Cũng một cách áp đặt như vậy, ở cuối tập truyện, PHN muốn đưa Hải lên thành nhân vật chính. Nhà văn đặt vào miệng Vĩnh những lời ca ngợi. Thực chất, Hải chưa có thành tích gì ngoài sự nỗ lực. Hải chưa thành một hình tượng nghệ thuật mà tự nó chuyển tải tư tưởng của tác giả. Khi đổ khuôn nhân vật, PHN đã làm cho MB trở nên sơ cứng. MB không phản ánh được sinh động hiện thực cuộc sống sinh viên.
Tuy vậy, tình cảm tác giả dành cho người trẻ, dành cho sinh viên là tình cảm chân thực. Đó là lòng tin vào người trẻ, là sự thấu hiểu và chia sẻ, cũng là lời cổ vũ người trẻ hướng về tương lai với tất cả sự tự tin và tinh thần lạc quan. PHN bày tỏ lòng mình qua suy nghĩ của Hải :”Những người trẻ vất vả, thường hay vấp váp từ thua thiệt này sang thất bại khác, những người đầy ắp niềm vui mà cũng rất nhiều ắp nỗi buồn. Nhưng cũng chính họ là những người chẳng bao giờ nguôi ngoai hy vọng. Sinh viên như anh trông đợi vào điều gì nhỉ ? Vào thiện ý của những người sẽ gặp trên đường đời, vào chỗ dựa bè bạn, quan trọng nhất, là niềm tin vào sức mạnh ẩn giấu trong nỗ lực của chính mình và cả vận may nữa. Cuộc sống như ô cửa mới hé mở, còn bao nhiêu thách thức và hứa hẹn phía trước. Những va đập chỉ càng khiến cho họ tin rằng cuộc sống lúc nào cũng thật mới mẻ, vô cùng đáng giá”(tr.169)
Màu sắc thẩm mỹ của Mắt Bão khá đơn điệu. Tác giả chỉ tập trung giữ độ căng mâu thuẫn giữa Vĩnh và Hữu. Không gian khô khốc. Không có trang văn nào miêu tả cái đẹp thiên nhiên (dù rải rác PHN có tả cảnh thiên nhiên ), cái đẹp tình yêu, cái đẹp của cuộc sống đem đến những thăng hoa, những cảm xúc lãng mạn làm dịu những thái quá “khủng khiếp” của câu truyện. Đoạn tả tình yêu và đời sống mật ngọt của Vĩnh và Nhã Thư ở Phú Quốc chỉ được lướt qua. Bao trùm không khí truyện là sự u ám, là nỗi bực dọc và thất vọng của nhân vật, cũng là của người đọc. Bởi PHN liên tiếp để cho nhân vật chính diện là Vĩnh, Nhã Thư, Hải thất bại. Chỉ lóe lên một chút niềm hy vọng khi Hải được ông Quang – cha của Vĩnh –có ý định tài trợ anh du học, và sự thắng phiếu của Hải có sự trợ giúp của Vĩnh và Thư. Hải hơn Hữu đúng một phiếu! Một truyện dài cũng giống như một bản giao hưởng hay một cuốn phim, sau những cảnhgiông bão mịt mùcần có khoảng trời bình yên trong sáng. Sau những phút căng thẳng toát mồ hôi phải là những khoảnh khắc dịu êm ngọt ngào. Sau những cuộc đấu tranh quyết liệt dã man, cần có sự hồi sinh phong phú để lòng tin yêu vươn lên. Và sau những thất bại ê chề, nhân vật chính diện cần phải đạt đến giá trị nào đó để người đọc còn có thể hy vọng. Một bức tranh không chỉ toàn màu u ám nặng nề, dù vậy đi nữa, cũng cần có những sắc màu tương phản mạnh mẽ để khẳng định những giá trị mà người nghệ sĩ muốn hướng người đọc đến. Mắt Bão chưa có được sự phong phú thẩm mỹ như vậy.
MB chọn hai sự kiện : hội chợ và bầu chủ tịch sinh viên làm trung tâm, từ đó phát triển các mâu thuẫn đối đầu giữa Vĩnh và Hữu. Trong thực tế, hai sự kiện này chỉ là những “sân chơi” của sinh viên. Đây không phải là trung tâm hoạt động học tập của sinh viên, cũng không là điểm nhấn mở ra những vấn đề thực của đời sống sinh viên và những vấn đề giáo dục đang làm xã hội đau đầu. Chẳng hạn, chất lượng đào tạo Đại Học, vấn đề “đổi tình lấy điểm “, chuyện sống thử trong sinh viên, tình trạng nạo phá thai trong nữ sinh viên; hoặc các hoạt động tích cực của sinh viên như mùa hè xanh, tìm phòng trọ cho sinh viên, những hoạt động sáng tạo như cuộc thi Robocom… Trong tác phẩm, hai sự kiện này cũng không có bất cứ ảnh hưởng nào tới đời sống sinh viên. Điều này có nghĩa gì ? Qua phát ngôn của các nhân vật, PHN có đặt ra một vài vấn đề của sinh viên như tìm việc làm, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, nhưng những vấn đề ấy không nằm trong trung tâm hoạt động, học tập của các nhân vật. Khi thời gian qua đi, Hải, Hữu, Vĩnh không còn là đối thủ của nhau nữa, họ là bạn cũ của nhau (tr.362).
Gấp cuốn truyện lại, những vấn đề PHN đặt ra còn lại gì? Có thể là, PHN muốn tác phẩm của mình vươn tới một vài vấn đề xã hội nào đó, song Mắt Bão thực chất chỉ là văn chương giải trí.
Tất nhiên nhà văn cũng có những tiểu xảo khá nhuần nhiễn để lừa người đọc vào “mê hồn trận “ văn chương. Khi Nhã Thư đã đạt vương miện hoa khôi thì Hữu xuất hiện với những tấm hình nude của Nhã Thư chụp 3 năm truớc đó. Hữu lột truồng Nhã Thư trước mọi người và hạ knock out Vĩnh. Nhưng Hữu tìm đâu ra những tấm hình ấy để tung ra một cú đòn sấm sét đúng lúc? PHN không có một dòng nào về thủ đoạn ấy của Hữu. Một người quá thông minh như Nhã Thư, một người giỏi như Vĩnh lại để những sơ hở như thế xảy ra vào phút chót, làm sụp đổ mọi nỗ lực của mình, điều ấy là phi logic cốt truyện. Có lẽ giờ đây PHN cũng nên “bật mí” một chút, ở đâu mà Hữu có được những tấm hình ấy? Một chuyện khác. Hữu dụ được Thái Vinh lấy 100 triệu của Vĩnh góp cổ phần mở shop thời trang, nhưng PHN không viết một dòng nào về cuộc dụ dỗ ấy, người đọc chỉ thấy Thái Vinh lấy được tiền của Vĩnh dễ như chơi và đưa cho Hữu. Thái Vinh đâu phải là cô gái ngây thơ. Chỉ nhìn cái cách cô ta quậy trong nhà hàng, nhất định đòi ngồi vào chỗ khách đã đặt, để rồi các tiếp viên chịu bó tay và ông chủ Dee phải khuất phục, thì biết Thái Vinh là người “bản lĩnh” thế nào. Cô đâu phải là đứa trẻ mới lớn để bị dụ dỗ như vậy. Hãy xem cái cách Thái Vinh giả say để Hữu đưa đến khach sạn, rồi bắt Hữu phải ngủ với mình qua đêm, thì thấy cô gái này là một tay quậy “tầm cỡ”. Cô ta chủ động trong mọi việc, và có tính toán. Dễ gì dụ được Thái Vinh nếu cô ta không đồng ý? Điều làm cho Hữu ngạc nhiên là sau đêm đó, sau đêm Hữu bóp cổThái Vinh cho đến khi mắt cô đứng tròng đó, khi gặp lại, Hữu thấy Thái Vinh vẫn bình thường, không hề oán trách hay xa lánh Hữu. Chắc chắn Hữu không thể lừa được Thái Vinh nhưng nhà văn lại “lừa” được độc giả.
Đó mới là nghệ thuật. Bởi với PHN, :” Cho đến thời điểm này, những gì tôi viết đều hư cấu “(1). Nguyễn Công Hoan đã từng bảo truyện là bịa y như thật đó sao! Trong tất cả những gì PHN hư cấu thì chi tiết nhỏ sau đây lại có sức lay động lương tâm những con người thực dụng như Hữu. Dường như cả tập truyện Mắt Bão vắng bóng những ý niệm đạo đức truyền thống, thay vào đó là đạo đức của chủ nghĩa thực dụng. Đó là sự vô cảm của những kẻ xa lạ. Tất cả trao đổi sòng phẳng dựa trên tiền bạc. Bất chấp tất cả. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Ích kỷ, sử dụng người khác để giành lấy những thứ cho riêng mình. Hữu đã sống như thế. Vậy mà , khi Hữu đưa Thái Vinh đến khách sạn phố Tây để chiếm đoạt, thì người tài xế taxi đã nhắc nhở anh :-“Nếu không cần thiết phải làm điều xấu, thì cố gắng đừng làm!- Ý ông là gì?- Hữu lạnh lùng nhưng không khỏi chột dạ.(Tr.153). Nhân vật người tài xế bỗng lóe sáng lên trên cái nền rất u ám của câu chuyện. Thì ra trong đời vẫn còn những người có thể thức tỉnh lương tâm người khác. Họ thẳng thắn và mạnh mẽ. Họ là người lao động. Tất cả những người lao động trong Mắt Bão đều thấp thoáng vẻ đẹp của những phẩm chất truyền thống. Đó là người mẹ của Hữu hết sức tảo tần. Ông bà Sáu Minh nơi Hữu ở trọ rất mực thương Hữu. Chị Năm giúp việc ở nhà Vĩnh hết sức tình nghĩa và người tài xế chở Hữu đến khách sạn phố Tây. Rất tiếc là PHN chưa đẩy những nhân vật này lên làm nền văn hóa cho người trẻ kế thừa.
Cần ghi nhận điều này, trong khi văn chương trẻ đầy dẫy sex dung tục vô luân, sex được khai thác như là một cách câu khách ( PHN bảo nhận xét này đôi khi hơi võ đoán)(2), thì Phan Hồn Nhiên, qua câu chuyện mình kể, lại đặt ra những vấn đề xã hội về đời sống sinh viên đáng quan tâm. Điều ấy thật đáng quý. Một nhà văn tài năng luôn có cách tạo ra sự hấp dẫn cho tác phẩm của mình, dù anh ta viết ở bất cứ đề tài nào. Mắt Bão hấp dẫn ở chỗ có thể đem đến cho các bạn sinh viên những điều bổ ích về kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, về bản chất của giới chủ, về “mánh” của các nhà tuyển dụng, và đặc biệt là những đặc điểm tâm lý của một vài loại người trong xã hội được PHN phân tích rất sắc xảo. Mắt Bão đọng lại trong lòng bạn trẻ những vấn đề căn cốt này: đâu là giá trị thực của cuộc sống? đâu là mục đích của mọi nỗ lực vào đời ? Con đường thăng tiến nào phát huy được tài năng và bảo vệ được nhân cách khỏi bị tha hóa? Phải quan tâm đến những người xung quanh thế nào để có được một chỗ dựa tinh thần những khi sóng gió chao đảo?...Về nghệ thuật tiểu thuyết, Mắt Bão chưa có gì cách tân, màu sắc thẩm mỹ còn đơn điệu, nhân vật được nhào nặn theo khuôn, sự áp đặt chủ quan của tác giả còn lộ liễu, song Mắt Bão có cách kể hấp dẫn, Mắt Bão hứa hẹn một tài năng, một tâm huyết và một ngòi bút có nét đặc sắc riêng. Tôi tin vậy, bởi viết văn là niềm say mê của chị. PHN nói :”Quan sát, phân tích thế giới nội tâm và hóa thân vào những con người khác nhau là một niềm hứng thú đặc biệt mà chỉ có văn chương mới có thể mang lại cho tôi”.(3)
Tháng 2 .2011
___________________________________________
(1) http://www.chungta.com/Desktop.aspx/GiaiTri-ThuGian/Truyen-ngandai/2_truyen_dai_cua_Phan_Hon_Nhien-Cong_ty_va_Mat_bao/
(2) Phan Hồn Nhiên và cuộc đối thoại mở. Minh Châu - Theo lethieunhon.com
(3) http://lethieunhon.com/read.php/4672.htm
Tổng cộng : lần thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét