Sáng tác ca khúc, truyện ngắn và phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn. Bạn cũng có thể đọc BCT tại http://yume.vn/buicongthuan
Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010
NGỒI_VÀ NHỮNG THỂ NGHIỆM THẤT BẠỊ ?
phê bình văn chương
Bùi công Thuấn đọc văn Trẻ
NGỒI – VÀ NHỮNG THỂ NGHIỆM THẤT BẠI?
Tiểu thuyết NGỒI cuả Nguyễn Bình Phương.Nxb Đà Nẵng2006
Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Khi Nguyễn Bình Phương (NBP) viết NGỒI, anh mới 36 tuổi (NBP sinh năm 1965). Trước đó anh đã in nhiều tiểu thuyết. Nhiều nhà phê bình có thế giá đã thâm nhập thế giới nghệ thuật cuả anh và dành cho anh những lời tôn vinh. Tôi quan tâm đến ý kiến Thụy Khuê (Pháp ), Đoàn Ánh Dương và Phạm Xuân Thạch …Các tác giả này đã khám phá NBP dựa trên những lý thuyết phê bình văn chương, nên nhận định của họ có tính học thuật, có thể giúp ích cho tác giả và cả người đọc. Cũng đã có nghiên cứu sinh viết luận văn thạc sĩ về tác phẩm cuả anh (*).Đi sau nhiều người đã viết về anh, tôi chỉ ghi những cảm nghĩ cuả mình với tư cách người đọc đối diện với tác phẩm, độc lập với mọi ám thị mà mình có thể bị lây nhiễm, để may ra góp được chút gì đó vào tiếng nói chung.
1.Một tác phẩm khó đọc và không hấp dẫn
Thú thực là khi tiếp cận với NGỒI, tôi phải đọc đi, đọc lại nhiều lần mấy chương đầu thì mới bắt được mạch truyện, và phải đọc đến quá nửa cuốn sách thì mới có một chút hứng thú để đọc tiếp. Nhiều lần đã định bỏ cuộc vì mệt mỏi và chán nản. Tác phẩm chẳng có gì đáng để mình tốn hao sức lực và thời gian để đọc. Toàn chuyện vặt đời thường, chuyện nghe tiếng nước đái, chuyện làm cá ở ngoài chợ, chuyện vượt đèn đỏ bị công an phạt, chuyện đọc báo, chuyện người tâm thầnở truồng đứng trong mưa, chuyện cô gái Việt Nam đi với một người đàn ông nước ngoài trên phố…. Nhưng nghĩ lại, nhà văn phải mất hơn 4 năm để viết tác phẩm, chẳng lẽ đó không là những nỗ lực đáng trân trọng ? và những gì nhà văn viết ra chẳng lẽ chỉ là những thứ vô bổ? Tôi phải tự động viên mình như thế mới có thể đọc tiếp. NGỒI là một tác phẩm khó đọc và không hấp dẫn
NGỒI khó đọc không phải vì nó chưá đựng những tư tưởng cao siêu, những hình tượng lớn lao quá tầm với của trí tuệ, những tri thức mà nhân lọai chưa vươn tới, hay những cách tân nghệ thuật ở Việt Nam chưa từng có. NGỒI khó đọc, đơn giản chỉ vì kỹ thuật trình bày cuả tác giả.
Những trang văn dày đặc chữ, đen kịt, liền mạch, không có một dấu chấm xuống dòng, luôn làm mỏi mắt và nản chí bất cứ người đọc nào. Thời đại hôm nay là thời đại cuả tốc độ, nhưng NGỒI bắt người đọc phải đọc thật chậm, từng chữ, từng dòng, chỉ cần chợp mắt lơ đễnh một chút là lạc mất mạch truyện ngay, lại phải lần mò lại.
Kỹ thuật viết liền mạch giọng kể của tác giả, giọng đối thoại cuả nhân vật giao tiếp, giọng độc thoại cuả nhân vật tự kể, làm người đọc rối trí. Thêm vào đó là số nhân vật dày đặc, sự việc đan cài vào nhau chằng chịt, rồi rắm, khiến người đọc khó lần ra mạch truyện chính. Ngay từ những chương đầu, tác giả đã ném sân khấu ra quá nhiều nhân vật, người đọc không sao nhận dạng được đâu là nhân vật chính, nhân vật phụ. Có nhân vật chỉ được nhắc tên, chưa thành hình hài một con người. Xin điểm danh : Khẩn, Nghiã, Hùng, vợ Hùng, Ông Tước, Ông Bình, Lão Việt, lão Bân, Trương, Quân, Thái, hoạ sĩ Hoàng Lân, Tân kều,Trinh gù, Chí, Cầu, Kiên, Du, Toán, Thịnh, Chuyền, Nhung, Thuý, Minh, Xuân, Kim, Liên, sư Liễn, gã tâm thần, bà bán khoai, vợ chồng người thương binh, kẻ dấu mặt gõ mõ, người bán vé số, các gái điếm, gã đạp xích lô, gã gầy ở xóm bần ven sông. Có cả con bé Chích Bông, con bướm, tấm vải ma nữa..ấy là chưa kể bao nhiêu khuôn mặt mà NBP miêu tả suốt 5 trang cuối (286-290) làm chóng mặt, hoa mắt người đọc. NBP muốn đem cả một xã hội vào tác phẩm.
NGỒI không có một cốt truyện hấp dẫn. Thay vào đó, là dòng chảy tự nhiên của sự việc theo thời gian, từng ngày qua đi với đủ mọi chi tiết vụn vặt của đời sống ở một cơ quan, một khu tập thể, của từng ấy con người, lặp đi lặp lại. Chuyện ở cơ quan, NBP ghi lại sự việc như ghi nhật ký, vô cảm. Lúc : sáng, chín rưỡi , đầu giờ chiều, ba giờ rưỡi, tầm bốn giờ, bốn rưỡi, năm rưỡi (tr.48)…..Ở khu tập thể, chỉ có chuyện tay thương binh chửi vợ. Chuyện mụ bán khoai đánh thằng bé và bị đi tù. Tiếng mõ cóc,cóc suốt tác phẩm (của một nhân vật không biết là ai). Bấy nhiêu thứ, cứ lặp đi lặp lại, chán ngắt, mệt mỏi. Không gian tù đọng, u uất không lối thoát
Có những điều làm người đọc rất khó chịu và không dễ đồng thuận với tác giả. Đó là việc tác giả đưa những câu chửi thề cuả tay thương binh (chương 2), của Hoàng Lân , những câu ghi tục tĩu trên tường vào tác phẩm. Người đọc có cảm giác bỗng dưng bị văng tục vào mặt. Nếu những câu nói đó cuả nhân vật được để trong ngoặc kép, người đọc sẽ hiểu rằng tác giả tường thuật lại. Đàng này, những câu chửi được trình bày trong dòng chảy hiện thực đang diễn ra, trên văn bản đang trực diện với người đọc,
“Hoàng Lân quàng tay qua vai Khẩn, thì thầm, hồi trước, khi nó đến trại điều dưỡng đón tao, tao thấy ngay là sẽ không ổn. Tiếng xích lô dầu trội lên kẽo kẹt mệt nhọc. Ngoài xa, thấp thoáng sau các khối sẫm màu nhiều hình thù, mặt hồ lấp lánh như một mảnh vải kim tuyến. Cặc thật.”(260)
Không gì có thể biện minh cho thái độ vô văn hoá trên, dù đó là lời của Hoàng Lân, một họa sĩ, đang nói với Khẩn, một đảng viên.
Từ Nữ Triệu Vương hỏi : những phát ngôn của nhân vật, vài ba từ tục tĩu lẽ ra phải viết tắt thì anh cứ để nguyên. Anh có thấy thế là tục tĩu quá chăng?
NBP trả lời : Không. Theo tôi, đời sống có những từ nào thì văn học có quyền đưa từ đó vào. Tại sao lại bỏ nó đi trong khi nó vẫn sống hằng ngày hằng giờ hằng phút với chúng ta? Những từ mà chị đề nghị viết tắt, nó là di sản dân tộc đấy, là tinh hoa đấy.(1)
Tôi nghĩ, hoặc NBP sa vào sự suy đồi Hậu Hiện Đại, hoặc anh đã không hiểu bản chất của văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nếu ngôn ngữ ngoài đời thế nào, cứ bê nguyên xi vào tác phẩm như thế, vậy cần gì phải có nhà văn trong cõi đời này, đâu cần có NBP. Hãy tôn những kẻ văng tục chửi thề bạt mạng ở đầu đường xó chợ lên thành nhà văn và đặt tượng trong Văn Miếu đi!
Sử dụng cách trình bày liền mạch lời kể, lời thoại cuả nhân vật, chuyển cảnh, chuyển tình huống mà không xuống dòng, không dùng các dấu câu, NBP đã không tạo ra bất cứ hiệu quả nghệ thuật nào. Ở đây tác giả là người đứng ngoài, thuật lại sự việc như ghi nhật ký, không phải là “dòng ý thức “ đang diễn ra trong đầu cuả nhân vật, vì thế kỹ thuật viết liền mạch được sử dụng vụng về chỉ làm khó người đọc và nhiều khi làm hỏng câu văn tiếng Việt.
Thí dụ:
“Thuý đang mệt vì mới từ Nghệ An ra, cáu tiết nói vỗ mặt trên ấy biết thì cũng giải quyết được gì”(tr.40) Câu này gây ra sự hàm hồ ở từ “trên ấy “ . “Vỗ mặt trên ấy”, hay “nói vỗ mặt, trên ấy biết…”. Dĩ nhiên đọc lại thì ai cũng hiểu như thế này : Thuý đang mệt vì mới từ Nghệ An ra, cáu tiết nói vỗ mặt:” trên ấy biết thì cũng giải quyết được gì”)
Thí dụ :
“Khẩn hỏi Ngọc, nhà mình đất có rộng không ? Cũng vừa thôi, Ngọc đáp nhìn Khẩn, tay vén mấy sợi tóc mai bị gió thổ loà xoà qua miệng”(tr51) Nhất thiết phải có dấu chấm (.) hay dấu phật (,) trong cụm từ chỉ hành động : Ngọc đáp nhìn Khẩn.Tiếng Việt không ai viết vậy!
2. Viết để phản ánh hiện thực, một kiểu tư duy đã quá cũ.
NBP trao đổi với Lê Nhi :” Cuốn sách này, tôi viết về sự giãy dụa của người công chức trong việc giữ gìn mô hình sống mẫu mực trước những cám dỗ của một xã hội đang phát triển. Có những cốt lõi mà họ không được vi phạm.Tuy nhiên, họ vẫn đang phải đối mặt với cái đám lùng nhùng ấy. Tóm lại, tôi muốn phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời.”(2)
Ta hãy xem NBP phản ánh thế nào ?
Chuyện cơ quan là như thế này. Khẩn là trưởng ban trong một cơ quan, có các nhân viên là Hùng, Nhung, Nghiã, Thuý, lão Việt. Lãnh đạo cuả Khẩn là Ông Thìn ( giám đốc),ông Tước (bí thư đảng uỷ). Cơ quan chia làm bốn năm phe (tr.205). Hàng ngày Khẩn vào văn phòng, nhưng tuyệt nhiên không thấy làm việc gì. “Giờ làm việc mà cứ đi nhông nhổng”(tr.22). Nhung, Hùng, Nghĩa thường đọc báo, rồi tán gẫu đủ mọi thứ chuyện trên đời. Hùng dẫn vợ đi chữa bịnh, lúc nào cũng thấy vay tiền người này người kia. Quân ẵm 500 triệu đồng của cơ quan rồi biến mất, cũng không thấy cơ quan hay công an điều tra ra sao. Thái ở Ba Lan về rủ đi Karaoké và đi chơi gái nhiều lần (tr. 91,123,185, 208). Nhung hay rủ Khẩn về nhà hành lạc (tr.45, 50,150,167, 194). Khẩn sống với Minh nhưng lại ăn nằm với Nhung và mụ bán khoai (tr.232, 245). Thuý cặp với Quân nhưng lại để cho Nghiã làm tình, và mời Khẩn đến nhà để đòi sex nhưng Khẩn từ chối (tr.173). Liên rủ mọi người đi phủ ăn bánh tôm. Xuân may mãi không xong cái áo của Minh. Minh chỉ ngồi đánh máy ở nhà. Họp cơ quan. Lão Việt đề nghị hạ bậc thi đua cuả Nghiã, bị Nghiã hắt chén nước trà nóng vào mặt. Lão bị bắt quả tang đang làm tình với con Tỉnh trong nhà vệ sinh Nam, từ đó gây ra sự gằm ghè giữa ông Thìn và ông Tước, cuối cùng lão bị ông Tước cho nghỉ hưu, Lão nhờ Khẩn trả lại thẻ Đảng. Chuyện lão Bân nhờ cậy Khẩn đưa cháu vào làm trong cơ quan, chuyện cơ quan đi chơi Hạ Long. Hành chánh thanh lý bàn ghế cũ. Hùng hỏi chuyện chưã tiểu đường, mọi người bàn tán bệnh tình của Nghiã. Sau nhiều lần “đá chân đất” với gái (không dùng bao cao su) (258), Nghiã bị HIV/AIDS. Hùng bị lão già “bố hờ” lừa. Lão Việt bị gài bẫy…, kết thúc tác phẩm, Khẩn ngồi bên cột điện ở lề đường. Chương 11, 22, 26, 31, 35 là những chương tiêu biểu.
Nếu hiện thực ở một cơ quan Nhà Nước chỉ là vậy, thì đó là một phản ánh rất méo mó. Đành rằng có những nơi, những lúc, có những hiện tượng tán gẫu, áp phe, kèn cựa trù dập, chạy chọt mánh mun trong cơ quan, nhưng không một cơ quan nào mà nhân viên chỉ đến chơi, không làm việc gì cả, mà nơi ấy có lãnh đạo, có giám đốc, có đảng uỷ hẳn hoi. NBP phơi bày ra một cơ quan mà các nhân viên nam sau khi đến phòng làm việc, đọc báo, tán gẫu rồi rủ nhau đi chơi gái, các nhân viên nữ rủ đồng nghiệp nam về nhà hành lạc. Nếu hiện thực Việt Nam là như thế thì đất nước này đã đến ngày tận thế rồi!
Nhưng NBP lại miêu tả rất chân thực, rất “tài năng “, những cảnh làm tình, những cảnh chơi gái, đến độ người đọc có cảm giác mình xem một phóng sự bằng hình mà góc quay đã lấy được cận cảnh, máy thu âm đã thu được những âm thanh rất nét, hình ảnh hiện lên còn thực hơn cả thực.
Ở khu tập thể, NBP cũng chỉ ghi lại những cái nhếch nhác của hiện thực. Anh hoàn toàn vô tâm đối với đời sống của cộng đồng. Trong suốt tác phẩm, lúc nào cũng vang lên tiếng chửi tục tĩu từ nhà tay thương binh . Tiếng mõ khô khốc không biết cuả nhà ai. Mụ bán khoai làm tình dưới gốc cây bằng lăng. Mụ ở tù về, vì đánh thằng bé. Khi Khẩn đi ngang phòng mụ, mụ kéo khẩn vào, đóng cửa lại và đòi Khẩn làm tình. Còn lại là hình ảnh lởn vởn của Lão bán vé số, của gã tâm thần đứng trong mưa “dái đéo gì mà to thế không biết “(tr.189). Đôi khi NBP có dẫn người đọc đi xa một tí, ra bờ hồ, ngồi ghế đá nghe bọn đồng nát nói chuyện, đến xóm bần cùng, đến đền thờ Chử Đồng Tử, hoặc dự vào chuyện căng thẳng của gia đình Nhung. Mẹ Nhung lấy người nước ngoài bỏ chồng. Khi bà của Nhung chết, mẹ Nhung và ngưới đàn ông ấy có về phúng viếng, mẹ Nhung bảo Nhung đi nước ngoài với bà, nhưng Nhung từ chối vì tin rằng bố bị mất tích trong chiến tranh sẽ về.
Rõ ràng là NBP đã không phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam hôm nay, mà chỉ ghi lại một vài hiện tượng nhếch nhác của một bộ phận nổi trên mặt của hiện thực ấy. Hiện thực bày ra chỉ có mặt tối. Trong tác phẩm, vắng bóng những nhân vật tích cực. Tôi không thấy đâu là “sự giãy dụa của người công chức”, trái lại họ rất tự nhiên và thoải mái sống cái lối sống thực dụng vô luân ấy. Không một nhân vật nào trăn trở về hành vi cuả mình, bằng chứng là Nghiã, Hùng, Khẩn đi chơi gái nhiều lần, Nhung rủ Khẩn về nhà làm tình nhiều lần, chẳng bận tâm suy nghĩ gì. Khẩn sống với Minh nhưng lại vùi mặt vào thân thể trần truồng của Nhung và đáp ứng đòi hỏi xác thịt của mụ bán khoai. NBP chưa viết một dòng nào miêu tả sự cắn rứt lương tâm cuả Khẩn về hành vi vô luân ấy.
Cũng cần xem thái độ phản ánh cuả NBP là thế nào? Thái độ ấy thể hiện trước hết ở cách xây dựng nhân vật, ở cách NBP mượn lời nhân vật mà nói thẳng ra.
Hoàng Lân mời Khẩn đến uống rượu, ông ta hộc lên “bọn tao đổ máu không phải để cho mày phè phỡn như thế này. Cút ngay”. Khẩn ” nhìn Hoàng Lân bằng con mắt lạnh lùng, máu, máu, lúc nào các ông cũng lấy máu ra kể công, nhàm lắm rồi”(tr.87). NBP mượn lời ông Thìn để diễu nhại câu này :”chỉ có thế hệ chống Mỹ mới đủ bản lĩnh cầm chịch mọi thứ”(tr205). NBP tả người thương binh thế nào ? Cả hai thương binh đều không còn chút phẩm chất lính. Tay thương binh ở khu tập thể chỉ có chửi vợ, rồi giết vợ . Hoàng Lân chỉ có phẫn uất, văng tục. NBP nhận xét gì về các đảng viên? Đảng viên trẻ như Khẩn, đảng viên già như Lão Việt, tất cả chỉ có làm tình vô luân. Ông Tước và ông Thìn chỉ có gằm ghè nhau quyền lực… Những điều như thế có lộ ra thái độ của NBP trước thực tại không ?
Nếu thực tâm của NBP viết NGỒI là để “phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời”, tôi nghĩ anh đã không đạt được mục đích của mình, bởi vì tư duy tiểu thuyết phản ánh hiện thực đã là quá cũ. Chủ nghiã Hiện Thực đã hoàn thành sứ mạng của nó từ lâu rồi. Phản ánh hiện thực là một thuộc tính và cũng là phẩm chất của văn chương, nhưng văn chương là nghiền ngẫm hiện thực, không phải là coppy lại hiện thực. Nếu anh chọn mục đích phản ánh hiện thực thì anh sẽ luôn bị mắc kẹt trong chính mục đích này, hoặc là phê phán hiện thực hay là tô hồng hiện thực. Từ Nữ Triệu Vương có nhận xét này, tôi cho là, rất chính xác :” Hiện thực trong tác phẩm của anh xem ra hiện thực đến mức ngây ngô. Thế cho nên có cho cảm tưởng như tác phẩm sa vào tự nhiên chủ nghĩa,…”(đd)
3. “Tôi sẽ đặt bút chấm hết một lối tư duy vì thấy rằng cần phải kết thúc”(3)
Khi được hỏi Tác phẩm của anh có phải là một sự quay lại của Tiểu Thuyết Mới không, NBP trả lời :
- Về chuyện người ta bảo thế nào thì tôi không can thiệp, cũng chẳng đính chính. Vấn đề ở chỗ tôi thấy hài lòng hay chưa hài lòng với những gì mình viết, mọi thứ còn lại là thứ yếu. Người viết văn cần một sự bảo thủ, rát cần, ấy là tôi nghĩ cho riêng mình thế. Tôi nghĩ và làm theo cách của tôi, không mấy quan tâm tới những gì xung quanh. Tôi đánh cuộc là không nhiều người ở ta hiểu rõ và đọc cho đủ cái gọi là tiểu thuyết mới để tự tin so sánh nó với những cái khác. Phần đông vẫn chỉ láng máng, trong số đông đó có tôi.(4)
Như vậy NBP phủ định việc anh viết theo lý thuyết này hay trào lưu khác. Anh viết theo quan niệm nghệ thuật của anh. “Tôi nghĩ và làm theo cách của tôi “. Nhận định cho rằng anh quay lại trào lưu Tiểu Thuyết Mới (mà tiêu biểu là Alain Robbe Grillet) chỉ là suy diễn của nhà phê bình.
Trong cách phê bình suy diễn thì bài viết của Thuỵ Khuê (5) là có ác ý. Thuỵ Khuê khai thác NGỒI như một ẩn dụ, nhưng sau đó tráo trở, dùng phản ánh luận, gán ghép ý nghiã suy diễn cho NGỒI, để nói về xã hội Việt Nam, nói về người trẻ…
“Những nhân vật khả nghi, những sự kiện bất trắc tạo nên không khí Kafka toàn diện mà tất cả đều có cảm tưởng mình đang bị theo dõi, rình rập, gài bẫy. Sợ hãi và bất an bao trùm…
Một xã hội sống với bóng ma quá khứ mà thờ ơ với hiện tại. Một lớp trí thức đảng viên trung thành với mồ ma lãnh tụ qua hình ảnh Khẩn, cố bám víu vào những đặc lợi cuối cùng…
Một xã hội bị dồn nén sinh lý trong hơn nửa thế kỷ dẫn đến tình trạng phóng đãng triệt để: mở cửa kinh tế dẫn đến mở cửa xác thịt dưới nhiều hình thức…
Khẩn là người cộng sản đầu tiên nhận thức được tình trạng cáo chung của chính mình..
Độ dày của tác phẩm Ngồi không chỉ là 291 trang, mà là nghìn trang chập lại, bởi nó có tham vọng phản ảnh đời sống toàn diện của nước Giao Chỉ dậm chân tại chỗ trong sa đọa nhiều chiều.
”
Đó là những nhận định hết sức hồ đồ về ý nghiã cuả NGỒI. Thuỵ Khuê đã phơi bày một cách trơ trẽn mục đích chính trị cuả mình qua những diễn ngôn đầy tính công kích và xuyên tạc. Hơi hướng học thuật của bài viết được Thuỵ Khuê dùng để bóp méo nội dung tác phẩm. Nó trở nên vô giá trị trong việc khám phá thế giới nghệ thuật cuả NGỒI. Mặc dù ở Pháp và có tuổi đời khá già dặn trong nghề viết phê bình, Thuỵ Khuê vẫn không thoát được lối phê bình xã hội học, suy diễn, chụp mũ chính trị. Và nếu người đọc tin rằng những điều Thuỵ Khuê nói là thật, thì không biết những oan khiên nào sẽ chụp xuống đầu NBP
Vậy “Tôi nghĩ và làm theo cách của tôi “, tức là tư duy và bút pháp của NBP trong NGỒI là gì ?
Trước hết, nhân vật kể truyện vừa là tác giả ghi nhật kỳ, vừa là Khẩn hồi tưởng. Mạch truyện kể lại các sinh hoạt của các nhân vật ở cơ quan là mạch truyện chính. Mạch kể này sử dụng bút pháp hiện thực. Tuyến truyện trôi đi theo thời gian từng giờ, từng ngày, từng sự việc cụ thể. Chẳng hạn, chương 22, là những chuyện bát nháo trong phong làm việc : Nghiã và Hùng cãi nhau - Khẩn ngồi đọc báo- Ông Tước mời Khẩn xuống phòng bảo viết lại tờ trình cuộc họp hôm rồi - Khẩn cãi nhau với lão Việt - Ông Tước nói chuyện cơ qua đi nghỉ ở Yên Tử. Thái gọi điện mời ăn cơm vì sắp đi Bal an. Nhung rủ Khẩn đi xem đất, dọc đường gặp Thuý đang phóng xe đi…Những việc như thế hoàn toàn là hiện thực, nó chỉ có nghĩa tường thuật, nghiã thông tin, không hề có gì là ẩn dụ. Cả truyện NGỒI là cách viết như thế.
Xen vào đó là những chuyện kể của các nhân vật. Họ kể về những giấc mơ, những truyền thuyết
Chẳng hạn: Khẩn nhiều lần mơ. Một lần mơ thấy bà già chết thì hôm sau bà cuả Nhung chết (tr.67). Mụ bán khoai mơ thấy thằng bé chết, sau đó nó chết thật (tr.247). Liên kể chuyện tinh rồng (tr.213). Khẩn và Kim đọc truyền thuyết về thần núi Tản Viên và Cao Biền (chương 37). Ngọc nói chuyện bố mẹ mơ thấy Quân, giấc mơ giống như Khẩn đã mơ (tr.238), Nhung mơ con đường toàn hoa quả (195). Xuân kể giấc mơ thấy Xuân mặc áo tàng hình (tr.66), giấc mơ cuả sư Liễn lúc 14 tuổi (199). Ngọc bói chén để tìm tin tức về Quân (tr.53), quẻ bói ngày xưa về Khẩn (tr.139), chuyện Trương bị thánh tướng nhập (tr.277), chuyện Khẩn nhìn thất ánh sáng tinh rồng (tr.278), Khẩn linh cảm có người âm hiển hiện ngăn mình với Thuý (tr.176), Khẩn mơ thấy mình ngồi trên một chiếc xe mây ngũ sắc bay qua đỉnh núi (tr.284)…Đó chỉ là những chi tiết được lắp ghép vào mạch chính. Những chi tiết hoang đường, những giấc mơ ấy không câu kết để làm nên một tầng ý nghiã khác như các nhà phê bình suy diễn ra. NBP khai thác những chuyện duy tâm dân gian ta thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày cuả người Việt. Nó được thêm vào để tạo ra sự hấp dẫn cho tác phẩm. Kim bảo thẳng “ đó là giấc mơ dở hơi, một ảo ảnh chẳng đâu vào đâu”(tr.57) Khẩn bảo đó là Những giấc mơ dấm dớ :” Tóm lại đó là một giấc mơ dấm dớ chẳng kém gì cái giấc mơ ông già kỳ cục phá trận huyền đồ huyền điếc gì đấy “ (chương 35. Tr.201). Bạn đọc hãy thử xâu chuỗi xem, cái chết của bà Nhung, cái chết cuả thằng bé, chuyện ông giá phá Huyền Đồ, chuyện Trương bị ma nhập, chuyện Khẩn thấy tinh rồng, xem có thành một cấu trúc truyện để diễn tả một tầng ý nghiã khác cuả tác phẩm không. Rõ ràng là những chi tiết ấy, những câu chuyện ấy đơn thuần chỉ là tán gẫu, chỉ là lắp ghép thêm vào, chẳng gắn bó gì với nhau, hay nói khác đi, đó là cách NBP bắt chước lối kể truyện trong sinh hoạt dân gian vào việc xây dựng tác phẩm.Và nếu bỏ những chuyện “dấm dớ” ấy đi thì NGỒI còn lại gì để hấp dẫn người đọc?
Trong cách viết, nhiều khi NBP tả cặn kẽ từng chi tiết. Chẳng hạn chuyện bà bán cá ở chợ làm con cá cho Minh (113), chuyện Ngọc bói chén (giống như cầu cơ,tr.53) Tả chi tiết quan tài.(Tr.68), chi tiết sư Liễn cúng.(tr.71), tả chi tiết ngón tay gõ nhịp của Thuý (tr.202) và viền quần lót của cô (tr.203) :”Khẩn dắt xe ra sau, nhìn theo Thuý thấy rất rõ đường viền của chiếc quần lót hằn lên trên đôi mông thuôn thuôn gọn ghẽ.” Tôi không rõ mục đích tả những chi tiết này của NBP. Có lẽ anh cố gắng ghi lại những sinh hoạt dân gian làm tư liệu cho người đi sau, hay chỉ là thủ thuật của nhà làm phim truyện dài tập, quay tỉ mỉ từng chi tiết, để kéo dài số tập cho ngày phát? Thật là mất thì giờ vô ích để đọc những chuyện vặt vãnh như vậy.
Nói cho chính xác, cách kể chuyện của NBP là cách kể của người nông dân. Người nông dân thường cà con kê, chuyện nọ xọ chuyện kia, từ chuyện đời đến chuyện dân gian, từ chuyện tục đến chuyện thần tiên ma quỷ, chuyện bói toán, chuyện nhập đồng, chuyện mơ thấy người chết, chuyện cuả những người đồng nát, chuyện của các bà viếng chuà… Đoàn Ánh dương hoài nghi:” Nói cách khác, dòng sông mà bấy lâu Nguyễn Bình Phương bồi tụ phù sa có cần thêm một sự nắn dòng?”(6) . Tôi hiểu Đoàn Ánh dương muốn nói đến sự chệch hướng của NBP ?Tôi cũng hiểu tại sao NBP nói đến việc “đặt bút chấm hết một lối tư duy vì thấy rằng cần phải kết thúc”.
4. Những nỗ lực thất bại của Nguyễn Bình Phương
Có thể nhận thấy rõ nỗ lực của NBP muốn xây dựng nhân vật Khẩn thành nhân vật tư tưởng, nhưng anh đã thất bại.
Chương 1 và đọan kết cuả chương cuối là hình ảnh Khẩn ngồi, như một ẩn dụ, có khả năng gợi ra những suy tư về thân phận con người. Đã có nhà phê bình khai thác ý nghiã ẩn dụ này, ẩn dụ đến từ ngữ. Cũng cần kể đến ý nghiã ẩn dụ có thể có ở hình ảnh Kim, tiếng mõ, chiếc áo bí ẩn, con bướm, tinh rồng, và cả trong truyền thuyết thần núi Tản Viên…
Khẩn là một công nhân viên, một trưởng ban, một đảng viên. Nhưng đời anh tất cả đều dở dang. Chuyện tình với Kim, sâu đậm trong tâm hồn Khẩn, nhưng chỉ là phù phiếm, Khẩn bảo “đời người cũng phù phiếm như khói “. Hai người chia tay không hẹn gặp lại. Kim biến mất vào hư không (285). Khẩn không giúp được gì trong việc tìm tung tích bố Nhung, không giúp được lão Bân xin việc cho cháu, không giúp bảo vệ lão Việt khỏi gài bẫy; dù đã chở Thuý đi tìm vất vả, Khẩn cũng không giúp Thuý tìm thấy Quân. Ăn ở với Minh, nhưng Khẩn cũng không tìm được việc làm cho Minh, bản thân Khẩn bị kẹp giữa giám đốc Thìn và Đảng uỷ Tước, chỉ biết chịu trận.
Lối thoát nào cho Khẩn ?
Có lúc Khẩn muốn rũ bỏ tất cả (tr.216). Sư Liễn nói Khẩn có căn tu. Ở chuà Đồng, Khẩn lạc vào cơn nhập đồng nói chuyện với cây tùng, ngỡ mình đã ở đó, đã là cây tùng, trạng thái của Khẩn như là ngộ Thiền (tr.164). :” Khẩn lảng ra chỗ vắng, tiến lại sát mép núi cẩn thận ngó xuống và thấy dưới chân mình là một khối sương đùng đục lô xô như một đám mây khổng lồ. Lúc ấy Khẩn mới thấm hết giá trị của cuộc đi này. Khẩn đang ở trên mây, đang ở cái nơi mà chỉ cần lảng xa mọi người một chút thôi, một sải tay thôi sẽ thấy rằntg mình đã từng quá ồn ào, đã từng ham hố nhiều quá, mình bé mọn quá, đục quá. Một vật chặn ngang lồng ngực Khẩn quá lâu giờ bất ra và tất thảy trở nên thông suốt, rạt rào “(tr.161) . Đó là trạng thái giác ngộ hay chỉ là một sự xả stress sau những năm tháng quá mệt mỏi ?
Nhưng Khẩn còn là một con người khác, con người tha hoá và bất lực. Khẩn đi chơi gái nhiều lần, làm tình với nhung nhiều lần, làm tình với mụ bán khoai nhiều lần, nhưng không hề có ý thức xã hội gì về lối sống đồi truỵ và vô luân như vậy. Anh còn luôn mặc cảm về cái giống cuả mình không to bằng cuả người đàn ông nước ngoài (tr.136).Vừa làm tình với Nhung xong, Khẩn về nhà nằm ngủ bên Minh mà không ray rứt gì. Cũng vậy, vừa lén lút làm tình với mụ bán khoai xong, Khẩn về nhà với Minh, thản nhiên, không mặc cảm gì về sự phản bội. Thế nhưng khi được Thuý gọi đến nhà, cô ta thoát y truớc mặt Khẩn và đòi Khẩn sex, Khẩn lại từ chối và bỏ đi (có lẽ Khẩn bị người âm ngăn chặn). Cũng vậy, anh đi chơi gái với Hùng, Nghiã mà chẳng ham hố hưởng thụ (chương 23, 31), có lẽ Khẩn không có hứng thú (chương 18) hay chỉ là phòng bịnh? Làm tình với Nhung như cơm bưã nhưng lúc đến cơ quan làm việc Khẩn không có một chút tình ý gì. Khẩn không được miêu tả tâm trạng , thành ra người đọc thấy Khẩn như một kẻ vô cảm, một kẻ vô luân không ý thức, một kẻ tha hoá không tự nhận biết. Khẩn là “kẻ vô tâm, thờ ơ”(tr.169). Cũng có khi Khẩn hành động như một người có quyền lực. Trong buổi họp về việc lão Việt tằng tịu với con Tỉnh trong nhà vệ sinh nam, Khẩn chỉ nói một câu thì cả phòng ban không ai còn có ý kiến gì. Ấy là Khẩn đang bị xô dạt giữa các lực đẩy là ông Thìn và ông Tước.Nói cách khác, Khẩn bị trôi đi giữa dòng đời một cách thụ động, và không cưỡng lại. Nhung gọi đi thì Khẩn đi, mụ bán khoai cầm tay lôi vào phòng thì Khẩn vào và làm theo yêu cầu của mụ. Kim luôn cuốn hút Khẩn trong tâm tưởng, sau đó Kim chia tay, Khẩn không phản ứng. Khi bị ông Tước kiểm điểm (tr.273), Khẩn chỉ “vâng” như một cái máy.
Do đâu Khẩn có hai con người mâu thuẫn nhau như vậy. Ở đây không phải là Khẩn sống hai thế giới như một sự phân thân (7). Cũng không phải tác phẩm có hai tầng ý nghiã, vừa phản ánh thực tại đang diễn ra và một thực tại khác trong thế giới thần kỳ (magic Realism). Xin lưu ý, Khẩn có chứng đau đầu, trạng thái đau đầu xuất hiện nhiều lần ngay cả khi Khẩn đang làm việc. “Khẩn trở lại bàn cố gắng tập trung làm nốt phần việc bỏ dở nhưng vẫn không được. Có lẽ chưa bao giờ Khẩn khó điều khiển mình đến thế, mọi thứ cứ lộn tùng phèo cả lên, cứ quay cuồng thất điên bát đảo. Khẩn vỗ vỗ vào đầu, nhận ra cơn đau đến từ lúc nào, nó đang hoành hành dữ dội mà Khẩn không hề biết “(tr.228) Có lúc tưởng như điên lên, mọi thứ trở nên quái đản. Những lần bị va đập vào đầu, Khẩn ngất đi và chìm vào cơn mơ về Kim, nói chuyện với chính minh, như người tâm thần (Khẩn xưng hô là mình ). Trong thẳm sâu, Khẩn có những mặc cảm và ý thức khao khát tự do. Mâu thuẫn cuả Khẩn là ở chỗ, anh cố vươn lên một cái gì đó thanh khiết, cao đẹp (Kim), trạng thái thanh tĩnh như lúc ở chùa Đồng, muốn sống tốt đẹp với mọi người, nhưng lại bị cuộc sống thúc ép, bó tay bất lực và chứng đau đầu làm anh sống trong hoang tưởng , lúc nào cũng mơ, cũng thấy người cõi âm ( con bướm là người chết hiện hồn, mơ thấy hồn bà cuả Nhung, nhìn thấy tinh rồng, cảm nhận có ai đó hiện về đứng giữa Khẩn và Thuý tr. 176…) . Khẩn muốn thoát ra, muốn tự do như những người khách nước ngoài :” Trong ánh đèn đỏ của nhà hàng, Khẩn lặng nhìn mấy thanh niên nước ngoài đầu trọc đang đứng uống nước khoáng ở quầy, lòng thèm được như họ. Sống thế mới là sống. Tự do đi lại, tự do khám phá, chỗ nào hay thì đến, chẳng cần biết nó thuộc hệ tư tưởng này, hệ tư tưởng kia. Khẩn nói ra ý nghĩ ấy với Nghiã…”(tr.123)
Trong những nghĩ suy hoang tưởng như thế, Khẩn nhận ra sự biến mất cuả con người trong cõi đời này, như những ký tự bị delete trên máy tính.”Khẩn hình dung ra những ký tự kia là người và một ký tự bị xoá đi, biến mất thì cuộc đời này lại dở dang thêm một chút, vô nghiã thêm một chút. Ý nghĩ ấy thôi thúc Khẩn đánh tên mình vào sau đó tự xoá nó đi “(tr.114). Trong tác phẩm, Quân biến mất không thể tìm ra tung tích. Kim biến mất sau khi chia tay với Khẩn (285), Trương biến mất sau cơn nhập đồng (tr.277) và sau cùng cả Khẩn từ lúc khai sinh (chương 1) cũng biến mất ở những dòng cuối (291). Phải chăng NBP suy tư về sự tồn tại, suy tư về hiện sinh ? Việc Khẩn đi làm ở cơ quan, đi chuà, đi chơi gái, quan sát gã tâm thần, mặc cảm về cái giống, ao ước được tự do đi đây đi đó, chỉ là những cảm thức khác nhau về hiện sinh ở Khẩn. Hiện sinh dở dang, hiện sinh vô nghiã, hiện sinh quy tử?Tôi không tin rằng NBP đã đạt tới ý thức triết học này trong bản thể nhân vật Khẩn.
Nếu quả thực NBP muốn xây dựng NGỒI thành tiểu thuyết tư tưởng thì sẽ trái với mục đích “phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời.” Ở cả hai phiá, anh đều thất bại. Phản ánh của anh là những hình ảnh méo mó như hình ảnh khúc xạ qua nước (tr.16) và tư tưởng cuả anh lẫn lộn giữa duy tâm dân gian (cõi dương và cõi âm ), Thiền và Hiện sinh, chẳng ra sao cả!
Mặc dù NBP đã dồn nhiều công sức cho tác phẩm (anh viết 4 năm trời ) nhưng lực bất tòng tâm, ngòi bút của anh chỉ có thể dừng lại ở cái thế ngồi của Khẩn mà thôi. Từ lúc khai sinh đến lúc biến mất đi trong cõi đời này, Khẩn chỉ ngồi trong hoang tưởng. Thế ngồi nửa Thiền nửa hành khất (tr.47). Cột đồng, con chim chết, hòn đá, những khuôn mặt người hiện ra trong mắt Khẩn, chỉ là hình ảnh hoang tưởng, không có ý nghiã tư tưởng gì, cũng chẳng là ẩn dụ cho cái gì như người ta cố ý suy diễn ra. Tất cả là do chứng đau đầu gây nên ( anh luôn bị những cú nổ đanh trong đầu hành hạ .tr.181), do tính cách yếu đuối của Khẩn, và do thể tạng con người cuả Khẩn, nhạy cảm với cõi âm. Lần đi chơi chùa Đồng, Nhung đã đi tìm Khẩn và nói :”Khiếp, anh như ma xó thế này làm bọn em hết cả hồn”(tr.164). Lần khác, khi Khẩn ngắm gã tâm thần và nói với Nhung rằng anh rất tò mò về những người tâm thần và người điên, anh thấy họ như người giời ấy. Nhung bảo “vâng người giời, không khéo rồi anh cũng thành người giời nốt cho mà xem “(tr.189). Chỉ có thể lý giải sự mâu thuẫn trong tính cách cuả Khẩn bằng những yếu tố sinh-tâm lý mà NBP miêu tả cụ thể như thế, không là ẩn dụ, không thể suy diễn nào khác.
5. Ngòi bút Nguyễn Bình Phương có gì đặc sắc không?
Cũng cần nói thêm điều này, trong NGỒI, NBP miêu tả sex dày đặc. Quá nhiều cuộc làm tình của Khẩn và Nhung, của Khẩn với mụ bán khoai, của mụ bán khoai với người đàn ông dưới gốc bằng lăng, cuả lão Việt với con Tỉnh trong nhà vệ sinh nam, cuả Thuý và Nghiã và nhiều lần Khẩn, Nghiã, Hùng đi chơi gái. Quan điểm của NBP về vấn đề này thế nào ?
Từ Nữ Triệu Vương hỏi : Thế còn chuyện quá nhiều sex trong Ngồi thì sao?
NBP :- Nào có sao? Sex đâu phải con ngáo ộp, nó là một trong những hành động giao tiếp đỉnh
cao, thế thôi.
Từ Nữ Triệu Vương : Nhưng chả lẽ chỉ có thế? Chả nhẽ sex trong tác phẩm của anh chỉ là
sex và anh coi đó "là hành động giao tiếp đỉnh cao"
NBP :- Tại sao lại phải gửi gắm? Tại sao cứ nhất thiết phải bắt sex đèo bòng thêm những thứ khác? Bản thân nó đã là quá đẹp, quá nhân văn, nó trọn vẹn là chính nó với đầy đủ các giá trị rồi. Quả cây chín nào đâu phải có ý gì? (đd)
Nghe NBP trả lời, tôi biết anh chịu ảnh hưởng phương Tây trong nhận thức suy đồi về sex.Anh cho rằng bản thân sex đã là quá đẹp, quá nhân văn, nó trọn vẹn là chính nó với đầy đủ các giá trị rồi. Anh miêu tả sex chỉ là sex, miêu tả tràn lan trong tác phẩm. Đó là quyền của nhà văn. Điều anh nói không sai khi sex là hành vi cuả tình yêu, của ý thức trách nhiệm lứa đôi, của hai con người có văn hoá, ở trong phòng riêng, cách ly với xã hội bên ngoài. Khi nó trở thành một hành vi xã hội, nó phải mang những giá trị cuả xã hội. Vì thế Lão Việt mới bị đem kiểm điểm khi tằng tịu với con Tỉnh ở nhà vệ sinh nam, sau đó bị thôi việc. Nghiã phải trả giá cho hành vi sex thoải mái cuả mình với gái điếm bằng HIV/ADS, và không biết anh ta có lây truyền cho Thuý không, có lây truyền cho những cô gái khác, và các cô gái ấy lại lây nhiễm cho bao người khác! Thưa nhà văn , khi miêu tả sex trong tác phẩm và tác phẩm ấy phơi bày hàng ngàn bản trong xã hội , thì sex cuả nhà văn đã trở thành hành vi xã hội. Nó phải được miêu tả trong phạm vi của ý thức thẩm mỹ, ý thức đạo đức, ý thức văn hoá của cộng đồng. Nó không còn là hành vi của cá nhân trong phòng riêng. Trong NGỒI, NBP không chỉ miêu tả sex là sex, mà còn miêu tả sex vô luân, điều ấy không thể chấp nhận được. Người đọc có quyền nói vậy.Tôi nghĩ rằng anh đã tự làm hỏng ngòi bút cuả mình!
Nếu bỏ qua những yếu tố kỹ thuật NBP làm cho trang văn trở nên khó đọc, bỏ qua việc miêu tả sex vô luân, bỏ qua việc phản ánh hiện thực một cách méo mó, thì trang văn của NBP còn lại những gì ?
NBP có khả năng miêu tả thật sống động các chi tiết rất nhỏ. Chân dung nhân vật của anh được vẽ bằng những nét sắc xảo. Những trang tả cảnh thiên nhiên có khả năng tạo ấn tượng. NBP cũng tái hiện những cảnh sinh hoạt đời thường như nó đang diễn ra trước mặt ( cảnh Nghiã, Hùng, Khẩn trong quán chơi gái (tr.91), chuyện bói chén, chuyện cuả đồng nát, chuyện gã tâm thần bị dè bỉu, chọc ghẹo). Anh tả trạng thái nhập đồng của Khẩn ở chỗ cây tùng trên chuà Đồng thật xuất sắc. Khẩn như trong trạng thái “ ngộ” Thiền cuả các Thiền sư (tr.164). Cơn thánh nhập của Trương diễn ra thật dữ dội. Anh ghi được thần thái tính cách, ngôn ngữ của nhân vật cơ quan, đặc biệt là ông Thìn và ông Tước. Anh khéo khai thác những nhân vật vô hình (người gõ mõ), những yếu tố bí ẩn (tấm hình có chữ Niểu), tấm vải, truyền thuyết về lệ trà. Tiếng mõ cũng là một bí ẩn. Có người đã cố khai thác ý nghiã ẩn dụ của tiếng mõ (8), NBP nói rằng tiếng mõ đều đều, với thế giới yên ả, nghiêm túc trong ký ức Khẩn chỉ là sự tương phản với cuộc sống xô bồ ngoài đời mà thôi (1, đd). Rất tiếc anh lại không miêu tả tâm trạng nhân vật, khiến cho nhân vật cuả anh hoàn toàn vô cảm, trở thành vô luân.
Dù NBP có nói rằng Tôi nghĩ và làm theo cách của tôi, nhưng người đọc vẫn nhận thấy rõ ảnh hưởng của chủ nghiã Hiện Thực Thần Kỳ (magic realism) và Hậu Hiện Đại trong NGỒI. Thực ra anh mới chỉ tiếp thu một số kỹ thuật, chưa thực viết tác phẩm trong ý thức sáng tạo của những trào lưu này. Chẳng hạn sự lắp ghép những yếu tố thần kỳ, bí ẩn, những truyền thuyết dân gian vào cốt truyện chính; chẳng hạn tạo ra một cốt truyện lỏng lẻo, sự hỗn độn, những vòng lặp, những yếu tồ ngẫu nhiên, sự xô bồ của ngôn ngữ..Dù sao tôi vẫn thấy trong cốt cách văn chương cuả NBP bóng dáng Nam Cao, Nguyễn Minh Châu và cả Nguyễn Huy Thiệp. NBP chưa thực sự mới.
Trong số những cây bút trẻ, NBP là người có ý thức sáng tạo riêng. Anh có khả năng để đi tiếp con đường sáng tạo nhọc nhằn này. Cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ khi nhìn về tương lai sáng tác của mình đã thốt lên câu Kiều :”Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh “.Tôi tin rằng NBP “thực sự còn là một cái gì nữa chứ không phải chỉ là thế này “(243)
Tháng 8/2010
________________________________________________
(*) Nguyễn Thị Ngọc Anh. ĐH Thái Nguyên-ĐHSP : Luận văn Thạc sĩ :
Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
http://www.lrc-nu.edu.vn:8080/gsdl/collect/luanvanl/index/assoc/HASH015a/7057d31b.dir/doc.pdf
(1) http://www2.vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/10/621894/
(2) http://vietbao.vn/Van-hoa/Xon-xao-voi-Ngoi-cua-Nguyen-Binh-Phuong/70071875/181/
(3) Nguyễn Hoàng Vũ : Một lối đi riêng của Nguyễn Bình Phương
http://nld.com.vn/169477P0C1020/mot-loi-di-rieng-cua-nguyen-binh-phuong.htm
(4) http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/108708/Nguyen-Binh-PhuongnbspVan-hoc-menh-mong-nhu-cuoc-song.html
(5) Thuỵ Khuê :Thế tĩnh toạ trong tác phẩm Ngồi của Nguyễn Bình Phương
http://hopluu.net/default.aspx?LangID=0&tabId=498&ArticleID=639
(6) http://www.vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3171&catid=10:-tieu-m-vn-ngh&Itemid=20
(7) Phạm Xuân Thạch : http://www.viet-studies.info/PXThach_doc_NBPhuong.htm
(8) Nguyễn Phước bảo Nhân : Tràng tiếng mõ trong tiểu thuyết NGỒI. http://lethieunhon.com/read.php/3442.htm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét