album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

BLOGGER VÀ NHỮNG CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT



Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
BLOGGER VÀ NHỮNG CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT
Tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp. Nxb Hội Nhà Văn.2009



Blogger là một cuốn tiểu thuyết cuốn hút tôi từ đầu đến cuối và để lại những ấn tượng thật thú vị.

Tôi thường đọc tiểu thuyết không phải để thưởng thức mà để tìm kiếm những giá trị, những cái mới của văn chương, tìm kiếm cá tính sáng tạo của nhà văn. Vì thế tôi thường lật đàng sau trang văn xem nhà văn đã viết thế nào, đâu là bí mật nhà văn làm nên tác phẩm. Tôi thường bỏ qua sự cảm thụ thẩm mỹ, mà lẽ ra đó phải là mục đích chính của việc đọc văn. Cũng có căn nguyên của nó, bởi vì tôi ít gặp một tác phẩm có sức hấp dẫn đủ lôi kéo tôi vào thế giới nghệ thuật cuả tác giả, hơn nữa, cảm thụ là cảm tính chủ quan thường không giúp mình nhìn ra giá trị thật cuả tác phẩm.

Trước khi đọc Blogger, tôi bị ám ảnh bởi nhận xét cuả nhà phê bình rằng Blogger là cuốn tiểu thuyết đòi hỏi một cách đọc khác, vì Blogger có lối viết khác,” lối viết này gây mệt mỏi cho những độc giả lười nhác và tệ hơn - họ vốn chưa quen với sự thay đổi tâm thế đọc liên tục mà Phong Điệp đã dồn họ vào, như dồn vào một mê cung” và… thực sự đây lại là một thử thách nữa với người đọc” (1). Tôi tự hỏi không biết mình có đủ sức đọc tác phẩm này không, bởi tôi rất lười đọc, và tâm thế đã đông cứng với cách đọc cũ. Có nhà phê bình nhắc tới những “phân mảnh rời rạc”, văn Blogger là “văn chơi” (2), làm tôi liên tưởng đế kỹ thuật Hậu Hiện Đại, vốn là mới mẻ đối với văn chương Việt nam, khiến tôi tự hỏi xem mình sẽ tiếp cận tác phẩm này thế nào. Có thể mình sẽ thuộc về lớp độc giả lười nhác, cũ kỹ không có khả năng đọc văn trẻ chăng…Những điều như vậy bắt mình phải căng sức để đọc, để thoát khỏi cái mê cung mà tác giả sẽ dồn nén mình vào

Nhưng khi thâm nhập vào được thế giới nghệ thuật cuả Blogger, tôi thực sự bị hấp dẫn. Blogger lôi cuốn đến nỗi tôi không sao buông cuốn sách xuống được, vì câu truyện đang ở phiá trước, không thể không băng tới xem số phận các nhân vật sẽ ra sao. Hoá ra những nhận xét cuả các nhà phê bình trên kia chỉ như “ngáo ộp” hù doạ những người yếu bóng viá (xin lỗi các nhà phê bình, tôi chỉ đùa chút thôi cho hợp với kiểu comment của Blog, không dám có ý không phải với các vị). Tôi tự nghĩ, nếu Blogger khó đọc, phải mệt mỏi để đọc, thì độc giả nào còn dám mua đọc nữa. Thành ra lời tôn vinh tác phẩm của nhà phê bình lại trở thành nỗi ngán ngẩm tai hại cho nhà phát hành.Qủa thực, lúc mới vào truyện, người đọc có thể bỡ ngỡ vì không biết ai là người trần thuật. Tác giả hay nhân vật Tôi, một blogger mắt cận, tóc ngắn, 25 tuổi.Mãi tới trang 38, người đọc mới phát hiện ra người trần thuật là Phong, và câu chuyện cuả Hạ là chuyện Phong viết trên blog. Hạ cũng là blogger.(một cấu trúc kép). Người đọc còn gặp hai nhân vật NÓ và Bé Con, từ đầu đến cuối truyện không biết là ai, khiến cho Đoàn Minh Tâm nhận xét rằng :” kết cấu tiểu thuyết hơi “lỏng”, các “mối nối” chưa thật khớp tạo cho “bộ khung” tác phẩm vận hành được trơn tru.”(3). Chỗ này thì lộ ra rằng, nhà phê bình đã không đọc được mã nghệ thuật cuả Blogger.

Blogger tạo nên những chấn động rất mạnh nơi trái tim người đọc bằng một lối văn tưởng như vô cảm, khô khốc. Người đọc không thể không kinh tởm nhân vật Sếp- CON THÚ- khi nó giương móng vuốt chụp lấy CON MỒI, và con mồi không sao thoát được. Không thể không nguyền ruả và khinh bỉ nhân vật Quân, một kẻ phụ tình, “tầm thường, nhỏ nhen” đáng để Hạ nhổ nuớc bọt vào mặt (nhưng cô đã không làm thế mà chỉ bỏ đi), người trực tiếp gây ra cái chết cuả Hạ. Theo dõi nhân vật Hạ, người đọc không sao giữ cho trái tim minh không bị dồn nén đến héo hắt, thương cảm đến xót xa khi thấy tác giả bế tắc không cứu được nàng. Phải chứng kiến cái chết không lối thoát cuả Hạ, trong một thế giới vô cảm, tàn ác, giả dối bày ra đó, người đọc biết rõ mười mươi, nhưng không làm gì được để lật mặt nạ những con người THÚ, nỗi bức xúc làm ta khùng điên : muốn chửi bậy,muốn đánh nhau,muốn giết người,(tr.210), may mà còn có Quyên gào lên tiếng nói trung thực, giúp người đọc chia sẻ một chút với linh hồn kẻ phải chết oan nghiệt :”Em ơi là em.Sao phải khổ thế này hả em ? Chị đã bảo hãy để chị vạch mặt kẻ phản bội thì em không nuốn. Em chịu đựng một mình.Em chết thì thiệt thân em..Em bỏ lại mẹ già cho ai?(tr.261). Đọc thư tuyệt mệnh cuả Hạ (249) và tâm trạng người mẹ mong con (251), chắc chắn người đọc không thể cầm được nỗi uất nghẹ dâng lên, làm tim mình muốn ngưng đập. Chỉ khi đọc những dòng sau cùng cuả tác phẩm, người đọc mới tìm lại được niềm tin tưởng đã mất, trái tim trĩu nặng bi phẫn mới nhẹ được đôi chút. Vâng, không thể để cho thế giới tàn ác vùi dập con người, Hạ phải sống, “Bản năng sinh tồn thúc cô. Một con người khác trong chính cô cũng đang thôi thúc khiến cô không thể giam cầm mình trong những nỗi phiền muộn sầu não”(tr.235)

Có thể nhận thấy, thế giới nghệ thuật cuả Phong Điệp đã mang đến cho người đọc những cảm xúc mạnh mẽ, nhiều màu sắc và thôi thúc họ suy nghĩ, buộc họ phải có thái độ. Đọc Blogger, trái tim người đọc dù chai cứng đến đâu cũng không thể vô cảm trước số phận con người trong thế giới bất nhân tàn ác cuả loài THÚ. Bởi vì Phong Điệp đặt chúng ta trước những vấn đề găy gắt cuả cuộc sống đang diễn ra hôm nay.

Phong Điệp nói thế này về những vấn đề được đặt ra trong Blogger:” Biết bao nhiêu vấn đề đặt ra với một người trẻ tuổi phải trụ lại thành phố lớn: công ăn việc làm, nhà cửa, gia đình… Ai dám chắc ra trường là có việc làm ngay, việc làm phù hợp chuyên môn và sở thích? Lương kiếm đủ sống? Nếu mất việc bạn biết sống thế nào? Tiền thuê nhà lấy đâu? Người yêu phụ tình, bạn có gục ngã không? Rất nhiều rất nhiều những câu hỏi như vậy. Và anh có thấy không, những chuyện đó nếu đặt ra với nam giới đã là rất nặng nề rồi nữa là những cô gái gốc gác tỉnh lẻ yếu đuối và đơn độc. Tôi nghĩ rằng kiểu nhân vật mà tôi đề cập trong tác phẩm cũng như chủ đề câu chuyện vừa có tính phổ biến, vừa có tính cá biệt để nhà văn làm công việc của mình. “(4) Tôi nghĩ Phong Điệp viết văn nghiêm túc, không phải văn chơi. Đọc Blogger, người đọc nhân ra những suy tư, những trăn trở đau đáu về người trẻ, không hề có dấu hiệu nào rằng Phong Điệp viết Blogger để giải trí. Phong Điệp nói rõ sự chọn lưạ thái độ viết cuả mình :” tôi theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của mình một cách rốt ráo, không hoặc ít bị tác động bởi số đông. Những tác phẩm có thể được số đông bạn đọc đón nhận, hoặc bị xếp vào loại “kén” độc giả thì tôi vẫn trung thành với quan điểm sáng tạo của mình.”(5)

Hãy dõi theo một vài vấn đề được đặt ra và giải quyết trong Blogger.

Vấn đề cuả Hạ thì khá rõ :” Từ một cô sinh viên yếu đuối, nhẹ dạ, có con ngoài giá thú, bị chối bỏ, đến lúc rơi vào một môi trường làm việc cũng lại là một “chợ giời trá hình” của những đổi chác bán mua nhân tính…- Có thể nói môi chặng đường SỐNG của nhân vật luôn là những cuộc vật lộn khốc liệt trước những cạm bẫy ngoài xã hội và ngay với chính bản thân mình: thoả hiệp hay không thoả hiệp? Và cũng chỉ có cách lựa chọn sống tiếp mà không được phép quay đầu lại.(6) Người đọc thương cho Hạ vì nàng đơn độc, yếu đuối, trong khi sức ép của môi trường sống đè nặng trên đôi vai bé nhỏ cuả nàng. Làm sao để giữ mình, làm sao để sống, làm sao để giữ được trái tim không tổ thương, giữ cho nhân cách không bị chà đạp, giữ được những giá trị làm người. Móng vuốt CON THÚ đã chụp xuống, Quân đã ruồng bỏ. Hai bà mẹ Quân và mẹ Hạ là hai gọng kềm đang xiết lại. Cuộc phỏng vấn với lão trọc đã đóng lại mọi cánh cửa cuộc đời của Hạ. Quyên không cứu đuợc Hạ. Tình yêu thương cuả mẹ không còn là cái nôi ấm áp cho trái tim đã lạnh giá của Hạ. Tác giả Phong, người kể chuyện Hạ cũng hoàn toàn bế tắc.Ở ngoài đời, trong những tình huống như thế, nhiều người trẻ đã phải đánh mất mình, họ lao vào cuộc sống thực dụng, lấy mục đích biện minh cho sự tha hoá. Phong Điệp đã chỉ ra ở entry cuối cùng :”Nó quyết định thay đổi kế hoạch. Như delete một entry”. Đó lả cách nói cuả tiểu thuyết. Hạ phải sống, phải thoát ra, không thể cam chịu. Lời cuả Quyên khóc Hạ là một chỉ dẫn.

Một vấn đề “nóng” khác cuả người trẻ hôm nay là sự tan rã cuả gia đình. Trong truyện, Phong Điệp có nói đến Hội Những Người Thích Tự Do. Đó là những phụ nữ thành đạt nhưng gia đình đổ vỡ, nguyên nhân là bị chồng phụ tình . Họ có chung một nỗi SỢ HÃI,CĂM GIẬN,KHINH BỈ,OÁN GIẬN đàn ông.(tr.112) Đàn ông làm họ chết điếng, kinh hãi, thất vọng, chán chường. Họ quyết định lựa chọn cho mình tự do. Sẽ chỉ có tự do. Không đàn ông trong thiên đường có hai chữ tự do ấy” (tr. 113). Quyên cũng là một trường hợp đổ vỡ. Quyên có hai con, chồng bồ bịch lăng nhăng, ăn chơi như phá, mấy lần định tự tử, nhưng nghĩ đến hai con, nên “ cố mà sống vậy. Sống khốn nạn kiểu gì cũng được. Miễn là có chỗ dựa cho con cái”(tr181). Quyên đã mở tiệm tóc và sống khoẻ. Quyên nói rõ quan điểm cuả mình :” Em là gái có chồng có con. Không bồ bịch nhăng nhít. Nhà có một thằng đàn ông bồ bịch là đủ tan cửa nát nhà rồi. “Khí tiết” ấy cuả Quyên khiến cánh đàn ông vị nể và càng mê mệt cô hơn “(tr182). Tình yêu, hôn nhân của Diệp cũng đổ vỡ vì vợ chồng trẻ con, chưa đủ chín chắn và bao dung để ôm giữ lấy nhau. Phong Điệp cũng Copy &paste (tr.114) một entry cuả bạn đọc về chuyện gia đình. Đó là một gia đình có hai con, đã sống hạnh phúc 15 năm. Người chồng là giảng viên một trường Đại Học lớn. Rồi người chồng ngang nhiên ngoại tình, người vợ cố gắng rất nhiều để níu giữ gia đình, đã hy sinh nhiều để chồng theo đuổi con đường sự nghiệp..nhưng chồng đã làm vợ suy kiệt. Chị đã nghĩ đến chia tay. Nhưng nếu chia tay thì thu nhập của người vợ không đủ nuôi hai con. Người vợ xin ý kiến bạn đọc.Những comment cuả bạn đọc một nửa cổ vũ sự ly hôn, một nửa chỉ rõ hậu quả nặng nề của việc ly hôn…

Có thể thấy nguyên nhân tan rã cuả gia đình trẻ hấu hết xuất phát từ người đàn ông lăng nhăng gái gú. Phong Điệp bảo vệ người phụ nữ, đồng thời bảo vệ quyền tự do của họ, cổ vũ một lối sống tự lập có nhân cách văn hoá (Quyên) , có trách nhiệm xã hội, chống lại lối sống thực dụng bệnh hoạn. Tiếng nói cuả Phong Điệp vang lên mạnh mẽ và dứt khoát. Dẫu thế nào cũng phải bảo vệ người phụ nữ , bảo vệ trẻ, hành động ly hôn cuả cha mẹ, chỉ vì sự ích kỷ cuả cá nhân mình, sẽ đẩy trẻ vào con đường hư hỏng, chúng sẽ trở thành tai ương cho xã hội. Có thể thấy, gần đây là trường hợp cuả My Sói, một nữ băng đảng mới chỉ 14 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi. My Sói đã gây nên những vụ án cướp của, hiếp dâm không còn tính người (7)

Vấn đề tự do trong tình yêu, tự do quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng được Phong Điệp đề cập đến bằng một ngòi bút sâu sắc và giàu chất nhân văn. Trước hết là thái độ phản kháng của hai bà mẹ. Thái độ này là dứt khoát. Mẹ Quân nhất định không đồng ý cho Quân lấy một người như Hạ (127), mẹ Hạ thì bảo Hạ bỏ Quân (tr.131). Mẹ Hạ nói :”Tao nói thật, tình yêu từ thời sinh viên, đẹp thì có đẹp,nhưng chả mấy đôi thành đâu “(130) Mẹ Quân thì nói :”Tôi cũng không ưa những đứa con gái nhà quê cứ muốn ở lại thành phố. Thuê nhà ở một mình, biết thế nào?Đêm hôm một mình, biết thế nào ?(tr.134) . Mẹ Quân nói rằng “biết thế nào” . Đó là một đánh giá nhân cách về Hạ. Nhân cách như thế không bảo đảm được các giá trị cuả hôn nhân. Nhưng thái độ cuả Phong Điệp rõ nhất là ở việc miêu tả trạng thái Hạ và Quân sống thử. Họ dần dần mất hết hứng thú, để rồi sau cùng Quân bỏ Hạ đi lấy vợ khác. Hạ nhận đủ mọi sự khốn nạn của một cuộc tình không hôn nhân. Nỗi đau đớn tận tâm linh . Việc Hạ nạo thai, khi cái thai đã 5 tháng là một tội ác. Những cơn ác mộng sau đó làm Hạ suy kiệt. Những nỗi bi thương này chỉ một mình Hạ phải chịu. Mặc cảm tội lỗi nặng quá sức chịu đựng cuả nàng. Người đọc sẽ nhận ra thông điệp này, tình yêu, tình dục, hôn nhân và hạnh phúc là những vấn đề không tách rời nhau. Điều quan trọng là phải có đạo đức, phải có trách nhiệm, phải có chuẩn mực xã hội, người trẻ không thể sống buông thả mà có hạnh phúc được. Sự thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về bạn gái.

Văn hoá Việt Nam coi hôn nhân là duyên là nợ ( truyện Nguyệt Lão). Vì thế, đạo vợ chồng lấy tình nghiã thuỷ chung và đức hy sinh làm trọng.”Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quả công “(Thương Vợ-Trần Tế Xương ). Cha mẹ có vai trò quyết đinh đến số phận con cái.“Con có cha như nhà có nóc”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “Phúc đức tại mẫu”, “Con hư tại mẹ”. Vì thế cha mẹ hết sức giữ gìn để con được lớn lên và mong cho con hơn mình.”Con hơn cha là nhà có phúc” . Ai cũng biết tình yêu, tình dục tuổi trẻ chỉ tồn tại trong chốc lát, sau đó là sự nhàm chán. Nếu lứa đôi đi đến hôn nhân, họ sẽ có con, con sẽ là hạnh phúc gắn kết hai người. Phong Điệp đã nói được chân lý này ở Hạ. Khi nghe tiếng trẻ khóc và nhìn những khăn xô, tã lót bay trắng xoá ở ban công ở khu tập thể kế bên, Hạ đã ao ước cháy bỏng có được một gia đình,”có những đứa con đàng hoàng được sinh ra trong sự chờ đón của cha mẹ, ông bà “(tr171). Đó mới là hạnh phúc đích thực của tùnh yêu. Gia đình là gốc cuả xã hội. Trong đạo vợ chồng, lứa đôi lấy sự hoàn thuận, tôn trọng nhau làm nguyên tắc ứng xử .”Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Nhờ thế gia đình bền vững, xã hội mới ổn định, và dân tộc này mới làm nên những kỳ công trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Do ảnh hưởng chủ nghiã thực dụng phương Tây, chủ nghiã cá nhân vị kỷ, người trẻ đã không hiểu được chiều sâu văn hoá Việt nam về hôn nhân và gia đình. Họ yêu nhau, ngủ với nhau, sống với nhau hoàn toàn cảm tính và bản năng.Thích thì ở, không thích thì chia tay. Họ quên mất trách nhiệm xã hội và những hậu quả xã hội hết sức trầm trọng do họ gây ra. Ta hiểu vì sao hai bà mẹ của Quân và Hạ lại quyết liệt giữ những truyền thống ấy. Trong khi Quân đến với Hạ bằng tình yêu và tình dục, Hạ đã dâng hiến và chờ đợi mỏi mòn, nhưng Quân chưa bao giờ nói đến đám cưới với Hạ. Anh đến với Hạ chỉ để làm tình và coi bóng đá, sau đó bỏ Hạ như một miếng giẻ chùi chân, không tình không nghiã.

Lại nói về sex trong Blogger. Phong Điệp bộc lộ một cái nhìn xã hội rất sâu sắc về sex. Sex là cội nguồn mọi nỗi thống khổ của phụ nữ. Trước hết Quân làm tình với Hạ chỉ như một sự chiếm đoạt của con đực với con cái (tr. 71). Hạ âm thầm chịu đựng sự dày vò ấy với hy vọng sẽ đi đến hôn nhân. Nhưng kết quả là cô phạm vào tội ác giết đưá con 5 tháng tuổi của mình, sau đó chịu sự trừng phạt của lương tâm khôn nguôi. Sếp của Hạ, Phong Điệp gọi đó là CON THÚ dâm dục, với móng vuốt và sức mạnh vồ mồi , không một cô gái nào thoát được. Bao nhiêu nhục nhã, đau đớn, tan vỡ cuả Hạ là vì nó.Phong Điệp đã miêu tả được tính chất bản năng thú vật trong hành động sex của Con Thú. Nó dày đạp lên nhân cách phụ nữ và gây ra những đau thương căm uất cam chịu. Nhìn thật kỹ, Hạ chính là một nô lệ tình dục cho cả Quân và sếp. Cái chết của Hạ là một phản kháng quyết liệt, một cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những ai còn hoang tưởng rằng tự do sex là “ca tụng thân xác”, tự do sex là giải phóng phụ nữ, coi sex là chuyện bình thường như đói thì ăn, khát thì uống và thích thì mời lên giường.

Blogger còn đụng chạm đến một vấn đề xã hội khác ở cơ quan. Blogger miêu tả sinh hoạt cuả một Viện (không rõ là Viện gì), ở đó tiêu cự đã choán hết mọi ngõ ngách cuả một cơ quan nhà nước.Tình hình tài chính không kham nổi, chuyện tranh giành điạ vị. Đoàn, Công Đoàn không còn khả năng bảo vệ nhân viên. Thủ trưởng mặc sức lộng hành, mà thủ trưởng lại là CON THÚ, chỉ chăm chăm vồ gái và đi nhà nghỉ. CON THÚ còn làm thịt cả chị tạp vụ ngay giữa ban ngày trong phòng tiếp khách bất kể đây là công sở. “Hạ chết trân trước cảnh một con đực đang thúc con cái từ phiá sau lưng. Bàn làm việc là nơi hành sự. Chị tạp vụ vùi mặt trong mớ giấy báo lộn nhộn trên bàn. Con Thú quen săn mồi để hành lạc chốn công sở- hồng hộc cất mặt lên, nhìn đám người mới vào, mắt vằn đỏ “(tr.186). Trong cơ quan này, không còn lãnh đạo, không còn tổ chức. tất cả các đoàn thể chỉ còn là cái vỏ, thờ ơ, vô cảm và hoàn toàn trở thành công cụ của ÔNG CHỦ-CON THÚ. Phải chăng hình ảnh những Ông Chủ tư bản đả bắt đầu thống trị không chì ở các công ty tư nhân mà cả trong cơ quan nhà nước ? Nếu đây là sự thực, thì chúng ta cũng như Hạ, tuyệt vọng mất thôi.

Tuy nhiên, cần lưu ý điều này. Blogger không viết để phản ánh hiện thực. Blogger là một fiction, một truyện hư cấu, giả tưởng.

Những chi tiết hiện thực chỉ là phương tiên nhà văn sáng tạo ra để chuyên chở tư tưởng. Một bước thành công của Blogger là ngòi bút Phong Điệp hướng đến thể hiện tư tưởng. Ta biết Blogger là một fiction, bởi vì tính chất giả định cuả cốt truyện. Tác giả viết về Phong, một blogger, Phong lại viết về Hạ, một blogger khác,câu chuyện cuả Hạ là một giả định cuả Phong, và những entry cuả Hạ, cả cái chết cuả Hạ cũng là một giả định. Phong Điệp nói rõ mục đích này :” Tôi muốn bạn đọc của mình không chỉ giở sách ra và làm một công việc thụ động là chờ xem nhân vật chính có làm đám cưới hay có bỏ nhau không; mà muốn họ cùng tham gia giải mã những câu chuyện, những nhân vật được bày ra trong sách”(8) Như vậy Blogger là một tác phẩm mở, đó không phải là một tác phẩm được viết theo bút pháp hiện thực. Mọi tình tiết, cấu trúc của tác phẩm hay số phận của nhân vật là để chuyển tải tư tường

Yếu tố rõ nhất cuả kiểu truyện fiction (hư cấu, giả tưởng) là cặp nhân vật Nó- bé con. Cặp nhân vật này không được khắc hoạ theo quy luật cuả hiện thực, cũng không phải là nhân vật của thế giới tâm linh như trong các tôn giáo. Cặp nhân vật này, cho đến cuối tác phẩm, cũng không được bạch hoá là ai, mặc dù người đọc mờ mờ nhận ra đó là biểu tượng hồn và xác cuả Hạ. Có một sự đấu tranh dai dẳng, quyết liệt giữa hồn và xác Hạ. Hồn thanh khiết muốn bay đi, muốn thoát ra khỏi nơi trú ngụ là cái xác của Bé con, nhưng không sao thoát được. Đó là khát vọng tự do, thánh thiện cuả Hạ. Bé con là Hạ hiện hữu trong đời thường, đang bị hoàn cảnh bóp cho tan ra thành nước mắt. Đó là SỐ PHẬN .

Số phận được miêu tả như một trải nghiệm hiện sinh, bằng những “dòng ý thức”. Số phận của Hạ là gì ? Đó là HIỆN SINH QUY TỬ (Being to the Death), sống là để đi về cái chết, như con thú trần trụi bị săn đuổi và chờ chết, cái chết không sao thoát được. Nhân vật Hạ thể hiện tư tưởng đó.Trạng thái mỏi mòn chờ đợi, trạng thái vô nghiã, trống rỗng, cái chết tạm thời (tr. 213) , tình trạng vong thân (tr.211), trở thành KẺ XA LẠ (tr. 165, 244) (9) và sau cùng là caí chết, chính là quá trình hiện sinh. Con người phải mang lấy số phận ấy, vô phương cứu chưã. Phong Điệp đã miêu tả thật xúc động, trạng thái cô độc thật đáng thương cuả Hạ (Một chốc thoáng qua1 &2). Hạ như một cái bóng không tồn tại ngay trong khi đang sống, Hạ không còn nhận thức được mình ở đâu trong cõi đời này. Cô bị xoáy vào câu hỏi “Ở đâu?/ Ở đâu?/ Ở đâu?/ Ở đâu?/ Chẳng ở đâu cả” (tr.205). Blogger đã bước vào kiểu truyện hư cấu (fiction ) kiểu truyện tư tưởng. Tất cả những biến cố cuộc đời Hạ tưởng rằng xảy ra trong hiện thực, nhưng chỉ là hư cấu để thể hiện tư tưởng. Chỉ có điều, Phong Điệp không đưa người đọc tiếp cận với một tư tưởng triết học nào, mà đưa người đọc về hiện thực : Số phận bi thương của Hạ là do sự thống trị của con đực (Sếp và Quân), do sự vô cảm cuả mọi người (Đoàn, Công Đoàn…) và do cả những thành trì đạo đức cứng nhắc (hai bà mẹ). Những entry miêu tả “dòng ý thức” trăn trở cả trong cõi tâm linh của Hạ (Ác mộng, Trống rỗng, Cái chết tạm thời…) thể hiện được tình yêu thương CON NGƯỜI sâu thẳm cuả ngòi bút Phong Điệp.

Vấn đề gây được sự chú ý của Blogger không phải là ở nội dung xã hội, mà ở sự cách tân nghệ thuật của Phong Điệp

Các nhà phê bình đã nói nhiều đến việc cách tân của Phong Điệp trong Blogger, Phong Điệp cũng coi đây là một nỗ lực chình của mình. Khi được hỏi : “- Chị kỳ vọng điều gì trong tiểu thuyết đầu tay “Blogger”?Phong Điệp trả lời :” Tôi mong muốn thay đổi thói quen thưởng thức tác phẩm văn học ở độc giả lâu nay là tâm thế chờ được ăn những món ăn đã được bày sẵn. Tôi mong muốn thay đổi cách kể truyện theo lối chương hồi hay trật tự thời gian, hay lớp lang rõ ràng mà chúng ta đã quen thuộc. Tôi mong muốn thay đổi những cách nhìn nhận khác nhau về hình thức một cuốn tiểu thuyết. Chừng ấy liệu có quá nhiều không?(10), Những thay đổi đó là gì ? Phong Điệp nói tiếp :” Blogger là một câu truyện đa tuyến, đan xen nhau – vầ nếu muốn bạn có thể chỉ theo dõi một tuyến vẫn có được một câu chuyện độc lập…Khi viết Blogger, tôi đã có ý tưởng mỗi phân đoạn dưới hình thức một entry;ở blogger – yếu tố thực ảo nhiều khi có ranh giới rất mong manh.”(11) Tuy vậy, chưa có sự thống nhất đánh giá về những kỹ thuật này cuả Phong Điệp.

Chẳng hạn việc cắt truyện thành nhiều entry, Đoàn Ánh Dương cho đó là kiểu kết cấu phân mảnh rời rạc, và Lê Anh Hoài thì cho đó là yếu tố cách tân độc đaó :” Chia cắt cuốn sách thành những tiểu đoạn rất nhỏ tưởng chừng như giúp dễ đọc nhưng thực sự đây lại là một thử thách nữa với người đọc. Bởi ở đây không đơn thuần là trò chơi ghép tranh. Có thể hình dung, một câu chuyện được cố tình kể một cách lắt léo, che dấu đoạn nọ, tình tiết kia để gây bất ngờ hoặc tạo cao trào kịch tính gì đó thì chỉ là trò chơi trên một mặt phẳng. Nhưng trò chơi trong tiểu thuyết của Phong Điệp là trò chơi không gian. Hơn nữa, đây là một không gian mở.”(12). Lê Hoài Anh còn gọi đó là cách sắp xếp ngẫu hứng. Thực ra đó không phải là những mãnh rời rạc cuả hiện thực. Cũng chẳng có gì là thử thách với người đọc, nếu không nói là trái lại (dễ đọc, dễ hiểu). Đó chỉ các kết cấu theo kiểu phim ảnh thôi. Blogger có 3 cốt truyện song song : truyện của NÓ và Bé Con, Truyện của HẠ, và truyện của Phong. Mỗi truyện được cắt thành nhiều lát, những lát này được sắp xếp xen kẽ nhau, tuỳ theo logic của cốt truyện chính. Đó chỉ là kỹ thuật dựng truyện, không phải kiểu kết cấu phân mảnh.Tuy nhiên, để tạo được sự liên kết, để độc giả không rối trí, tác giả phải làm việc này rất công phu, không thể ngẫu hứng được.

Cũng vậy, việc đưa những entry đứng độc lập, hoàn toàn không có người kể, tưởng như vô tình, rời rạc: một bản tin tai nạn xe, một bản tin rao vặt, một copy&paste : Một tình huống không giả định (tr.114), một entry vô danh “Tôi muốn giết người”…Tôi hiểu đó là kỹ thuật của dựng phim. Chẳng hạn Một bản tin rao vặt đứng độc lập một entry, thực ra entry ấy được ngầm hiểu theo kỹ thuật cận cảnh của dựng phim. Hạ đọc bản tin rao vặt để tìm việc, ống kính đã dí sát vào bản tin, tạo nên một cận cảnh, lúc đó người xem không còn thấy người đang đọc bản tin ấy là ai. Cĩng vậy, entry Copy&paste 2 là một bản tin tai nạn xe bus cán chết cô cô gái trẻ được đặt ngay sau entry “Biến cố mới”, Hạ vừa bị xe đụng, tạo ra nghi hoặc cho người đọc rằng Hạ đã chết, làm tăng độ căng của câu truyện…Vâng, đó là kỹ thuật, không phải là sự cách tân bút pháp, cũng không phải là lối viết “văn chơi”

Yếu tố tạo nên sự cách tân thực sự là Phong Điệp đem người đọc vào trong “chảo lửa” cuộc sống hiện tại. Người đọc đang ở bên cạnh nhân vật, đang tham gia vào câu chuyện của nhân vật, đang cùng bị quay cuồng, dồn nén bức xúc với nhân vật…Người đọc không còn là ngoài cuộc. Người đọc trước kia đọc truyện để giải trí. Người đọc Blogger đang đối diện với những vấn đề cuả cuộc sống xung quanh. Phong Điệp đòi buộc người đọc phải lên tiếng, phải có thái độ rõ ràng, phải bày tỏ cảm xúc cuả mình không thể vô cảm trước thực tại đang diễn ra. Để tạo ra hiệu quả này, Phong Điệp đem vào truyện những lát cắt biệt lập, đó là Chat1, Chat2, Chat 3, Copy&paste1 và comments, Rao vặt , copy&paste 2, bản tin tai nạn xe…Người đọc có cảm giác như mình đang trực tiếp ngồi trước màn hình computer, đang chat, đang đọc entry của một blog nào đó , đồng thời có thể tham gia vài chatroom với người đang chat hoặc viết comment bày tỏ thái độ của mình với tác giả viết blog. Có cả những entry tác giả đối thoại trực tiếp với người đọc (entry : Rong chơi cùng giấc mơ .tr.45). Đọc Chat1 và chat2, người đọc có cảm giác như mình đang ở trong phòng chat với tất cả những chuyện vui buồn cuả cuộc sống hôm nay. Đem người đọc vào “chảo lửa” của cuộc sống hiện thực đang xảy ra xung quanh mình là một thành công có ý nghiã cách tân trong kỹ thuật viết tiểu thuyết của Phong Điệp. Tôi nghĩ Phong Điệp đã đạt được ước vọng đổi mới cuả mình :” Tôi muốn bạn đọc của mình không chỉ giở sách ra và làm một công việc thụ động là chờ xem nhân vật chính có làm đám cưới hay có bỏ nhau không (cười); mà muốn họ cùng tham gia giải mã những câu chuyện, những nhân vật được bày ra trong sách”(đd)

Tuyến truyện của Phong và Diệp cũng được Đoàn Minh Tâm coi là mất đối xứng,chưa hợp lý : “Đọc Blogger chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mất đối xứng trong việc triển khai giữa chuyện của Phong và chuyện của Hạ. Nhân vật trong blog được miêu tả kỹ lưỡng còn Phong, người viết nên câu chuyện được tả một cách qua loa, nhạt nhòa. Sự mất đối xứng này vô tình khiến cho ý tưởng về “cuộc đời hư mà thực, thực mà hư” ngầm ẩn trong hai nhân vật Phong và Hạ trở nên thiếu sinh động, thiếu sức thuyết phục”.Tôi không rõ Đoàn Minh Tâm đặt Blogger trên chuẩn phê bình nào để đánh giá tuyến truyện Phong và Diệp là chưa hợp lý? Chưa hợp với chân lý đời sống hiện thực hay chưa tương xứng với tuyến truyện về Hạ? Đoàn Minh Tâm không nói vậy, mà nói về sự mất đối xứng,chưa hợp lý trong miêu tả nhân vật của Phong Điệp. Phong được tả qua loa nhật nhoà không tương xứng với việc tả nhân vật Hạ . Tôi nghĩ Đoàn Minh Tâm chưa đọc ra mã truyện của tuyến nhân vật Phong.

Không cần chú ý, người đọc cũng nhận ra Phong và Diệp chính là tác giả Phong Điệp (trên web phongdiep.net, tên Phong Điệp viết là Phongdiep) . Entry Diệp (tr.139) chắc là hình bóng thời sinh viên của tác giả.Tác giả tiều thuyết hoá chính mình thành hai nhân vật để đạt hai mục đích : đem không khí sinh hoạt đời thường vào tiểu thuyết, và có cơ hội phát ngôn trực tiếp quan điểm của mình trong tác phẩm. Xin đọc đoạn đối thoại sau đây để biết quan điểm cuả Phong Điệp về cuộc sống hiện tại của các teen :

(Phong hỏi):- Thế chị cứ triền miên hai gìờ sáng mới mò về đến nhà đấy phỏng ? Đã làm chuyện gì dại dột chưa?

(Diệp trừng mắt ): - Vậy có gì mà xấu ?…Tao đủ tuổi công dân cách đây sáu năm. Tao có công việc lương thiện. Tao có quyền tự do cá nhân của tao. Và nói thật nhé, nói theo giọng của các teen ngày nay : tao muốn ngủ với ai mà chả được. Như em L. ca sĩ ấy. dám chủ động quay lại đoạn ái ân, thiên hạ chả phát sốt lên ấy. Báo chí được phen bán chạy nhé. Xong xì căng đan, em ấy vẫn xuất hiện tươi cười, hát hò, nhảy nhót ầm ĩ. Có khi ngủ thêm đượcvới vài anh nữa rồi cũng nên. Có sao đâu nào. Chuyện ấy cũng bình thường như cơm ăn nước uống thôi. Chứ càng tiêu cực với nó càng chết”(tr.39)

Tuy đoạn đối thoại được viết ở dạng cổ vũ lối sống teen , nhưng người đọc nhận ra Phong Điệp đã phê phán quyết liệt lối sống thác loạn ấy.

Một phát ngôn khác :

“*”Mỗi người có cuộc sống của mình và phải tự biết cách chịu trách nhiệm về cuộc sống ấy”.(tr.96) Điều này Phong Điệp nhắc nhở người trẻ hiện nay về ý thức sống thiếu trach nhiệm với bản thân mình và với xã hội .

Một phê phán về học Đại Học :

“…Bây giờ Đại Học toàn theo kiểu chép chỗ nọ vào chỗ kia, thầy cô chấm bài cũng là xem học trò học vẹt có tốt không, nên chịu chép cũng là tốt lắm rồi. Không ai bàn đến chuyện chép chiếc ấy cả..”(tr.140)

Có sự “lỏng lẻo” của tuyến truyện Phong -Diệp trong việc gắn kết với các tuyến khác, theo tôi, có mục đích của tác giả. Người đọc cứ coi Phong (tác giả) là một blogger nào đó ta gặp trên net, không chân dung, không lý lịch, cũng không biết từ đâu đến và biến mất lúc nào. Phong là người kể câu chuyện của Hạ, vậy thôi. Nhưng nếu không có Phong thì không có chuyện của Hạ. Phong mang không khí đời thường , thực tại cho người đọc. Khi cô bế tắc trong việc xử lý số phận nhân vật cuả mình (entry: Nhật Ký.Tr.233) thì Phong tạo ra sự bế tắc kép, khiến câu chuyện như khựng lại, bắt người đọc phải chờ đợi, rồi dự đoán, rồi phải theo dõi tiếp câu chuyện. Việc tiểu thuyết hoá tác giả thành nhân vật, tham gia vào cấu trúc truyện, theo tôi là một cách tân trong cách viết tiểu thuyết. Trước đây, tác giả thường hoá thân vào nhân vật xưng Tôi. Đời tư cá nhân, trải nghiệm của tác giả đều được thể hiện trong nhân vật Tôi. Tác giả là thượng đế tạo ra nhân vật. Tác giả áp đặt người đọc cái kết luận về số phận những nhân vật ấy. Phong Điệp mở ra trong Blogger những cánh cửa để người đọc tham dự vào sự hình thành số phận nhân vật và ý nghiã tác phẩm. Thực ra điều này không mới. E.Hemingway trong The Old Man and The Sea (ông Già và Biển Cả) đã mở cho người đọc nhiều hướng suy nghĩ về tác phẩm của mình (Tôi không có ý so sánh Phong Điệp với E.Hemingway, vì mọi so sánh đều khập khiễng ). Tuy vậy so với những tác phẩm văn chương Việt Nam hiện nay, Phong Điệp có những bước đổi mới đáng trân trọng.

Một yếu tố đặc biệt tạo nên sự hấp dẫn cuả cốt truyện là sự phát triển song song hai kỹ thuật : kỹ thuật báo trước những gì sẽ xảy ra và kỹ thuật tạo bất ngờ trong sự phát triển cốt truyện. Chẳng hạn qua trình tình yêu giữa Hạ và Quân, cuộc sống diễn ra nhàm chán, sự né tránh đi đến hôn nhân của Quân, ý kiến của hai bà mẹ, người đọc biết trước kết quả sự chia tay của họ. Cũng vậy, nhiều entry liên tiếp miêu tả con đường dẫn diến cái chết của Hạ như một tất yếu mà người đọc có thể đoán được. Nhưng bất ngờ CON THÚ vồ hụt CON MỒI ở nhà nghỉ, bất ngờ về tang lễ của Hạ chỉ là một giả định người đọc phát hiện ở entry cuối cùng thì không thể đoán được. Những bất ngờ này mang đến cho người đọc những thú vị có chiều sâu, nó tạo ra âm vang mãi trong lòng . Nó làm thay đổi sự phát triển cốt truyện, làm bật ra tư tưởng của tác phẩm, đồng thời nó đáp ứng được cái nguyện vọng âm thầm trong lòng người đọc bởi ai cũng muốn cứu lấy nhân vật Hạ . Nhưng điều thấm thiá là ngòi bút Phong Điệp toả sáng tấm lòng nhân ái đối với nhân vật của mình, cũng là đối với những cô gái trẻ bất hạnh hôm nay. Tạo được những tình huống song song, vừa tiệm tiến vừa bất ngờ như vậy , chính là khả năng sáng tạo đặc sắc của ngòi bút Phong Điệp.

Nguyên An nhận xét về văn của Phong Điệp :” Văn xuôi của Phong Điệp có lúc gây cho ta cảm tưởng là chả văn vẻ gì cả, câu thì ngắn, cụt; đoạn nọ gắn với đoạn kia như một kịch bản phim…”(đd). Nhà văn Nhã Thuyên cũng nhận xét tương tự :” Văn của Phong Điệp có phần “nghiêm nghị”, thậm chí, cách bố cục đầy “kỹ thuật” như trong tiểu thuyết Blogger dễ khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi. “Nếu như chị bớt nghiêm trang một chút, độc giả của chị chắc chắn sẽ nhiều hơn” (13). Quả thực nếu chỉ nhìn văn Phong Điệp trên bề mặt con chữ thì nhận định của Nguyên An và Nhã Thuyên là có cơ sở. Nhưng tác phẩm văn chương là một cấu trúc hoàn chỉnh, các yếu tố cuả cấu trúc ấy liên quan và tác động qua lại lẫn nhau tạo ra những liên kết ngầm, tạo ra phần chìm của “tảng băng trôi “ những tầng ý nghiã, tư tưởng, tình cảm, thông điệp…vì thế không thể tách rời ngôn ngữ ra khỏi tác phẩm , rồi phán rằng “chả văn vẻ gì cả, … đọc cảm thấy mệt mỏi”.Tôi đã cố tìm xem bí mật câu chữ khô khốc của Phong Điệp trong Blogger là những gì mà có sức lay động, gây ấn tượng mạnh đối với người đọc?

Xin đọc một đoạn :”Diệp học giỏi, thi năm đầu đã đậu Đại Học. Chồng Diệp mải chơi, thi đi thi lại vẫn trượt. Thôi thì học thêm nghề điện tử, mở cửa hàng nho nhỏ, chọc chạch cái tivi, cái quạt cũng đủ tiền tiêu”(tr.140).

Xét cấu trúc ngữ pháp kiều câu, đoạn văn đơn điệu về cấu trúc. Câu (1) và câu (2) cùng một kiều câu đơn. Câu (3) lặp lại một loạt cấu trúc vị ngữ (học thêm / mở cửa hàng / chọc chạch ). Trong đoạn văn trên, Phong Điệp rất ít dùng loại từ biểu cảm. Giọng văn là kiểu văn nói nhát gừng tuềnh toàng (ngôn ngữ nhân vật ). Những yếu tố ấy khiến cho văn Phong Điệp không có sức tác động bằng con chữ, bằng âm nhạc của ngôn từ, bằng sức gợi những liên tưởng mở rộng.

Văn Phong Điệp khô khốc còn vì thủ pháp xây dựng các entry. Dường như không có đoạn nào miêu tả thiên nhiên, miêu tả con người gắn với thiên nhiên để làm dịu đi cái khốc liệt của thành phố. Cũng có thể Phong Điệp không sở trường ở mặt này, hoặc Phong Điệp thấy rằng không cần thiết có những đoạn miêu tả như thế, để câu chuyện càng khô khốc hơn, gay gắt hơn , quyết liệt hơn, kiệt sức hơn, thắt ngặt hơn , đòi buộc phải bứt phá, phải vùng lên hành động, phải đối mặt một mất một còn với những vấn đề trước mặt.

Nhưng nếu bỏ qua mặt con chữ mà nhìn sâu vào các liên kết văn bản, vào kỹ thuật viết “dòng ý thức”, kỹ thuật lắp ghép các entry tạo nên những tiến trình chậm chậm nhưng ngày càng thít chặt lại , chẳng hạn sự xiết chặt của CON THÚ với CON MỒI, xiết chặt SỐ PHẬN Hạ (bị Sếp dồn vào đường cùng, thất nhgiệp, bị Quân bỏ , mọi con đường đều đóng lại ).. thì hiệu quả văn chương cuả Phong Điệp đạt được rất cao. Nó tạo nên những xúc động mạnh nơi người đọc, nó nâng tác phẩm từ mức độ phản ánh hiện thực thành tác phẩm tư tưởng, nó khẳng định những thử nghiệm đổi mới cuả Phong Điệp là đúng hướng, và là hướng còn nhiều khả năng khai thác. Tôi nghĩ nghệ thuật ngôn từ cuả Phong Điệp là những giá trị đó, không ở mặt con chữ.

Một điều đáng kể đến trong những đổi mới của kỹ thuật viết tiểu thuyết cuả Phong Điệp là cấu trúc tác phẩm đa tầng. Trước đây thường có kiều cấu trúc kép, kể chuyện trong kể chuyện như trong truyện ngắn Đất cuả Anh Đức, Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành, Chiếc Thuyền Ngoài Xa cuả Nguyễn Minh Châu, hoặc kể hai tuyến song song như trong Lời Nguyền Hai Trăm Năm của Khôi Vũ, một tuyến truyện ở quá khứ trôi về hiện tại, một tuyến đang diễn ra ở hiện tại. Hai tuyến gặp nhau ở cuối tác phẩm. Phong Điệp kể 3 tuyến truyện cùng đang xảy ra, có thể đọc rời từng tuyến, nhưng cả ba tuyến hỗ trợ nhau tạo nên một thế giới phức tạp, đa thanh. Một tác giả non tay thì không thể xử lý được cùng một lúc ba tuyến truyện như thế. Chỉ tiếc rằng, hay nói cách khác, người đọc còn “thòm thèm “ rằng, các tuyến truyện NÓ và Bé Con, Phong và Diệp cần rõ ràng hơn, đầy đặn hơn, trọn vẹn hơn, kết nối hiển minh hơn, để khỏi gây “khó hiểu”, “mệt mỏi”. Tôi thì nghĩ khác, Phong Điệp cố ý như thế, cố ý dùng nhân xưng phiếm chỉ NÓ, CON THÚ, CON MỒI, không kết nối Nó-Bé con với Hạ, để tạo ra cái mà tác gỉa gọi là hư hư-thực thực, buộc người đọc phải tham gia vào câu truyện, như thế hgiệu quả đọc sẽ cao hơn.Điều quan trọng là nâng Blogger từ một tác phẩm phản ánh hiện thực, lên kiểu tác phẩm tư tưởng.

Nếu phải chỉ ra những hạn chế cuả Blogger, tôi sẽ nói gì ?

Trước hết Phong Điệp dùng nhiều từ cuả ngôn ngữ Bắc Bộ, có thể sẽ xa lạ với bạn đọc phiá Nam, chẳng hạn: “Nó mở miệng là chê bôi là cà tẩm cà tịch”.(tr.126) , “ Hạ ngẩn tò te.. Ừ thì cứ cho là cô đểnh đoảng làm vỡ bát…”(tr.128).”Thôi anh về đây không bà già lại nhảy chồ chồ lên “(tr.132). Có chỗ dùng đại từ nhân xưng không thống nhất “Chào chị, em cảm thấy trong câu chuyện của chị có chút mâu thuẫn chị vẫn rất yêu chồng và con mặc dù rất thiệt thòi cho chị nhưng theo tôi chị có thể chịu đựng được thì hãy cố gắng…(tr.123) (có thể nhân vật viết sai như thế, không phải tác giả, nhưng đọc rất khó chịu).

Có một hình tượng mà Phong Điệp cần hoàn chỉnh hơn, đó là hình tượng NÓ – Bé Con . Nếu Phong Điệp dụng công hơn, đó sẽ là một hình tượng tư tưởng độc đáo. Mâu thuẫn thân xác và linh hồn đã được Lưu Quang Vũ giải quyết khá tốt trong Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt. Mâu thuẫn giữa khát vọng tự do, thanh khiết của Hạ và thực tiễn trói buộc chưa được khai thác thuyết phục, cuối cùng Nó trôi đi vô nghiã khi Hạ chết. Điều này là dở dang. Nó lộ ra sự bế tắc cuả Phong Điệp khi tìm cách xử lý cho hình tượng này, góp phần tạo nên bế tắc chung của tác phẩm. Tất cả những vấn đề Phong Điệp đặt ra đều chưa được giải quyết bằng những giải pháp tích cự. CON THÚ vẫn còn đó và sẽ tiếp tục vồ bao nhiêu CON MỒI nữa, sẽ đẩy bao cô gái vào cái chết thảm khốc nưã, trong khi Công Đoàn, Đoàn Thanh Niên vô cảm ? Blogger chưa đưa ra được giải pháp nào cho sự đổ vỡ trong các gia đình trẻ hiện nay . Hạ quyết định thay đổi kế hoạch, người đọc chưa biết là kế hoạch gì khi tác phẩm kết thúc… Tất nhiên không thể đòi hỏi nhà văn phải đề ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề xã hội, đó là trách nhiệm cuả các nhà chính trị, nhà kinh tế , cuả toàn xã hội.Dù sao người đọc cũng muốn tác giả đem đến cho họ một niềm tin, một hy vọng, một xác quyết nào đó rằng, phải cứu lấy những cô gái như Hạ, phải cứu lấy sự đổ vỡ gia đình trong các gia đình trẻ hôm nay và những CON THÚ phải bị tiêu diệt, có vậy nó mới không thể gây ra tội ác cho người lương thiện.

Về kỹ thuật thể hiện. Có những entry Phong Điệp viết thật hay, như Ác Mông, Mẹ Chồng Hờ, Một Cuộc Phỏng Vấn,Tang Lễ, nhưng cũng có những entry người đọc khó nhận ra nhân vật phiếm chỉ là ai, chẳng hạn nhân vật TỚ trong Entry Cho H.người đọc không lần ra TỚ tương quan thế nào với Hạ. Vì TỚ chỉ xuất hiện một lần duy nhất , trước và sau entry này không có tín hiệu nào giúp người đọc tìm ra manh mối của TỚ. Cũng vậy, đại từ phiếm chỉ NÓ ở entry cuối cùng có thể bị nhầm với Nó-Bé con. Mặc dù cả hai là một, nhưng Nó-Bé con là linh hồn đã thoát xác, chỉ còn lại Nó là Hạ, một blogger vừa phản tỉnh .

Có thể nói Phong Điệp đã đạt được những bước cách tân đáng trân trọng trong kỹ thuật viết tiểu thuyết, làm mới hẳn diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam hôm nay. Cách viết này mở ra nhiều hướng khai thác và phát triển của ngòi bút Phong Điệp sau này. Điều đáng quý là qua Blogger, Phong Điệp thể hiện trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm góp tiếng nói vào những vấn đề cấp thiết của cuộc sống người trẻ hôm nay, và qua đó bộc lộ một tấm lòng yêu thương thiết tha đối với họ. Cũng qua Blogger, người đọc có quyền hy vọng vào tài năng văn chương của Phong Điệp. Nhà văn đã bước đầu đặt chân vào kiểu tiểu thuyết hư cấu (fiction), bước đầu xây dựng tác phẩm của mình thành kiểu tác phẩm tư tưởng, đã thể nghiệm thành công nhiều kiểu bút pháp, đồng thời thể hiện một năng lực sáng tạo có cá tính. Chúc Phong Điệp mạnh dạn hơn trên con đường đổi mới và thực sự dấn thân trong thiên chức của một nhà văn , một người lương thiện (14) như Phong Điệp hằng mong muốn

Tháng 8 / 2010

_________________________________________________________

(1) LÊ ANH HOÀI : Blogger – cuốn tiểu thuyết đòi hỏi một cách đọc khác. default.asp?action=article&ID=7922

(2) ĐOÀN ÁNH DƯƠNG : khi người viết trẻ viết văn chơi

default.asp?action=article&ID=7928

(3) ĐOÀN MINH TÂM . default.asp?action=article&ID=7979

(4) Phong Điệp trả lời Lê Anh Hoài: default.asp?action=article&ID=7419

(5) Phong điệp: default.asp?action=article&ID=8033

(6) default.asp?action=article&ID=6873

(7) My 'sói' và những thủ đoạn táo tợn bắt teen bán dâm. http://www.zing.vn/news/hinh-su/my-soi-va-nhung-thu-doan-tao-ton-bat-teen-ban-dam/a89880.html

(8) Phong điệp trả lời Lê Anh Hoài: default.asp?action=article&ID=7419



(9) Blogger gợi ra L’étranger (Kẻ Xa Lạ ) cuả A. Camus

(10) default.asp?action=article&ID=8033

(11) default.asp?action=article&ID=6924:

(12) default.asp?action=article&ID=7922

(13) HOÀNG ĐẠT, DẤU ẤN PHONG ĐIỆP, default.asp?action=article&ID=8233:

(14) NGUYỄN QUỲNH TRANG : Tôi là một người lương thiện. default.asp?action=article&ID=3597

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét