album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG

TRĂNG NGHẸN-VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG
Tuesday, 16. March 2010, 22:18:32

MẤY TUẦN NAY VĂN ĐÀN LÙM XÙM CHUYỆN GỈAI THƯỞNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. BỞI VÌ BÀI THƠ TRĂNG NGHẸN ĐẠT GIẢI NHẤT RỒI LẠI BỊ RÚT GIẢI. LÝ DO TRĂNG THÌ PHẢI SÁNG KHÔNG ĐƯỢC NGHẸN !BCT XIN GÓP MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG. Bài đã đăng trên Phongdiep.net



VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM
(Đọc Trăng Nghẹn cuả Hoài Tường Phong)
Bùi Công Thuấn

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.


Bài thơ TRĂNG NGHẸN của Hoài Tường Phong đang bị nghẹn ở giải thưởng của cuộc thi thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhưng nghẹn ở chỗ nào ? thưa, nghẹn ở cách đọc tác phẩm. Đó là cách đọc tác phẩm theo quan điểm cũ
Qua các bài viết của nhà thơ Lê Chí (1), nhà thơ Vũ Quần Phương, và rải rác những phát ngôn của người đọc, tôi thấy rằng Trăng Nghẹn đã được đọc bằng phương pháp phản ánh luận và phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Những quan điểm này đã có từ những năm 1948 trong bản báo cáo Chủ Nghĩa Mác và Văn Hoá Việt Nam của đồng chí Trường Chinh. Tức là tác phẩm văn chương có nhiệm vụ phản ánh hiện thực, phải được viết theo nguyên tắc : miêu tả hiện thực cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng trên cơ sở điển hình hoá cao độ.
Đây là quan điểm của giai đoạn kháng chiến từ 1945 đến trước khi Đảng đổi mới. Khi đánh giá tác phẩm, người ta xem tác phẩm có phản ánh chân thực hiện thực cách mạng hay không, có kết thúc lãng mạn cách mạng hay không, có miêu tả được những nét điển hình của hiện thực cách mạng hay không, nếu không, thì tác phẩm ấy bị coi là “có vấn đề”. Văn chương giai đoạn đó có nhiệm vụ phản ánh cho được cuộc chiến đấu cuả nhân dân, nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, nhiệm vụ “bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau”, Đó là yêu cầu nguyên tắc, vì cả dân tộc đang tập trung “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và cuả cải để giữ vững quyền tực do độc lập ấy”(Tuyên Ngôn Độc Lập) văn chương nghệ thuật phải đứng trong cuộc đấu tranh ấy và làm nhiệm vụ cuả mình.
Trăng Nghẹn đã được đọc theo quan điểm ấy. Người ta đối chiếu những gì tác giả Trăng Nghẹn viết với hiện thực và thấy rằng Trăng Nghẹn không phản ánh đúng hiện thực cách mạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, rằng cái nhìn của tác giả là u ám. Nhà thơ Lê Chí lý giải :” Bởi thời gian tác giả trải qua trong không gian ấy là khá dài, dài đến mấy mươi năm. Với chừng ấy thời gian, đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều thay đổi lớn lao. Bên cạnh những tồn tại của mặt tối, đời sống kinh tế xã hội đã có không ít những gì tốt đẹp đang ngày càng có sức thuyết phục hơn”. Nhà thơ Vũ Quần Phương khuyên tác giả thế này :” chúng ta nên khuyên tác giả sửa bốn câu cuối, đừng để cái bế tắc vào đoạn kết làm ảnh hưởng toàn bài. Nếu không sửa được bốn câu cuối thì xin sửa một chữ ở câu cuối: "chưa tỏa sáng" thì sửa là "sẽ tỏa sáng" thì không ai bắt bẻ được, lại thể hiện ý chí phấn đấu và lòng tin.”(báo Pháp Luật-dẫn theo blog của nhà văn Khôi Vũ)
Vì sao lại phải sửa lại, vì Trăng Nghẹn là tâm sự riêng, nỗi niềm riêng, không phải là cái chung, cái điển hình của hiện thực cách mạng; vì kết thúc tối quá, cần phải sáng lên phải lạc quan cách mạng, như yêu cầu cuả phương pháp Hiện Thực xã Hội Chủ Nghiã
Nhưng trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng đã mở rộng biên độ cho nhà văn sáng tạo. Nghị quyết 23/BCT ghi rõ :” tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà.”. Về nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị Quyết 23 cũng yêu cầu:“ Văn học, nghệ thuật phải được phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ”
Vậy nếu Hoài Tường Phong không viết Trăng Nghẹn bằng phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã, không kết thúc lạc quan cách mạng, thì cũng không có gì là sai. Vấn đề còn lại là Trăng nghẹn có “tinh thần nhân văn, dân chủ” hay không. Tác giả bày tỏ tình cảm ngậm ngùi của mình (có vẻ chân thật) với mẹ, với ruộng vườn, với bạn bè, với người thương, với xóm làng, bộc lộ những xót xa về những hiện tượng chưa tốt, chưa đẹp của quê hương
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Viết về nỗi đau của quê hương, viết về người dân quê khốn khổ, đó chẳng lẽ không là tinh thần nhân văn, dân chủ? Mỗi khi chúng ta đọc báo đăng tin về hàng trăm cô gái Việt Nam được tập trung lại để cho khách nước ngoài chọn hàng, hỏi ai trong chúng ta không đau xót ? Có ai không bức xúc khi nạn buôn bán phụ nữ ở Việt Nam đã đến hồi báo động? Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm, từ năm 1998 đến nay(2008) đã có hơn 7.000 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán..Đến nay, cơ quan chức năng đã điều tra khám phá hơn 900 vụ án bắt hơn 1.000 đối tượng phá gần 500 đường dây đưa người xuyên biên giới qua.(VTCNews 13.07.2008).
Phản ánh hiện thực là thuộc tính và là một phẩm chất của văn chương, nhưng chức năng chính của văn chương là nghiền ngẫm hiện thực để làm lộ ra vấn đề. Muốn biết hiện thực thế nào, ta cần đọc Lịch Sử . Hồ Chí Minh viết Nhật Ký Trong Tù không phải để phản ánh hiện thực nhà tù Tưởng Guiới Thạch ( mặc dù tác phẩm có phản ánh hiện thực ấy ), mà để nghiền ngẫm và chỉ ra điều này : kẻ thù tàn bạo muốn tiêu diệt con người, người chiến sĩ cách mạng làm sao để chiến thắng trong cuộc đấu tranh đó. Bài học quan trọng nhất là “rèn luyện tinh thần”, “Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”
Kiên trì và nhẫn nại
Không chị lui một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần
(Bốn Tháng Rổi-Nhật Ký Trong Tù)

Nguyễn Du trên đường đi sứ, rượu thịt ê hề, nhưng ông không an tâm hưởng thụ , mà bận tâm đến mẹ con người xin ăn bên đường sắp chết đến nơi, không ai đoái hoài (Sở Kiến Hành). Ngày nay, giá trị cuả bài thơ ấy còn lại với chúng ta là tấm lòng yêu thương ông dành cho người khốn khổ.

Cuộc sống thực tại cuả xã hội ta hôm nay còn nhiều khó khăn, không phải tất cả đều đã tốt đẹp, bởi vì chúng ta chưa có Chủ Nghiã Xã Hội, chúng ta mới chỉ định hướng Xã Hội Chủ Nghiã, vậy viết về những cái chưa tốt, chưa đẹp, để thể hiện tấm lòng riêng của mình với quê hương, với bạn bè, nguời thân, cũng là điều bình thường. K.Marx trả lời con gái : “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi “, chẳng lẽ nói lên nỗi niềm riêng với quê hương với người thân lại là điều xa lạ với con người ?

Đảng đã đổi mới, đã mở rộng biên độ cho nhà văn nhà thơ sáng tạo thì người đọc cũng cần phải có phương pháp đọc theo tinh thần đổi mới ấy.

Bây giờ xin xem xét hình tượng “trăng nghẹn” trong bài thơ. Hình tượng ấy có ý nghiã gì. Xưa nay trong thơ ca, Trăng chuyên chở những ý tưởng gì?

Khi Thuý Kiều tiễn Thúc sinh trở về, Nguyễn Du viết
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vâng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Trăng soi trên gối chiếc là khát vọng hạnh phúc, là nỗi mong đợi thuỷ chung của Kiều. Bởi Kiều đã có những tháng ngày hạnh phúc với Thúc Sinh và hy vọng hạnh phúc ấy sẽ được xác nhận khi Thúc Sinh về xin phép Hoạn thư. Trăng là biểu tượng cho khát vọng ấy

Phan Bội Châu trong Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên viết rằng

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vưà gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Thẹn cùng song, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót…”

Phan Bội Châu thẹn, buồn, tủi cùng sông núi thì đã rõ, sao lại thẹn, buồn, tủi cùng trăng ? Trăng là gì ?- Trăng là biểu tượng của thuỷ chung. Phan Bội Châu đã không thực hiện được lý tưởng của mình một cách thuỷ chung, nên thẹn buồn tủi với lòng mình. Trăng là những ước nguyện thuỷ chung của lòng mình

Tôi nghĩ “Trăng nghẹn” cũng nằm trong ý thức nghệ thuật ấy. Tác giả có những ước nguyện cho quê hương mình, cho người thân của mình, nhưng bao năm trời ước nguyện ấy chưa thành hiện thực. Vì thế tâm trạng nhà thơ không sao tránh khỏi xót xa. Xin lưu ý, để chỉ lý tưởng cách mạng, các nhà thơ thường dùng hình ảnh mặt trời (Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / mặt trời chân lý chói qua tim-Tố Hữu). Nếu tác giả dùng hình ảnh mặt trời chân lý bị che khuất thì hẳn nhiên là “có vấn đề” về tư tưởng. Như vậy Trăng nghẹn chỉ là ước nguyện của tác giả, và có lẽ ai trong chúng ta cũng có ước nguyện về một đất nước giàu đẹp. hùng mạnh, nhưng hiện tại chúng ta còn đang phải xoá đói giảm nghèo, mơ ước vẫn còn là mơ ước

Vấn đề của Trăng nghẹn không nằm ở ánh trăng bị nghẹn, bị mây che mà nằm ở giá trị nghệ thuật. Trăbng Nghẹn cũ quá, và tất cả các bài thơ đạt giải đều cũ. Cũ về tư duy, về nội dung, về cảm xúc và ngôn ngữ. Cách kể lể như kiểu Quê Hương của Giang Nam

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.(Trăng Nghẹn)

Những ngày trốn học /Ðuổi bướm cầu ao /Mẹ bắt được..
Chưa đánh roi nào đã khóc! (Quê Hương )

Đó là kiễu thơ kể lể con cà con kê, là bày tỏ trực tiếp cảm xúc, rất ít chất thơ, không có sáng tạo.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
(Trăng Nghẹn)
Tứ theo đuôi trâu đã có trong “ai bảo chăn trâu là khổ” của Giang Nam. Chuyện thoát kiếp hoá bướm đã có từ thời Trang Tử. “Tôi…thèm quá’ là sự bộc lộ cảm xúc không thơ chút nào. Và kiểu thơ, tâm trạng cuả “cái tôi” đã có từ thời Thơ Mới (1930-1945)

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền
Người lớn, bé mê man vì hát bội..
(Đám Hội-Đoàn Văn Cừ)

Tôi nghĩ một bài thơ đạt giải, nhất thiết phải có cái mới, phải sáng tạo, dù ít, hoặc cũng phải thoàt ra được cái cũ. Đó là nguyên tắc , không thể trao giải cho những gì đã cũ mòn. Bởi, nếu trao giải cho cái cũ mòn cũng tức là kéo lùi sự tiến bộ. Thơ Việt Nam đang trì trệ vì quá cũ, ta lại chất thêm lên sự trì trệ ấy, thì đến bao giờ mới có một nền thi ca mới đáp ứng yêu cầu của thời đại, sánh vai cùng nền thi ca cuả các nước khác ?

Tất nhiên chuẩn đánh giá của một cuộc thi điạ phương không thể đòi hỏi ngang bằng với chuẩn cuả một cuộc thi quốc gia, cũng vậy, ta không thể đòi hỏi thi thơ quốc gia phải ngang bằng với chuẩn giải Nobel văn chương. Nhưng dù thế nào, nghệ thuật là sự sáng tạo, nhiều nhà thơ đang nỗ lực cách tân , tôi nghĩ các cuộc thi thơ cũng cần góp phần vào việc cách tân ấy.

3/2010


___________________________________________
(1)Lê Chí- MỘT LỜI NHẮC NGẬM NGÙI- nguồn www.vannghesongcuulong.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét