album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

THƠ VIỆT, MỘT HÀNH TRÌNH CHƯA NGỪNG NGHỈ - Hoàng Lan

BÀI NÀY ĐĂNG TRÊN PHONGDIEP.NETNGÀY 22.03.2010 BCT ĐĂNG LẠI

THƠ VIỆT, MỘT HÀNH TRÌNH CHƯA NGỪNG NGHỈ
Hoàng Lan


Hành trình thơ Việt Nam là một hành trình chưa ngừng nghỉ, con đường phiá trước vẫn thênh thang cho mọi nỗ lực sáng tạo.

Khởi đi bằng những bước chân của người khổng lồ,Thơ Lý ,Trần, Lê là thơ mang tầm vóc sử thi của của thời đại một dân tộc liên tiếp đánh thắng ngoại xâm. Từ Lý thường Kiệt (1019–1105) đến Nguyễn Trãi (1380-1442) , chất hùng ca là giọng chủ đạo cả trong tư tưởng và nghê thuật.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lau xâm p[hạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt )

Hoành giáo giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
(Thuật Hoài-Phạm Ngũ Lão)

Thơ Thiền Lý Trần cũng là một bộ phận đặc sắc của thi ca dân tộc. Nhiều thiền sư - thi sĩ đã để lại bóng dáng sừng sững của mình với muôn đời .Có thể kể đến Thiền sư Vạn Hạnh , Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Mãn Giác,Thiền sư Ngộ Ấn, thi hoàng Trần Nhân Tông (Thiền tổ Trúc Lâm Yên Tử), Nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy đạt tới nghệ thuật Thiền độc đáo cả trong tư tưởng và hình tượng

Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Ngôn Hoài-Không Lộ Thiền Sư- ?-1119)

Hình ảnh Phạm Ngũ Lão xoay ngang ngọn giáo trải khắp núi sông, hình ảnh Không Lộ lên thẳng đỉnh núi, kêu một tiếng làm lạnh cả hư không là những hình ảnh thơ đã ghi lại cốt cách con người Việt Nam kỳ vĩ trong lịch sử và tư tưởng

Thơ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu.. Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan vẫn là thơ trong tư tưởng và thi pháp thơ Đường. Nhà thơ làm thơ là để thể hiện cái chí (thi dĩ ngôn chí). Tư tưởng Lão Trang khá đậm nét. Tứ tuyệt và Thất ngôn là hai thể loại quen thuộc. Thơ khai thác nhiều đề tài về thiên nhiên, tâm sự riêng, tình cảm bạn bè, chuyện thế sự, chuyện gia đình… Trong thơ giai đoạn này có caí hiện thực của Đỗ Phủ, có cái khí phách lãng mạn của Lý Bạch, có mùi Thiền của Vương Duy. Bút pháp chính là bút pháp ước lệ. Tuy vậy không có sự khác biệt gì nhiều về thi pháp, nội dung, tư tưởng giữa các nhà thơ. Xin đọc

Am trúc hiên mai ngày tháng qua
Thị phi nào đến cõi yên hà
Bữa ăn dù có dưa muối
Áo mặc nài chi gấm là
Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt
Đất cày ngõ ải luống ương hoa
Trong khi hứng động bề đêm tuyết
Ngâm được câu thần dửng dưng ca
(Nguyễn Trãi-thơ Quốc âm)

Đầu xóm cỏ xanh khểnh một ông
Màn đêm buông rủ mé nam sông
Đầy trời trăng sáng, nước ao loá
Nửa vách đèn tàn, cây gió lồng
Già đến chửa hay sinh kế vụng
Chướng tiêu mới biết bản tâm không
Ngư tiều là bạn quanh năm đó
Đuà giỡn trong mây nước cỏ đồng
(Thôn Dạ-Nguyễn Du. Kim Hưng dịch )

Chủ sẵn rượu xin đừng ngần ngại
Hãy rót đi, rót mãi, uống đi anh!
Chẳng thấy ru?Hồng hộc bay cao tít mây xanh
Hạc đen ngủ một mình trên đỉnh núi
Lũ hoàng điểu kiếm ăn sớm tối
Từ xưa nay ai chống đối chi ai
Cổ nhân mải miết việc đời
Nhàn nhàn về khểnh ở nơi giang thành
Chén khuyên tình đã tỏ tình
(Đông tác tuần phủ tịch thượng ẩm-Cao bá Quát-Nguyễn Quý Liêm dịch)

Tuy vậy các nhà thơ cũng có động cựa nhất định để thoát ra ảnh hưởng cuả thơ Đường. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng những câu Lục ngôn trong một bài Thất ngôn. Những nhà thơ khác Việt hoá thơ Đường bằng cách đem chất liệu thiên nhiên, đời sống tâm tư tình cảm con người Việt Nam vào thơ, đưa thơ gần gũi với đời sống nhân dân. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến là những thành tựu của quá trình Việt hoá này. Mặc dù thơ Đường luật đã thành thơ cổ điển nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng nhất định trên Thơ Mới. Không chỉ vậy, ngày nay người ta vẫn còn làm thơ Đường (có hẳn một câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam..)

Thơ Mới đã đưa thơ Việt Nam hội nhập với thơ thế giới từ những năm 1930 của thế kỷ XX. Thơ Mới là một cuộc cách mạng trong thơ (nhận định của Hoài Thanh ). Về thi pháp, chịu ảnh hưởng phương Tây, Thơ Mới được viết bằng bút pháp Lãng Mạn, bút pháp Tượng Trưng và bước đầu bút pháp Siêu Thực (Hàn Mặc Tử, Bích Khê..). Các nhà Thơ Mới còn nỗ lực đi xa hơn ở chủ nghiã Hình Thức (Xuân Thu Nhã Tập ). Thể thơ 7,8 chữ khá thịnh hành. Cái tôi tâm trạng là hạt nhân trung tâm. Ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc, khác hẳn thơ Đường trước đó. Thơ Mới đã đem đến cho bầu trời thi ca Việt Nam nhiều ánh sáng lạ (thí dụ Bích Khê, tập Tinh Huyết.1939) . Có thể nhận thấy điều này, Thơ Mới đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong thi ca Việt mà các thời đại sau chưa dễ đã vượt qua được. Những tên tuổi Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Thế Lữ, Huy Thông… sẽ còn được nhắc đến về lâu dài. Ảnh hưởng thi pháp của Thơ Mới vẫn còn đối với Thơ Việt Nam đương đại

Xin đọc
Gọi Xuân Về

Em muốn gọi mùa xuân về thay áo
Cho mây xanh như tóc xõa chân trời
Cho vườn hồng hoa thắm xanh tươi
Cởi bỏ lạnh mùa đông đầy tuyết phủ
Em muốn gọi tài nhân về hội tụ
Cho thế gian thêm sắc hương nồng
Cho không gian trong suốt tận tầng không
Cho nhân loại đắm say hương tình ái
Em muôn thuở, em vẫn là con gái
Để trao ai như trao cả vườn hồng
Và trao tình trong khoảnh khắc mênh mông
Những kỷ vật trong tầm tay không hình thể
Ai khao khát nhưng em không thể
Để suốt đời chỉ mơ ước gọi xuân
(Thiên Thanh -Văn Nghệ Trẻ, Chào xuân Canh Dần 2010)

Thơ kháng chiến và thơ xã Hội Chủ Nghiã ở miền Bắc(1945-1975) được viết bằng phương pháp Hiện Thực XHCN. Nhân vật chính là công, nông, binh. Nội dung chính phản ánh cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân. Tình cảm chính là tình cảm công dân. Không có những phong cách độc đáo song có nhiều khuôn mặt rắn rỏi và mới lạ. Mai Ninh (Nhớ Máu), Hữu Loan (Đèo Cả), Quang Dũng (Tây Tiến, Đôi Mắt Người Sơn Tây) đã để lại những bài thơ đỉnh cao của thơ ca kháng chiến. Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi mở đầu cho dòng thơ suy tưởng trí tuệ. Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh,..là những nhà thơ có nét riêng. Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ Tố Hữu có ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ khác, đặc biệt ở lối thơ kể người, kể việc, dùng ngôn ngữ biểu cảm như ca dao, hướng về quần chúng mà chia sẻ, cổ vũ… Cũng phải kể đến sự thành công của thể loại trường ca mà giai đoạn trước đó chưa thành một xu hướng (Hội Nhà Văn Việt Nam có gần 1000 hội viên, trong đó có hàng vài trăm nhà thơ. Việc nói đến tên một vài nhà thơ chỉ là minh hoạ, không có tính đánh giá văn học sử)

Ở miền Nam những năm 1954-1975, Võ Phiến đã giới thiểu nhiều khuôn mặt thi sĩ trong cuốn Văn Học Miền Nam 1954-1975. Có thể kể đến : Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên,Vũ Hữu Định,..Nhìn chung thơ Miền Nam lúc ấy khá phong phú về đề tài, nội dung và thi pháp. Cùng làm thơ có vị Thiền nhưng thơ Phạm Thiên Thư sang trọng còn thơ Bùi Giáng có khi lại tuềnh toàng, tuy vậy thơ Bùi Giáng không dễ đọc vì ông có kiểu thi pháp riêng. Thơ tình Nguyên Sa khá nổi tiếng nhưng vẫn nằm trong thi pháp thơ Lãng Mạn (1930-1945). Thanh Tâm Tuyền được coi là người cách tân hơn cả. Võ Phiến nhận xét :”Thanh Tâm Tuyền là người đề xướng thơ tự do…Trong thơ tự do ông lại còn tìm thấy một thứ nhịp điệu gọi là ‘nhịp điệu của hình ảnh’, rồi ông lại’tìm đến được thứ nhịp điệu của ý tưởng’’ cả hai thứ ‘là sự thể hiện nhịp điệu của ý thức”(Văn Học Miền Nam, Tổng quan20, Thi ca). Thực ra thơ Thanh Tâm Tuyền được viết theo cách viết “Dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh thời bấy giờ. Nhiều bài thơ của ông cho đến nay vẫn còn rất mới (Tĩnh Vật ; Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng…). Có hiện tượng này, nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, như được nâng cánh bay cao và bay xa hơn: thơ Huy Cận, Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Vũ Hữu định, Nguyễn Tất Nhiên…

Nói đến thi ca giai đoạn này không thể không nói đến nỗ lực cách tân của các nhà thơ. Ở Miền Nam là Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê.., ở miền Bắc là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần…Thơ Hoàng Cầm khá mới lạ ở tập Về Kinh Bắc. Hoàng Cầm nổi tiếng với Bên Kia Sông Đuống và Lá Diêu Bông, ông bảo, nhiều bài thơ của ông do thần linh đọc cho ông viết trong lúc ngủ. Dẫu thế nào, thì Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương Đại. Lê Đạt làm thơ theo quan niệm tạo ra “bóng chữ”, một ý thức sáng tạo khá hiện đại. Trần Dần là người tuyên bố “phải chôn Thơ Mới”. Từ năm 1946 Trần Dần tham gia nhóm Dạ Đài, cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch… soạn ra bản “tuyên ngôn tượng trưng” nhằm cách tân thơ Việt. Ông sử dụng những từ rỗng (những chữ có âm , có hình nhưng không có nghiã), và nhiều bè như kiểu hoà âm (Jờ Joặcx). Thực ra sự cách tân của Lê Đạt, Trần Dần.. chỉ là cách tân hình thức, và vì thế không tạo được một phong trào cách tân như thời Thơ Mới

Xin đọc một bài rất quen của Lê Đạt trong tập Bóng Chữ

Thu nhà em –Lê Đạt

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao

Tưạ Jờ Joặcx- Trần dần

Joạc jờ jêrô ... vòng tròn
thằng Truồng bị vây trong vòng tròn
tôi không hiểu tôi bò hai chân trên sẹo joạc jờ nào?
sao cứ thun thút những sẹo mưa jọc jài ỗng ễnh bầu mưa?
chứ tôi đâu phải thằng quíc-ss? mà tôi vẫn bị ngửa thì jờ ướt mưa jòng mùa jọc nịt joạc vườn jạch* ngực joạt đùi jầm mùi jũi lòng.
Tôi biết jành jạch sử kí cả

Từ 1975 đến nay, Thơ Việt Nam ở trong nước vẫn lăn đi theo quán tính của thơ thời kháng chiến, tức là sáng tác và đọc, thẩm định thơ theo phương pháp Hiện Thực XHCN. Văn chương lấy mục đích phản ánh hiện thực làm nhiệm vụ chính. Nhà thơ vẫn là chiến sĩ của Đảng trong mặt trận văn hoá văn nghệ. Nhưng từ thời kỳ đổi mới trở đi (những năm 1980) thơ trong nước đã có những chuyển động. Có nhiều sự pha trộn các thi pháp: thi pháp lãng mạn, thơ Đường Luật, thơ XHCN, thơ Siêu Thực… Nhiều nhà thơ thời kháng chiến đã chuyển được ngòi bút sang hiện thực mới ( Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Duy…) và đến nay đã hình thành một thế hệ những nhà thơ cuả thời kỳ hội nhập với thế giới. Họ có trình độ văn hoá cao, có môi trường xã hội rộng. Họ làm thơ hoàn toàn khác với thế hệ kháng chiến, cả về nội dung, tư tưởng, ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật và thi pháp. Nhiều người tự nhận mình sáng tác theo cảm thức và thi pháp Hậu Hiện Đại. Thơ của họ trí tuệ hơn và không dễ đọc đối với công chúng. Thơ ngày xưa làm cho đối tượng 95% công, nông, binh vưà thoát nạn mù chữ, chỉ đọc được những câu thơ chân chất (Áo anh rách vai/ quần tôi có vài miếng vá..). Bạn đọc hôm nay có trình độ văn hoá cao hơn nhiều và tiếp cận nhiều với văn chương nghệ thuật thế giới. Xin điểm một vài khuôn mặt trẻ : Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thuý Hằng, Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Lê Thiếu Nhơn, Phan Thị Vàng Anh, Trần Ngọc Tuấn…

bài LỖ THỦNG LỊCH SỬ của Nguyễn Hữu Hồng Minh gây sốc nhiều đối với bạn đọc bình thường

Thi pháp Hậu Hiện Đại được thể nghiệm thành công hơn ở Văn Cầm Hải.

Xin đọc bài SINH TỒN

Thuở nào xanh xao
mặt trăng má hồng hiện qua sông mây
cơn đẻ đã đến
kim loại nhành hoa
ngôn ngữ thơm máu thịt
rung rinh lưỡi chàng cuội
rì rào thắp sáng dương gian
trầm tư sinh khí
sữa trắng làm chiếc nôi cho tiếng khóc
bơi chập chững
nhiệm màu
thánh thót
tiếng khóc vạn kỷ
đêm rụng cánh đơm hoa
cho tay người xin thêm
mồi lửa.

Thơ Hải Ngoại đáng kể đến là thơ Tân Hình Thức của Khế Yêm và các bạn hữu cuả ông. Đây cũng là một nỗ lực cách tân thơ Việt. Theo Khế Yêm, một bài thơ Tân Hình Thức mỗi câu có số chữ nhất định, nội dung là một câu chuyện được kể, và nghệ thuật vắt dòng tạo ra ngữ nghiã mới cho bài thơ. Để đọc một bài thơ Tân Hình Thức, lần đầu đọc như đọc thơ, lần thứ hai đọc như đọc văn xuôi, đọc lại lần nữa như đọc thơ. Dù sao đó chỉ là hình thức. Vấn đề vẫn là hồn cốt nhà thơ và sự sáng tạo độc đáo những tứ thơ. Gần đây Đỗ Quyên có những bài thơ Tân Hình Thức khá hay.Xin đọc

Tay Trái Thơ Tay Phải Núi

nhà thơ có việc vội phải
đi chuyến tàu nhanh tay trái
cầm theo bài thơ vừa làm
xong chưa kịp đọc tàu nhanh
chạy len qua những trái núi
như mọi ngày mây vẫn đánh
đai quanh sườn núi như mọi
lần nhà thơ cảm thấy một
trái núi tách ra nhà thơ
rời chuyến tàu nhanh tay phải
một trái núi tay trái còn
nguyên bài thơ chưa kịp đọc
Đỗ Quyên- Vancouver, 8-2009


Về văn chương Hải Ngoại xin đọc Thuỵ Khuê ( Thử tìm một lối tiếp cận Văn Học Sử về Hai mươi nhăm năm Văn học Việt Nam Hải ngoại 1975-2000), Nguyễn Mộng Giác (Sơ thảo về các giai đoạn thành hình và phát triển của giòng văn xuôi ở hải ngoại từ 1975 đến nay), Nguyễn Hưng Quốc (Hai mươi năm Văn học Việt Nam Hải ngoại (1975-95), tôi xin không nhắc lại.


Chỉ xin lượm nhặt tình cờ thơ của vài tác giả Hải Ngoại :

TRĂN TRỐI- Lê Thị Thấm Vân

Con gái mẹ,
Yêu ai, con cứ fuck họ
Ghét ai, con cũng có thể fuck họ.
Khinh ai, mẹ để tuỳ ý con.

Ai quý mến cưng chiều
con luôn tử tế biết ơn
nhưng không nhất thiết phải để họ fuck.

.....

Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ.
Còn lồn mẹ, cứ ủ kín để dành hiến dâng bố con đêm động phòng.
Đó là điều ngu nhất đời mẹ.

TÔI THẤY MÌNH BƠI TRONG MỘT CÁI CHAI-Thận Nhiên(tặng anh Lê Văn Dũng)

Một ngày nắng đẹp
tôi giữa nhiều sinh thể
đờ đẫn bơi
trong một tử cung vĩnh cửu trong suốt

Một người giả chết nằm thở trên bãi cát
những người khác tranh cãi về lịch sử
về sự kết thúc
của cuộc chiến đẫm máu 30 năm trước tại nơi này

Nước mặn tràn qua mặt
tôi thấy mình nhảy múa trong cơn say nắng xuất thần
với những ảo giác rực rỡ trên mặt nước
Tôi ngó tôi thả ngửa
bềnh bồng
giữa mây và tít tắp chân trời
giữa các loài phiêu sinh
giữa cá và ốc sứa nhiều màu lóng lánh

Tôi còn thấy mình là bàn tay lắc điên cuồng một cái chai đóng nút
rồi ném xuống


XỨ SỞ- Phan Nhiên hạo


Em thân yêu
hãy tin tôi
sẽ đến ngày cánh rừng thôi cháy
cha mẹ chúng ta trở về cánh đồng
đàn bò & vịt & gà & ước vọng mây bay
từ trên đồi cao em sẽ thấy xứ sở này
nhỏ hẹp, mặn chát, rất gần mặt trăng
giống hệt con tàu hỏa
cũ kỹ và luôn trật đường ray
sau cùng sẽ đi hết xích đạo
qua những thế kỷ máu nhiều hơn xi-rô.

Khổ lắm, nói mãi- Đinh Linh

Sáng nào cũng phải thức dậy,
Xuống giường, đi dép vào, rồi vô toa lét,
Rồi đánh răng, rồi rửa mặt, rồi đi ỉa.
Ỉa xong thì lại phải chùi đít.
(Trong khi ỉa cũng còn phải địt nữa—nhục lắm.)
Rồi lại phải thay quần áo sạch.
Rồi lại phải đun nước và pha café trước khi được uống café.
Rồi lại phải nhai trước khi (phải) nuốt khi ăn sáng.
Sao họ không chế ra một cái máy nhai? Một cái máy nuốt?
Một cái máy để chùi đít? Một cái máy để uống café
Ðể cho tôi đỡ khổ?


TỰ THÚ- Nguyễn Thị Hoàng Bắc

đàn ông đàn bà
dăm ba cuộc tình
đặng và không đặng
tự hào
tào lao
tôi chưa hề dám đá người đàn ông nào
nhẹ nặng
vài ba mối
chỉ rối
tháo gỡ
im lặng
tôi sinh ra

để yêu thương đàn ông
chân không mang giày săng đá
không thể đá
cách mạng nên khoan hồng


TÔI THÍCH NGỒI SAU EM TRÊN YÊN XE-Đỗ Kh.


Lăng quăng những con đường Hà Nội
Rất sóc hoàng lan
Hoa sấu vòng vèo
Rù rì Quán Sứ mùi hoa đại
Đêm rất yên lành Nhà Máy Điện (1)
B52 giờ là một thứ rượu đàn bà
Nhẹ như những ngày phụ nữ giương tên lửa

Tôi thích ngồi ôm em sau yên xe
Cổ em mát và đít em rất ấm
Một tay tôi đỡ ngực em chùng xuống nặng
Còn tay kia thõng
Như đang cầm M16 bằng băng đạn (2)
Chạy ra cầu Bình Lợi xem một vòng
Chiến xa Bắc Việt kìa sắp đến
Nhưng lịch sử chẳng bao giờ tái diễn

Buồn cười

Đầu tôi có sợi tóc vừa mới bạc
(Thì cũng từ ngày dẹp cảnh sát Bình Xuyên)
Đầu ngực em thâm vuông bốn cạnh một pháo tháp
Một đồn Tây lô cốt bỏ hoang
Trồi trở lại dưới nịt vú và đằng sau lần áo mỏng
(Ừ thủy lôi cấm vận cảng Hải Phòng)
Bảy Viễn vai ngang và Kissinger miệng rộng

Hà Nội
Vào giờ đồng cô về nhà cạo lông chân
Và bán xôi lục lặc vào thành phố

Đêm Hà Nội váy chùng
Em đít ấm và tôi dương vật ngỏng
9. 96


Cảm giác chung khi tiếp cận với những bài thơ trên là một cảm giác không thoải mái chút nào, không “thơ” chút nào. Người đọc bị cuốn vào một thế giới xô bồ, bực bội, bế tắc, đạp đổ và văng tục vào tất cả. Đúng là cuộc sống có những điều tồi tệ không thể nóí bằng thứ ngôn ngữ trau chuốt. Nhưng đọc những bài thơ trên đây, người đọc bị choáng trong một thế giới mà ở đó ý thức văn hoá, ý thức về cái đẹp, ý thức về những quan hệ nghiã tình gia đình, cộng đồng, dân tộc không còn nữa, mà nhường chỗ cho cái tôi cực đoan ít nhiều đã bị tha hoá.Về thi pháp, các bài thơ đều tràn ngập cảm thức Hậu Hiện Đại. Tuy nhiên chưa có bài nào thể hiện được hết những đặc trưng thi pháp Hậu Hiện Đại. Những bài thơ ấy được viết theo cách thức thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ không vần, thể hiện cái tôi bế tắc, không có gì mới. Đây đó thấp thoáng bóng dáng Thanh Tâm Tuyền ở cái tôi hiện sinh. Nếu so với Lỗ Thủng Lịch Sử của Nguyễn Hữu Hồng Minh và Sinh Tồn của Văn Cầm Hải là những tác gỉa ở trong nước, thì chưa hẳn những bài thơ ấy đã hơn về thi pháp Hậu Hiện Đại.

Một phản ứng khác là, đọc những bài thơ ấy người đọc bình thường sẽ bỏ đi. Vì trong khi đối thoại với nhà thơ, họ luôn bị nhà thơ văng tục vào mặt ( cặc, dương vật ngỏng, lồn,ỉa đái , địt, chùi đít..), luôn phải hứng chịu những bực bội, những đập phá, nhửng hành vi thiếu văn hoá của nhân vật trong thơ. Điều đáng thương là không biết nhà thơ bực bội vì cái gì, muốn văng tục vào cái gì, muốn đạp đổ vào cái gì. Dường như nó là một thế lực vô hình bọc lấy nhà thơ. Hoá ra ở Mỹ, đất của tự do và dư thưà vật chất hưởng thụ, con người cũng vẫn khổ, vẫn bị tù túng như nhốt trong cái chai, dù đã tung hê tất cả như Lê Thị Thẩm Vân khi trăn trối cho con nhưng thân phận phụ nữ không sao khác được trong cái nhìn của Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Cuộc sống còn lại chỉ loay hoay với đít với dương vật là hết (Thơ Đinh Linh và Đỗ Kh.). Cuộc sống vô nghiã hơn bất cứ sự vô nghiã nào!


Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì?

Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới. Trước kia đi sau thơ Đường, rồi sau thơ Lãng Mạn Pháp và giờ sau thơ Hậu Hiện Đại thế giới. Nhà thơ Việt chỉ có thể bắt chước để sáng tác, chưa sáng tạo ra một trường phái, một chủ nghiã, một nền thơ ra riêng cho mình có giá trị toàn cầu. Cũng đã có những nỗ lực bứt phá để vượt lên song bất thành (ThanhTâm Tuyền, Trần Dần, Lê Đạt, Khế Yêm…)

Thơ Việt sẽ đi về đâu ? Thơ Việt vẫn sẽ đi về phiá trước bằng những gì đã có ( Đường Luật, Thiền, Lãng Mạn, Siêu Thực, Hậu Hiện Đại…) và tiếp tục khám phá thơ thế giới để hội nhập. Có thể chúng ta không sáng tạo được một nền thơ riêng đạt tới tầm vóc toàn cầu, song chúng ta tin rằng sẽ có những nhà thơ đạt tới tầm vóc ấy trong tương lai. Hiện tại chúng ta cũng đã có những nhà thơ có ý chí của người không lồ và các thế hệ kế tiếp sẽ vượt lên. Đó là Phạm Thiên Thư. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận hai kỷ lục của Phạm Thiên Thư. Ông là người đầu tiên thơ hóa Kinh Hiền Ngu (gồm 9 quyển, 46 chương), chuyển thể thi hóa thành 12.062 câu thơ lục bát với tên là Kinh Hiền Hội Hoa Đàm, và người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ. Ông cho biết sẽ viết số luợng câu thơ bằng những bộ sử thi của thế giới...

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ HỮU LOAN

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ HỮU LOAN
Thursday, 18. March 2010, 21:33:18

phê bình văn chương

BẢN TIN CUẢ SGTT
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=64433&fld=HTMG/2010/0318/64433






Vào lúc 19g00 tối nay 18.3.2010, nhà thơ Hữu Loan, tác giả của bài thơ "Màu tím hoa sim" đã vĩnh viễn từ giã cõi đời khi chuẩn bị bước sang tuổi 95 (12.4.1916 – 18.3.2010). Trong lúc chờ đợi con cái về đông đủ, bà Nhu, vợ ông và 4 người con ở quê đã khâm liệm đặt ông vào quan tài yên nghỉ vào lúc 23g cùng ngày.
Nhà thơ Hữu Loan tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan, quê làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đậu tú tài nhưng về quê mở trường dạy học và hoạt động phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1943 , ông gây dựng phong trào Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Uỷ viên Văn hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp ông thuộc Đại đòan 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại báo Văn Nghệ

Bài thơ "Đèo cả" mở đầu sự nghiệp thi văn của ông đã vang danh khắp chiến trường kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó, người vợ đầu tiên Nguyễn Thị Ninh mất (1949) và ông nghe tin dữ khi đang trên đường hành quân khiến ông đã viết lên những vần thơ bất hủ "Màu tím hoa sim" đi sâu vào lòng người cho đến tận bây giờ và có lẽ cũng là mãi mãi.

Lấy người vợ thứ hai vào năm 1954, bà Nguyễn Thị Nhu, ông tiếp tục làm ở báo Văn Nghệ cho đến khi bị đi tù với nỗi oan nghiệt dính vào nghiệp văn chương. Ra tù, ông trở về quê đục đá kiếm sống nuôi 10 người con và sống với những ký ức vừa đẹp đẽ vừa đau thương cho đến ngày hôm nay, bên cạnh người vợ tần tảo, thủy chung.


MÀU TÍM HOA SIM
Thơ Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành nhạc phẩm Áo anh sứt chỉ đường tà

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG

TRĂNG NGHẸN-VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG
Tuesday, 16. March 2010, 22:18:32

MẤY TUẦN NAY VĂN ĐÀN LÙM XÙM CHUYỆN GỈAI THƯỞNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. BỞI VÌ BÀI THƠ TRĂNG NGHẸN ĐẠT GIẢI NHẤT RỒI LẠI BỊ RÚT GIẢI. LÝ DO TRĂNG THÌ PHẢI SÁNG KHÔNG ĐƯỢC NGHẸN !BCT XIN GÓP MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG. Bài đã đăng trên Phongdiep.net



VỀ MỘT CÁCH ĐỌC TÁC PHẨM
(Đọc Trăng Nghẹn cuả Hoài Tường Phong)
Bùi Công Thuấn

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.


Bài thơ TRĂNG NGHẸN của Hoài Tường Phong đang bị nghẹn ở giải thưởng của cuộc thi thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhưng nghẹn ở chỗ nào ? thưa, nghẹn ở cách đọc tác phẩm. Đó là cách đọc tác phẩm theo quan điểm cũ
Qua các bài viết của nhà thơ Lê Chí (1), nhà thơ Vũ Quần Phương, và rải rác những phát ngôn của người đọc, tôi thấy rằng Trăng Nghẹn đã được đọc bằng phương pháp phản ánh luận và phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Những quan điểm này đã có từ những năm 1948 trong bản báo cáo Chủ Nghĩa Mác và Văn Hoá Việt Nam của đồng chí Trường Chinh. Tức là tác phẩm văn chương có nhiệm vụ phản ánh hiện thực, phải được viết theo nguyên tắc : miêu tả hiện thực cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng trên cơ sở điển hình hoá cao độ.
Đây là quan điểm của giai đoạn kháng chiến từ 1945 đến trước khi Đảng đổi mới. Khi đánh giá tác phẩm, người ta xem tác phẩm có phản ánh chân thực hiện thực cách mạng hay không, có kết thúc lãng mạn cách mạng hay không, có miêu tả được những nét điển hình của hiện thực cách mạng hay không, nếu không, thì tác phẩm ấy bị coi là “có vấn đề”. Văn chương giai đoạn đó có nhiệm vụ phản ánh cho được cuộc chiến đấu cuả nhân dân, nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, nhiệm vụ “bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau”, Đó là yêu cầu nguyên tắc, vì cả dân tộc đang tập trung “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và cuả cải để giữ vững quyền tực do độc lập ấy”(Tuyên Ngôn Độc Lập) văn chương nghệ thuật phải đứng trong cuộc đấu tranh ấy và làm nhiệm vụ cuả mình.
Trăng Nghẹn đã được đọc theo quan điểm ấy. Người ta đối chiếu những gì tác giả Trăng Nghẹn viết với hiện thực và thấy rằng Trăng Nghẹn không phản ánh đúng hiện thực cách mạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, rằng cái nhìn của tác giả là u ám. Nhà thơ Lê Chí lý giải :” Bởi thời gian tác giả trải qua trong không gian ấy là khá dài, dài đến mấy mươi năm. Với chừng ấy thời gian, đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều thay đổi lớn lao. Bên cạnh những tồn tại của mặt tối, đời sống kinh tế xã hội đã có không ít những gì tốt đẹp đang ngày càng có sức thuyết phục hơn”. Nhà thơ Vũ Quần Phương khuyên tác giả thế này :” chúng ta nên khuyên tác giả sửa bốn câu cuối, đừng để cái bế tắc vào đoạn kết làm ảnh hưởng toàn bài. Nếu không sửa được bốn câu cuối thì xin sửa một chữ ở câu cuối: "chưa tỏa sáng" thì sửa là "sẽ tỏa sáng" thì không ai bắt bẻ được, lại thể hiện ý chí phấn đấu và lòng tin.”(báo Pháp Luật-dẫn theo blog của nhà văn Khôi Vũ)
Vì sao lại phải sửa lại, vì Trăng Nghẹn là tâm sự riêng, nỗi niềm riêng, không phải là cái chung, cái điển hình của hiện thực cách mạng; vì kết thúc tối quá, cần phải sáng lên phải lạc quan cách mạng, như yêu cầu cuả phương pháp Hiện Thực xã Hội Chủ Nghiã
Nhưng trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng đã mở rộng biên độ cho nhà văn sáng tạo. Nghị quyết 23/BCT ghi rõ :” tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà.”. Về nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị Quyết 23 cũng yêu cầu:“ Văn học, nghệ thuật phải được phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ”
Vậy nếu Hoài Tường Phong không viết Trăng Nghẹn bằng phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã, không kết thúc lạc quan cách mạng, thì cũng không có gì là sai. Vấn đề còn lại là Trăng nghẹn có “tinh thần nhân văn, dân chủ” hay không. Tác giả bày tỏ tình cảm ngậm ngùi của mình (có vẻ chân thật) với mẹ, với ruộng vườn, với bạn bè, với người thương, với xóm làng, bộc lộ những xót xa về những hiện tượng chưa tốt, chưa đẹp của quê hương
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Viết về nỗi đau của quê hương, viết về người dân quê khốn khổ, đó chẳng lẽ không là tinh thần nhân văn, dân chủ? Mỗi khi chúng ta đọc báo đăng tin về hàng trăm cô gái Việt Nam được tập trung lại để cho khách nước ngoài chọn hàng, hỏi ai trong chúng ta không đau xót ? Có ai không bức xúc khi nạn buôn bán phụ nữ ở Việt Nam đã đến hồi báo động? Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm, từ năm 1998 đến nay(2008) đã có hơn 7.000 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán..Đến nay, cơ quan chức năng đã điều tra khám phá hơn 900 vụ án bắt hơn 1.000 đối tượng phá gần 500 đường dây đưa người xuyên biên giới qua.(VTCNews 13.07.2008).
Phản ánh hiện thực là thuộc tính và là một phẩm chất của văn chương, nhưng chức năng chính của văn chương là nghiền ngẫm hiện thực để làm lộ ra vấn đề. Muốn biết hiện thực thế nào, ta cần đọc Lịch Sử . Hồ Chí Minh viết Nhật Ký Trong Tù không phải để phản ánh hiện thực nhà tù Tưởng Guiới Thạch ( mặc dù tác phẩm có phản ánh hiện thực ấy ), mà để nghiền ngẫm và chỉ ra điều này : kẻ thù tàn bạo muốn tiêu diệt con người, người chiến sĩ cách mạng làm sao để chiến thắng trong cuộc đấu tranh đó. Bài học quan trọng nhất là “rèn luyện tinh thần”, “Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”
Kiên trì và nhẫn nại
Không chị lui một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần
(Bốn Tháng Rổi-Nhật Ký Trong Tù)

Nguyễn Du trên đường đi sứ, rượu thịt ê hề, nhưng ông không an tâm hưởng thụ , mà bận tâm đến mẹ con người xin ăn bên đường sắp chết đến nơi, không ai đoái hoài (Sở Kiến Hành). Ngày nay, giá trị cuả bài thơ ấy còn lại với chúng ta là tấm lòng yêu thương ông dành cho người khốn khổ.

Cuộc sống thực tại cuả xã hội ta hôm nay còn nhiều khó khăn, không phải tất cả đều đã tốt đẹp, bởi vì chúng ta chưa có Chủ Nghiã Xã Hội, chúng ta mới chỉ định hướng Xã Hội Chủ Nghiã, vậy viết về những cái chưa tốt, chưa đẹp, để thể hiện tấm lòng riêng của mình với quê hương, với bạn bè, nguời thân, cũng là điều bình thường. K.Marx trả lời con gái : “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi “, chẳng lẽ nói lên nỗi niềm riêng với quê hương với người thân lại là điều xa lạ với con người ?

Đảng đã đổi mới, đã mở rộng biên độ cho nhà văn nhà thơ sáng tạo thì người đọc cũng cần phải có phương pháp đọc theo tinh thần đổi mới ấy.

Bây giờ xin xem xét hình tượng “trăng nghẹn” trong bài thơ. Hình tượng ấy có ý nghiã gì. Xưa nay trong thơ ca, Trăng chuyên chở những ý tưởng gì?

Khi Thuý Kiều tiễn Thúc sinh trở về, Nguyễn Du viết
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vâng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Trăng soi trên gối chiếc là khát vọng hạnh phúc, là nỗi mong đợi thuỷ chung của Kiều. Bởi Kiều đã có những tháng ngày hạnh phúc với Thúc Sinh và hy vọng hạnh phúc ấy sẽ được xác nhận khi Thúc Sinh về xin phép Hoạn thư. Trăng là biểu tượng cho khát vọng ấy

Phan Bội Châu trong Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên viết rằng

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vưà gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Thẹn cùng song, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót…”

Phan Bội Châu thẹn, buồn, tủi cùng sông núi thì đã rõ, sao lại thẹn, buồn, tủi cùng trăng ? Trăng là gì ?- Trăng là biểu tượng của thuỷ chung. Phan Bội Châu đã không thực hiện được lý tưởng của mình một cách thuỷ chung, nên thẹn buồn tủi với lòng mình. Trăng là những ước nguyện thuỷ chung của lòng mình

Tôi nghĩ “Trăng nghẹn” cũng nằm trong ý thức nghệ thuật ấy. Tác giả có những ước nguyện cho quê hương mình, cho người thân của mình, nhưng bao năm trời ước nguyện ấy chưa thành hiện thực. Vì thế tâm trạng nhà thơ không sao tránh khỏi xót xa. Xin lưu ý, để chỉ lý tưởng cách mạng, các nhà thơ thường dùng hình ảnh mặt trời (Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / mặt trời chân lý chói qua tim-Tố Hữu). Nếu tác giả dùng hình ảnh mặt trời chân lý bị che khuất thì hẳn nhiên là “có vấn đề” về tư tưởng. Như vậy Trăng nghẹn chỉ là ước nguyện của tác giả, và có lẽ ai trong chúng ta cũng có ước nguyện về một đất nước giàu đẹp. hùng mạnh, nhưng hiện tại chúng ta còn đang phải xoá đói giảm nghèo, mơ ước vẫn còn là mơ ước

Vấn đề của Trăng nghẹn không nằm ở ánh trăng bị nghẹn, bị mây che mà nằm ở giá trị nghệ thuật. Trăbng Nghẹn cũ quá, và tất cả các bài thơ đạt giải đều cũ. Cũ về tư duy, về nội dung, về cảm xúc và ngôn ngữ. Cách kể lể như kiểu Quê Hương của Giang Nam

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.(Trăng Nghẹn)

Những ngày trốn học /Ðuổi bướm cầu ao /Mẹ bắt được..
Chưa đánh roi nào đã khóc! (Quê Hương )

Đó là kiễu thơ kể lể con cà con kê, là bày tỏ trực tiếp cảm xúc, rất ít chất thơ, không có sáng tạo.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
(Trăng Nghẹn)
Tứ theo đuôi trâu đã có trong “ai bảo chăn trâu là khổ” của Giang Nam. Chuyện thoát kiếp hoá bướm đã có từ thời Trang Tử. “Tôi…thèm quá’ là sự bộc lộ cảm xúc không thơ chút nào. Và kiểu thơ, tâm trạng cuả “cái tôi” đã có từ thời Thơ Mới (1930-1945)

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền
Người lớn, bé mê man vì hát bội..
(Đám Hội-Đoàn Văn Cừ)

Tôi nghĩ một bài thơ đạt giải, nhất thiết phải có cái mới, phải sáng tạo, dù ít, hoặc cũng phải thoàt ra được cái cũ. Đó là nguyên tắc , không thể trao giải cho những gì đã cũ mòn. Bởi, nếu trao giải cho cái cũ mòn cũng tức là kéo lùi sự tiến bộ. Thơ Việt Nam đang trì trệ vì quá cũ, ta lại chất thêm lên sự trì trệ ấy, thì đến bao giờ mới có một nền thi ca mới đáp ứng yêu cầu của thời đại, sánh vai cùng nền thi ca cuả các nước khác ?

Tất nhiên chuẩn đánh giá của một cuộc thi điạ phương không thể đòi hỏi ngang bằng với chuẩn cuả một cuộc thi quốc gia, cũng vậy, ta không thể đòi hỏi thi thơ quốc gia phải ngang bằng với chuẩn giải Nobel văn chương. Nhưng dù thế nào, nghệ thuật là sự sáng tạo, nhiều nhà thơ đang nỗ lực cách tân , tôi nghĩ các cuộc thi thơ cũng cần góp phần vào việc cách tân ấy.

3/2010


___________________________________________
(1)Lê Chí- MỘT LỜI NHẮC NGẬM NGÙI- nguồn www.vannghesongcuulong.org.vn

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

NHỚ NGUYỄN ĐỨC THỌ


NHỚ NGUYỄN ĐỨC THỌ
Saturday, 13. March 2010, 15:08:02

phê bình văn chương

HỒI ỨC LÀNG CHE,
SỰ THĂNG HOA CỦA NHỮNG NỖI ĐAU BI KỊCH
( Đọc Hồi Ức Làng Che - Nguyễn Đức Thọ, Nxb Thanh Niên 1999 )

NGUYỄN ĐỨC THỌ LÀ NHÀ VĂN ĐỒNG NAO. ANH MẤT NGÀY 13.3.2001. BÀI VIẾT NÀY LÀ MỘT CHÚT TÌNH TRI ÂM TƯỞNG NHỚ ANH. BCT


Mỗi khi Nguyễn Đức Thọ kết thúc câu truyện của mình, tôi lắng nghe anh kể, lắng nghe lòng mình, cảm nhận một nỗi bâng khuâng rất lạ . Tôi tự nhủ “ câu chuyện thật cảm động, sao anh viết hay thế, tài thế “. Câu chuyện kết thúc, nhưng dư âm của nó cứ vang vọng mãi. Đó là những câu chuyện của một thời , những bài học lớn của một thời. Mai sau, mỗi khi nhắc lại, những ai đã sống qua cái thời ấy, không khỏi ngậm ngùi thương tâm, anh đau đớn nhắc mọi người :“ thương tâm lắm “(tr.189)

Nguyễn Đức Thọ dẫn người đọc cùng đi với anh, chiêm nghiệm, suy gẫm về những bài học đau thưong của những kiếp người trong những biến động lớn lao của thời đai. Anh thốt lên xót thương khi nhe tin lão Câm oan tử : “ xong một kiếp người “Than ôi , nếu ông Câm sống lại . . . .?(tr.126) . Có lúc anh lại nói trong u mê như đang quay quắt giữa sáu cõi thế gian: “ Thế đó , trên mặt đất này ân oán còn nhiều tơ vương lắm“ ( tr.295 ). Rồi anh cố kềm giữ lòng mình để khỏi bật khóc thành tiếng trước vong linh người mẹ “Chiến tranh mà ! Chiến tranh mà “( tr.57) . Nhưng khi phải chứng kiền cái chết đứng của anh Đạt, một người mà anh rất thương yêu gắn bó suốt một đời lính, anh đã “ khóc lã người, khóc hết nước mắt một đời lính góp lại. “( tr 240) . Rồi Bảy Công sợ hãi, làm cho người đọc cùng sợ hãi, một nỗi sợ hãi vô hình treo lơ lửng trên đầu . Anh giật mình thon thót : Làm thế nào để tồn tại ? Anh nghe Cụ Nguyễn tâm sự cay đắng
“ Tôi tồn tại được là nhờ biết sợ ‘(Tr. 98 )

Thế đấy , Nguyễn đức Thọ đã dẫn người đọc đi từ những ngày khởi nghĩa Yên Bái của nguyễn Thái Học ( tr117) qua Cách Mạng Tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, Điện Biên Phu ( 113 ) , cải cách ruộng đất ( 156) ; Những ngày vào ra vào hợp tác xã ( 183) rồi 21 năm ngày Bắc đêm Nam ( tr 18 ) kháng chiến chống Mỹ, những ngày giúp bạn bên CamBuChia và những ngày ta đang sống đây khi đất nước bắt đầu mở cửa ( tr 278 ), cái thời của mỗi người phải “đóng một vai kịch cho hợp lệ với màn kịch “( tr92).

Nguyễn Đức Thọ không viết sử thi, nhưng anh suy gẫm trong khoảng dài rộng sử thi ấy đâu là chân lý của mỗi số phận con người. Trên cái nền đỏ rực hào hùng của lịch sử dân tộc, trong thanh âm hùng tráng của một thời, anh tìm thấy những bông hoa tím tái của những số phận bị vùi dập, anh lắng nghe những tiếng khóc mà âm thanh và nước mắt chảy hết vào tim . Anh chia xẻ , xót thương cùng đau đớn với nhân vật, như anh đang vật vã nỗi đau của chính mình. Anh đã vuốt mắt cho cậu Miền, khi cậu chết không thể nhắm mắt “ Tôi vuốt mắt cho cậu . Vuốt đến ba lần, đôi bờ mi tím bầm mới chịu nhắm lại vĩnh viễn “(95); và anh van xin người yêu, bi kịch của những người yêu nhau “ Em ạ, anh xin quỳ hoá đá dưới chân em… xin em… ngàn vạn lần xin em …” ( 178 ). Truyện của Nguyễn đức Thọ là truyện ngắn nhưng lại mang dung lượng những vấn đề sử thi của tâm linh thời đại. Anh đãvượt qua những luân lý thông thường, những giáo điều chính trị, những cách nhìn khuynh tả khuynh hữu, những ấu trĩ nhất thời, những cực đoan máy móc, mà vươn tới những giá trị nhân bản sâu thẳm ân tình, trong không gian tâm linh chan hoà ánh sáng, thứ ánh sáng trong ngần vĩnh hằng của những kiếp nhân sinhchân chất, thanh khiết thẳng thắn ân tình ân nghĩa, yêu vô vàn cuộc sống này.

Người Của Người không còn là nỗi oan nghiệt truyền kiếp con hoang lại đẻ con hoang. Đó là bi kịch của ông Thuộc, một cán bộ tập kết, tan nát gia đình trong chiến tranh. Đó là lòng nhân ái vô bờ với số phận của Rớt. Không có định mệnh nghiệt ngã, nhưng có những thành kiến ác tâm . Nhưng bây giờ, cuộc đời này thuộc về những con người yêu thương “Vẫn còn mái nhà tranh ấm áp tình người muôn thuở..vẫn còn người cha nuôi miền Nam tập kết giàu lòng nhân hậu …vẫn còn những người dân làng sống chan hoà mộc mạc ..người là của người … người là của người “

Người Của Ngày Xưa sống đẹp đến thế ! Cuộc tình của người lính trong veo thánh thiện giữa trần tục và bom đạn, giữa sống chết từng ngày và giữ gìn mãi mãi. Chính và Ngàn sao có thể yêu nhau, giữ gìn cho nhau, thầm lặng, thuỷ chung và đep đẽ đến thế. Dư vị cuộc tình thật ngậm ngùi .yêu quá đi thôi, thương quá đi thôi nhưng cũng tiếc quá đi thôi, nhưng làm sao có thể sống khác đi được! Chiến tranh đã cướp mất bao nhiêu hạnh phúc của tuổi tre, rồi vì cuộc sống, tuổi tre lại hy sinh tất cả trái tim mình để giữ gìn, chẳng thể nói được một lời yêu nhau, để khi về già vẫn ân hận, tiếc mãi những gì có thể cho nhau được mà vẫn không thực hiện được.“ Về sau anh cứ ân hận mãi, tại sao mình không dám hôn em “( 41). Người lính yêu thanh khiết như thế. Nguyễn Đức Thọ nửa thật nửa đùa, vừa thành ý ngậm ngùi vừa hài hước xuê xoa nói với nhân vật :“ người như lão Chính chỉ cần rửa ráy qua loa rồi đem đặt lên bàn thờ là thành Phật “( Tr.37)

Người Trong Cổ Tích là một tình yêu hồn nhiên với bao kỷ niệm từ tuổi thơ thiên thần giữa Thư và Tộ. Chiến tranh ập đến. Tộ ra chiến trường. Khi trở về người yêu đã có chồng . Không còn tình yêu, Tộ sống cằn cỗi, cô lạnh. Ngậm ngùi biết bao nhiêù khi hai người yêu gặp lại nhau. Nên trách hay nên thưong tấm lòng người mẹ. Thư đi lấy chồng vì ngỡ là Tộ đã hy sinh. Mẹ Tộ nói với Thư vậy.Thư nói trong nước mắt :” mẹ đã báo tin cho em là anh đã hy sinh “. Chiến tranh mà ! Mẹ đã khổ vì mất chồng trong chiến tranh , mẹ không muốn em khổ vì mất anh. nhưng có biết đâu mẹ lại làm khổ cả hai con.” Chiến tranh mà ! “ Thương quá những cuộc tình trong chiến tranh !

Ngươi Ỏ Miệt Vườn là Má Hai Phấn, hai Tín, ba Nghĩa. Trong cuộc chiến tranh quyết liệt với kẻ thù, số phận nghiệt ngã đã đẩy hai người bạn về hai phía thù nghịch, Má Phấn bằng tấm lòng bao dung của mình đã giữ được những người con, những tình bạn thiêng liêng, những giá trị vượt lên trên những ân oán thù nghịch.“ bà hai Phấn là sợi giây buộc chặt tình bạn của hai người lính hai ben chiến tuyến” ( tr.66) . Nguyễn Đức Thọ đã miêu tả được một thực tại bi kịch của cuộc chiến tranh vưa qua. Do hoàn cảnh, anh em, bạn bè trở thành thù nghịch. Người mẹ không bao giờ muốn mất con, dù bên này hay bên kia chiến tuyến. Nhưng làm thế nào để vượt qua ranh giới của sự thù nghịch, vượt qua những mặc cảm tự tôn của người chiến thắng, mặc cản tự ty của người chiến bại. Làm thế nào để trở về với bản chất đích thực của dân tộc. để gắn bó những chia lìa dân tộc mà cuộc chiến tranh hơn 20 năm đã gây ra ? Làm gì bây giờ dây để báo đáp những người mẹ suốt một đời hy sinh, làm gì giờ dây để nghững người ở miệt vườn không còn thiếu đói, không còn phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền mua gạo từng bữa, làm gì để con tre có cơm ăn, áo mặc đến trường ( tr72). Làm gì cho những con người ở miệt vườn ?

Bóng Dáng Người Yêu Nhau là bi kịch tình yêu cay đắng quá , bi kịch ẩn dấu trong suốt những năm tháng dài của nhiều thế hệ . Cụ cố Tiệu có người yêu là một bà đầm người Pháp. Bất ngờ bà đầm đến thăm và tặng một chiếc áo. Cụ khổ biết bao nhiêu chỉ vì cái áo ba-đo-xuy ấy. Nhưng lúc chia tay với bà đầm” cố Tiệu đứng như trời trồng ngỡ mình chiêm bao “( tr82). Trung tá nghỉ hưu Miền lâm vào một bi kịch làm ông chết đau đớn đến nỗi không thể nhắm mắt. Hai đứa con cùng cha khác mẹ của ông là Thản và Xuân lấy nhau. Thản là con vợ. Xuân là con người yêu .Trong chiến tranh, ông đã giữ gìn thánh thiện để bi kịch không xảy ra. Nhưng lối sống thực dụng chủ nghĩa hiện tại của con ông gây ra bi kịch. Nỗi đau thương ập đến đến bất ngờ và khốc liệt, làm tan nát tất cả. Trong thời đại mà cuộc sống làm chao đảo tất cà thì làm sao nhận ra đâu là chân lý. Suốt một cuộc đời cậu Miền đã sống, chiến đấu, ăn ở chân thành, giữ gìn rất mực, vậy mà trước những bi kịch khốc liệt không thể lý giải nổi, cậu Miền đau đớn thốt lên trước lúc lìa đời“ Suốt một đời. .. tôi không nhận ra tôi làm sao nhận ra ai được nữa “ ( 95 ) . Làm thế nào để nhận ra chính mình , nhận ra chân lý trong cuộc sóng đầy biến động này để khỏi lâm và những bi kịch đau đớn ?

Nỗi Buồn Giao Chỉ là nỗi buồn gì ?Đó là nỗi buồn của thân phận con người trong một thời mà người ta tồn tại được là nhờ biết sợ ( lời của nhà văn Nguyễn ) .. Làm sao sống cho đúng đây khi cuộc sống cứ thay đổi đến tráo trở, khi sự phán xét cứ ngả nghiêng khôn lường.Vũ vẽ nhà văn Nguyễn, bị ông nội chê là Tây, trong khi nhà văn Nguyễn là dân Giao Chỉ. Bố Vũ lại chê Vũ vẽ văn nhân giống quan võ. Cũng giống như bảy Công , suốt đời theo cách mạng nhưng cứ giật mình thon thót, đổ mổ hôi hột, bởi lúc nào Bảy Công cũng sống trong nỗi sợ hãi bị nghi ngờ về phẩm chất, bị đánh giá là kẻ phản bội, là thành phần giai cấp địa chủ. Bảy sợ hãi đến nỗi lúc đã về hưu, đứng xếp hàng mua gạo, nghe “ con nhỏ bán hàng chưa đến hai mươi tuổi, nghĩa là nó nhỏ hơn cháu nội, thế mà nghe giọng tôi cũng rụng rời tay chân “ ( tr104 ) . Bảy Công dặn cháu khi ông chết nhớ mời sư thầy đến tụng kinh. Có lẽ nhờ lời tụng kinh của sư thầy mà ông bớt sợ khi về cõi vĩnh hằng ? Đúng là nỗi buồn không chỉ của nhà văn Nguyễn, của Bảy Công mà là của dân Giao Chỉ. Ngòi bút của Nguyễn Đức Thọ thật thấm thía khi anh đã khứa một lát dao thật ngọt vào tâm can người đọc về những nỗi sợ hãi cứ treo lơ lửng trên đầu, làm cho con người sống hèn đi, sống mà như con rối bị giật giây bởi chính nỗi sợ hãi của mình. Làm sao Vũ có thể vẻ đưỡc nổi buồn của ông nội ! vì đó là nỗi buồn của dân Giao Chỉ, nỗi buồn có trong suốt trường kỳ lịch sử từ thời An Dương Vương kia mà !

Thung Lũng Xưa khai quật ngôi mộ một người bị chôn sống giữa cuộc đời, giữa mọi người : lão Câm. Lão bị quy là Quốc Dân Đảng phản động, bị đi tù. Ra tù, bị quy thành phần giai cấp “người làng lặng lẽ xa lánh anh, tên phản động mới ra tù “ ( 118 ) Lão sống cay đắng, câm luôn trước cuộc đời. Vậy mà khi lên tiếng nói trở lại, lão chết thảm vì bị đá vùi lấp. Người ta đã chôn sống lão, thời đại đã chôn sống bao người. Lão làm sao sống được trong cái thời của “ thung lũng Trận Đồ hùng vĩ và bi tráng”. Một con người bé nhỏ như lão làm sao tránh được gươm đao giữa “ chiến trường của các vị thần linh “( tr.126). Lão phải chết, dù lão tự nguyện câm giữa cuộc đời cũng không được tha. Người ta phong thần cho lão để làm gì ? “ Xong một kiếp người “ ! Thời gian đã qua đi nhưng nỗi oan khiên những số kiếp như lão Câm vẫn còn đó . Gạch đá có thể vùi lấp thân xác lão Câm nhưng làm sao gạch đá vùi lấp được lưong tâm ! Phải trả lại lương tâm trong sạch và nhân ái cho một thời .

MùaTrái Cây “ là nỗi buồn của những người phụ nữ có cái thời xuân xanh đi qua chiến tranh “ ( tr.150). Không , hơn cả nỗi buồn, đó là những bi kịch thánh thiện.Tất cả đã thăng hoa trên nỗi đau đớn đã tím tái thân phận. Bà Ba Cỏn có 5 con là liệt sĩ trong đó có người con nuôi là bộ đội miền Bắc. Nỗi đau không chỉ ở lòng người mẹ mất mát những người con mang nặng đẻ đau. Đó còn là nỗi đau câm nín không thể nói ra thành lời khi hai người phụ nữ trẻ tuổi gặp nhau bên mộ người thân yêu. Chất đi tìm mộ chồng lại gặp Mai người yêu có con với chồng. Liệt sĩ Hùng . Hùng hy sinh khi Chất chưa được có một đứa con với chồng. Chất khát khao hạnh phúc có con , vì đó chính là máu thịt sự sống và tình yêu thuỷ chung của hai người. Chị giữ mình hết sức cho niềm khát khao thuỷ chung ấy. Hùng ở nhà bà Ba Cỏn, được bà yêu thưong như con. Cuộc tình âm thầm của Ut Mai và Hùng may mắn để lại một đứa con. Mai chịu tiếng có con hoang. Bà Ba Cỏn nuôi cháu nhưng cứ phải giấu hoài. Chất nhìn đứa bé “ thằng bé có một khuôn mặt quen thuộc , từng theo đuổi trong những giâc mơ suốt đời chị…phải chăng đó là… chị thở dài “ ( tr.149 ). Biết xử sự làm sao đây. Bất cứ một đụng chạm nhẹ nào cũng sẽ rất thưong tâm.Thương lắm. Hãy để cho nỗi đau ấy thăng hoa. Nguyễn Đức Tho kết truyện bằng một sự thăng hoa .” Mùa trái cây năm nay đang chín rộ “ . Cảm thông, chia xẻ và nhân ái biết bao với những người phụ nữ đi qua chiến tranh như Mai, Chất .

Hồi Ức Làng Che là nỗi đau đớn hoá đá của một cuộc tình. Nhưng thưc ra đó là thân phận hoá đá của những kiếp oan khiên từ thời cải cách ruộng đất. Lão Trạch bị kết thành phần địa chủ theo mức khoán áp đặt 5% địa chủ. Lão bị xử ở toà án nhân dân (tr.157) bị đi tù , bị tịch thu ruộng đất , nhà cửa. Người làng Che thương lão nhưng biết làm sao. Ra tù ,lão không chịu vào hợp tác xã , sống “ lạc hậu , sống ngoài đoàn thể nên mất nết “ (tr.159). Lão quyết liệt phản đối tập thể, người ta cũng đối xử với lão quyết liệt. Cuộc tình của Nhọi Đức và Nhàn không thành vì những oan khiên quyết liệt ấy. Bài học của một thời sao mà đau đớn dường vậy. Thân phận con người trong cuộc bể dâu ấy, dù có vùng vẫy quyết liệt vẫn bị troi cứng mà chịu đòn. Chẳng lấy gì bù đắp được, dù lão Trạch có hai con hy sinh trong chiến tranh. Nhận tin hai con báo tử cùng một lúc “ bà trạch và Nhàn rũ rượi như hai cái xác chết “(tr.175). Không chỉ có nỗi oan khiên hoá đá, Hồi Ức Làng che còn ghi lại bao điều dối trá khác mà hôm nay và mai sau. Chúng ta còn phải chịu đựng , còn phải suy gẫm!

Dấu Chân Tiên là câu chuyện thế sự thăng trầm của một giòng họ, có kẻ lên voi có kẻ cùng đinh làm thằng mõ. Những kẻ lên voi chẳng phải vì được đăt chân mình vào dấu chân tiên. Bởi vì “ đàn bà duyên phận lỡ làng vô tình đạp lên dấu chân tiên về nhà dễ bị có mang “( tr.180), đẻ ra con giống lý trưởng , trương tuần, chủ nhiệm hợp tác xã, giống anh cán bộ huyện về chỉ đạo cấy giống lúa cao sản, giống anh chỉ huy đoàn xe quá cảnh sang Lào (tr.181). Những người lên voi được là nhờ “theo cửa sau, cửa của những kẻ cơ hội chủ nghĩa “ (tr.206) có tài “ dóng trống , dong cờ , trương khẩu hiệu “(tr208) va tham quyền cố vị “ Ong Khởi định kiên nhẫn làm bí thư đến hết thời kỳ quá độ” (tr.211). Những anh dốt nát lại phất như diều ban phát ân huệ cho mọi người (trần Thành). Kẻ trí thức (Trần Thanh Trì , đỗ tiến sỹ ) lại là kẻ “sinh bất phùng thời không tìm được người tri âm từ trong họ mạc lẫn ngoài xã hội “ (tr220). Đó là câu chuyện của một thời hay của mọi thời ? Vì cuộc đời có những kẻ như thế nên bao nhiêu giá trị đã bị phá huỷ (phá đền thờ thần nông (tr. 191) , bao nhiêu chân lý bị vùi lấp .(“ bây giờ người ta dạy tre con hô khẩu hiệu hơn là dạy cái hay cái đẹp “(tr.199) “ Chưa có nơi nào học đại học dễ như ở Việt nam. . .các sinh viên giám đốc lo tiền phong bì, tiền bia và xe đưa đón. Các giáo sư lo chấm bài theo tinh thần đào tạo chuẩn hoá cán bộ đương chức của cấp uỷ địa phương “ (tr213) .Một thời mà những người như “ bà Duân từ mặc váy lên bà phu nhân đại sứ. Chắt Khởi từ anh câu ech lên ông bí thư. Còn anh từ. . .từ lên địa chủ , à quan lên giám đốc “( tr217) . Cái thời như thế Nguyễn Thanh trì tìm đâu được tri âm tri Kỷ ! Đó cũng là cái thời chúng ta đang sống .

Ốc Mượn Hồn gửi lại người đọc một “ bản di chúc lạ lùng nhất trên cõi đời “, không phải di chúc của đại tá Đạt người chọn cái chết để tìm sự sống , mà là di chúc của người lính , dù dày dạn chiến trường nhưng lai “ khó thích ứng với hoàn cảnh dân sự “ ( tr.236) , nơi mà ở đâu “Máu cục bộ địa phương thì nơi nào cũng có, nên rất khó hào nhập thoải mái “ ( tr.236).Anh Đạt đã cay đắng thốt ra “ Mình đi khắp xứ Đông Dương, bây giờ mới thấm thía thê nào là dân ngụ cư “.
Nhưng anh chết không phải vì không hoà hợp được với địa phương mà vi chuyện hoá giá căn nhà đang ở. Những lòng vòng về giá nhà đất , về thủ tũc hoá giá khiến cho Đạt không thể nào có tiền trả đủ cho hội đồng hoá giá , dù anh đã “ lôi cả ông bố thời Nam tiến “ là liệt sĩ dậy cũng không đủ tiền. Luật quy định : người thừa kế được giảm thuế. Thế là anh chọn cái chết để người thừa kế là Lân được hưởng miễn giảm thuế ( thực sự Lân chỉ là đồng đội , không phải con , nhưng trong di chúc anh gọi Lân là con nuôi ). Quả thực cái cơ chế thị trường ác nghiệt, cái cách tính thuế quái gở, cái cách đối xử lạnh lùng tàn nhẫn đã giết chết anh Đạt. Anh không chết vì súng đạn kẻ thù ở mọi chiến trường khắp Đông Dương nhưng phải chết đứng trong căm uất . Chết để giữ lấy những giá trị đẹp đẽ của người lính. Người ta tính toán xương máu của người lính với cái giá thật đau lòng . Anh Đạt đã nỗi khùng :“ Người ta liệt sĩ 12 triệu , bố tao liệt sĩ có một triệu thôi à?’ (tr238 ) phải chăng đó là cái “ lẽ đời “ như di chúc anh Đạt viết “ các con . Bố là lính , coi như bố hy sinh ở chiến trường. Đừng nhận tiền phúng điếu. Lẽ đời có lúc phải biết từ chối . . .” (tr.240) . Biết nói gì khác hơn với cuộc đời ! Sẽ chẳng ai trong chúng ta đồng ý với anh về một lẽ đời như thế . Nhức nhối tim gan lắm !. “ Cầu chúc anh yen giấc ngàn thu “ (tr240)

Cây Sầu Riêng Tứ Thời cũng là cái chết đứng nhưng là cái chết âm thầm, câm lặng. Nước mắt dấu hết vào tim. Chồng chị Tư Trang hy sinh lúc chị đang mang thai. Để che dấu nỗi đau mất chồng chị phải chịu đựng nỗi oan nghiệt chửa hoang với lính nguỵ. Chi bí mật nuôi dấu cán bộ ngay dưới giường đẻ của mình. Hoà bình lặp lại, chị có con với người cán bộ năm xưa ( anh Bảy ) bây giờ là bí thư huyện uỷ. Để bảo vệ uy tín cho người cán bộ sắp bước vào kỳ bầu cử, chị xin thôi việc về làm vườn. Chị còn đưa thêm cho ngưới cán bộ ấy hai cây vàng để cứu danh dự của anh khi vợ anh chơi hụi bị bể. Trong chiến tranh chị đã hy sinh, giờ đây, chị lại tiếp tục hy sinh để bảo vệ Đảng. “ Đảng cần Anh. . .Nghĩ mãi, chị quyết định bỏ hết về nhà để cho anh được ven toàn. . .ngày trước chị đã chịu một lần rồi, giờ thêm một lần nữa cũng ráng thôi “( tr249 ) Đã đành là tình nghĩa là hy sinh như chị Tư nói “ Chồng người ta nhưng là cha của con mình. Đời chị thấy người mình thưong cực, mình không đành “ ( tr250).Nhưng vấn đề không chỉ mãi mãi là chịu đựng và hy sinh . . .

Nhị Độ Mai là sự chọn lựa một thái độ sống , cuộc sống thời mở cửa. Ba người bạn, Đức vượt biên đi tìm thiên đường trên đất Mỹ, Phước đi buôn làm giàu, người lảm thầy giáo nghèo đầy dẫy những mặc cảm thua kém về vật chất. Chân lý của mỗi người là gì ? Đức đi Mỹ mất tất cả. Tuy làm giám đốc một hãng điện tử chuyên chế tạo phần mềm vi tính nhưng anh đã trở nên như một robot, anh “ tập nhịn nói, càng nhịn càng thấy khoẻ “ ( tr257 ) đến nỗi gần như không còn giao tiếp dược với người. Phước buôn bán, làm đại diện cho một công ty dược phẩm lại mắc bệnh nói nhiều, bệnh nhậu và thèm gái, khách sạn nào anh cũng có bà xã đang chờ. Anh nhà giáo được cho là may mắn “ vì mày còn có hai đứa con. Phải lo cho chúng. Chúng là thế hệ tương lai, còn thế hệ ta coi như đồ bỏ “ ( tr260 ). Mỗi người sẽ phải chọn lựa thế nào đây trước cuộc đời trăm ngả, đâu là chân lý ? Có thể những lý giải của Nguyễn đức Thọ chưa thật thuyết phục nhưng vấn đề anh đạt ra làm người đọc phải suy nghĩ về thái độ chọn lựa của mình. Nguyễn đức Thọ đã chọn lựa đứng về phía dân tộc, về phía thanh cao về phía ánh sáng của sự thanh khiết và lòng nhân ái.

Nhưng Người Cùng Làng vượt biên, anh cu Chày, khi trở về nước không phải là một robot. Anh ta là việt kiều yêu nước hẳn hoi, chi tiền cho xã làm bữa chén đón việt kiều về nước đề xuất kế hoạch xây dựng lại quê hương, xây trạm xá để thực hiện kế hoạch hoá. Nhưng anh việt kiều ấy là ai ? Anh cu Chày, vừa là việt kiều, vừa là liệt sĩ. Thời nào cũng được tôn vinh, thực chất anh thuộc dòng họ Dương, dòng họ nổi tiếng vì có cái” chày “ thuộc loại đặc biệt. Anh đi bộ đội vì bị đẩy đi. Bởi vì để anh ở nhà “ Nó như con trâu đực đến kỳ xỏ ú rồi. Để ở nhà không yen tâm…Không khéo nó làm chị em vợ bộ đội chửa hoang thì nguy “ ( tr272 ) Tin báo Chày hy sinh làm người ta thở dài lẩm bẩm “ thằng này chết vì gái “ ( tr273). Cuộc đời đưa đẩy. Nhóm người cướp tàu vượt biên bắt được Cu Chày định ném xuống biển. Anh được một phụ nữ cô đơn giàu có cứu. Vì anh là “ tên Việt Cộng hiền lành đẹp trai có vóc dáng thật lý tưởng “. Anh trở thành Việt kiều, giàu có, sòng phẳng. Về nước Cu Chày xin trả lại số tiền chế độ trợ cấp liệt sĩ bấy lâu ,việc đã rồi cho qua.” Liệt sĩ là liệt sĩ, Việt kiều là Việt kiều “. ( 277) .Phải chăng đó là “ chuyện cổ tích cá chép rùng mình vượt Vũ môn để hoá rồng “( 278) ? Người ta bất cẩn lầm lẫn đến như vậy sao ? Phải chăng một thời đại mà những kẻ nhố nhăng như chuyện anh Cu Chày lại được tôn vinh. Hay thời đại đã phong tước cho những kẻ như vậy ?

Đền thờ An Dương Vương được Nguyễn Đức Thọ gọi là Đền Thờ Nước Mắt. Nơi ấy không chỉ an nghỉ những cuộc tình oan nghiệt nhưng truyện còn làsố phân những con người thấp cổ bé miệng bị lưu đày bị làm nhục. Những quyền lợi vị kỷ, những hư danh, những nguỵ biện những phân biệt giai cấp và những thành kiến muôn thuở đã đẩy những lứa đôi yêu nhau đến bờ vực nước mắt. “Côi có mẹ theo trai, cha nó là tên đào ngũ vượt tuyến vào Nam. Ngày xưa bà ngoại nó cũng theo trai. Nòi nhà nó không đàng hoàng “( 283) vì thế Côi không có quyền yêu Nương. Còn Nương, dù yêu Côi nhưng Nương bị ép gả cho con bác chủ tịch. Chồng cô tốt nghiệp kỹ sư ở Liên xô nhưng chạy theo mốt bỏ vợ quê tìm vợ Hà Nội, đang tâm bỏ Nương chỉ vì cô không sinh con trai. Kết thúc truyện “ đúng là một ngày tệ hại nhất cuộc đời “( tr295) . Sau lần gặp lại Côi, Nương cùng với hai con uống thuốc ngủ rồi đổ xăng tự thiêu. Nước mắt hết một đời bà ngoại Côi, nước mắt một đời mẹ Côi, tủi nhục thân phận Côi và oan nghiệt một đời của Nương. Những điều ấy bởi đâu ? chẳng lẽ “ do ma quỷ xui khiến , do tiền oan nghiệp chướng” ( tr295) hay do sự linh thiêng của ngôi đền( tr.283) ?không , do con người tất cả, do cái giòng đời xô đẩy . Nguyễn đức Thọ gọi đó là “ cuộc sống xoay vần con người theo ý muốn của số phận “ ( tr276) hoặc có lúc anh bàng hoàng “thì ra con người có số mệnh.chẳng ai chống lại được số mệnh” ( tr177). Đấy chỉ là một cách Nguyễn Đức Thọ tránh không nói thẳng ra những cái ác đang tồn tại trong cuộcđời.

Điểm qua một số truyện trong tập Hồi Ức Làng Che, ta nhận ra điều này, Nguyễn Đức Thọ là nhà văn của lòng nhân ái. Anh không nói trực diện đến cái ác. Trong các truyện của anh không có nhân vật kẻ thù. Anh không viết truyện theo mô típ ta-địch, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Anh cũng không xây dưng truyện theo mô tip đấu tranh nông dân- địa chủ ap bức, bóc lột . Anh cũng không phơi bày những mưu mộ tiêu diệt được điều khiển bởi ác tâm.Trên cái nền của những bi kịch thưong tâm, truyện của Nguyễn Đức Thọ là lòng yêu thương con người sâu thẳm. Lòng yêu thưong đạt đến chiều sâu tâm linh, chiều dài thời gian của nhiều giai đoạn lịch sử và bề rộng vượt qua những định kiến máy móc những giả trá bao biện, những thủ đoạn đa đoan và những nỗi sợ hãi vô hình. Anh nhắc lại nhiều lần trong nước mắt “ Người của người ! người của người “.yêu thưong và nhân ái. Dân tộc này là vậy.Thời gian sẽ qua đi, sự vật sẽ qua đi, nhữ biến động của thời đại sẽ qua đi. Những cuộc bể dâu rồi cũng qua đi. Cái chân lý ở đời là tình nghĩa là gìn giữ nhữ giá trị làm người nhân nghĩa. Làm khác đi là ác là tiêu diệt con người.Thương làm sao những Người của ngày xưa, Người trong cổ tích, Người ở miệt vườn.Thương làm sao Bóng Dáng Những Người Yêu Nhau , những người phụ nữ đi qua chiến tranh như Chất, Ut mai, chị Tư Trang. Thương làm sao những người lính mà cuộc sống của họ trong veo , chân chất nhiệt thành như cậu Miền , Trung tá Đạt , Chính , và biết bao ngườiđã hy sinh . Thương tâm lắm những con người bị chôn sống như lão Câm, những người chết đứng như Đạt , chị Tư Trang những oan nghiệt của Nương. . .

Nguyễn Đức Thọ kể những câu chuyện bi kịch nhưng anh không khai thác tính bi kịch , cũng không khai thác tính phê phán, mặc dù anh có dư tài năng để đạt tới nhữ giá trị đặc sắc, điều ấy nhiều người đã viết.Truyện của anh có cả bi lẫn hài. Cái bi là bản chất của số phận nhân vật, là cốt lõi lòng nhân ái trong tác phẫm cùa anh. Còn cái hài là cách anh chỉ ra những lố bịch của cuộc sống , là cách anh ném những cái thối tha vào mặt cái ác, nhưng cũng là những nục cười bao dung , nụ cười vượt lên cái bi thương, nụ cười giúp cho cái bi kịch thăng hoa, để rồi người đọc chiêm nghiệm nhận ra những gì là giá trị ben vững của cuộc đời. Điều mà anh cố đạt đến là tìm ra đâu là chân lý để tồn tại, đâu nà nguyên nhân mọi nỗi oan khiên đâu là lối ra cho mọi kiếp đau thương , đâu là cái lẽ đời nhân ái. Những điều ấy được khai phá trên cái nền hiện thực rộng lớn, phức tạp, biến động, xoay trở, nghiệt ngả, suốt từ thời Nguyễn Thái Học đến thời cơ chế thị trường. Quả thục Nguyễn Đức Thọ đãhướng tâm thức của mình vào những vấn đề lớn của thới đại . Truyện của anh sẽ còn lay động tâm thức của nhiều thời đại. Đọc văn anh , người đọc như được nhắc nhở “ Người của người “, “ thương tâm lắm”, “ trên mặt đất này ân oán còn nhiều tơ vương lắm “. Sẽ còn nhiều hy sinh ngay trong cuộc sống bình yên như anh Đạt, chị Tư Trang. Sẽ còn nhiều chao đảo như kiểu liệt sĩ biến thành việt kiều yêu nước. Sẽ còn nhiều tính toán như đã tính toán liệt sĩ một triệu đồng, sẽ còn nhiều tan nát, đập phá những cảnh lên voi xuống chó, những kiếp người bị chôn sống và những nổi buồn, nỗi buồn Giao Chỉ. . . .

Bản lĩnh của ngòi bút Nguyễn Đức Thọ là ở sự thăng hoa của những bi kịch. Nếu không có bản lĩnh , khi viết những bi kịch, ngòi bút nhà văn dễ nghiêng về phê phán, mai mỉa, uất ức. Đã có lúc người ta cho rằng những trang văn của giai đoạn vừa qua là những trang văn của sự sám hối, thậm chí có cả khuynh hướng phủ định quá khứ .Tôi nghĩ đó là sự trầm luân của tâm thức và là sự non yếu về bản lĩnh cửa người cầm bút. Nguyễn đức Thọ viết về những nỗi bi thương , những thân phận bị vùi dập những cái lố bịch của cuộc sống, kể cả những cái ác những nhẫn tâm, những nỗi sợ hãi vô hình . Nhưng âm hưởng toàn bộ các sáng tác của anh là sự thăng hoa của những nỗi đau.

Anh không trách cứ ai, không đổ lỗi cho ai. Anh chiêm nghiệm, suy gẫm, thoát khỏi khỏi trầm luân, thanh thản, nhẹ nhàng. Nhân vật của anh hiểu sâu sắc bản chất của cuộc sống, vượt qua bi kịch và sống chính cái sự sống quý giá nhất là lòng nhân ái. Chị Tư Trang không phiền trách anh Bảy, vẫn tiếp tục hy sinh giữ gìn cho anh. Anh Đạt để lại những dòng tdi chúc thật thấm thía “Giờ chết đi tôi hoàn toàn thanh thản. Không băn khoăn oán trách một điều gì và với bất cứ ai “ ( 240) Ông Thuộc 21 năm ngày Bắc đêm Nam, lâm phải bi kịch ông ngồi thiền trong một cái cốc nhỏ. “ ông oà khóc thành tiếng. Một ông lão tu hành vướng duyên nghiệp trần thế còn quá nặng mà khóc thì đó là điều kinh hoàng nhất của kiếp người “ ( tr19). Phải chăng sự thăng hoa đã đạt đến cõi thiện hảo khi Chính được coi là ông Phật sống ? ( tr37). Mẹ của Tộ đã viết cho Thư “ Người ra trận xưa nay không về cũng là chuyện thường tình. Bác đã từng một đời dang dở . Chắc cháu hiểu lòng bác” (57) bà mẹ goá phụ tử sĩ ấy đâu có muốn một người con gái, dẫu là con dâu phải chị cảnh goá phụ tử sĩ như mẹ. Cậu Miền xin ra Đảng vì không tài nào chịu đựng nổi lối sống cường hào của đám cán bộ địa phương ( tr90) nhưng cậu quyết giữ lai tấm huy hiệu Bác Hồ đã gắn cho cậu . Cậu kiên định “ trên đời này nhớ mời sư thầy đến tụng kinh nghe Vũ “(tr108) . Lão câm bị chôn sông vì bị nổ mìn đá đè, vậy mà lại rất linh thiêng độ trì cho thợ đá. Lão có oán thù , trả thù gì đâu! Bà ba Cỏn nói lời thật cảm động khi Mai xin má thương cháu , con không cha , và đừng hỏi cha đứa bé là ai :” Mày nói cái gì nghe kỳ cục ! cá đìa người nhảy vô đìa ta là cá ta , con à “ . Lão Trạch nói những lời thương quá khi tiễn chân Nhọi Đức “ Tao thương mày , thôi mày đi con ạ. Chân cứng đá mềm, van sự bình an. Nhà người ta có vài ba thằng, nhà mày có một, đi nhớ giữ gìn, thủ thân vi đại. Tội nghiệp mày , mày đi. . .”.

Cứ như vậy bao nỗi oan khiên, bao bi kịch, bao nước mắt bay lên cõi sáng láng của lòng nhân ái , một lòng nhân ái thanh khiết của những con người thanh khiết, chẳng cần phải thành Phật, cũng không cần ngồi Thiền hay cầu kinh. Đây chính là chỗ đặc sắc nhất của ngòi bút Nguyễn Đức Thọ mà ít ngòi bút có được. Ngòi bút của anh như thanh gươm sắc bén tung hoành giữa Trận Đồ hùng vĩ và bi tráng( tr111) , nhưng thanh gươm ấy lại không hề gây thương tích cho ai, cũng không hướng đến một đối thủ nào , mà thanh gươm ấy toả hào quang ngọc bích, vang lên những khúc ca thiên thần và chữa lành những nỗi bi thương của một thời.Tôi yêu những giá trị ấy .

Trong những tác giả truyện ngắn hiện nay, Nguyễn Đức Thọ đạt đến nhữ đặc điểm nghệ thuật có phong cách riêng . Truyện của anh phát triển nhanh, đọc với tốc độ nhanh, tốc độ của nhịp sống hiện đại. Anh dẫn truyện rất có duyên. Đôi khi chỉ là một cuộc gặp gở, với vài ba câu nói vui , anh cũng dựng được một truyện ý vị ( Nhị độ Mai ), có khi hiện thực cuộc sống cực kỳ phức tạp, anh lại viết rất mạch lạ. Trên cái nền khô khan của những tranh chấp đời thường, anh xây dựng một chuyện tình thấm thía ( Hồi Ức Làng Che ) Có những chuyện thật khó nói thành lời nhưng anh lại nói được bằng sự im lặng , như tiếng đàn tỳ bà “ thử thời vô thanh thắng hữu thanh “ ( Mùa Trái cây - Cây Sầu Riêng tứ Thời ) Lại có những chuyện như nhưng thông điệp ngụ ngôn gửi cho những ai tri kỷ ( Nỗi Buồn Giao Chỉ - Đền Thờ Nước Mắt ) .

Màu sắc thẩm mỹ các truyện của anh cũng thật phong phu. Có lúc người đọc phải cười to lên mới cảm nhận hếtnhững ý vị của câu chuyện, nhưng lại giật mình về điều mình vừa cười ( Người Cùng Quê, Hồi Ức Làng Che - Oc Mượn Hồn . . .) . Đọc văn anh , có lúc người đọc cứ lo cho anh, lỡ anh nói quá đà, không kịp giữ gìn thì.. . ( Nỗi Buồn Giao Chỉ - Người Cùng Làng ) .Truyện của anh vừa có cái không khí ồn ào sôi nổi bi tráng của hiện thực, lại có cái thi vị của những tâm hồn thanh khiết yêu nhau. Có cái mộc mạc trần tục rất đỗi trần tục ( anh Cu Chày ) lại có cái hư ảo linh thiêng sững người ( Đền Thờ Nước Mắt ). Có cái thâm thuý chêt người lại có cái hồn nhiên thánh thiện ( Nỗi Buồn Giao chỉ- Người Của Người- Người Của Ngày Xưa )

Ngôn ngữ truyện của Nguyễn Đức Thọ vừa mộc, khoẻ,chân chất như chính nhân vật của anh lại vừa sáng trong thanh tú như chính sự thăng hoa của những bi kịch cuộc đời. Có lúc tôi đã săm soi xem trong từng câu chữ của anh có những gì mà bút lực mạnh mẽ như vậy, lôi cuốn như vậy . Tôi thấy sự mộc mạc, chân chất của câu chữ, nhưng đàng sau đó là một lối tư duy hết sức sắc xảo. Trong truyện của anh có hai giọng nói thật mạnh mẽ , thật ấn tượng .Tôi cho rằng đó là tiếng nói tiêu biểu của thời đai. Tiếng nói mộc, khoẻ, chân thành, thấm thía của những con người chân chất như Lão Trạch, Lão Câm, bà Ba Cỏn, Má hai Phấn, cụ cố Tiệu, Học Trị. Đó là tiếng nói chân lý của nhân dân trên những biến động lớn lao của thời đại .Và tiếng nói thâm thuý ,sắc bén như những miếng võ rất hiền nhưng công lực của nó lại có thể chết người. Tiếng nói của ông nội Vũ , của Cụ Tú Trần Viên. Đó là tiếng nói thẳm sâu của tâm thức thời đại . của kẻ sĩ nghìn năm văn vật . Anh cũng đặc biệt thành công ở kỹ thuật viết những đoạn đối thoại Nhân vật của anh nói năng tự nhiên như được ghi âm trực diện .hết sức bất ngờ, thú vị . Anh không sở trường về miêu tả tâm lý nhưng nghệ thuật miêu tả ngoãi diện vẫn giúp anh thể hiện được nội tâm nhân vật. Tôi thích những các ăn nói bỗ bã của người lính, cách nói bộc trực nam Bộ, cả cách nói băm bổ của lão Trạch .

Nhân vật của anh có cá tính quyết liệt có hành đông quyết liệt. Ngưởi đọc sững sờ khi lão Câm chém một nhát đứt đôi hai kẻ gian phu dâm phụ. Người đọc cũng kinh hoàng khi Nương cùng ba đứa con uống thuốc ngủ rồi tự thiêu .đúng là một ngày kinh hoàng đối với những người phụ nữ hiền lành ấy. Oan nghiệt thay. Cái chết của anh Đạt củng quyết liệt, bi tráng như vậy . Nguyễn Đức Thọ thường kết thúc truyện với những tình tiết bất ngờ, khiến cho truyện trở nên thực sự hấp dẫn hấp dẫn, tư tưởng, chủ đề phát toả những năng lượng làm cân não và tâm can người đọc bỗng cồn cào không nguôi. Nỗi bâng khuâng day dứt tâm hòn người đọc mãi.Những ý tứ còn đọng lại thật thâm trầm, nó gơi cho người đọc về những bài học nhân thế trong một thời đại mà “ chiến tranh cũng đã làm đảo loan tất cả mọi sự đời “ ( tr.53)

Nhân vật nữ trong truyện của anh cũng thật đẵc sắc. Họ đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn, như anh nói : đẹp như tiên sa.Họ giáu sức sống , giàu tình nghĩa nhưng tất cả đều lâm vào những bi kịch. Có khi đó là bi kịch thánh thiện ( Ngàn, Rớt ), có khi đó là bi kịch oan nghiệt (Nương , Xuân, Nhài ) Cũng có khi đó là những bông hoa tím ngát trên cái nền đỏ thắm (Mai, Chất, Tư Trang). Tất cả đều khao khát được sống hạnh phúc, đều hết sức giữ gìn những giá trị quý giá của cuộc sống, nhưng tất cả đều không với tới được những mong ước rất đỗi bình thường ( Chất mong có con với chồng. Nhàn mong được nghe Chính nói một lời yêu thương, Chị Tư Trang mong con mình có cha như mọi đứa tre khác. . . ) Dẫu vậy, họ không hề than thân trách phận hay oán trách bất cứ ai. Họ chắt chiu giữ gìn tất cả những gì có được vì đó chính thật là giá trị nhân bản. Bà Ba Cỏn nói với con khi bồng cháu ngoại không cha : “ cá người nhảy vô đìa ta là cá ta, con à ! “ ( tr146 ) .Những nhân vật ấy đều rất đậm những phẩm chất truyền thống nhưng cũng rất mới mẻ mà những nhân vật trước đây như Chị Sứ ( Hòn Đất ) Chị Ut Tịch ( Người mẹ Cầm Súng ) chưa hề có. Chị Sứ, chị Ut tịch không lâm vào bi kịch đau thương, Các chị chỉ phải đối mặt với kẻ thù tàn bạo. Từ đó thể hiện hết các phẩm chất ” anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang “ Những nhân vật nữ của Nguyễn Đức Thọ được xây dựng không phải để thể hiện những phẩm chất ấy , nhưng họ phải đối mặt với bi kịch của chính mình ( Tư Trang tự chọn thái độ đối với anh Bảy - Chất đối diện với Mai cả hai đều không có cái mà người kia có nhưng không thể hoà hợp hay trao đổi. . .)

Tôi nghĩ Nguyễn Đức Thọ không phải “ hồi hộp lo âu trước các bậc khả kính “ :những nhân vật của anh như chị Tư Trang , cô Ut Mai, Má hai Phấn, ông Bảy Công, ông Đậu Trạch . . . dù có bị những nguyên mẫu này “ đòi hỏi, trách móc, la lối khi anh làm lệch lac, méo mó, biến đổi hình hài gương mặt họ “( Đàm Chu Văn - Đồng nai 11/12/99 ) . Sáng tạo là hư cấu. Nhà văn chỉ mượn hình hài vóc dáng, câu chuyện của nguyên mẫu, rồi nhào nặn lại theo lý tưởng thẩm mỹ của mình để thể hiện tưtưởng của mình. Vì thế nhân vật văn học không bao giờ là bản sao tự nhiên chủ nghĩa của hiện thực.

Nhân vật của Nguyễn đức Thọ chuyên chở được những chiêm nghiệm của anh trước những bi tráng của lịch sử, những đau đớn vật vả giàn giụa nước mắt của anh khi phải chứng kiến bao cảnh thương tâm , để từ đó thông điệp anh nói với thời đại là những thông điệp lớnvề lòng nhân ái , về những giá trị nhân bản , về những lẽ đời giàu nặng ân nghĩa,từ đó mà đời sống vượt lên trên cái bi kịch , để những đau thương mất mát hy sinh thăng hoa thành những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống hôm nay. Nhân vật của anh lớn hơn nguyên mẫu vì những giá trị đó. Thực hiện được những giá trị đó chính là tài năng vủa Nguyễn Đức Thọ. Tôi không bao giờ nghĩ Nguyễn đức Thọ làm méo mó hình hài gương mặt nguyên mẫu của mình để đến nỗi bị trách móc la lối như Đàm Chu Văn đã chia xẻ với anh.

Tôi cũng không nghĩ những nhân vật những vấn đề anh viết là của ngày hôm qua “ Bạn đọc và những người của ngày hôm nay có quyền đòi hỏi đâu là những nhân vật của ngày hôm nay, đâu là những vấn đề của ngày hôm nay mà nhà văn quan tâm “ ( Đàm Chu Văn ).Sự thực nhân vật và những vấn đề trong tuyển tập Hồi Ức Làng Che anh viết là để cho ngày hôm nay, Nó vẫn đang thực sự day dứt trong lòng người đọc hôm nay. Tôi nghĩ sẽ còn phải mất nhiều chục năm nữa những vấn đề Nguyễn đức thọ nói đến trong tập truyện này mới có thể trở nên sáng tỏ trước công luận, và ngay cả đến lúc đó, thì những chiêm nghiệm thế sự Nguyễn Đức Thọ đặt ra vẫn lấp lánh những sắc màu riêng của anh. Chẳng hạn về những nỗi sợ hãi vô hình cứ treo lơ lửng trên đầu, hoc nỗi buồn mà anh gọi là Nỗi Buồn Giao Chỉ chắc ai trong chúng ta cũng hiểu nhưng không dễ gì nói ra, cũng không cần nói ra vì nó ở tận đáy sâu tâm hồn mỗi người, hoc những ấu trĩ của một thời và nhiều ấu trĩ khác giờ đọc lại cứ ngỡ như là đùa nhưng thực sự đau đớn thấm thía. Hồi Ức Làng Che là của ngày hôm nay, cho người đọc hôm nay, và cả mai sau.Tôi nghĩ nhà văn chỉ cần viết thật hay những gì mình tâm đắc, những gì là chính máuthịt xương tuỷ của mình. Nhà văn không cư phải chạy theo những gióng trống mở cờ, ồn ào hời hợt, để rồi nhìn lại chỉ thấy nhạt nhẽo vô vị.Văn Nguyễn Đức Thọ không phải như thế .

Văn anh là tâm huyết của anh, một phong cách đậm chất dân gian. Không chỉ những câu chuyện anh kể được chắt lọc từ chính đời sống của nhân dân, mà người đọc như tìm thấy lại cái không khí của nhiều chuyện dân gian trong cách kể, trong tính cách nhân vật, trong cái cười vừa tục vừa hồn nhiên lại vừa thâm thuý. Đó là chỗ độc đáo riêng anh, là cái giọng của riêng anh, cái chất của riêng anh, không khác đi được, dẫu anh có “ muốn vượt lên chính mình “. Tôi nghĩ anh nên tô đậm cái chất độc đáo ấy thêm lên, sâu hơn, sắc hơn, thâm thuý hơn, hồn nhiên hơn, bỗ bã hơn, thanh khiết hơn, duyên hơn, tri kỷ hơn, dù biết rằng “ kẻ sỹ bất phùng thời không tìm được người tri âm . . .” ( tr220 ). Thân phận nghệ sỹ là vậy. 15 truyện ngăn anh chon trong tuyển tập này mà anh gọi đùa là 15 cái vé của một xuất Kiều . Tôi hiểu anh đã phải sống hết một thời trai tre với bao thăng trầm thế sự , lăn lộn trong những biến động lớn lao của thời đại, đau đớn với bao nhêu kiếp trầm luân vắt cạn kiệt hết máu và nước mắt từ trái tim mình, anh mới có thể viết được như vậy. Làm sao anh có thể sống một thời như thế nữa để lại làm nen 15 cái vé của một xuất Kiều thứ hai. Tôi nghĩ những truyện trong tuyển tập này đã đủ tạc nên một Nguyện đức Thọ độc đáo trong văn chương Việt Nam đương đại

Trước đây , đã có lần tôi thử phác thảo chân dung Nguyễn Đức Thọ qua tác phẫm của anh , tôi thấy anh lạ lắm. Bên ngoài anh nói cười oang oang hồn nhiên, có khi băm bổ, đùa nghịch không ai bằng ( Hai Tín đè người Ba Nghã lòn tay sờ háng bạn (tr68) , anh cu Chày cho bọn con nít treo giỏ cua lên “của quý” của mình ( tr271) . Học Trị tát yêu” thằng em” thò ra ngoài quần ( tr187)…) nhưng rồi, trước những bi kịch trước những đớn đau số phận anh đẫm nước mắt có lúc khóc oà lên ( nước mắt tôi trào ra, tôi khóc lặng người tr23.) , khuôn mặt anh cười như mếu.

Trong tuyển tập này, tôi thấy chân dung Nguyễn Đức Thọ đã sáng hơn nhiều, khuôn mặt anh thanh thản hơn, giọng nói của anh trầm hơn, sâu hơn, hiền hậu hơn thăng hoa hơn. Anh đã đạt đến sự trọn hảo của một phong cách độc đáo - một cây bút kế tục được những thâm thuý của ngàn năm văn vật nhưng lại có đươc tốc độ nhanh của cuộc sống công nghiệp hiện đại. Có lúc anh nhìn về phía trước mà ái ngại :‘ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh “ ( tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ ). Tôi hiểu anh đã đi đến chỗ tận cùng cái nghiệp văn chương . Anh khao khát sáng tạo những cái mới hơn, hay hơn, lớn lao hơn, độc đáo hơn, nhưng đường càng đi, càng thăm thẳm, thời gian càng ngắn lại mà lực lại bất tòng tâm.Tôi nghĩ người nghệ sĩ khi đã góp được cho đời những bông hoa hương sắc thì đó là cái gì rất quý giá rồi. Cuộc đời sẽ là một vườn hoa lớn đầy màu sắc tuyển tập Hồi Ức Làng Che đủ đóng góp cho đời một chùm hoa mà hương sắc của nó sẽ còn thơm mãi.