CÂU CHUYỆN PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG
Bùi công Thuấn
Năn 2012 đã trôi vào vĩnh cửu. Mọi chuyện đã trở thành dĩ vãng. Nhìn lại câu chuyện phê bình năm qua trong tâm thế đón chào mùa xuân mới đang về, cái nhìn của chúng ta có thể sẽ trong sáng hơn, bao dung hơn và lạc quan hơn, và biết đâu chúng ta học được điều gì đó từ năm cũ.
CHUYỆN ĐÌNH ĐÁM NĂM NHÂM THÌN
Chuyện đình đám nhất là hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đến dự hội thảo có đông đảo các cấp đạo của Hội Nhà Văn và Hội đồng Lý Luận phê bình VHNT trung ương. Một cuộc hội thảo thật “hoành tráng” về một hiện tượng “thơ thần”, có thể đề cử giải Nobel văn chương. Có đến mấy chục tham luận của các bậc khoa bảng. Không ngờ dư luận phản đối kịch liệt. Nguyễn Minh Tâm đưa chứng cớ đối chiếu kết luận Hoàng Quang Thuận sao chép nguyên văn cuốn “Chùa Yên Tử, Lịch Sử - Truyền Thuyết Di Tich và Danh Thắng” của tác giả Trần Trương. Thế là mọi sự đã rõ. Thường trực BCH Hội Nhà Văn đã phải họp rút kinh nghiệm về chuyện này (1). Thực ra có thể thông cảm, bởi vì nếu chỉ đọc những bài thơ của Hoàng Quang Thuận mà không đối chiếu với“Chùa Yên Tử, Lịch Sử - Truyền Thuyết Di Tich và Danh Thắng” thì người ta rất dễ ngộ nhận. Thế nhưng trong chuyện này, người ta đã dùng lý luận và phê bình văn học cho những mục đích ngoài văn học, và tạo thêm tình trạng “loạn” trong phê bình văn học hiện nay.
Trái ngược với sự ồn ào trên là tình trạng yên ắng đáng ngạc nhiên ở những tháng cuối năm, khi hầu như các trang mạng văn chương, nơi diễn ra những tranh luận văn chương nảy lửa, bị hacker đánh sập. Trang web lethieunhon.com, bị đánh sập hoàn toàn. Khi nương nhờ vào Google, thì trang web này không còn là diễn đàn nóng nữa. Trang web của nhà văn Trần Nhương, trannhuong.com, bị đánh sập nhiều lần, mãi mới khôi phục được, cũng không giữ được độ nóng thời sự văn học trước đó. Có lẽ mọi người đã ngộ ra rằng, web hay blog văn chương trên net chỉ là trò chơi, một cuộc chơi, còn đấy, mất đấy, chẳng có gì bảo đảm cho một sự nghiệp lâu dài. Và người ta có thể “xóa xổ” anh được bất cứ lúc nào. Yahoo công bố đóng cửa blog của họ và 17.1.2013. Không biết có bao nhiêu người chơi blog kêu trời về việc này. Vâng, đành vậy. Khi cuộc chơi không còn có lời thì người ta đóng cửa thôi. Văn chương là cuộc chơi.
Nhất là cuộc chơi của người trẻ và của người có tiền. Bởi thế năm con rồng không còn ồn ào những thơ trẻ, văn trẻ như những năm 2005. Lúc ấy trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Người viết văn làm thơ trẻ đua nhau phát ngôn gây sốc. Nhưng đến nay còn lại những ai, và còn ai tiếp tục khám phá sáng tạo?hay những người trẻ đã lặp lại mình và trở thành già? Ngay như Nguyễn Ngọc Tư, cuốn sách mới nhất của cô, tiểu thuyết đầu tay Sông, cũng không gây được tiếng vang nào ngoài những lời quảng cáo. Có người còn tổ chức những buổi phát hành sách rầm rộ, cả ngoài Bắc trong Nam, nhưng sách thì chìm vào im ắng. Nguyễn Huy Thiệp với Vong Bướm cũng không còn là Nguyễn Huy Thiệp được vồ vập cách đây hơn 20 năm nữa.
CÁNH CỬA HẸP
Người ta hay nói phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương. Nhận thức này hàm chứa những điều gì? Phải chăng cứ mỗi cuốn sách văn học được in ra thì nhà phê bình phải bám lấy ngay để viết bài phê bình? Điều này là không tưởng, bởi số tác giả của Hội Nhà Văn có hàng ngàn, mà số nhà phê bình chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì dù có muốn cũng không thể làm được. Như thế mãi mãi phê bình đi sau sáng tác. Vấn đề là những cuốn sách được in ra đó có gì đáng đọc hay không? Hay chỉ mất thì giờ của người đọc? Bởi ngay cả sách của những tác giả đã có nghề, chưa hẳn đã hấp dẫn nhà phê bình, nếu cuốn sách ấy không mới.
“phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương” có phải là do nhà văn Việt Nam quá tiên phong, quá mới về tư tưởng nghệ thuật, tác phẩm văn chương VN quá sâu sắc về tư tưởng và mới mẻ về phương thức thể hiện, khiến cho nhà phê bình không đủ tầm để đọc? giống như tình trạng phê bình văn chương ở VN đối văn học Hậu Hiện Đại thế giới chăng? Điều này còn lâu lắm văn chương VN mới đạt đến. Văn chương VN không có tư tưởng, nhà văn VN không tự sáng tạo ra bất cứ một trường phái nghệ thuật nào (ngoại trừ bắt chước học theo những trào lưu nước ngoài). Những cái gọi là thơ Trình Diễn, nghệ thuật Sắp Đặt, chủ nghĩa Siêu Thực, chủ nghĩa Hiện Sinh,Thơ Tân Hình Thức, Thơ Hậu Hiện Đại ở VN thời gian vừa qua… chỉ là bắt chước sống sượng của văn chương nghệ thuật nước ngoài, chưa để lại được tác phẩm nào có giá trị đóng đinh vào tiến trình phát triển của văn học VN. Điều này không thể nói “phê bình văn chương không theo kịp sáng tác văn chương”.
Phê bình văn chương đang ở đâu mà văn đàn im ắng thế? Câu trả lời là ngôi nhà văn chương hiện nay chỉ dành cánh cửa hẹp cho nhà phê bình. Thậm chí nhiều nhà phê bình đã gác bút.
Khi nhà văn hướng về thị trường, hướng về mục đích giải trí, thì tác phẩm của họ, dù có được công chúng cổ vũ, cũng không phải là mối bận tâm của nhà phê bình. Những bài viết nhằm PR cho cuốn sách đã được các nhà xuất bản thực hiện rồi. Vì thế ta không lạ tại sao văn chương trẻ không trưởng thành được, vì nhiểu người coi văn chương là cuộc chơi, viết chơi vậy thôi. Người đọc cũng chỉ đọc để tìm vui, tìm cái lạ, tìm cái thỏa mãn cái tôi. Văn chương ấy không nằm trong sự kiếm tìm của nhà phê bình.
Ở một sân chơi khác, sân chơi Câu Lạc Bộ sáng tác văn chương, tác phẩm được viết ra nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi, và để thù tạc (thí dụ, câu lạc bộ Người Cao Tuổi, Câu lạc bộ Thơ Đường, Câu lạc bộ Thơ Lục Bát, Câu lạc bộ Cựu Chiến Binh…). Ở đây, vui là chính. Không phải là nơi ươm mầm những tài năng. (Tôi không có ý nói thơ văn câu lạc bộ không hay và ở CLB không có nhân tài). Mỗi khi sinh hoạt CLB, tác giả đọc tác phẩm lên, mọi người khen hay và vỗ tay, không cần biết bài thơ có hay thực không, miễn là không khí sôi nổi, hội viên sống vui sống khỏe . Phải nhận rõ điều này, các CLB là phong trào quần chúng làm văn nghệ, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ở môi trường này, nhà phê bình xin chớ “phê”, sẽ làm mất lòng mọi người đấy. Vâng, nhà phê bình cứ vỗ tay cổ vũ theo mọi người. Và nếu được hỏi, thì cứ khen hay, hay lắm, ấn tượng lắm, tình nghĩa lắm, tính tư tưởng chính trị rất cao…
Lại một sân chơi khác là các giải thưởng văn học, cấp tỉnh, cấp khu vực, hay của Hội Nhà Văn. Các cuộc thi này đều có một ban giám khảo gồm những nhà văn, nhà phê bình có uy tín làm công việc thẩm định. Họ căn cứ vào tiêu chí cụ thể để thẩm định, và giải thưởng nào cũng có những mục đích riêng. Khi giải đã được công bố và trao cho người nhận giải, thì nhà phê bình có lên tiếng cũng chỉ là người đứng ngoài. Kết luận của Hội Đồng Thẩm định của giải, nhất định là kết luận đúng về giá trị tác phẩm được trao giải, và tổ chức trao giải có quyền của mình. Người ta có ồn ào về Hội Thề, về Dị Hương hay về kết quả giải của Đồng Bằng Sông Cửu Long, cũng chỉ là để cho có không khí dân chủ và quảng bá cho tác phẩm đạt giải mà thôi. Ngay cả giải Nobel văn chương người ta còn tranh cãi, huống gì một giải quốc gia. Vâng , nhà phê bình độc lập không có chỗ đứng trong sân chơi này.
Còn lại mảnh đất nào cho nhà phê bình ? Tất nhiên là còn khu vực những nhà văn thực sự sáng tạo, những người viết chỉ vì cuộc đời và vì nghệ thuật, những ngòi bút không ngừng tìm tòi những cách viết mới, không ngừng suy tư về những vấn đề của lịch sử và của thời đại. Ở những nhà văn này, viết là một thôi thúc bẩm sinh, một năng lực trời cho. Sức làm việc, sức sáng tạo thật đáng kính nể. Xin đơn cử, nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh (tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội Gạo Lên Chùa), Hoàng Quốc Hải (hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”), Bùi Ngọc Tấn, …Tác phẩm của những nhà văn này, là mảnh đất màu mỡ cho nhà phê bình mặc sức khám phá. Và không phải nhà phê bình nào cũng theo kịp nhà văn để chia sẻ. Để phê bình được Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Tô Hoài, nhà phê bình ít nhất phải có kiến thức lịch sử, văn hóa sánh ngang với nhà văn.
Hoàng Quốc Hải đã viết bộ Nhà Trần 15 năm, bộ nhà Lý 20 năm, với bao nhiêu công sức đi tìm tư liệu. Ông kể :” … việc tìm kiếm tư liệu, trước hết phải dần khai thác các truyện dân gian. Truyện dân gian là sử ngôn vô cùng phong phú. Và nguồn nữa là các gia phả, tộc phả, thần phả, các hoành phi, câu đối trong các đình, đền, chùa cũng nói lên nhiều điều cần thiết. Các bi ký, các kiến trúc còn rơi sót lại và cả các khai quật về khảo cổ cũng là những tư liệu quý. Một mảng quan trọng khác là tham khảo lịch sử nhà Tống đối chiếu các triều đại tương ứng của hai bên. Ngoài lịch sử còn các ký, truyện của các viên quan nhà Tống từng đi sứ Đại Việt có ghi chép lại, cả những viên bại tướng, từng xâm lược nước ta đôi khi cũng để lại các ghi chép. Lại nữa, Viện Viễn Đông Bác cổ của người Pháp cũng nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều tư liệu, để lại cho ta một khối lượng khá lớn”. Ông còn phải đi điền dã:” Lịch sử các thời đại Lý - Trần thường xảy ra các cuộc giao tranh hoặc chiến tranh giữa nước ta với nước Champa, nước Tống, nước Nguyên. Nhiều trận có quy mô khá lớn, chiến trường trải rộng và rất ác liệt. Muốn dựng lại được một cách khả dĩ trung thực, người viết không thể không đi khảo sát thực địa, kể cả khảo sát về văn hóa, phong tục của miền đất ấy, dân tộc ấy. Vì vậy tôi phải đi lại nhiều lần các vùng đất có liên quan, kể cả vùng đất cũ của Champa và một số vùng có liên hệ trên đất Trung Hoa…”(2). Liệu có nhà phê bình nào theo chân được nhà văn trong quá trình khám phá sáng tạo ấy?
CHỜ MỘT MÙA THU HOẠCH MỚI
Viết làng nhàng, phê bình cũ kỹ đang là một thực trạng của văn chương VN. Nhiều người cầm bút viết theo quán tính bắt chước, có khi sự bắt chước không có ý thức, nhưng đã trở thành một tiềm năng. Làm thơ cổ điền thì cứ Đường luật, với luật bằng trắc, niêm, đối, gieo vần, dựa theo khuôn mẫu của Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan hay Đồ Chiểu. Làm thơ trào phúng thì đã có khuôn mẫu Trần Tế Xương, và bây giờ là Bút Tre . Làm thơ trữ tình thì cứ thơ 7 chữ, 8 chữ kiểu thi pháp thơ Thơ Mới 30-45. Làm thơ kể người kể việc thì cứ theo kiểu thơ Tố Hữu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật; thơ suy tư thì theo kiểu Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…Những bài thơ như thế rất chuẩn về niêm luật, ý tứ, không chê vào đâu được, nhưng không đọng lại được gì. Cũng thật khó tìm được những truyện ngắn ấn tượng như truyện của Nguyễn Tuân, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu. Văn chương thiếu vắng sự khám phá, sáng tạo, thiếu cá tính, và thiếu tài năng.
Nói phê bình tức là đọc và đánh giá tác phẩm văn chương. Kết quả đánh giá tùy vào năng lực của người đọc và phương pháp giải mã tác phẩm. Hầu như vẫn tồn tại một cách đọc áp đặt theo khuôn mẫu chính trị. Tức là xem tác phẩm phản ánh hiện thực gì, phản ánh thế nào, và thái độ phản ánh của tác giả. Qua đó đánh giá thái độ chính trị của tác giả, việc đánh giá hoàn toàn chủ quan, cảm tính. Tác phẩm văn chương chỉ còn là cái chứng cớ để xem xét ý thức chính trị của tác giả. Phê bình như thế là giết chết văn chương.
Đành rằng con người nhận thức thế giới xung quanh bằng giác quan cảm tính. Bởi con người có 5 giác quan cùng với trực giác, mở ra thế giới bên ngoài đón nhận thông tin. Cho nên cùng là hiện thực 1930-1945, thì Nguyễn Công Hoan chỉ khai thác cái hài kịch, còn Nam Cao lại thành công khi viết về cái bi kịch, và Thơ Mới thì bay bổng khỏi mặt đất để “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Nghệ thuật là cảm tính, và thưởng thức nghệ thuật cũng là cảm tính.
Nhưng phê bình không được cảm tính, muốn tìm ra giá trị văn chương, nhà phê bình cần sử dụng những phương pháp phê bình khoa học. Chủ nghĩa cấu trúc đã chỉ ra nghĩa của tác phẩm là nghĩa của cấu trúc, không phải nghĩa của tác giả hay người đọc áp đặt vào tác phẩm. Tác phẩm là một cấu trúc ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại là một cấu trúc, chính cấu trúc mới tạo nghĩa. Nói cách khác, bằng cấu trúc tự thân, tác phẩm có ý nghĩa riêng của nó. Nhà phê bình cần đọc đúng thông điệp này của cấu trúc văn bản.
Xin đọc truyện này của Kafka:
Người canh gác
Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.” Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”
Đọc truyện này, điều quan trọng là giải mã cho được cấu trúc ngôn ngữ của Kafka, chứ không phải là đánh giá con người tác giả Kafka trong truyện này. Mọi cách tiếp nhận cảm tính đều không thể đạt tới ý nghĩa đích thực của tác phẩm.
Hướng về tương lai, chúng ta có quyền hy vọng. Chúng ta chờ đợi những tài năng, nhưng đồng thời chúng ta cũng trân trọng mọi khám phá sáng tạo nghệ thuật, dù rất nhỏ, góp phần làm giàu đẹp đời sồng tinh thần của chúng ta. Dân tộc này vốn bình dị và đằm thắm nghĩa tình.
Mùa xuân Quý Tỵ - 2013
__________________________________________
(1) “Thi Vân yên Tử được sao chép từ đâu”- http://lethieunhon.com/read.php/6103.htm
(2) http://www.tienphong.vn/van-nghe/177160/Hoang-Quoc-Hai-Mao-hiem-voi-Tam-trieu-vua-Ly.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét