album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

NGUYEN QUANG THIEU VE MAT NHAN LOAI HINH LUC GIAC

“Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác”* (Bùi Công Thuấn đọc thơ Nguyễn Quang Thiều) Đọc cảm tính : Đọc một mạch hơn 140 bài thơ của Nguyễn Quang Thiều (NQT), tôi lâm vào trạng thái như người bị stress. Cái đầu nặng như chì, âm âm u u. Cứ đọc vài bài, tôi lại phải đứng lên, vuốt mặt, hít thở nhiều lần, để mạch máu não đừng trương nở quá mức. Tôi chìm vào trạng thái chao đảo, không biết là tỉnh hay mê. Khi thì bịt bật tung lên thinh không chói lòa ánh sáng với thiên thần bay lượn, khi lại rơi xuống vực thẳm không cùng, sống chung với hồn những người chết trở về, lúc lại lạc vào vườn cây, tung tăng với lũ trẻ chơi đùa, lúc lại ngồi nhìn đàn kiến bò, hay chịu đựng đàn cho cắn vào mình. Bóng tối, ánh sáng, giông bão , đâm chém, nhà tù, nhà tù, cái chết thối rữa và nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi … Tôi như ” ai đó vẫn lần mò trong căn phòng nặng nề bóng tối /để kiếm tìm tiếng hót từ con chim sặc sỡ nhồi bông”(NQT) Đọc không cảm tính: 2. Hành trình nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều Nhiều tham luận và ý kiến đã được trình bày trong Hội thảo khoa học: "Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều", tôi xin không nhắc lại và không trao đổi, bởi đó là những góc nhìn, những nhận thức khám phá riêng, ít nhiều đều chứa đựng chân lý về thơ NQT, và mỗi người chỉ có thể nhiều nhất nhìn thấy một nửa chân lý, như đứng từ trái đất, ta chỉ có thể nhìn thấy nửa sáng của mặt trăng. Tôi chỉ trình bày góc nhìn chủ quan của mình. Tôi nhận thấy thế này. NQT đi từ thơ truyền thống sang kiểu thơ Lãng Mạn rồi thơ suy tưởng và sau cùng là thơ Siêu Thực. Tiến trình này không có gì mới. Thơ Mới 1930-1945 đã hoàn tất tiến trình này từ lâu rồi,và Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ theo dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh, Phạm Thiên Thư đã làm thơ Thiền và Chế Lan Viên cũng đã đạt đến đỉnh cao của thơ suy tưởng. Nếu cần nói NQT cách tân thì phải xét ở bình diện khác, đặc biệt là thơ tư tưởng. Người đọc dễ tiếp nhận những bài thơ viết bằng thi pháp truyền thống, thi pháp thơ Lãng Mạn và suy tưởng, nhưng không thể hiểu những bài thơ Siêu Thực, mà đa phần thơ NQT là thơ Siêu Thực. Xin đơn cử 4 Bài theo tiến trình thơ NQT: BÂY GIỜ ĐANG CUỐI MÙA ĐÔNG (Thơ Lục Bát dân dã) Bây giờ đang cuối mùa đông Làng bao cô gái lấy chồng đi xa Chút chiều hoe nắng ngõ nhà Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ. Bây giờ lấm tấm lộc mơ Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào Tình tôi có chút lộc nào Nảy xanh qua tiếng thét gào bão mưa. Bây giờ cải đã thành dưa Làng bao cô gái cũng vừa lớn lên Ra đường gặp tiếng xưng em Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau. Thế rồi ngày tháng qua mau Cho con tằm nhả tơ màu nắng sông Thế rồi lại đến cuối đông Làng bao cô gái lấy chồng, còn tôi... ĐÔI BỜ (Kiểu thi pháp thơ Lãng Mạn, nhân vật trữ tình Tôi là nhân vật tâm trạng) "Lý con sáo" đưa tôi qua sông Hậu Để con phà trên sóng đi nghiêng Trời bên ấy như em nâng vạt áo Đừng khóc mà, đừng khóc, gió lo âu. Bao dìu dặt Tây Đô giờ vắng lặng Chỉ bến bờ em đứng cứ nhoài theo Không phải sóng đẩy chúng mình xa cách Bởi vì sông đã thế có hai bờ Anh lênh đênh, nhưng anh không trôi nổi Không thể để đôi bờ xói lở về nhau Anh không thể buộc đò vào hai bến Nên suốt đời goá bụa bến bên em. THAY LỜI CẦU NGUYỆN (Thơ suy tưởng kiểu Chế Lan Viên) Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ bằng nỗi sợ hãi và tiếc thương nhưng ít người chúng ta nhìn thấy cỗ xe tang lộng lẫy trong tiếng trống tưng bừng làm thần chết cũng hết phiền muộn Và tên tuổi chúng ta được khắc trên phiến đá lặng im lấp lánh và uy nghiêm như tên các vị thánh Ít hơn nữa những người chúng ta tìm thấy âm nhạc tinh khiết trong buổi cầu hồn và gương mặt những nhạc công phường bát âm đắm say trong thế giới bí ẩn Và càng ít hơn những người sau chén trà buổi tối ngồi trên tràng kỷ nghe bài điếu văn viết cho mình vang lên với một giọng trầm trong một tối mùa thu tuyệt đẹp Và lúc đó ở bên ngoài cửa sổ khu vườn giàn giụa trăng họ đã nhìn thấy vẻ đẹp diệu kỳ trong những gì luôn đe doạ người khác LINH HỒN NHỮNG CON BÒ (Thi pháp siêu thực) Ra đi từ đêm Và bây giờ, những con bò bóng tối, đã đến Cánh đồng cuối cùng Suốt đêm tiếng rống đàn bò Rền rĩ những cách đồng câm lặng Suốt đêm hơi thở đàn bò Phả nóng như một đêm mùa hạ Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng Những chiếc ách biến mất gần sáng Dấu chân chúng đã điểm chỉ Trên những cánh đồng thế gian Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực Và tan vào ánh sáng Những tiếng rống vọng lại Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ Đang tập buổi cuối cùng Để đón lễ Phục sinh Giờ chỉ còn những đám mây Phiên bản của đàn bò Bay trên cánh đồng Của những con bò khác. Nếu Sự Mất Ngủ Của Lửa còn dễ đọc thì 7 chương của Nhịp Điệu Châu Thổ Mới khóa chặt cửa đối với người đọc quen đọc thơ truyền thống. 2. “Bẻ khóa” thơ Nguyễn Quang Thiều Có người đã nói đến sự khó hiểu của thơ NQT và đưa ra nhiều lý giải đầy tính học thuật, nhằm giải mã bí mật thơ NQT, song le, dường như càng lý giải lại càng rắc rối. Thú thực khi đọc những lý giải ấy, tôi thấy mình cần đi con đường khác. Thơ NQT chỉ có một giọng là giọng buồn, giọng kể chuyện tự tình. Mỗi bài thơ là một truyện ngắn, được kể không đầu không đuôi. Có khi tác giả trực tiếp kể, có khi hóa thân vào nhân vật để kể, và hầu hết những câu chuyện ấy là những dụ ngôn, những ẩn dụ, thể hiện sự suy tư, tìm kiếm tư tưởng. Thơ NQT là thơ tư tưởng. Vì thế nếu muốn tìm kiếm cái hay trong thơ của NQT thì phải tìm ở cấu trúc truyện, ở sự khám phá về tư tưởng của tác giả, không phải ở câu chữ hay thủ pháp so sánh, liên tưởng. Và giá trị của thơ NQT là ở phần tư tưởng anh khám phá và thể hiện, không phải ở giá trị phản ánh hiện thực hay tài sáng tạo câu chữ, hay liên tưởng trùng trùng điệp điệp là rối trí người đọc. Nhiều người đã ngộ nhận về đặc điểm thi pháp này của thơ NQT. Đọc thơ NQT là đọc truyện tư tưởng, mọi giá trị nghệ thuật hay nội dung của thơ NQT tích tụ ở đây. Nếu sa vào câu chữ, sa vào các liên tưởng siêu thực, sa vào các thủ pháp của NQT, người đọc sẽ sa vào mê trận chữ và lạc mất lối ra. Thơ Siêu thực sử dụng những yếu tố hoang tưởng, lộn xộn, đứt đoạn , phi logic. Đó là những hình ảnh như trong một giấc mơ. Hình ảnh xuất hiện, chồng lên nhau, không đầu đuôi, và nhiều khi hoàn toàn không có trong đời thực, lúc ngủ mơ ta không thể ý thức. Thơ Siêu Thực phủ định triệt để tính logic của nhận thức bằng lý trí. Xin đọc: BẦY CỪU Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo. Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất Những mảnh thân xác tản mát đâu đó Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, những ngọn đồi… những ngọn đồi… những ngọn đồi… bất tận. NQT kể chuyện đàn cừu ở Achill. Cốt truyện đơn giản : Những con cừu vùng Achill im lặng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, thi thoảng kêu lên. Mỗi ngày lại mất một con. Các con khác vẫn im lặng tiếp tục…Nếu bỏ đi phần cốt truyện, bài thơ còn lại là những suy tư, võ đoán của tác giả: Những con cừu không hề than thở, chúng thực hiện sứ mệnh, kêu lên tiếng buồn bã. Tác giả nhận ra mỗi ban mai lại mất một con và nghĩ rằng thân xác cừu tản mát đâu đó. Cái tiến trình ấy là không đảo ngược, bất tận Bỏ nội dung trực tiếp kể chuyện đàn cừu đi, người đọc nhận ra suy tư gì của NQT : Đó là suy tư về Hiện Sinh. Tồn tại là tồn tại quy tử. Sống là đi về cái chết, không cưỡng lại được, như mỗi ngày lại mất một con cừu (bị người ta làm thịt), đàn cừu hoàn toàn không ý thức điều này. Nỗi buồn đọng rất sâu trong bài thơ là tư tưởng sống là đi về cõi chết, mà chuyện đàn cửu chỉ là cái vỏ không có thật để chuyển tải tư tưởng. Cái có thật là NQT nhìn đàn cừu đi lên đồi mà suy tư, vậy thôi. NQT có rất nhiều bài thể hiện suy tư Hiện Sinh (cần phải có một chuyên luận mới có thể nói hết những cái mới mà thơ NQT đóng góp cho thơ ca VN đương đại). Tuy nhiên, đọc những bài thơ như thế, bất giác tôi tự hỏi, phải chăng NQT tái hiện những câu chuyện của F.Kafka, bằng những hình ảnh khác. Về tư tưởng, NQT không thể sánh với Kaf Ka, bởi NQT không phải là nhà tư tưởng Hiện Sinh. Về cách kể chuyện thể hiện tư tưởng Hiện Sinh, những câu chuyện của NQT cũng không sánh được với Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu (DNM). Trong truyện này, DNM miêu tả cụ thể, hiện tượng luận những trải nghiệm hiện sinh. NQT chưa đạt tới kỹ thuật này. Xin đọc: Một ngụ ngôn nho nhỏ-F.Kafka “Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.” Câu chuyện này chỉ cần ngắt câu xuống dòng, thêm thắt vào vài hình ảnh so sánh liên tưởng, là thành bài thơ kiểu NQT. Kafka chỉ ra rằng cái tất yếu con chuột phải đi đến là cái chết không thể khác được, dù có muốn đổi hướng (Hiện sinh quy tử). Chiều sâu của Kafka là chỉ ra sự bất nhân của kẻ chỉ đường (con mèo). Tất cả những kẻ dẫn đạo (kẻ chỉ đường-như con mèo) đều là lưu manh và bất nhân. Kỹ thuật viết của Kafka là nhập thân vào nhân vật con chuột và con mèo, để nhận thức, để lên tiếng nói. Câu chuyện là một ẩn dụ, và phải hiểu ý nghĩa ẩn dụ của câu chuyện, nhất thiết không được sa vào chi tiết, thủ pháp, ngôn ngữ, bởi đó chỉ là giả định. Đọc thơ NQT cũng cần đọc như thế, bỏ câu chữ, bỏ câu chữ đi, tìm hiểu tư tưởng. Về tư tưởng, tôi còn nhận ra NQTcó cảm thức quy hướng về Thượng Đế như trong Thơ Dâng của R. Tagore. Hay nói cách khác, NQT suy tư về hiện thực bằng tư tưởng Hiện Sinh và bế tắc. Ông tìm thấy sự thăng hoa trong tôn giáo, mà R.Tagore đã mở lối. Hơn ai hết R. Tagore đã viết những lời ngợi ca tuyệt hay về Thượng đế. Ánh sáng tư tưởng ấy của R.Tagore lấp lánh trong thơ Nguyễn Quang Thiều, tất nhiên NQT có khám phá riêng của mình. Xin đọc LỜI DÂNG của R. Tagore: 1 Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận. Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi. Xác này cây sậy khẳng khiu, người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng, và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời. Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve, tim tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết. Tặng vật người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin, tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng. Thời gian lớp lớp đi qua, người vẫn chửa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi. 12 Thời gian cuộc hành trình tôi đi thì dài và đường đi cũng thế. Tôi ra xe lúc trời vừa tảng sáng, ruổi rong qua bao thế giới hoang vu, dấu chân in trên nhiều vì sao và hành tinh. Đây là cuộc ra đi xa xôi nhất, cuộc ra đi dẫn tôi đến bên người; cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của một hòa âm. Trước khi về tới nhà mình, lữ khách đã phải gõ cửa biết bao căn nhà xa lạ; lữ khách phải lang thang qua bao thế giới bên ngoài cuối cùng mới đến miếu thất sâu thẳm bên trong. Mắt tôi đã lang thang khắp bốn phương trời trước khi tôi nhắm mắt lại và nói: “Mình đến nơi rồi!” Câu hỏi và tiếng kêu: “Ồ, nơi nao?” biến tan thành ngàn suối lệ, nhận chìm thế giới dưới sóng xác tin: “Ta tới rồi đây”. Và đọc thơ NQT: DƯỚI CÁI CÂY ÁNH SÁNG (trích đọan 2) “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này Người đã cho con một thân thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao Người đã lấy đau đớn và hổ nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và một linh hồn trong sáng Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian Con đã cười vang, tiếng cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người Con đã từng nằm trong vòng tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ và kể cho con câu … Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con Con đã đến nơi ấy xa xôi trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người …” Người đọc sẽ nhận ra R.Tagore trong rất nhiều hình ảnh, tứ thơ ý tưởng trong thơ NQT, chẳng hạn, về sự ra đi, một cuộc hành trình trong ruổi qua bao thế giới, cuối cùng trở về với miền sâu thẳm bên trong, ý niệm về thời gian (Bàn Tay Của Thời Gian), hình ảnh đồi núi, ban mai, tinh tú, giấc mơ và đặc biệt là ánh sáng cứu rỗi… Như vậy để hiểu NQT, bạn đọc cần đọc Kafka, đọc Tagore và cả Thiền nữa (Lễ Tạ), nói cách khác, bạn phải có kiến thức cơ bản về triết học phương Tây và cả phương Đông (Thiền). Ở góc nhìn này, bạn đọc sẽ thấy đâu là sáng tạo của NQT, đâu là đóng góp, cách tân của NQT đối với thơ ca VN đương đại. Lễ Tạ là một bài thơ có khí vị Thiền rất hay. LỄ TẠ Con đường Con đường Con đường Dắt ta về hồ nước cũ Phảng phất một lá sen già Đợi ta trên miền nước lặng Hỡi người hái hoa kiếp trước Kiếp này có hoá bình không? Phải đào ba tấc đất sâu Mới tìm được người hầu rượu Phải lên đến bảy tầng trời Mới gặp được người thưa chuyện Ngẩng mặt một vầng mây đỏ Nỗ vang tiếng sấm của trời Cúi đầu một miền cỏ trắng Nở xoè bên cõi sen tươi Ra đi từ hồ nước cũ Con đường Con đường Con đường. 3.Những điều băn khoăn Tôi đã dõi theo những ý kiến trao đổi về thơ NQT, tất cả đều khẳng định NQT là nhà thơ cách tân thơ Việt, nhưng tôi lại không tìm thấy những ý kiến xác lập xem đâu là giá trị của thơ NQT. Phải chăng giá trị thơ NQT là ở sự cách tân. Hay như có người nói rằng, thơ hay phải đọng lại trong lòng người đọc, được mọi người thuộc và tâm đắc.(Tôi hoài nghi về tiêu chí này, bởi bài thơ Con Cóc lưu truyền trong dân gian, chỉ đọc một lần là nhớ, và được nhiều người truyền tụng, vậy Thơ Con Cóc là thơ hay ?) và nếu xét theo tiêu chí này thì thơ NQT không phải là thơ hay? Người ta đánh giá cao tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa và chọn bài thơ Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông như là bài thơ hay nhất của NQT. Điều này có lý của nó, bởi đa số những bài thơ trong tập thơ này dễ đọc, đề cập đến những cảnh những người gần gũi và thắm thiến những tình cảm quê hương, tình gia đình ( với cha, mẹ, con gái) với dòng sông Đáy, làng Chùa, với những người đàn bà lam lũ…và cả những cảnh xô bồ thực tại.Nó mang đến một cái nhìn mới lạ và chứa đựng những tình cảm giàu phẩm chất nhân văn. Tuy vậy, ở những tập thơ mà phần thơ Siêu thực, thơ tư tưởng là chính, thì đâu là giá trị của thơ NQT? Trước hết nhiều bài thơ có những liên tưởng đứt đọan khiến người đọc không thể lần ra được manh mối điều NQT suy nghĩ. Nhiều hình ảnh so sánh liên tưởng chỉ để làm dáng câu chữ, làm rập rạp phân tán câu chuyện, không thực sự biểu hiện tư tưởng. Nhưng điều làm cho thơ NQT thiếu sự sống trong những bài thơ suy tưởng Siêu Thực ấy là sự vắng bóng đời sống hiện thực và thái độ tích cực của tác giả. Khi thơ chỉ là những ẩn dụ không thực, những ẩn dụ chủ quan nhìn qua góc của bóng tối và ánh sáng, cùng với sự né tránh (?) của nhà thơ khi đối mặt với hiện thực Việt Nam sau 1975 đến nay, hẳn nhiên những bài thơ ấy không đem đến cho độc giả một giá trị nào cả, ngòai một câu chuyện không thật với những hình ảnh không thực, để che dấu ý nghĩ thực của nhà thơ đối với hiện thực. Xin đọc: LINH HỒN NHỮNG CON BÒ Ra đi từ đêm Và bây giờ, những con bò bóng tối, đã đến Cánh đồng cuối cùng Suốt đêm tiếng rống đàn bò Rền rĩ những cách đồng câm lặng Suốt đêm hơi thở đàn bò Phả nóng như một đêm mùa hạ Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng Những chiếc ách biến mất gần sáng Dấu chân chúng đã điểm chỉ Trên những cánh đồng thế gian Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực Và tan vào ánh sáng Những tiếng rống vọng lại Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ Đang tập buổi cuối cùng Để đón lễ Phục sinh Giờ chỉ còn những đám mây Phiên bản của đàn bò Bay trên cánh đồng Của những con bò khác Chẳng bạn đọc nào lại mất thời gian, căng đầu để giải mã những hình ảnh ẩn dụ đàn bò bóng tối, đi hết đường cày cuối, tan vào ánh sáng ban mai có ý nghĩa là gì, và những đám mây phiên bản của đàn bò là gì? Suy nghĩ thực của nhà thơ về hiện thực Việt Nam được mã hóa qua hình ảnh đàn bò đi trong đêm và tan biến trong ban mai là gì? Và vì bài thơ chỉ là câu chuyện khách quan chuyển tải tư tưởng, thiếu vắng hoàn toàn cảm xúc của nhà thơ, mà cảm xúc là ngọn lửa làm nóng chảy trái tim người đọc. Thơ NQT trở thành vô cảm. Một bài thơ không thể hiểu, không chứa đựng hiện thực, một bài thơ vô cảm, thì sẽ còn lại gì trong lòng người đọc? Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự lên tiếng nói trước hiện thực, bày tỏ thái độ trước những vấn đề của đởi sồng, là sự tìm kiếm những mối đồng cảm tri âm của cộng đồng. Thế nhưng những bài thơ suy tưởng Siêu thực của NQT lại không thể soi tỏ được điều gì cho bạn đọc về hiện thực Việt Nam, không thể làm tan chảy trái tim người đọc thành nước, thành lửa để nung đốt, thanh tẩy cái hiện thực đầy bóng tối như NQT mơ hồ nhận thấy, và đặc biệt là NQT không thể hiện được trách nhiệm ngòi bút (?) trước những đòi hỏi của hiện thực mà người cầm bút phải tham gia vào để làm cho hiện thực ấy sáng hơn lên, hay ít ra cũng xua đi ám ảnh của bóng tối: Chỉ còn lại trong mắt chúng ta khu vườn hoang và lũ trẻ ốm đau. Và khu vườn hoang tàn hơn, lũ trẻ ốm đau hơn Bóng tối nặng hơn trong những lùm cây làm thân cây còng xuống Chúng ta sợ hãi hơn khi bóng đêm đổ xuống (Một Ngày Thu) Tôi không rõ có ai khen những câu thơ như thế không nhỉ ? hoặc có thể NQT đã không thích Nietzche , hoặc không tiếp cận với tinh thần vô úy của PhẬt (?). Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi hiểu tại sao Tổ Quốc Nhìn Từ Biển của Nguyễn Việt Chiến có được nhiều hồi âm trong lòng người đọc. Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo Lạc Long cha nay chưa thấy trở về Lời cha dặn phải giữ từng thước đất Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi (Tổ quốc nhìn từ biển" - Thơ của Nguyễn Việt Chiến) 4. Nỗi sợ hãi, bóng tối và ánh sáng “Ra đi... đó là ánh sáng / Dựng lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa “. …”Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu.” (Người Thổi Kèn Rắn-Gửi một nhà thơ) Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời, một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh (sự chuyển động của cái đẹp) Ôi quyền lực và sự man rợ của bóng tối biến chàng thành côn trùng? thành con sói cô độc? thành đại bàng im lìm trên đỉnh núi lạnh? thành lạc đà và thành ngôi sao xanh? Giấc mơ nào chàng cũng gặp những người đàn bà mang thai xanh như nước biển đi qua ngôi nhà Họ đã đi và vẫn đi, còn đi mãi,.. (Cây Ánh sáng) Trong thơ NQT, “bóng tối” là một ý niệm xuyên suốt hành trình sáng tạo, như một ám ảnh sợ hãi, như một ẩn dụ chứa đựng nhiều ý tưởng của NQT. “Bóng tối” luôn đi với đêm và nỗi sợ hãi. Nhưng “bóng tối” ấy là gì. Có thể là bóng tối hiện thực Việt Nam (Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Những Ngôi sao đổi Ngôi, Buồn Hơn Cái Chết, Bữa Tiệc Trong Bóng Tối,..). Bóng tối là quãng đời thăng trầm, lưu lạc nghèo khó của tác giả? “Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối. Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ” (Thánh Ca Nhỏ) “Bóng tối” là ý niệm hiện sinh về cái chết ? nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi (Những con quạ thành phố Karachi). Nhưng rõ nhất là “bóng tối” mang cảm thức tôn giáo. Thực ra đây là tư tưởng, sự khám phá tư tưởng, trải nghiệm tư tưởng hiện sinh Thiên Chúa Giáo về con đường đau khổ và Phục Sinh. Đây không phải niềm tin tôn giáo như có người ngộ nhận. Điều này không mới, bởi Nikos Kazantzakis (1883-1957) đã từng khám phá tư tưởng này trong Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ (1951) và R.Tagore (1861-1941) đã thi hóa trong Lời Dâng (Gitanjali ) , nhưng ở Việt Nam, thì sự khám phá tư tưởng Hiện sinh Thiên Chúa Giáo là điều thật mới mẻ và táo bạo. Có người đã nhận xét thơ NQT phương Tây hơn phương Đông chính là ở đặc điểm tư tưởng này. Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo nói đến bóng tối tội lỗi, sự chết, tương phản với ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Đức Giêsu nói :”Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”..”ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng…”(Ga. 8.12 và 3.19). “Bóng tối” là tội lỗi, sự chết. Sợ hãi bóng tối là sợ hãi tội lỗi mà con người đã gây ra đầy mặt đất, sợ hãi nỗi thống khổ phải tự mình vác lấy thập tự, tự mình đóng đi và treo lên . Chính đức Giêsu trong giờ phút cầu nguyện tại vườn ôliu trước lúc bị người Do Thái bắt đóng đinh, Người cũng đã xao xuyến và sợ hãi trong nỗi cô độc đến cùng cực. Luca thuật lại :” Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (luc.22.41-44). Không biết người trần gian có ai đã trải nghiệm hiện sinh đến tận cùng thân phận làm người như Giêsu? NQT đã khám phá tư tưởng ấy của Kinh Thánh “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này Người đã cho con một thân thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao Người đã lấy đau đớn và hổ nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và một linh hồn trong sáng Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian …”(Cây Ánh Sáng-đoạn 2) Có thể coi Cây Ánh sáng là một khúc ca hay nhất của thơ NQT, một khúc ca hùng vĩ tư tưởng Hiện sinh Thiên Chúa Giáo đầy bi thiết, đầy sức mạnh Vượt Qua về đau khổ và Phục sinh, Con Người chiến thắng bóng tối, sự chết. “Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con Con đã đến nơi ấy xa xôi trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người Và lúc này da thịt con đau đớn làm sao, tội lỗi làm sao ẩn náu dưới sự quyến rũ của vẻ đẹp cơ bắp cường tráng Con chỉ biết ngước lên, gương mặt nhàu nát, sạm đen, tuyệt vọng và sợ hãi của con đang sáng dần lên trong ánh mắt của Người Hãy để những giọt máu chảy từ hai bàn tay bị đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con Để ánh sáng của Người xua tan trong lòng con bóng tối của kiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng “ 4.Cách tân có phải là giá trị của thơ ca ? Cách tân thơ Việt là một yêu cầu của quá trình phát triển. Những thế hệ đi trước đã làm được điều này. Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng.. đã để lại những dấu ấn. Tôi hiểu điều căn cốt để cách tân ấy là thay đổi hẳn thi pháp, trong đó phải có ý thức thẩm mỹ mới, kiểu tư duy mới, hình tượng mới, ngôn ngữ mới. Tôi vẫn thấy trong thơ NQT bóng dáng của Kafka, R.Tagore, Thanh Tâm Tuyền, Chế Lan Viên, vẫn thấy hồn cốt thơ truyền thống và thơ Lãng Mạn…Theo tôi, NQT mới chỉ cách tân ở thủ pháp ngôn từ đó là kiểu thơ kể chuyện, thơ văn xuôi, thơ suy tưởng, dùng nhiều so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngắt quãng, sử dụng một vài thủ pháp của Tượng Trưng và Siêu thực (tất cả những thủ pháp, những kiểu loại này cũng đã có trong thơ VN lâu rồi, tôi xin phép không dẫn ra ở đây). Nói NQT cách tân là cách tân thế này : NQT đã thoát hẳn chủ nghĩa Hiện Thực XHCN của thơ 45-75, thoát hẳn kiểu thơ thời kháng chiến chống Mỹ, kể người kể việc, gọi nhau ơi ới, với giọng thơ điệu nói bỗ bã, cho ra vẻ quần chúng, và đặc biệt xây dựng kiểu thơ tư tưởng mà thơ VN đương đại chưa có. Nói cách tân thực sự trong thơ VN đương đại, phải chờ đến những nhà thơ trẻ sau NQT mới đạt được, chẳng hạn Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải.. khi họ tiếp cận được với thi pháp Hậu Hiện Đại, họ phá vỡ các yếu tố của tác phẩm truyền thống như không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện… Thơ NQT có nhiều bài hay (tùy theo góc nhìn, cách cảm thụ). Những bài thơ Lục Bát của NQT rất có duyên và có thể tiếp nối lục bát Nguyễn Bính. Tôi đặc biệt thích bài thơ Lễ Tạ ở cái khí vị thơ Thiền mà hiện nay hiếm có nhà thơ có được. Những bài thơ tư tưởng của NQT đôi khi cũng lóe lên những ánh sáng riêng có thể ghi được dấu ấn của NQT (Dưới Cái Cây Ánh Sáng, Bầy Cừu, Bầy Trẻ Di Cư, Chiếc Gương, Gửi Một Ông Vua, Lịch Sử Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ, Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Thánh Ca Nhỏ, Hồi Tưởng Tháng Ba, Hồi Tưởng Tháng Bảy, Thanh Minh, Bầy Chó Của Tôi, Khúc cảm V, Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ 21 gửi những nhà thơ đời Đường…). Điều có thể nhận thấy rõ là NQT là một nhà thơ có tài, sức sáng tạo của anh thật mạnh mẽ. Con đường anh đi : kiểu thơ tư tưởng nhất định sẽ là con đường sáng tạo về lâu về dài để thơ VN cần phải đạt nếu muốn ngang tầm với thơ thế giới. Trong thơ NQT, Ẩn rất sâu bên dưới những câu chuyện ẩn dụ Siêu Thực, những suy tưởng Hiện Sinh về tồn tại tử sinh, như trong những giấc mơ hoang tưởng hỗn độn nhập nhòa, ngập ngụa bóng tối và chói lòa ánh sáng, hoan ca trong vườn cây và bầy trẻ, và dõi theo bước chân những người đàn bà.., là một tấm lòng yêu thương nhân hậu của một nhà thơ rất đỗi hiền lành và sâu sắc. Con đã đến trong tiếng gọi của Người. Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối. Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ và ánh sáng của Người tràn ngập trong con. (Thánh Ca Nhỏ) Tháng 7. 2012 _____________________________________ (*) “Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác” có thể hiểu đó là con mắt nhìn sáu cõi thế gian?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét