GIỮA XA XĂM ĐỢI CHỜ
(Đọc tập thơ Tự Tình của Hoàng Đình Nguyễn.Nxb Hội Nhà Văn 2011)
Bùi Công Thuấn
1.Một hồn thơ giàu nặng nghĩa tình
Đọc tâm tình của những người “bạn vàng” viết cho Hoàng Đình Nguyễn (HĐN), tôi hiểu anh là người đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt từ Nam chí Bắc. Anh đã sống trong tình thương yêu của gia đình, đồng đội. Tình quê hương, tình gia đình, nghĩa tình cách mạng ở anh sâu nặng. Trong bài thơ Kỷ Niệm Một Dòng Sông, anh đã ghi lại cái ơn cứu sinh của một bà mẹ nhân dân
“Tôi ngoi lên từ dòng sông ấy
Mưa giăng giăng phủ kín đất trời
Sau trận tập kích phá đồn tôi lạc xa đồng đội
Giữa đêm mưa mịt mùng và bởi nhửng vết thương
Tôi như cánh chim lạc hướng giữa đường…
Tôi tỉnh lại với bao điều khác lạ
Căn nhà nhỏ tối om, bóng hình một bà má.
Leo lét ngọn đèn dầu, không soi rõ mặt nhau.
Vết thương trên người được băng bó đã lâu.
Tôi lại được sống
Giựa tình thương của má
Những bà má giống mẹ tôi nhọc nhằn vất vả
Nhưng tình thương yêu vô bến vô bờ
(Kỷ Niệm Một Dòng Sông – 2007)
Vì thế những bài thơ anh viết về Cha (Trước Mộ Ba), về mẹ (Nhớ Mẹ, Má Ơi), về quê hương (Mùa Thu Ngày Ấy Bây Giờ) để lại được dấu ấn trong lòng người đọc về một hồn thơ có chiều sâu của tình tự dân tộc và cách mạng.
…Mùa thu ấy quê mình rực rỡ cờ sao
Những người lính nông dân chân chất hôm nào
Đã nắm chặt tay thề một long với Đảng
Đi suốt cuộc trường chinh
Kháng chiến trường kỳ…
(Mùa Thu Ngày Ấy Bây Giờ-2009)
2. Tình thơ yêu mãi ngàn sau
Nhưng mảng thơ đậm nhất trong Tự Tình là mảng thơ tình.
Đó là mối tình đầu đã xa, một mối tình đơn phương (?) chưa có nhiểu kỷ niệm ngoài một lần hẹn hò (Buổi Hẹn Đầu), một mối tình không thành, nhưng vẫn đời chờ, vẫn trăn trở tra hỏi, vẫn ước mơ vô vọng. Một cuộc tình làm người thơ ngẩn ngơ trước con đò, bến sông và thao thức khôn nguôi trong tâm thức. Thời gian và không gian càng xa thì cuộc tình ấy lại càng trói chặt trái tim mà vết thương tâm, không sao may vá được. Vì thế người thơ như người mộng du trong cõi thực, cứ đi tìm một bóng hình hư ảo, tuy hư ảo nhưng lại cụ thể trong từng bước chân, từng hơi thở. Rồi chợt giật nhận ra mình cô độc suốt cõi nhân sinh mải mê đi kiếm tìm cái bóng của chính mình
Nhớ em
con nước xốn xang
đò xưa bến cũ mang mang nỗi buồn
(Mong Manh Chờ Đợi)
Ngàn năm cho đến mai sau
Vẫn còn nhớ mối tình đầu mong manh…
(Tự Tình)
Buổi chiều đứng giữa chơi vơi
Lặng thầm cúi nhặt bóng tôi bên người
Đã qua cuối đất cùng trời
Trở về chết lặng
lở bổi sông quê
(Chuyện Xưa)
Em chợt đến
Rồi chợt đi
Chút hư vô
Còn để lại
Có một ngày
Trong xa ngái
Kẻ mộng du
Lặng lẽ tìm…
(Mộng Du)
..Em là gió là giông
Em là mưa là bão
Em là gì trong tôi
Thật hay là hư ảo
(Em Là)
Bạn đọc nào đã trải nghiệm một cuộc tình như vậy có thể chia sẻ với HĐN những thảng thốt trong tận đáy sâu tâm thức của mình về một cuộc tình như lửa cháy mỗi khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của quá khứ. Một chút nắng phai, một thoáng gió hiu hiu, một tiếng ầu ơ cuối chiều cũng nặng trĩu nhớ thương.
Nắng thôi trải bạc đồng rồi
Ai ngồi hát khúc ầu ơ cuối chiều
Đường làng gió thổi hiu hiu
Ai ngồi ai nhớ
Ai yêu. Ai chờ…
(Cuối Chiều)
HĐN có nhiều tứ thơ hay ở mảng thơ này trên cái nền dòng sông, cánh đồng, bến đò xưa với nỗi nhớ, sự chờ mong, trăn trở mệt nhoài trong cõi sống và cõi vô biên
Về quê ngang bến sông xưa
Lặng nghe ngọn gió
Trong mưa bồi hồi
Sông quê
Bên lở bên bồi
Cắm sào cúi nhặt bóng tôi thuở nào
(Sông Quê)
Trăng già rụng xuống sông quê
Con đom đóm sáng vụng về lẻ loi
(Em Về)
Nhớ em
Con nước xốn xang
Đò xưa bến cũ mang mang nỗi buồn
Ngồi nhìn vệt nắng mà thương
Liu xiu gió thoảng
Mùi hương bay về
(Mong Manh Chờ Đợi)
3.Thơ Hoàng Đình Nguyễn không mới
Những tứ thơ mới, đẹp và giàu sức sáng tạo trong thơ HĐN không có nhiều. HĐN nói rằng ”Thơ của tôi là tiếng nói của lòng tôi… Thơ còn mãi / những tình yêu/ những nỗi nhớ/ Những vui buồn”. Vâng , có lẽ anh làm thơ là để đáp ứng tiếng lòng sâu thẳm thao thức của mình, vì thế anh ít chú ý tìm kiếm những tứ thơ mới, cũng không chú ý đến cách tân nghệ thuật, tìm kiếm những cách thể hiện mới. Anh làm thơ như tự nhiên trong lòng bật ra những nghĩ suy là vậy.
Thơ anh chủ yếu là thơ suy nghĩ. Cái hay của thơ suy tưởng (thí dụ thơ Chế Lan Viên) là ở sự khám phá hình ảnh và tư tưởng, ở sự đào sâu hiện thực và đào sâu suy tư về hiện thực ấy dựa trên những tư tưởng lớn, tư tưởng tiến bộ. Thơ HĐN là thơ suy nghĩ nhưng lại không có tư tưởng, thành ra những gì anh tỏ lộ trở nên nhẹ tênh, và kiểu tư duy nghệ thuật của anh cũng cũ như vậy.
Đã quá nhiều người viết về tình yêu, Tự Tình là tập thơ tình yêu, nhưng HĐN không có khám phá gì mới tâm trạng yêu. Những trải nghiệm tình yêu trong thơ anh rất nghèo nàn (quanh quẩn chỉ là nhớ, mong, cô đơn). Hình tượng, tứ thơ để thể hiện tình yêu trong thơ anh cũng chỉ là dòng sông quê, con đò, cánh đồng chiều, cánh cò lẻ loi.
Tìm em
ở giữa cánh đồng
lao xao cò trắng
Bên dòng sông quê
(Tìm em)
Tuy khổ thơ có hình ảnh, nhưng đó cũng chỉ là những khái niệm, không phải là hình ảnh biểu cảm của thơ. Một cánh đồng chung chung, không rõ là đồng miền Bắc hay đồng miền Nam. Cò trắng và dòng sông quê cũng siêu hình như cánh đồng vậy, không có gì là cụ thể, là nơi hò hẹn, gắn bó kỷ niệm của nhà thơ. Những hình ảnh như thế không đủ sức gây ấn tượng cho người đọc, bởi cánh đồng, con cò, dòng sông đã là chất liệu được khai thác cạn kiệt rồi. Những nhà thơ khác có một con sông nghệ thuật cụ thể. Sông của Nguyễn Đình Thi là sông đỏ: “những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Tế Hanh có dòng sông xanh:”Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Hoàn Cầm có dòng sông nghiêng: ”Sông Đuống trôi đi/một dòng lấp lánh/ nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”…
HĐN cũng dùng lại tất cả những ý tứ, ngôn từ người khác đã dùng, đến nỗi con chữ trở nên trơ trơ, câu thơ có vỏ chữ mà không có nghĩa, không tải được hồn, không có chút lửa nào đủ sức đốt cháy cảm xúc người đọc. Những chữ sau đây đã quá mòn sáo : nỗi nhớ, đợi chờ, trở về, nắng gió, dông bão, bến bờ, , lá vàng, lá rụng, bến sông trưa, bến sông trăng (chữ của Hàn Mặc Tử), bến sông xưa, buồn tênh, trống vắng, mộng mơ, bơ vơ, xa xăm đợi chờ, tháng năm đợi chờ, nắng gió xôn xao (tên bài hát : Ngõ Vắng Xôn Xao). Chỉ riêng bài Tôi Tìm Tôi HĐN lặp lại 3 lần chữ “mênh mông”. Đọc thơ HĐN, người đọc không thể hình dung ra khuôn mặt thơ HĐN, bởi thơ anh quá cũ. Anh có kỹ thuật thơ điêu luyện nhưng lại hạn chế trong năng lực sáng tạo, và không có những tìm tòi mới về nghệ thuật thể hiện.
Bài thơ sau đây chỉ là suy nghĩ đơn thuần viết dưới dạng văn vần, không phải thơ.
Đôi lúc ngồi buồn tênh
Ngẫm sự đời mà chán
Tự bảo mình cố quên
Để cho lòng thanh thản
Đôi khi trong hoạn nạn
Mới hiều nhau ngọn ngành
Ai chung tình, ai bạn
Giữa rừng người vây quanh
Khi tuổi già vừa đến
Thấy yêu hơn cuộc đời
Làm thơ và tán chuyện
Trải lòg vào xa xôi…
Ngày nào đó bạn ơi
Nếu thấy lòng trống vắng
Hãy tâm tình cùng tôi…
Xin đừng ngồi im lặng
(Cùng Tôi)
Tôi nói không phải thơ bởi vì bài thơ Cùng Tôi chỉ là suy nghĩ, diễn đạt bằng ngôn ngữ ý niệm, không có một tứ thơ nào. Câu thơ là câu văn xuôi, câu thơ báo chí chuyển tải một nghĩa tường minh, nghĩa thông tin, thiếu hẳn nghĩa biểu cảm, nghĩa hình tượng, nghĩa phong cách. Đặc trưng của ngôn ngữ văn chương là tính đa nghĩa, tính biểu cảm, tính hình tượng và tính phong cách. Khá nhiều bài trong tập Tự Tình có ngôn ngữ ở dạng này, ngôn ngữ ý niệm, ngôn ngữ thông tin, không phải ngôn ngữ nghệ thuật (Lữ Khách, Tuổi Trẻ Tôi, Thơ Tôi, Người Hát Thơ Đồ Chiểu Nơi Bến Phà, Trở Lại Với Dòng Sông, Tôi Tìm Tôi, Bỏ Lại Tuổi Thơ, Tôi và Anh, Điều Chưa Nói hết Tượng Đài…) , và vì thế những gì anh tỏ lộ rất ít chất thơ. Người đọc khó mà cảm nhận và nâng niu thơ anh được, mặc dù có thể chia sẻ với anh vài suy nghĩ nào đó. Đó là điều rất tiếc đối với một hồn thơ sâu nặng dào dạt nghĩa tình như anh.
Xin lưu ý bạn đọc về ý thức sáng tạo của HĐN trong bài Thơ Tôi :” Thơ là nhân chứng của thời gian/ Là nhật ký, là chứng từ/ Là hóa đơn cuộc sống/Là yêu thương/ Và lòng căm giận…” HĐN không bận tâm đến nghệ thuật thơ là vậy.
Tháng 3. 2012
___________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét