album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

THÂN PHẬN NGHỆ SĨ

THÂN PHẬN NGHỆ SĨ
Bùi Công Thuấn

Năm nay kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, người ta nói về ông khá ồn ào. Vẫn những tranh cãi về thái độ chính trị của TCS, đặc biệt là lời phát biểu của Trịnh ngày 30.04.1975 trên đài phát thanh Sàigòn. TCS là ai?
“Tôi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này.
Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó.
Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền nam Việt Nam (không rõ) hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.
Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước chúng ta.
...Xin chấm dứt. Và tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn ghi-ta. Tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”.(1)
Báo Thanh Niên tung lên loạt bài về những lá thư tình của Trịnh. Nhiều chương trình văn nghệ được thực hiện, nhiều ca sĩ có album hát nhạc Trịnh...Không biết TCS có vui không khi ông đã không còn ở cõi người? Tôi tin rằng, sau những thăng trầm, TCS hiểu rất rõ cuộc đời này, bởi vì Trịnh coi cõi đời này là cõi tạm, là ở trọ và muốn trở về, “thôi về đi, đường trần đâu có gì”.

Hoàng Xuân Sơn nói rằng, vào những năm 1980, TCS uống nhiều rượu :” TCS lúc này uống rượu nhiều, uống tợn, và trở nên nghiện rượu hạng nặng . Sáng sớm bảnh mắt chàng đã súc miệng bằng vodka sec. Và TCS cũng vẫn rít thuốc lá như điên, liều lượng có phần tăng thêm (người vẫn trung thành với Bastos xanh, cùng “gu” Gaulois/Gitane của Pháp). Rượu/ thuốc liên miên trường kỳ chắc hẳn đã gây nên tình trạng suy nhược trầm trọng cho đến cuối cuộc đời của anh (2)

Hãy trả lại cốt cách con người nghệ sĩ cho Trịnh. Trịnh là một cá thể trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể . Trịnh có thể đúng, có thể sai, tùy theo góc nhìn của mỗi người, giống như đương thời người ta đã nhìn và đánh giá Nguyễn Du. Giá trị của người nghệ sĩ là ở chỗ TCS có để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật, làm giàu văn hóa nghệ thuật dân tộc không ? tác phẩm của ông có được công chúng yêu mến hay không. Và Trịnh có nói được tiếng nói của con người thời đại mình không (Tôi hiểu nghệ sĩ là người thương vay khóc mướn). Điều này thì đã rõ, nhạc Trịnh vẫn sống và hình như ngày càng sinh hóa mạnh mẽ hơn cả khi Trịnh còn sống.

Nhạc Trịnh đặc biệt hay khi được trình tấu bằng saxophone trong tiết tấu ngẫu hứng của Jazz. Các ca sĩ trẻ muốn khẳng định giọng ca của mình đều thử sức với nhạc Trịnh. Tuy nhiên, nếu nghe liên tiếp nhạc Trịnh trong một giờ đồng hồ, bạn sẽ cảm thấy đầu mình u ám và cằn cỗi, bởi những tư tưởng của Trịnh xám xịt, bế tắc “tiến thoái lưỡng nan” mặc dù Trịnh đã dùng một liều an thần rằng “tôi ơi đừng tuyệt vọng”.

Nhạc Trịnh đặc sắc ở giai điệu thuần Việt, không lai căng như nhạc trẻ bây giờ, cũng không “cải lương” như nhạc sến trước 1975 ở Sàigon. Những giai điệu đẹp kết hợp với ca từ đặc sắc, tạo nên thế giới nghệ thuật riêng của Trịnh. Trịnh đóng góp cho nghệ thuật dân tộc ở hai giá trị đặc sắc ấy : giai điệu thuần Việt và ca từ giàu chất thơ, thơ Ấn Tượng và Siêu Thực.

Xin nghe lại Diễm Xưa. Nhạc Trịnh gợi ra một không gian phi hiện thực, ta đã gặp đâu đó trong vô thức hay trong tiềm thức. Thế nhưng, giai điệu và lời ca lại chạm được vào sâu thẳm hồn ta, làm hiện ra những điều thật mơ hồ, nhưng cũng rất cụ thể. Đó là nỗi đau, đó là tình yêu thiên thần làm ta mê đắm, làm ta đi theo em mãi. Không gian mưa bỗng trở nên đẹp quyến rũ. Nhạc Trịnh dẫn ta đi mãi vào cõi riêng và mãi tới thiên thu. Không phải lạc vào cõi thần tiên hay cõi Thiền , mà là cõi người “hằn lên nỗi đau” nhưng cũng là cõi mà “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Tiếng Việt trở nên đẹp kỳ diệu. Trịnh làm ta sững sờ về vẻ đẹp vừa mới lạ vừa cổ kính của tiếng Việt. Từ Văn Cao, đến Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh và TCS, tiếng Việt ngày càng trở nên tinh tế, phong phú và có khả năng phi thường để diễn tả những tâm tư tình cảm con người Việt Nam.

Diễm Xưa
Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du


Rồi đây, người ta sẽ còn nói đến nhạc Trịnh như nói đến truyện Kiều của Nguyễn Du. Không nên bận tâm đến con người xã hội của Trịnh , bởi tác giả đã chết, Roland Barthes đã nói vậy.
_______________________
(1) http://damau.org/archives/19337
(2) http://damau.org/archives/19354

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét