LÝ VĂN SÂM LÀ NHÀ VĂN LỚN CỦA ĐỒNG NAI. ÔNG VỪA LÀ NHÀ HỌAT ĐỘNG CHÍNH TRỊ, VỪA LÀ NHÀ VĂN. SÁNG TÁC CỦA ÔNG TRẢI DÀI TRONG MỘT HÒAN CẢNH LỊCH SỬ HẾT SỨC KHÓ KHĂN. ĐỌC LÝ VĂN SÂM ĐỂ THẤY NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG ÔNG ĐÃ TRĂN TRỞ THẾ NÀO VỀ NHỮNG ƯỚC NGUYỆN CỦA MÌNH
Bùi Công Thuấn
____________________________________
Đọc Lý Văn Sâm
KÒN TRÔ
(Nxb Tân Việt 1949, Nxb Tổng Hợp Đồng Nai 2008)
Bùi Công Thuấn
KònTrô là tập truyện ngắn gồm 7 truyện. Tập truyện chưá đựng được nhiều đặc sắc ngòi bút Lý Văn Sâm (LVS) cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Ông cũng bộc lộ đôi nét về mình trong lời tưạ Thâm U và Cao Cả, và đặc biệt, ông ghi lại được đậm nét hình ảnh đất nước, con người Nồng Nai một thời quá vãng.
Truyện KònTrô (1941?) kể rằng : Phụng bị lạc trong một cuộc đi săn trong rừng. Trời tối, nàng tìm đến thác Mu Mi. Khi tỉnh dậy, nàng biết mình bị rơi xuống vực và được KònTrô cứu. Nghe tiếng KònTrô là một tướng cướp, nàng sợ hãi chống trả. Nhưng khi nghe KònTrô nói về hoàn cảnh cuả mình, Phụng an tâm. KònTrô đưa nàng đi thăm trại. Trái tim anh đã thuộc về nàng. Nàng trao cho KònTro một chiếc khăn tay làm kỷ niệm khi nàng trở về tỉnh. KònTro hẹn 3 giờ chiều sẽ tiễn nàng ở cây số 90 đầu dốc lớn. Bốn năm sau một đôi vợ chồng trẻ thăm thác Mu Mi. Người chồng kể cho vợ nghe cái chết của KònTrô. Hôm ấy, KònTrô hẹn tiễn một cô gái. Hắn bị lính đồn Châu Mạ phục kích bắn chết ở cây số 90, phủ mặt bằng một chiếc khăn. Nguyên nhân cái chết cuả KònTrô là do cô gái ấy nói cho hai người bạn biết cuộc hẹn của KònTrô. Họ liền báo tin cho đồn Châu Mạ. Nghe chuyện, người vợ hốt hoảng.
Đó là câu chuyện tình lãng mạn của một tướng cướp và cô gái thành thị. LVS ca ngợi KònTrô như một người anh hùng mã thượng, một tướng cướp lương thiện, vì lòng thù ghét của loài người mà phải sống ngoài vòng pháp luật và vì tình mà chết bi thảm. “Chỉ vì một năm gạo thua, lúa kém, chúng tôi mới phải ép lòng đón người giật của và cướp kho lương của ông đồn tại đây..chúng tôi chỉ bạo động trong một năm ấy thôi, rồi thì cải ác tùng thiện, trở về chốn cũ, cầm lại cái cày, quơ lại cái cuốc, sống một cuộc đời lương thiện như những kẻ nông dân “(tr.45). LVS cũng mơ ước một xã hội công bằng tốt đẹp. Trại của KònTrô, là ”Một thế giới riêng phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn thành thị”(tr.45) “Ở đây không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tỵ, nó làm cho người ta phải cực lòng lo nghĩ về nhau. Tâm hồn họ đã hoà chung cùng cỏ cây hoang dại “(tr.44).
Kòntrô là kiểu truyệntình lãng mạn phiêu lưu đường rừng. Tư tưởng của tác phẩm khá mờ nhạt, mơ hồ. Bởi vì nhân vật chính KònTrô không phải là kiểu nhân vật tư tưởng, không thể hiện tư tưởng chính trị xã hội, có chăng là cái nhìn nhân ái cuả LVS đối với nhân vật.
Truyện Thần Ngư Động (1942) là kiểu truyền thuyết về danh lam thắng cảnh thác Trị An, nơi có Thần Ngư Động.
Có hai viễn khách, trên đường về quê, đứng nhìn con thác mà lòng buồn man mác. Một người bỗng thấy hai ngọn đèn lóng lánh như hai vì sao nơi ngọn thác. Đêm ấy họ ngủ lại. Lương Điền, một trong hai người, nằm mơ thấy một thiếu nữ đến dẫn đi. Hai người băng trên sóng nước đếnThần Ngư Động. Ở đây Lương Điền gặp được Thuỷ Thần ở biển Đại Thanh. Thuỷ thần cho Điền tất cả kho tàng đã tích luỹ hàng ngàn năm. Điền không về quê mà quyết định ở lại để đi tìm kho báu như được chỉ dẫn trong giấc mơ. Nhân vật “tôi”(tác giả), sau những năm tháng làm khách lãng du mã thượng giang hồ không thành sự nghiệp, đã trở về Trị An, quê ngoại lập nghiệp. Ở đây “tôi” được Lê Tùng, người bạn cùng đi với Lương Điền, cho biết Lương Điền đã chết. Ông cũng cho “tôi” coi lá thư tuyệt mệnh của Lương Điền. Lê Tùng cũng đã đi tìm Điền, may mà thoát chết. Ngày nay Thần Ngư Động chỉ là một hang lạnh. Tác giả viết truyện để nhớ người xưa.
Thần Ngư Động là truyện phiêu lưu đường rừng, có pha chất thần thoại ( như Từ Thức lên tiên ) , để giải thích một hang động cuả thác Trị An. LVS có pha chút ít tư tưởng vào truyện, đó là lòng tham tiền bạc. “Điền đã bị cám dỗ bởi giấc mộng kim ngân nó ăn sâu vào tâm hồn chàng thành ám ảnh”. Điền chết vì giấc mộng ấy.
Xác Mu Mi Trên Núi Đá cũng là truyền thuyết (“người ta kể lại rằng” –tr.82) về sông La Ngà, núi đá Định Quán, về phong tục thờ cá sấu ở Võ Đắc.
Ở chốn sơn lâm vô danh có loại Mọi (chữ của LVS) ở hai bên sông La Ngà, ngày nào cũng chém giết lẫn nhau. Vợ của tù trưởng tả ngạn bị quân hữu ngạn bắt. Người chồng mới nhốt nàng vào hang đá. Rồi người chồng ấy chết. Nàng tự cởi trói ra khỏi hang. Nàng cứu một con sấu lớn, được sấu đưa qua sông và cho viên ngọc sấu. Quân tả ngạn bầu nàng làm nữ chuá. Nữ chúa dùng phép thuật của ngọc sấu mà tàn sát quân hữu ngạn. Từ đó thái bình. Họ đi về phương nam, mở làng mạc mới, rồi lại đi. Giữa sóc Mọi Cao Cang (định Quán) có hai trái núi. Xưa là hai sơn thần vì giận nhau mà thành xa cách. Người anh đã giết Ngạc Ngư Thần (cá sấu thần ). Hồn thần sấu báo mộng Nữ chuá. Nữ chuá quy tập dân Võ Đắc kéo về toan đạp bằng hai ngọn núi đó. Núi biến thành đá, nữ chuá buồn rầu kéo binh về. Ngày nay người Mọi làng Võ Đắc còn thờ cá sấu.
Răng Sa Mát là một cậu bé lặn lội đi tìm con người kỳ quái có tiếng hú thảm thiết trong rừng. Thực ra đó là cha của Sa Mát đã biến thành xà niên. Người đi săn thường ngậm ngải để tránh thú dữ. Cha Răng Sa Mat đi săn, bất ngờ trở về, mẹ Sa Mát không mở cửa, vì lúc ấy bà ta đang ngoại tình với tên Bướm. Thế là ông biến thành xà niên . Lão Bống cho Sa Mát ngậm 100 củ ngải rừng đi tìm cha và hiến mạng sống cho cha. Sa Mát đến chỗ xà niên, bị xà niên hút máu. Xà niên trở lại thành người, về làng tìm giết Bướm, nhưng tha chết cho vợ, vì mụ đang mang thai.
Truyện đề cao tình cha con, phê phán thói gian dâm độc ác. Truyện cũng kể về những phong tục lạ dân tộc , như ngậm ngải đi săn, dùng ngải đổi mạng. Đây là loại truyện phong tục đường rừng. Sự hấp dẫn của loại truyện này là ở những sinh hoạt lạ của người dân tộc xưa.
Voi Đội Đèn là câu chuyện của nhà thiện xạ gác súng vì thua một bà già mù trong việc đuổi đàn voi phá hại mùa màng. Nhà thiện xạ dùng súng để bắn điếc tai con voi đoàn. Nhưng nó chỉ bị thương nhẹ, cả đoàn voi quay ra phá nát ruộng. Khi đoàn voi đến ruộng bà gìa mù. Bà chửi đoàn voi thậm tệ, vô tình cục lửa trong chiếc đèn của bà rớt xuống lưng con voi đoàn bốc cháy. Voi đoàn bỏ chạy vào rừng , cả đoàn chạy theo.
Đây là kiểu truyện thường đàm trong dân gian. Kể để rút kinh nghiệm hoặc rút ra bài học nào đó.
Ngăn Rạch Bắt Sấu là một câu chuyện nghĩa tình cảm động. Nhân vật ông Ba kể: ông Bader là một người Đức, đến Nam bộ, mở đồn điền cao su ở làng Đại An (Biên Hoà). Sau đó lấy một người vợ VN tên Trang. Một lần, cô Trang ra sông tắm bị sấu quắp tha ra giữa sông. Ông Bader cùng mọi người truy bắt, nhưng sấu trốn vào một cái rạch sâu tìm không ra. Ông Bader kêu gọi dân đắp rạch ngăn đường ra sông để bắt sấu. Hàng tháng trời ông Bader và dân làng lùng sục con rạch nhưng không tìm thấy sấu. Một đêm kia có một ông già xin mở khẩu cho coi rạch. Những người coi đập lúc đầu từ chối, sau họ chiều ý ông, dở khẩu lên. Ngay lúc đó sấu bơi ra sông mất tăm.Người ta bảo đó là thần linh cứu sấu. Năm sau, ông Bader lập đàn tế vợ bên sông, con sấu bò lên bãi, bị ông Bader bắn và dân làng đập chết. Trong bụng nó còn nguyên dây chuyền của vợ ông. Ông Bader băm con sấu tan tành. Đến bây giờ có một ông già ngoài 90 ngày ngày ra đứng bờ sông.” Tuổi già lẩm cẩm, ông hầu quên hết mọi sự ở đời…”
Mũi Tổ là gì ? Vùng Hố Nai nhiều thú hoang dã. Tối đến người ta sợ “ông thầy “(cọp) về bắt gà bắt chó. Cứ đêm đến là dân chúng khiếp đảm. Rồi một hôm có ông cả Tiến về sống. Thú hoang xa dần, người đông thêm. Đó là một người bí mật, một con người chiến bại trong một cuộc khởi nghiã, sống lẩn lút ngoài vòng pháp luật (tr.125).Ông coi tổ quốc VN là gia đình, thân quyến là đồng bào đau khổ (tr.130). Năm 24 tuổi, tôi (tác gỉa) quen thân với Cả Tiễn, được cả Tiễn dạy bắn ná. Cả Tiễn noí rằng không được phạm vào mũi tổ (tức là bắn trúng mắt thú) . Vì như thế, sẽ bị tai nạn mù mắt. Tháng 8/1945 tôi tham gia phong trào chống xâm lăng và bị bắt. Quân Anh -Ấn đóng chốt. Cả Tiễn được yêu cầu bắn hạ tên lính Ấn. Tiễn nói sẽ phạm vào mũi tổ. Dù vậy, đây là mũi tên cuối cùng Tiễn dành cho tổ quốc. Tên lính Ấn bị Tiễn bắn trúng mắt. Sau đó Tiễn bị bắt bị đánh mù mắt.Tôi ớn lạnh vì mũi tổ. Một năm sau tôi được trả tự do, một buổi chiều mưa, qua sông trên một con đò, gặp một người mù nghe tiếng quen.Tôi mong người ấy đừng là Cả Tiễn. Lòng tôi đau xót
Mũi Tổ là truyện lạ của nghề săn bắn, có lồng tư tưởng yêu nước. Người chiến sĩ, mặc dù chiến bại vẫn sẵn sàng hy sinh vì nước. LVS khai thác yếu tố duy tâm dân gian trong sự linh ứng về Mũi Tổ .
Lược qua những truyện kể trên, người đọc có thể nhận thấy KònTrô là tập truyện đường rừng vì hầu hết bối cảnh truyện là rừng núi, sự việc, con người diễn ra trong rừng núi. Nhân vật Kòntrô là tướng cướp chọn núi rừng để ẩn mình, Răng Sa Mát đi tìm cha trong rừng, người đã bị biến thành xà niên..
Đặc điểm chính của tập KònTrô là kiểu truyện xứ lạ đường rừng . LVS kể lại những truyền thuyết, những chuyện lạ (Thần Ngư động, người biến thành xà niên, bắt sấu, mũi tổ, bà già mù đuổi voi,..) ở vùng Đồng Nai, Hố Nai, Trị An, Định Quán, La Ngà..Tác giả dẫn chúng ta đi ngược thời gian về mãi tận thời buổi “loài người còn sống chung với muông thú và cùng ngơ ngác như nhau”(tr.71), đến những ngày Cách mạng tháng tám Ất Dậu 1945. Vì thế truyện vưà có không khí dã sử (truyện Xác Mu Mi Trên Đá ), vưà có thời sự lịch sử (truyện Mũi Tổ). KònTrô phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, để giữ lấy cái thiện, giữ lấy nhân tâm, giữ lấy tình nghiã , giữ lấy cuộc sống bình yên, giữ lấy tổ quốc.
Thấp thoáng trong những câu chuyện đường rừng, là tư tưởng của LVS. Đó là tình cảm yêu nước của kẻ chiến bại (Mũi Tổ), tình gia đình của người đàn ông mất vợ, con mất cha (Ngăn rạch bắt sấu, Răng Sa Mat), tình yêu lứa đôi không tròn (Kòntrô). LVS phê phán sự gian ác bất nghĩa của người vợ, sự ác tâm của người đời khiến tướng cướp lương thiện Kòntrô phải xa lánh cõi người, phê phán những cuộc chém giết dã man thời mông muội (Xác Mu Mi Trên Đá), thói tham kim ngân (Thần Ngư Động ). Ông cũng ước vọng về một xã hội lương thiện, một đất nước đậc lập tự do.
Tập Kòntrô là sự pha tạp nhiều kiểu bút pháp , từ lãng mạn, đến thần thoại, truyền thuyết, truyện đời thường dân dã, và thời sự hiện đại. Không khí truyện hư hư thực thực. LVS xử dụng nhiều yếu tố duy tâm dân gian để câu truyện thêm lạ lùng hấp dẫn. KònTrô giúp người đọc hiểu được ít nhiều thiên nhiên, đất nước, con người một vùng đất Đồng Nai từ xa xưa đến thời Cách mạng tháng tám. Bút lực của LVS thật mạnh mẽ, cách kể trong sáng và biến hoá. Cốt truyện phát triển khá phức tạp và hấp dẫn. LVS thường sử dụng kỹ thuật kể chuyện trong truyện, tác già chỉ như một khách thể đứng xa quan sát và ghi lại ; Ông cũng tạo ra những nhân vật phiếm chỉ, đọng lại nỗi bâng khuâng trong lòng người đọc. Kết thúc Ngăn Rạch Bắt Sấu, LVS viết :” Đến bây giờ có một ông già ngoài 90 cứ ngày ngày ra đứng bờ sông, nhìn dòng nước chảy…Ông sống để nhìn trò đời thay đổi, để khóc một tâm sự gì đau đớn tận ngày xưa. Nhưng hình như nước mắt long ông đã khô rồi. Bởi tuổi cao, lòng nguội.Tuổi già lẩm cẩm, ông hầu quên hết mọi sự ở đời…”. Nhân vật “tôi” (tác giả) có xuất hiện , song chưa có vai trò gì quan trong tác phẩm.
KònTrô là một tập truyện đường rừng có nội dung khá đặc sắc. Tuy vậy, tư tưởng của KònTrô còn mờ nhạt. KònTrô không cắt được những vết sâu vào thực tại , tác phẩm khó có được sức lắng đọng lâu bền với thời gian.
Bùi Công Thuấn 09/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét