album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

ĐÔI MẮT NHÌN SÂU VÀO LỊCH SỬ

Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
ĐÔI MẮT NHÌN SÂU VÀO LỊCH SỬ
Tập truyện ngắn ĐÔI MẮT ĐÔNG HOÀNG của Uông Triều. Nxb Hội Nhà Văn 2010



Đôi Mắt Đông Hoàng là một tập truyện ngắn gồm 11 truyện, trong đó có 7 truyện dựa trên dã sử, truyền thuyết. Sự chọn lựa này của ngòi bút Uông Triều là một dấn thân đầy thử thách không dễ thành công đối với một cây bút trẻ. Nhưng trước hết đó là sự chọn lựa bản lĩnh và đầy cá tính của một ý thức sáng tạo riêng.

Trong khi nhiều tác giả trẻ khác chạy theo những đề tài thời thượng, lấy sex làm yếu tố câu khách , miêu tả sex không trơ trẽn, thì Uông Triều lại tìm về lịch sử, đặt mình trong tâm thức lịch sử, tái hiện lại lịch sử, để thể hiện những nghĩ suy của ngày hôm nay. Đó là một lối đi rất rộng nhưng lại rất hẹp, bởi lịch sử còn nhiều khoảng trống cho nhà văn khai thác, nhưng lịch sử là những gì đã được đóng đinh, ai cũng biết, vì thế rất khó cho sự sáng tạo.

Những chuyện lịch sử được kể, người đọc đã biết trước cốt truyện, biết trước tính cách và số phận nhân vật. Điều này làm mất đi yếu tố hấp dẫn cuả cốt truyện, nhân vật và sự sáng tạo. Với vốn “biết trước” ấy, người đọc đối chiếu với những gì nhà văn đang viết để đánh giá giá trị trang văn. Chỉ một chút sai sót kiến thức, thiếu cẩn trọng trong tra cứu, nhà văn có thể đánh mất mình trong mắt của độc giả.

Vì thế, viết truyện dã sử, nhà văn phải tra cứu lịch sử công phu, phải đi sâu vào dân gian tìm hiểu những truyền thuyết, tìm hiểu tâm thức dân gian, và quan trọng hơn tìm cho được những chứng liệu mà chính sử không có, để từ đó tái tạo, hư cấu viết thành tác phẩm. Cái khó là dựng cho được không khí, không gian văn hoá của lịch sử, từ bối cảnh, ngôn ngữ, phong tục, trang phục và tính cách, cuộc sống của con người ở quá vãng.

Nhưng sự sống còn của một tác phẩm văn chương hư cấu từ lịch sử là tư tưởng nhà văn gửi trong đó. Sự việc lịch sử đã xảy ra rồi, những đánh giá về con người, sự việc cũng đã thành định kiến trong dư luận. Nhà văn soi rọi điều gì mới cho con người và sự việc của quá khứ? Theo quan điểm chính thống của lịch sử hay đi ngược lại quan điểm ấy. Hoàng Lê Nhất Thống Chí là một thí dụ cho thái độ và tư tưởng cuả nhà văn đối với lich sử. Thái độ ấy đã bị độc giả ngày nay phê phán.

Viết về lịch sử, nhà văn sẽ chọn bút pháp nào để tạo ra không khí lịch sử cho tác phẩm ? Tam Quốc Diễn Nghiã là một đỉnh cao bút pháp viết về lich sử rất khó có thể vượt qua. Hay nhà văn sẽ chọn bút pháp trong các cuốn sách sử (Chẳng hạn : Sử Ký Tư Mã Thiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )? hay chọn cách kể chuyện dân gian kể về những sự tích, những truyền thuyết, những giai thoại? Nguyễn Huy Thiệp đã tổng hợp tất cả các cách viết ấy để viết nên những truyện ngắn khác hẳn so với bút pháp cuả Chủ Nghiã Hiện Thực Xã Hội Chủ nghiã. Uông Triều sẽ đi con đường nào khi trước mặt mình là những đỉnh Thi Sơn sừng sững đầy thách thức, mà nhìn lên đã thấy rợn ngợp, sợ hãi, đối với những ngòi bút không có đởm lược?

Ngòi bút Uông Triều có những sáng tạo gì trong truyện NÀNG ĐIỂM BÍCH (tr.35)?

Giai thoại về chuyện nàng Điểm Bích và Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) được kể trong Tổ Gia Thực Lục và Tam Tổ Thực Lục có những chi tiết khác nhau. Phạm Đình Hổ (1768-1839) trong Vũ Trung Tuỳ Bút cũng chỉ kể lại sơ lược. Đại thể câu chuyện như thế này:

Vua Trần Anh Tông muốn thử đạo hạnh Huyền Quang, bèn sai nàng Điểm Bích đến núi Yên Tử để dụ dỗ ông. Khi trở về Điểm Bích tâu vua rằng:

“Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng, sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm nửa đêm, sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên cạnh phòng của thiền sư để nghe xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng:
Vằng vặc giăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ
Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình.

Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi lại ngủ một đêm, rồi cho tôi một dật vàng”. (1)
“Vua nghe chuyện xong, lòng buồn rượi. Hôm sau ngài đem chuyện nầy nói lại với vài cận thần tâm phúc. Một vị bàn nhà vua nên mở đại hội Vô Già . Ngày đại hội, vua cho đặt trên bàn cúng đủ loại và đồ ăn mặn... Huyền Quang được chỉ định làm chủ lễ hội Vô Già. Ông biết biết mình bị vua nghi ngờ.

Tới đàn, sư thầm khấn:
- Kẻ tu hành nầy, nếu có điều gì bất chánh, xin chư Phật cho đọa xuống A Tỳ địa ngục, còn nếu không thì xin cho những tạp vật kia biến hết đi!

Huyền Quang ngửa mặt lên trời thổi một hơi, rồi đi lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm cành dương xanh, mật niệm thần chú rưới khắp pháp điện. Ðại chúng từ nhà vua đến bần dân đều kính cẩn nhìn sư hành lễ. bỗng một đám mây đen từ đâu kéo tới rồi tiếp theo là những cơn lốc, bụi bay mù mịt. Một lát trời sáng thì những thứ tạp vật trên pháp điện bị gió cuốn bay đi, chỉ còn lại hương đèn và lục cúng nằm nghiêng ngã trên bàn. Mọi người thất sắc kinh hồn.

Vua thấy hạnh pháp của sư thấu cả thiên địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ tội.
Hôm sau thiết triều, nhà vua sai quan đề hình xét lại vụ Ðiểm Bích. Quan đề hình cho mời vị ni sư già và chú tiểu chùa Vân Yên xuống Thăng Long để đối chất.

Biết câu chuyện bịa đặt bị lộ, Ðiểm Bích thú nhận là đã vu oan cho Huyền Quang. Thị Bích bị đình thần ghép vào tội khi quân (phải chém đầu). Nhưng được Huyền Quang xin, vua tha tội chết, giáng làm kẻ nô bộc quét chùa trong dinh Cảnh Linh ở nội điện “(2)

Câu chuyện trên được người xưa kể theo góc nhìn của sự việc. Thái độ người xưa là thái độ trọng nam khinh nữ. Truyện kể là để bênh vực cho Huyền Quang và chạy tội cho nhà vua.
Uông Triều cũng căn cứ vào Tam Tổ Thực Lục kể lại chuyện này (tr.38) nhưng Uông Triều lấy nhân vật Điểm Bích làm điểm nhìn nghệ thuật, tạo dựng lại nhân vật Điểm Bích theo cảm quan của mình để đặt vào đó tiếng nói tư tưởng mới.

Uông Triều kể: Chín tuổi Điểm Bích được tuyển vào cung. Nàng mơ ước có thể sinh ra một hoàng nam. Vua sai Điểm Bích đi thử giới hạnh Huyền Quang. Trước khi đi nàng xin với vua “cho phép thiếp trở thành đàn bà “. Yêu cầu của Điểm Bích được vua ân chuẩn. Điểm Bích ra đi nhưng trong lòng không có ý đồ nào hết. Đến Yên Vân, Điểm Bích xin ở lại cửa Phật. Nàng thường đàm đạo thơ văn với Huyền Quang. Nàng thấy Huyền Quang đạo hạnh, nhưng nàng cũng mơ ước có một người cho riêng mình. Nhưng cả hai (vua và Huyền Quang) đều không thuộc về nàng. Một đêm trăng nàng tìm gặp Huyền Quang và đọc bài thơ (Vằng vặc trăng mai ánh nước/Hiu hiu gió trúc ngân sênh/Người hoà tươi tốt, cảnh hoà lạ/Mâu Thích ca nào thuở hữu tình.)(3). Sau đêm đó Điểm Bích rời Yên Tử trở về đem theo thỏi vàng Huyền Quang tặng lúc chia tay.

Phần còn lại Uông Triều kể như trong các giai thoại và kết truyện như sau: Điểm Bích đâm đầu xuống giếng tự vẫn trong bụng nàng đã hình thành một hình hài nhỏ. “Hai trăm năm sau có người đào được mộ nàng, thấy môi nàng vẫn đỏ, nhan sắc, thân thể còn nguyên vẹn. Người ấy kinh sợ báo cho quan triều đình lập đàn cúng tế mà đưa nàng trở về chỗ cũ “(tr.46)

Kết thúc như vậy, Uông Triều sửa lại những chi tiết được miêu tả trong Vũ Trung Tuỳ Bút :
“buổi đầu năm Cảnh Hưng, có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn còn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền.”(Vũ Trung Tuỳ Bút )

So sánh hai cốt truyện trên ta nhận ra Uông Triều đã có những sáng tạo đặc sắc. Thay cho chi tiết Điểm Bích ngủ với Huyền Quang là chi tiết Điểm Bích được vua ân chuẩn cho ngủ với vua một đêm trước khi lên đường. Chi tiết này đặc sắc ở chỗ, vừa minh oan được cho Huyền Quang, vưà đáp ứng cái khát vọng sâu xa cuả Điểm Bích, khát vọng của mọi người cung nữ. Đồng thời chỉ ra cái nhân quả hành động cuả Trần Anh Tông. Chính nhà vua sai Điểm Bích đi. Nàng đã lấy được kim tử bằng vàng đem về như lời vua truyền, nhưng lại bị vua trị tội, để rồi nàng phải chết thảm đem theo bào thai ( con của Anh Tông sau đêm Điểm Bích được vua ân chuẩn )

Chi tiết về ngôi mộ và hình hài của Điểm Bích cũng là sự sáng tạo. “Hai trăm năm sau có người đào được mộ nàng, thấy môi nàng vẫn đỏ, nhan sắc, thân thể còn nguyên vẹn.” Đó là sự tôn vinh tài sắc đức hạnh Điểm Bích. Trong Vũ Trung Tuỳ Bút, hình hài của Điểm Bích đã tan thành nước: “mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi”

Uông Triều đã khắc họa được một nàng Điểm Bích vừa sâu sắc, vừa mới mẻ, chưá đựng được tư tưởng nhân văn có chiều sâu văn hoá dân gian. Điểm Bích là một người vừa xinh đẹp, vưà tài hoa. Nàng bị đẩy vào hoàn cảnh làm công cụ cho quyền lực phong kiến (làm cung phi của vua, rồi làm gián điệp cho vua, và sau cùng bị vua trị tội để xoá dấu vết thủ đoạn của mình), nhưng nàng đã chủ động hành xử theo lương tri trong sáng của mình. Lên Yên Tử theo lệnh vua nhưng trong lòng nàng không có đồ gì. Điểm Bích thường đàm đạo với Huyền Quang, nhưng tâm hồn trong sáng, mang vẻ đẹp tài tử giai nhân. Nàng không còn bận gì về trách nhiệm nhà vua giao. Đêm trăng sau cùng trước khi chia tay với Huyền Quang là một đêm trăng đẹp. Uông Triều đã sáng tạo đêm trăng đó căn cứ vào bài thơ mở đầu bằng câu :”Vằng vặc trăng mai ánh nước “Đêm trăng sáng ấy đã xua tan mọi nghi án về Huyền Quang. Nàng cũng chính là ánh trăng như hoa mai lấp lánh ánh nước.

Tôi nghĩ rằng Uông Triều đã thành công trong nghệ thuật viết lại dã sử ở khả năng sáng tạo tinh tế, ở cái nhìn nhân văn sâu sắc, và ở tấm lòng với những con người tài hoa như Điểm Bích. Anh đã vượt qua được những thử thách tưởng khó có thể làm được ở một cây bút trẻ. Tôi hiểu anh đã dụng công rất nhiều trong sáng tạo nghệ thuật cuả mình

Những truyện viết theo dã sử của Uông Triều

Viết về dã sử là mặt mạnh của Uông Triều trong tập truyện này. Nước Mắt Sông Cầm là câu chuyện về lòng bao dung của dân làng đối với Phan Nhan, một tên phản bội tổ quốc bị Trần Quốc Tuấn xử chém. Nàng Điểm Bích là lời giải oan cho những điều tiếng về mối quan hệ giữa Điểm Bích và Thiền sư Huyền Quang. Kiếm Sắc và Hoa Đào một bảnh anh hùng ca về cuộc đời nữ tướng Lê Chân, thuộc hạ của Trưng Trắc. Người Con Gái Yên Tử là sự tích Lâm Nhi, lập ra làng Nương, làng Mụ dưới chân núi Yên Tử. Không Có Con Gái Đẹp là giai thoại về miếu Trinh Nữ ở làng Thị. Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân là tâm trạng của Trần Nhân Tông trước khi viên tịch. Huyền Thọai Hạ Long là huyền thoại về Hang Trinh Nữ ở rặng đảo Bồ Hòn.

Tất cả những truyện này đều đã có dấu tích trong sử sách hay trong những truyền thuyết, giai thoại được kể trong dân gian. Uông Triều đã dựng lại bối cảnh, làm sống lại nhân vật, đưa người đọc vào không khí lịch sử, huyền thoại của câu chuyện. Nếu người đọc chỉ đọc lướt qua, theo dõi cốt truyện thì sẽ không nhận ra những sáng tạo đặc sắc của Uông Triều. Sự hấp dẫn của những truyện này không phải ở sự tích được kể lại, hay ở những yếu tố ma mị huyền hoặc như trong những truyện Liêu Trai, những điềm báo lạ lùng về một thần nhân hay thiên tử. Sự hấp dẫn thực sự là từ bút pháp của Uông Triều, và từ cá tính sáng tạo của ngòi bút


Kiếm Sắc và Hoa Đào có thể là một tuyệt bút của Uông Triều. Vì nó thể hiện một năng lưc sáng tạo mạnh mẽ có bề dày văn hoá dân gian Bắc Bộ, và có được sự sâu sắc của tâm thức Việt. Nó cũng tỏ lộ được những đặc sắc trong bút pháp của anh, mà nét cơ bản là cảm hứng lãng mạn anh hùng ca.

Những tư liệu chính thức trong sử sách về nữ tướng Lê Chân không có nhiều, đại thể như sau:
“Lê Chân là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.

Tương truyền bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo Thần Tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu[1]. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Bà cũng chiêu mộ trai tráng để luyện binh. Binh sỹ có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống Hát Giang tự vẫn. Lê Chân cũng mất năm đó nhưng về cái chết của bà, theo truyền thuyết, có một số giả thiết sau : 1/Bà trầm mình theo Hai Bà Trưng. 2/Bà hy sinh khi chiến đấu tại vùng núi thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. 3/Sau khi chống quân Mã Viện ở vùng sông Bạch Đằng không thành công, bà phải lui về hồ Tây rồi Mai Động, Hà Nội và hy sinh ở đây.

Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Lê Chân được thờ làm thành hoàng cũng như được lập đền thờ ở khá nhiều nơi: đền Nghè, quận Lê Chân, Hải Phòng; làng Mai Động (nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai), Hà Nội; đền thờ tại huyện Kim Bảng, Hà Nam; đền thờ trên núi Vẻn tại quê bà. “(4)

Uông Triều giữ nguyên cốt truyện này, nhưng phần sáng tạo của anh là ở chỗ dựng lại bối cảnh, làm sống lại con người theo cách dựng cảnh của tiều thuyết. Trên cơ sở đó, anh sáng tạo nhiều chi tiết thật hay. Chẳng hạn chi tiết về hoa đào phủ kín mặt đất, máu và hoa đào. Vừa lãng mạn vừa bi thương, vừa rất mực yêu thương vừa cháy bỏng căm thù. Chi tiết về việc Lê Chân luyện kiếm trong vườn đào. Anh nhắc lại nhiều lần câu nói của người cha khi dạy Lê Chân :”Kiếm nhanh như gió nhưng không động cành, mũi dao nhọn sắc nhưng lặng như nước trong hồ. Kẻ dùng kiếm nhưng không vì kiếm”. Câu nói ấy như câu quyết của Lê Chân mỗi khi muá lên những tuyệt chiêu mà ánh sáng của kiếm pháp bao quanh người tạo nên một vẻ đẹp mê hồn. Vẻ đẹp của hoa đào kết hợp với ánh kiếm, vẻ đẹp của giai nhân trong khí phách người anh hùng, vẻ đẹp lẫm liệt của một con người mà tầm vóc sánh ngang với thời đại cùng với nét dịu hiền của người con gái đất Việt hiếu thảo, thuỷ chung. Chi tiết sau cùng về cái chết cuả Lê Chân cũng là một sáng tạo, thể hiện được tầm vóc người anh hùng. Lãng mạn và lẫm liệt. Truyền thuyết nêu ra gỉa thiết Lê Chân trầm mình. Uông Triều miêu tả Lê Chân bay ngựa lên núi Giáp Dâu :

“Người đã lên được đỉnh Giáp Dâu, tầm mắt mở ra bốn phía, non cao đẹp, hoa đào núi nở sớm,đâu là nơi cha mẹ ta an nghỉ, bản quán ta.Tiết xuân về, hoa rắc hồng mặt cỏ, ta múa gươm trong vườn, nhất quyết không động đến từng cánh hoa đào. Thiếu thời của ta, gió thông thốc.Cha mẹ ta táng ở lưng đồi, bao tướng sĩ đã vì non sông ngã xuống. Trưng Vương giữ khí tiết trầm mình ở dòng Hát Giang, chàng lái đò đã quên mình giải vây cho ta. Xin vái ba lạy tạ tội mẹ cha, tiễn thương tướng sĩ…Từ đỉnh Giáp Dâu, Lê Chân thúc ngựa phi xuống như gió. Trước mặt nàng là sông Đạm Thuỷ hiền hoà, sông Kinh Thầy uốn lượn. Rừng cây phiá dưới là đồi hoa đào bát ngát… tất cả bao quanh một sắc hồng thắm, ta trở về với hoa đào..Nàng thả mình nhẹ dần…Lê Chân tuẫn tiết trên đỉnh Giáp Dâu “(tr72)

Uông Triều đưa Lê Chân lên đỉnh Giàp Dâu là một hình thức nghệ thuật nhằm tôn vinh Lê Chân . Tác giả cũng đặt nhân vật cuả mình giữa màu hồng thắm của bát ngát hoa đào, để tâm hồn Lê Chân yên nghỉ cùng với quê hương, đất nước, với cha mẹ, người thương, và với bao nhiêu anh hồn các liệt sĩ. Đó là một cái chết lẫm liệt, bất tử, một bản anh hùng ca đẹp đẽ, lãng mạn làm xúc động người đọc hôm nay. Đặc sắc thẩm mỹ của ngòi bút Uông triều là sự kết hộp giữa cái anh hùng với cái đẹp lãng mạn. Đặc sắc thẩm mỹ này hiếm có trong ngòi bút của các tác giả trẻ hiện nay.

Để tạo được đặc sắc thẩm mỹ ấy, Uông Triều đã dồn tụ nhiều thủ pháp nghệ thuật cho ngòi bút của mình. Một mối tình thầm lặng giữa Lê Chân và chàng trai chèo đò được miêu tả âm thầm trong lòng hai người ấy. Mối tình ấy đã trở thành sức mạnh chiến đấu của Lê Chân. Chàng trai ấy, trong cuộc giải vây cho Lê Chân đã hy sinh oanh liệt vì nước và vì người mình yêu . Hình tượng ấy là một bước đệm tôn vinh Lê Chân lên cao hơn. Đoạn văn miêu tả cái chết cuả chàng sau đây có thể được xem là tiêu biểu cho cách viết cuả Uông Triều
”Trưng Vương đưa quân về vùng Lãng Bạc tử chiến

Cánh quân Lê Chân tiến về Lạt Sơn. Nhất quyết không để chịu bắt. Ta sẽ kháng cự đến cùng.

Quân mã chạy tuá, những binh sĩ, anh em, họ hàng của ta, hãy luồn rừng thoát vây trở về đất cũ, chờ thời mới.

Tì tướng mặt lưu vết khói, máu khô đọng trên vai, chià tay ra, vết kiếm tuốt nổi trên bàn tay.
-Ngươi hãy trở về quê cũ, trời định rồi, sức ta không thắng được.
-Hôm đợi dưới bến Kinh Thầy lòng ta đã quyết. Người không đến ta đâm nát dòng sông. Ta quyết cùng người tử chiến nơi đây.

Vòng vây hẹp dần.

Tiếng thét. Kẻ ngồi trên lưng ngựa, nét thanh tú kia chính là nữ chủ tướng, bắt sống lấy.

Quân xông vào bảo vệ nữ chuá. Gươm múa tơi bời, độc kiếm vô hình. Đầu giặc rụng tơi bời.

Tên bắn tua tuả.Người lao ra như mưa. Trong đám tên mưa hỗn loạn ấy. Người tì tướng vững chãi như thành đồng, vai trần xăm những hình quái sông, thuồng luồng lao ra tử chiến. Tì tướng xuất thân người lái đò trên sông Kinh Thầy.

Quân giặc bu vào chỗ ấy, gươm vung loang loáng, người chặn trên xả dưới, kiếm vung túi bụi, đám giặc xông vào, dội ra. Bóng lưng trần tả xung hữu đột, mở đường máu, không cho giặc chạm vào chủ tướng
Vòng vây co cụm, giáo giặc đan lại một vòng, tất thảy mũi nhọn chỉa vào. Tiếng gươm lạnh buốt, tổ kiến lửa bu vào con mồi, bung ra, vỡ ra, mở rầm rĩ, náo loạn .

- Xin chủ nhân đừng để giặc chạm đến, tôi quyết chết vì người.

Tiếng kêu xé họng nhỏ dần, máu phun khắp nơi, giáo giặc chõ lại như xiên vào tổ ong. Tiếng thét cuối cùng trước khi vĩnh biệt. Ta không bao giờ nhìn thấy nàng nữa rồi, chưa nhận được một lời âu yếm từ người con gài làng An Biên. Mũi giáo lạnh buốt thấu gan ruột”(tr.70)

Uông Triều không tả cảnh chiến trận như Tam Quốc Diễn Nghiã, hay sử dụng cách tả như trong những cảnh so tài quần hùng võ lâm trong tiểu thuyết của Kim Dung. Anh chỉ gợi ra những hình ảnh giàu sức liên tưởng, tốc độ kể nhanh, ngôn từ sắc như gươm tuốt. Người đọc tự mình hình dung ra cảnh chiến trận. Góc trần thuật của Uông Triều thay đổi liên tục.Từ vai một người thuật khách quan, anh nhập vai vào người lính trong không gian chiến trận với tất cả cảm giác và hào khí xung thiên, thoắt cái anh chuyển vai sang nhân vật khác. Sự miêu tả kết hợp cảnh và tâm, hành động và tâm trạng, những vận động ào ạt của thực tiễn và phản ứng nội tại của nhân vật, cái chung và cái riêng, nhấn vào những chi tiết ấn tượng đã tạo nên một không gian nghệ thuật đặc biệt cho ngòi bút Uông Triều. Tôi nghĩ đó là một thành công của anh.

Anh cũng sử dụng những bài thơ xen kẽ vào mạch truyện, tuy cách viết này không mới, nhưng vẫn tạo ra hiệu quả thẩm mỹ đáng kể. Những bài thơ ấy dệt nên vẻ tài hoa lấp lánh cuả nhân vật (đặc biệt trong truyện Nàng Điểm Bích, Kiếm Sắc và Hoa Đào), đồng thời vang lên như những giai điệu trữ tình, diễn tả được những cung bậc tình cảm sâu thẳm trong lòng không nói thành lời. Thiên truyện cuốn đi ào ạt như một giao hưởng anh hùng ca, nhưng trên nền hoành tráng cuả hào khí chiến trận là những nét nhỏ, rất thanh, rất sáng của một giai điệu trữ tình, của một lời tình ca vút lên, đủ sức làm ngẩn ngơ lòng người.

Văn của anh cũng giàu chất thơ. Một chất thơ vừa mộc khỏe, vừa mượt mà, như một sự kết hợp kiếm sắc lấp lóa và hoa đào rực rỡ. Tôi xin viết lại một đoạn văn. Xuống dòng ở mỗi dấu chấm, để thưởng thức chất thơ trong văn của anh

“Đêm trăng
Lê Chân muá kiếm trong vườn
bóng áo trắng
lướt dưới tán đào
Hoa rụng như mưa
Kiếm vun vút
loang loáng
Trên cao đốc xuống, xiên ngang, lốc gió
nghiêng người , uốn thân, rạp thấp
Kiếm sáng bao tứ phiá
Gió cuốn, lá non bay nát
một đường lỡ tay
kiếm bập vào thân đào niên
thân cây rung bần bật,
hoa rơi tơi tả
Máu ứa trên cánh tay trần”(tr.59)

Những trang văn như thế đã ánh lên vẻ tài hoa của ngòi bút Uông Triều. Tuy vậy những truyện như Kiếm Sắc và Hoa Đào trong tập truyện thì không nhiều. Đa số truyện có kết thúc nhạt, tư tưởng của tác phẩm chưa đủ sức tạo ấn tượng cho người đọc. Các truyện đều kết giống như kiểu kể chuyện dân gian : nhân vật được thờ làm thành hoàng, còn đền thờ ở nơi này nơi kia.Viết về Lê Chân :

”Dân làng An Biên xây đền thờ trên núi Vàn, tôn nữ tướng làm thành hoàng làng. Đền một năm có ba ngày hội. Mồng tám tháng 2 nhằm ngày sinh, mười lăm tháng tám giỗ trận, hai lăm tháng chạp nữ tướng tuẫn tiết trên đỉnh Giáp Dâu”(tr72)

Cách kết như vậy đưa người đọc trở về với kiểu truyện dân gian thường đọc, làm mất đi cái bâng khuâng, sự trăn trở về những vấn đề tác giả mới đặt ra, mất cả những hứng thú thẩm mỹ mà thế giới nghệ thuật của tác phẩm vừa đem đến. Chỉ còn lại cái cảm giác này : À thì ra tác giả kể chuyện sự tích, vậy thôi, :”chuyện ngày xửa ngày xưa ấy mà “! Ừ, chuyện xưa thì chẳng có gì liên quan đến cuộc sống hiện tại cả. Nên chăng, tác giả chỉ ghi chú ở cuối tác phẩm, để minh chứng cho những gì mình kể là thật, tạo niềm tin với người đọc

Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân miêu tả thật hay sự rung chuyển nội tại trong tâm hồn Phật Hoàng Nhân Tông trước lúc viên tịch (tr.159). Uông Triều kết hợp tâm giới với ngoại cảnh để nói điều này, khi con người đã đạt tới sự giác ngộ, thì tâm lay động có thể làm cả hư không quần đảo. Tâm yên tĩnh sẽ làm cho “trời bỗng sáng rực lên”.

Đêm mịt mùng trên đỉnh Ngoạ Vân mấy ngày mưa gió gào thét. Nhà vua nhớ lại trận chiến với quân Thát trên sông Tam Trĩ, trận Bạch Đằng, “chém giết vung tay không tiếc”, “Sa trường đẫm máu, nỗi đau tràn mãi không sao xoá khỏi “. Hối tiếc việc gả Huyền Trân Công Chuá cho Chế Mân, lòng người cha trăn trở lo âu vì mệnh nước, vì gia quyến. Lại nhớ khi chị gái Thiên Thuỵ bịnh nặng gọi nhà vua về, ngài dặn chị tới thời thì cứ đi. Nhân Tông cũng trăn trở về những điều tiếng việc ngài đi tu, người đời bảo :”Lão ấy vốn ham danh thôi, muốn được ngang hàng với thái tử Tất Đạt Đa ở nước Ấn xa xôi “ Nghĩ đến những người đi theo ngài, Nhân Tông nghi ngại ”lòng người khó lường biết ai chân thật. Những người theo ta, họ có thực lòng hay chỉ theo danh một ông hoàng mà mưu danh Phật pháp”. Sự lay động sâu xa nhất là lay động chân tâm:”Ta có nghi ngờ chăng? Đức tin của ta đặt đúng chỗ chăng”.

Cơn vận chuyển dữ dội ấy diễn ra trong lòng Nhân Tông. “Chưa bao giờ người đệ tử trung thành thấy Những vận chuyển ghê gớm trong lòng pháp chủ. Ngài vận khí huyết, hai tay rung lên, dòng máu đỏ chảy vần vũ trong đó.Trời cồn cào, vặn vã. Không phải cuồng phong nhưng đau nhức xé ruột”(tr.159).Khi bão lòng của nhà vua qua đi thì ngoài kia,“trời quang đãng, sáng rực lên. Gưã đêm, không khí thoáng rộng lạ thường”. Ngài đọc một bài kệ rồi nằm như thế sư tử, và ra đi lặng lẽ

Tạo dựng lại một nhân vật trong chiều kích vũ trụ và chiều kích tâm thức Thiền như thế, ngòi bút của Uông Triều đã đạt được những thành công nhất định cả về tư tưởng và nghệ thuật. Phải hiểu biết lịch sử, hiểu biết Thiền thế nào thì Uông Triều mới đặt được cái tâm cuả mình vào cảnh giới của Nhân Tông. Tác giả kể :”Vào dịp 700 năm ngày mất của Người (Trần Nhân Tông ), Uông cùng một đoàn văn nghệ sĩ trong vùng, đắc ý hành hương lên thăm Ngoạ Vân. Uông đã ngồi Thiền dưới chân tháp tổ, ăn rau rừng, uống nước suối, bẻ trúc làm gậy, một đêm miên man không ngủ được”(tr151)

Tuy vậy Uông Triều miêu tả quá nhiều bất an trong tâm của Nhân Tông. Cái tâm đó quằn quại trong dày vò, hối tiếc, hoài nghi. Cái nghi tâm ấy bao trùm lên cả tha nhân, lật ngược cả đức tin của chính mình, phủ định mọi giá trị của cả đời mình, cô độc trong cả đời tu.”hai bàn tay úp rồi lại mở ra, đời người cũng như hai bàn tay thôi”,”ai hiểu được lòng ta”, “Có ai dõi theo ta không? Chẳng ai cả”.. Liệu tâm bất an như thế, Nhân Tông có nhập niết bàn được không. Lẽ ra Tác giả cần miêu tả một cái tâm rỗng rang thanh tịnh tuyệt đối và toả sáng Phật quang trước khi Nhân Tông viên tịch, thì sự miêu tả ấy mới thuyết phục. Có thể là, Uông Triều chưa ngộ được bài kệ cuả Nhân Tông nên mới sáng tạo những khoảnh khắc Nhân Tông chao đảo dữ dội như thế trước khi ngài vào cõi KHÔNG ?(5)

Tôi ngờ rằng Uông Triều chỉ mượn Nhân Tông để nói cái tư tưởng cuả mình về thế sự. Anh hoài nghi về chiến tranh.”Nhưng bao nhiêu chiến binh tử trận? Máu quân thù, quân ta chảy thành sông. Qua vùng chiến điạ vẫn ngửi thấy mùi xác người chết thối. Chiến công nào chẳng có bùn và máu”. Anh cũng hoài nghi về sự hy sinh của Huyền Trân Công Chuá :”Bờ cõi được mở rộng nhưng công chuá sống một đời xa lạ, sự hy sinh có đáng không ?”. Nhân Tông nghi ngờ con đường của chính mình, nghi ngờ đức tin cuả chính mình, đó có phải là điều Uông Triều đặt vấn đề về chính thực tại hôm nay?

Những truyện viết về ngày hôm nay

Đó là những truyện Đêm Q.M, Vô Thức, Đi xem chuông, Đôi mắt Đông Hoàng.Ở mảng truyện này, ngòi bút Uông Triều không phát huy được thế mạnh của mình.

Đi Xem Chuông là một chuyện tình lạt lẽo đến xa lạ với người đọc trẻ hôm nay. Vô Thức là một ẩn dụ tư tưởng nhưng được viết rất gượng gạo và lộ liễu. Tư tưởng không toát ra từ hình tượng mà do nhân vật phát ngôn trực tiếp, thành ra truyện thiếu hẳn tính truyện, không có màu sắc thẩm mỹ, lẩm cẩm những triết lý vu vơ.”Ta cô đơn lắm, sao mi không nói gì với ta?”, “Ta nói với Vô Hình rằng ta đi tìm chính ta”. “Ta là ta mà ta chẳng biết ta, ta đi lang thang để tìm mình”, “Sự trở về của ta chẳng có ích gì. Tốt nhất ta hãy lặng lẽ biến mất khỏi mặt đất, để mọi người khỏi mất thêm những giọt nước mắt khóc thương giả tạo ? Phải chăng đó là những phạm trù Hiện Sinh đã rất xưa cũ, hay những tư tưởng cuả Trang Chu đã thành kinh điển? Uông Triều chưa tiếp cận được, cũng chưa có gì trải nghiệm và khám phá mới hơn?

Đôi Mắt Đông Hoàng được lấy làm chủ đề của cả tập truyện, thông qua lời kể của một người lính phiên dịch Nhật, tác giả ca ngợi Việt Minh, mà cụ thể là một cô gái trẻ có đôi mắt ám ảnh :

“Buồn
Đẹp
Bất cần
-Con ranh gián điệp
-Một nhát kiếm là xong”

Quân đội Nhật không sao khuất phục được người phụ nữ ấy.

Ngày 8 tháng 6 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Đông Hoàng, “Những người đàn ông gầy gò, má hóp lại, tay cầm súng trường, giáo mác xông vào đồn huyện lỵ. Những đôi mắt đã không còn lờ đờ. Căm giận.Thật khủng khiếp. Cuộc hoán đổi quá nhanh chóng “(tr.120). Cô gái mắt ướt, bất cần là một chỉ huy dân quân. Người lính Nhật muốn tự sát, cô gái bắn hai phát đạn làm thủng hai bàn tay cầm kiếm của hắn, không cho hắn tự tử.

Chủ đề của truyện khá đơn giản và đã cũ. Tác giả ca ngợi tinh thần nhẫn nhục và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trước kẻ thù Phát xít Nhật. Tuy nhiên cái nhìn cuả tác giả có vẻ hững hờ khi anh kết thúc truyện:” chiến tranh giống như một bức tranh u buồn”…”Ở thời buổi này không tìm đâu ra một người đàn bà chân trần. Mắt ướt, u sầu”. Phải chăng lịch sử đã trở nên nhạt nhoà trong mắt nhìn của thế hệ trẻ hôm nay?

Chi tiết nghệ thuật cô gái nhanh như chớp, bắn thủng cả hai bàn tay cầm kiếm của người lính Nhật, ngăn không cho hắn tự sát, điều này thật đáng ngờ. Tôi có cảm tưởng đây là một cảnh trong phim cao bồi Mỹ, một cowboy bắn súng bách phát bách trúng, như chớp giật, không phải là cô gái Việt Minh ngày xưa.

Đêm Q.M là một truyện có cách viết lạ và không dễ đọc.

Đó là truyện viết về cái bóng của hiện thực, mơ hồ, và huyễn tưởng. Thị trấn Q.M về đêm, ở một góc ngã tư có những người đàn bà quẩy đôi quang gánh bán nem chua, những thiếu nữ môi đỏ má hồng, vài anh xe ôm, vài cậu thiếu niên ngồi ăn quà, ông Trâu Đá nằm dưới chân thành cổ. Thuyền dưới bến về muộn, ánh đèn loé vạch nhập nhằng.Toàn cảnh Q.M buổi tối được vẽ lại qua đôi mắt cuả một hoạ sĩ. Có ba người trên cầu, hai người ( một cặp nam nữ) đang đùa giỡn . 4 người trong quán phở P (2 Váy ngắn, Tông xanh, Taxit trắng), ông Trâu Đá, hai ông Lim cổ thụ, bà điên, vợ chồng và đưá con thuyền chài, con mẹ bán ngô nướng. Phố quá nhỏ, Taxi trắng đi một vòng qua các phố. Chưa chục phút đã hết nhà mặt đường, cánh đồng mờ mịt. Hơi lạnh. Về đêm tất cả đều dồn lên cầu để ngắm cảnh, để đuà nghịch và nói chuyện. Người này theo dõi, nhận xét hành động người kia, và tự cảnh giác. Những câu chuyện vu vơ. Hoạ sĩ muốn vẽ cảnh Q.M về đêm nhưng tiếc vì đã ném cây viết chì xuống sông. Ông Trâu Đá, ông Lim cổ thụ cũng tham gia câu chuyện nhưng các ông làm cho người ta sợ. Sau cùng :”Trên cầu Hoàng Thành, những bóng người mờ dần…, những khoảng sáng tối đan vào nhau, người đi không nhận ra đâu là đường thẳng hay gập ghềnh. Q.M mờ mờ trong khói trắng, không biết ngày mai trời sẽ nắng hay mưa”(tr.34)

Uông Triều muốn nói điều gì về hiện thực đang diễn ra trước mắt anh ?

Hiện thực ấy có những khoảng sáng tối đan vào nhau. Người hoạ sĩ muốn vẽ nét đẹp cuả cuộc sống nhưng lại không vẽ được. Một cặp trẻ đang đuà vui trên cầu. Họ có vẻ rất hạnh phúc. Dưới sông cặp vợ chồng trong thuyền đang tự tình và đưá trẻ đang ngủ. Gió thổi, các em váy ngắn cố giữ váy khi có người đi phiá sau nhìn. Đó là nét đẹp Q.M còn giữ được.

Bên cạnh đó là hình ảnh những con người lam lũ: anh xe ôm, người xe thồ, quang gánh bán nem, người bán ngô nướng, có cả những em gái gọi xe ôm đi đón khách đêm. Có sự đối thoại giữa hiện tại và quá khứ qua Ông Trâu Đá ở chân thành cổ và 2 ông Lim cổ thụ được nhân hoá. Họ là tượng trưng cho quá khứ, họ tìm về hiện tại nhưng họ chỉ làm cho con người hiện tại e ngại, sợ hãi. Cũng có kẻ muốn nung vôi ông Trâu. Người hoạ sĩ nuối tiếc :”Hoạ sĩ thở dài, ta chỉ có một mình, ngày mai ra đây, bức tranh sẽ phác lại. Không còn nghe tiếng rao hàng, phố đã đi ngủ cả rồi, cả mụ điên nữa, vừa nãy mình không mua một ít ngô nướng, tội nghiệp con mẹ hàng ngô”(tr 34).

Nền của câu truyện là những vang vọng thảng thốt và những câu hỏi không có câu trả lời: Thứ Bảy mà chẳng có khách khứa gì hết. Người trốn đâu hết cả”, Ngô bán cho ai?, Ai dám đuà giỡn với cái chết? dòng sông có thể giết người?”, “những sợ hãi trong vô thức còn ám ảnh hơn cả những sự vụ hiện tại”, “Lòng người luôn hồ nghi về người khác“, “Cháu về nhà để chứng kiến sự đổ vỡ ư? Đổ vỡ trong lòng rồi, nhìn làm gì cho chết hẳn. Giữ một chút cho mình và cho người, đừng trắng phớ như tờ giấy”,” Q.M mờ mờ trong khói trắng, không biết ngày mai trời sẽ nắng hay mưa”

Người đọc có thể hiệu được tấm lòng của Uông Triều qua khát vọng và tâm trạng nhân vật hoạ sĩ. Nhưng tất cả đều mờ mờ, và người hoạ sĩ chỉ có một mình, cây viết chì để vẽ đã ném xuống sông. Ngày mai. Vâng, chờ ngày mai vẽ lại. Nhưng không biết ngày mai trời nắng hay trời mưa? Dường như người hoạ sĩ ngậm ngùi trước tương lai không biết sẽ thế nào. Có chăng còn lại là một tấm lòng quan tâm đến mọi số phận người xung quanh, và một chút yên bình còn giữ được.”Anh có phải người Q.M không ? Người Q.M lặng lẽ lắm”

Với một tập truyện ngắn, cây bút trẻ Uông Triều đã gây được những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc về khuynh hướng tư tưởng và bút pháp, tôi nghĩ anh đã gặt hái được thành công và đã đặt được những bước đi đủ tự tin trên con đường sáng tạo đầy gian khổ. Mặt yếu của anh là ở độ sâu tư tưởng anh muốn đặt cho tác phẩm, song sự trải nghiệm tư tưởng ở anh còn đang trong quá trình dò dẫm tìm kiếm (truyện Vô Thức và Đêm Cuối Cùng Ở Ngoạ Vân ), vì thế chưa thể định hình được trong tác phẩm, điều ấy rồi đến một ngày nào đó anh sẽ “ngộ” ra. Chúng ta hy vọng sẽ được đọc những truyện hay hơn cả Kiếm Sắc và Hoa Đào, và Đêm Q.M, vì bút lực của anh còn dồi dào lắm.

Tháng 10. 2010
__________________________________________________
(1) dẫn theo Nguyễn Huy Thiệp ( trích Tam Tổ Thực Lục ):
http://nguyenhuythiep.free.fr/giangluoi/GIANGLUOI.html
Có thể đọc Nguyễn Đổng Chi, truyện cổ tích Việt Nam
(2) Nguyễn Mộng Khôi ,dẫn theo Tổ Gia Thực Lục, http://www.chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view&id=1189
(3) bài này có nhiều bản khác nhau
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ,
Màu Thích ca nào thử hữu tình
(4) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(5) Tam Tổ Hành Trạng viết về những phút viên tịch của Nhân Tông yên tĩnh, đầy uy lực, không bất an như Uông Triều miêu tả. Xin trích:
“ngày 18, Vua lại đi bộ lên chùa Tú Lâm ở trên ngọn núi An Sinh Kỳ Đặc. Thấy mình đau đầu, Vua bảo hai nhà sư Tử Man và Hoàn Trung rằng:
- Ta muốn lên ngọn núi Ngọa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?
Hai nhà sư nói:
- Đệ tử xin hết sức giúp đỡ.
Vừa lên đến núi Ngọa Vân, Vua cảm tạ hai nhà sư và bảo:

- Thôi, xuống núi ngay đi, chăm chỉ tu hành, chớ coi sinh tử là việc chơi!

Ngày 19, Vua sai người hầu là Pháp Không lên núi Tử Tiêu gọi ngay Bảo Sái đến. (…..)
Ngày 21 Bảo Sái đến Ngọa Vân. Vua thấy đến bèn cười hỏi:
- Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong Phật pháp có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi!
Bảo Sái thưa:
- Phật mặt trời, Phật mặt trăng [nhật diện Phật, nguyệt diện Phật] ý nghĩa như thế nào?
Vua lớn tiếng bảo:
- Tam Hoàng Ngũ Đế là gì?
Đáp:
- Chỉ là những rừng hoa chói lọi, những cuộn gấm rỡ ràng, những khóm trúc ở miền Nam, những cây gỗ ở đất
Bắc, chứ còn là gì?
Vua bảo:
- Chọc mù mắt của ngươi, giết chết mới xong!

Mấy ngày liền, trời đất tối om, gió giật dữ dội, mưa tuyết phủ kín cây cối, khỉ vượn chạy quanh am, chim chóc hót thê thảm, Đêm mùng ba tháng Mười một [bỗng nhiên] sao sáng đầy trời, Vua hỏi:
- Giờ này là giờ gì?
Bảo Sái thưa:
- Bây giờ là giờ Tý.
Vua lấy tay đẩy cánh cửa sổ, trông ra ngoài mà nói:
- Đây là giờ của ta đó!
Bảo Sái hỏi:
- Vua đi đâu bây giờ?
Vua nói:
- Hết thảy pháp không sinh, hết thảy pháp không diệt. Hiểu được thế thì chư Phật thường hiện ra trước mắt, còn gì là đi, còn gì là đến!

Nói xong, Vua liền nằm như sư tử và tịch ở am trên núi.
Pháp Loa theo lời di chúc, hoả thiêu thi hài, nhặt được một nghìn viên xá lợi đem về. ..
(http://daitangkinhvietnam.org/lich-su-phat-giao/nhan-vat-phat-giao-viet-nam/1206...)

______________________________________________

Bài đã đăng trên
www. Phongdiep.net:
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11261, ngày 11/10/2010
www.letheunhon.com
http://lethieunhon.com/read.php/4504.htm. ngày 11/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét