Sáng tác ca khúc, truyện ngắn và phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn. Bạn cũng có thể đọc BCT tại http://yume.vn/buicongthuan
Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010
CHUYỆN CÁCH TÂN THƠ VIỆT
CHUYỆN CÁCH TÂN THƠ VIỆT- PBVC của Bùi Công Thuấn
Saturday, 30. January 2010, 13:42:41
phê bình văn chương
NS Đoàn Quang Trung và NS Trần Lệ Hằng trình bày tác phẩm trong buổi sinh hoạt tất niên của Ban Âm Nhạc Hội VHNTĐN 30/01/2010
Ngày đầu xuân, trong tâm thức Việt Nam là ngày linh thiêng. Các nhà thơ thường có thơ khai bút. Họ dồn hết tâm lực, tinh anh, khí phách cho những dòng thơ đầu tiên ấy. Nguyễn Khuyến đã có những câu thơ khai bút thật ấn tượng
Ình ịch đêm qua trống các làng
Ai ai mà chẳng rước xuân sang
Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén
Bút mới xô tay thử một hàng…(Khai Bút )
Cái “xô tay” thử bút đầu xuân của cụ Tam Nguyên Yên Đổ thật khí thế. Cái khí thế ấy ở thời đại Hồ Chí Minh trở thành khí thế cách mạng
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta
(Mừng Xuân 1968-Hồ Chí Minh )
Có thể nói, thơ xuân Việt Nam rất phong phú. Bến Đò Xuân Đầu Trại của Nguyễn Trãi là cảnh xuân thôn dã nhưng giàu chất Đường thi
Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi
Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử là mùa xuân lãng mạn
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn đến trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Xuân Xanh của Bùi Giáng thì không dễ đọc
Em hé cành cây xanh ngó lại cười nhau rộng mở hàm răng. Thu qua em khóc bốn mùa sương ướt tóc buồn bàn chân định bước về phía núi xa xanh sớm tím chiều hoang gió dại thu rừng thu rừng em ngó mắt nghe tai nắm cầm năm ngón nhỏ nghe bốn phía lạnh nằm trong trái tim. Máu xương lổ đổ biết mần răng đợi bóng sang hôm sau tuyết trắng như sầu băng thương nhớ. Em hé cành cây xanh cánh cửa bước vào trong cõi ấy bờ xa gió rộng chạy dài. Em khóc cho người nghe thổn thức sau khi cười cho thật sung sướng người nghe. Miệng em và. Trái anh đào lay lắt suối trong soi suốt một sớm mai tiên nữ đi về gót vang lồng lộng em ồ em! Ta định nói hai tay năm ngón một lời man dại yêu thương (Mưa Nguồn )
Thơ xuân Vy Thuỳ Linh lại đầy ắp hơi thở nhục thể
Hít gió bấc mùi hoa táo trắng
Và hương em
Thứ hương luôn quyến rũ Anh về căn phòng dập dìu đêm nào trên tay Anh tóc em cũng ngủ
Về ngôi nhà nhiều cửa sổ nhà tắm trong suốt thường gọi Anh vào với em và tường kính tràn hoa
muốn kéo ta ào xuống phố
Mắt dẫn bước vào xuân
Năm mới đóng những tranh chấp, bon chen vào năm cũ cho người người thân ái
ngừng lại chiến tranh, đói rét
Tất cả như nhau, quyền ăn Tết thanh bình
Phố búp xanh võng tơ mái biếc
Cột điện già dây giăng nắng lạnh
Vỉa hè chật ngày tháng Chạp
Bồng bềnh rừng đào má hồng tay ấm
Lộc giật mình thức mơ hồ hưng phấn
Ta đi tìm thời gian đã mất trong thời gian đang trôi
Thong thả yêu nhau bằng khí lực thanh xuân, giữa chớp nhoáng ngày đêm- tình huống nghiệt ngã
của tạo hoá
Tận hưởng xuân ngưng lại mùa huyền bí
Làm như quên tình tiết trai gái hôn cháy cả giao thừa…
Trên da thịt đôi ta, theo hơi thở Anh, mưa xuân đang ấm
Gió lên tình, vờ không phân biệt nổi mùi nàng với ngàn hoa
(Ngưng Lại Mùa Xuân – Vi Thuỳ Linh )
Lục bát xuân của Hoàng Cầm có những nét mới
Khi mùa xuân đến mắt em
Bỗng dưng biển sóng trào lên ngang trời
Dâng theo cả chín trận cười
Đậu chênh vênh bến mi dài rợp xanh
Khi mùa xuân đến mắt anh
Chon von dòng tóc
em thành sông xa
Bên này sông
đỏ phù sa
Bên kia sông
trắng nhập nhoà khói sương
Em thường khẩn nguyện
mười phương
Mà quên cánh gió
dẫn đường xuân đi
Đến nơi em cát khô lỳ
Gọi em em mải miết gì không thưa
Đến nơi anh ứa dòng mưa
Gạn trăm bến đục
Xuân chờ trong em
(Khi Mùa Xuân Đến)
Lục Bát cuả Nguyên Sa có nét cổ kính:
Thơ xuân áo vàng
Mùa xuân em mặc áo vàng,
Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
Em vừa xoay nhẹ vai gầy,
Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ.
Nhìn coi chỗ cuối bài thơ,
Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào.
Anh nhìn em mới bước vào,
Nhìn xuân, xuân cát tiếng chào đầu năm.
Có khi nào bạn tự hỏi những bài thơ trên khác nhau thế nào không ? Bình thường khi đọc thơ, ta tiếp nhận ngay nội dung những gì nhà thơ phát ngôn qua câu chữ, sau đó lắng đọng xem bài thơ gợi trong ta những cảm xúc thẩm mỹ nào, và bất giác ta bật lên thành tiếng : thơ hay! Nhiều khi ta không thể giải thích được cái hay của bài thơ là gì. Cái hay ấy cứ ngân nga mãi trong tâm trí ta. Tuy nhiên trong những bài thơ trên, không phải bài nào ta cũng dễ dàng chia sẻ được những cảm nghĩ của tác giả, bởi vì ta vấp phải bức tường ngôn ngữ, và vì thế ta không thể cảm nhận được cái hay của thơ.”vô tri bất mộ” mà. Không hiểu thì không ái mộ. Thơ Nguyễn Khuyến và thơ Hồ Chí Minh thật dễ hiểu, nhưng nếu không có một chút tri thức về thơ chữ Hán, về thi pháp thơ Đường, ta không thể dọc bài thơ Nguyễn Trãi. Cũng vậy thơ Bùi Giáng được viết bằng một kiểu thi pháp khác với kiểu ngôn ngữ bình thường, khiến cho ngữ nghĩa trở nên hàm hồ, thật khó xác định đâu là điều tác giả muốn nói, nhưng nếu buông bài thơ ra, ta lại thấy như điều tác giả nói đang hiển hiện trước mặt
Những cảm xúc, suy nghĩ của các nhà thơ trước mùa xuân có lẽ không khác nhau nhiều, song thi pháp thơ của họ thì rất khác nhau. Điều này chính là sự cách tân trong thơ.
Chúng ta đã qúa quen với Lục Bát của ca dao, của truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh- Nguyễn Du ). Nhà thơ hôm nay không thể làm thơ Lục Bát như các cụ ngày xưa. Hoàng Cầm, Du Tử Lê và nhiều nhà thơ khác có nhiều nỗ lực để làm mới Lục Bát. Ca dao sử dụng chật liệu đời sống sinh hoat, sáng tác ngay trong môi trường lao động, nói bằng kiểu ngôn ngữ hình ảnh biểu cảm, bằng điệu nói hồn nhiên thể hiện cái tình chân thật dân dã. Lục Bát của Nguyễn Du bên cạnh những câu dân dã, là những câu thơ bác học, ngôn ngữ trau chuốt, tình ý sâu xa, những tứ thơ trác tuyệt. Nguyễn Bính đã kết hợp được Luc Bát ca dao và lục bát của Kiều, nhưng đem vào thơ “cái tôi”lãng mạn, tạo nên một giọng điệu mới
Thử so sánh sự khác nhau về thi pháp của những bài bát sau
Đu đủ tía, dền dền cũng tía
Khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm
Củi tre chen lẫn với trầm
Em chọn sao cho khéo kẻo lầm, bớ em !
(ca dao )
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dăm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
(Đoạn Trường Tân Thanh- Nguyễn Du)
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
(Chân Quê- Nguyễn Bính )
Hiện nay nhiều nhà thơ kết hợp Lục Bát với Tứ Tuyệt Đường Luật, nhưng có rất ít thành công, bởi thi pháp của hai kiểu thơ này rất khác nhau. Tứ tuyệt là kiểu thơ niêm luật chặt chẽ, thiên về tư duy trí tuệ. Đặc sắc của Đường thi là tứ thơ độc đáo. Các nhà thơ Đường đã khai thác hầu như mọi đề tài, mọi cảm xúc, cả hiện thực và lãng mạn, cũng không loại trừ sex (Hương Liễm Tập-Hàn Ốc). Nhưng cái làm nên đặc trưng thơ Đường là tứ thơ tư tưởng. Về mặt này, nhà thơ Việt Nam rất ít người vươn tới được.
Thuỵ khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
(Xuân Vãn –Trần Nhân Tông- Hoàng Việt Thi Tuyển)
Dịch nghĩa
Ngủ dậy mở cửa sổ
Không biết rằng xuân đã về
Một đôi bướm trắng
Nương theo hoa bay dập dờn
Bài thơ là một hệ thống hình ảnh được ghi nhận thật khách quan, nhưng đó là tứ thơ, tư tưởng tình cảm của nhà thơ ẩn kín trong cấu trúc ngôn ngữ ấy. Tư tưởng của thơ Đường là tư tưởng an nhien của Đạo, trầm mặc củaThiền, và chất nhân văn sâu sắc. Để thưởng thức thơ Đường, người đọc phải dùng trí tuệ giải mã các tứ thơ. Phải có căn bản tư tưởng Thiền của Phật, tư tưởng An Vi của Đạo mới có thể thâm nhập vài hệ thống tứ thơ, và lúc ấy mới cảm nhận được cái hay của thơ Đường. Xin thử đọc :
Nhập Tục Luyến Thanh Sơn
Pháp Loa Thiền Sư(1284-1330)
Sơ cấu cùng thu thuỷ
Sàm nham lạc chiếu trung
Ngang đầu kham bất tận
Lai lộ hựu trùng trùng
Dịch thơ:
Nước thu in bóng núi gầy
Đỉnh cao chót vót gió lay ánh tà
Ngước nhìn mây núi bao la
Con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng
(Vào cõi tục tiếc non xanh – Nguyễn Duy dịch)
Thơ Lãng Mạn (1930-1945) ở Việt Nam (Thơ Mới )là một bước cách tân quan trọng trong thơ Việt. Cốt lõi thơ Lãng mạn là “cái tôi” cá nhân chủ nghĩa. Hồn thơ là trạng thái cái tôi thoát ly thực tại đắm mình trong cõi mơ mộng thiên nhiên mỹ lệ là một yếu tố của thi pháp. Thể thơ thường được các nhà thơ Lãng mạn sử dụng là thể 7 chữ, 8 chữ, gieo vần liền hoặc vần cách. Ngôn ngữ, cảm xúc, tình ý của thơ Lãng Mạn khác hẳn với thi pháp thơ Đường. Thơ Lãng mạn thường sử dụng kiểu ngôn ngữ tượng trưng (Xuân Diệu), có cả ngôn ngữ siêu thực (Hàn Mặc Tử, Bích Khê). Xuân Thu Nhã Tập đã đẩy thơ Lãng Mạn lên một bước mới, thơ hình thức, mà sau này Trần Dần, Lê Đạt tiếp tục con đường hình thức chủ nghĩa của những người đi trước với ý thức ngôn ngữ và thi pháp mới hơn nữa. Xin đọc:
Bình Tàn Thu
Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi
Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời
Sương mùa lệ héo dặm đường hương
Cung phi dăng bướm buồn Nghê Thường
Sách đàn tay xõa ái tình chương
Cổ mây người nhạc dịu vườn tươi
Da xuân mười tám tuổi buồn người
Mi thơm chanh buổi chĩu buồn da
Rượu tóc loan tháng đượm mùa ngà
Sầu chùm tơ giấy giở mưa hoa
Người ơi người nẻo ngát tường nương
Hồn Tương Giang đàn dựa buồn hường.
(_Nguyễn Xuân Sanh-Xuân Thu Nhã Tập)
Nụ Xuân
Nụ xuân chớp đông
hoa xuân chợp hồng
Chũm cau tứ thì chúm chím
Ú ớ mơ ngần
một giấc chim xuân
Chiều bóng mây
hay mắt em rợp tím
Hè thon cong thân nắng cựa mình
Gió ngỏ tình
xanh nín lộc
giả làm thinh
(Lê Đạt )
Thơ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) có một bước cách tân so với thơ Lãng Mạn. Hiện thực kháng chiến là đối tượng chính của thơ. Công , nông , binh trở thành nhân vật chính. Cái tôi nhà thơ hoà vào cái ta quần chúng để thể hiện những tình cảm công dân. Giọng điệu chính của thơ không còn là giọng điệu riêng cuả nhà thơ mà là giọng nói của nhân dân lao động. Nhiệm vụ chính của thơ là phản ánh hiện thực để cổ vũ chiến đấu, để ca ngợi chiến thắng. Phương pháp chính của thơ là phương pháp Hiện Thực XHCN. Hình thức chính của thơ là thơ tự do và trường ca. Ngày nay thơ 1945-1975 được gọi là “thơ truyền thống”, để phân biệt với thơ hậu chiến. Tuy vậy nền thơ này với thi pháp đã thành “truyền thống” vẫn bám rất chặt vào cân não nhà thơ thế hệ kháng chiến khiến cho họ rất khó vượt thoát để cách tân. Vì đa số bạn đọc đã biết ít nhiều bài thơ của giai đoạn này nên tôi xin không nhắc lại. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… để lại dấu ấn thật sâu đậm ảnh hưởng trên cả nền thơ.
Cũng phải kể đến Thơ Tân Hình Thức cuối thế kỷ XX mà nhà thơ Khế Yêm và các đồng sự của ông học tập thơ Tân Hình Thức Mỹ làm mới thơ Việt hiện đại. Một bài thơ Tân Hình Thức có những đặc điểm sau : mỗi câu có một số chữ nhất dịnh. Nội dung là một câu chuyện được kể như văn xuôi. Kỹ thuật quan trọng của thơ Tân Hình Thức là kỹ thuật vắt dòng và những vòng lặp.
Bài thơ Tân Hình Thức Tay Trái Thơ Tay Phải Núi mỗi câu 6 chữ:
nhà thơ có việc vội phải
đi chuyến tàu nhanh tay trái
cầm theo bài thơ vừa làm
xong chưa kịp đọc tàu nhanh
chạy len qua những trái núi
như mọi ngày mây vẫn đánh
đai quanh sườn núi như mọi
lần nhà thơ cảm thấy một
trái núi tách ra nhà thơ
rời chuyến tàu nhanh tay phải
một trái núi tay trái còn
nguyên bài thơ chưa kịp đọc
(Đỗ Quyên)
Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại là một trào lưu đa nguyên cả về chính trị và nghệ thuật. Nó phủ định những Đại tự sự, những niềm tin, những giá trị chân lý. Nó chủ trương phi trung tâm, thay vào đó là lai tạp ; phi hình thức, phá vỡ cấu trúc của tác phẩm, phá vỡ trật tự thời gian không gian; giải sáng tạo ; đem vào những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng, tạo nên một trạng thái rối loạn ngôn từ. Trong những “sáng tác” Hậu Hiện Đại của các “nhà thơ” trẻ đăng trên net, có quá nhiều sự thô bỉ, nhầy nhụa, hằn học, thậm chí lưu manh (ý của Đông La). Người ta không chú ý đến thuộc tính sáng tạo ra cái đẹp của văn chương, cũng là thuộc tính nhân văn của nghệ thuật. Vì thế cần xác lập đâu là văn chương, đâu là lợi dụng văn chương cho những mục đích cá nhân đi ngược lại với cộng đồng văn hoá. Nói như thế không có nghĩa là không có tác giả tác phẩm nghệ thuật Hậu Hiện Đại. Tâm thức và hình thức Hậu Hiện Đại chỉ là cái xác để nhà thơ thổi vào đó sinh khí, làm nên một sinh mệnh nghệ thuật đích thực.
hoe chân lời
Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!
Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy
bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh
(Văn Cầm Hải )
Bài thơ này không có cấu trúc, nó là những mảnh hiện thực. Không có nhân vật trữ tình. Không gian và thời gian bị phá vỡ. Những yếu tố ngẫu nhiên, phi logic đặt bên nhau. Bài thơ để lại những ấn tượng về hiện thực cho người đọc, nhưng rất khó để tìm một logic cho hiện thực, vì thế nó hoàn toàn khác với “thơ truyền thống”. Đó là một bài thơ được cách tân về thi pháp.
Trở lại vấn đề cách tân thơ Việt, đã có nhiều nhà thơ, nhiều nỗ lực bứt phá thi pháp “thơ truyền thống” để làm mới thơ Việt. Đã có một thế hệ nhà thơ làm thơ khác với lớp trước, bước đầu đã có những thành công, nhưng con đường còn dài phía trước.
Nhìn vào quá trình phát triển thơ Việt, tôi nghĩ rằng, để cách tân thơ, trước hết nhà thơ phải có được một ý thức thẩm mỹ mới, thi pháp mới, kiểu ngôn ngữ mới và trên hết là tư tưởng, tình cảm mới. Thơ hôm nay quá cũ, vì vẫn quanh quẩn trong thi pháp “thơ truyền thống”: Thơ cổ điển, Lãng Mạn và thơ XHCN. Vẫn bộc bạch những nỗi niềm mà nhà thơ cách chúng ta hàng ngàn năm đã thổ lộ, vẫn dùng lại những từ ngữ, cách diễn đạt đã thành sáo rỗng, vẫn là giọng điệu cuả thơ 45-75, vẫn nhắc lại những kỷ niệm cũ. Rất ít nhà thơ có khả năng cách tân thơ. Nhưng tôi tin rằng, nhân tài thời nào cũng có. Họ sẽ tự mình làm nên một thời đại thơ mới. Điều ấy đã được minh chứng trong lịch sử thi ca dân tộc
Vài điều xin mạn đàm cùng quý độc giả trong những ngày đầu xuân này, biết đâu lại gặp được một tấm lòng tri kỷ với thơ. Mong lắm thay.
12/2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét