album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

ĐI VỀ PHÍA ÁNH SÁNG

ĐI VỀ PHÍA ÁNH SÁNG
Bùi Công Thuấn


Lời cuối cùng Phật dạy đệ tử, “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác…”

1.”Thầy bói sờ voi”
Heraclites (544-483 Tr.CN) cho rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông. “Vạn vật đang biến dịch, chẳng có chi thường trụ”(All things flow, nothing asides). Ngược lại, Parmenides (- 511 tr.Cn) lại cho rằng bản thể vũ trụ là tự hữu, bất biến, vĩnh hằng. Ông phủ nhận thuyết biến dịch của Heraclites. Khổng Tử ca ngợi thánh nhân, quân tử, “đức của bậc chí thánh sánh bằng trời… Bậc thánh nhân thông hiểu hết đạo lý trời đất…trí tuệ của người xiết bao uyên bác (Chương 31, 32 Trung Dung)[1], trái lại, Lão Tử chủ trương :”Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội” (diệt thánh, dứt trí, dân lợi trăm bề)[2]. Descartes chỉ công nhận những gì là chân lý khi ông xác lập được những chứng lý để nghĩ rằng nó là chân lý. “Tôi tư duy, vậy nên tôi hiện hữu” (Cogito, ergo sum), thế nhưng khi Descartes chưa hiện hữu thì vạn vật đã tồn tại trước ông rồi, và khi Descartes đã được vùi sâu trong lòng đất, chẳng thể nào tư duy được nữa, thì vạn vật vẫn sinh tồn. Hegel (1770-1831) cho rằng ”Tinh thần tuyệt đối” là thực thể và bản chất của toàn thể thế giới, trong đó có con người và xã hội. Các nhà Duy Vật biện chứng thì phủ định triết học Duy Tâm của Hegel. Họ cho rằng “thế giới vật chất” là bản chất và thực thể của tất cả. Phật giáo phủ định “thế giới vật chất’ vì nó vô thường. Chủ nghĩa Thực dụng thế kỷ 20 có tham vọng phủ định cả Duy tâm và Duy vật. [3].
Ôi! Các triết gia, người này phủ định người kia. Các hệ thống triết học cũng phủ định nhau. Còn biết tin ai? Chẳng lẽ lại tin “thầy bói sờ voi”!

2. Những câu chuyện của F. Kafka
Tôi thích hai câu chuyện này của F. Kafka

Thôi đi
Trời vừa tảng sáng, đường phố sạch sẽ và hoang vắng. Tôi đang trên đường đến bến xe. So sánh giờ trên tháp đồng hồ với đồng hồ đeo tay, tôi nhận ra tôi đã bị trễ nhiều hơn tôi tưởng và rằng tôi phải nhanh lên. Cú sốc vì khám phá này khiến tôi không cảm thấy chắc chắn đường đi. Tôi chưa quen thuộc lắm thành phố này. May mắn có một cảnh sát ngay kia. Tôi chạy lại anh ta, và không kịp thở, hỏi thăm đường. Anh ta mỉm cười và hỏi lại tôi :
“Anh hỏi tôi đường đi hả?”
“Vâng,” tôi nói, “vì tôi không tự tìm được.”
“Thôi đi! Thôi đi!” anh ta nói, và thình lình quay phắt đi, như một người muốn được ở một mình mà cười ha ha vậy.
(Nguyễn Phan Thịnh dịch. Nguồn : tienve)

Một Ngụ Ngôn Nho Nhõ
“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.
(Hải Ngọc dịch. Nguồn : Tienve)

Kinh Thánh viết :”Ai có tai thì nghe”(Mt 13, 9)

3.”Mua vui cũng được một vài trống canh”

Ngày nay cả nước ca ngợi truyện Kiều (Đoạn Trừờng Tân Thanh), nhưng Nguyễn Du bảo rằng, ông kể truyện Kiều là để mua vui. Phạm Quỳnh thề trước anh linh Nguyễn Du :”Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây! … Ngô Đức Kế phủ định giá trị truyện Kiều:”Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi…Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu”[5].

Các cụ tranh cãi như vậy thì còn biết đâu là giá trị thực của truyện Kiều?

Xem thế, vấn đề văn chương là gì, giá trị của văn chương là gì, thật không có câu trả lời cho minh triết. [One of the fundamental questions of literary theory is "what is literature?" – although many contemporary theorists and literary scholars believe either that "literature" cannot be defined or that it can refer to any use of language - http://en.wikipedia.org/wiki/Literary_theory].

Xin lần theo một vài manh mối.

Phúng dụ Cái Hang của Platon (427-347 trc.Cn) giải thích mối quan hệ giữa thế giới khả giác và thế giới ý niệm. Con người được so sánh như một tù nhân bị giam trong một cái hang. Mặt luôn hướng vào vách tường. Trên mặt tường hang in hình bóng qua lại của những vật thể bên ngoài hang do ánh sáng mặt trời chiếu vào. Những hình bóng trên tường là những sự vật ta thấy được trong thế giới khả giác. Những vật ở ngoài hang là những ý niệm, và mặt trời là ý niệm thiện là thực tại cao cả nhất [6]. Đó là khởi nguồn của thuyết nghệ thuật là tấm gương phản ánh thực tại. Aristote (384 – 323 trc CN) trong Tác phẩm Poétique (Nghệ thuật thi ca) xác định nghệ thuật là sự bắt chước.[7]

Thời Chiến Quốc (475 - 221 trc.Cn.), sách Tả truyện có ghi : "Thi dĩ ngôn chí" - thơ để nói chí. Hàn Dũ (768-824) dùng văn để làm sáng tỏ đạo (“văn dĩ minh đạo”), Chu Hy (1130-1200) dùng văn để chở đạo (“văn dĩ tải đạo”). Nguyễn Đình Chiểu dùng văn chương để “chở đạo, đâm gian”. Những quan điểm như vậy không giải thích được hiện tượng “thơ dâm tục” của Hồ Xuân Hương, “cái dâm” trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Người ta phải viện dẫn Freud (1856-1939). Ông cho rằng sáng tác là sự thăng hoa những ẩn ức về tính dục, tác phẩm là sự thể hiện giữa những xung đột vô thức, mặc cảm về tính dục.

Thế kỷ XX, J.P.Sartre (1905-1980) nói đến “văn học dấn thân” (litérature engagée): « Nhà văn dấn thân biết chữ nghĩa… là những ‘khẩu súng đã nạp đạn’. Nếu hắn nói ra là hắn bắn…”,”nhà văn chọn ‘vén màn’ cuộc đời, tức là làm lộ con người, trước mặt mọi người, để cho tất cả đều nhìn thấy đối tượng trần trụi trước mắt mà biết trách nhiệm của mình.” [8]; Trong cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”[9] Thiếu Sơn viết: “Các ông muốn cải tạo xã hội để tô điểm cho sự sống loài người. Tôi không biết cải tạo cái gì, nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông tô điểm. Tự nó đã mãn nguyện rồi. Nếu trong thiên hạ còn nhiều ngươì biết yêu mến nghệ thuật, nhờ thưởng thức những công trình của chúng tôi mà quên được những nỗi nhỏ nhen ti tiện ở cõi đời, để sống chung với chúng tôi chẳng có công với xã hội loài người đấy ư?(“Nghệ thuật với đời người” -Tiểu thuyết thứ Bảy số 41 ).
Lý thuyết văn học hiện đại cố tìm hiểu thực chất vấn đề về mối quan hệ giả-tác phẩm-người đọc. Roland Barthes nói đến Cái chết của tác giả (The Death of the Author) : “đối với chúng tôi, chính ngôn ngữ nói chứ không phải là tác giả nói; viết chính là thông qua một cái phi cá nhân tiên quyết… để đạt tới cái điểm mà chỉ có ngôn ngữ hành động,“biểu diễn” chứ không phải “cái tôi” nào đó.[10] Chủ nghĩa Cấu trúc (Structuralism) cho rằng nghĩa của tác phẩm nằm trong cấu trúc. Hậu cấu trúc luận /Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction) coi nghĩa của tác phẩm trong liên văn bản. Thuyết người đọc chỉ ra nghĩa của tác phẩm thuộc về kinh nghiệm đọc của người đọc, bởi họ thuộc về một cộng đồng diễn dịch (interpretive community), hoặc họ mang theo ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations) của thời đại, và diễn dịch ý nghĩa tác phẩm là một cuộc đối thoại vô tận giữa quá khứ và hiện tại…[11]

Lần theo những manh mối ấy, ta có thể vỡ vạc ra điều gì đó, nhưng lại lâm vào tình trạng bi đát của sự luẩn quẩn. Cần phải thoát ra khỏi sự trói buộc ý thức lẩn quẩn ấy. Mọi thứ trong đời này đều tồn tại trong sự tương quan xã hội. Văn chương cũng vậy. Nói đến một cộng đồng diễn dịch (interpretive community), hay ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations) của thời đại, chính là nói văn chương trong mối quan hệ xã hội. Văn chương là một thành tố văn hóa cộng đồng, nó không còn là sở hữu của một cá nhân.

3.”Văn chương quan thế đạo thịnh suy”

Cụ Phan Bội Châu chắc chắn chưa tiếp cận với lý luận văn học hiện đại, nhưng vẫn khẳng định điều này :”Văn chương quan thế đạo thịnh suy”, nghĩa là : Văn chương rất có quan hệ với đường đời, đời mà thịnh thì thường có văn chương hay, mà có văn chương hay thì đường đời mới thịnh, nếu trái thế thì văn chương dở mà đường đời suy và văn chương càng dở....Văn chương sở dĩ có giá trị không chỉ tại ở nơi văn chương mà hơn nữa phần ở nơi người làm văn chương…”[12]
Lưu Hiệp (465- 520) trong Văn Tâm Điêu Long cũng luận rằng “…Vì vậy, cho nên Giả Nghị tuấn kiệt nên lời văn sạch sẽ và cái thể trong sáng; Tư Mã Tương Như ngạo mạn và dối trá nên lý thì quá đáng mà lời thì tràn ngập; Dương Hùng thâm trầm lặng lẽ nên ý vị của văn ông sâu; Lưu Hướng giản dị nên văn có thú vị rõ ràng và việc bàn rộng;… ”Lưu Hiệp nhận định về mối quan hệ của văn chương với thời đại: ”Cho hay văn mà biến đổi là bị ảnh hưởng của tư tưởng tình cảm của thời đại. Việc hưng hay phế của văn là gắn liền với sự biến đổi của các đời. Xét cái gốc để năm cái kết thúc thì có xa tram đời cũng có thể biết được” …[13]

Từ Đề Cương Văn Hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị Quyết Trung Ương V (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính Tri Đảng Cộng Sản Việt Nam đều nhất quán quan điểm của chủ nghỉa Mác-Lênin về văn học : “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy xã hội – dân chủ vĩ đại thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch thống nhất của Đảng xã hội – dân chủ…”(Mác – Ăng-ghen – Lê-nin : Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, tr. 305). Quan điểm đó được cụ thể hoá thành : Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Nhà văn là chiến sĩ của Đảng. Văn học nghệ thuật là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, thực hiện nhiệm vụ cách mạng của từng thởi kỳ. Hội Nhà văn là tổ chức chính trị- nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo.

Những ý kiến trên soi sáng điều gì?

Ấy là, thái độ viết là sự chọn lựa có ý thức của người cầm bút. Viết là lên tiếng nói, là dấn thân, là hành động cải tạo xã hội (không phải là nhặt rác)… Nói như Sartre: “hắn nói ra là hắn bắn”. Không có hành động nào là không có mục đích. Và mục đích viết ẩn sau con chữ. Và sau mặt nạ chữ ấy là con người. Con người ấy có thể “thành ý, chính tâm”, hay “gian ý, tà tâm”, tùy theo mục đích viết của anh ta có trùng khớp với cộng đồng diễn dịch (interpretive community-Stanley Fish), hay ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations- Hans Robert Jauss) của thời đại hay không. Salman Rushdie viết The Satanic Verses (Những Vần Thơ của Quỷ Satan). Ông bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình. The Last Temptation’ (Cơn Cám Giỗ Cuối Cùng) của Kazantzakis cũng bị Giáo hội Công Giáo cấm.

Chỉ những tác phẩm góp phần nâng cao phẩm giá con người mới có gía trị lâu bền, và mới được nhân loại yêu mến.
Tháng 8. 2013
______________________________________
[1] Tứ Thư-Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2003. Tr.91, 92
[2] Đạo Đức Kinh, Nxb Thanh Niên, 2008, chương XIX, tr. 87
[3] Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Khoa học Huế, Những nét chính của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
[4] Phạm Qùynh : Bài diễn thuyết này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du ngày 8.12 .1924 do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức. Bài được đăng lại tại Tạp chí Nam Phong số 86.
[5] Bài báo này đăng trong Hữu Thanh tạp chí số 21.
[6] dẫn theo Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch sữ triết học, tr 79
[7] “Epic poetry and Tragedy, as also Comedy, Dithyrambic poetry, and most flute-playing and lyre-playing, are all, viewed as a whole, modes of imitation. But at the same time they differ from one another in three ways, either by a difference of kind in their means, or by differences in the objects, or in the manner of their imitations” (http://www.authorama.com/the-poetics-27.html)
[8] “Không ai có thể nói là mình không biết pháp luật, bởi vì luật pháp luôn luôn được viết thành văn. Cũng không ai cấm anh phạm luật, nhưng anh biết trước là nếu phạm luật thì anh sẽ bị tội gì. Chức năng của nhà văn cũng tương tự như thế tức là anh phải làm thế nào để cho không ai có thể chối là mình không biết đến thế giới xung quanh, và cũng không ai có thể cãi là mình vô tội vạ. Một khi trót đã dấn thân vào thế giới chữ nghiã rồi, thì anh không còn có thể giả vờ bảo rằng tôi không biết "nói", vì nếu anh đã vào thế giới của ý nghĩa rồi, thì anh không thoát ra được nữa (...) Trong thế giới ý nghĩa này, ngay cả yên lặng cũng có nghĩa (...) Yên lặng là một khoảnh khắc của ngôn từ, im không có nghĩa là câm, mà là từ chối nói, tức là có nói (...)…”
(Dẫn theo Thụy Khuê : Qu'est-ce que la littérature - Văn chương là gì?, http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch16.html
[9] Nguyễn Đình Chú-Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1537:cuc-tranh-lun-v-quan-im-ngh-thut-thi-k-1935-1939&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106
[10] “for us too, it is language which speaks, not the author; to write is, through a prerequisite impersonality… to reach that point where only language acts, ‘performs’, and not ‘me’… (http://www.deathoftheauthor.com/)
[11] The literary text possesses no fixed and final meaning or value; there is no one "correct" meaning. Literary meaning and value are "transactional," "dialogic," created by the interaction of the reader and the text
( http://www2.cnr.edu/home/bmcmanus/readercrit.html)
For Gadamer, past and present are firmly connected and the past is not something that has to be painfully regained in each present (https://tspace.library.utoronto.ca/citd/holtorf/3.10.html)
[12] Phan Bội Châu-Quan niệm của tôi đối với văn chương.Thơ văn Phan Bội Châu, nxb Văn Học, 1985, tr. 266
[13] Lưu Hiệp-Văn Tâm Điêu Long-Thể tính. Nxb Văn Học, 1999, tr.194, 257


Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC
Bùi Công Thuấn

1.Tôi ghi lại vài ý tưởng của GS Trần Đình Sử trong bài Nghề Văn Không Sang Trọng để suy gẫm. GS Trần Đình Sử mượn lời của Walter Benjamin để đưa ra các nhận định:

“…từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng…

Walter Benjamin “ ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa…”

…Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.”

2. Tôi không nghĩ như GS Trần Đình Sử. Người nhặt rác là người nhặt rác, anh ta lượm nhặt những gì dùng được để kiếm sống, chẳng bảo lưu gì cả. Còn nhà văn là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ. Dù nhà văn có dùng chất liệu thô là những rác rưởi của xã hội, thì nhất thiết anh ta bằng tài năng của mình, biến chất liệu thô ấy thành tác phẩm nghệ thuật.

3.Tôi tự hỏi, những áng "thiên cổ hùng văn" của thơ văn Lý-Trần chẳng nhẽ là rác? Bình Ngô Đại Cáo là do Nguyễn Trãi nhặt rác mà làm thành? Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộclà do rác mà Nguyễn Đình Chiểu nhặt được mà làm thành? Nguyễn Du viết "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" là kêu gọi nhặt rác? Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân cũng là rác? Phải chăng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tuân viết văn là nhặt rác kiếm sống, hay dọn rác làm vệ sinh cộng đồng, vì theo GS Trần Đình Sử, ngày nay "rác tràn ngập khắp nơi"?

4.Người ta đã nói quá nhiều về chức năng, nhiệm vụ của văn chương. Mỗi người cầm bút sáng tác đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, mục đích của mình và những giá trị mình viết ra. Chỉ khi nhà văn có ý thức sáng tạo tiến bộ mới làm nên những tác phẩm giá trị... Nguyễn Đình Chiểu dùng văn chương để “chở đạo, đâm gian”. Lỗ Tấn dùng ngòi bút để phanh phui các tật bệnh tinh thần của quốc dân để mọi người tím phương chạy chữa. Phan Bội Châu cho rằng “Văn chương quan thế đạo thịnh suy” và ông cổ vũ người An Nam nên học lấy nghề văn. Nam Cao cho rằng Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, và ông chỉ viết về những tiếng đau khổ. Trái lại Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp, cái đẹp cao cả, cái đẹp có sức cảm hóa cái xấu…

5. Mọi người đều có thể nhận ra mục đích đằng sau một loạt bài viết gần đây của GS Trần Đình Sử như : Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại; Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ; Phê bình kiểm dịch,…

Nhà thơ Trần Trương nhận xét :” Cách viết của ông trong mấy bài viết gần đây tôi thấy :Loằng ngoằng” quá. Ông tỏ ra khách quan, có vẻ bênh cái luận văn rất tầm thường va tục tĩu của Nhã Thuyên, ông chê bai và phân tích một cách bôi bác và dè bỉu lịch sử văn chương của ta qua từng thời kỳ”. Nhà thơ Trần Trương khuyên GS Trần Đình Sử :” Nhà nước phong cho ông là giáo sư do sự phấn đấu của ông bao nhiêu năm, vậy mà ông đang quên ông là nhà khoa học , Xin ông hãy thật khách quan, đứng đắn trong những vấn đề cụ thể, đừng biến mình làm con thoi trong khung dệt rối chỉ ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16234/may-loi-voi-ong--tran-dinh-su.vhtm)

Đạo diễn-Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn phản bác :” Nhà văn Trần Đình Sử có nhắc lại điều tác giả Benjamin đã ví: nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế...Vâng, đúng vậy! Và tôi nghĩ: nhà văn nhà thơ không chỉ trân trọng nhặt nhạnh những gì là "rác", mà còn nâng niu những gì là nguyên liệu tinh khôi, là "khí của trời đất"- ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16230/nghe-van-khong-sang-trong-nhung-van-chuong-lai-can-su-sang-trong.vhtm)

Tôi rất quý mến GS Trần Đình Sử. Trang viết của ông chứa hàm lượng trí thức đáng trân trọng. Và tôi tự hỏi tại sao những bài viết gần đây của ông làm tôi nghĩ khác hẳn về ông. Cũng có thể đến một lúc nào đó đầu óc người ta không còn đủ sáng suốt trong cái mớ bòng bong lý luận màu xám trói buộc lấy mình, hoặc không còn đủ sức thoát ra khỏi sự nô lệ ý thức khi viện dẫn ông này, ông kia, mà không tự mình độc lập suy nghĩ? Và điều đó cũng là thường tình. Nhưng tôi lấy làm tiếc, như thể tôi đã đánh mất một niềm tin.

Tháng 8. 2013