album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT

HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT
Bùi Công Thuấn



Tôi chưa một lần được gặp hoạ sĩ Văn Phúc (VP) để được nghe ông chia sẻ quan điểm nghệ thuật, cũng chưa một lần được nhìn tận mắt tác phẩm của ông, để được cảm thụ cái đẹp mà hoạ sĩ dâng hiến cho đời, cũng chưa một lần theo dõi từng công đoạn ông sáng tác và nghe ông tỏ lộ những thông điệp gửi gắm trong tác phẩm. Đó là một điều rất thiếu sót của tôi khi xem tranh của ông. Tôi chỉ quen và biết ông qua trang blog Yume, và xem những tranh ông chụp lại. Mọi phản ánh, dù là chụp chân dung, cũng không giúp người xem tiếp cận được đúng bản chất của sự vật.

Đọc thơ, văn, tôi có thể cảm thụ được ngay ý tưởng của tác giả. Bởi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy. Nhưng với những nghệ thuật khác, thì sự tiếp cận ý tưởng sáng tạo phải thông qua hình tượng. Nghe một bản giao hưởng, người nghe phải nhận ra được hình tượng âm thanh, thông qua giai điệu, hoà âm, phối khí và nghệ thuật trình tấu. Xem một bức tranh, người xem phải đọc được hình tượng hội hoạ qua đường nét, màu sắc, bố cục, bút pháp. Có sự khác biệt rất lớn giữa tranh và nguyên mẫu, và nếu lấy nguyên mẫu để đánh giá tranh, thì đó là sự thủ tiêu nghệ thuật, bởi người xem đã gạt bỏ phần sáng tạo và những độc đáo thẩm mỹ của tác giả.

Tôi chỉ là kẻ thứ dân trong thiên hạ xem tranh của hoạ sĩ Văn Phúc, và biết đâu lại không phải là một trong 5 “thầy bói sờ voi”. Dù sao được chia sẻ những cảm nhận nghệ thuật với tác giả và bạn đọc, thì đã là hạnh phúc. Bạn đọc có thể có những cảm nhận hoàn toàn khác với tôi, thậm chí trái ngược, điều đó cũng là bình thường, như người miền Tây thích Cải Lương, còn người Bắc bộ thích Chèo, và bạn trẻ thích Rock vậy.


TRANH GÒ NHÔM –MỘT THỂ LOẠI ĐỘC ĐÁO

(Tiếng trống trường)

Tôi gọi đây là một thể loại độc đáo so với các loại tranh khác (thuỷ mặc, sơn dầu, tranh dân gian…) bởi vì gò nhôm kết hợp cả kỹ thuật và nghệ thuật. Hoạ sĩ thực hiện tranh gò nhôm trước hết phải là một hoạ sĩ có tài, vẽ những bức tranh độc đáo, và biến bức vẽ ấy thành hình ảnh nổi trên nhôm thông qua một kỹ thuật đặc biệt, kỹ thuật đuc nhôm ở mặt âm bản. Người hoạ sĩ phải đục hàng triệu nhát búa nặng nhẹ khác nhau, để tạo nên đường nét, hình khối, với những góc phản chiếu đa diện để những chỗ dục chạm toả ra những màu sắc, ánh sáng khi tranh phản chiếu ánh mặt trời ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Điều này thật quá công phu, tốn nhiều thời gian và rất hiếm người làm được. Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Bởi người hoạ sĩ phả tập trung tất cả sức lực, sự kiên trì, kỹ thuật và óc sáng tạo ở độ căng thẳng nhất khi thực hiện tranh. Bởi chỉ cần đập sai một nhát búa là có thể làm hỏng cả bức tranh. Xin nghe hoạ sĩ Văn Phúc nói về nỗ lực sáng tạo của mình:

“Ngoài các công đoạn như các dòng tranh khác. Tranh gò nhôm phải phác hình rất kỹ, dùng mê ka phim đồ lại, sắp xếp cho chuẩn (mông-ta), đem đi phô tô phóng lớn theo kích thước tranh, đem bản phô tô dán lên mặt miếng nhôm. Chờ thật khô, rồi gõ theo nét, phải đều tay gõ, thở nhẹ. Lâu lâu kiểm tra mặt sau đã hết chưa, đem ngâm nước chừng 30 phút mới bóc giấy ra khỏi mặt nhôm lau khô.

Phần tác nghiệp có mấy từ chuyên môn MATRE trong tranh là gì? Gốc từ tiếng Pháp là chất. Ví dụ chất nhẵn nhụi, nhẵn bóng, chất sần sùi, thô nháp, hình xoáy trôn ốc, như xếp sỏi đá, hình sóng lượn, hình nhịp điệu hai nhịp diệu ba v. v.mỗi nhát đục xuống nhôm tạo ra một hạt bằng hạt tấm, bắt sáng. Hàng triệu hạt bắt sáng tạo ra sự kỳ ảo của tranh, và kìa chúng còn thay đổi mầu sắc trong ngày, cái đẹp gây cảm giác ngất ngây các bạn phát hiện là ở đó”

Nói những điều ấy là để chia sẽ nỗi vất vả của người sáng tạo. Điều quan trọng là tác phẩm của anh ta làm ra có giá trị nghệ thuật không, có giá trị cống hiến cho đời cái đẹp nghệ thuật và góp phần làm phong phú giá trị tinh thần của dân tộc hay không. Tôi tin rằng bạn xem tranh đều có thể nhận thấy ngay những giá trị này của tranh gò nhôm Văn Phúc. Tôi rất ấn tượng với tác phẩm Tắm Dưới Trăng Quê, đó là một bài thơ lãng mạn đậm hơi thở đồng ruộng. Chiều Ven Đô, Chợ Nổi Cái Răng là cuộc sống thương hồ nơi ĐBSCL, một cuộc sống vừa mộc mạc chân chất, vừa thắm nghĩa tình và “nguyên chất” Nam bộ. Tác phẩm Hợp Tấu Vô Lý là một sáng tạo độc đáo, độc đáo ở cái “vô lý” mà tôi ngắm mãi không ra. Tiếng Trống Trường làm ngỡ ngàng giới nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, bởi tác phẩm thể hiện tư duy nghệ thuật tổng hợp giữa mĩ học và triết học trong tạo hình và bố cục. Tranh của họa sĩ Văn Phúc gần gũi với đời sống và giàu chất thơ (cái đẹp). Nó giúp người xem tranh nhận ra cái đẹp ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, điều mà chỉ người hoạ sĩ mới nhận ra.

Nếu nghệ thuật là cách điệu, thì tranh gò nhôm của Hs Văn Phúc thực sự là sự sáng tạo trong cách điệu, dù bút pháp của tác giả là bút pháp hiện thực. Hs Văn Phúc vẽ những sinh hoạt của miền quê Nam Bộ, đối tượng là người lao động bình dân, trong nhiều sinh hoạt khác nhau. Chỉ cần đọc tên tác phẩm, người xem tranh có thể hiểu những đặc thù Nam Bộ: Miệt Quê Phong Điền, Tắm Dưới Trăng, Chợ Nổi cái Răng, Hợp Tấu Dân Tộc, Đi Học Vùng Ven, Một thời đã qua, Hợp tấu Vô Lý, Mùa Trái Chín, Tình Mẫu Tử, Đò Ơi, Đi Chợ Sớm, Hạnh Phúc, Cầu Tre Lắt lẻo, Đêm Trăng, Lý Qua Cầu,…(1). Trong những bức tranh này, những chất liệu Nam Bộ được dựng làm nền. Đó là những cành lá dừa, chiếc áo bà ba, cảnh sông nước, chiếc ghe tam bản, con cò, rất nhiều vầng trăng. Có cả những đứa con nít, chiếc nón lá và chiếc khăn rằn. Những chất liệu ấy làm nên đặc trưng dân tộc ở Nam Bộ, nhưng dáng nét, tính các phóng khoáng của con người Nam Bộ mới là chất tài hoa của Hs Văn Phúc.(Miệt Quê Phong Điền, Cầu Tre Lắt lẻo, Lý Qua cầu, Đêm Trăng…)

Tuy nhiên, vì là thủ pháp cách điệu, nếu không được giải thích, người xem tranh khó nhận ra những chỗ tinh tế nghệ thuật. Thí dụ bức tranh Hợp Tấu Vô Lý, đâu là sự vô lý nghệ thuật. Bức Tiếng Trống Trường, không có hình ảnh nhà trường hay chiếc trống, chỉ có hình ảnh hai nữ sinh áo dài trắng, quần trắng đang vội vã. Nếu không có tựa đề tranh, người xem khó đoán định nhân vật đang làm gì. Nhưng cái đẹp của bức tranh này không nằm trong nội dung ấy, mà nằm ở hình hai cô gái. Hình thể thon đẹp, thướt tha và trẻ trung. Ánh sáng làm rực lên sức sống và sự thanh khiết tâm hồn. Cành lá dừa sum suê, gần gũi. Sự hồn nhiên của con chim non khiến cho người xem tranh nhận ra sự hiền hoà của con người Nam Bộ. Bức tranh như một bức ảnh chụp cận cảnh, có sức thu hút ngay cái nhìn của người xem tranh. Nghệ thuật tạo ánh sáng, sự tương phản sáng tối, sự phong phú đường nét và chuyển động, đã làm nên một tuyệt tác. Tuyệt tác ở chỗ, miền Tây Nam bộ là miền sông nước, đường đất, sình lầy, vậy mà tác giả lại chắt lọc được cái đẹp tinh khiết đến như vậy. Đó là nghệ thuật, là sáng tạo vượt lên trên hiện thực, là chưng cất hiện thực thành cái tinh anh của thế giới tinh thần. Miệt Quê Phong Điền cũng có những đặc sắc nghệ thuật thú vị như vậy.

Lẽ ra cần phải có thời gian nói về sự độc đáo của từng bức tranh gò nhôm của Hs Văn Phúc, nhưng thực sự tôi chưa làm được, bởi xem tranh của hoạ sĩ, tôi cần có thời gian nghiền ngẫm, khám phá sự sáng tạo và đọc cho được thông điệp của tác giả. Điều này có khi mất nhiều thời gian hơn cả thời gian tác giả thực hiện bức tranh. Dù thế nào, tôi thực sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hs Văn Phúc ở thể loại tranh này, yêu mến cái tình hoạ sĩ dành cho miền Tây Nam Bộ, mà tôi đã sống qua một thời tuổi nhỏ, và mong Hoạ sĩ có thêm nhưng tuyệt tác gò nhôm nữa cho đời, vì khi thời gian qua đi, sẽ khó có người kế thừa dòng nghệ thuật độc đáo này.


NHỮNG NÉT KÝ HOẠ TÀI HOA

(Bạn gái tôi)

Nếu gò nhôm là thể loại đòi hỏi sức lực, sự kiên trì và sự nuôi dưỡng lâu dài cảm xúc để sáng tạo, thì ký họa lại đòi hỏi khả năng “chớp” rất nhanh những phút xuất thần “đốn ngộ”, và ghi lại cũng bằng nét bút xuất thần cái đẹp mà tâm trí và trái tim vừa chớp được. Những nét ký hoa phải thật “nhiễn”, thật thanh thoát, bay bướm. Điều ấy phân biệt một hoạ sĩ tài hoa và một anh thợ vẽ. Ký hoạ thực sự thể hiện tính cách tài hoa nghệ sĩ của hoạ sĩ Văn Phúc.

Hoạ sĩ Văn Phúc tập trung ký hoạ nhân vật. Xin hãy thưởng thức những bức ký của Văn Phúc, bạn sẽ kinh ngạc ở sự khám phá tính cách con người, kinh ngạc ở sự khắc hoạ không gian, bối cảnh, và thán phục ở sự “chộp bắt” được cái “thần” con người Nam Bộ. Đó là các bức ký hoạ : Bạn Gái Tôi, Chú Hiếu, Bên Sông Hậu, Người đẹp xứ Huế, Hát lên đi Trường Sa ơi, Trung tâm vũ trụ, Phương pháp ký hoạ mới, Thần Vệ Nữ, Hậu duệ những anh hùng mở đất năm xưa, Em đã từng làm trái tim tôi thổn thức, ký hoạ Cà mau…

Ký họa Văn Phúc có những khác biệt gì so với tranh gò nhôm của ông? Có rất ít bối cảnh trong ký hoạ (sông nước, con đò, chiếc ghe tam bản, con cò, cành lá đừa, chiếc cầu tre…). Tác giả tập trung vào nhân vật, vẽ cho được cái cốt cách tinh thần của con người trong một khoảnh khắc xuất thần (Bạn gái tôi). Hoạ sĩ Văn Phúc vẽ những đường cong thân thể thật bay bướm (Trung tâm vũ trụ, Bên sông Hậu…), hình thể nhân vật tròn, chắc khoẻ, nhưng ánh mắt, nét mặt, dáng người lại rất thanh tú, rất sâu sắc trong đời sống tinh thần, và tất cả đều đẹp, tươi sáng. Ở những bức ký hoạ người lao động, ánh mắt nhân vật thường nhìn lên, động tác mạnh mẽ (dáng chèo đò, dáng người lính Trường Sa, dáng người chạy đò máy…), dáng trữ tình, ánh mắt nhân vật thường hồn nhiên, đam mê, dịu ngọt, thân thiện (Không gian trầm lắng, Thần vệ Nữ, Tóc hoa, Em đã từng làm trái tim tôi thổn thức…). Văn Phúc cũng có những bức vẽ với những đường nét “gai góc” thật ấn tượng (Chú Hiếu). Cả những tranh “nude” của hoạ sĩ Văn Phúc cũng có nét riêng, đó là nghệ thuật của tranh dân gian, kết hợp với tranh lãng mạn (Bên sông Hậu, Trung tâm vũ trụ, thần vệ nữ…) người xem tranh giật mình về sự táo bạo của ngòi bút ký hoạ, và bất chợt lo lắng về sự quá đà của cảm xúc, nhưng không, hoạ sĩ Văn Phúc vẫn giữ được cái giới hạn giữa nghệ thuật và sự thô tục. Đấy là tài năng và là tấm lòng với nghệ thuật.

Tôi thán phục sự đa dạng tài hoa của hoạ sĩ Văn Phúc. Từ một bức ký hoạ, ông có thể chuyển sang tranh gò nhôm, mà vẫn giữ được thần thái tài hoa của ký hoạ. Ông làm phong phú thêm màu sắc thẩm mỹ của tranh (Hậu duệ những anh hung mở đất, ký hoạ Cà Mau 2: người lái đò máy, ký hoạ : Bên song Hậu…). Ông cũng có những bức tranh ký hoạ phong cảnh, tuy không thật ấn tượng, song đủ giúp người xem tranh nhận ra cái đẹp cảnh vật (Du lịch miệt vườn Cái Sơn)

Trong nhữ ký hoạ của hoạ sĩ Văn Phúc, tôi rất thích bức Bạn Gái Tôi, vẽ chân dung cô gái trẻ. Nét vẽ thật phóng túng, rất hiện thực và thật lãng mạn. Hiện thực ở khuôn mặt thanh tú. Cằm tròn, mắt to, mũi thẳng, miệng xinh, tóc bồng bềnh. Người như thế gặp trong đời thực là cảm ngay. Tất nhiên đây là cảm xúc thẩm mỹ, cảm động về cái đẹp thanh tú, đầy sức sống hiền hoà và mạnh mẽ. Nhưng sức hấp dẫn của bút pháp lãng mạn mới âm thầm mãnh liệt. Khuôn mặt hơi nhìn lên, chiếc cổ dài, áo khoác hơi hở ngực, và vành môi hơi hé như cười, nét nhìn như mời gọi. Ở con người ấy, toát ra và bay lên bao quyến rũ đối với người xem tranh (nam). Tôi rất thích cái đẹp thanh tú, mạnh mẽ và đầy nữ tính như vậy. Chuyện ngày xưa Tú Uyên (Bích Câu Kỳ Ngộ) mê người trong tranh có lẽ là thật. Vâng, những bức tranh đẹp có thể làm ta say người như trong hiện thực.

Tôi đã thử so sánh bức ký hoạ Người Đẹp với hình chụp nguyên mẫu (3) để khám phá một bức tranh nghệ thuật khác với nguyên mẫu như thế nào. Nếu là người xem tranh bình thường, họ sẽ khen người mẫu đẹp hơn ký hoạ. Người mẫu khoả thân, khuôn mặt tròn nhìn lên. Hình chụp chỉ làm lộ lưng trần. Một vầng ánh sáng tô đậm trên bờ vai. Tương phản sáng tối, tạo hiệu quả nghệ thuật. Bắt người xem tranh phải chú ý vào khuôn mặt nàng mà không bận tâm đến tấm lưng trần. Tất cả những điểm gợi cảm (dục tính) đều bị che khuất. Nàng có nét mặt buồn, ngậm ngùi, ánh nhìn sâu, muốn nói điều gì đó, nhưng nét mặt vô cảm. Ký họa Người Đẹp của hoạ sĩ Văn Phúc có những nét sáng tạo khác hẳn. Văn Phúc giữ nguyên dáng nét của nguyên mẫu, nhưng để mái tóc xoã, bồng bềnh trên lưng nàng. Lưng của nguyên mẫu ngắn và khá cong, lưng của Người Đẹp được ký hoạ dài hơn, dịu hơn, có sức gợi hơn. Vẫn là khuôn mặt thanh tú, ngước nhìn lên, mắt mở to, nhưng ánh mắt ngây thơ hơn, và bờ môi trái tim đang động cựa, như nói điều gì. Có một thông điệp khác trong bức ký hoạ, so với hình chụp nguyên mẫu. Hình chụp chỉ để phô diễn vẻ đẹp thân xác, còn ký hoạ ghi lấy vẻ đẹp tinh thần, trong sáng mà quyến rũ.
Đã có lần tôi ao ước mình cũng ký hoạ được thần thái ngưới bạn gái để tặng nàng, chắc là nàng hạnh phúc lắm, nhưng trời không cho tôi những hoa văn tài hoa, như hoa văn trên tay hoạ sĩ Văn Phúc, tôi biết mình không có được những hạnh phúc thanh khiết mà hoạ sĩ Văn Phúc đã có.


TRANH SƠN DẦU, TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

(Đám cưới giờ Tý)


Sơn dầu có ưu thế hơn hẳn hai loại tranh gò nhôm và ký họa. Gò nhôm đòi hỏi quá nhiều sức lực, lại hạn chế đường nét, màu sắc, bố cục, còn ký họa lại đơn giản nghệ thuật hội hoạ xuống chỉ còn đường nét. Sơn Dầu cho phép người hoạ sĩ phát huy những ưu thế của hội hoạ. Đó là màu sắc, đường nét, bố cục, bút pháp. Người hoạ sĩ có thể vẽ bằng bút pháp của tranh dân gian Đông Hồ, hay tranh Thuỷ Mặc, tranh Dada, tranh Lập Thể, tranh Trừu Tượng, tranh Siêu Thực và cả loại tranh hồn nhiên như tranh của trẻ con vẽ theo trí tưởng tượng mà chưa lệ thuộc vào bất cứ lý thuyết hội hoạ nào…
Sơn dầu của hoạ sĩ Văn Phúc có đủ loại bút pháp ấy.

Người Bán Hàng Rong là kiểu tranh thiếu nhi. Đề tài, nhân vật, bố cục, đường nét, màu sắc, rất rậm rạp và sặc sỡ, như trong một tranh dân gian. Những mảng màu gây ấn tượng mạnh, khuôn mặt các nhân vật được vẽ cách điệu. Tranh diễn tả niềm vui hồn nhiên trẻ thơ. Tiếng Trống Trường vẽ hai thiếu nữ với những màu sắc đường nét cách điệu như một bức tranh trừu tượng. Khác hẳn với Tiếng Trống Trường gò nhôm về màu sắc thẩm mỹ. Bức tranh này, những dải màu, những đường con thật phức tạp và phong phú, phối hợp với những nét tài hoa của ký hoạ. Sự tương phản màu sắc sáng tối (màu nâu đậm của phông nền và màu áo xanh trắng tím nâu đen) có sức níu giữ sự quyến luyến mắt nhìn người xem tranh. Hai bức Giao Ca thấp thoáng bố cục và đường nét tranh lập thể. Bởi hiện thực đã được cách điệu hoàn toàn khiến cho người xem tranh khó đoán định nội dung tranh nếu tác giả không ghi tiêu đề. Bức Giao Ca hai người thợ nằm ngang, ngược đầu ngược chân cả hai cùng cầm một cây xà beng thật khó nhận diện không gian thực. Bức tranh được vẽ chỉ bằng một màu hồng, viền trắng, buộc người xem phải tự tìm lấy ý nghĩa chứa đựng trong hình tượng. Bức tranh Bên Sông Hậu (bốn bức kết hợp) sửng dụng gam màu xanh, trắng và nâu khác với những bức tôi giới thiệu ở trên. Bên Sông Hậu vừa có nét dân gian vừa mang đặc trưng nghệ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa. Những bức vẽ Bác Hồ (Bác Hồ nhường ngựa, Bác từ chối đi giày mới) nét vẽ hiện thực hơn. Tác giả chọn được những khoảnh khắc nghệ thuật trong đời thường của Bác Hồ để thể hiện thành nghệ thuật. Làm bộc lộ lòng nhân hậu của Bác đối với kẻ thù đã bị đánh bại, và với bộ đội…

Điều dễ nhận ra trong tranh sơn dầu của hoạ sĩ Văn Phúc là việc sử dụng những gam màu có sức gây ấn tượng. Đa phần là màu đỏ (Biến thể cầu vượt), bố cục dày đặc nhân vật, sự việc. Màu sắc phong phú, trộn lẫn với nhau, có khi là những màu tương phản, có khi là những màu tương đồng của gam màu. Xem họa sĩ phối mầu ta bắt gặp một tư duy hiện dại cách phối màu dương dại, nếu gam mầu nóng mầu lạnh chỉ khoảng ba mươi phần trăm và ngượi lại, nhìn kỹ ta còn thấy ông diễn tả không gian đang chuyển dộng theo sự chuyển động của con người. Một bút pháp chỉ bắt gặp các họa sĩ cao thủ trong nghệ thuật mới có. Và dù vẽ nội dung gì, thì trung tâm, tranh sơn dầu của Văn Phúc luôn là cái đẹp đời sống trong lao động của nhân dân ta.

Xin lắng nghe hoạ sĩ nói về tranh của mình:

Tác phẩm NHỮNG NGƯỜI THỢ CẦU: “ Tranh diễn tả những người thợ hàn trên công trường cầu vượt Cần Thơ, ánh lửa hàn lóe sáng đến chói mắt, một bố cục kinh diển (tụ- tán) phối hợp diễn tả ánh sáng đi vào chiều sâu của không gian ba chiều, trong tranh nội dung được diễn bằng hòa sắc lạnh”

Tác phẩm GIAO CA: “Phản ánh nét đẹp của người thợ giao ca với chiếc xà beng nhổ đinh chứng tỏ họ là thợ làm sắt cầu vượt. Hậu cảnh là cây cầu CẦN THƠ và khu dô thị nam thành phố nhìn hoành tráng vươn lên trời cao. Về nghệ thuật, bố cục song song nhưng hai người dang vội vàng , với hòa sắc nóng làm nhịp chính của tranh. Lần đầu ta thấy bút pháp con người ( hai anh công nhân) lẩn vào trong không gian, chỉ thấy trong tranh Văn Phúc”

Tác phẩm CHIỀU CỒN ẤU :” Đây là địa danh ngay chân cầu Cần Thơ, tác phẩm ca ngợi nét dẹp người Cồn Ấu dang thu hoạch mè đen với dáng chiều đỏ rực với hòa sắc nóng làm chủ đạo. các nhân vật dược phối màu nhìn trong veo như những viên đá cẩm thạch hoặc đá hồng ngọc một kỹ thuật phối mầu rất khó”

Có sự khác biệt rất xa tranh phương Tây. Nghệ thuật phương Tây thể hiện cái Tôi cá nhân, thường là cái Tôi cô đơn, rất ít kiểu tranh vẽ sự nhộn nhịp của cộng đồng trong những hoạt động chung như tranh Văn Phúc (Người thợ cầu Cần Thơ, Người bán hàng rong, Thu hoạch me, Cù Lao Tân Lộc, Bên sông Hậu, Chợ nổi Cái Răng…)


HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT

Chiều Cồn Ấu

Tôi không viết về con người xã hội của hoạ sĩ Văn Phúc. Các chương trình của HTV đã làm những phóng sự rất cụ thể về ông. Những bức ảnh chụp lúc ông gò tranh, tưới cây, đi thực tế Cà Mau, Kiên Giang, họp mặt với bạn bè từ Hà Nội, Tp Hồ Chí minh cũng đủ giúp bạn đọc hình dung đầy đủ về hoàn cảnh sống, làm việc và vị thế xã hội cùa ông. Tôi viết về hoạ sĩ Văn Phúc, nhân vật chủ thể những bức tranh của ông. Nếu nói Văn là người thì cũng có thể tìm thấy con người tác giả trong tranh, tất nhiên là con người nghệ thuật.

Ấn tượng của tôi về hoạ sĩ văn Phúc là ấn tượng về một người nghệ sĩ có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, phong phú, tài hoa. Những mảng màu ông sử dụng là màu đậm (thí dụ màu đỏ đậm), những đường nét ông khắc hoạ là những đường nét trẻ, khoẻ. Con người, sự vật, sự việc của ông được bố cục sao cho làm bật ra sức sống ngồn ngộn, sức phát triển và sự hoà điệu. Ở mỗi bức tranh, đều có sự khẳng định mạnh mẽ chủ đề, tư tưởng và phong cách nghệ thuật. Ông chọn thể loại gò nhôm là thể loại tốn nhiểu sức lực, thời gian, sự kiên trì, và sự tập trung cao độ trong suốt quá trình tác tạo sản phẩm. Không có một cá tính mạnh mẽ, trổi vượt thì không thể sáng tạo như hoạ sĩ Văn Phúc.

Điều làm tôi yêu mến tranh của hoạ sĩ Văn Phúc là hình ảnh đất nước, con người, cuộc sống của nhân dân được ông tái tạo. Thực ra hiện thực đã được ông chưng cất để chắt lọc lấy “cái tinh anh” làm nên hồn cốt tác phẩm. Cuộc sống đời thường dễ làm ta chai lì những cảm xúc thẩm mỹ. Phát hiện ra cái đẹp, và thể hiện cái đẹp ấy, gửi gắm trong cái đẹp ấy những thông điệp về cuộc sống, đó là phẩm chất và thiên chức của người nghệ sĩ. Tranh Văn Phúc giúp người xem nhận ra một tấm lòng nghệ sĩ yêu đất nước và nhân dân mình nồng nàn sâu sắc như thế nào. Hoạ sĩ Văn Phúc vẽ đất nước, con người, cánh cò, chiếc cầu tre, chiếc áo bà bà, những người thợ làm cầu, sinh hoạt chợ nổi miền Tây. Họa sĩ quê ở Hưng Yên nhưng các tác phẩm của ông hoàn toàn ca ngượi Cần Thơ và ĐBSCL một diều dễ hiểu vì ông sống gần hết cuộc dời của mình ở đây. Đây cũng là quy luật sáng tạo. Chỉ khi người nghệ sĩ sống sâu sắc và gắn bó với một vùng văn hoá nhất định, thì tác phẩm của anh ta mới thu phục được sự ngưỡng mộ của công chúng.

Tôi ngạc nhiên, vì trong khi giới nghệ thuật chạy đua theo nghệ thuật phương Tây, từ lãng mạn, Siêu Thực, Ấn Tượng, đến Trừu tượng, Lập thể, Hậu Hiện Đại… thì Văn Phúc vẫn kiên trì với nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Nghệ thuật truyền thống trong tranh Văn Phúc có cội nguồn ở sự gắn bó với đất nước, con người Nam Bộ, để chất liệu hiện thực trở thành chất liệu nghệ thuật, khiến cho người xem tranh nhận ra ngay cái hồn dân tộc trong từng chi tiết của tranh (cành lá dừa, con cá, con cò, đứa con nít, cầu tre, ghe tam bản, áo bà ba, …) Nghệ thuật truyền thống trong tranh Văn Phúc cũng thể hiện ở đường nét, lối vẽ cách điệu, những motip quen thuộc của tranh dân gian (ký hoạ Trung tâm vũ trụ, Hạnh phúc, Suối tóc, Người bán hàng rong…). Chất hiện đại thể hiện ở đề tài, nội dung, sự vật, con người hôm nay (Chợ nổi Cái răng, cù lao tân Lộc, những người thợ cầu Cần Thơ, Bên sông Hậu…), tuy nhiên cần phải nhận ra chất hiện đại về nghệ thuật của tranh Văn Phúc (Biến thể Cầu vượt, Tiếng Trống Trường sơn dầu, Hoà tấu vô lý…). Người xem tranh không hề gặp bất cứ một chi tiết ngoại lai nào trong tranh Văn Phúc. Tôi nghĩ, giữ vững được hồn dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật và hiện đại hoá bút pháp, tạo được cốt cách riêng, đó là một thành công của hoạ sĩ Văn Phúc.

Ngoài những phẩm chất, chuẩn mực nghiêm nhặt của quá trình sáng tạo mà người nghệ sĩ phải tuân thủ, tôi còn nhận ra một tâm hồn lãng mạn, tài hoa làm nên cái đẹp tranh Văn Phúc. Không có yếu tố này, tranh Văn Phúc sẽ chỉ có kỹ thuật của người thợ vẽ, không thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật (Tôi đã phân tích ký hoạ người đẹp và hình chụp của nguyên mẫu để chỉ ra sự sáng tạo của hoạ sĩ Văn Phúc). Tôi chia sẻ được với ông ở phẩm chất này. Nếu không có tâm hồn lãng mạn (biết nhận ra cái đẹp, yêu cái đẹp) thì không thể sáng tạo. Chỉ có những trái tim biết rung động mãnh luiệt trước cái đẹp mới giúp người nghệ sĩ làm nên tác phẩm. Điều rất lạ là, bạn xem tranh sẽ khó nhận ra phẩm chất ấy trong hình hài một con người nghiêm nghị, chuẩn mực và rất thực tiễn như hoạ sĩ Văn Phúc trong đời thường

(Tiếng trống trường)

Không biết tôi có nói được điều gì về những đặc sắc nghệ thuật của hoạ sĩ Văn Phúc Không. Trong muôn một, tôi ao ước được chia sẻ những cảm thức nghệ thuật với hoạ sĩ như một tri kỷ, và ao ước được một lần diện kiến, lênh đênh trên một chiếc ghe tam bản nơi sông nước miền Tây, nghe hoạ sĩ nói về những tâm nguyện sáng tác của mình.
Tháng 7. 2013

______________
(1) Xin xem tranh trên blog của Hs Văn phúc .
(2) Mời bạn thưởng lãm tranh ký hoạ của Văn Phúc : http://yume.vn/vanphucart/article/moi-cac-ban-thuong-lam-nhung-ky-hoa-cua-van-phuc.35DB352C.html
(3) http://yume.vn/vanphucart/article/moi-cac-ban-thuong-lam-nhung-ky-hoa-cua-van-phuc.35DB352C.html
và : http://yume.vn/vanphucart/article/vang-sao-sao-vang.35DB3143.html