album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

dương đức khánh-nhà văn đạt giải thưởng cuộc thi của báo Văn Nghệ 2011-2013

DƯƠNG ĐỨC KHÁNH,
NIỀM VUI VÀ CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Bùi Công Thuấn



1.Xin chúc mừng

Cuộc thi nào cũng có những tiêu chí và mục đích để tuyển chọn những người ưu việt. Dương Đức Khánh đã thắng trong hai cuộc thi khá bề thế. Truyện ngắn Nông Nổi Cù Lao của anh đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1200 chữ của báo Tuổi Trẻ. Anh đã vượt qua 1.758 bản thảo của cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên từ nhiều nơi trên cả nước gửi về tham dự. Ban giám khảo cuộc thi gồm các nhà báo và nhà nghiên cứu văn học: Nguyên Ngọc, Lê Văn Thảo, Phạm Xuân Nguyên, GS- TS Lê Ngọc Trà, Nguyễn Quang Sáng... Nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên ban giám khảo cuộc thi, nhận xét, đây là truyện ngắn "vừa buồn cười, vừa đau đớn". Theo ông, tính trào lộng trong câu chuyện chính là sự tự chế giễu cần thiết về những vụng dại của một thời chưa xa đã làm méo mó xã hội, đau khổ cho bao con người[1]. Cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ (2011-2013) có hơn 2000 bản thảo (Theo nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, có gần 3000 bản thảo, còn nhà báo Hiền Nguyễn, báo Tổ Quốc thì cho biết hơn 3000 tác phẩm dự thi*). Trước khi kết quả được công bố, nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá cao những tên tuổi như Uông Triều, Chu Thị Minh Huệ, Võ Diệu Thanh, Chu Thùy Anh, Nguyễn Đức Lợi, Hoàng Hải Lâm[2]. Nhà văn Khuất Quang Thuỵ nói về tiêu chí của cuộc thi :” Yếu tố văn chương và những đóng góp cho thể loại được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là nội dung phải đề cập tới vấn đề bức thiết của đời sống xã hội, của thời đại chúng ta. Chuyện có thể xa xôi, nhưng cuối cùng nhất thiết nó phải rọi chiếu được vào đời sống hiện tại.[3]. Nói như thế để thấy một lần nữa Dương Đức Khánh lại vượt lên, trong một cuộc thi mà tài năng mới là yếu tố quyết định.
Thành công của Dương Đức Khánh, Thu Trân...đã ghi một “dấu ấn”[4] cho văn nghệ Đồng Nai. Xin chúc mừng các nhà văn trẻ của Văn nghệ Đồng Nai trên văn đàn cả nước.
2. Yếu tố nào đem đến thành công cho Dương Đức Khánh?
Nhà báo Hoàng Oanh tường thuật, “Dương Đức Khánh khiêm tốn tự nhận mình chỉ là"một người sắp chữ cần mẫn", vì những gì viết trong truyện đều là những sự việc có thật đã từng xảy ra ở nơi này nơi kia trong quá khứ - thời anh và nhiều người từng sống.” Anh sinh ra và lớn lên ở Huế, đến 19 tuổi vào Nam lập nghiệp và xây dựng gia đình ở Long Xuyên. Tuy nhiên, niềm đam mê viết lách và máu nghệ sĩ thôi thúc Dương Đức Khánh chuyển ra Đồng Nai, bỏ nghề may để công tác ở tập san Dưới Mái Trường (Sở Giáo dục Đồng Nai)[5].

Truyện của Dương Đức Khánh gây được ấn tượng ngay về một giọng văn nguyên chất nông dân. Hà Minh Anh nhận xét :” Dương Đức Khánh biết chắt lọc những tình tiết dân dã, những sinh hoạt thường ngày ở một làng quê nghèo để nói lên được những điều lớn lao là con người không nên thù địch, hãy vui vẻ bên nhau mà sống trong cảnh hòa bình. Dương Đức Khánh có một giọng văn riêng nghe mộc mạc như người nhà quê nói chuyện.”[4]

Với đặc điểm ngôn ngữ này, nếu Dương Đức Khánh còn dự thi, anh sẽ còn đạt giải, bởi đó là một giọng văn “lạ” giữa những giọng văn trau chuốt, hoặc giọng văn kiểu “teen” hay giọng văn “truyền thống”...điềm đạm, thâm trầm. Đương Đức Khánh (DĐK) mang được nguyên vẹn ngôn ngữ nông dân vào tác phẩm, nguyên vẹn cái không khi sinh hoạt đồng quê tạo ra kiểu ngôn ngữ ấy, và anh biết cách dấu mình đi để cho kiểu ngôn ngữ mộc, chân chất của người nông dân hiển hiện trên từng con chữ. Những đọan kể của riêng anh, cũng bắt chước giọng điệu ấy, tuy có chắt lọc hơn. Điều này không mới, vì Nguyễn Ngọc Tư đã đi trước anh, xa hơn là Nguyễn Thi, xa hơn là Sơn Nam, và nếu lần về nguồn cội ta gặp lạ Nguyễn Đình Chiểu. DĐK đã kế tục được một dòng văn chương mang những đặc thù thẩm mỹ của văn chương Nam Bộ, và anh góp thêm được chất riêng ngòi bút của mình, đó là “bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.”

Điều làm nên giá trị đạt giải của Người Chợ Kệ là ở hình tượng con người nông dân mà DĐK khắc hoạ được. Người Chợ Kệ là người thế nào? Truyện kể về lai lịch tên chợ, “sự tích” của Mụ Thợ Rèn, và những câu chuyện “tào lao xịt bộp” của chú Tuỳ, con Mụ Thợ Rèn. Đây không phải là những kỳ tích đánh giặc hay kỳ tích làm được những việc phi thường trong kháng chiến, mà chỉ là những chuyện cười dân gian, đời thường, có cả yếu tố tục (truyện cười dân gian sử dụng nhiều yếu tố tục). Đây là chuyện của Mụ Thợ Rèn

” Bận nọ ở bến Lở làng Hạ Lang, mụ say sưa hô tát, khum lên khum xuống một hồi, cái quần lĩnh lưng vận sũng nước, tuột luốt! Mụ mặc kệ!. Nước sông Bồ thì trong leo lẽo. Đàn ông trên bờ vừa la vừa cười hô hố! Mụ cứ tát, cứ hô cho tới khi ghe làng qua khỏi, mụ quăng theo luôn cái nón móp méo tơi tả rồi mới thủng thẳn, kéo quần lên!...Lần ấy ghe làng về “nhứt phá”, giựt luôn giải “tam liên thắng, cờ trống tưng bừng mặt sông! Mụ vừa đi vừa chạy trên bờ, tay vung lên trời: “Nhờ tau đó! Nhờ tau đó!”

Chuyện chú Tuỳ cũng vậy, một lần Chú Tuỳ uống rượi với thằng Mỹ say, rồi dạy cho nó hát bài Hành Quân Xa (của Đỗ Nhuận)[6]. Cảnh tượng hài hước :” Rượu ngấm. Chú bắt đầu hát, rồi hò…Hắn ngồi nghểnh cổ nhìn rồi gục gặc hát theo. Bọn trẻ cứ lăn ra mà cười. Đến lúc hắn đứng dậy loạng choạng bước đi, không biết đứa nào đã bày đầu ra bài hát, cả bầy chạy theo vỗ tay hát ghẹo: “Hành quân xa không có tiền mua phở/ Trở lui về mà xin vợ vài trăm!...” Vậy mà cách có mấy buổi chiều hắn đã thuộc, giọng hắn ò ò theo bước đi khật khưởng: “Hanh quan xa khong co chien mo phọ…” Chú còn nghĩ cách bày nhiều trò ngoạn mục khác khiến cả làng phải cười nhiều trận đến khản cổ!.”

Tôi không nghĩ DĐK chỉ ghi nhận những “chuyện cười” để mua vui như vậy (mặc dù người Việt Nam thích cười). Người chợ Kệ có thể “mặc kệ” những chuyện đàm tiếu, cười cợt sự hồn nhiên của mình, nhưng không mặc kệ những chuyện về lòng nhân ái, về tình người, tình làng nghĩa xóm, về cái lẽ phải ở đời.“Một hôm có người đàn bà làng Hạ mang thai sắp đến ngày sinh nở, đang giữa buổi chợ chiều sắp tan bỗng đau trở dạ. Vật vã, rên la đến ngất lịm! Cả chợ xúm lại. Là đàn bà với nhau, cũng từng qua lần đi biển mồ côi nên ai cũng cảm thấy quặn lòng. Thế là mỗi người một tay, kẻ giúp chăn người giúp chiếu. Cuộc vượt cạn nơi góc lều quán chợ cũng mẹ tròn con vuông!” Có người nói, đàn bà làng khác đến đẻ rơi đẻ rớt giữa chợ làng mình là điềm xui, điềm gở! Mụ Thợ Rèn thì nói :” Ôi dào! Ông trời có mắt, mình cứ ăn ở cho phải, ai nói chi mặc kệ! Cứ “kệ” là qua hết!”

Chú Tuỳ say sưa, hồn nhiên vậy, thế nhưng trong câu hò chú dạy cho thằng Phớt (thằng Mỹ say), lại có ý nghĩa sâu sắc: Chú bắt nhịp cho thằng Mỹ hò: ” Hò hô hố hô!...”.“Đáo tói noi đay/ đát nuoc la lung/ nghe con chim keu tui cung sơ…Họ hô!...” Rồi chú hò “thông dịch” lại câu hò của thằng Mỹ : Hò hô…Đáo tới nơi đây/ đất nước lạ lùng / nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy vùng run ví cũng… ờ run! Hò hô!...” Hành động của chú Tuỳ được dân làng tán thưởng :” Mụ Thêm vỗ đùi ra chiều hả hê: “Ờ, không run răng được!...Chết gần hết rồi mới “chạy làng” về đây! Không run răng được!”. Cả chợ cười cái rần. Mụ Lé nổi hứng: “Chà, hò nghe hợp tình chi lạ! Đây, thưởng cho…một đòn bánh tét! Hai anh em ăn cho no mà hò!...” Hơn thế, Chú Tuỳ còn có công “thuần hoá” thằng Mỹ khi cho nó tham gia cuộc đua ghe, và một lần nữa nó lại thua những người nông dân bình thường. Tác giả bình luận :” Nhưng những động tác này đối với một thân hình nặng nề - một người Mỹ như thằng Phớt thì phải học tới “bạc râu” may ra mới theo kịp!.” Chú Tuỳ tự hào :” “Mỹ dưng mà…thành dân chợ Kệ rồi!...Biết uống rượu Hương Cần, biết hò giã gạo…được mụ Lé thưởng bánh tét đàng hoàng nghe! Hề!...”

Trong truyện, những “thằng Mỹ” đã thua đến 2 lần. Lần thứ nhất, “Đêm căn cứ Ti-bon trên núi Mệ bị pháo quân giải phóng tấn công, cả trái núi đỏ lựng như hòn than khổng lồ...Mờ sáng, cái thứ bay dạt về đồng làng không phải là những chiếc dù mà là…một tốp lính Mỹ te tua xơ mướp bị đẩy xuống từ một chiếc trực thăng! Chúng la ó hoảng loạn, xí lô xí la như bồ chao bể tổ một hồi rồi thất thểu kéo nhau vô náu trong nhà thờ hoang. ». Lần thứ hai, thằng Phớt tham gia đua ghe phải bỏ cuộc, trở thành trò cười cho dân làng. Chúng đã biết « sợ » dân tộc này. « Nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy vùng run..”.

Khi viết về những người Mỹ thua trận, DĐK đã không nói về sự căm thù và thái độ trả thù giặc Mỹ như những truyện thời kháng chiến (chẳng hạn, Những đứa con trong gia đình-Nguyễn Thi). Điều ấy là hợp tình trong hoàn cảnh hiện nay khi cả hai dân tộc đã khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, hợp tác và hữu nghị. Chú Tuỳ đã thể hiện cái tinh thần ấy. Nói chuyện với tác giả, « Chú vỗ cái bốp: “Rồi! Tau sẽ đi Mỹ!” Rồi chú vỗ bùm bùm xuống bộ sập: “Này, trong này là hai tấn rưỡi, tau đang trữ, chờ giá! Tau sẽ “mần” một chuyến “xuất khẩu tự túc”!...Qua bên đó, tau sẽ đi tìm thằng Phớt! Uống rượu với hắn…hai ba tháng đã đời chơi! Hà!…”

3. Con đường phía trước
Hai cuộc thi đã khẳng định tên tuổi Dương Đức Khánh là một nhà văn có văn phong riêng, có sức gây ấn tượng. Con thuyền đã ra khơi, mênh mông vẫy vùng. Tôi cầu chúc nhà văn Dương Đức Khánh mọi điều tốt đẹp để anh có thể thực hiện được ước vọng nghệ thuật của mình và làm tròn “thiên chức” của một nhà văn.

Con đường sáng tạo còn dài phía trước và không ít khó khăn. Nhà văn Nguyễn Đức Thọ sau thành công của Hồi Ức Làng Che đã thốt lên một câu Kiều “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh “. Anh gọi 15 truyện ngắn anh đã viết được là 15 năm của đời Kiều. Nhà văn tài hoa và viết được những câu chuyện bi kịch dữ dội của một thời ấy đã sớm ra đi trong sự nhớ tiếc của Văn Nghệ Đồng Nai. Cũng không xa Đồng Nai gì lắm, Nguyễn Ngọc Tư đã nếm trải vinh quang và cay đắng của nghiệp cầm bút...”Đã mang lấy nghiệp vào thân”..., làm sao giữ được lửa của ngòi bút, làm sao tích luỹ được vốn cho đầy, làm sao tìm được con đường sáng tạo riêng cho mình, và làm sao đứng vững trước những phong ba bão táp của tình đời, để sáng tạo cho đời những tác phẩm giá trị, góp phần làm giàu đẹp tâm hồn và văn hoá Việt Nam, tôi nghĩ nhà văn nào cũng trăn trở về những điều ấy.

Điều tôi chia sẻ với nhà văn DĐK là ở những gì anh sẽ viết. Ngay trong những thành công của anh đã hàm chứa những khó khăn. Nếu anh chỉ viết về những gì thuộc về vốn sống, thì sẽ có lúc anh cạn vốn. Và nếu anh chỉ giữ một cách viết dân dã, một giọng dân dã thì sắc màu nghệ thuật của anh sẽ rất đơn điệu. Nguyễn Ngọc Tư khởi đầu bằng những chuyện đồng quê dân dã, nhưng ngay sau đó nhà văn này đã tìm đi những lối khác. Điều làm người đọc còn thấy “thiếu” trong những truyện ngắn của DĐK là “chất tư tưởng” của tác phẩm. Chất hồn nhiên, tự nhiên của sự việc lấn át tính tư tưởng, khiến cho truyện của anh gần như là kiểu truyện phong tục, viết về những cái “lạ” trong đời sống, sinh hoạt ở một vùng nào đó. Người đọc có thể ngạc nhiên, thú vị về những câu chuyện “lạ”, nhưng không đọng lại được điều gì về tư tưởng và nghệ thuật.

Người Chợ Kệ, giàu chất ký hơn truyện. Đoạn anh miêu tả về những người lính Mỹ thua, chạy núp trong nhà thờ hoang, chiều chiều trực thăng Mỹ thả xuống những thùng lương thực cho họ rồi bỏ đi. Những người lính Mỹ này gào thét và bắn đạn xối xả lên trời. ”Từng gương mặt đỏ ngầu vằn lên giận dữ như đang nguyền rủa một ai đó… », Tôi e rằng tác giả miêu tả như vậy để đọc cho vui. Ngưởi Mỹ không bao giờ bỏ rơi đồng đội của họ như thế, và Việt Cộng cũng không để yên cho những người lính Mỹ này, vì bọn chúng đã gây tội ác với nhân dân.

Cũng vậy, nhân vật tôi trong truyện không có vai trò gì, ngoài vai trò là người bịa chuyện để gạt chú Tuỳ, khiến cho Chú tưởng thật và quyết tâm đi Mỹ. Nhưng chú đi Mỹ để làm gì ? Tác giả không có một dòng nào miêu tả ý thức dân tộc về hành động của chú. Đi Mỹ chỉ để uống rượu hai ba tháng với thằng Phớt cho đã. Đúng là chuyện « tào lao xịt bộp ». Nhân vật chú Tuỳ có thể tào lao, còn người đọc muốn nghe tác giả nói những điều gan ruột, những điều xuất phát từ chân tâm. Tác giả bịa ra chuyện « tào lao xịt bộp » để làm gì ? Phải chăng tác giả muốn đùa cợt trên sự « chất phác » của chú Tuỳ « ? Hay để có câu chuyện vui mà nhớ về ngày xưa ? Dù thế nào, tôi nghĩ rằng tác giả có những cách kết thúc truyện khác. Cách kết truyện của DĐK không tạo được hiệu quả tư tưởng và nghệ thuật. Đọc xong truyện tôi cảm thấy hụt hẫng và tiếc.

Tôi lại có một mong ước, một ngày nào đó được đọc truyện Người Đồng Nai của DĐK. Một lần nữa xin chúc mừng thành công của nhà văn.
Tháng 5. 2013
_____________________________________________________
[1] http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/mot-nha-tho-doat-giai-cuoc-thi-viet-truyen-ngan-1-200-chu-1973025.html
[*] http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/49/doi-song-van-hoc/115930/nhin-lai-cuoc-thi-truyen-ngan-bao-van-nghe-2011-2012.aspx
[2] http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=16574
[3] http://www.baomoi.com/Xuat-hien-mot-lop-nha-van-tre-chung-chac/152/10905873.epi
[4] http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/414169
[5] Hoàng Oanh-Tuổi Trẻ: http://news.socbay.com/tac_gia_duong_duc_khanh_cuoi_buon_ve_thoi_toi_da_song_-600126154-302055424.html
[4] Hà Minh Anh: http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/414169
[6] Hành Quân Xa -Sáng tác: Đỗ Nhuận - Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi....