album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

NGHỊ QUYẾT TW5 (KHOÁ (VIII) VÀ NGHỊ QUYẾT 23 CỦA BCT VỚI LL&PBVH

THAM LUẬN*
Nghị quyết TW5 (khoá VIII) và nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị với
LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG

Bùi Công Thuấn



Từ đổi mới đến nay, đất nước chuyển sang phát triển kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hoá, sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật luôn là vấn đề “nóng” của thời sự văn học. Bởi có sự va đập, cọ xát giữa nhiều khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật khác nhau. Rất nhiều vấn đề không có lời giải đáp, chẳng hạn, vấn đề tự do trong sáng tạo, văn học và chính trị, văn học với kinh tế thị trường, văn học phản ánh hiện thực, vấn đề con người trong văn học, đổi mới văn học như thế nào, số phận của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa... Hội nghị Lý Luận phê bình Đồ Sơn không giải quyết được vấn đề nào cụ thể. Đời sống văn học trong chờ ánh sáng mở đường.

1.ÁNH SÁNG TỪ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

Trong tình hình ấy, sự ra đời của Nghi quyết Trung ương 5 (khoá VIII- ngày 16.7.1998) và nghị quyết 23 của Bộc Chính Trị (ngày 16.6.2008) thực sự có ý nghĩa mở đường. Cả hai nghị quyết là sự kết tinh nhận thức và đường lối văn nghệ của Đảng từ Đề Cương Văn Hoá 1943 đến nay. Là sự kiên định quan điểm văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, "Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành ‘một bánh xe nhỏ và một đinh ốc’ trong bộ máy xã hội dân chủ vĩ đại, thống nhất do đội tiền phong hoàn toàn giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân mở máy”.[1]; Là sự phát triển quan điểm nghệ thuật Marxist và tư tưởng Hồ Chí Minh trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, giai đọan công nghiệp hoá đất nước và hội nhập toàn cầu hoá.

Trước đây, trong giai đoạn kháng chiến (1945-1975), dân tộc ta phải “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập” mới giành được, lý tưởng độc lập tự do là lý tưởng của cả dân tộc, văn học nghệ thuật cũng hướng về lý tưởng ấy. Phương châm văn nghệ kháng chiến là, “Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá” văn hoá văn nghệ phục vụ công, nông, binh. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy :”Không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật mà cần nói rõ văn hoá phục vụ công, nông binh.”[2], Đảng yêu cầu văn nghệ sĩ sáng tác theo phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa [3]

Từ 1986, Đảng đổi mới tư duy, đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới, nhà văn thế hệ kháng chiến đã quen viết bằng Chủ Nghĩa Hiện Thực XHCN không sao vượt lên được, họ thực sự lúng túng trước yêu cầu mới. Văn học tự thân đổi mới mà không tránh khỏi những hạn chế. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII- ngày 16.7.1998) đã chỉ ra tình trạng yếu kém lý luận và phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua:

” Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.”(Nghị Quyết TW 5)

Từ đó đã đề ra nhiệm vụ cụ thể về lý luận và phê bình băn học

“Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.
Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hoá. Nâng cao chất lượng, phát huy tác dụng của nghiên cứu, lý luận.
Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”



Nghị quyết 23 cũng chỉ rõ thêm:

“Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó.
Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...”
Và khẳng định:
“Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khăng khít của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, có sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân.
Văn học, nghệ thuật phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật...Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú cho hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại...”

2.TÌNH HÌNH LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRONG CẢ NƯỚC

Nghi quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị là kết tinh của sự kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ; là sự kiện định đường lối văn hoá văn nghệ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng kể từ Đề Cương Văn Hoá 1943. Những văn kiện này của Đảng đã mở ra nhận thức mới cho sáng tác văn học nghệ thuật, làm sáng tỏ và giải quyết được nhiều vấn đề lý luận văn nghệ trong giai đoạn đất nước đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập toàn.
Sự ra đời của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương là sự quan tâm đặc biệt của Đảng về lý luận phê bình VHNT. Hội đồng là cơ quan tư vấn tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư và quản lý trực tiếp của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương.
Từ khi Hội đồng lý luận và Phê bình VHNT trung ương ra đời (2008), các hoạt động lý luận phê bình trở nên sôi nổi và có chiều sâu. Hội Đồng có chức năng “xem xét, đánh giá tình hình sáng tác, lý luận, phê bình, những khuynh hướng nảy sinh trong đời sống VHNT, tổng kết việc thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng, bảo vệ những thành tựu đã đạt được, kết luận một số vấn đề lý luận thực tiễn văn nghệ còn có ý kiến khác nhau, liên kết đội ngũ lý luận phê bình chuyên và không chuyên trong cả nước...”
Hội đồng lý luận đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của lý luận và phê bình VHNT,
Năm 2008, hội thảo "Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập". Năm 2009 hội thảo "Tính dân tộc và tính hiện đại trong VH,NT hiện nay". Năm 2010 hội thảo “Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” . Tổ chức đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”. Năm 2010, Hội đồng đã xuất bản cuốn sách “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” và “Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”. Xây dựng Đề án “Chống sự xâm nhập của sản phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”... 2013 thực hiện đề án khoa học cấp nhà nước "Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - thực tiễn và định hướng phát triển"; tổ chức hội thảo "Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử", góp phần định hướng các Hội văn học, nghệ thuật ở trung ương và địa phương cùng đội ngũ văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, góp phần bồi đắp lòng yêu nước và giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Hội đồng tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái về văn học, nghệ thuật và chủ động bám sát thời sự văn học, nghệ thuật để từ đó kiến nghị những giải pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.

Hội Đồng cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn lý luận phê bình VHNT cho đối tượng là những người làm công tác quản lý, chỉ đạo văn học, nghệ thuật ở các cơ quan Trung ương; những cán bộ giảng dạy ở các trường Đại học văn khoa tại Hà Nội, các nhà báo ở các báo, đài trung ương có chuyên trang văn học, nghệ thuật…giúp những người có trách nhiệm có cái nhìn hệ thống về đường lối, quan điểm của Ðảng ta về văn nghệ. Ðồng thời, từ nhận thức về các thành tựu, hạn chế của tình hình văn nghệ hiện nay để nâng cao trách nhiệm cá nhân trên cương vị công tác của mình.(Hội Đồng đã tổ chức lớp tập huấn tại Đồng Nai từ 18 đến 21 .7.2012)

Những thành tựu có thể nhận thấy rõ ở lễ trao thưởng các tác phẩm lý luận phê bình văn học - nghệ thuật trong ba năm 2010-2012. Có 29 công trình, tác phẩm đã được trình Hội đồng lựa chọn trao thưởng từ 332 công trình, tác phẩm của 92 đơn vị, cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Hội văn học - nghệ thuật các tỉnh, thành phố và các hội chuyên ngành gửi dự xét tặng thưởng.

Nhìn chung các “khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị..”đã bị đầy lùi. Văn học kháng chiến và cách mạng được khẳng định, các quan điểm về văn học nghệ thuật của Đảng được củng cố làm nền tảng cho lý luận phê bình. Các khuynh hướng sáng tác suy đồi bị phê phán mạnh (sex, xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, thái độ mơ hồ về chiến tranh, không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa.)

Tuy nhiên trong thực tiễn sinh hoạt phê bình văn học nghệ thuật, thời gian qua không phải không có lúc “khủng hoảng”, hoặc “loạn chuẩn”. Sự tranh cãi thường xảy ra ở các giải thưởng văn học của Hội Nhà Văn và các cuộc thi cấp miền (chẳng hạn tiểu thuyết Hội Thề của Nguyễn Quang Thân, bài thơ Trăng Nghẹn giải thưởng Đồng bằng sông Cửu Long), nhất là hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non sông Yên Tử” 8/8/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam do Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Có tới 21 tham luận đánh giá rất cao thơ Hoàng Quang Thuận. Nhưng sau đó Nguyễn Minh Tâm đã phát hiện Hoàng Quang Thuận sao chép sách “Chùa Yên Tử, Lịch Sử - Truyền Thuyết Di Tích và Danh Thắng”,“thậm chí có nhiều bài thơ, câu thơ còn sao chép nguyên xi câu văn của tác giả Trần Trương”[4]. Thường vụ Hội Nhà Văn đã có thông báo rút kinh nghiệm sâu sắc về hội thảo này.[5]

Các đợt tập huấn của Hội đồng LLPBVHNT TW đã nhiều lần đề cập đến tình trạng “loạn chuẩn”, và nhận ra nguyên nhân là, khi rời bỏ Chủ Nghịa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, lý luận phê bình Việt Nam chưa có một phương pháp phê bình mới phù hợp, chưa có những tiêu chí cụ thể cho phê bình văn học. Trong khi đó văn chương bị thu hút về phía thị trường. Những bài giới thiệu quảng cáo sách góp thêm phần làm “loạn chuẩn” phê bình văn chương, tham luận trong các hội thảo văn chương thì tung hứng mặc sức phô diễn những bài tụng ca cảm tính. Ngược lại, công chúng và những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật lại vẫn theo chuẩn của lý luận phê bình thời kháng chiến, chưa theo kịp sự đổi mới của Đảng.

Cho đến nay (2013) chúng ta vẫn chưa có công trình nào về lý luận phê bình văn chương Việt Nam, chưa có phương pháp phê bình nào được khẳng định có giá trị phù hợp với tình hình mới của văn chương nghệ thuật. Con đường còn mở ra phía trước của những tìm tòi và thể nghiệm. Chẳng hạn, GS Trần Đình Sử nghiên cứu Thi Pháp Học, Đỗ Lai Thuý áp dụng Phân Tâm học nghiên cứu văn chương VN (Bút Pháp của Ham Muốn), Trịnh Bá Dĩnh giới thiệu chủ nghĩa Cấu Trúc trong văn học,...còn công chúng vẫn kiên định phương pháp của Chủ Nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa thời kháng chiến.



2.LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở ĐỒNG NAI

Những nhận xét của NQ TW5 và NQ 23 về lý luận phê bình có thể nhận thấy rõ ở Đồng Nai. Đội ngũ viết phê bình và lý luận văn học ở Đồng Nai “chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó.”

Nói cho thật đúng, Đồng Nai không có đội ngũ viết phê bình chuyên nghiệp, vì thế không có những công trình lý luận phê bình thực sự có tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lác đác có những bài giới thiệu tác phẩm trên tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, của các nhà thơ, nhà văn, chủ yếu là phê bình cảm tính theo phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Có thể kể đến Đặng Minh Hân, Phan Nam Sinh, Bùi Quang Tú, Bùi Quang Huy,...Tuy vậy, Hội Văn Nghệ Đồng Nai tổ chức được Hội đồng thẩm định tác phẩm, đánh giá được các tác phẩm trong các trại sáng tác. Chẳng hạn trại sáng tác đề tài học tập gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, trại Tam Nông, trại Nhà Giáo-Nhà trường...

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 5 năm 2007-2012 ghi nhận: “Ban Văn Học có 72 hội viên, trong đó có 8 hội viên Hội Nhà Văn Việt nam. Ban có 38 hội viên thơ, 32 hội viên văn xuôi và 02 hội viên nghiên cứu lý luận phê bình”. Về hoạt động lý luận phê bình, báo cáo đánh giá :”Hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình đã có dấu hiệu tích cực, thể hiện qua một số công trình sách, tác phẩm của các hội viên được công bố, trong đó 02 tác phẩm sách được giải thưởng của Uỷ Ban Toàn Quốc Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam”

Nhìn ở góc độ phê bình, văn chương Đồng Nai không mắc phải những sai lầm như nhận định chung của NQ TW5 về tình hình sáng tác văn học nghệ thuật những năm qua. Không có khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, không đối lập văn nghệ với chính trị. Cũng không có xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém của thị trường, không có văn chương sex hay văn chương suy đồi.

Văn chương Đồng Nai sâu nặng tình quê hương, tình đồng đội, nghĩa tình cách mạng. Các tác giả đều viết với ý thức sâu sắc trách nhiệm công, trách nhiệm nhà văn phục vụ sự nghiệp cách mạng. Tác phẩm giàu tinh thần nhân văn và dân chủ. Mỗi tác giả đều nỗ lực vượt lên chính mình trong sáng tạo nghệ thuật. Xin đọc:

Tuyển tập Theo Sóng Đồng Nai, Nxb Đồng Nai 2000. Tuyển Tập thơ Đồng Nai 30 Năm. Nxb Tổng Hợp Đồng Nai 2005. Trầm Tích Chiến Khu D, Nxb HNV 2006. Nhà thơ Lê Thanh Xuân :Tiếng Ru Đêm- NxbVăn Học 2001 ; Đồng Hành – Nxb. HNV 2001; Hồn Đá- Nxb. HNV. 2007. Trần Ngọc Tuấn, tập Suối Reo. Nxb HNV 2006. Đỗ Minh Dương, tập Với Miền Đất Đỏ.Nxb HNV 2007. Xuân Bảo, Âm Vang Một Dòng Sông, Tôi Đi Nhặt Bụi Vàng, tuỳ bút-thơ. Nxb Hội Nhà Văn-2008. .. Nguyễn Đức Phước, tập thơ Đêm Khát. Nxb HNV 2008. Đàm Chu Văn : Hai Phía Thời Gian. Nxb HNV,2009. Đào Trọng Thử : Trốn, Nxb Hội Nhà Văn 2011. Hoàng Đình Nguyễn, tập thơ Tự Tình. Nxb Hội Nhà Văn 2011. Nguyễn Hoài Nhơn, tập thơ Hồi Quang, Nxb Hội Nhà Văn 2012..;

Đặng Minh Hân,Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận. 2007, Chất anh hùng của người Đồng Nai. Khôi Vũ, Vỡ dần trong mắt (2009), Phù phiếm bên biển, 2010. Đàn ống tre bên kia sông, Nxb Đồng Nai 2013. Lê Đăng Kháng, Người lính hát đơn ca.2007, Sương sớm Nxb Quân đội nhân dân 2011. Trần Thu Hằng , Đàn Đáy, Rừng thiêng vẫy gọi. 2007, Người đàn bà lưu vong 2008. Nguyễn Một, Dòng sông độ lượng, 2007, Đất trời vần vũ, 2009. Hoàng Ngọc Điệp, Chú cún đeo Lục Lạc, 2007. Bùi Quang Tú, Viên phấn và cây viết 2012. Bùi Quang Huy, Huỳnh Văn Nghệ như là giấc mơ, Văn Học Đồng Nai lịch sử & diện mạo. Nxb Đồng Nai 2011, Bùi Công Thuấn, Chút tình tri âm (2009), Những dòng sông vẫn chảy, Nxb Hội Nhà Văn 2011...Nguyễn Quốc Hoàn, Một hình ảnh giàu lòng yêu nước. Trần Thúc Hà, Người đi mở cõi, Người Trầm Lặng, Nxb Quân Đội Nhân Dân 2011. Tấn Hoài, Viên gạch lạ, Hoa Quý Lan...

Bản thân tôi khi biết phê bình (Chút Tình Tri Âm 2009, giải Trịnh Hoài Đức lần III và Những Giòng Sông Vẫn Chảy 2011, Giải VHNT 2011 của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) đều dựa vào Nghị Quyết TW5 và nghị quyết 23 làm chuẩn mực để đánh giá tác phẩm. Cả hai nghị quyết đều đã mở rộng biên độ về phương pháp cho nhà phê bình. Đảng đã định hướng :” “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.”, nhờ thế tôi vận dụng nhiều phương pháp phê bình để tiếp cận tác phẩm. Với tác phẩm viết bằng bút pháp Hiện thực, phương pháp phê bình Tiểu sử và phê bình Marxist có ưu thế khám phá ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Phương pháp Cấu trúc và Giải Cấu trúc, hoặc Phân Tâm Học giúp đi sâu vào ý thức sáng tạo. Thi Pháp và Phong Cách học giúp khám phá cá tính sáng tạo của nhà văn.

Khi đọc các tác phẩm của các tác giả trong Hội VHNT Đồng Nai, tôi chú ý đến “sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng” và trách nhiệm của Các hội văn học, nghệ thuật. Đó là trách nhiệm “làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ”. Bởi Hội Văn Học Nghệ Thuật “ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước...” Tôi nhận thấy có một dòng văn thơ cách mạng Đồng Nai chảy liên tực từ Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, đến các tác giả Đồng Nai hiện nay, phản ánh được nhiều mặt đời sống của nhân dân Đồng Nai, làm giàu đẹp thêm văn hoá Đồng Nai trên con đường công nghiệp hoá.

Nỗ lực sáng tạo để có những tác phẩm tương xứng với tầm vóc sự nghiệp cách mạng của nhân dân Đồng Nai vẫn là trách nhiệm chưa hoàn thành của văn nghệ Đồng Nai. Dù vậy, chúng ta có quyền hy vọng bởi văn nghệ Đồng Nai đã có truyền thống và đang dồi dào tiềm lực.

Tháng 4.2013

________________________________________________
[1] V. Lenin- Tổ chức Đảng và văn học Đảng. NXB Sự Thật Hànội 1957. Tr. 13.
[2] Hà Huy Giáp - Hồ Chủ Tịch với một vài vấn đề văn hoá văn nghệ .Nxb Sự Thật 1978.Tr74
[3] Trường Chinh - Chủ Nghĩa Mác và Văn Hoá Việt Nam. 1948
[4] Nguyễn Minh Tâm- Thi Vân Yên Tử được sao chép từ đâu?
[5] Thông báo của Thường vụ Hội Nhà Văn Việt Nam-http://vanvn.net/news/1/2372-thong-bao-cua-thuong-vu-hoi-nha-van-viet-nam.html
(*) THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 15 NĂM THỰC HIỆN NQTW5 TẠI HỘI VHNT ĐỒNG NAI NGÀY 26.04.2013