album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA GIÁC QUAN-Mattie

Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA GIÁC QUAN- Mattie


Mắt sinh ra để nhìn,
nhưng mắt cũng sinh ra để khóc
khi ta quá buồn và những lúc quá vui.
Tai sinh ra để nghe,
nhưng tim cũng để nghe.
Mũi sinh ra để ngửi thức ăn,
nhưng còn ngửi được gió, cỏ
và nếu ta ráng hết sức mình - cả bướm nữa.
Tay sinh ra để sờ,
nhưng tay cũng sinh ra để ôm
và vuốt ve dịu dàng.
Lưỡi và miệng sinh ra để nếm,
nhưng cũng để nói những từ như
“Yêu mẹ, yêu cha” và
“Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Người đã ban cho!”.
(Mattie 4-1995)

“Mattie” tên thật là Matthew J.T.Stepanek, sinh năm 1990, ở bang Maryland (Mỹ). Gia đình Mattie có nhiều người chết vì bệnh hiểm nghèo. Cậu may mắn được sống, nhưng luôn phải thở bằng ống ô xy (nối qua cổ). Mattie bắt đầu sáng tác thơ và truyện ngắn từ năm 3 tuổi. Cuốn “Khúc hát trái tim” (Heart Songs) phát hành năm 2001 làm Mattie trở thành một thiếu niên nổi tiếng ở nước Mỹ, một “thần đồng” thơ. Năm 2001 cậu là đại sứ thiện chí của bang Maryland. Năm 2002, trở thành Đại sứ thiện chí toàn Liên bang. Mattie thể hiện trí tuệ vượt trội khi mới 7 tuổi đã viết bài thơ: “Cốc nước triết học” mang tư tưởng phương Đông. Mattie mất ngày 22/6/2004 khi chưa tròn 14 tuổi

Bài thơ Ý nghĩa thật sự của giác quan là suy tư cuả Mattie về thân xác. Suy tư và biện luận để tìm ra ý nghĩa chân lý của vấn đề, về giá trị thực của các giác quan cuả con người. Thân xác là căn nguyên của nhiều vấn đề suy tư triết học. Con người tồn tại bằng thân xác, nhưng thân xác chỉ thực sự sống khi các giác quan của nó sống. Triết lý về dục tính và con đường diệt dục của Phật giáo, trước hết tập trung vào ngũ uẩn, tức là thân xác. Diệt dục là tiêu diệt những ham muốn của thân xác do giác quan sinh ra. Với Mattie, mỗi giác quan đều có chức năng vật chất cuả nó, nhưng không chỉ có thế, mà còn có chức năng tinh thần

Mắt sinh ra để nhìn, nhưng mắt cũng sinh ra để khóc
khi ta quá buồn và những lúc quá vui.

Mắt sinh ra để nhìn, đó là chức năng vật lý. Nhưng mắt còn biết khóc khi ta quá buồn và quá vui. Vì thế Mắt là cưả sổ cuả tâm hồn, bộc lộ những cảm xúc (khóc, cười ) những tâm trạng ( buồn, vui). Mắt có ngôn ngữ kiểu “vô ngôn”. Chỉ một ánh nhìn, ta có thể hiểu người đối diện đang nghĩ gì, đang có tâm trạng gì. Đôi mắt vô cảm là đôi mắt của một tâm hồn chết. Khi mắt đã không còn biết khóc, biết cười, thì đôi mắt ấy hoang dã biết bao.

Tai sinh ra để nghe, nhưng tim cũng để nghe.

Tai sinh ra để nghe, đó là chức năng vật lý. Tai nghe được những sóng âm thanh có tần số trung bình ( sóng vật lý). Nhưng tai không thể nghe tiếng nói tâm hồn. Chỉ có Tim mới nghe được tiếng nói từ trái tim. Đây là một khám phái mới lạ của Mattie, bởi xưa nay tim biết đập, tim là sự sống, tim bộc lộ xúc động. Mattie khám phá ra tim còn có một chức năng khác nữa là biết nghe tiếng nói tâm hồn, điều mà tai (vật lý) không thể nhận ra. Thực ra người ta có thể nghe tiếng nói từ trái tim, và rất cần nghe tiếng nói chân thành ấy, khác với tiếng nói nghe bằng tai, đa phần là giả dối.

Mũi sinh ra để ngửi thức ăn, nhưng còn ngửi được gió, cỏ
và nếu ta ráng hết sức mình - cả bướm nữa.

Mũi sinh ra để ngửi thức ăn, đó hoàn toàn là chức năng khứu giác, giúp ta cảm nhận những mùi của sự vật bởi vì mùi cũng có cấu trúc hoá chất. Nhờ mũi con người nhận ra hương thơm của thức ăn, của hoa trái, nhận ra hương vị của thế giới vật chất xung quang, kể cải thế giới của sự chết phân rã hôi thối. Nhưng con người còn có thể ngửi được những cái vô hình , như gió, như sắc màu cuả bướm. Mattie nhấn mạnh đến khả năng cảm nhận những cái vô hình của giác quan con người.

Tay sinh ra để sờ, nhưng tay cũng sinh ra để ôm và vuốt ve dịu dàng.

Tay sinh ra để sờ, để tìm biết nhận thức sự vật (xúc giác). Nhưng tay cũng sinh ra để ôm và vuốt ve dịu dàng. Tay hành động vì người khác, đem đến hạnh phúc cho người khác. Tay thể hiện tình yêu thương, sự chăm sóc, giữ gìn, nâng niu với tha nhân. Mattie đặc biệt chú ý đến những giá trị tinh thần mà xúc giác đem lại, và cần đem lại cho tha nhân

Lưỡi và miệng sinh ra để nếm, nhưng cũng để nói những từ như “Yêu mẹ, yêu cha” và
“Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Người đã ban cho!”.

Lưỡi và miệng sinh ra để nếm (vị giác ), lưỡi giúp ta nhận ra vị cuả sự vật, thưởng thức món ngon. Nhưng lưỡi cũng là bộ máy phát ngôn. Miệng lưỡi con người đã nói đủ điều xấu xa. Mattie đặc biệt nhấn mạnh vào giá trị tinh thần của ngôn ngữ, của hành vi ngôn ngữ. Con người cần dùng lưỡi để nói những lời yêu thương, lời cảm tạ Thiên Chuá, không phải dùng miệng lưỡi để giết người.

Matiie đã liệt kê chức năng của các giác quan con người, và từ chức năng vật lý của giác quan. Mattie đề xuất những thái độ, những cách sống, những cách ứng xử của con người thông qua giác quan. Mattie không nói đến việc con người dùng giác quan để hưởng thụ, không khai thác cái khoái cảm nhục thể do giác quan đem lại, mà chú ý đến việc sử dụng giác quan hướng về tha nhân, hướng ra bên ngoài cái tôi. Mattie đã nâng giác quan vật chất lên những giá trị tinh thần, hướng thiện, hướng lên trên.

Cần chú ý đến cấu trúc tương phản cuả lập luận, và kiểu ngôn ngữ suy nghiệm bằng hình ảnh. Câu thơ có nghĩa tường minh như nó tự nhiên là vậy, thật dễ hiểu. Nhưng thực ra, “ý ở ngoài lời” của câu thơ mới là điều Mattie muốn chia sẻ với người đọc. Chất “thơ” chính là vẻ đẹp của tư tưởng tình cảm nằm ở ngoài lời rung lên trong tâm tưởng bạn đọc. Mỗi câu thơ đều có hai vế, tương phản với nhau bằng từ “ nhưng”. Cấu trúc trùng điệp này giúp người đọc hiểu rằng Mattie nhấn mạnh đến vế đứng sau. Vì vế đứng sau có ý nghiã quan trọng hơn vế đứng trước. Những chức năng vật chất cuả giác quan thì quan trong vì nó giúp ta nhận thức thế giới vật chất, nhưng chức năng nhận thức tinh thần (vế đứng sau) còn quan trọng hơn bởi nó biểu đạt tâm hồn, biểu đạt chất nhân văn, hơn hẳn tính bản năng sinh vật.

Tay sinh ra để sờ, nhưng tay cũng sinh ra để ôm và vuốt ve dịu dàng.

Con người cần phải biết bày tỏ buồn vui tâm hồn, biết lắng nghe bằng con tim mình tiếng kêu thương cuả đồng loại, phải biết cảm nhận cả những hương thơm thanh sắc vô hình, phải biết đón nhận an ủi chăm sóc nâng niu những yêu thương, và nhất là phải biết cảm tạ ơn Chuá, vì tất cả những gì chúng ta có là do Chuá ban cho. Hành trình tư tưởng của Mattie là hành trình khám phá thân xác con người từ bản năng giác quan, đến sự khám phá ra điều được mạc khải là nhận biết về Thiên Chúa, đấng sáng tạo nên thân xác và ban cho thân xác những giác quan, để vừa nhận biết, vừa cảm thụ, và biết thăng hoa trở về với Thiên Chúa.

Tư tưởng ấy khác hẳn với chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc vô luân, chủ nghĩa thế tục hôm nay. Con người chỉ tìm kiếm những thoả mãn giác quan xác thịt, mắt tìm cái tươi mát, tai nghe những lời dịu êm, mũi, lưỡi tìm ăn những món ngon vật lạ, tay tìm kiếm những vuốt ve khoái lạc. Nó vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân, trái tim không biết nghe lời chia sẻ. Cánh tay không biết ôm giữ bảo vệ sự sống, miệng lưỡi không biết nói lời yêu thương an ủi. Nói cách khác, con người hoàn toàn sống bản năng tìm sự thoả mãn những lạc thú vật chất, lấy hưởng thụ vật chất làm cứu cánh cuộc đời, vì thế nó ngày càng tha hoá, tội lỗi ngày càng phủ lấp nhân loại.

Mattie đã thức tỉnh con người về những giá trị thật sự cuả giác quan, của thân xác. Giá trị ấy là, bằng giác quan, con người phải vượt lên trên bản năng mà vươn tới yêu thương, phải vươn tới Thiên Chuá.

Bùi Công Thuấn

NHỮNG CỬA CHỚP-L.Aragon

Những cửa chớp- L.Aragon


"Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp?"



1.Emai của một bạn đọc:
Theo kiến trúc Phương Tây, cửa sổ có hai lớp : “ Kính” và “ Chớp” . Cửa chớp gồm nhiều thanh xếp nghiêng để che ánh sáng nhưng thông gió. Nhìn qua cửa chớp ta không thấy bên ngoài song không khí vẫn lưu thông. Hẳn là ngồi trong nhà sẽ không thể chết ngạt vì thiếu khí nhưng cũng không biết ngoài kia điều gì đang xẩy ra với trời đất , với con người . Hẳn là người trong trạng huống ấy cảm nhận được sự tù túng , bức bách đến nhường nào !
Bài thơ “ Những cửa chớp” của Aragon gồm sáu dòng với mười tám từ cửa chớp. Thế thôi ! Mới đọc thấy nhàm. đọc nhiều lần thấy có lý ! Đọc thêm nữa thì cái cảm giác “ Tức anh ách” xuất hiện như một người bị cầm tù, bị bịt mắt, bị cô lập với mọi thứ ! Thật tuyệt vời, một bài thơ chưa từng thấy về sự độc đáo !
2. Louis Aragon (1897–1982) là nhà sử học, nhà thơ và nhà văn người Pháp nổi tiếng thế giới, từng là một thành viên của viện Goncourt. Ông sinh và mất ở Paris. Ông cũng là người chiến sĩ dâng hiến trái tim chân thành cho tự do, hòa bình của nhân loại. Ông từng nhập ngũ trong thế chiến I và thế chiến II. 1927 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Hành trình nghệ thuật của ông khởi đi từ “chủ nghĩa đa đa”, “chủ nghĩa siêu thực”, chuyển sang “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”và tìm kiếm những cách viết khác. Ông mất ngày 24-12-1982 tại Paris.
Ông có một “Vườn thơ Elsa” ngợi ca lý tưởng, Tổ quốc và nhân dân. Thơ Aragon không có các loại dấu chấm câu, và cách ngắt dòng rất linh hoạt, tự do, không theo khuôn phép nào cả. Ông muốn xóa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi, thích viết dài để bộc lộ hết xúc cảm trào tuôn
(http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=503)

3. Bài thơ Những Cửa Chớp được L.Aragon viết bằng bút pháp gì?

Bài thơ chỉ có một chữ “cửa chớp”, được lặp lại và xếp thành 6 hàng ngang, mỗi hàng có số chữ khác nhau, điều này buộc người đọc phải chú ý đến cấu trúc của bài thơ.

“Cửa chớp” là một danh từ, gọi tên một sự vật, bên cạnh từ cửa chớp không có một tính từ miêu tả nào. Chữ cửa chớp cũng không được đặt trong một câu có cấu trúc ngữ pháp cố định để giúp người đọc định vị sự vật đang vận động thế nào, ở đâu. Nói các khác, “bài thơ” không tả cửa chớp, cũng không cho biết cửa chớp ở đâu và được dùng làm gì, không biết tác giả nói đến cửa chớp trong không gian thời gian nào, và tác giả đứng ở vị trí nào để quan sát hay tưởng nghĩ hình dung ra. Bản thân chữ “cửa chớp” không chứa đựng bất cứ hàm nghĩa nào, ngoài nghĩa tường minh, nghĩa thông tin sự vật : chữ “cửa chớp” là tiếng gọi tên sự vật, là một loại cửa sổ, khác với cửa ra vào, cửa buồng, cửa chính. Sau chữ cửa chớp ở hàng dưới cùng, có một dấu hỏi, có thể có nghĩa là, sau khi quan sát rất nhiều cửa chớp, tác giả hỏi, không biết đâu là cửa chớp tác giả muốn tìm trong những cửa chớp ấy (?)

Và vì thế, không thể xác định “bút pháp” của bài thơ. Chắc chắn đây không phải là bài thơ Siêu Thực với những hình ảnh hoang tưởng phi logic, không phải chủ nghĩa Lập Thể phá vỡ cấu trúc sự vật, cũng không là chủ nghĩa Lãng Mạn với cái tôi cá nhân và tình cảm chảy tràn. Cũng không là chủ nghĩa Hiện Thực, miêu tả cái điển hình trong hoàn cảnh điển hình, càng không là chủ nghĩa Hiện Thực XHCN, miêu tả hiện thực cách mạng kết hợp với lãng mạn cách mạng. Aragon đã đi xa hơn những kiểu bút pháp ấy, ông đặt người đọc đối diện với một vật thể duy nhất là cửa chớp và buộc người đọc phải tư duy về chính cái “cửa chớp” hiện diện siêu hình, vô cảm trước mặt.

Người đọc nhìn thẳng vào những cái cửa chớp mà khám phá và suy tư, bài thơ trở thành một tác phẩm thị giác, tức là đọc bằng mắt (tất nhiên bài thơ nào chẳng đọc bằng mắt), như kiểu xem một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc...căn cứ vào các mối quan hệ của cấu trúc, ta có thể lần ra toàn thể cấu trúc. Cửa chớp là cửa số, tức là cửa gắn trên tường của một toà nhà. Một căn nhà thường có nhiều cửa số (có thể thuộc loại cửa chớp, hay cửa đóng bằng cánh). Cửa mở ra để lấy ánh sáng và không khí, và có thể hắt ánh sáng từ trong nhà ra khi các cửa chính đã đóng kín. Nhìn vào cấu trúc bài thơ, ta hình dung ra, có một toà nhà (không nhìn thấy trước mắt ta), có lẽ bị bóng đêm che lấp.

“Bài thơ” có 6 hàng cửa chớp, tức là toà nhà có 6 tầng. Mỗi hàng có nhiều cửa chớp, tức là có nhiều phòng. Mỗi phòng có một cửa, hoặc hai cửa, không thể một phòng có 3 hoặc 4 cửa sổ. Như vậy cấu trúc bài thơ là một “tứ” : trước mặt người đọc là một toà nhà nhiều tầng, có nhiều phòng, nhiều cửa chớp. Thời gian là ban đêm, căn nhà hoàn toàn chìm trong bóng tối, chỉ nhìn thấy cửa chớp nhờ ánh sáng hắt ra. Có dãy còn sáng đủ các phòng (nhiều cửa chớp), có dãy chỉ còn một phòng sáng (hàng cuối, một chữ cửa chớp). Điều này giải thích tại sao số chữ “cửa chớp” trong mỗi dòng khác nhau. Và ta hình dung ra, có một người đứng trong bóng tối nhìn lên căn nhà, miệng đếm số cửa chớp từ trên cao xuống. Tầng dưới cùng chỉ còn một phòng sáng đèn, những phòng khác đã tắt đèn.

4. Ý nghĩa “bài thơ” là gì ?

Tôi dùng chữ “bài thơ” trong ngoặc kép bởi vì so với thơ truyền thống, bài này hoàn toàn khác về thi pháp. Thơ truyền thống có bố cục, có cấu trúc, sự vật được đặt trong thời gian, không gian nhất định, có câu chuyện được kể, có nhân vật sự vật được miêu tả. Nhân vật có tâm trạng, có vấn đề,...về hình thức, thơ truyền thống có nhạc, có vần, có tứ thơ. Bài Những cửa chớp hoàn toàn không có yếu tố “thơ” truyền thống nào, ngoài cách viết thành nhiều dòng. Nó giống như trò chơi xếp chữ, trò chơi đố chữ, mặc cho người đọc ra sức đoán nghĩa. Tác giả không bắt người đọc phải nghĩ theo tác giả, mà nghĩa bài thơ tuỳ thuộc vào cách đọc và những gì người đọc có thể tưởng tượng, liên tưởng ra.

Tất nhiên đọc thơ, đầu tiên, người đọc phải tái hiện hình ảnh, khám phá hình tượng, khám phá tứ thơ. Mọi điều tác giả muốn nói đều được gói ẩn mật bên trong tứ thơ. Vậy tứ thơ –hình tượng thẩm mỹ tư tưởng (nếu có) của bài này là gì? Có chăng do liên tưởng, đó là một toà nhà trong đêm, bóng đêm che khuất tất cả, chỉ còn thấy những hàng cửa chớp (do ánh sáng từ trong hắt ra), nhìn từ trên xuống, tầng trệt chỉ có một phòng còn sáng. Tác giả đứng nhìn toà nhà ấy, chỉ chú ý vào các cửa chớp, nhìn từ trên xuống, có ý tìm kiếm, không biết là cửa chớp nào. Người đọc cũng không rõ tác giả là ai, tìm ai hay tìm cái gì trên các phòng có cửa chớp, còn sáng, hay tìm phòng mà cửa chớp đã tắt đèn, không biết là phòng nào (cửa chớp ?). Bạn đọc ở trên cho rằng bài thơ tạo ra cảm giác ” Tức anh ách” xuất hiện như một người bị cầm tù, bị bịt mắt, bị cô lập với mọi thứ ! “Tôi không nghĩ như vậy, vì nếu bạn chỉ ngồi trong một phòng nhìn ra, bạn chỉ thấy nhiều nhất là hai cửa sổ (loại cửa chớ) sao thấy được 6 tầng cửa chớp với 18 cửa chớp như cấu trúc của bài thơ. Cấu trúc bài thơ chỉ ra rằng, người đọc chỉ có thể đứng ngoài toà nhà, đứng dưới nhìn lên, và vì thế không hề có cảm giác “bị cầm tù” mà “tức anh ách”
Vì không có nhân vật trữ tình (chủ thể của hành động thơ), cũng không có một hình tượng thẩm mỹ-tư tưởng (hình ảnh chứa đựng cái đẹp, chứa đựng tư tưởng tình cảm), không có cấu trúc (không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật) nên bài thơ hoàn toàn không có nghĩa tự thân. Nghĩa nếu có là nghĩa do người đọc cảm nhận từ cấu trúc hình ảnh của “bài thơ”. Là như thế này. Một người bàng quan qua đường ban đêm có thể sẽ chẳng quan tâm gì đến toà nhà với những cửa chớp như thế, vì nó không liên can gì với anh ta. Nhưng nếu là chàng Roméo đứng nhìn lên, chàng sẽ rất mong nàng Juliette ở một khung cửa sổ nào đó. Một người vô gia cư nhìn lên, chắc sẽ ao ước có được một căn phòng có cửa chớp ấy. Và nếu là một ông già, phải lên đến tầng 6, trong tình trạng đau khớp, nhìn những khung cửa chớp ấy sẽ rất ngán ngẩm. Và bạn, người đọc, có thể nghĩ ra bất cứ điều gì tuỳ theo tâm trạng của bạn khi đứng trước những khung cửa chớp trong đêm. Đêm nay nghĩ thế này, đêm mai nghĩ khác, không có một nghĩa cố định.

5. Giá trị của bài thơ này là gì?

Bài thơ không có nội dung nên không có giá trị nội dung. Giá trị hình thức nếu có, thì đó là sự thử nghiệm một kiểu tư duy nghệ thuật, một kiểu sáng tác mới lạ, khác hẳng với tư duy nghệ thuật và thi pháp truyền thống (như đã trình bày ở trên). Tiếp cận lần đầu với “bài thơ”, người đọc thấy lạ, vì bài thơ chỉ có một chữ, lạ ở chỗ không hiểu bài thơ nói gì, vì xưa nay tác giả luôn gửi thông điệp trong tác phẩm, luôn đặt vấn đề thông qua nội dung tác phẩm. Lạ ở chỗ không sao đọc được bài thơ như đã quen đọc kiểu bài thơ có cấu trúc, có nội dung, có sự việc, con người trong không gian thời gian nhất định, thơ là tiếng nói tâm trạng, thơ là hình là nhạc, là vần, là tứ. Bài thơ này không đọc theo cách đọc thơ truyền thống như thế. Tác giả trình bày một kiểu tư duy thẩm mỹ mới, một kiểu tác phẩm mới. Nghệ thuật không phải là sự sáng tạo cái đẹp, thơ không phải thơ, đọc thơ không phải đọc bằng trái tim, mà đọc bằng thị giác vô cảm (như một camera của robot). Điều này sẽ làm khó chịu tất cả những ai đã quen với quan điểm nghệ thuật truyền thống. Và vì thế, bài thơ sẽ bị bỏ qua, không đọng lại gì, nó chỉ là chứng tích một thứ trò chơi ngôn ngữ, vậy thôi., dù rằng trò chơi có dụng công. Không sao cả, thưởng thức nghệ thuật là quyền tự do của mỗi người. Và nếu đã gán cho nghệ thuật những chức năng cao cả, những sứ mệnh lịch sử, thì cũng có thể nhận ra nghệ thuật chẳng là gì cả, trò chơi ngôn ngữ, thế thôi.

Tháng 3.2013

ĐÀN GHITA CỦA LORCA- Thanh Thảo

ĐÀN GUITAR CỦA LORCA
Bui Công Thuấn








1.Federico García Lorca (5 /6 /1898 – 19 /8 /1936) – nhà thơ, nhà soạn kịch lớn nhất của Tây Ban Nha thế kỉ XX. Ông sinh ở thị trấn Fuente Vaqueros, tỉnh Granada, học và hoạt động nghệ thuật ở thủ đô Madrid. Tháng 8/1936, ông bị bọn dân vệ của Franco chặn bắt rồi xử bắn mà không xét xử. Cái chết của ông vẫn còn nhiều bí ẩn. Lúc sinh thời, ông nói với mọi người ước nguyện của mình

Khi tôi chết,
Hãy chôn tôi với cây đàn ghita
Dưới cát

Khi tôi chết,
Giữa hàng cam
Và cây bạc hà

Khi tôi chết,
Hãy chôn tôi, nếu các anh em mong muốn
Trong chiếc chong chóng
.
Khi tôi chết,
(Lorca Ghi Nhớ (Memento) -Trích trong tập Thơ Federico Garcia Lorca-Đan Tâm dịch)

Đàn Guitar của Lorca là bài thơ của Thanh Thảo được chọn dạy trong chương trình lớp 12. Hệ thống hình ảnh Siêu thực của bài thơ gây khó cho thầy cô và học sinh. Bởi học sinh đã quen học với các tác phẩm viết theo bút pháp Hiện Thực. Việc giải mã bài thơ vẫn còn trong quá trình tìm kiếm những ý nghĩa có thể chấp nhận được, song để nói cho mạch lạc, thuyết phục về bài thơ, còn cần sự đóng góp ý kiến của nhiều bạn đọc.

ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA
(Thanh Thảo)

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn
Ph.G.Lor-ca

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la-li-la-li-la...

Lorca nói với mọi người,”Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.Tất nhiên là bọn dân vệ Franco chẳng chôn cây đàn nào theo Lorca, chúng vùi xác ông trong mộ huyệt mà chúng bắt ông đào trước đó. Thanh Thảo dẫn lời Lorca để đặt nhan đề cho bài thơ của mình là Đàn Ghita của Lorca, nhưng trong suốt bài thơ, Thanh Thảo chỉ khai thác tiếng đàn ghita. Li-la- li-la –Li-la / tiếng ghi ta nâu/ tiêng ghita lá xanh/; tiếng ghita ròng ròng...Độ vênh thông tin này tạo ra ẩn nghĩa gì?
Đàn ghita mà Lorca đòi được chôn theo không phải là cây đàn Tây Ban Cầm 6 giây, mà chính là nghệ thuật của TBN. Ở Tây Ban Nha, đàn ghita, điệu nhảy Flamenco, và đầu bò tót là những môn nghệ thuật và thể thao mang đặc trưng TBN. Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết :” thơ Lorca nổi bật lên xu hướng trở về khai thác dân ca, tìm lại những truyện thơ trữ tình và lịch sử còn lưu truyền trên miệng người dân quê tỉnh lẻ. Thế hệ thơ anh đã tìm thấy ở anh người mang sứ mệnh đẹp đẽ: Tìm lại tâm hồn Tây Ban Nha đang có nguy cơ bị quên lãng, nối kết cái truyền thống với cái thời đại.”(nguồn: http://hoangphongtuan.wordpress.com)

Như vậy, Thanh Thảo nói về Đàn Ghita của Lorca là nói về Lorca, trong mối quan hệ với dân tộc và thời đại của ông. Bài thơ Ghi Nhớ của Lorca nói rõ, ông muốn được an nghỉ trong thiên nhiên hiền hoà TBN (trong cát, cây cam, cây bạc hà,) cùng với nghệ thuật TBN (đàn ghita).

Đặc điểm ngôn ngữ đầu tiên của bài thơ là việc khai thác chất liệu tiếng đàn. Có khi là âm thanh trực tiếp li-la-li-a-li-la (câu 3 và câu kết), khi được hình tượng hoá : Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan (câu 16). Nhìn theo cấu trúc bài thơ, “tiếng ghita” trở thành bè nền cho cả bài thơ, và không nhất thiết phải mang nghĩa tường minh. Trên bè nền ấy, thời đại và hình ảnh Lorca hiện ra. Các câu thơ không được viết hoa ở đầu câu khiến bài thơ như một bản văn xuôi viết xuống dòng, điều ấy lưu ý người đọc khi tiếp cận với bài thơ là tiếp cận với một văn bản tự sự. Thanh Thảo kể câu chuyện về Lorca và qua đó bày tỏ cảm nghĩ bằng một hệ thống hình ảnh Tượng Trưng và Siêu Thực.(2)

2.Lorca lúc sinh thời

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Câu thơ không có chủ ngữ, hình tượng nhân vật trở nên không thể xác định, không thể nắm bắt, nhờ đó thơ trở nên đa nghiã, ý nghĩa để mở. Cấu trúc logic của khổ thơ bị phá vỡ, khiến cho việc đọc thơ bằng logic lý trí trở nên không thể. Trái lại cần cảm nhận theo trực giác, và giải mã hệ thống hình ảnh, bởi nghĩa của văn bản nằm trong cấu trúc khổ thơ.

Như đã phân tích ở trên, ta không bận tâm đến những câu viết về tiếng đàn. Tiếng đàn ở câu 1 và câu 3 chỉ làm nền, và có nhiệm vụ phá vỡ cấu trúc logic của khổ thơ. Ta quan tâm đến những hình ảnh tượng trưng khác.

áo choàng đỏ là hình ảnh đặc trưng trong những trường đấu bò tót. Người thi đấu dùng áo choàng đỏ để dẫn dụ con bò. Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt không còn là một cuộc đấu bò tót nữa mà có sự chuyển nghĩa. Nước TBN đang trong những cuộc đấu tranh quyết liệt, máu lửa (đỏ gắt). Tiếng đàn li-la-li-la-li-la như thôi thúc. Xin chú ý, âm thanh li-la-li-la-li-la được viết nối liền.

Trên nền của bối cảnh xã hội TBN như vậy, hình ảnh Lorca hiện lên :” đi lang thang về miền đơn độc”. Đó là hành trình nghệ thuật và hành trình chiến đấu của Lorca. Trong cuộc cách tân nghệ thuật mà ông khởi xướng, ông đã đi một mình. “đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng”. “vầng trăng”gợi ra cái đẹp, đó là là nghệ thuật. “Chếnh choáng” là trạng thái say. “Vần trăng chếnh choáng” là trạng thái say mê nghệ thuật, nhưng Lorca đơn độc. Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết, Lorca đưa ra ý niệm duende : ” Còn duende, đó là cái phải đánh thức từ trong tận cùng sâu thẳm của máu ta, nó đốt cháy máu ta, nó "vứt bỏ thứ hình học êm đềm ta học được, nó đập vỡ các bút pháp", nó là "quyền lực chứ không phải cấu trúc, cuộc chiến đấu chứ không phải tư duy", nó là cái mà Goethe đã nói đến: "Quyền lực bí mật mà mọi người đều cảm thấy nhưng không triết gia nào giải thích được", nó là "tinh thần của đất". Và Lorca cho rằng nghệ thuật của Tây Ban Nha là nghệ thuật của duende”(đd)

“Trên yên ngựa” có thể là khách lữ hành, cũng có thể là người chiến sĩ. “Yên ngựa mỏi mòn” là người ngồi trên yên ngựa đã lâu, người đã mỏi, yên đã mòn. Có lẽ để chỉ cuộc chiến đấu lâu dài của Lorca. Lorca là người chiến sĩ đấu tranh cho tự do, bị lực lượng cánh hữu coi là kẻ thù, “bởi vì ngòi bút của Lorca đã gây ra nhiều thiệt hại hơn những người khác dùng súng”. Lorca chưa thấy cái kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh chống phát xít Franco, nhưng ông đã trở thành nạn nhân của chúng. Ông Bị bọn tướng lĩnh phản bội nền Cộng hoà bắt giữ ngày 17-8-1936, thi thể anh được tìm thấy trong đống xác 15.000 người bị bắn ngày 19-8 trên miệng một vực sâu ở ngoại vi thành phố. Granada (Hoàng Hưng-đd)

Khổ thơ chỉ vẽ ra mơ hồ, thấp thoáng hình ảnh Lorca, với cảm giác ngậm ngùi, không gian trước mặt như vô vọng. Lorca đi lang thang về miền đơn độc. Hình ảnh thơ hoàn toàn phi hiện thực, bởi không có bất cứ một chi tiết nào của đời sống hiện thực của Lorca được ghi lại, ngoài hình ảnh tượng trưng:” Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”. Sinh thời, Lorca đã hoạt động rất tích cực. Lorca lên thủ đô Madrid học Đại học và làm quen với Gregorio Martínez Sierra, và viết vở kịch đầu tiên El maleficio de la mariposa (Yêu thuật của bướm) và dựng vở kịch này. Năm 1929 Lorca sang New York, ông viết tập thơ Poeta en Nueva York (Nhà thơ ở New York, 1931) và hai vở kịch El público (Công chúng, 1931) và Así que pasen cinco años (Khi nào hết 5 năm, 1931). Lorca quay trở lại Tây Ban Nha khi nước này bắt đầu thiết lập chính thể cộng hoà. Năm 1931 được mời làm giám đốc nhà hát sinh viên La Barraca. Thời kỳ này ông viết nhiều vở kịch nổi tiếng như: Bodas de sangre (Đám cưới máu); Yerma (Yerma); La casa de Bernarda Alba (Ngôi nhà của Bernarda Alba)...

Hình ảnh Lorca đi lang thang về miền đơn độc là cách cảm nhận riêng của Thanh Thảo (Ấy là chúng ta đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực)

3.Hình ảnh cái chết của Lorca

Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choáng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du

Cấu trúc đoạn thơ vẫn được sắp xếp để phá vỡ tính logic của nhân thức. Nếu đọc theo thứ tự từ trên xuống, câu thơ sẽ là : “Tây Ban Nha/ hát nghêu ngao/ bỗng kinh hoàng”. TBN là nước TBN, không thể hát nghêu ngao. Phải là ai đó hát nghêu ngao. Và đang hát nghêu ngao, thì không thể bỗng kinh hoàng. Khổ thơ có thể sắp xếp lại thế này

Tây Ban Nha
bỗng kinh hoàng
Lorca bị điệu về bãi bắn
áo choàng bê bết đỏ
(Chàng vừa đi vừa ) hát nghêu ngao
(Chàng đi ) như người mộng du

Nhưng nếu sắp xếp lại như trên, đoạn thơ chỉ còn là một đoạn kể chuyện theo logic nhận thức, một mẩu tin, với chỉ một nghĩa tường minh. Đoạn sắp xếp lại không còn gây được ấn tượng, mất tính đa nghĩa, và không còn là thơ.

Thanh Thảo muốn nhấn mạnh đến thái độ kinh hoàng của nước TBN trước cái chết dữ dội của Lorca do bọn dân vệ Franco gây ra. Áo choàng đỏ gắt là hình ảnh người chiến đấu. Áo choáng bê bết đỏ, hình ảnh Lorca bị bắn. Thái độ cuả Lorca là không bận tâm đến cái chết. Vẫn là người nghệ sĩ, người đã viết những dòng Ghi Nhớ. Chàng vẫn hát nghêu ngao và đi như người mộng du.

Ở đoạn thơ này, Thanh Thảo đã tưởng tượng ra cảnh Lorca bị xử bắn theo cảm quan Siêu thực của mình.Theo Gibson, có những chỉ dấu rằng, trước khi ra lệnh hành quyết Lorca, Valdés đã hội ý với General Queipo de Llano, lãnh đạo tối cao của lực lượng nổi dậy ở Andalusia. Lorca được đưa tới ngôi làng của Víznar cùng với những nạn nhân khác. Sau một đêm ở đó trong một nhà tù tạm bợ, Lorca được chở bằng xe tải xuống con đường dẫn vào làng kế cận. Ông bị bắn ở đó, trước lúc mặt trời mọc, và được chôn bên cạnh một cây olive. Cái chết của Lorca là một trong hàng ngàn cuộc hành quyết ở Granada trong những ngày ngay trước cuộc Chiến Tranh Dân Sự”

Đoạn tường thuật của Gibson và đoạn thơ của Thanh Thảo viết về cái chết của Lorca có sự khác biệt gì? Bản tin của Gibson thoả mãn trí hiểu của người đọc về những uẩn khúc quanh cái chết của Lorca, không mang cảm xúc nghệ thuật nào. Trái lại Thanh Thảo đã vẽ ra một Lorca cụ thể. TBN bỗng kinh hoàng về cái chết dữ dội của Lorca, nhưng Lorca vẫn bình thản. Sự tương phản ấy tạo ra ấn tượng tư tưởng và nghệ thuật. Thanh Thảo ca ngợi Lorca như một hình tượng anh hùng.

Tây Ban Nha
bỗng kinh hoàng
áo choáng bê bết đỏ

4.Sau cái chết cuả Lorca

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gài ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

Khổ thơ gây được ấn tượng mạnh cả về ý nghĩa tư tưởng và nghệ thuật bởi tiếng ghita được hình tượng hoá. Tiếng ghi ta nâu / tiếng ghi ta lá xanh / tiếng ghi ta tròn / tiếng ghi ta ròng ròng. Người đọc không chỉ nghe thấy âm thanh vật lý của tiếng ghita, mà còn nhìn thấy hình ảnh, màu sắc và tính chất của tiếng ghi ta. Rất lạ so với tiếng đàn thực, và so với những cách miêu tả tiếng đàn từ xưa tới nay (Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, tiếng đàn của Thuý Kiều được Nguyễn Du tả trong Đoạn Trường Tân Thanh)

Nếu cứ bám vào văn bản mà giải nhiã, người đọc sẽ bế tắc. Thí dụ, tiếng ghi ta nâu nghĩa là gì? Nhìn sâu vào cấu trúc văn bản, đặt các chữ “tiêng ghi ta” tách hẳn ra, như một bè nền (tức là không cần giải nghĩa), những chữ còn lại sẽ mang ý nghĩa thực

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy

Câu này sẽ trở thành “Tiếng ghi ta- Bầu trời cô gái ấy (màu) nâu”. Cụm từ “bầu trời màu nâu” có thể giải thích. Sau cái chết của Lorca, bầu trời nơi cô gái người yêu Lorca bao trùm bởi màu nâu, tức là màu buồn ảm đạm. Nói các khác, nỗi buồn ảm đạm bao trùm cả bầu trời tâm hồn cô gái người yêu của Lorca. Theo cách giải mã ấy ta có thể đọc nghĩa khổ thơ. Thanh Thảo nói về bầu khí xã hội TBN sau cái chết của Lorca. Cuộc sống vẫn sinh sôi, phải chăng sự hy sinh của Lorca làm cho cuộc sống trở nên mạnh mẽ hơn (“lá xanh biết mấy”), nhưng có một sự mất mát không cứu vãn được (Cái gì vỡ còn có thể hàn gắn, “bọt nước vỡ tan” chỉ còn lại hư không), cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục, vẫn quyết liệt máu lửa (“ròng ròng”/ “máu chảy”)

Cảm nhận như thế, Thanh Thảo đã miêu tả được tầm vóc và ảnh hưởng của Lorca đối với thời đại của ông. Hình tượng Lorca lớn lên thêm một bước so với trước đó. Ở một góc nhìn khác,
Thanh Thảo cảm nhận

Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng

Thanh Thảo dùng chữ : Không ai chôn cất tiếng đàn/ Tiếng đàn như cỏ mọc hoang, không phải là “không ai chôn cất cây đàn ghita của Lorca”. Đó là sự phân biệt rất tế nhị. Có thể đó là tiếng kêu gọi cách tân nghệ thuật của Lorca “tìm lại tâm hồn Tây Ban Nha đang có nguy cơ bị quên lãng”, có thể là tiếng kêu thươngcủa Lorca về thân phận con người. Xin đọc bài Lorca viết về Ghita, đó không còn là tiếng đàn , mà là tiếng khóc.

Đàn Guitar

Tiếng than khóc của đàn
bắt đầu.
Những ly thuỷ tinh bình minh
bị tan vỡ.
Tiếng than khóc của đàn
bắt đầu.
Hãm thanh vô ích.
Không thể nào
tắt được.
Đàn khóc, đều đều
như nước khóc, như gió khóc trên tuyết rơi.
Không thể nào
tắt được.
Đàn khóc cho những gì
đã xa khuất.
Cát của phương Nam ấm áp
nguyện cầu cho trà mi trắng.
Đàn khóc, như một mũi tên
không có mục tiêu,
(như) hoàng hôn khôngcó bình minh,
loài quyện điểu đầu tiên chết
trên cành.
Đàn ơi!
Xé tim
bằng năm lưỡi gươm.
(Lorca)

Dù hiểu cách nào, người đọc đều có thể nhận ra sự chia sẻ của Thanh Thảo với Lorca về những suy tư và ước vọng Lorca muốn làm cho dân tộc mình, và xa hơn Lorca suy tư về những vấn đề sâu xa của nhân loại. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét về thơ Lorca :”Từ cuộc tranh chấp vĩnh hằng không thể hoà giải giữa sự sống - cái chết, những khao khát không bao giờ thoả mãn, những cái đích không bao giờ đạt được... sự bất lực của phận người sinh ra nỗi buồn chất chứa thơ anh, nỗi buồn có trăm biến dạng: Thất vọng, ưu phiền, xa vắng, đắm chìm, cô tịch...”

Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Tiếng nói ấy, tiếng thơ ấy, sau khi Lorca chết đã không có người kết thừa. Hình ảnh so sánh “như cỏ mọc hoang” diễn tả được nỗi buồn trước sự hoang phế của những “cái đích không bao giờ đạt được” của Lorca. Tình cảm của Thanh Thảo dành cho Lorca đọng lại ở tứ thơ này

Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng
Đây là môt tứ thơ hay khi cảm nhận bằng trực giác, nhưng ý nghĩa cụ thể thế nào thì không dễ trình bày tường minh. Xin nghe một đoạn Thanh Thảo trao đổi với độc giả:

Hỏi : Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm: "tiếng đàn bọt nước", "vầng trăng chếnh choáng", "yên ngựa mỏi mòn"...Vì sao Thanh Thảo lại dùng những hình dung từ này? Ý nghĩa của những hình ảnh đó trong việc thể hiện chủ đề?

Thanh Thảo: Anh hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai ? Thực ra, tôi cũng dùng những "hình dung từ" ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không "mài giũa ngôn từ". Những liên hệ (nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lorca. Những "chếnh choáng", " mỏi mòn", "bọt nước" dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lorca, chúng ám cả vào thi ca của Ông

Hỏi : Câu thơ “”
Giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Xin Nhà thơ cho vài lời gợi mở để độc giả có thể hiểu thêm hai câu thơ rất đẹp trên?

Thanh Thảo : Cảm ơn anh! Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không thể cắt nghĩa, không nên cắt nghĩa. (4)

Tác giả phủ định việc cắt nghĩa tứ thơ, cắt nghĩa cái đẹp, ấy là nói về phương diện cảm thụ nghệ thuật. Cảm thụ lý tính buộc ta phải hiểu, bởi “vô tri bất mộ” (không hiểu thì không yêu mến, một người mù thì không thể cảm nhận cái đẹp của bức tranh). Ta hãy thử giải mã những hỉnh ảnh từ “vô thức” ấy của tác giả xem sao, bắt đầu từ cấu trúc ngôn ngữ.

Không thể có nghĩa nếu câu thơ viết là “Giọt nước mắt của vầng trăng”. Cũng không thể viết “Giọt nước mắt và vầng trăng” bởi hai danh từ đứng trước và sau từ “và” phải tương đương nhau cả về ngữ pháp và nghĩa. Chỉ có thể viết : Giọt nước mắt/ long lanh trong đáy giếng và vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng. Hai câu có cấu trúc ngữ pháp chồng lên nhau tạo nên sự đa nghĩa. Đọc liên văn bản, ta mơ hồ liên tưởng đến Trương Chi - Mị Nương, và Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Khi giọt nước mắt Mỵ Nương rơi xuống, ly ngọc của Trương Chi đã vỡ tan những ước mơ hạnh phúc. Và khi đem ngọc từ những con trai ăn máu của Mỵ Châu ở ngoài biển, về rửa ở giếng Trọng Thuỷ, ngọc trở nên long lanh. Nếu liên tưởng như thế, tứ thơ của Thanh Thảo hiện lên sâu sắc một tình xót thương. Tiếng sáo là cầu nối trong tình yêu Trương Chi-Mỵ Nương , ngọc trai là cầu nối trong tình yêu Mỵ Châu -Trọng Thuỷ. Có thể hai hình ảnh này để lại ấn tượng tạo nên tứ thơ của Thanh Thảo, trong đó trăng là cầu nối. Tôi tin rằng điều ấy có thể, bởi với bất cứ người Việt Nam yêu văn chương nào, đều có trong sâu thẳm hồn mình câu chuyện Trương Chi-Mỵ Nương, đều yêu mến và sự cảm thông cho những lứa đôi yêu nhau mà ước vọng không thành. Để rồi hình ảnh ấy, như từ vô thức của nhà thơ Thanh Thảo, hiện về.
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đọng lại nỗi xót thương sâu thẳm Thanh Thảo dành cho Lorca

4. Lorca thanh thản ra đi

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la “

Thanh Thảo sáng tạo một hệ thống hình ảnh ẩn dụ để suy tư về sự ra đi cuả Lorca. Đường chỉ tay đứt là số mệnh đã hết (chết). Trên bàn tay, chỗ đường sinh mệnh đứt, là thời điểm số mệnh đã dứt. Chỉ ngưới sống mới cần đeo bùa hộ mạng, người đã chết, chẳng cần lá bùa ấy nữa. Chàng ném lá buà vào xoáy nước. Tất nhiên là xoáy nước sẽ cuốn mất không còn đâu tăm dạng. chàng ném trái tim mình vào lặng im, cũng cùng một nghĩa, chỉ cái chết. Bởi trái tim là sự sống, ném trái tim vào lặng yên chỉ sự yên nghỉ. Với Thanh Thảo, cũng như cảm nhận của chính Lorca, cái chết của ông như một tất yếu không khác được khi Lực Lượng Cánh Hữu đã coi ông là kẻ thù và quyết tâm tiêu diệt ông. Ông đã trở vế quê Granada dù biết rằng sẽ rất nguy hiểm. Và ông đã ra đi ở nơi gần quê hương mình.

dòng sông rộng vô cùng/ Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghita màu bạc là tư thế Lorca vượt qua cõi tử sinh. Đây là một hình ảnh Siêu Thực, khó có thể hiểu Thanh Thảo định nói gì qua hình ảnh“chiếc ghita màu bạc”. Nhưng hình ảnh dòng sông và hình ảnh Lorca bơi sang ngang là ẩn dụ quen thuộc. Trong ngôn ngữ Phật giáo, đến bờ bên kia (Đáo bỉ ngạn) chỉ sự giác ngộ. Thanh Thảo lý giải thế nào về cái chết của Lorca? Tất nhiên nhà thơ đã không nhìn cái chết ấy theo chính kiến xã hội như Lực Lượng Cánh Hữu thời ấy. Cũng không nhìn theo chiều tôn giáo, sau khi chết thì linh hồn Lorca sẽ về đâu. Thanh Thảo chỉ nói, Lorca bơi qua sông, và vào lặng yên bất chợt, như một tất yếu, đơn độc. Phải chăng Thanh Thảo suy niệm về hiện sinh? Rõ ràng Thanh Thảo không tạc tượng đài Lorca như một người anh hùng (như Lê Anh Xuân viết về anh Giải Phóng Quân trong bài Dáng Đứng Việt Nam), cũng không có bất cứ liên tưởng “thu hoạch” nào trong tương quan Lorca với nhà thơ Việt Nam đương đại, khi nhà thơ Việt Nam nhiều người đã ngã xuống với tư thế người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ...). Thanh Thảo viết về sự ngậm ngùi, vắng lặng. Lorca băng tới phía trước, bỏ lại tất cả, ném lại tất cả.

5.Đọc bài thơ Siêu Thực
Đàn ghita của Lorca lạ so với thơ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa (1945-1975) nhưng thực ra không mới trong thơ Việt Nam đương đại. Điều đặc sắc là Thanh Thảo sáng tạo được những tứ thơ đẹp, và cách cảm thụ thơ “đẹp” không cần phân tích. “Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không thể cắt nghĩa, không nên cắt nghĩa” bởi cái đẹp là tổng thể. Bông hồng chỉ đẹp khi đó là một bông hoa nở trên cành, nếu tách từng nhánh hoa để xem bông hồng đẹp ở chỗ nào thì cái đẹp (bông hoa) sẽ tan nát. Cách cảm thụ này đòi hỏi người đọc phải có trực giác thẩm mỹ và trình độ thưởng lãm, và có sự đồng điệu với tác giả. Thực ra “đẹp” hay “xấu” là cảm thụ chủ quan. Bông hồng tự nó không đẹp hay xấu. Cho nên Thanh Thảo mới đặt điều kiện: “Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp”. Nhà thơ rất tế nhị khi đặt điều kiện “nếu”, và đưa ra một giả định “có thể đẹp”. Thanh Thảo nhường quyền cho những bạn đọc “không thấy đẹp”, và bài thơ “có thể không đẹp”. Tiếp nhận đương đại chấp nhận rộng rãi mọi cách giải mã và cảm thụ tác phẩm. Tuy vậy, cách cảm thụ của một cá nhân không thể vượt ra ngoài những chuẩn mực văn hoá và chuẩn mực về cái đẹp của cộng đồng.

Tháng 3.2013

__________________________________________

(1) Nguồn tiếng Anh : García Lorca's central themes are love, pride, passion and violent death, which also marked his own life. The Spanish Civil was began in 1936 and García Lorca was seen by the right-wing forces as an enemy. Lorca "had done more damage with his pen than others with their guns."
Về cái chết của Lorca : Lorca was dragged into a field at the foot of the Sierra Nevada Mountains, shot, and thrown into an unmarked grave (mộ huyệt)- he was driven in a lorry down the road to the next village, and was shot there, sometime before sunrise, and buried beside an olive tree.

(2) Chủ nghĩa Siêu Thực (Sách Giáo Viên tr. 170): Chủ nghiã Siêu Thực ( Le surrealism ) xuất hiện vào năm 1922. Châu Âu vưà trải qua thế chiến I. các giá trị đạo đức và tinh thần truyền thống có nguy cơ sụp đổ. Cá nhân trở nên trần trụi. Họ chạy trốn vào giấc mơ, đi tìm cái hiện thực khác, cao hơn , nằm ngoài cái hiện thực đang tồn tại.
Hệ thống quan điểm mỹ học gồm :
1.Đề cao ngẫu hứng trong thế giới vô thức
2. Đề cao hỗn độn, phi logic. Vứt bỏ sự phân tíc logic, phá vỡ khuôn mẫu đạo đức, tôn giaó, cùng với suy luận lý tính. Chỉ tin vào trực giác, giấc mơ, ảo giác,linh cảm bản năng và sự tiên tri. Gạt bỏ mọi quy tắc ngữ pháp, không tuân thủ cú pháp, không dùng chấm câu. Đề cao liên tưởng cá nhân , hướng tới hồn nhiên cuả thế giới trẻ thơ
3.Phá vỡ ngăn cách chủ thể khách thể. Họ biến chủ thể thành khách thể. Làm thơ bằng thị giác ( thay vì thính giác ( nhạc điệu, âm vận )
(3) According to Gibson, "there are indications that, before he gave the order to execute Lorca, Valdés was in touch with General Queipo de Llano, supreme commander of the rebel forces in Andalusia."The poet was taken to the village of Víznar, together with other victims. After spending the night there in an improvised jail, he was driven in a lorry down the road to the next village, and was shot there, sometime before sunrise, and buried beside an olive tree. Lorca's death was one of thousands of executions in Granada in the early days of the Civil War.
(4) http://phanthanhvan.vnweblogs.com/post/8200/107738