album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

THƯ LUẬN HỌC - Phan Nam Sinh

Thư luận học: Gửi anh Bùi Công Thuấn


Tôi đã nhận được những sách anh gửi tặng kể cả lúc nó còn đang ở dạng bản thảo. Xin chân thành cám ơn anh đã nhớ đến tôi! Tất cả, tôi đều đọc rất say sưa, nghiêm túc, có tác phẩm đọc tới hai ba lần, chủ yếu với tinh thần học hỏi. Đáng tiếc là do ít ngoại ngữ, nhất là từ khi về hưu đến nay, vì có một vài việc riêng cần phải hoàn thành gấp nên tôi cũng không có nhiều thời gian để tiếp xúc với nhiều loại sách vở, nhất là với các tác phẩm văn chương và phê bình văn học xuất bản trong thời gian gần đây.
Cộng với thói quen đọc theo “cách đọc truyền thống”, chưa được chuẩn bị để sẵn sàng tiếp cận với “cách đọc mới” nên đọc những gì anh viết, có những cái tôi hiểu được nhưng cũng còn khá nhiều cái, thật tình mà nói là tôi…mù tịt. Vì thế đã có vài ba lần tôi đặt bút định viết một cái gì đó về các tác phẩm của anh nhưng rồi phải bỏ nửa chừng bởi thấy không chắc mình đã hiểu đúng ý tác giả. Tuy vậy, bằng những gì mà tôi thật sự hiểu được, tôi cảm thấy rất đáng nể phục.

Tôi quí anh trước hết ở tinh thần tự học, tự bồi bổ kiến thức cho mình không ngừng nghỉ, để bây giờ theo nhận xét rất thành thực của tôi, anh đã sở hữu được một kho tri thức văn chương “bách khoa” mà trong số rất ít bạn bè tôi quen biết trước nay, không phải ai cũng có thể sánh được.

Tôi cũng quí anh ở thái độ “độc lập” trong nghiên cứu, nghĩa là không dễ gì bị lệ thuộc vào những đấng “cây cao bóng cả” từng che lấp không nhiều thì ít bóng dáng cũng như cá tính của nhà phê bình mà độc giả dù không muốn vẫn thường xuyên bắt gặp ở một vài cây bút thiếu bản lĩnh. Tóm lại là, tôi tin những gì anh viết ra là của riêng anh, là những cái anh từng nghiền ngẫm, không dễ gì có được nếu không trải qua một thời gian dài ấp ủ với nhiều lao tâm khổ tứ. Tôi tôn trọng sự trung thực và óc sáng tạo trong đời sống cũng như trong văn chương và vì thế mà đánh giá rất cao những trang viết của anh. Càng đọc anh, tôi càng có cảm giác là anh đã độc lập được với mọi ám thị mà mình có thể bị lây nhiễm và nhờ thế mà được đền đáp; ý tôi muốn nói là anh đã góp được chút gì đó vào tiếng nói chung như anh từng mong muốn.

Tôi còn quí anh ở thái độ chừng mực khi phê bình, nhưng những lúc cần “quyết liệt” thì cũng dám quyết liệt. Tôi không có ác cảm gì với bà Thụy Khuê nhưng cái cách anh vạch ra ác ý của tác giả này trong khi phê bình tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương thì người đọc nào, miễn là còn giữ được chút ít lòng tự tôn dân tộc cũng đều lấy làm…hả dạ! Bởi không cần phải tinh ý lắm, người đọc cũng có thể dễ dàng nhận ra mục đích ngoài văn chương nhưng lại sặc mùi chính trị của Nguyễn Thụy Khuê khi bà ta đánh đồng Việt Nam hôm nay với Giao Chỉ của ngàn năm trước để rồi tùy tiện bôi bẩn bức tranh xã hội ta vào nửa đầu thập kỷ thứ 21, lúc Nguyễn Bình Phương viết tiểu thuyết “Ngồi” là dậm chân tại chỗ trong sa đọa nhiều chiều. Dẫu sao thì bà Thụy Khuê cũng là người của “phía bên kia” nên thái độ quyết liệt của anh cũng là điều dễ hiểu. Cũng với một thái độ gần như thế, khi viết về “người đằng mình”, anh cũng thật rạch ròi, dứt khoát bởi không hề ngại va chạm, một phẩm chất không thể thiếu đối với một nhà phê bình trung thực, trung thực với đối tượng phê bình và trung thực ngay với chính bản thân mình. Nhận xét này có lẽ đúng nhất với trường hợp anh phê bình tiểu thuyết “Nháp”của Nguyễn Đình Tú. Từ ý đồ ban đầu của tác giả là muốn thể hiện thứ tư tưởng mỗi con người là bản nháp của người khác hay bản nháp của số phận, qua phân tích hệ thống các hình tượng và cấu trúc tác phẩm cũng như mục đích, thái độ miêu tả của tác giả, anh nhận thấy các nhân vật trong tiểu thuyết “Nháp” không thể hiện tư tưởng nháp, nếu có thì đó chỉ là nháp làm tình và đi tới kết luận: Cuối cùng tư tưởng nháp hiện nguyên hình chỉ là sự phô trương, cổ vũ cho những trải nghiệm sex bệnh hoạn, vô luân hay Nháp trần trụi là một truyện hình sự được tác giả nêm nếm đậm đà cho hợp với khẩu vị của dân chơi. Chưa dừng lạị, anh còn chỉ ra cho độc giả biết đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Theo anh, đó là do Nguyễn Đình Tú không có thứ tư tưởng của J.P.Sartre hay A.Camus, lại thêm tay nghề yếu nên không thể xây dựng kiểu nhân vật như tiểu thuyết tư tưởng của các nhà văn này. Đó rõ ràng là những kết luận không dễ làm vừa lòng tác giả và những nhà phê bình từng ca ngợi “Nháp” nhưng lại nhận được sự đồng tình từ phía người đọc bởi ai cũng nhận thấy đây không phải là những kết luận võ đoán mà có căn cứ rất vững vàng. Sức thuyết phục từ các trang viết có lẽ cũng là một thành công rất đáng được kể đến trong các tác phẩm phê bình của anh.

Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên và cũng rất vui mừng là từ bấy lâu nay anh vẫn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt tình với văn chương, biểu hiện ở một sức viết thật sung mãn. Tôi cũng là người thi thoảng có viết chút đỉnh theo kiểu không hoàn toàn chuyên nghiệp nên càng khâm phục sự nỗ lực của anh. Bởi tôi hiểu, với một thầy giáo về hưu, trên vai là gánh nặng tuổi tác và nhiều thứ áp lực khác nữa, không dễ gì vài ba năm một lần, cho ra đời một tác phẩm phê bình dày dặn, hơn nữa lại được viết một cách rất nghiêm cẩn như anh đã làm được.Với niềm đam mê cháy bỏng và sức làm việc đáng nể mà tôi thấy được ở anh, tôi tin là anh sẽ còn tiến xa hơn và đóng góp được nhiều nữa cho nền phê bình văn chương của nước nhà.

Nói như thế không có nghĩa là đọc anh, tôi hoàn toàn bị chinh phục mà không có chút nào băn khoăn, lấn cấn. Thật ra là cũng có một vài chỗ mà hình như suy nghĩ và cách lý giải một vấn đề nào đó giữa anh và tôi còn có độ “vênh” nhau. Tôi nói là giữa anh và tôi “có độ vênh nhau” chứ không nói là tôi đúng, anh sai hay ngược lại. Ở độ tuổi hơn bảy mươi như tôi bây giờ mà nói ra điều này chắc là đủ để anh tin tôi không phải là kẻ háo thắng.Tôi chỉ muốn nói là có độ vênh nhau ấy, có lẽ là do thế mạnh ở anh chưa được kiểm soát một cách hữu hiệu, hoặc giả là tại tôi loay hoay mà không tìm được lối vào cổng chính của thơ một số nhà thơ đương đại và cũng chưa bắt kịp với “cách đọc mới” như anh từng nói. Điều này thường xảy ra khi tôi đọc loạt bài viết của anh về thơ thiền hay khi nghe anh bàn thảo về thế nào là thơ lục bát hay. Nhưng nói ra điều này bây giờ thì nhiêu khê lắm. Hẹn một khi khác anh em mình có dịp hàn huyên Thuấn nhé!

11-11 2011

Phan Nam Sinh

__________________________________________________________________________

Ghi chú : Phan Nam Sinh là con cụ Phan Khôi

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Hội thảo THƠ VIỆT HIỆN ĐẠI NHÌN TỪ MIỀN TRUNG

Hội thảo THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI NHÌN TỪ MIỀN TRUNG
NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN ĐÓ…
Bùi Công Thuấn


Trong 2 ngày 8 và 9-10, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo: "Thơ Việt Nam hiện đại, nhìn từ miền Trung” với sự tham dự của gần 140 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình hiện đang công tác, sinh sống tại miền Trung và trên mọi miền đất nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam chủ trì hội thảo. Hội thảo này là sáng kiến của Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi diễn ra Hội thảo, ngày 24/8, Hội Nhà văn Việt Nam đã có phiên họp trù bị bàn về nội dung. Theo đó, tính hiện đại của thơ được tính từ Thơ mới đến nay, giới hạn địa lý là từ Thanh Hoá đến Bình Thuận.(1)

1.MỘT “HỘI THẢO MỞ”
Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội Đồng Thơ mở đầu “Đề dẫn” : “Trước tiên, đây là một cuộc hội thảo mở. Nó mở từ ngay chủ đề của nó…Tôi nghĩ, một cuộc hội thảo mở, dù biên độ mở có vẻ hơi trừu tượng và không thật chuẩn về ngữ nghĩa theo những quy luật khắt khe của ngữ pháp, có khi lại là hay, vì nó chứa nhiều khơi gợi, tạo ra nhiều tung hứng. Và nhất là đối với Thơ, thì cái cách mở như vậy càng dễ có thêm nhiều tưởng tượng, nhiều liên tưởng, nhiều so sánh và ẩn dụ. Vậy là yên tâm rồi !.”

Tôi thực sự ngỡ ngàng về lời đề dẫn đầy ngẫu hứng của nhà thơ Bằng Việt, bởi hội thảo là một hoạt đông khoa học về thơ Việt Nam hiện đại, đâu phải hội thảo là nơi nhà thơ tụ tập để làm thơ mà cần đến “khơi gợi, tung hứng, tưởng tượng, so sánh ẩn dụ”. Nhà thơ Bằng Việt biết rõ phạm vi “mở” của cuộc hội thảo này là trừu tượng và không chuẩn về ngữ nghĩa nhưng ông vẫn “yên tâm. Khi hội thảo không đề ra một mục tiêu cụ thể, khi ý thức về chính việc tổ chức hội thảo còn mơ hồ mà ban tổ chức lại yên tâm, thì kết quả hội thảo thế nào đã có thể thấy trước được.

Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với Trần Quang Quý về mục tiêu của hội thảo như thế này. Ông viết:” Tôi nghĩ, chủ đề “Thơ hiện đại Việt Nam nhìn từ miền Trung” là một chủ đề lớn, ..đặc biệt là sự đổi mới thi ca đương đại từ sau 1975 đến nay, ..cần một sự đánh giá công phu, sâu sắc, khách quan… sau một chặng đường dài của thơ Việt, kể từ Thơ mới 1932 - 1945, nhằm thấy được bản diện của thơ Việt trong quá trình xây dựng, bồi đắp những đặc trưng nghệ thuật, khuynh hướng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân bản mà thơ đã và đang vươn tới; thực trạng của thơ hôm nay, thơ với công chúng…”

Trong hai ngày hội thảo, đã không có một tham luận nào “đánh giá công phu, sâu sắc, khách quan… sau một chặng đường dài của thơ Việt, kể từ Thơ mới 1932 - 1945, nhằm thấy được bản diện của thơ Việt “như điều mà Trần Quang Quý và bạn đọc mong đợi. Lác đác là những bài điểm tên nhà thơ miền trung cùng với những lời ca ngợi đã quen thuộc, chẳng hạn như :” Xin dừng lại để hồi tưởng những vinh quang thơ Việt, đó là thời điểm cả nước cùng đọc thơ Trần Đăng Khoa, đọc thơ Phạm Tiến Duật, đọc Đất nước, đọc Đường tới thành phố…”; “Tôi yêu thơ chống Mỹ từ thời sinh viên đến mãi bây giờ, cảm nhận được cái tôi sử thi rồi cái tôi sử thi nhạt dần như hiện tại nhưng tôi vẫn không ngừng yêu nó “ ;“Tôi tin khoảng trời miền Trung sẽ lại xuất hiện những tài năng cột trụ cho thơ Việt như thế kỷ vừa qua”; “thơ miền Trung thực sự đã là thơ đổi mới. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “ Nó đổi mới trước khi có chủ trương đổi mới của văn học” . Quả đúng vậy, Nguyễn Duy đã “đánh thưc tiềm lực” từ lâu…”

2. NHỮNG LẤN CẤN VỀ CHỮ NGHĨA

Theo cách nhìn của ban tổ chức thì khái niệm Thơ Việt hiện đại là tính từ 1930 đến nay. Thế nhưng Ngô Minh lại hiểu rất khác :” Hiện đại có liên quan gì đến bọn tư bản Phương Tây đang rẫy chết không ? Sao lại không “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, mà lại rửng mỡ bàn chuyện hiện đại ?(1) Có sự không rõ ràng trong ý niệm “hiện đại”. Có tham luận nói Thơ Việt hiện đại là để phân biệt với thơ Việt Cận Đại, Cổ đại. Nhiều ý kiến lại nói đến Thơ Việt hôm nay, nghĩa là Thơ Việt từ sau 1975 đến nay. Tôi nghĩ, Thơ Mới đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó. Thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã được nghiên cứu và khẳng định giá trị. Nhưng thơ Việt từ 1975 đến nay và nhất là 10 năm đầu của thế kỷ 21 thì chưa được nghiên cứu. Dường như chúng ta cố níu kéo hào quang của quá khứ mà quên sống ở thực tại?

Nguyễn Thanh Mừng nói đến đóng góp của miền Trung về sự hình thành và phát triển tiếng Việt từ Hồ Quý Ly, lê Thánh Tôn..đến A De Rhods …, Tiếp theo dòng văn Nôm rạng rỡ, văn học quốc ngữ ra đời. Sau đó là phong trào Thơ Mới, Tự lực văn đoàn . Ông còn dông dài lần giở những thư tịch cổ nói về miền Trung trong không gian văn hóa Đông Sơn, không gian văn hóa Sa Huỳnh, không gian văn hóa Chăm-pa …Ông còn ngược lịch sử về thời đại Hùng Vương cho đến các triều đại Triệu, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, xác lập” một nước Việt co giãn từ Bắc miền Trung trở ra. Nhưng cũng từ thời Lý trở đi, vai trò “lĩnh ấn tiên phong” đã được xác lập và không ai khác, miền Trung phải gánh lấy sứ mạng ấy”. Phải chăng “nói dông dài “(chữ của Nguyễn Thanh Mừng) như thế mới đúng với yêu cầu của một hội thảo mở về thơ?

Nói thơ Việt hiện đại tính từ Thơ Mới (1930 trở đi) nhưng hầu hết các ý kiến khi nêu vấn đề lại tụ vào thơ thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ (Văn Đắc, Vũ Quần Phương, Thạch Quỳ, nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan, TS lê Thị Bích Hồng, Vĩnh Nguyên, Thanh Thảo, …) Có rất ít bài viết về thơ hiện nay . Riêng bài của Inrasa về thơ trẻ đương đại viết khá cụ thể, bao quát và có giá trị về mặt theo dõi phong trào. Tại sao có độ lệch như vậy? Điều ấy dễ hiểu, vì hầu hết các nhà thơ đang dự hội thảo đều là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến và họ đã có những thành công ở giai đoạn ấy. Và họ muốn được sống mãi trong vinh quang của thời đại ấy. Nhà thơ Ngô Minh ngạc nhiên :” Điều làm tôi nhạc nhiên là Hội thảo về THƠ HIỆN ĐẠI mà trong hội trường toàn những người đầu bạc, răng long. Người trẻ nhất cũng phải tới bốn năm chục tuổi rồi. … ở đây tịnh không có nhà thơ tuổi đôi mươi nào cả, ai nói cái mới cho mà nghe.”
Nhiều ý kiến nói về yêu cầu đổi mới thơ, nhưng không một tham luận nào nói cụ thể về vấn đế này, cũng không có ý kiến nào cận cảnh về cách tân thơ từ Thơ Mới đến Xuân Thu Nhã Tập rồi Lê Đạt, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền và vác nhà thơ trẻ đương đại. Thậm chí có những ý kiến tỏ ra không hiểu hoặc không muốn cách tân thơ.TS Đào Duy Hiệp đã nói đến ngộ nhận này :” Đổi mới thường bị nhầm với thế sự,…”. (Xin lưu ý, đổi mới khác với cách tân thơ). Ý kiến của nhà thơ Thạch Quỳ có thể là tiêu biểu cho một cách hiểu đã lỗi thời:” Thưa các bạn ! Cái mới trong văn học không bắt nguồn từ sự đổi mới câu chữ, vần vè duy hình thức. Cái mới ở trong con người mới, sức sống mới, tâm hồn mới , trí tuệ mới. Khi con người mang cái mới đầy ắp trong mình thì họ nói lên tiếng nói mới. Hình thức mới trong thơ không phải là thứ hình thức do đầu óc nghĩ ra, vẽ ra, mà do dung lượng cái mới dung nạp trong tâm hồn đã biến thành công năng, nhiệt năng đòi hỏi phải thoát ra ngoài bằng hình thức ấy, theo cách ấy”. Còn nhà thơ Đông Trình lại gạt thẳngvấn đề :” liệu có cần bàn đến hiện đại với hậu hiện đại nữa không? Vì sao thơ chống Pháp hay thế? Có lẽ là tài năng? Người ta để Tâm trên Tài, tôi thì tôi nghĩ ngược lại. Thơ hay, thơ phát triển là nhờ các tài năng. “ Ngô Minh đã mỉa mai sự lấn cấn như thế này :” Nghĩa là thơ ta đang hiện đại, thơ miền Trung đang hiện đại. Nó đã đổi mới, hiện đại từ thời Nguyễn Du tới giờ. Hiện đại trước khi cuộc hội thảo này được tổ chức. Hoan hô thơ miền Trung.”

Xin hỏi rằng thơ kháng chiến khác Thơ Mới ở điều gì? Có phải từ con người mới không ? Xin thưa sự khác biệt là ở ý thức thẩm mỹ mới, ở thi pháp, ở yêu cầu văn chương phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chính trị , phục vụ công, nông binh, chứ không phải xuất phát ở trong con người mới.Hội thảo còn lấn cấn quá nhiều về nội hàm những vấn đề đem ra thảo luận thì sao có thể đi đến những kết luận sáng tỏ?

Lại lấn cấn về địa giới hành chính. Thơ miền trung giới hạn từ Thanh Hoá đến Bình Thuận.Điều này quả thực không ổn, bởi vì, đâu có một nền thơ riêng trong lãnh giới này. Các nhà thơ có thể sinh ra ở miền trung, nhưng tác phẩm của họ vươn tới tầm đất nước, tầm dân tộc, tầm thời đại. Hơn nữa họ hoạt động ở nhiều nơi trên đất nước, đâu cứ gì miền trung. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bùi Giáng là những điển hình. Cho nên Hội thảo thơ miền trung, mới có tham luận nói về thơ Thanh Hóa, Tây Nguyên (Văn Đắc, Ts Hỏa Diệu Thúy, Hữu Kim,..). Vĩnh Nguyên thì điểm tên các nhà thơ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Mai Văn Hoan thì nói về thơ Thạch Quỳ, Thanh Thảo thì nói về thơ Nguyễn Khoa Điềm…Cứ theo đà này thì phải kể tất cả các nhà thơ ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng…Sẽ chẳng có một hội thảo nào đủ sức làm như thế, và dẫu có làm như thế cũng chẳng ích gì cho sự phát triển của thơ ca.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN ĐÓ…

Có ý kiến đánh giá về nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế này:” trình độ văn hóa của văn nghệ sĩ Việt Nam ở mức lè tè thế này, một lần ngồi xem ti vi, nhìn cảnh các văn nghệ sĩ Việt mặc quần áo lôm côm, sắn áo dài tay, đi giầy thể thao… một anh bạn có nói, mọi người nhìn đi, những cầu thủ nước ngoài lên lĩnh giải thưởng, họ vận com lê đồng bộ đàng hoàng, vậy mà ở đây chúng ta toàn nghệ sĩ tên tuổi “nhớn” lại ăn mặc ba vạ, lôm côm, tùy tiện như vậy, thử hỏi văn hóa của văn nghệ sĩ chúng ta ở mức nào?(3) Sao lại có thể lấy việc mặc quần áo để đánh giá trình độ trí thức của văn nghệ sĩ Việt ?! Sao lại đi so sánh cầu thủ với nhà thơ là văn. Ý rằng vì trình độ nhà thơ nhà văn Việt Nam ở mức lè tè nên “thơ của chúng ta èo uột, làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa”. Tác giả của ý kiến này còn đi đến nhận định, chung quy sự yếu kém của văn chương Việt là do tiếng Việt lỏng lẻo và phẩm chất “hời hợt, dễ dãi, tùy tiện và buông thả, nhiều khi thiếu trách nhiệm của trí thức Việt”. Ông đề xuất :“Muốn trở thành nhà thơ lớn cũng như nền thơ lớn hiển nhiên chúng ta phải nhảy vọt qua 2 đặc điểm khiếm khuyết của ngôn ngữ tiếng Việt như đã trình bày ở trên.”
Tôi nghĩ, những ngoa ngôn kiểu này chỉ để gây sự chú ý đối với người nghe. Nó hoàn toàn chủ quan, hàm hồ và “thiếu trách nhiệm” với hội thảo, ấy là chưa nói đến sự xúc phạm đối với nhà thơ nhà văn VN.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nêu ra một vấn đề còn bỏ ngỏ khi tổng kết hội thảo :” Thơ đang có vấn đề và cần đổi mới nó”. Đó là tình trạng vè hóa thơ (Nguyễn Trọng Tạo), “thơ của chúng ta èo uột, làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa”(Nguyễn Hoàng Đức), “Cái khó mà thơ lâm phải hiện nay là thời kỳ giáp hạt tư tưởng, sự khủng hoảng của nó cũng do đó mà ra.”(Vũ Quần Phương), “thơ đang mất chỗ đứng trong ồ ạt của cạnh tranh thị trường… Nhiều bài thơ nhợt nhạt, quanh quẩn, ngô nghê, được viết với một trạng thái vô cảm… thơ Việt đang trong cơn bĩ cực trên cả hai phương diện chủ quan và khách quan”(Lê Thành Nghị),” Sự kiện thơ ca mất giá như thế diễn tiến qua nhiều năm”(Nguyễn Chí Hoan). .

Những ý kiến trên hoàn toàn trái ngược với những bài tụng ca về thành tựu chót vót của thơ miền trung. Vấn đề là không một tham luận nào chỉ ra được làm thế nào để vực dậy thơ Việt đang trong cơn khủng hoảng, đang trong cơn bĩ cực, đang mất chỗ đứng trong lòng công chúng, “thơ đang ở thời kỳ hỗn mang “(Trần Quang Quý). Đây đó có chỉ ra vài nguyên nhân. Nguyễn Hoàng Đức thì cho rằng vì tiếng Việt lỏng lẻo, trình độ văn hóa của văn nghệ sĩ Việt Nam ở mức lè tè nên thơ Việt èo uột.Nguyễn Trọng Tạo thì cho rằng nguyên nhân là từ ” sự thiếu hiểu biết, sự ngộ nhận non nớt của nhà thơ trước ma trận của cái mới luôn mai phục ở phía trước”. Nguyễn Chí Hoan cho rằng ngôn ngữ thời đại là một cản trở:” Đặc trưng của bối cảnh mới là ngôn ngữ dưới các dạng thức từ chương trở thành một loại hàng hoá.Ngôn ngữ từ chương dần dà không tránh khỏi biểu thị tính thực dụng thực tế mới của thời buổi , của truyền thông đại chúng với ba phẩm chất căn bản thông tin-giải trí-quảng cáo, của văn hoá đại chúng với các khoái cảm ngôn từ thông tục, cảm tính, dễ dãi và lặp đi lặp lại.Thực tế là thơ ca thẩm thấu vào mình toàn bộ sức ép từ cái phông ngôn ngữ hỗn tạp đó, chưa kể sức ép từ các chuỗi sự kiện hình ảnh”

Về đổi mới thơ hiện nay, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng, “đổi mới thơ bằng cách nào là một ẩn số “, còn TS Đào Duy Hiệp trở lại cách nhìn duy tâm :” Vấn đề ở trời cho”. Nhà thơ Đông Trình cũng một ý như vậy :” Thơ hay, thơ phát triển là nhờ các tài năng”. Nhà thơ Phạm Đức thì xổ toẹt :” Nói A cách tân, B bảo thủ là cách nói lừa trẻ con; thơ mỗi bài là một đổi mới, bài sau khác bài trước… bất biết anh viết nó bằng cách nào, nó chỉ cần vào tôi là được.”Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì nhấn mạnh :” Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách.”

Trong những ý kiến trên, không khỏi có những chỗ chưa rạch ròi về “đổi mới” thơ và cách tân thơ. Nếu nói đổi mới là bài thơ sau khác bài thơ trước, thì đó không phải là cách tân. Đó là quy luật của sự sáng tạo. Sáng tạo là không lặp lại, là khám phá ra cái mới. Nhà thơ không sáng tạo thì đồng nghĩa với nhà thơ đã chết.Và sự vượt qua chính mình là điều khó nhất đối với hành trình sáng tạo của nhà thơ.

Nói cách tân một nền thơ, một thời đại thơ là nói sự thay đổi hoàn toàn về ý thức thẩm mỹ, về thi pháp và về mục đích sáng tác, vai trò xã hội của thi ca. Thơ Mới được viết bằng bút pháp của Chủ Nghĩa Lãng Mạn, lấy cái tôi cá nhân chủ nghĩa làm trung tâm, lấy sự thể hiện cảm xúc và suy nghĩ cá nhân làm nội dung, nhân vật trữ tình trong Thơ Mới là nhân vật tâm trạng, hình thức thơ thường là 7 chữ, 8 chữ. Thơ kháng chiến thay đổi hẳn về lý tưởng thẩm mỹ. Đó là nền thơ lấy công, nông ,binh làm nhân vật trung tâm, lấy bút pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa làm phương pháp sáng tác (Miêu tả hiện thực cách mạng kết hợp với lãng mạn cách mạng thông qua điển hình hóa), lấy việc phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị làm mục đích. Thơ hướng về quần chúng mà kêu gọi, động viên chiến đấu, sản xuất, thơ tập trung ca ngợi cái mới, con người mới (thử so sánh Khi Chiều Giăng Lưới của Xuân Diệu với Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật). Rõ ràng muốn cách tân thơ thì phải xuất phát từ sự đổi mới tư duy nghệ thuật. Ta hiểu ra thơ hiện nay rất cũ vì nhiều bài thơ vẫn được viết bằng thi pháp Thơ Lãng Mạn hay thi pháp thơ kháng chiến.

Những nỗ lực cách tân thơ Việt đã diễn ra mạnh mẽ, nhưng chưa có thành tựu đáng kể. Trần Dần, Lê Đạt tập trung vào cách tân hình thức câu, chữ. Thanh Tâm Tuyền sử dụng “dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh. Khế Yêm , Đỗ Quyên thể nghiệm thơ Tân Hình Thức. Các nhà thơ trẻ hiện nay (Văn Cầm Hải, Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly, Lê Vĩnh tài…) đang khám phá thủ pháp Hậu Hiện Đại. Ít nhiều những thể nghiệm ấy cũng có những bài đứng được, đủ sức đánh dấu như cột mốc của sự phát triển.

Hãy lấy thí dụ, thơ “dòng ý thức” của Thanh tâm Tuyền khác hẳn với thơ Lãng Mạn ở chỗ, thơ lãng mạn là dòng tâm trạng, cón thơ Thanh Tâm Tuyến là “dòng ý thức”(Xin đọc Tương Tư của Nguyễn Bính và Tĩnh Vật của Thanh Tâm Tuyền). Cũng vậy, Thơ Tân Hình Thức quan trọng ở cách vắt dòng, ở câu chuyện được kể, ở những vòng lặp và cách đọc vừa là thơ, vừa như văn xuôi (xin đọc : Tân Hình Thức và Câu Chuyện Kể của Khế Yêm, Tay Trái Thơ Tay Phải Núi của Đỗ Quyên). Thơ Hậu Hiện Đại phá vỡ những yếu tố cơ bản của “thơ truyền thống” là không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện. Nhà thơ đưa vào những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng. Hiện thực được miêu tả là những mảnh rời rạc. Nhà thơ lật đổ những Đại Tự Sự. Hậu Hiện Đại còn “giải thiêng” và phi tâm hóa…(xin đọc Hoe Chân Lời, Sinh Tồn của Văn Cầm Hải). Ý thức thẩm mỹ của nhà thơ Hậu Hiện Đại khác hẳn với nhà “thơ truyền thống”. Inrasara nhận định thế này : “Thơ tuôn tràn tự nhiên như nói, như thở, như ăn, uống, làm tình. Vậy thôi. Không có gì trầm trọng cả.”, ” Thời đại khác, quan điểm thơ cũng khác vừa viết vừa tự khám phá chính mình. Khám phá mình ngay trong hành động viết và qua quá trình viết. Chuyển động và thay đổi. Họ viết - thế thôi. Liên tục chuyển động và thay đổi. Không nhiều nhà phê bình nhận ra điều đó. Rất ít nhà phê bình theo kịp sự chuyển động của họ. Không theo kịp, nhà phê bình mãi ở lại căn chòi mĩ học cũ để nhìn về thơ đương đại, nhận định và phán xét nó.Tiếc thay.”

Tôi nghĩ rằng bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam và thế giới thế kỷ XXI đã hoàn toàn khác với thời kỳ bao cấp trong kháng chiến. Ý thức thẩm mỹ của thời đại cũng đã khác. Muốn cách tân thơ phải xuất phát từ sự đổi mới ý thức thẩm mỹ. Đây là điều cốt tử. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nhận rõ điều này: “không thể chấp theo lối cũ. Thơ ca nghệ thuật không thể nằm ngoài chân lý ấy.Thế nhưng sau bao năm đổi mới, nền thơ Việt dường như vẫn quằn quã trong cái ngôi làng lặng yên. Chúng ta phải tự nhận ra rằng chúng ta tự trói lấy chúng ta, bảo thủ, tự bằng lòng thoả mãn với những gì có được.”, Ấy là chúng ta quen với lối mòn thi pháp của thơ kháng chiến viết bằng phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, quen với cách sinh hoạt thơ như thời bao cấp. Nhà thơ đi dự hội nghị được tỉnh cấp kinh phí. “Hội thảo 2 ngày mà có tới ba cuộc tiệc lớn : Tỉnh ủy Thanh Hóa đãi, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa đãi, Hội Nhà văn Việt Nam đãi. Bia rượu vui vẻ.”(Ngô Minh). Nhiều nhà thơ và bạn đọc quen với ý thức thẩm mỹ cũ,vẫn giữ cách nhìn văn chương quan điểm văn chương thời bao cấp, và vì thế sự cách tân thơ đối với họ là điều vô bổ. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan có một nhận xét rất xác đáng thế này :” sự hoàn chỉnh về hệ thống đó cũng là một rào cản, đặc biệt với những cái-tai-bên-trong, con-mắt-bên-trong của nhiều thế hệ độc giả cũng như tác giả đã hoàn toàn quen với khu vực đặc trưng nhất của không gian ngôn ngữ mà hệ thống kia dựng lên – khu vực của lãng mạn và kỹ xảo tu từ - coi như phạm trù và quan niệm về thơ ( - mà không hề tính đến các cực trị không gian đó đã đạt tới và do vậy đã gợi mở - ) , đến mức nếu ai đó vượt ra để làm khác đi thì sẽ không còn thơ nữa”

Để trả lời cho những lời kêu gọi khẩn thiết về tình trạng thơ khủng hoảng, đang trong cơn bĩ cực, đang mất chỗ đứng trong lòng công chúng, “thơ đang ở thời kỳ hỗn mang, tôi xin mượn ý của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật rằng , nhà thơ không thể chấp theo lối cũ, hãy tự cởi trói khỏi sự bảo thủ của ý thức sáng tạo và thói quen sinh hoạt cũ, bởi vì Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng đã mở đường rồi. Nghị quyết ghi rõ :” Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ… tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà. “

Những vấn đề do hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền trung đặt ra vẫn đang là thách thức với mọi nhà thơ. Chưa có câu trả lời cho con đường đi tới phía trước? Chỉ cần 15 năm (1930-1945) Thơ Việt Nam có hẳn một thời đại mới, vậy mà từ 1975 đến nay, đã 35 năm, Thơ Việt Nam đã có những thành tựu gì ? Dường như bạn đọc yêu thơ đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi…

12.2011
_____________________________________________

(1) Bài viết này dựa trên bản tin và kỷ yếu của Hội Nhà Văn về Hội thảo Thơ Việt hiện đại nhìn từ miền trung đăng trên http://vanvn.net
(2) Ngô Minh (http://ngominhblog.wordpress.com/2011/10/11/th%C6%A1-nghiem-tr%E1%BB%8Dng-th%E1%BA%ADt/)
(3) Nguyễn Hoàng Đức-Không thể có thơ hay nếu không có sinh hoạt thơ lành mạnh
Bài này đăng trên trang web của Hội Nhà Văn 3.12.2011: http://vanvn.net/news/11/1315-hoi-thao-tho-viet-nam-hien-dai-nhin-tu-mien-trung-nhung-van-de-con-do.html
(4)