Sáng tác ca khúc, truyện ngắn và phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn. Bạn cũng có thể đọc BCT tại http://yume.vn/buicongthuan
Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010
NHAP, SỰ THA HOÁ VÀ VỎ BỌC TRÍ THỨC
Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
NHÁP, SỰ THA HOÁ VÀ VỎ BỌC TRÍ THỨC
Tiểu thuyết NHÁP của Nguyễn Đình Tú. Nxb Thanh Niên 10.2008
“Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận “. Đó là lời đề từ Nguyễn Đình Tú viết cho tiểu thuyết Nháp một dẫn dụ tư tưởng cho tác phẩm. Mở trang đầu tiên, người đọc gặp lời khẳng định này cuả nhà văn Chu Lai :”Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu bước tiếp trên con đường tiểu thuyết mênh mang nắng gió nhưng cũng quá đỗi chông gai nhọc nhằn “(tr.6). Kết thúc cuốn sách là lời bạt cuả nhà văn Ngô Tự Lập, lời bạt như đóng đinh giá trị cuả tác phẩm vào đầu người đọc :”Nguyễn Đình Tú đã đặt một câu hỏi đúng, : Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta? Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta? “(tr.318). Ba lời giới thiệu trên có thể tạo nên những ám thị về tiểu thuyết NHÁP, nó khoác cho Nháp cái áo trí thức, cái vỏ tiểu thuyết tư tưởng, khiến Nháp sang trọng hẳn lên so với các cuốn sách văn chương thị trường khác. Tôi tự hỏi, nếu bỏ đi mục đích quảng cáo của những lời giới thiệu ấy thì giá trị thật của cuốn sách là gì ?
Trước hết xin hãy nghe nhận xét của hai bạn đọc trên lethieunhon.com
(http://lethieunhon.com/read.php/3311.htm)
Ngô Hoàng Lễ 15/11/2008 10:35
“Tôi cũng đọc lời giới thiệu của nhà văn Chu Lai và đã mua cuốn tiểu thuyết này. Nguyễn Đình Tú đã có ý thức đổi mới thi pháp đối với những tác phẩm trước của anh. Nhưng ý thức và khả năng thực hiện đã không gặp nhau.
Nhà văn Chu Lai viết mấy lời nhận xét nhưng cũng không viết gì cả. Ông vốn là người "đại ngôn" như chúng vẫn biết. Nhưng viết về một cuốn sách cần cẩn trọng và chân thành. Đặc biệt phải có những nhận xét nghiêm túc. Nhưng cũng tại các nhà văn trẻ hay thích được viết giới thiệu. Chu Lai hiểu thực chất cuốn tiểu thuyết này như thế nào. Nhưng ông không đủ "dũng cảm" nói thẳng. Bởi thế ông phải dùng một loại ngôn ngữ hỏa mù. Nhưng Chu Lai là người không giỏi thao tác lọai ngôn từ này nên mới viết như thế.
Xin tác giả Nháp bình tĩnh và thành công trong những tác phẩm tới và nên quên đi các loại lời giới thiệu vô thưởng vô phạt như thế này.”
LÊ TỰ 14/11/2008 21:19
Tôi đọc Nguyễn Đình Tú đã lâu, nhưng không thấy có ấn tượng gì. Một loại văn chương hành chính, nghiêm ngắn, bàng bac và ổn định, không có gì để hy vọng.…. Tiểu thuyết "Nháp" của Tú đúng là tác phẩm mới ở dạng "nháp" thôi. Nó là cuốn trung bình non, có gì mà ầm ỹ lên thế. “
Hãy tạm để qua một bên các ý kiến khen chê. Hãy xem tác giả viết gì, đề cập đến vấn đề gì và thái độ của tác giả thế nào trước những vấn đề đó.
Nháp có 2 cốt truyện: Truyện cuả nhân vật xưng Tôi (Thạch ) và Truyện người tù tên Đại. Hai cốt truyện này được kể song song, Tôi và Đại là bạn học thời sinh viên. Hiện Tôi làm phóng viên cho tờ Thời Đại. Truyện bắt đầu từ thời điểm Tôi đi lấy tin để viết bài về cô gái bị giết bên hồ. Sau đó Tôi viết về chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của bố Tôi. Đi theo Melơni, Tôi viết về thái giám ở Huế. Tôi cũng kể lại chuyện tình của mình với Yến, chuyện phiêu lưu tình cảm với Melơni, những kỷ niệm với Đại và những việc liên quan đến Đại khi anh ra tù.Tôi chat với Galacloai (Nguyễn Toàn) và tìm đến nhà, sex đồng tính với hắn. Sau cùng, do một hiểu lầm,Tôi giết hắn. Kết thúc tác phẩm, anh Công đến thăm tôi ở trại giam.
Chuyện của Đại được Tôi nhớ lại. Lời kể là của Đại. Lúc nhỏ Đại ở Phố Núi, bạn cuả Duyên của Hải. Đại thích Thảo, con bác sĩ Toản và có những kỷ niệm đẹp với Thảo. Sau đó Thảo theo cha mẹ lên Hà Nội. Khi về Hà Nội học đại học, Đại làm phu khuân vác ở ga, coi xe ở trung tâm ngoại ngữ rồi làm gia sư để kiếm sống. Duyên yêu Đại, hai người ăn nằm với nhau nhưng Đại vẫn mơ tưởng Thảo . Một lần Đại cứu được một gái điếm tên Thảo khỏi bọn đầu gấu. Việc này làm Duyên hiểu lầm, hai người giận nhau. Duyên bỏ Đại đi theo Hoà chụp ảnh. Hoà ghép ảnh khoả thân của Duyên để tống tình, làm Duyên quẫn trí tự tử. Đại biết chuyện, đến hiệu ảnh cuả Hoà để nói chuyện phải trái. Hoà gây sự, dẫn đến xô sát. Đại đã gây ra cái chết cuả Hoà. Anh bị kết án 8 năm tù. Trong khi đi đồi, Đại đã trốn trại. Anh ở trong chùa Tử Tội 28 ngày, mọi người tưởng Đại đã chết. Nghe nhà sư ở chuà khuyên, Đại về trại và chịu án 6 năm 2 tháng 4 ngày thì được tha. Ra tù, Đại ở lại chuà.Trí đi tìm Đại , yêu cầu Đại đừng quan tâm đến Duyên vì anh ta sắp làm đám hỏi với Duyên. Đại đã hứa với Trí nhưng rồi anh lại trở vế Hà Nội tìm gặp Duyên ngay trước ngày đám hỏi. Đại bị Trí đâm bằng dao bấm phải nằm viện. Sáng hôm sau Đại tìm đến nhà Trí quỳ xin với Trí cho gặp Duyên. Tôi cho Đại ở nhà Tôi và xin cho Đại làm ở báo Thời Đại với tôi. Đại về thăm quê và qua cha Tính biết được điạ chỉ của Thảo. Đại về Hà nội tìm được nhà Thảo. Thảo bị tai nạn xe mất trí. Đại tập cho Thảo dần dần hồi tỉnh. Ngay lúc Đại đi dự lễ báo cáo luận văn thạc sĩ của Duyên thì Thảo đi theo và bị tông xe chết. Một tháng sau Đại thăm tôi ở trại giam. Đại nói với tôi : Chỉ tiếc là chúng ta làm được gỉ để ngăn chặn chính chúng ta”(tr 317)
Nói thật gọn Nguyễn Đình Tú dựng lại thành tiểu thuyết hai án hình sự giết người của nhân vật Đại và Thạch, có ý lý giảỉ nguyên nhân là do hoàn cảnh. Đại vì bảo vệ người yêu (Duyên ) mà gây tai nạn, cũng vậy Thạch cũng do hiểu lầm mà vô ý giết Galacloài . Cả hai nhân vật Đại và Tôi đều không tự kềm chế mình trước hoàn cảnh. Thông qua hai số phận này Nguyễn Đình Tú cho rằng các nhân vật là bản nháp của người khác và là bản nháp của chính mình, họ chưa sống thực, chưa tìm thấy ý nghiã cuộc đời và hạnh phúc thật.Tất cả đều dở dang. Mỗi là con người là một bản nháp nhàu nát cuả số phận.
Nhà phê bình Văn Giá cho rằng:” Đọc Nháp, tôi cho rằng ít nhất Nguyễn Đình Tú làm được hai việc rất quan trọng của tiểu thuyết: Thứ nhất, tiểu thuyết có tư tưởng ; và thứ hai, nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay.”(1)
Quả thực nếu đọc thấp thoáng, người đọc có thể nghĩ rằng Nguyễn Đình Tú (NĐT) có nỗ lực xây dựng một tác phẩm tư tưởng, vì đây đó, NĐT có thốt lên những câu văn có ý nghiã suy nghiệm về thân phận con người. Chẳng hạn,
Gãlacloai (một kẻ đồng tính ) nói với Thạch trong cơn hoan lạc xác thịt: “Trong suốt hành trình nhích lên từng bước tìm tới thiên đường (sex) bạn chỉ im lặng. Ngay cả khi những cơn cực khoaí rừng rực cháy trong người bạn, bạn vẫn là một khối da thịt câm nín. Bạn là một người cô đơn. Chỉ có những kẻ cô đơn tận cùng mới câm nín như thế trong khi hành lạc. Kẻ đó chính là tôi.Hai chúng ta là hai niềm cô đơn như thế “(tr.313). Câu văn này cũng được trích thành một luận đề riêng in ở bià sau của cuốn tiểu thuyết.
Khi được đứng tách riêng ra, câu văn như toát lên một suy nghiệm hiện sinh. Phải chăng đó là Haller trong Der Steppenwolf (Sói Cô Đơn) của Hermann Hesse? Không phải, Haller là người đi tìm chân lý. Còn trong Nháp, Galacloai chỉ là một kẻ đồng tính bệnh hoạn. Hắn chat trên net là để tìm kẻ hành lạc, cách thức của hắn là dụ dỗ, lừa phỉnh và ép buộc. Mục đích của hắn là thoả mãn tối đa khát vọng của con rắn nhục dục trên thân xác người khác (tr. 218, 254). Chẳng có tư tưởng gỉ ở gã đồng tính này, mặc dù tác giả đã gắn cho Tôi (Thạch) những ý nghĩ về sự cô đơn, phụ hoạ với Galacloai.”Tâm trạng của hắn lúc đó là buông xuôi, là bất cần đời, là tìm đến những xu hướng tình dục phi tự nhiên để khám phá mình để khoả lấp nỗi cô đơn toang hoác do Yến để lại”(tr 252). Đây là tâm trạng cô đơn của nhân vật, không phải là sự tra hỏi tiết học về sự cô đơn của thân phận con người trong cõi hiện sinh này.
Phải chăng ý niệm “ nháp” và tâm trạng cô đơn là hai tư tưởng của tác phẩm Nháp ? Điều này cần phải được xem xét trong hệ thống hình tượng, cấu trúc tác phẩm và mục đích, thái độ miêu tả của tác giả. Tư tưởng tự nó toát ra từ hình tượng nhân vật và cốt truyện, không phải qua lời bình của ngoại đề hay lời giải thích của tác giả hoặc sự suy diễn chủ quan cuả nhà phê bình.. Đúng là trong tiểu thuyết Nháp, tác giả có ý định thể hiện chủ đề mỗi con người là một bản nháp cuả người khác, bản nháp của số phận . NĐT cũng tô đậm sự cô đơn ở nhân vật Galacloai, như một luận đề tư tưởng cho tác phẩm. Rất tiếc những ý đồ nghệ thuật ấy bị phủ định bởi chính hệ thống hình tượng mà NĐT xây dựng nên (như đã phân tích ở trên ), bởi mục đích viết tác phẩm cuả NĐT là hướng đến nhu cầu giải trí của thị trường (nhận định của Đoàn Minh Tâm ).
Nháp là làm thử, là dùng nhiều giải pháp để tìm ra cái đúng. Thí dụ, ta làm nháp để giải một bài toán, viết nháp một bài văn, dàn dựng thử một chương trình biểu diễn.... Vì là nháp nên có thể phải làm đi làm lại mới tìm được lời giải đúng cho vấn đề. Bản nháp không phải là bản chính thức, nó thường bị vứt vào sọt rác.Vậy nhân vật nào trong tiểu thuyết Nháp thể hiện “tư tưởng “ này ?
Duyên thuỷ chung với Đại từ trước tới sau, cuộc đời có hướng đi rõ ràng. Cô học ĐHSP, thành đạt cao trong nghề nghiệp (Thạc sĩ) thì cuộc đời của Duyên không thể là bản nháp của chính cô hay của Đại, vì Đại cũng rất yêu Duyên, thuỷ chung với Duyên, bị tù vì Duyên, bị Trí đâm dao cũng vì Duyên.Thảo là hình ảnh cái đẹp lý tưởng của Đại (cũng như Đại thích nhạc của Claydernam, say mê môn học Lịch sử các học thuyềt chính trị). Cô lớn lên trong một gia đình trí thức, có niềm tin tôn giáo thánh thiện, được cha mẹ yêu thương và chăm sóc kỹ. Thảo học ngành muá ở nước ngoài. Cô về nước và tham gia biểu diễn ở nhiêù nơi. Cuộc đời của Thảo là một chọn lựa tốt đẹp, không thể là một bản nháp, Thảo không chết đi để xoá bỏ cuộc đời ấy và làm lại cuộc đời khác, trái lại, cô thanh thản về với Chuá trong tình yêu thương của mọi người (tr. 310). Bố Thạch, bố Đại, bố Duyên sống có lý tưởng, họ đã chiến đấu dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, thắm thiết tình đồng đội. Trong đời thường, họ sống chuẩn mực, có tình có nghiã. Cuộc đời họ không thể là nháp. Vợ chồng bác sĩ Toản, cha Tính, sư chuà Tử Tù, anh Công, liệt sĩ Nguyễn Văn Huy là những người biết sống đẹp, họ hướng đến tha nhân, họ giàu lòng nhân ái và đức hy sinh. Cuộc đời của họ không thể là một bản nháp.
Chỉ còn lại Đại và Tôi (Thạch), Yến, Melơni, có vẻ như họ đang làm nháp cuộc đời họ? tức là họ băn khoăn đi tìm chân lý, đang trải nghiệm nhiều kiếp người để đạt tới giác ngộ, đang dấn thân vào mọi hiểm nguy, mọi thử nghiệm để khám phá giá trị của chính mình? Có thật NĐT xây dựng những nhân vật này với ý đồ tư tưởng như vậy, và nhân vật của anh thể hiện được “tư tưởng “ của anh? Tôi cho rằng đó là một ảo tưởng, vì “tay nghề” cuả Tú chưa đủ sức xây dựng kiều nhân vật như thế, bởi Tú không có tư tưởng như J.P.Satre hay A.Camus…Các nhân vật của NĐT không hề băn khoăn về thân phận con người, không băn khoăn ý nghiã cuộc sống, không băn khoăn về con đường tương lai, cũng không thao thức suy tư về một lý tưởng cao vời. Họ sống bình thường như mọi người.Cuộc sống ổn định. Tôi (Thạch) làm báo với anh Công, được anh Công tín nhiệm, sau thăng chức thư ký toà soạn. Tôi có một người bố hiểu đời, ẩn nhẫn và biết chia sẻ với con. Đại tuy là sinh viên nghèo nhưng chịu khó vưà làm vưà học, yêu nhac của Clayderman, say mê môn học Lịch sử các học thuyềt chính trị , và nếu không có tai nạn xảy ra thì cuộc sống của Đại hẳn sẽ là thành đạt. Yến do đi du học, bị nhiễm lối sống thực dụng mà bỏ Đại. Đó là sự chọn lựa có ý thức, không phải là nháp. Tình yêu của Tôi và Yến cũng là tình yêu tự do, tự chọn lưạ, có ý thức, không phải là nháp. Melơni là một nhà nghiên cứu, cô ta làm cho một trung tâm chuyên nghiên cứu về phương Đông thuộc một trường đại học lớn ở bên Mỹ. Lần này cô sang đây là để thực hiện một dự án với với Viện Đông phương Việt Nam (tr.178). Melơni cũng không phải là một bản nháp. Cô ta chỉ thay đổi bạn tình để tìm khoái lạc phương Đông như thưởng thức món ngon vật lạ phương xa trong chuyến đi. Sau đó từ bỏ món đã ăn thử (Tôi). Đó không phải là nháp.
Các nhân vật không thể hiện “tư tưởng “ nháp , vậy họ làm nháp cái gì ? Xin thưa, Đại, Tôi, Yến, Melơni và Gãlacloai chỉ nháp làm tình. Đủ kiều, làm đi làm lại để đạt cho được đỉnh khoái lạc. Họ tìm kiếm các đối tượng làm tình khác nhau để thoả mãn cho được cái bản năng tính dục như núi lửa trong lòng họ. Sex của họ là để thoả mãn bản năng, kiều sex cuả họ sex là bệnh hoạn. Bao trùm không gian tác phẩm là các trang văn miêu tả cận cảnh những cuộc hành lạc. Họ làm tình với người yêu, với gái điếm. Tôi làm tình với đầm Tây, với gay. Bên bờ hồ, trên bãi biển, trong nhà trọ, ở khách sạn. Họ dùng đủ mọi kỹ thuật, mọi phương tiện, kể cả thuốc kích dục, để có được lạc thú tối đa. Để rồi họ kiệt sức, trở nên bịnh hoạn cả tinh thần và thể xác. Đại bị liệt dương. Thạch bị Dương nuy, cả hai đều sống trong mặc cảm nhục nhã vì thua đàn bà cái khả năng sex, cả hai đều lao vào tìm kiếm cái cách làm sao cho con giống cương lên lâu dài và mạnh mẽ để thoả mãn cho được đòi hỏi nhục dục của đàn bà. Yến bỏ Thạch lấy jack. Melơni bỏ Tonny để chung chạ với Thạch…
Cuối củng ”tư tưởng” nháp hiện nguyên hình chỉ là sự phô trương, cổ vũ cho những trải nghiệm sex bệnh hoạn, vô luân. Đó không phải là “tư tưởng”. Hai chữ “tư tưởng” chỉ là cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, che dấu cái rỗng tuênh bên trong, che dấu sự non kém trong thiết kế ý tưởng, xây dựng nhân vật và cấu trúc tác phẩm. Cuối tác phẩm, NĐT lại cho nhân vật Tôi (vào tù) nói một câu chẳng ăn nhập gì với chủ đề Nháp : Chỉ tiếc là chúng ta làm được gì để ngăn chặn chính chúng ta. Câu này đơn giản chỉ là, cả Đại và Thạch đều không tự ngăn cản mình, để rồi cả hai trở thành những kẻ bệnh hoạn, mù quáng gây án và vào tù. Nháp trần trụi là một truyện hình sự được tác giả nêm nếm đậm đà cho hợp với khẩu vị của dân chơi.
Vậy NĐT định nói gì qua tác phẩm Nháp ?
Mục đích duy nhất những trang viết của NĐT là tả cho được cái cực khoái trong sự hưởng thụ nhục dục (tr.90, 91). Có thể coi Nháp là giáo khoa thư về sex. NĐT viết để khoe cái khả năng sex của mình, để dạy cho các bạn trẻ chưa biết làm tình, để xui giục bạn trẻ thể nghiệm nhiều kiểu sex: Đại và Thạch làm tình với người yêu, với gái điếm, với gay, với me Tây…Sex được miêu tả dày đặc đến thưà mưá, đến tởm lợm trong suốt tác phẩm. Ít nhất NĐT đã miêu tả cận cảnh 11 lần về các kiểu làm tình : Tôi với Yến 3 lần với cận cảnh Tôi hưởng thụ khoaí lạc (tr.87 ; 89 ; 189). Đại và Duyên (tr.131, 146, 148. 153). Sex với gái điếm (tr.200). Làm tình với gay (Galacloai nhiều lần, tr.218), làm tình với cô gái điếm tên Thảo (tr.227), làm tình với Melơni nhiều lần (tr 247). Sex là cơn nghiện như nghiện ma tuý không thể bỏ được (Tôi phải tìm đến Galacloai de tìm thuốc cường dương, và chịu cho gã làm tình đồng tính ).Sex cực kỳ bệnh hoạn. NĐT còn cho nhân vật Galạcloai nói về kích cỡ dương vật mà phụ nữ thích (tr.124). Dương vật cuả đàn ông Việt Nam (166) ngắn và mỏng hơn dương vật đàn ông nước ngoài nên đàn ông VN chịu nhục. Dương vật đàn ông Đức dài14,22cm, đàn ông Úc tương đương với Đức (tr 124), còn Việt nam chỉ dài 11,1cm, kém Đức, Úc hơn 3cm (tr.166). Vì thế mẹ Thạch bỏ bố lấy đàn ông Đức, khiến bố Thạch thấy nhục muốn tự tử. Yến bỏ Thạch lấy Jack (người Úc). Thạch phải cố sức để đáp ứng cho bằng được đòi hỏi sex cuả Melơni để trả mối thù dân tộc vì mất Yến .
NĐT miêu tả thế này: ”Trong tư thế của một kỵ sĩ trên lưng ngựa hắn đưa đẩy liên tục dưới bụng Me (Melơni). Khúc cảm xúc cuả hắn ấm nóng đê mê. Hắn sung sướng khi làm chủ được nó. Me tha hồ vặn vẹo, ngập, dướn, quẫy, đạp, mà cái khúc ấy cứ trơ trơ…Hoá ra hắn cũng can trường lắm chứ. Hắn đang dội những trái phá khủng khiếp vào sự coi thường dục tính của cha con hắn. Suốt đêm hôm ấy cho đến gần hết buổi sáng ngày hôm sau, hắn còn vần Me ra, đẩy Me lên thiên đường vài lần nữa. Đến khi Me tã tượi đến mức không còn cảm giác nữa thì hắn mới phun trào dòng nham thạch ra trước khi núi lửa nhục dục trong lòng hắn tắt ngấm (250)…chỉ có cưới Me thì hắn mới thoả mãn, mới thở phào như vừa trả xong một mối cừu thù”(tr.252). Có lẽ không cần và không nên nhắc lại 11 lần NĐT miêu tả cận cảnh những cách, những tư thế làm tình của các nhân vật, bởi vì không nên phơi bày sự trần trụi bản năng như loài vật ra trước mặt mọi người, bởi đó là sự bệnh hoạn về tư tưởng, là biểu hiện suy đồi về văn hoá.
Khi NĐT cho rằng phụ nữ Việt Nam bỏ chồng (mẹ của Tôi), bỏ người yêu VN (Yến) để lấy người nước ngoài chỉ vì thích dương vật của đàn ông nườc ngoài dài hơn, dày hơn, tôi nghĩ đó là một nhận thức tha hóa đến tận cùng, là một sự xúc phạm không thể tha thứ đối với phụ nữ Việt Nam, xúc phạm đến cả một nền văn hoá của một dân tộc, văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống.
Điều này NĐT không thể che dấu, dù anh có khoác cho sex cái vỏ trí thức : các nhân vật đều là sinh viên, là thạc sĩ, tiến sĩ ; dù anh có khéo nguỵ trang dưới những luận bàn có vẻ khách quan khoa học qua những lần chat với Galacloai,(được giới thiệu là một bác sĩ nam khoa, một tiến sĩ học ở Nhật), thực chất là một tên gay bệnh hoạn đến quái đản. Sex cuả NĐT vẫn chỉ là một thứ sex vô văn hoá, có chăng được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ giàu có hơn, hoa mỹ hơn Đỗ Hoàng Diệu trong Bóng Đè một chút. Bởi vì khi miêu tả những cảnh ấy, tác giả, với tư cách nhà văn, không hề có lời phê phán những nghĩ suy lệch lạc cuả các nhân vật, phê phán những hành vi đồi bại bệnh hoạn của nhân vật trẻ. Hơn thế tác giả còn tỏ ra sành sỏi, hân hoan hưởng thụ khoái cảm, như một hướng dẫn viên tận tình chỉ vẽ cho khách chơi mới lần đầu tiếp cận hành lạc. Tác giả còn khai thác hết mức mọi phương tiện để cho sex đạt tới cực đỉnh cực khoái. Cho Đại ngậm viên ngọc đá mỗi khi cần làm tình mà dương vật không cương lên được (Đại bị liệt dương ), cho Thạch uống rượu và uống thuốc kích dục của Galacloai (Thạch bị bệnh Dương nuy), thậm chí tác giả còn kê hai toa thuốc Tàu , loại thuốc cường dương , kèm với phần giảng giải công năng của các vị thuốc và cách sử dụng thuốc nưã (298, 299)(!!!).
Chính thái độ miêu tả sex như thế giúp người đọc hiểu rõ mục đích viết Nháp cuả NĐT. Nếu trước đây những cuốn như Bảy Đêm Khoái Lạc, Cô Giáo Thảo bị coi là đồi truỵ, bị truy quyét thì Nháp còn đồi truỵ gấp nhiều lần những cuốn sách truyền tay nhau ấy, chỉ vì nó được khoác cái vỏ “tư tưởng” và vỏ trí thức, khiến cho người ta phải lưỡng lự khi kết luận về nó, không biết nó là một tác phẩm tư tưởng hay một cuốn sách đồi trụy! Sự độc hại, nguy hiểm của Nháp chính là ở chỗ lập lờ ấy.
Để xác định được Nháp có phải là sách đồi truỵ hay không, xin thử làm một trắc nghiệm này : Cứ cho dựng phim những cảnh Đại và Tôi hành lạc với Duyên, với Yến, với gay, với Melơni (thí dụ tr.153,188, 218…) xem có nữ diễn viên nào dám đóng phim đúng những gì NĐT miêu tả không, xem có rạp nào dám chiếu những cảnh “con heo” ấy không. Môt clip sex của Hoàng Thuỳ Linh bị phát hiện thì toàn xã hội đã lên án. Nếu những cảnh quay cuả Nháp được phát sóng tôi không hiểu dư luận se công phẫn đến thế nào. Bởi nó đồi trụy gấp trăm lần so với clip của Hoàng Thuỳ Linh. Vì nó sẽ góp phần làm sụp đổ giá trị văn hoá cuả không biết bao nhiêu gia đình Việt Nam và làm tha hoá không biết bao nhiêu người trẻ.
Sex là một bản năng như mọi bản năng. Đã là bản năng thì nó luôn đòi hỏi phải thoả mãn, không thể khác được. Tuy vậy cần nhận rõ những khác biệt giữa bản năng sex và các bản năng khác. Người ta có thể ăn uống đông vui giữa chốn hội hè, có thể vui chơi giải trí cùng với nhau ở bãi biển, ở sân vận động trong những trò chơi tập thể.., nhưng nhân loại, dù là thời ăn lông ở lỗ, cũng không thể sex tập thể, sex trần trụi giữa ban ngày ban mặt, trước mặt mọi người . Bởi sex không phải là tất cả. Cuộc sống còn nhiều giá trị khác cao đẹp hơn, lớn lao hơn cần thiết hơn, mà con người cần phải vươn tới, đạt cho được, để sống cho ra Con Người. Con người khác loài vật ở chỗ con người nâng bản năng lên thành văn hoá, và con người trong bản chất của nó là con người xã hội.Mọi hành vi văn hoá đều chịu sự quy định của ý thức văn hoá cuả cộng đồng. Nhà văn có thể viết về mọi thứ, kể cả sex , nhưng nhà văn là một phần tử của cộng đồng, anh ta không thể vượt ra ngoài phong tục, tập quán, ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ của cộng đồng. Lý thuyết tiếp nhận của Hans Robert Jaiss và thuyết hồi ứng của Stanley Fish đã chỉ ra rằng mỗi cộng đồng đều có một “chiến lược diễn dịch chung bao gồm những hệ thông niềm tin, quy phạm quy ước chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh giá tác phẩm (2)
Sẽ có người cho rằng những chuyện NĐT miêu tả là thường tình (Ngô Tự Lập. tr.318), rằng quan niệm về tình dục ở VN bây giờ đã thoáng, rằng không nên mang mặt nạ đạo đức khi đánh giá tác phẩm, không nên bắt nhà văn phải gánh lấy trách nhiệm xã hội. Văn chương chỉ là những trò chơi chữ nghiã nhằm giải trí, chẳng làm được trò trống gì cho cuộc đời này, rằng thời hôm nay là thời của Hậu Hiện Đại, không còn chỗ cho những “đại tự sự”, không còn những tín niệm, những giá trị bất biến…rằng ngôn ngữ chỉ là cái biểu đạt dẫn tới cái biểu đạt khác, không phản ánh xã hội, vì thế không còn chân lý. Ngôn ngữ không có cái tục cái thanh, cái sang cái hèn. Nghệ thuật không còn là sự khám phá và thể hiện cái đẹp. Cái tục hay cái đẹp là ngang nhau…
Tôi cho rằng những nhận thức như thế chỉ phản ánh sự suy đồi trong nghệ thuật mà thôi, nó che dấu những mục đích xấu xa đối với xã hội, nó lừa mị những người ngu ngơ đón gió. Nó làm đảo lộn mọi giá trị, khiến cho có lúc người ta không còn biết bám vào tiêu chí nào để đánh giá tác phẩm, khiến cho những tác phẩm sex bẩn, những thứ dung tục vô văn hoá tràn ra như nước vỡ bờ, từ đây những tệ nạn xã hội phủ một bóng đen lo lắng lên tâm thức của toàn xã hội. Tôi nghĩ rằng khi hội nhập với thế giới, ta phải giữ được bản sắc văn hoá cuả ta, phải toả sáng bản sắc ấy, không thể để bị tha hoá như những gì Nháp miêu tả.
Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá riêng. Nền văn hoá ấy giữ cho dân tộc được trường tồn và phát triển. Nhà văn sống trong một cộng đồng, là con dân cuả một dân tộc, không thể đứng ngoài nền văn hoá cuả dân tộc mình, không được phép dùng ngòi bút làm tha hoá nền văn hoá ấy. Hãy nhìn vào những thực tế này. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton vì quan hệ với Lewinski đã phải giải trình trước một ban bồi thẩm về quan hệ tình dục của mình với một cô nữ sinh, bị hạ viện luận tội vì nói dối và lạm dụng quyền lực, bị kết tội là tạo cơ hội cho Đảng Cộng hòa giành quyền lợi trong quốc hội từ tay Đảng Dân chủ, phải ngủ ở ghế sô pha hàng tháng trời trong sự nghi ngờ và mất lòng tin của vợ con..(3). Nhà văn Salman Rushdie bị giáo chủ Ayatollah Khomeini ban hành đạo luật fatwa kêu gọi các tín hữu khắp nơi có "bổn phận" gặp Rushdie phải giết chết, vì tập Những vần thơ của quỷ sa tăng đã dám xúc phạm và phỉ báng đạo Hồi. Gần đây Ở Mỹ và Châu Âu đã có nhiều chiến dịch quốc tế rầm rộ chống nạn ấu dâm của các linh mục Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trên nhiều diễn đàn quốc tế, đã liên tiếp xin lỗi về sự nhuốc nha xấu hổ của nạn lạm dụng tình dục trẻ em. (4) Còn ở Việt Nam, một vị chủ tịch UBND Tỉnh vừa bị khai trừ Đảng, bị cách chức, bị bãi nhiệm đại biểu HĐND Tỉnh vì tội “thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong Đảng và xã hội”(5).Rõ ràng xã hội nào, nền văn hoá nào cũng coi những gì liên quan đến sex trần trụi, sex bản năng là tội lỗi, và có thái độ quyết liệt tẩy rửa cho sạch những hậu quả tệ hại của nó nhằm làm trong sạch bầu khí văn hoá cuả cộng đồng.
Một thực tế nhỏ hơn, một sản phẩm khi đưa ra thị trường phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn. Chẳng hạn, sản phẩm sữa, không được có độc tố Melamine. Nếu có độc tố, nó phải bị thu hồi ngay và nhà sản xuất phải chịu hình phạt. Một tác phẩm văn chương cũng vậy. Nhà văn có thể viết mọi điều anh ta nhận thức và cảm nghĩ, nhưng khi tác phẩm được tung ra thị trường, anh ta phải chịu trách nhiệm về những độc tố và tác hại của nó (nếu có) với xã hội, và nếu là một cây bút có lương tri, anh ta phải biết sám hối.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị chỉ rõ :” - Văn học, nghệ thuật là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.”Thử hỏi Nháp góp phần xây dựng hay đạp đổ nền tảng tinh thần của xã hội và giá trị truyền thống của văn hoá gia đình Việt Nam ?
Trở lại vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.
Đoàn Minh Tâm cho rằng Nháp có 4 cái mới như sau: Một là ngôn ngữ, hai là “độ mở”, ba là cách xây dựng nhân vật và bốn là tính giải trí. Tiểu thuyết của NĐT có chất luật, chất linh biểu hiện ở tính hình sự điều tra… “xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình”, “Nháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường.”(6). Bà Lê Minh Hiền (Biên tập viên NXB Thanh Niên, người biên tập tiểu thuyết Nháp): “Nháp đề cập đến một đề tài mới đó là tâm sinh lý của thanh niên thời đại ngày hôm nay, với những ẩn ức sinh lý và đời sống tình dục bất thường của họ. Khi quyết định có đưa in ở NXB Thanh Niên hay không cũng phải cân nhắc rất nhiều. Thế nhưng càng đọc càng thấy cuốn hút, hơn nữa Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề”.(7)
Hai ý kiến sau đây là có cơ sở Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề và Nháp có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường.
NĐT có kỹ thuật chuyển cảnh khá nhuần nhiễn. Cuối câu chuyện cuả Thạch ở hiện tại, NĐT dùng một chi tiết liên tưởng, từ đó nhớ lại câu chuyện của Đại ở quá khứ. Truyện được kể mạch lạc theo tuyến thời gian. Mỗi một sự việc cuả Đại được triển khai thành một cảnh, thí dụ kỷ niệm lúc Thảo đến lớp, kỷ niệm ở núi rồng, phu khuân vác nhà ga, chuyện cái túi đựng ngọc của Thảo, chuyện cây sấu, nhân vật Thảo chợt ẩn chợt hiện, cốt truyện đầy những biến cố bất ngờ, cuốn hút. NĐT có khả năng phân tích tâm lý sắc xảo, tỉnh táo, viết bạo tay ở nhiều cảnh. Vốn ngôn ngữ giàu có, đặc biệt trong miêu tả sex, khả năng xâu chuỗi các sự việc trong một cốt truyện chặt chẽ. Những đoạn đối thoại đọc rất thú vị. Đoạn miêu tả tình cha con giữa Tôi (Thạch ) và bố rất thấm thía. Nhân vật Thảo con bác sĩ Toản có thể trở thành một nhân vật tư tưởng, những câu chuyện Đại nghe được trong chùa Tử Tội giàu ý nghiã nhân văn…giọng văn trầm tĩnh thấu tình đạt lý, một nghệ thuật tả sống động như film. Đúng như nhận xét của bà Lê Minh Hiển : Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề.
Tôi ngạc nhiên vì nhận xét sau đây của Đoàn Minh Tâm về nghệ thuật của NĐT :” : “xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình”. Tôi bị buộc phải đọc lại tác phẩm xem trong Nháp nhân vật nào là nhân vật thần kinh. Duy nhất có Đại bị coi là tâm thần. Nhưng trong suốt tác phẩm, tôi không thấy anh ta có biểu hiện gì lệch lạc về não trạng. Anh ta chỉ bị bạn bè gọi đuà là “Một thằng tâm thần, một kẻ hoang tưởng,một gã chập mạch, Một dạng dặt dẹo, một tên khố bện, một kiểu ma cô vật vờ nơi giảng đường, trường nào chẳng có vài ba đứa”(tr.9). Thực tế Đại rất tỉnh táo, suy nghĩ chín chắn, hành động đúng mực như một người bình thường có nhân cách, biết tự trọng. Chẳng hạn những suy nghĩ của Đại lúc trốn ở chùa Tử Tù. Anh ta tìm và phát hiện ra những vị trí nào có thể trốn, đó là cái giếng và gầm bàn thờ. Đại đã trốn ở đó an toàn 28 ngày. Và khi nghe sư trụ trì nói chuyện với cây trúc xanh, Đại đã nhận ra vấn đề. Anh trở lại trại. Rõ ràng Đại rất khôn ngoan, cả trong suy nghĩ và hành động, làm sao có thể kết luận Đại là kiểu nhân vật thần kinh ! Có lẽ Đoàn Minh Tâm cũng muốn đùa với NĐT như bạn bè của Đại chăng?
Nhưng Đoàn Minh Tâm có cơ sở khi nhận xét Nháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường. Nháp là cái lẩu thập cẩm đủ mọi món. Sex đủ kiểu, hình sự giết người, đồng tính, gái điếm và đầu gấu, kích cỡ dương vật, chuyện thuốc chữa bịnh bất lực . Chuyện tù trốn trại, chuyện Việt Cộng hy sinh trong hầm, chuyện ngoại cảm,chuyện trong nhà chùa, nhà thờ, chuyện thái giám, chuyện tự tử, có cả những giấc mơ lạc vào nơi chỉ có đàn bà…
Khi kết nối những câu chuyện ấy lại với nhau, NĐT lộ ra sự non tay cuả mình, tác phẩm tư tưởng trở thành tác phẩm giải trí rẻ tiền.
Nhiều chi tiết, tình huống trong Nháp chỉ là những “sáng tạo” giả, được tác giả biạ ra và gán cho tác phẩm. Nó làm mất đi tính chân thật nghệ thuật, biến tác phẩm văn chương thành một thứ để giải trí. Chẳng hạn, để xử lý nhân vật Thảo, NĐT miêu tả Thảo đi siêu thị với mẹ. Lúc về, nàng đánh rơi con gấu bông xuống đường. Khi quay lại nhặt, Thảo bị xe đụng, ngất đi. Sau đó nàng chìm trong hôn mê (tr. 304). Một cô gái 20 tuổi không thể xử trí như trẻ con lên ba vậy. Bệnh mất trí của Thảo bác sĩ Toản không chưã được. Sau khi ra tù, Đại tìm đến nhà Thảo, anh dùng tâm lý trị liệu giúp Thảo hồi phục dần. Một lần, sau khi chữa cho Thảo, Đại đi dự lễ trình luận văn của Duyên, Thảo đi theo, cô bị đụng xe lần nữa. Lần này Thảo tỉnh hẳn, không còn bị mất trí. Cô nhận ra mọi người, sau đó Thảo về với Chuá. Những chi tiết ấy là sự vay mượn môtip phim Hàn Quốc, nhân vật bịđụng xe, hôn mê, rất lâu sau tỉnh lại. Kiểu xây dựng nhân vật như vậy đã quá nhàm chán đối với khán giả VN. Một tình huống khác, Trí đã lên Chuà Tử Tù gặp Đại, đề nghị Đại không gặp Duyên nữa, vì hai người sắp làm đám hỏi. Nhưng Đại đã về gặp Duyên, sẵn sáng đón nhận lưỡi dao bấm của Trí . Đại bị ngất đi và được Duyên chăm sóc trong bệnh viện. Khi tỉnh lại, Đại bỏ bệnh viện tìm đến nhà Trí, quỳ trước Trí mà cầu xin ân huệ (tr. 293), bị Trí tát bốp vào mặt và chửi Đại là thằng hèn (tr.294). Tại sao Đại làm như thế ? NĐT đã cho diễn một lớp của sân khấu cải lương có vẻ bi thiết, nhưng thực ra, đó chỉ là trò giả, diễn vụng về trong sân khấu hiện thực.
Về sử dụng tư liệu, NĐT đưa vào truyện mấy trang viết về thái giám ở Huế (tr.244) chẳng ăn nhập gì với cốt truyện. NĐT còn sai kiến thức ở tư liệu về thánh lễ trong nhà thờ (tr.67).NĐT cho cha Tính đọc Kinh Thú Nhận (gọi đúng tên là Kinh Cáo Mình ) để kết thúc thánh lễ. Thực ra Kinh Thú Nhận được đọc ở đầu lễ. Để kết thúc thánh lễ, linh mục Công Giáo chỉ đọc lời chúc bình an cho giáo dân: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Viết về ngoại cảm trong việc đi tìm hài cốt người chết, NĐT đã không có gì khám phá mới hơn so với những gì báo chí đã đưa tin. Anh không có khả năng viết về những hiện tượng tâm linh, ngoài việc coppy lại những tin tức thời sự trên những phương tiện truyền thông.
NĐT hoàn toàn thất bại trong việc xây dựng nhân vật. Nhap không có được một nhân vật tích cực nào để chuyên chở những thông điệp đúng đắn làm xương cốt tư tưởng cho tác phẩm. Những nhân vật như sư chùa Tử Tù, cha Tính không làm sáng lên chân lý, không có sức hoán cải cuộc sống của nhân vật. Các nhân vật bố Đại, bố Thạch, vợ chồng bác sĩ Toản tuy là những người lương thiện nhưng hoàn toàn bất lực trước thực tại. Họ không là những nhân vật chính chuyên chở chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Còn lại là Đại, Thạch, Duyên, Yến, Trí, Melơni, Galacloai là những nhân vật thuộc tầng lớp trí thức, lẽ ra sẽ là lớp người ưu tú của thời đại, nhưng NĐT chỉ dùng họ để phô diễn sex, phô diễn một lối sống vô luân bệnh hoạn. Cái “trí thức” của họ không được miêu tả dùng vào việc gì có ích cho xã hội. Duyên học Đại Học Sư Phạm, làm luận văn Thạc Sĩ, liệu một cô giáo đã tan nát cả hồn và xác như thế khi ra trường sẽ dạy các em học sinh điều gì? Các em sẽ nhìn “cô” thế nào? Đại cũng là một gia sư, anh ta sẽ làm gương gì cho học sinh của mình? Rõ ràng những nhân vật chính của Nháp là hiện thân những nhận thức rất sai của NĐT về hiện thực. NĐT chỉ theo đuôi các tác giả khác, dùng sex để vừa thỏa mãn vừa phô trương bản năng tính dục của mình và để câu khách cho tác phẩm. NĐT không biết rằng anh đang góp phần đánh đổ những nền tảng văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam. Thật không thể tưởng tượng nổi, nhân vật Bố cuả Tôi, một chiến sĩ can trường trong kháng chiến chống Mỹ, lại định treo cổ tự tử vì nỗi nhục là đàn ông Việt Nam có dương vật ngắn và mỏng hơn dương vật đàn ông Đức hơn 3cm, (tr.197)
NĐT bẻ cong yêu cầu của bút pháp hiện thực khi xây dựng các nhân vật. Thạch có gốc gác xã hội hẳn hoi, một nhà báo có nhân thân tốt, tốt nghiệp ĐH ngành luật, được giáo dục và quản lý chặt chẽ trong tổ chức , được bố ân cần chăm sóc, anh rất thương bố.Thạch còn được cất nhắc lên làm thư ký toà sọan báo Thời Đại. Anh rất khôn ngoan, nhạy bén phân tích ngoại cảnh và nội tâm trong mọi tình huống và rút được rất nhiều kinh nghiệm từ những lần viết bài về những vụ án. Vậy mà chỉ tình cờ trong đêm chờ Melơni, Thạch lại tìm đến nhà Galacloai, rồi buông thả (tr.251), để bị gã ép làm tình đồng tính, sau đó hoàn toàn lệ thuộc vào gã, trở lại tìm gã nhiều lần, sau cùng lại phạm tội giết người. Cũng vậy, Duyên có bố là phó chủ tịch huyện, Duyên là con gái duy nhất (tr.130) được chăm sóc kỹ, là nguồn hy vọng của cả gia đình. Là người xuất thân từ nông thôn, Duyên đã sống vươn lên, cô học ĐH Sư Phạm và nỗ lực phấn đấu tốt nghiệp Thạc sĩ. Một cô gái trí thức, sống rất tình nghiã , là hy vọng của ngành giáo dục. Vậy mà Duyên lại giao du với tên Hoà để bị tống tình, gây ra cái án cho Đại. NĐT đã lấy chuyện thời sự về việc ghép hình sex các nữ diễn viên, lắp ghép vào Duyên một cách ngờ nghệch, để tạo nên những gay cấn bi kịch giả. Cảnh Trí bắn lưỡi dao bấm đâm Đại mượn của phim xã hội đen. Đại, Duyên, Trí là trí thức, họ đâu phải là những tên đầu gấu trong xã hội đen, họ có cách xử trí của người trí thức. NĐT đã làm hỏng tính cách cá nhân vật của mình, từ đó phá huỷ tính tư tưởng mà anh muốn thể hiện trong tác phẩm.
Nếu NHÁP là một bản nháp thì cần xoá đi viết lại. Bởi nó chưa có hồn cốt. Trước hết cần xoá đi những nhận thức sai lệch của NĐT về văn chương về trách nhiệm nhà văn và về ý thức thẩm mỹ mà NĐT thể hiện trong Nháp. Bởi nếu không xoá những thứ tha hoá này đi thì dù có viết gì NĐT cũng không vượt qua trình độ nháp. Cái gọi là một cây bút có nghề thực chất chỉ là nghề coppy và paste. NĐT coppy những mẩu tin thời sự rồi paste vào nhân vật của mình một cách vụng về, bất chấp những yêu cầu cuả bút pháp hiện thực và sự phát triển tính cách cuả nhân vật để triển khai chủ đề. NĐT cắt dán đủ thứ thời sự. Anh cố ý làm cho câu truyện trở nên rậm rạp, gay cấn, có đủ mùi . Anh trộn lẫn tất cả, mùi sex, mùi xã hội đen, mùi lâm ly, mùi thánh thiện, mùi chiến tranh, mùi cổ điển, mùi khoa học, mùi tâm linh, mùi trì thức, mùi đầu gấu và cả mùi buồn nôn nữa…cuối cùng Nháp trở thành cái mùi không thể ngửi được. Nghiã là cần xoá đi làm lại cả cái nghề viết cuả NĐT trong Nháp nữa. Bởi viết như thế này thì NĐT chỉ là em út cuả Đỗ Hoàng Diệu, là học trò vụng về cuả Y Ban, và là hậu duệ rất xa cuả Cô Giáo Thảo và Bảy Đêm Khoái Lạc. Đến bao giờ NĐT mới học được Vũ Trọng Phụng ?
Ngay cả ý kiến cho rằng , Nhap có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường cũng không thể chấp nhận được, vì Nháp đem đến cho người đọc sự giải trí bằng sex đồi bại, bằng gây cấn bạo lực kiểu xã hội đen, bằng những tri thức khoa học được dùng với mục đích giả nguỵ, và bằng một lối sống đạp đổ mọi giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Dù là giải trí, người đọc cũng cần được cung cấp những cái vui tươi trong sáng tốt đẹp có khả năng bồi bổ tâm hồn, làm thăng tiến giá trị văn hoá. Giải trí như thế này, trước sau người đọc cũng bị “tẩu hỏa nhập ma” mà đi tìm Galacloai để rồi theo chân Thạch vào trại thôi!
Viết đến đây tôi giật mình về những lời quảng cáo có cánh ở trên. Nhà văn Chu Lai phong thánh cho NĐT: Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu bước tiếp... Tôi thì nghĩ ngược lại, NĐT phải cúi đầu vì mình đã bôi một vết rất đen lên mặt xã hội . Bởi vì toàn Đảng , toàn dân đang tích cực học tập đạo đức Hồ Chí Minh, để làm trong sạch bộ mặt xã hội Việt Nam Nháp đóng góp gì vào cuộc vận động lớn này? Nhà phê bình Văn Giá thì nâng NĐT lên ngang tầm “nhà văn lớn “ của thế giới : Đọc Nháp, tôi cho rằng ít nhất Nguyễn Đình Tú làm được hai việc rất quan trọng của tiểu thuyết: Thứ nhất, tiểu thuyết có tư tưởng ; và thứ hai, nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay”(1).Tôi đã chỉ ra Nháp chẳng có tư tưởng gì ngoài việc phô trương những trải nghiệm sex của NĐT, còn việc Nháp có nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay cũng chỉ là một lời khen không có nội dung, bởi NĐT không viết Nhap để phản ánh hiện thực, bởi NĐT đã vi phạm những nguyên tắc của bút pháp hiện thực, vì thế Nháp không phải là tác phẩm phản ánh hiện thực như những tác phẩm văn học thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những nhân vật trong Nháp không là điển hình cho thế hệ thanh niên VN hiện đại. Đúng là có một bộ phận thanh niên lệch lạc, bệnh hoạn, lặn ngụp trong chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã sex phương Tây, nhưng thời đại cuả người trẻ hôm nay không phải toàn một màu đen ngập nguạ sex , máu nước mắt và đổ vỡ như Nháp miêu tả.
Tôi hiểu ra điều này, tại sao :” văn học Việt Nam đang mất dần độc giả!”(8) Bởi văn học VN hiện nay đang có đầy dẫy những bản nháp vụng về, bởi những lời quảng cáo có cánh tạo nên những vòng hào quang ảo giác trên những thứ hàng giả, hàng có độc tố đánh lừa người đọc. Và tất nhiên họ chỉ bị lưà một lần thôi, lần sau họ bỏ đi, vì lòng tin đã bị tổn thương không sao khâu vá được.
Bùi Công Thuấn. Tháng 7.2010
_____________________________________
(1) http://vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3553:nhap-hay-la-mt-s-xi-xao-ang-tran-trng&catid=11:sach-v-nha-s-4&Itemid=21
(2) Nguyễn Hưng Quốc-Các lý thuyết phê bình văn học từ đầu thế kỷ 20 đến nay
(3) http://vietbao.vn/Giai-tri/Nguoi-tinh-tong-thong-My-Monica-Lewinski-dang-hoi-han/65047343/235/
(4) http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-gh-benedicto-xvi-va-vu-murphy/
(5) http://www.vietnamnet.vn/tinnhanh/201007/Thu-tuong-yeu-cau-bai-nhiem-chuc-vu-ong-Nguyen-Truong-To-924568/
(6) http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=117&so=19
(7) http://vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3553:nhap-hay-la-mt-s-xi-xao-ang-tran-trng&catid=11:sach-v-nha-s-4&Itemid=21
(8) Thiên Ý : http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2010/7/53923.cand
(*) Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, tại Kiến An (Hải Phòng); hiện là Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010
DỊ BẢN, DỊ DẠNG, DỊ...Phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn
Bùi Công Thuấn đọc Văn trẻ
DỊ BẢN
Tập truyện ngắn của KENG*. Nxb văn Nghệ 2009
Keng trình làng một mẫu “dị bản “ của người trẻ thời @, chủ yếu là nhân vật nữ. Kiểu nhân vật này hoàn toàn khác với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ trẻ này, do một hoàn cảnh nào đó, đã bị biến dạng đi, xô lệch đi, phá cách đi so với chuẩn mực của xã hội Việt Nam. Nói cho đúng, Keng khẳng định một mẫu hình người phụ nữ trẻ mới. Đó là con người bứt phá hết mọi trói buộc của văn hoá truyền thống, khoác lên mình cái hình hài văn hoá thực dụng phương Tây, một người phụ nữ hoàn toàn “tự do”, tức là không bị ràng buộc bởi ý thức lấy chồng, thiên chức làm vợ và làm mẹ , không bận tâm giữ gìn tiết hạnh, nhất là tự do quan hệ với đàn ông và thoải mái sex với họ.
Họ có dáng nét chung thế này : trẻ, không phải bận tâm về kiếm sống. Một em thổ lộ :” Một năm rưỡi, em chuyển chỗ ở 3 lần. Hài lòng với công việc hiện tại của mình, công việc dễ thương, đồng nghiệp dễ thương, sếp dễ thương… song cuộc sống của em vẫn nhàn nhạt. Em không có một chỗ dựa khi mệt mỏi, dù chẳng lúc nào em ở một mình. Người ta lướt qua cuộc đời em, cũng như em lướt qua cuộc đời nhiều người khác để rồi cuốn xoáy theo những vòng quay rã rời. Vòng quay đó, đẩy em ly tâm khỏi xúc cảm đích thực khi sống “(tr.49). Họ giao tiếp với đàn ông một cách vô cảm. “yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao”, người tình nếu có, chỉ như chiếc áo khoác trong nhất thời. Đan nói :” em cặp với ai cũng chỉ để vui thôi mà “(tr.198), “Đan coi những chuyện đã qua chỉ là tình một đêm “(193). Họ là ai trong xã hội? Nhân vật Em tự định danh mình như sau :”Bạn bè của người ấy ai cũng cặp bồ, họ đều quan niệm’cặp bồ là mốt’. Dĩ nhiên em là vợ hai, là người yêu, là bồ nhí,… của người ấy. Có lần người ấy hỏi em thích được gọi bằng gì? Em lơ đễnh :’ Vợ bé, nhân tình, bồ nhí, phở,… gì cũng được’, rồi bất chợt chùng xuống ‘…hoặc là gái gọi cũng chẳng sao’. Em giải thích :’thì chẳng phải lúc nào anh gọi em mới đến sao?’ “(tr.53). Hoàn cảnh sống của họ : “ là kẻ lông bông, gia đình ở xa, một mình bon chen giữa thành phố xô bồ…”(114).Tính cách của họ hao hao nhau: ”Từng trải, gai góc, sành sỏi”(tr.74). Họ đốp chát, huỵch toet vào mặt đàn ông :”Chẳng phải đàn ông chỉ cần vui vẻ trong chốc lát thôi sao? Chẳng phải đàn ông chỉ vì chút dục vọng có thể chà đạp lên tất cả mọi giá trị sao ? chẳng phải anh đã có gia đình rồi mà vẫn lao vào em ngoại tình ?( 198)
Họ hoàn toàn xa lạ với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ truyền thống coi phẩm hạnh, tình nghiã thuỷ chung là giá trị hàng đầu. Những cô gái dị bản không hề bận tâm đến phẩm hạnh, không hề biết trơ trẽn khi nhân phẩm loã lồ. Nếu người phụ nữ truyền thống coi việc có chồng, có con, đảm đang xây dựng gia đình, lấy đức hy sinh cho chồng con làm nền tảng của hạnh phúc thì trái lại, những dị bản không nghĩ đến chuyện chồng con, vì không tin ai , ăn ngủ với nhiều người mà không bận tâm đến tra hỏi về giá trị nhân phẩm. Đạo thuỷ chung, đức hy sinh là hoàn toàn xa lạ. Người phụ nữ truyền thống (nhân vật Hai Bà Trưng - Lời Than Vãn Của Bà Trưng Trắc, Nguyễn Ái Quốc ), nhân vật người phụ nữ trong văn học cách mạng còn có phẩm chất xã hội cao đẹp hơn, như phẩm chất anh hùng, tình làng nghiã xóm, tình đồng chí đồng bào, họ dám xả thân cho nghiã lớn.Nhân vật dị bản chỉ quanh quẩn trong cái tôi của mình, trong không gian ảo, quán café, khách sạn và khi không còn lối thoát, thì một vốc thuốc ngủ là xong đời (tr.175)
Xa rời truyền thống, những cô gái dị bản có gốc gác xã hội từ đâu ? Ai cũng hiểu tính cách của dị bản thực chất là văn hoá của chủ nghiã thực dụng phương Tây, chủ nghiã cá nhân, chủ nghiã sex, như một phương cách giải phóng phụ nữ (khỏi đạo đức phong kiến). Thích ai thì mời lên giường, qua đêm, “quấn quýt lấy nhau tíu tít trong phút giây, rồi lại bình thản nhìn nhau như người dưng giữa cuộc đời “(tr 39). Với họ, sex là một bản năng như mọi bản năng cần đáp ứng thế thôi. Như, đói thì ăn, khát thì uống, lên cơn xác thịt thì tìm thoả mãn, chán thì chia tay. Không đạo đức, không ràng buộc, không là bất cứ giá trị nhân phẩm nào. Nhân vật dị bản có thể rao bán trái tim, đại hạ giá, xuống mức cho không biếu không (169).
Keng tô đậm những đường nét này ở những nhân vật dị bản, một cách khẳng định, một cách tự tin, như một lẽ sống, một đắc thắng đối với phẩm hạnh truyền thống. Các nàng dị bản đã quật ngã các chàng ( với tư cách là dân chơi) trong những cuộc tranh luận. Nhân vật Tôi phải thú nhận chiu thua (tr.205). Điếu này có nghiã gì? Phải chăng Keng muốn rao truyền kiểu sống như vậy cho các bạn gái trẻ? Nếu tác giả có chủ đích như vậy thì đó là sự tha hoá trong ý thức của người cầm bút đáng lên án và sẽ là tuyệt vọng để tìm sự cứu rỗi.
Có thể tác giả KENG cũng là một dị bản, một dị dạng của nhân cách.
Keng trả lời trong một cuộc phỏng vấn :
“Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.”(1)
Hỏi :-“Keng có nói, không phủ nhận yêu nhiều người. Liệu Keng có phủ nhận đã “have sex” với nhiều người không ?”
Keng trả lời :-”Hơn 1 đã là số nhiều, dĩ nhiên trước giờ tôi không chỉ có duy nhất 1 tình yêu để nảy sinh mối quan hệ có sex với duy nhất một người” (tr.212)
Những trả lời của tác giả Keng giúp người đọc hiểu những gì Keng viết trong Dị Bản cũng là những phiên bản của chính tác giả, viết để tự bào chữa cho chính mình và rao truyền “triết lý” sống ấy cho người khác. Keng thú nhận :”… trong mắt gia đình tôi bây giờ, tôi mang tính cách của các nhân vật nữ đã xây dựng. Gia đình tôi nghĩ có thể tôi là Les (đồng tính nữ), quan hệ tình dục bừa bãi, yêu đương nhố nhăng…”(tr 210). Keng biết rõ điều này :”Không biết có ai chấp nhận nổi mình trong gia đình của họ để làm vợ, làm mẹ?Nhưng tôi sẽ vẫn là tôi, khó thay đổi “(tr.211). “Văn là người” , chắc chắn gia đình Keng có cơ sở để nghĩ như vậy, và người đọc cũng không nghĩ khác về tác giả Keng.
Minh triết phương Đông và chuẩn mực văn hoá Việt không hề có kiểu cô gái dị bản như thế. Người phụ nữ Việt hiểu rõ thiên chức làm vợ và làm mẹ. Hạnh phúc của họ là ở chính thiên chức ấy, vì “phúc đức tại mẫu”. Người vợ, người mẹ là cội phúc của gia đình. Tình yêu trong hôn nhân bao giờ cũng là tình yêu trách nhiệm, thuỷ chung, giàu đức hy sinh. Sex không phải là một giá trị, một thú vui, mà tiết hạnh mới là đạo đức. Vì thế người phụ nữ trong văn hoá Việt được nhân dân được tôn thờ. Cả nước có rất nhiều đền thờ “thánh mẫu “. Cả nước hiện vẫn đang “đền ơn đáp nghĩa” các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự thuỷ chung, đức hy sinh của họ làm nên đất nước này. Hơn ai hết, người phụ nữ Việt Nam thể hiện đầy đủ nhất nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bởi lịch sử suốt 4000 năm dân tộc này phải chống ngoại xâm.
“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng”
(Mặt Đường Khát Vọng- Đất Nước-Nguyễn Khoa Điềm )
Nếu những người vợ ấy không là cái gốc của gia đình và xã hội, liệu người lính ngoài mặt trận có yên tâm và có sức chiến đấu không ? và dân tộc này có còn tồn tại trước những sức mạnh xâm lược quân sự và văn hoá không? Chúng ta hiểu rõ, bản lĩnh của một dân tộc thể hiện ở vẻ đẹp và sức mạnh văn hoá của dân tộc ấy. Rõ ràng nhận thức của Keng trong Dị Bản đã mất gốc về văn hoá
Nhân vật dị bản mất gốc về văn hoá nên mất cả định hướng cuộc sống, Họ không còn tìm thấy giá trị của cuộc sống. Nhi đã trải qua cuộc tình với Bảo, Phương, Hải, Tuấn, Anh, Quân, nhưng “Đời sống của Nhi chênh vênh không điểm tựa. Công việc dính liền với cái máy vi tính khiến Nhi trải lòng mình vào mạng ảo. Chat, mail, forum, blog… ồn ào trong những ảo ảnh của con tim cô độc”(tr.71), “ Nhi cười nói ầm ĩ nhưng trong lòng đã mòn một niềm tin”(tr73)
Keng thú nhận :”Biết sao hông ? Bởi vì cuộc sống của Keng nhàm tẻ quá! Keng không biết tìm niềm vui ở đâu, cho nên chỉ còn cách dựa vào thế giới ảo, bấu víu vào những gì không thực để huyễn hoặc mình”, ”vậy thì mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133). Keng đã nói như thế thì chúng ta chẳng có gì phải bàn về những cô gái dị bản như Keng nữa.
Tuy vậy, ở góc độ tác phẩm, không phải tác giả Keng hoàn toàn phủ định giá trị truyền thống trong tình yêu, hôn nhân và đạo đức. Nhân vật Chị và nhân vật Tôi nhiều lần lên tiếng nhắc nhở những dị bản, nhưng những tiếng nói ấy yếu ớt lắm.
Chị nói :”Nhưng em cũng đứng tuổi rồi, nên xác định cho mình một tương lai. Đừng như thế mãi, không tốt đâu. Em không nghĩ mình phải lấy chồng sao?” ( Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao.tr47)
Tôi khuyên Đan :”Nếu em thấy tình yêu đem lại hạnh phúc, sao không thử tiến đến hôn nhân?”
Đan trả lời :”Hạnh phúc gì đâu!Thỉnh thoảng yêu để thay đổi không khí chút. Chứ gắn liền nhịp sống của mình với một người nào đó, em chịu không thấu. Thực lòng mà nói em không nhớ được mình đã yêu những ai nữa”(Dị Bản.tr.188)
Trong suốt tập truyện ngắn , tác giả Keng có nhắc nhiều đến “quá khứ đau thương “ của các nhân vật, như là nguyên nhân gây ra những dị bản , chẳng hạn trường hợp Đan bị bố dượng hãm hiếp để trả thù mẹ Đan (Dị Bản ), nhưng theo dõi các nhân vật, hầu hết họ là hậu qủa cuả lối sống công nghiệp phương Tây hiện đại, quay quắt trong sự giao lưu văn hoá mà không định hướng được đâu bản sắc Việt. Họ không thể tự quân bình được chính mình. Cách sống của họ là một hình thức phản kháng yếu đuối, nếu không noí là bất lực. Keng có nói thật điều này:”Em yếu đuối trong cái vỏ gai góc, bản lịnh…”(tr. 56):
“…lúc nào em cũng không hài lòng về bản thân mình, chán nản với cuộc sống cầu bơ cầu bất của kẻ xa gia đình, bởi vì em bơ vơ, bởi vì ngoài bản thân, em không có bất cứ một điều gì khác. Trong sự mưu sinh chật vật, em đánh mất bao điều quan trọng của đời người. Em không biết ước mơ của mình nằm ở đâu? Em bất lực nhìn sự tự tin trôi tuột khỏi suy nghĩ mình. Sự sôi sục của tuổi trẻ lụi tàn trên thể xác kiệt quệ của em, và cái lăng kính màu hồng em từng nhìn đời phai màu xám xịt”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.56)
Những mẫu cô gái dị bản là có thật trong đời sống, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ của người trẻ. Chỉ có điều Keng đã tô quá đậm về họ và nâng lối sống của họ lên như một kiểu mẫu lý tưởng. Keng xác nhận :”Tôi thấy cuộc sống của mình rất tốt, độc lập, không chịu bất cứ sự kiềm tỏa nào. Có rất nhiều người tâm sự rằng mong muốn có một cuộc sống hoàn toàn tự do như tôi, để được phép quyết định mọi chuyện mình làm “(tr214).
Tôi nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng của tác giả Keng. Trong cõi đời này, làm gì có cái gọi là “hoàn toàn tự do”. Bởi chính Keng đang là con rối của chủ nghiã cá nhân vị kỷ, chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã sex phương Tây, mà Keng lầm tưởng là tự do. Keng mất gốc về văn hoá Việt và đang ngụp lặn lầm lạc trong văn hoá phương Tây đó thôi. “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, nó bị chi phối bởi xã hội. Giá trị của một con người là giá trị xã hội. Phẩm giá và ý nghiã đời người cũng nằm trong xã hội. Con người trần trụi, hoang dã, con người bản năng, thì không phải là con người văn hoá. Nhân loại phải mất bao nhiêu thế kỷ mới vươn lên từ con người bản năng thành con người văn hoá. Cái “hoàn toàn tự do” mà Keng miêu tả, cổ vũ trong Dị Bản là tự do sex với bất kỳ ai, không văn hoá, không đạo đức, kể cả không nhân phẩm. và cuối cùng là một vốc thuốc ngủ như chính Keng thú nhận : mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133).”Hoàn toàn tự do” như thế, nào có ích gì cho ai trong cõi đời này? Nếu Đặng Thuỳ Trâm còn sống, đọc những dòng này, chị sẽ nghĩ gì về những cô gái dị bản thế hệ sau mình ?
Nhưng tôi nghĩ rằng ở ngoài đời thực, tác giả Keng không nghĩ suy và sống như nhân vật của mình. Có chăng đó chỉ là những ẩn ức của Keng, vỡ ra thành nhân vật thôi, như cái nhọt nung mủ trong não trạng, trong vô thức, phải vỡ ra sự hôi thối không thể khác được.
Như vậy, sau khi cho nhân vật thoả mãn mọi khát vọng bản năng, lăn mình trần truồng vô cảm theo tiếng gọi của chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã cá nhân và cái gọi là tư do sex của phương Tây , Tác giả Keng đã nhận ra, từ những trải nghiệm đớn đau truyệt vọng, những giá trị nhân văn của phương Đông về những ý nghiã và giá trị đời người. Hầu như trong tập truyện, những chàng trai tốt đều bỏ những cô gái dị bản mà đi, sau khi đã cố thuyết phục họ không được. Cô gái điếm đã ngộ ra :”Nàng là một con điếm đã hoàn lương, nàng không thể sống bất cần như trước đây, nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình… cuộc sống của nàng rồi sẽ lại nguyên sơ xúc cảm “(Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau, tr.36). Vâng đúng . Trong cuộc sống , mỗi người phải có trách nhiệm với chính mình, và mọi người xung quanh. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải chỉ là tiền, là sex, là tự do thỏa mãn bản năng, là sống như loài thú hoang. Hạnh phúc lại ở trong chính việc thực hiện trách nhiệm của mình, khi mình biết hướng lòng yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Ai cũng cần có điểm tựa tinh thần, ai cũng cần hơi ấm. “Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều”. Trải nghiệm ấy của Keng đáng để bạn trẻ suy nghĩ.
Tác giả nhắn gửi mọi người : “Sống trên đời ai cũng cần một chiếc áo khoác cho tâm hồn, bởi có nhiều lúc ta cảm thấy lạnh. Nếu ta biết rằng mình là một chiếc áo cho ai đó, hãy cố gắng giữ ấm cho trái tim của người ấy nhé. Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều… sau câu chuyện kể, đó là lời nhắn nhủ của em. Mong rằng sẽ không còn ai lạnh lẽo, cô độc trên đời”( ”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.60)
Trong Dị Bản cũng có truyện khứa vào được những vấn đề xã hội, làm nhói buốt trái tim người đọc (Vàng, Dị Bản ).Những truyện này chứng tỏ Keng có năng lực viết vượt lên chính cái tôi cuả mình. Những truyện khác chỉ là tâm trạng , nghĩ suy của nhân vật tôi (phiên bản của tác giả). Keng chưa vượt qua được bước đầu tiên của nghề viết, là vượt ra ngoài nghĩ suy, trải nghiệm của cái tôi tác giả. Keng chưa hoá thân vào những kiếp người khác, chưa nói được tiếng nói nhân sinh trong những hình hài, những hoàn cảnh ngoài cuộc sống của chính Keng.
Dị Bản là một tự truyện không hơn không kém, Keng thú thực: “Dị bản thực chất là một trong số các entry tôi viết cách đây hơn một năm”.(2) tuy có hư cấu, có thay tên đổi họ nhân vật, có đặt họ vào những không gian khác nhau. Đọc suốt tập truyện, người đọc có cảm giá Dị Bản chỉ là truyện của một nhân vật. Mỗi truyện ngắn là một chương của một truyện dài. Thí dụ, truyện Chấm Hết, chỉ là nối tiếp miêu tả lần gặp gỡ thứ 6, sau 5 lần gặp gỡ trong truyện Tình Ảo Như Cánh Diều Đang Bay. Có thể liên tưởng thế này :
Keng là một dị bản, là một Les, vì thế Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao. Gia đình, Người tình như chiếc áo khoác. Nàng đã trải qua nhiều người đàn ông (như NHI trong Những cuộc tình chia lià chầm chậm ). Tất cả chỉ là “khúc tình không tên, Mong Manh Hư ảo, Tình ảo Như cánh Diều Đang Bay, con đường tình ngày càng tuột dốc, đến nỗi Rao bán trái tim, tình cho không biếu không cũng bị từ chối. Cuộc đời cứ như Những sợi len đan rối vào nhau.Tự tử nhiều lần cũng không thoát trách nhiệm, sau cùng con đường duy nhất là hoàn lương, “nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình “(tr.36)
Cái yếu nhất của ngòi bút Keng là thiếu vốn sống, Keng tỏ ra không biết “trời cao đất dày” xung quanh mình. Không gian truyện của Keng chỉ là vài quán café xung quanh hồ Con Ruà, vài chuyến vào Nam, ra Bắc, ra Vũng Tàu hoặc sang Thái Lan. Tác giả chỉ kể chứ không miêu tả cụ thể cảnh sắc, con người, sinh hoạt của từng nơi. Xã hội Việt Nam hiện tại có bao nhiêu điều cần nhà văn lên tiếng nói, chẳng hạn nạn phá thai ở người trẻ (mỗi năm ở VN có khoảng 1.6 triệu ca nạo phá thai, do người trẻ sống buông thả như keng) ; chẳng hạn tội ác ngày càng tăng trong giới trẻ, như giết người yêu, chặt đầu, cắt khúc phi tang; chẳng hạn tình trạng mất văn hóa do sự xâm lăng văn hoá từ bên ngoài khi VN mở cửa hội nhập…Cuộc sống đang tiến về phiá trước, có bao nhiêu cái đẹp mới ở người trẻ mà những thế hệ trước không có mà nhà văn có thể khẳng định. Dị Bản trình bày một bức tranh u ám chán ngắt về người trẻ. Những con người không còn ý thức gì về chính sự sống của mình. Không lý tưởng, không mục tiêu vươn lên, không có ý thức gì về cộng đồng, về đất nước, càng không có ý thức gì về văn hoá, về cái đẹp về những giá trị nhân văn cần giữ gìn.
Thực tình mà nói, đọc Keng, vài truyện đầu, tôi còn có một chút thú vị về giọng văn đáo để của con gái xứ Bắc, về ngôn ngữ chat trên net, về cách nói năng huỵch toẹt vào mặt nhau của những kẻ không còn ý thức nhân phẩm, về cá tính mạnh mẽ của một cây bút nữ, dám thổ lộ mình trực tiếp trong tác phẩm. Keng cũng có được những câu văn hay, có những nghĩ suy triết lý (kiểu triết lý vặt), những đoạn tâm trạng thấm thiá. Nhưng đọc thêm, tôi thấy chán ngắt, bởi vì cả tập truyện chỉ có một kiều bút pháp, một kiểu nhân vật, một kiểu thể hiện . Thực ra Keng chưa hiểu gì về bút pháp, về thi pháp truyện ngắn và ý thức sáng tạo. Keng mới viết ở dạng bản năng. Cụ thể là, nhân vật chưa hiện lên được như những chân dung, những tính cách, những số phận độc đáo, có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ.
Không gian truyện của Keng vô cùng tù túng, cuộc sống ngột ngạt không sao chịu nổi. Cách miêu tả áp đặt đến cực đoan (Nhi, Đan…). Tính sáng tạo nghệ thuật rất ít, nhiều chỗ kết nối vụng về và lặp lại. Chẳng hạn, nhân vật nữ về khuya, không vào nhà được, phải ngủ lại nhà bạn trai, chung giường tự nhiên, thế rồi là sex (Nhi với Quân, tr.72- Mộc, tr.102 – Đan và Tôi, tr 191…). Có một truyện Keng hé lộ năng lực sáng tạo của mình là Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau. Nhân vật cô gái điếm ngủ mơ thấy mình chết , hồi tưởng quá khứ. Sau đó tiếng mèo kêu đánh thức mình dậy. Nhưng truyện này Keng viết Cải lương quá, hời hợt và gượng gạo, thiếu tính logic hiện thực.
Tác giả Keng nói về việc “sáng tác” của mình thế này : - Tôi cũng tự nhận thấy hầu hết các nhân vật nữ trong Dị bản đều na ná nhau. Đây là lần đầu tiên tôi viết truyện. Trước đây, tôi thực sự không có ý sẽ viết truyện và in sách. Chính vì vậy mà khi viết những entry - truyện ngắn, nhân vật nào tôi cũng lôi tính cách của mình vào. Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.(1)
Tác giả Keng tiết lộ phản ứng của độc giả sau khi tập truyện Dị Bản phát hành : ”Họ nói văn thơ của tôi vớ vẩn, rẻ tiền, tôi bị bệnh hoang tưởng, tôi cần trở về cuộc sống bình thường…”(tr 210) Phản ứng của Keng là thế nào khi mobile của cô có tin nhắn SMS “mắng chửi” cô ? :”tôi ghét bị nháy máy vô cùng, thường nó làm tôi bực bội và chỉ muốn tra ra tận cùng kẻ đó là ai để hù cho kẻ đó biết mặt. Thực tình là tôi khá đanh đá !”(210). Tôi nghĩ, khi đã cầm bút, nhà văn phải chịu đựng được những ý kiến phản hồi của độc giả. Họ có lý của họ, bởi khi tác phẩm đã được phát hành, nó thuộc về công chúng. Tác giả đã chết (R. Barthes)
Ngòi bút của Keng có một vài mặt mạnh, nhưng nó còn ở dạng tiềm năng. Nếu Keng tiếp tục viết như đã viết Dị Bản thì phản ứng của bạn đọc cũng sẽ giống với thái độ gia đình Keng như tác giả thổ lộ ; ”Gia đình tôi nói không muốn đọc những tác phẩm sau này của tôi nữa nếu cứ tiếp tục viết như thế”(tr.210).
Bùi Công Thuấn. Tháng 7.2010
___________________________________
(*) Tác giả Keng
Tên thật: Đỗ Thị Thùy Linh. Ngày sinh: 21/10/1983. Hiện đang theo nghề copywriter tại Công ty Quảng cáo
New D&N, TPHCM.
(1) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews
(2) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews
DỊ BẢN
Tập truyện ngắn của KENG*. Nxb văn Nghệ 2009
Keng trình làng một mẫu “dị bản “ của người trẻ thời @, chủ yếu là nhân vật nữ. Kiểu nhân vật này hoàn toàn khác với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ trẻ này, do một hoàn cảnh nào đó, đã bị biến dạng đi, xô lệch đi, phá cách đi so với chuẩn mực của xã hội Việt Nam. Nói cho đúng, Keng khẳng định một mẫu hình người phụ nữ trẻ mới. Đó là con người bứt phá hết mọi trói buộc của văn hoá truyền thống, khoác lên mình cái hình hài văn hoá thực dụng phương Tây, một người phụ nữ hoàn toàn “tự do”, tức là không bị ràng buộc bởi ý thức lấy chồng, thiên chức làm vợ và làm mẹ , không bận tâm giữ gìn tiết hạnh, nhất là tự do quan hệ với đàn ông và thoải mái sex với họ.
Họ có dáng nét chung thế này : trẻ, không phải bận tâm về kiếm sống. Một em thổ lộ :” Một năm rưỡi, em chuyển chỗ ở 3 lần. Hài lòng với công việc hiện tại của mình, công việc dễ thương, đồng nghiệp dễ thương, sếp dễ thương… song cuộc sống của em vẫn nhàn nhạt. Em không có một chỗ dựa khi mệt mỏi, dù chẳng lúc nào em ở một mình. Người ta lướt qua cuộc đời em, cũng như em lướt qua cuộc đời nhiều người khác để rồi cuốn xoáy theo những vòng quay rã rời. Vòng quay đó, đẩy em ly tâm khỏi xúc cảm đích thực khi sống “(tr.49). Họ giao tiếp với đàn ông một cách vô cảm. “yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao”, người tình nếu có, chỉ như chiếc áo khoác trong nhất thời. Đan nói :” em cặp với ai cũng chỉ để vui thôi mà “(tr.198), “Đan coi những chuyện đã qua chỉ là tình một đêm “(193). Họ là ai trong xã hội? Nhân vật Em tự định danh mình như sau :”Bạn bè của người ấy ai cũng cặp bồ, họ đều quan niệm’cặp bồ là mốt’. Dĩ nhiên em là vợ hai, là người yêu, là bồ nhí,… của người ấy. Có lần người ấy hỏi em thích được gọi bằng gì? Em lơ đễnh :’ Vợ bé, nhân tình, bồ nhí, phở,… gì cũng được’, rồi bất chợt chùng xuống ‘…hoặc là gái gọi cũng chẳng sao’. Em giải thích :’thì chẳng phải lúc nào anh gọi em mới đến sao?’ “(tr.53). Hoàn cảnh sống của họ : “ là kẻ lông bông, gia đình ở xa, một mình bon chen giữa thành phố xô bồ…”(114).Tính cách của họ hao hao nhau: ”Từng trải, gai góc, sành sỏi”(tr.74). Họ đốp chát, huỵch toet vào mặt đàn ông :”Chẳng phải đàn ông chỉ cần vui vẻ trong chốc lát thôi sao? Chẳng phải đàn ông chỉ vì chút dục vọng có thể chà đạp lên tất cả mọi giá trị sao ? chẳng phải anh đã có gia đình rồi mà vẫn lao vào em ngoại tình ?( 198)
Họ hoàn toàn xa lạ với người phụ nữ truyền thống. Người phụ nữ truyền thống coi phẩm hạnh, tình nghiã thuỷ chung là giá trị hàng đầu. Những cô gái dị bản không hề bận tâm đến phẩm hạnh, không hề biết trơ trẽn khi nhân phẩm loã lồ. Nếu người phụ nữ truyền thống coi việc có chồng, có con, đảm đang xây dựng gia đình, lấy đức hy sinh cho chồng con làm nền tảng của hạnh phúc thì trái lại, những dị bản không nghĩ đến chuyện chồng con, vì không tin ai , ăn ngủ với nhiều người mà không bận tâm đến tra hỏi về giá trị nhân phẩm. Đạo thuỷ chung, đức hy sinh là hoàn toàn xa lạ. Người phụ nữ truyền thống (nhân vật Hai Bà Trưng - Lời Than Vãn Của Bà Trưng Trắc, Nguyễn Ái Quốc ), nhân vật người phụ nữ trong văn học cách mạng còn có phẩm chất xã hội cao đẹp hơn, như phẩm chất anh hùng, tình làng nghiã xóm, tình đồng chí đồng bào, họ dám xả thân cho nghiã lớn.Nhân vật dị bản chỉ quanh quẩn trong cái tôi của mình, trong không gian ảo, quán café, khách sạn và khi không còn lối thoát, thì một vốc thuốc ngủ là xong đời (tr.175)
Xa rời truyền thống, những cô gái dị bản có gốc gác xã hội từ đâu ? Ai cũng hiểu tính cách của dị bản thực chất là văn hoá của chủ nghiã thực dụng phương Tây, chủ nghiã cá nhân, chủ nghiã sex, như một phương cách giải phóng phụ nữ (khỏi đạo đức phong kiến). Thích ai thì mời lên giường, qua đêm, “quấn quýt lấy nhau tíu tít trong phút giây, rồi lại bình thản nhìn nhau như người dưng giữa cuộc đời “(tr 39). Với họ, sex là một bản năng như mọi bản năng cần đáp ứng thế thôi. Như, đói thì ăn, khát thì uống, lên cơn xác thịt thì tìm thoả mãn, chán thì chia tay. Không đạo đức, không ràng buộc, không là bất cứ giá trị nhân phẩm nào. Nhân vật dị bản có thể rao bán trái tim, đại hạ giá, xuống mức cho không biếu không (169).
Keng tô đậm những đường nét này ở những nhân vật dị bản, một cách khẳng định, một cách tự tin, như một lẽ sống, một đắc thắng đối với phẩm hạnh truyền thống. Các nàng dị bản đã quật ngã các chàng ( với tư cách là dân chơi) trong những cuộc tranh luận. Nhân vật Tôi phải thú nhận chiu thua (tr.205). Điếu này có nghiã gì? Phải chăng Keng muốn rao truyền kiểu sống như vậy cho các bạn gái trẻ? Nếu tác giả có chủ đích như vậy thì đó là sự tha hoá trong ý thức của người cầm bút đáng lên án và sẽ là tuyệt vọng để tìm sự cứu rỗi.
Có thể tác giả KENG cũng là một dị bản, một dị dạng của nhân cách.
Keng trả lời trong một cuộc phỏng vấn :
“Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.”(1)
Hỏi :-“Keng có nói, không phủ nhận yêu nhiều người. Liệu Keng có phủ nhận đã “have sex” với nhiều người không ?”
Keng trả lời :-”Hơn 1 đã là số nhiều, dĩ nhiên trước giờ tôi không chỉ có duy nhất 1 tình yêu để nảy sinh mối quan hệ có sex với duy nhất một người” (tr.212)
Những trả lời của tác giả Keng giúp người đọc hiểu những gì Keng viết trong Dị Bản cũng là những phiên bản của chính tác giả, viết để tự bào chữa cho chính mình và rao truyền “triết lý” sống ấy cho người khác. Keng thú nhận :”… trong mắt gia đình tôi bây giờ, tôi mang tính cách của các nhân vật nữ đã xây dựng. Gia đình tôi nghĩ có thể tôi là Les (đồng tính nữ), quan hệ tình dục bừa bãi, yêu đương nhố nhăng…”(tr 210). Keng biết rõ điều này :”Không biết có ai chấp nhận nổi mình trong gia đình của họ để làm vợ, làm mẹ?Nhưng tôi sẽ vẫn là tôi, khó thay đổi “(tr.211). “Văn là người” , chắc chắn gia đình Keng có cơ sở để nghĩ như vậy, và người đọc cũng không nghĩ khác về tác giả Keng.
Minh triết phương Đông và chuẩn mực văn hoá Việt không hề có kiểu cô gái dị bản như thế. Người phụ nữ Việt hiểu rõ thiên chức làm vợ và làm mẹ. Hạnh phúc của họ là ở chính thiên chức ấy, vì “phúc đức tại mẫu”. Người vợ, người mẹ là cội phúc của gia đình. Tình yêu trong hôn nhân bao giờ cũng là tình yêu trách nhiệm, thuỷ chung, giàu đức hy sinh. Sex không phải là một giá trị, một thú vui, mà tiết hạnh mới là đạo đức. Vì thế người phụ nữ trong văn hoá Việt được nhân dân được tôn thờ. Cả nước có rất nhiều đền thờ “thánh mẫu “. Cả nước hiện vẫn đang “đền ơn đáp nghĩa” các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự thuỷ chung, đức hy sinh của họ làm nên đất nước này. Hơn ai hết, người phụ nữ Việt Nam thể hiện đầy đủ nhất nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bởi lịch sử suốt 4000 năm dân tộc này phải chống ngoại xâm.
“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng”
(Mặt Đường Khát Vọng- Đất Nước-Nguyễn Khoa Điềm )
Nếu những người vợ ấy không là cái gốc của gia đình và xã hội, liệu người lính ngoài mặt trận có yên tâm và có sức chiến đấu không ? và dân tộc này có còn tồn tại trước những sức mạnh xâm lược quân sự và văn hoá không? Chúng ta hiểu rõ, bản lĩnh của một dân tộc thể hiện ở vẻ đẹp và sức mạnh văn hoá của dân tộc ấy. Rõ ràng nhận thức của Keng trong Dị Bản đã mất gốc về văn hoá
Nhân vật dị bản mất gốc về văn hoá nên mất cả định hướng cuộc sống, Họ không còn tìm thấy giá trị của cuộc sống. Nhi đã trải qua cuộc tình với Bảo, Phương, Hải, Tuấn, Anh, Quân, nhưng “Đời sống của Nhi chênh vênh không điểm tựa. Công việc dính liền với cái máy vi tính khiến Nhi trải lòng mình vào mạng ảo. Chat, mail, forum, blog… ồn ào trong những ảo ảnh của con tim cô độc”(tr.71), “ Nhi cười nói ầm ĩ nhưng trong lòng đã mòn một niềm tin”(tr73)
Keng thú nhận :”Biết sao hông ? Bởi vì cuộc sống của Keng nhàm tẻ quá! Keng không biết tìm niềm vui ở đâu, cho nên chỉ còn cách dựa vào thế giới ảo, bấu víu vào những gì không thực để huyễn hoặc mình”, ”vậy thì mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133). Keng đã nói như thế thì chúng ta chẳng có gì phải bàn về những cô gái dị bản như Keng nữa.
Tuy vậy, ở góc độ tác phẩm, không phải tác giả Keng hoàn toàn phủ định giá trị truyền thống trong tình yêu, hôn nhân và đạo đức. Nhân vật Chị và nhân vật Tôi nhiều lần lên tiếng nhắc nhở những dị bản, nhưng những tiếng nói ấy yếu ớt lắm.
Chị nói :”Nhưng em cũng đứng tuổi rồi, nên xác định cho mình một tương lai. Đừng như thế mãi, không tốt đâu. Em không nghĩ mình phải lấy chồng sao?” ( Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao.tr47)
Tôi khuyên Đan :”Nếu em thấy tình yêu đem lại hạnh phúc, sao không thử tiến đến hôn nhân?”
Đan trả lời :”Hạnh phúc gì đâu!Thỉnh thoảng yêu để thay đổi không khí chút. Chứ gắn liền nhịp sống của mình với một người nào đó, em chịu không thấu. Thực lòng mà nói em không nhớ được mình đã yêu những ai nữa”(Dị Bản.tr.188)
Trong suốt tập truyện ngắn , tác giả Keng có nhắc nhiều đến “quá khứ đau thương “ của các nhân vật, như là nguyên nhân gây ra những dị bản , chẳng hạn trường hợp Đan bị bố dượng hãm hiếp để trả thù mẹ Đan (Dị Bản ), nhưng theo dõi các nhân vật, hầu hết họ là hậu qủa cuả lối sống công nghiệp phương Tây hiện đại, quay quắt trong sự giao lưu văn hoá mà không định hướng được đâu bản sắc Việt. Họ không thể tự quân bình được chính mình. Cách sống của họ là một hình thức phản kháng yếu đuối, nếu không noí là bất lực. Keng có nói thật điều này:”Em yếu đuối trong cái vỏ gai góc, bản lịnh…”(tr. 56):
“…lúc nào em cũng không hài lòng về bản thân mình, chán nản với cuộc sống cầu bơ cầu bất của kẻ xa gia đình, bởi vì em bơ vơ, bởi vì ngoài bản thân, em không có bất cứ một điều gì khác. Trong sự mưu sinh chật vật, em đánh mất bao điều quan trọng của đời người. Em không biết ước mơ của mình nằm ở đâu? Em bất lực nhìn sự tự tin trôi tuột khỏi suy nghĩ mình. Sự sôi sục của tuổi trẻ lụi tàn trên thể xác kiệt quệ của em, và cái lăng kính màu hồng em từng nhìn đời phai màu xám xịt”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.56)
Những mẫu cô gái dị bản là có thật trong đời sống, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ của người trẻ. Chỉ có điều Keng đã tô quá đậm về họ và nâng lối sống của họ lên như một kiểu mẫu lý tưởng. Keng xác nhận :”Tôi thấy cuộc sống của mình rất tốt, độc lập, không chịu bất cứ sự kiềm tỏa nào. Có rất nhiều người tâm sự rằng mong muốn có một cuộc sống hoàn toàn tự do như tôi, để được phép quyết định mọi chuyện mình làm “(tr214).
Tôi nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng của tác giả Keng. Trong cõi đời này, làm gì có cái gọi là “hoàn toàn tự do”. Bởi chính Keng đang là con rối của chủ nghiã cá nhân vị kỷ, chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã sex phương Tây, mà Keng lầm tưởng là tự do. Keng mất gốc về văn hoá Việt và đang ngụp lặn lầm lạc trong văn hoá phương Tây đó thôi. “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, nó bị chi phối bởi xã hội. Giá trị của một con người là giá trị xã hội. Phẩm giá và ý nghiã đời người cũng nằm trong xã hội. Con người trần trụi, hoang dã, con người bản năng, thì không phải là con người văn hoá. Nhân loại phải mất bao nhiêu thế kỷ mới vươn lên từ con người bản năng thành con người văn hoá. Cái “hoàn toàn tự do” mà Keng miêu tả, cổ vũ trong Dị Bản là tự do sex với bất kỳ ai, không văn hoá, không đạo đức, kể cả không nhân phẩm. và cuối cùng là một vốc thuốc ngủ như chính Keng thú nhận : mục đích duy nhất của Keng là hoàn thành cuộc sống của mình. Keng đã muốn hoàn thành nó từ lâu rồi, nhưng sau bao nhiêu lần tự tử thì cái mục đích đó vẫn dang dở”(tr.133).”Hoàn toàn tự do” như thế, nào có ích gì cho ai trong cõi đời này? Nếu Đặng Thuỳ Trâm còn sống, đọc những dòng này, chị sẽ nghĩ gì về những cô gái dị bản thế hệ sau mình ?
Nhưng tôi nghĩ rằng ở ngoài đời thực, tác giả Keng không nghĩ suy và sống như nhân vật của mình. Có chăng đó chỉ là những ẩn ức của Keng, vỡ ra thành nhân vật thôi, như cái nhọt nung mủ trong não trạng, trong vô thức, phải vỡ ra sự hôi thối không thể khác được.
Như vậy, sau khi cho nhân vật thoả mãn mọi khát vọng bản năng, lăn mình trần truồng vô cảm theo tiếng gọi của chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã cá nhân và cái gọi là tư do sex của phương Tây , Tác giả Keng đã nhận ra, từ những trải nghiệm đớn đau truyệt vọng, những giá trị nhân văn của phương Đông về những ý nghiã và giá trị đời người. Hầu như trong tập truyện, những chàng trai tốt đều bỏ những cô gái dị bản mà đi, sau khi đã cố thuyết phục họ không được. Cô gái điếm đã ngộ ra :”Nàng là một con điếm đã hoàn lương, nàng không thể sống bất cần như trước đây, nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình… cuộc sống của nàng rồi sẽ lại nguyên sơ xúc cảm “(Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau, tr.36). Vâng đúng . Trong cuộc sống , mỗi người phải có trách nhiệm với chính mình, và mọi người xung quanh. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải chỉ là tiền, là sex, là tự do thỏa mãn bản năng, là sống như loài thú hoang. Hạnh phúc lại ở trong chính việc thực hiện trách nhiệm của mình, khi mình biết hướng lòng yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Ai cũng cần có điểm tựa tinh thần, ai cũng cần hơi ấm. “Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều”. Trải nghiệm ấy của Keng đáng để bạn trẻ suy nghĩ.
Tác giả nhắn gửi mọi người : “Sống trên đời ai cũng cần một chiếc áo khoác cho tâm hồn, bởi có nhiều lúc ta cảm thấy lạnh. Nếu ta biết rằng mình là một chiếc áo cho ai đó, hãy cố gắng giữ ấm cho trái tim của người ấy nhé. Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghiã hơn rất nhiều… sau câu chuyện kể, đó là lời nhắn nhủ của em. Mong rằng sẽ không còn ai lạnh lẽo, cô độc trên đời”( ”( Gia đình, Người tình & Áo khoác. Tr.60)
Trong Dị Bản cũng có truyện khứa vào được những vấn đề xã hội, làm nhói buốt trái tim người đọc (Vàng, Dị Bản ).Những truyện này chứng tỏ Keng có năng lực viết vượt lên chính cái tôi cuả mình. Những truyện khác chỉ là tâm trạng , nghĩ suy của nhân vật tôi (phiên bản của tác giả). Keng chưa vượt qua được bước đầu tiên của nghề viết, là vượt ra ngoài nghĩ suy, trải nghiệm của cái tôi tác giả. Keng chưa hoá thân vào những kiếp người khác, chưa nói được tiếng nói nhân sinh trong những hình hài, những hoàn cảnh ngoài cuộc sống của chính Keng.
Dị Bản là một tự truyện không hơn không kém, Keng thú thực: “Dị bản thực chất là một trong số các entry tôi viết cách đây hơn một năm”.(2) tuy có hư cấu, có thay tên đổi họ nhân vật, có đặt họ vào những không gian khác nhau. Đọc suốt tập truyện, người đọc có cảm giá Dị Bản chỉ là truyện của một nhân vật. Mỗi truyện ngắn là một chương của một truyện dài. Thí dụ, truyện Chấm Hết, chỉ là nối tiếp miêu tả lần gặp gỡ thứ 6, sau 5 lần gặp gỡ trong truyện Tình Ảo Như Cánh Diều Đang Bay. Có thể liên tưởng thế này :
Keng là một dị bản, là một Les, vì thế Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao. Gia đình, Người tình như chiếc áo khoác. Nàng đã trải qua nhiều người đàn ông (như NHI trong Những cuộc tình chia lià chầm chậm ). Tất cả chỉ là “khúc tình không tên, Mong Manh Hư ảo, Tình ảo Như cánh Diều Đang Bay, con đường tình ngày càng tuột dốc, đến nỗi Rao bán trái tim, tình cho không biếu không cũng bị từ chối. Cuộc đời cứ như Những sợi len đan rối vào nhau.Tự tử nhiều lần cũng không thoát trách nhiệm, sau cùng con đường duy nhất là hoàn lương, “nàng phải có trách nhiệm với tương lai của mình “(tr.36)
Cái yếu nhất của ngòi bút Keng là thiếu vốn sống, Keng tỏ ra không biết “trời cao đất dày” xung quanh mình. Không gian truyện của Keng chỉ là vài quán café xung quanh hồ Con Ruà, vài chuyến vào Nam, ra Bắc, ra Vũng Tàu hoặc sang Thái Lan. Tác giả chỉ kể chứ không miêu tả cụ thể cảnh sắc, con người, sinh hoạt của từng nơi. Xã hội Việt Nam hiện tại có bao nhiêu điều cần nhà văn lên tiếng nói, chẳng hạn nạn phá thai ở người trẻ (mỗi năm ở VN có khoảng 1.6 triệu ca nạo phá thai, do người trẻ sống buông thả như keng) ; chẳng hạn tội ác ngày càng tăng trong giới trẻ, như giết người yêu, chặt đầu, cắt khúc phi tang; chẳng hạn tình trạng mất văn hóa do sự xâm lăng văn hoá từ bên ngoài khi VN mở cửa hội nhập…Cuộc sống đang tiến về phiá trước, có bao nhiêu cái đẹp mới ở người trẻ mà những thế hệ trước không có mà nhà văn có thể khẳng định. Dị Bản trình bày một bức tranh u ám chán ngắt về người trẻ. Những con người không còn ý thức gì về chính sự sống của mình. Không lý tưởng, không mục tiêu vươn lên, không có ý thức gì về cộng đồng, về đất nước, càng không có ý thức gì về văn hoá, về cái đẹp về những giá trị nhân văn cần giữ gìn.
Thực tình mà nói, đọc Keng, vài truyện đầu, tôi còn có một chút thú vị về giọng văn đáo để của con gái xứ Bắc, về ngôn ngữ chat trên net, về cách nói năng huỵch toẹt vào mặt nhau của những kẻ không còn ý thức nhân phẩm, về cá tính mạnh mẽ của một cây bút nữ, dám thổ lộ mình trực tiếp trong tác phẩm. Keng cũng có được những câu văn hay, có những nghĩ suy triết lý (kiểu triết lý vặt), những đoạn tâm trạng thấm thiá. Nhưng đọc thêm, tôi thấy chán ngắt, bởi vì cả tập truyện chỉ có một kiều bút pháp, một kiểu nhân vật, một kiểu thể hiện . Thực ra Keng chưa hiểu gì về bút pháp, về thi pháp truyện ngắn và ý thức sáng tạo. Keng mới viết ở dạng bản năng. Cụ thể là, nhân vật chưa hiện lên được như những chân dung, những tính cách, những số phận độc đáo, có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ.
Không gian truyện của Keng vô cùng tù túng, cuộc sống ngột ngạt không sao chịu nổi. Cách miêu tả áp đặt đến cực đoan (Nhi, Đan…). Tính sáng tạo nghệ thuật rất ít, nhiều chỗ kết nối vụng về và lặp lại. Chẳng hạn, nhân vật nữ về khuya, không vào nhà được, phải ngủ lại nhà bạn trai, chung giường tự nhiên, thế rồi là sex (Nhi với Quân, tr.72- Mộc, tr.102 – Đan và Tôi, tr 191…). Có một truyện Keng hé lộ năng lực sáng tạo của mình là Những Sợi Len Đan Rối Vào Nhau. Nhân vật cô gái điếm ngủ mơ thấy mình chết , hồi tưởng quá khứ. Sau đó tiếng mèo kêu đánh thức mình dậy. Nhưng truyện này Keng viết Cải lương quá, hời hợt và gượng gạo, thiếu tính logic hiện thực.
Tác giả Keng nói về việc “sáng tác” của mình thế này : - Tôi cũng tự nhận thấy hầu hết các nhân vật nữ trong Dị bản đều na ná nhau. Đây là lần đầu tiên tôi viết truyện. Trước đây, tôi thực sự không có ý sẽ viết truyện và in sách. Chính vì vậy mà khi viết những entry - truyện ngắn, nhân vật nào tôi cũng lôi tính cách của mình vào. Mỗi nhân vật đều có một phần bản thân tôi, chỉ hư cấu về tính cách, hành động, ứng xử một chút thôi.(1)
Tác giả Keng tiết lộ phản ứng của độc giả sau khi tập truyện Dị Bản phát hành : ”Họ nói văn thơ của tôi vớ vẩn, rẻ tiền, tôi bị bệnh hoang tưởng, tôi cần trở về cuộc sống bình thường…”(tr 210) Phản ứng của Keng là thế nào khi mobile của cô có tin nhắn SMS “mắng chửi” cô ? :”tôi ghét bị nháy máy vô cùng, thường nó làm tôi bực bội và chỉ muốn tra ra tận cùng kẻ đó là ai để hù cho kẻ đó biết mặt. Thực tình là tôi khá đanh đá !”(210). Tôi nghĩ, khi đã cầm bút, nhà văn phải chịu đựng được những ý kiến phản hồi của độc giả. Họ có lý của họ, bởi khi tác phẩm đã được phát hành, nó thuộc về công chúng. Tác giả đã chết (R. Barthes)
Ngòi bút của Keng có một vài mặt mạnh, nhưng nó còn ở dạng tiềm năng. Nếu Keng tiếp tục viết như đã viết Dị Bản thì phản ứng của bạn đọc cũng sẽ giống với thái độ gia đình Keng như tác giả thổ lộ ; ”Gia đình tôi nói không muốn đọc những tác phẩm sau này của tôi nữa nếu cứ tiếp tục viết như thế”(tr.210).
Bùi Công Thuấn. Tháng 7.2010
___________________________________
(*) Tác giả Keng
Tên thật: Đỗ Thị Thùy Linh. Ngày sinh: 21/10/1983. Hiện đang theo nghề copywriter tại Công ty Quảng cáo
New D&N, TPHCM.
(1) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews
(2) http://www.khampha24h.com/modules.php?mcid=38&mid=7226&name=News&opcase=detailsnews
Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010
LOAY HOAY ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN
LOAY HOAY ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN
Bùi Công Thuấn
Đề Văn thi ĐH khối D năm nay đọc có vẻ hay nhưng thực chất là quá sức học sinh. Bởi học sinh làm bài thi như làm bài đánh đố.
Bấy lâu nay người ta hay nói đề khái niệm đề “mở” , khái niệm khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong bài làm thi Đại Học. “Mở” và “sáng tạo” là biện pháp chống học vẹt, học thuộc lòng, điều ấy đúng. Nhưng trong thực tiễn, đại đa số học sinh học Văn chỉ có khả năng hiểu và học thuộc lòng. Trong một 100 học sinh , khó tìm thấy một em có khả năng đọc tác phẩm và tìm ra những kiến giải mới hơn với SGK và sách tham khảo. Bởi vì SGK và sách tham khảo được các giáo sư, tiến sĩ , thạc sĩ văn chương, những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết, làm sao trí não non nới của các em sánh được với những bộ não chuyên nghiệp ấy mà đòi các em “sáng tạo “? Năng lực viết của các em cũng hạn chế, vì các em phải học tới 10 môn, Văn không phải là môn chính để các em dành nhiều thì giờ rèn luyện.Vậy ra đề ”mở” cho đại trà 100% học sinh “sáng tạo” là một điều không tưởng. Tôi có cảm giác Bộ có kỳ vọng biến bài làm của các em thành bài tham luận trong các kỳ hội thảo Văn học chăng? Chỉ trong các hội thảo, người ta mới cố gắng tìm kiếm những ý tưởng mới.
Vì người soạn đề “mắc kẹt” trong ý niệm không tưởng ấy, nên đề Văn thực sự đẩy các em vào trạng thái “bó tay” khi làm bài, và lối thoát duy nhất là “tán “ để may ra được điểm nào hay điểm ấy.
Xin đọc đề Ngữ Văn khối D
Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành ” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí
Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật
Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao).
Dạy và học tác phẩm văn học thầy và trò cần nắm chắc các yếu tố cấu trúc của tác phẩm, đó là cốt truyện, nội dung, chủ đề, nhân vật, bút pháp, phong cách. Phân tích kỹ các yếu tố này đã không đủ thời gian. Không thầy cô nào có thì giờ để đi sâu vào từng chi tiết. Chỉ những nhà nghiên cứu chuyên sâu, có thì giờ, tỉ tê nghiền ngẫm, mới có thể phát hiện chi tiết truyện và giá trị các chi tiết ấy. Nếu ra đề mà nhắm vào các chi tiết thì đó là một hình thức đánh đố.
Thí dụ, trong truyện Chí Phèo, nhân vật Chí Phèo cười mấy lần, ý nghiã nội dung và nghệ thuật của tiếng cười ấy? Thí dụ, trong truyện Vợ Nhặt, nhân vật bà cụ Tứ khóc mấy lần ? Thí dụ, trong Chữ Người Tử Tù làm sao sáu người tù có thể mang trên cổ một cái gông nặng đến bảy tám tạ? Thí dụ , trong truyện Rừng Xà Nu, khi Tnú về thăm làng, tại sao tác giả lại đặc tả bàn tay cụ Mết như cái kềm sắt trên vai Tnú? …Ra như thế là đánh đố, không phải kiểm tra năng lực đọc tác phẩm và kỹ năng làm bài của học sinh. Ra đề đến những chi tiết hiểm hóc như thế thì đâu còn là đề “mở”. đâu còn là khuyến khích sự”sáng tạo” của học sinh !
Xin đọc đề Ngữ Văn khối C:
Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)
Phần đặt vấn đề của câu hỏi này rất lơ lửng và không đúng nguyên tắc ra đề.
Trong phân môn Tập làm Văn ở PTTH không có kiểu bài nào là kiểu bài “cảm nhận “ cả. Cảm nhận là gì ? có thể hiểu là cảm xúc và nhận thức (tức là khi đọc hai đoạn thơ ấy, học sinh có cảm xúc gì, và nhận thức, suy nghĩ điều gì), Cảm nhận nghiêng về nhận thức cảm tính, quen được gọi là cảm thụ. Đã là cảm tính thì không còn khách quan. Học sinh muốn tán thế nào cũng được. Đề yêu cầu viết cảm nhận thì học sinh phải viết ý kiến riêng của cá nhân, 100 em 100 ý. Sẽ có những ý kiến hoàn toàn trái ngược với đáp án. Vậy GK có cho điểm sáng tạo không, hay vẫn theo đáp án bắt buộc ?
Cứ cho rằng học sinh biết viết cảm nhận thì yêu cầu của đề là gì ? “Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau “ là một câu văn lơ lửng. Cảm nhận về cái hay cái dở cuả hai đoạn thơ, cảm nhận về hình tượng thơ, cảm nhận về bút pháp, thi pháp, nghệ thuật ngôn từ của hai đoạn thơ hay về phong cách của hai tác giả? hay phải viết về tất cả những thứ ấy, hay chỉ nói cái khoái cảm khi đọc hai đoạn thơ ầy ?! Học sinh phải viết mỗi đoạn thơ thành một bài riêng hay phải so sánh đối chiếu, chỉ ra đoạn thơ nào hay hơn đoạn thơ nào, chỉ ra sự khác biệt giữa hai đoạn thơ…
Rõ ràng cách đặt vấn đề như thế là hết sức “mở” theo kiểu lơ lửng, đánh đố học sinh ? Còn đâu tính khoa học, tính giáo khoa của một đề thi? Những học sinh đã được “luyện “ thì biết rằng đề yêu cầu phải phân tích riêng từng khổ thơ, sau đó so sánh, lý giải sự giống nhau và khác nhau của hai khổ thơ, hai tác giả và trình bày cảm nghĩ riêng của cá nhân. Những điều ấy được hiểu ngầm đằng sau câu chữ, học sinh phả đoán ra, lần ra. Như vậy không là đánh đố học sinh hay sao.Câu đặt vấn đề cần phải tường minh và xác định rõ yêu cầu kiến thức, kỹ năng Bộ cần kiểm tra đánh giá là gì. Đề ra “lơ lửng”, đánh đố, không phải là đề “mở”.
Xin đọc đề nghị luận xã hội khối D:
Câu II.
Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhóang.Từ ý kiến trên anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.
Để làm được đề này, học sinh phải hiểu đạo đức thật là gì, từ đó mới biết đạo đức giả. Nhưng khổ một nỗi trong nhà trường ( môn Ngữ Văn ) không dạy cho các em đạo đức thật là đạo đức gì. Đó là đạo đức phong kiến Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh, hay đạo đức cách mạng "trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng "? Cả hai thức đạo đức này đã rất xa lạ với thứ đạo đức của nền kinh tế thị trường, đạo đức của chủ nghiã cá nhân và chủ nghiã thực dụng .Vậy các em sẽ làm thế nào ? Những vấn đề như thế vượt quá sức hiểu của các em. Thay vì dựa trên những kiến thức chuẩn xác và thực tiễn cụ thể (điều này các em không được dạy), các em sẽ chỉ tán liều để lấy 1 điểm. 100% các em sẽ làm bài như vậy. Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá được gì về nhận thức và năng lực của học sinh qua một đề thi như vậy.
Xin đọc Chiếc Thuyền Ngoài Xa cuả Nguyễn Minh Châu. Khi thấy nhân vật người đàn bà bị chồng bạo hành, nhân vật Phùng xông vào đánh người đàn ông chài để bênh vực chị. Nhân vật Đẩu định đưa chị ra toà ly dị chồng để giải thoát cho chị. Theo quan điểm đạo đức bình thường thì đó là những hành động tốt. Thế nhưng kết quả thì ngược lại, Phùng bị thằng Phác thù ghét và cả Phùng và Đẩu đều bị người đàn bà chài chê là kém hiểu biết. Đâu là tốt, xấu? đâu là đạo đức thật ?
Xin đọc Một Người Hà Nội cuả Nguyễn Khải. Trong khi những người con Hà Nội ra đi chiến đấu, thì ở nhà, tháng nào bà cô Hiền cũng tổ chức tiệc tùng họp mặt những người bạn quý tộc, để được sống phong cách quý tộc . 660 người con Hà Nội ra đi, còn lại trên dưới 40 người trở về. Người lính sống sót (Dũng) trở về thăm nhà khi bà cô Hiền đang tiệc tùng, họ xa lạ như người dưng. Một ông già hỏi “ Đồng chí bộ đội có chuyện gì vui kể nghe nào “. Bộ đội chỉ có chuyện chiến đấu và hy sinh. Đó đâu phải là chuyện góp vui cho những ông bà quý tộc trong tiệc tùng ăn chơi. Giưã nhân vật mẹ cuả Tuất có con hy sinh và bà cô Hiền sống hưởng thụ, Nguyễn Khải ca ngợi ai ? Nguyễn Khải gọi bà cô Hiền là hạt bụi vàng cuả Hà nội. Vậy bà cô Hiền đúng, hay bà mẹ Tuất có con hy sinh là đúng? đâu là đạo đức thật và đâu là đạo đức giả trong sự ca ngợi của Nguyễn Khải?
Hai tác phẩm trên dạy cho học sinh đạo đức gì ?Thực dụng chủ nghiã như bà cô Hiền, hay cam chịu nhẫn nhục như người đàn bà chài? Dạy cho học sinh sự khôn ngoan cơ hội chủ nghiã cuả bà cô Hiền hay dạy cho học sinh chấp nhận thói vũ phu của nam giới ? Đâu là đạo dức thật, đâu là đạo đức giả? Đâu là thực tiễn học tập của học sinh và đâu là sự không tưởng của người ra đề?
Quả thực, đề ra chẳng khác gì đánh đố học sinh vậy.
Xem xét đề khối D, Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận anh/chị về đoạn thơ sau:
những tiến đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo chòang đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vần trăng chếnh chóang
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hòang
áo chòang bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
(Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 164-165)
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được viết bằng bút pháp siêu thực, nhiều hình ảnh siêu thực rất khó giải mã đúng. Hoc sinh chưa hiểu chủ nghiã siêu thực là gì, chưa được tiếp cận nhiều với nghệ thuật siêu thực làm sao các em có thể hiểu được thấu đáo hình tượng thơ. Mỗi học sinh lại có thể có những liên tưởng khác nhau khi giải mã ngôn ngữ thơ . Ở trường Phổ Thông, mỗi thầy cô cũng liên tưởng và giảng rất khác nhau. Nhiều hình ảnh không hiểu đành phải “lờ đi”. Ra đề vào một tác phẩm chưa có sự thống nhất chuẩn kiến thức , có khác nào thả các em giữa biển cho các em bơi. Dù có bơi (tán) giỏi thế nào, giữa biển khơi , không có gì bám víu, trước sau cũng chết chìm.
Để làm được câu so sánh hai đọan thơ trong Tràng Giang và Đây Thôn Vĩ Dạ (khối C), các em phải biết thi pháp của hai bài thơ ấy, biết phong cách của hai tác giả thì mới có thể làm được. Cụ thể ,đoạn thơ của Hàn Mặc Tử có những yếu tố của bút pháp siêu thực, đoạn thơ của Huy cận đậm đặc thi pháp cổ điển Đường Thi. Những kiến thức ấy với học sinh phổ thông là chưa thể vươn tới được.
Cũng vậy, câu cảm nhận về hai đoạn văn của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường (khối C), học sinh trước hết phải nắm được phong cách mỗi tác giả, và phong cách ngôn ngữ văn bản mới có thể làm tốt. Thế nhưng sách giáo khoa nói rất sơ sài về phong cách mỗi tác giả. Kiến thức về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân vẫn còn tranh cãi, các em có kiến thức đâu để làm bài?
Nói rằng đổi mới trong cách ra đề, thực chất Bộ vẫn loay hoay tìm cách đánh đố học sinh, đẩy các em phải đến các lò luyện thi. Vì ở đó chỉ có thầy cô dạy luyện thi mới “giải mã” giúp các em biết nghệ thuật đánh đố của người ra đề. Đề yêu cầu các em viết "cảm nhận " chính là để các em"tán". Em nào biết “tán” là đạt. Bộ lại đi sâu vào các chi tiết tác phẩm, theo kiểu tiả tót câu chữ, mà không dựa trên những lý thuyết văn chương, lý thuyết phê bình mới để đặt ra những vấn đề giúp học sinh có những khám phá mới về tác phẩm . Hơn thế đề ra vẫn rất xa rời với đời sống văn học đương đại, mà ở đó, đang có nhiều vấn đề cần có y kiến chung của xã hội, cần cho các em có y kiến ( thí dụ hiện tượng văn chương sex bẩn chẳng hạn : Bóng Đè, I'm Đàn Bà, Dại Tình , Sợi Xich..)
Tôi nghĩ Bộ cần nghiên cứ kỹ hơn về yêu cầu của một đề thi, về cách ra đề môn Ngữ Văn, về mục đích giáo dục mà môn Văn cần đạt tới qua đề thi. Xin đừng ảo tưởng về đề “mở”, đề đòi hỏi học sinh “sáng tạo”. Những kiểu đề ấy dành cho luận văn tốt nghiệp Đại Học, luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Và ngay cả những luận văn ấy, cũng không ít sự sao chép, “ăn cắp” văn của người khác. Không biết thầy cô dạy Văn và học sinh Phổ Thông học Văn còn khổ vì thi cử đến bao giờ?
Tháng 7.2010
Bùi Công Thuấn
Đề Văn thi ĐH khối D năm nay đọc có vẻ hay nhưng thực chất là quá sức học sinh. Bởi học sinh làm bài thi như làm bài đánh đố.
Bấy lâu nay người ta hay nói đề khái niệm đề “mở” , khái niệm khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong bài làm thi Đại Học. “Mở” và “sáng tạo” là biện pháp chống học vẹt, học thuộc lòng, điều ấy đúng. Nhưng trong thực tiễn, đại đa số học sinh học Văn chỉ có khả năng hiểu và học thuộc lòng. Trong một 100 học sinh , khó tìm thấy một em có khả năng đọc tác phẩm và tìm ra những kiến giải mới hơn với SGK và sách tham khảo. Bởi vì SGK và sách tham khảo được các giáo sư, tiến sĩ , thạc sĩ văn chương, những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết, làm sao trí não non nới của các em sánh được với những bộ não chuyên nghiệp ấy mà đòi các em “sáng tạo “? Năng lực viết của các em cũng hạn chế, vì các em phải học tới 10 môn, Văn không phải là môn chính để các em dành nhiều thì giờ rèn luyện.Vậy ra đề ”mở” cho đại trà 100% học sinh “sáng tạo” là một điều không tưởng. Tôi có cảm giác Bộ có kỳ vọng biến bài làm của các em thành bài tham luận trong các kỳ hội thảo Văn học chăng? Chỉ trong các hội thảo, người ta mới cố gắng tìm kiếm những ý tưởng mới.
Vì người soạn đề “mắc kẹt” trong ý niệm không tưởng ấy, nên đề Văn thực sự đẩy các em vào trạng thái “bó tay” khi làm bài, và lối thoát duy nhất là “tán “ để may ra được điểm nào hay điểm ấy.
Xin đọc đề Ngữ Văn khối D
Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành ” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí
Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật
Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao).
Dạy và học tác phẩm văn học thầy và trò cần nắm chắc các yếu tố cấu trúc của tác phẩm, đó là cốt truyện, nội dung, chủ đề, nhân vật, bút pháp, phong cách. Phân tích kỹ các yếu tố này đã không đủ thời gian. Không thầy cô nào có thì giờ để đi sâu vào từng chi tiết. Chỉ những nhà nghiên cứu chuyên sâu, có thì giờ, tỉ tê nghiền ngẫm, mới có thể phát hiện chi tiết truyện và giá trị các chi tiết ấy. Nếu ra đề mà nhắm vào các chi tiết thì đó là một hình thức đánh đố.
Thí dụ, trong truyện Chí Phèo, nhân vật Chí Phèo cười mấy lần, ý nghiã nội dung và nghệ thuật của tiếng cười ấy? Thí dụ, trong truyện Vợ Nhặt, nhân vật bà cụ Tứ khóc mấy lần ? Thí dụ, trong Chữ Người Tử Tù làm sao sáu người tù có thể mang trên cổ một cái gông nặng đến bảy tám tạ? Thí dụ , trong truyện Rừng Xà Nu, khi Tnú về thăm làng, tại sao tác giả lại đặc tả bàn tay cụ Mết như cái kềm sắt trên vai Tnú? …Ra như thế là đánh đố, không phải kiểm tra năng lực đọc tác phẩm và kỹ năng làm bài của học sinh. Ra đề đến những chi tiết hiểm hóc như thế thì đâu còn là đề “mở”. đâu còn là khuyến khích sự”sáng tạo” của học sinh !
Xin đọc đề Ngữ Văn khối C:
Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)
Phần đặt vấn đề của câu hỏi này rất lơ lửng và không đúng nguyên tắc ra đề.
Trong phân môn Tập làm Văn ở PTTH không có kiểu bài nào là kiểu bài “cảm nhận “ cả. Cảm nhận là gì ? có thể hiểu là cảm xúc và nhận thức (tức là khi đọc hai đoạn thơ ấy, học sinh có cảm xúc gì, và nhận thức, suy nghĩ điều gì), Cảm nhận nghiêng về nhận thức cảm tính, quen được gọi là cảm thụ. Đã là cảm tính thì không còn khách quan. Học sinh muốn tán thế nào cũng được. Đề yêu cầu viết cảm nhận thì học sinh phải viết ý kiến riêng của cá nhân, 100 em 100 ý. Sẽ có những ý kiến hoàn toàn trái ngược với đáp án. Vậy GK có cho điểm sáng tạo không, hay vẫn theo đáp án bắt buộc ?
Cứ cho rằng học sinh biết viết cảm nhận thì yêu cầu của đề là gì ? “Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau “ là một câu văn lơ lửng. Cảm nhận về cái hay cái dở cuả hai đoạn thơ, cảm nhận về hình tượng thơ, cảm nhận về bút pháp, thi pháp, nghệ thuật ngôn từ của hai đoạn thơ hay về phong cách của hai tác giả? hay phải viết về tất cả những thứ ấy, hay chỉ nói cái khoái cảm khi đọc hai đoạn thơ ầy ?! Học sinh phải viết mỗi đoạn thơ thành một bài riêng hay phải so sánh đối chiếu, chỉ ra đoạn thơ nào hay hơn đoạn thơ nào, chỉ ra sự khác biệt giữa hai đoạn thơ…
Rõ ràng cách đặt vấn đề như thế là hết sức “mở” theo kiểu lơ lửng, đánh đố học sinh ? Còn đâu tính khoa học, tính giáo khoa của một đề thi? Những học sinh đã được “luyện “ thì biết rằng đề yêu cầu phải phân tích riêng từng khổ thơ, sau đó so sánh, lý giải sự giống nhau và khác nhau của hai khổ thơ, hai tác giả và trình bày cảm nghĩ riêng của cá nhân. Những điều ấy được hiểu ngầm đằng sau câu chữ, học sinh phả đoán ra, lần ra. Như vậy không là đánh đố học sinh hay sao.Câu đặt vấn đề cần phải tường minh và xác định rõ yêu cầu kiến thức, kỹ năng Bộ cần kiểm tra đánh giá là gì. Đề ra “lơ lửng”, đánh đố, không phải là đề “mở”.
Xin đọc đề nghị luận xã hội khối D:
Câu II.
Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhóang.Từ ý kiến trên anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.
Để làm được đề này, học sinh phải hiểu đạo đức thật là gì, từ đó mới biết đạo đức giả. Nhưng khổ một nỗi trong nhà trường ( môn Ngữ Văn ) không dạy cho các em đạo đức thật là đạo đức gì. Đó là đạo đức phong kiến Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh, hay đạo đức cách mạng "trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng "? Cả hai thức đạo đức này đã rất xa lạ với thứ đạo đức của nền kinh tế thị trường, đạo đức của chủ nghiã cá nhân và chủ nghiã thực dụng .Vậy các em sẽ làm thế nào ? Những vấn đề như thế vượt quá sức hiểu của các em. Thay vì dựa trên những kiến thức chuẩn xác và thực tiễn cụ thể (điều này các em không được dạy), các em sẽ chỉ tán liều để lấy 1 điểm. 100% các em sẽ làm bài như vậy. Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá được gì về nhận thức và năng lực của học sinh qua một đề thi như vậy.
Xin đọc Chiếc Thuyền Ngoài Xa cuả Nguyễn Minh Châu. Khi thấy nhân vật người đàn bà bị chồng bạo hành, nhân vật Phùng xông vào đánh người đàn ông chài để bênh vực chị. Nhân vật Đẩu định đưa chị ra toà ly dị chồng để giải thoát cho chị. Theo quan điểm đạo đức bình thường thì đó là những hành động tốt. Thế nhưng kết quả thì ngược lại, Phùng bị thằng Phác thù ghét và cả Phùng và Đẩu đều bị người đàn bà chài chê là kém hiểu biết. Đâu là tốt, xấu? đâu là đạo đức thật ?
Xin đọc Một Người Hà Nội cuả Nguyễn Khải. Trong khi những người con Hà Nội ra đi chiến đấu, thì ở nhà, tháng nào bà cô Hiền cũng tổ chức tiệc tùng họp mặt những người bạn quý tộc, để được sống phong cách quý tộc . 660 người con Hà Nội ra đi, còn lại trên dưới 40 người trở về. Người lính sống sót (Dũng) trở về thăm nhà khi bà cô Hiền đang tiệc tùng, họ xa lạ như người dưng. Một ông già hỏi “ Đồng chí bộ đội có chuyện gì vui kể nghe nào “. Bộ đội chỉ có chuyện chiến đấu và hy sinh. Đó đâu phải là chuyện góp vui cho những ông bà quý tộc trong tiệc tùng ăn chơi. Giưã nhân vật mẹ cuả Tuất có con hy sinh và bà cô Hiền sống hưởng thụ, Nguyễn Khải ca ngợi ai ? Nguyễn Khải gọi bà cô Hiền là hạt bụi vàng cuả Hà nội. Vậy bà cô Hiền đúng, hay bà mẹ Tuất có con hy sinh là đúng? đâu là đạo đức thật và đâu là đạo đức giả trong sự ca ngợi của Nguyễn Khải?
Hai tác phẩm trên dạy cho học sinh đạo đức gì ?Thực dụng chủ nghiã như bà cô Hiền, hay cam chịu nhẫn nhục như người đàn bà chài? Dạy cho học sinh sự khôn ngoan cơ hội chủ nghiã cuả bà cô Hiền hay dạy cho học sinh chấp nhận thói vũ phu của nam giới ? Đâu là đạo dức thật, đâu là đạo đức giả? Đâu là thực tiễn học tập của học sinh và đâu là sự không tưởng của người ra đề?
Quả thực, đề ra chẳng khác gì đánh đố học sinh vậy.
Xem xét đề khối D, Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận anh/chị về đoạn thơ sau:
những tiến đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo chòang đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vần trăng chếnh chóang
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hòang
áo chòang bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
(Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 164-165)
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được viết bằng bút pháp siêu thực, nhiều hình ảnh siêu thực rất khó giải mã đúng. Hoc sinh chưa hiểu chủ nghiã siêu thực là gì, chưa được tiếp cận nhiều với nghệ thuật siêu thực làm sao các em có thể hiểu được thấu đáo hình tượng thơ. Mỗi học sinh lại có thể có những liên tưởng khác nhau khi giải mã ngôn ngữ thơ . Ở trường Phổ Thông, mỗi thầy cô cũng liên tưởng và giảng rất khác nhau. Nhiều hình ảnh không hiểu đành phải “lờ đi”. Ra đề vào một tác phẩm chưa có sự thống nhất chuẩn kiến thức , có khác nào thả các em giữa biển cho các em bơi. Dù có bơi (tán) giỏi thế nào, giữa biển khơi , không có gì bám víu, trước sau cũng chết chìm.
Để làm được câu so sánh hai đọan thơ trong Tràng Giang và Đây Thôn Vĩ Dạ (khối C), các em phải biết thi pháp của hai bài thơ ấy, biết phong cách của hai tác giả thì mới có thể làm được. Cụ thể ,đoạn thơ của Hàn Mặc Tử có những yếu tố của bút pháp siêu thực, đoạn thơ của Huy cận đậm đặc thi pháp cổ điển Đường Thi. Những kiến thức ấy với học sinh phổ thông là chưa thể vươn tới được.
Cũng vậy, câu cảm nhận về hai đoạn văn của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường (khối C), học sinh trước hết phải nắm được phong cách mỗi tác giả, và phong cách ngôn ngữ văn bản mới có thể làm tốt. Thế nhưng sách giáo khoa nói rất sơ sài về phong cách mỗi tác giả. Kiến thức về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân vẫn còn tranh cãi, các em có kiến thức đâu để làm bài?
Nói rằng đổi mới trong cách ra đề, thực chất Bộ vẫn loay hoay tìm cách đánh đố học sinh, đẩy các em phải đến các lò luyện thi. Vì ở đó chỉ có thầy cô dạy luyện thi mới “giải mã” giúp các em biết nghệ thuật đánh đố của người ra đề. Đề yêu cầu các em viết "cảm nhận " chính là để các em"tán". Em nào biết “tán” là đạt. Bộ lại đi sâu vào các chi tiết tác phẩm, theo kiểu tiả tót câu chữ, mà không dựa trên những lý thuyết văn chương, lý thuyết phê bình mới để đặt ra những vấn đề giúp học sinh có những khám phá mới về tác phẩm . Hơn thế đề ra vẫn rất xa rời với đời sống văn học đương đại, mà ở đó, đang có nhiều vấn đề cần có y kiến chung của xã hội, cần cho các em có y kiến ( thí dụ hiện tượng văn chương sex bẩn chẳng hạn : Bóng Đè, I'm Đàn Bà, Dại Tình , Sợi Xich..)
Tôi nghĩ Bộ cần nghiên cứ kỹ hơn về yêu cầu của một đề thi, về cách ra đề môn Ngữ Văn, về mục đích giáo dục mà môn Văn cần đạt tới qua đề thi. Xin đừng ảo tưởng về đề “mở”, đề đòi hỏi học sinh “sáng tạo”. Những kiểu đề ấy dành cho luận văn tốt nghiệp Đại Học, luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Và ngay cả những luận văn ấy, cũng không ít sự sao chép, “ăn cắp” văn của người khác. Không biết thầy cô dạy Văn và học sinh Phổ Thông học Văn còn khổ vì thi cử đến bao giờ?
Tháng 7.2010
Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010
CÔ GÁI BỊ BỊNH CÙI THOÁT Y DƯỚI TRĂNG
Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
THOÁT Y DƯỚI TRĂNG
Tiểu thuyết của Thuỷ Anna. NXB Văn Học 2010
Văn chương Việt đăng ngày 12/7/2010
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=13253&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=743
“Bóng trăng đổ ập xuống căn nhà rất sớm. Di tắm trần như nhộng dưới bóng trăng nhễ nhại, cảm giác đau đớn và bỏng rát khi dội nước lên cơ thể đang nổi mần đỏ. Dường như trăng càng sáng nỗi đau đớn hành hạ Di dữ hơn. Cô lăn lộn dưới trăng như con sói hoang lăn lộn giữa rừng già cô độc”(tr.148). Đó là hình ảnh Di sau khi cô phát hiện ra mình bị phong cùi. Và chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó linh hồn Di tan vào ánh trăng. Hình ảnh cô gái thoát y dưới trăng có ý nghiã gì ?
Thoát Y Dưới Trăng (TYDT) kể lại số phận của ba nhân vật Di, Mạnh và Mây. Di lên 10 thì bố bị lò gạch sập đè chết. Mẹ Di phải chịu đựng kiếp đời tủi nhục làm đĩ nuôi con. Mẹ Di chết vì lây bịnh Sida của người tình là một con nghiện. Số phận dun rủi, Di phải nuôi con người anh họ can tội giết vợ ngoại tình và cưu mang thêm đưá bé bị bỏ rơi trong bụi rậm. Công việc chuyển cá từ thuyền lên xe không đủ tiền nuôi hai đưá bé, Di phải bán mình cho Lão Độ lấy 6 triệu. Sau đó, để có thể nuôi con, Di lại làm lẽ lão Hồng 3 năm, với điều kiện có con cho lão. Nhưng lão vô sinh. Di thoát được tay lão trở về nhà xưa. Để làm được giấy khai sinh cho con, Di phải ngủ với lão trưởng phòng. Một sáng sớm tập thể dục trên bãi biển, Mây quen với Di. Mây có mẹ là bác sĩ viện trưởng một bệnh viện tư, cha là PGĐ Cty Xuất nhập khẩu Tranh đá mỹ nghệ. Từ lúc học lớp 10 cô đã ăn chơi thoải mái. Mây ăn ở với Mạnh cho đến khi anh chán cô. Mạnh là PGĐ CyTNH. Xuất thân từ một trẻ mồ côi, thuở nhỏ Mạnh cũng phải chứng kiến cảnh mẹ làm đĩ nuôi con. Lớn lên Mạnh sống với băng nhóm trẻ bụi đời, rồi nhờ thời cơ mà phất lên. Khi biết Mây giao du với nhiều người, Mạnh cho bọn đàn em xử Mây, nhưng không ngờ Mậy lại bị làm nhục như vậy. Di đã cứu Mây. Bà viện trưởng xử lý cái thai cho con và cho Mây sang Hàn Quốc lánh mặt mấy tháng. Mạnh bị đột quỵ sau một đêm uống rượi và lo lắng. Bọn đàn em thuê Di làm ôsin chăm sóc Mạnh. 4 tháng sau Mạnh hồi phục. Di lại trở về ngôi nhà xưa cuốc đất trồng rau nuôi con. Cô bị lây bịnh cùi do bốc mộ thuê cho môt bà già cùi. Mạnh tịnh tâm ở chuà một tháng rồi đi tìm Di. Hai người bày tỏ tình yêu. Đám cưới được tổ chức khi máu trên các vết thương cùi của Di chảy ròng ròng. Mây có đến dự đám cưới nhưng không vào. Nhìn Mạnh dìu Di, Mây tha thứ cho Mạnh. Di ra đi trong vòng tay tình yêu của Mạnh.”Di đã tìm thấy hạnh phúc ở chặng đường ngắn ngủi trong cuộc đời “(tr169)
Thuỷ Anna nói về chủ đề của tác phẩm :” Đây là cuốn tiểu thuyết viết về những người trẻ. Ba nhân vật của em bao gồm Di, Mạnh và Mây. Ba nhân vật này có công việc và hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau nhưng có điểm chung là họ đều bị gạt ra ngoài xã hội, ước mơ khao khát rất bình thường thôi là gia đình rất bình thường, không phải to tát nhưng họ vẫn không đạt được ước mơ nhỏ bé ấy.
Thuỷ Anna nói về thông điệp tác giả gửi đến người đọc qua tác phẩm : Đó là khát khao mãnh liệt của con người để vượt qua được bế tắc, khổ đau của cuộc đời nhằm đạt được hạnh phúc. Thân phận con người trong "Thoát y dưới trăng" hơi bi đát một chút, hơi cay đắng một chút nhưng điều em muốn mang đến cho độc giả là có những thân phận cực kì bất hạnh và cay đắng trong cuộc đời vốn tươi đẹp này. Vì thế những người trẻ phải luôn biết trân trọng những thứ nghiêm ngắn mà mình đang có.(1)( Hồn Nhiên phỏng vấn Thuỷ Anna)
Vấn đề là ở chỗ nhà văn đã xây dựng tác phẩm như thế nào đề thể hiện nội dung và chủ đề, tư tưởng trên? Sự thành bại của tác phẩm tuỳ thuộc vào tài năng xây dựng được những hình tượng tư tưởng có sức thuyết phục.
Với nội dung và chủ đề như vậy, tác phẩm đã giúp người đọc nhìn thấy chung quanh mình đang có những số phận phải sống trong hòan cảnh khốn nạn đáng được cảm thông, chia sẻ. Tác phẩm toát lên tình cảm nhân đạo đáng trân trọng.
Xét về nghệ thuật tiểu thuyết, Thoát Y Dưới Trăng có nhiều vấn đề cần được trao đổi.
Trước hết là văn báo chí lấn át văn tiểu thuyết. Ít nhất là 100 trang đầu, người đọc truyện có cảm giác như mình đọc một bản tin báo chí, tuy có tường thuật chi tiết hơn một chút. Đó là những bản tin đã cũ nhàu mà người đọc gặp trên báo hàng ngày. Dường như tác giả chưa phân biệt được đặc trưng phong cách văn báo chí và đặc trưng thể loại tiểu thuyết (?). Báo chí thuật lại một tin, một sự việc đã xảy ra. Tác giả là người hiện diện trực tiếp để tường thuật; còn tiểu thuyết là dựng lại dòng chảy cuộc sống ở thì hiện tại. Cuộc sống trong tiểu thuyết hiện lên như cuộc sống thực đang diễn ra trước mắt người đọc. Kỹ thuật dựng truyện của tiểu thuyết và cách viết một bài báo là hoàn toàn khác nhau.
Xin đọc một đoạn :” Ôi cuộc đời! Mây nghĩ thầm. Ở nhân gian này vẫn còn những ông bố bà mẹ như vậy. Kẻ thì ôm con nhễ nhại đi ăn xin, kẻ thì bán trinh con gái lấy tiền đánh bạc, kẻ thì giết con vì ghen tuông. Tội ác nào cũng có thể bỏ qua, nhưng riêng tội ác hắt hủi giọt máu của mình thì thật đáng tống xuống địa ngục”(tr/53) . Đây là một đoạn văn trong một bài nghị luận của học trò. Đoạn văn có cấu trúc lập luận diễn dịch. Câu chủ đề ở đầu đoạn, sau đó là những dẫn chứng cụ thể và phần bày tỏ cảm tưởng. Câu “Mây nghĩ thầm” có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến nội dung đọan văn. Hoặc có thể thay tên Mây bằng bất cứ ai, kề cả bằng đại từ nhân xưng Tôi. Xin đọc một đoạn nữa, đoạn thuật lại Di có ý định cứu đưá bé :” Mỗi bước chân cô đi cô không ngớt cầu trời phù hộ cho đưá trẻ bất hạnh . Đưá bé đáng thương hơn cả cuộc đời của cô, nó chẳng biết cha mẹ nó là ai? Vì sao sinh ra nó mà không yêu thương nó. Cô đứng lại một giây…” . Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba “cô” chỉ ra, đó là một đoạn trần thuật, không phải đoạn miêu tả cuả văn tiểu thuyết.
Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ hình tượng biểu cảm, ngôn ngữ đa nghiã và mang phong cách cá nhân, không phải kiểu ngôn ngữ trung tính của báo chí. Trong TYDT, tác giả như một khách thể thuật truyện về người khác ở ngôi thứ ba (chẳng hạn, đại từ cô ở trên và câu : lồng ngực bà mẹ thanh tân căng tròn.tr35 ); Chính vì thế cách viết của Thuỷ Anna làm giảm mất nhiều hứng thú khi người đọc tiếp cận tác phẩm. Những chuyện về trẻ bụi đời, về con nhà giàu hư hỏng là chuyện thời sự, báo chí đã nói quá nhiều. Tính thời sự trong Thoát Y Dưới Trăng lấn át tính tiểu thuyết.
Dường như có sự lung túng trong chọn lựa bút pháp, khiến cho tác phẩm khập khiễng khó đứng vững. Ở phần đầu (tr.01-156) là bút pháp hiện thức. Thuỷ Anna nói về những cảnh đời thực, bằng những dòng tả chân, nhưng ở phần sau lại chuyển hoàn toàn sang bút pháp lãng mạn. Cuộc kết hôn của hai bút pháp này không cứu rỗi được ngòi bút Thuỷ Anna. Cuộc sống làm đĩ cuả mẹ Di và mẹ Mạnh, cuộc đời dưới đáy của Di và Mạnh, cuộc sống ăn chơi con nhà giàu của Mây là hiện thực. Vấn đề là , bức tranh xã hội Thuỷ Anna vẽ ra chẳng khác bức tranh xã hội trước 1945. Di phải bán mình cho lão Độ, phải làm lẽ lão Hồng, phải ngủ với trưởng phòng, xung quanh Di không có ai là người lương thiện, cuộc sống không có chỗ cho Di làm người, ngoại trừ làm con vật, con đĩ…Chẳng nhẽ xã hội VN những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI lại đen tối, bi đát đến thế sao?
Cuối tác phẩm Thuỷ Anna để cho Mạnh lên chuà tịnh tâm một tháng, sau đó tìm đến Di. Lúc này đã ở trong trại cùi, cơ thể đang bị tàn phá dữ dội. Hai người yêu nhau trong đêm trăng và làm đám cưới trong khi cùi tay của Di máu chảy ròng ròng. Di chết trong hạnh phúc tình yêu. Tác giả có thể an ủi Di bằng cách kết như vậy. Nhưng tôi nghĩ, những cảnh như thế chỉ có thể diễn trên sân khấu cải lương (nghệ thuật ước lệ). Trong đời thực đó là những tưởng tượng hão. Tiểu thuyết không thể bẻ cong quy luật khách quan của hiện thực, dù tác giả có viết bằng bút pháp lãng mạn.
Như vậy tác phẩm không có sư thống nhất về bút pháp, phần đầu là bút pháp hiện thực, phần sau là bút pháp lãng mạn, điều này làm mất đi khả năng thể hiện chủ đề của tác phẩm. Với bút pháp hiện thực, tác giả phải đặt được vấn đề và chỉ ra con đường gỉai quyết vấn đề. Nghệ thuật hiện thực là nghệ thuật góp phần cải tạo xã hội. Thạch Lam, dù là một nhà văn lãng mạn cũng nhận thức được yêu cầu này :”Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên ; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vưà tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới gỉa dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn “(Lời tựa Gío lạnh Đầu Mùa). Rõ ràng thế giới mà Thuỷ Anna miêu tả là một thế giới giả dối và tàn ác, thế nhưng cách giải quyết vấn đề của tác giả lại duy tâm. Giải pháp ấy là gì ? cả Di và Mạnh đều nói đến chữ TÂM của Phật giáo. Một tay anh chị như Mạnh, một tay Phó Giám Đốc công ty như Mạnh thì không thể có chuyện vào tu trong chùa, và sau đó lại lấy một người vợ cùi! Chính Thuỷ Anna cũng nghi ngờ giải pháp của mình. Mạnh nhìn con thạch sùng trên tường và tự hỏi về con đường của mình ”Phật dạy rằng : Biển cả vô biên, quay đầu lại là bờ. Vậy sao gã này khổ thế “(tr.171). Mạnh đã quay đầu lại con đường lương thiện (?) sao không thấy bến bờ hạnh phúc ? Câu trả lời có thể là : Những vấn đề xã hội đòi hỏi phải giải quyết bằng các giải pháp xã hội, không thể chỉ giải quyết bằng chữ TÂM như cách đề xuất của tác giả.
Nhưng TÂM là gì trong cách hiểu của Thủy Anna?
Sau ba năm làm lẽ ở nhà lão Hồng, về nhà, đêm đầu tiên không phải làm nô lệ tình dục, Di ngồi bàng hoàng không tin được những gì cô đã trải qua. “Đôi mắt Di sáng lên, ánh sáng ở tâm, con đường cũng ở tâm “(tr.120) Phải chăng Di đã “ngộ” ra được điều gì ? Tâm của Di là gì? Con đường của Di là con đường nào? Còn Mạnh ? Nhờ đâu Mạnh có thể trở nên giàu có? Sao Mạnh lại xử ác với Mây? Khi ở trong chùa, Mạnh nghĩ :” Thánh nhân cũng là người, kẻ phàm trần cũng là người, Phật tại tâm”(tr.116) Khi “xuống núi” anh hay nói đến lòng vị tha :”Chẳng lẽ trải qua đau thương con người biết vị tha và sống vì người khác”(tr156).Còn Mây ? Mây là nạn nhân của chính cô. Mây chưa có ý thức xã hội, chưa có ý một tráo tim biết sám hối, sao Mây có thể đến gặp Mạnh nói lời tha thứ :” Cách duy nhất để em quên đi quá khứ buồn là học cách tha thứ. Chính vì vậy em quyết định tha thứ cho anh “( 153). Tất cả những điều Thuỷ Anna miêu tả trên, có lẽ đều là TÂM, là tấm lòng từ bi hỷ xả, biết hướng về người khác và sống yêu thương. “…tình yêu không có chỗ cho nỗi đau đời và sự thù hận “(tr.170) . Kềt thúc tác phẩm là hạnh phúc nồng ấm của tình yêu, hạnh phúc ấy lớn lao đến nỗi có thể làm tan đi những đớn đau máu chảy ròng ròng từ thân xác Di, xoá sạch những vết ô nhục và những nỗi hận thù trong tâm hồn Mây. Chữ TÂM đã sáng lên giữa đêm tối của đau thương và tội ác. Phải chăng Thuỷ Anna muốn xây dựng tác phẩm của mình thành tác phẩm tư tưởng? Nếu quả có ý thức sáng tạo này thì đây là một ý hướng tốt, tuy nhiên trong TYDT tác giả chưa thực hiện được. Đó chỉ là cách chọn lựa miễn cưỡng khi tác giả bế tắc trước phút pháp hiện thực. Máu, nước mắt, bất công, cái ác vẫn sừng sữ đó. Lão Độ, lão Hồng, lão trưởng phòng vẫn nhở nhơ ? còn sự đau đớn khôn cùng của bịnh cùi Di phải chịu là vì ai? Vì cái gì ? Hai đưá con của Di vẫn bơ vơ trôi dạt không biết về đâu, người đọc nhói tim nếu hai đứa trẻ ấy lặp lại số phận của mẹ nó!
Thoát Y Dưới Trăng thất bại trong việc lý giải những vấn đề xã hội, vậy tác phẩm còn lại điều gì ? Người đọc dễ nhận ra thái độ cảm thông, bênh vực của tác giả với những người đàn bà vì hoàn cảnh mà phải làm đĩ nuôi con (mẹ Di. Mẹ Mạnh và Di). Tuy nhiên ngay cả tình cảm nhân đạo ấy cũng không có cơ sở để đứng vững. Nếu cho điều ấy là đúng thì ngày nay những cô gái chân dài, những diễn viên, ca sĩ làm gái gọi, đi tour, họ có vì hoàn cảnh đói nghèo và bức bách đến nỗi không thể làm gì khác ngoài việc bán thân ? Câu trả lời sẽ là khác với điều Thuỷ Anna đã đặt ra. Việc miêu tả quá nhiều lần cảnh người mẹ làm đĩ trước mặt con (Di và Mạnh ) là sự cố ý lộ liễu. Không người mẹ nào lại làm chuyện tồi bại đó trước mặt con và không người con nào khi chứng kiến những cảnh thú vật như thế lại có thể tha thức cho mẹ được. Thử hỏi,trong những hoàn cảnh đói nghèo và chiến tranh ác liệt nhất suốt 30 năm kháng chiến (1945-1975), có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam chọn nghề làm đĩ nuôi con ? Hơn thế, mẹ của Di, mẹ của Mạnh còn tìm thấy hạnh phúc trong công việc hoàn toàn bản năng ấy. Khi đẩy vấn đề lên tầm khái quát, Thuỷ Anna đã đặt vấn đề một cách võ đoán, ngay cả đó là hư cấu cũng không thể chấp nhận được.
Sự bênh vực, cảm thông với những người phụ nữ phải bán thân để nuôi con là đáng qúy, nhưng vấn đề là giải pháp nào để giúp họ thoát ra khỏi cảnh ô nhục đó ? Tác giả không có câu trả lời, bởi vì tác phẩm đã cô lập hoá nhân vật, không đặt họ trong một bối cảnh lịch sử cụ thể nào. Các tổ chức đoàn thể Nhà Nước, các tổ chức từ thiện xã hội, các chính sách xoá đói giảm nghèo…đều có thể giúp đỡ họ được. Vậy mà tác giả lại miêu tả xung quanh các nhân vật của mình chỉ có caí xấu, cái ác và bóng tối. Điều này làm sao có thể thuyết phục được người đọc ?
Thoát Y Dưới Trăng cũng có nhiều hạn chế về kỹ thuật dựng tiểu thuyết.
Đó là những trang văn xô bồ, ít chất văn chương. Nhiều câu chữ còn rất thô, thiếu sự tinh tế của tiếng Việt, dùng từ sai ngữ pháp, dùng từ không đúng nghiã, lặp từ vụng về.
Thí dụ
“Là một bác sĩ, bà nghĩ rằng, sẽ vô hiệu hoá nếu dùng lửa dập lửa”(tr.112). Chữ vô hiệu hóa dùng không đúng cách về ngữ pháp. Vô hiệu hoá là một động từ, đòi buộc sau nó phải là một tân ngữ. ( thí dụ : vô hiệu hoá âm mưu khủng bố )
“Tất cả những tiềm thức ấy trôi đi rất nhanh, nó giống như một thước phim mà được quay khi đang cưỡi ngựa”(tr.92) Trong mỗi bộ não người chỉ có một vùng tiềm thức, không thể có những tiềm thức. Hơn nữa, tiềm thức là một danh từ không đếm được, không thể đặt Lượng từ những đứng trước.
“Di biết rất rõ rằng, cuộc sống phải luôn luôn chấp nhận sự thay đổi để thích nghi với cuộc sống mà mình đang có”(tr.131). Trong một câu mà dùng hai lần chữ cuộc sống, chứng tỏ khả năng diễn đạt không phong phú nếu không nói là vốn từ của tác giả rất nghèo.
Ngôn ngữ nhân vật chưa được cá thể hoá, vì thế nhân vật không có cá tính. Tác phẩm chỉ có một giọng của tác giả. Di, Mây, Mạnh có cùng một giọng điệu, cùng một kiểu nói năng. Hình ảnh Mây hoàn toàn là sự áp đặt chủ quan, cách nhìn phiến diện có phần méo mó của tác giả đối với thế hệ học trò phổ thông. Thuỷ Anna đặt vào miệng Mây, cô học trò lớp 10 mới 17 tuổi, lời khẳng định này : “Ở lớp em, các bạn sống thử với nhau lâu rồi. Đã yêu nhau thì phải yêu đến tận cùng chứ” (tr 97), và miêu tả lối sống của Mây :“hàng xóm láng giềng cứ xì xèo về chuyện cô Mây hay về nhà rất muộn, có các chàng công tử nhìn phong lưu mã thượng, có xe ô tô đưa đón đi về. Mà cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy cô Mây thay người khác “(tr.45). Có thể có trong đời thực một cô học trò như thế, nhưng không phải là tất cả. Sự áp đặt này là chủ ý điển hình hoá hay do năng lực thâm nhập thực tế và khả năng tiểu thuyết hoá của Thuỷ Anna còn hạn chế ? Cũng có thể là do cách viết trình thuật báo chí, nhân vật tôi (tác giả) quán xuyến tất cả (?).
Yếu tố thời gian trong Thoát Y Dưới Trăng cũng rất lỏng lẻo, nếu không nói là không logic với cốt truyện. Thời gian trong TYDT là thời gian thực, không phải là thời gian tượng trưng hay thời gian nghệ thuật. Truyện được kể theo thứ tự thời gian : một ngày, một tuần, một tháng, hai tháng mười ngày, một năm, ba năm, nhưng hành động của hai nhân vật lại diễn ra trong một thời gian so le. Di đi làm vợ lẽ cho Lão Hồng ba năm trở về nhà, Mây đi Hàn Quốc ba tháng về, hai người gặp nhau. Mây cho quà con của Di. Người đọc có cảm giác ba năm làm lẽ của Di xảy ra cùng một lúc và bằng với 3 tháng đi Hàn quốc của Mây. Nhiều cảnh đang từ hiện tại, nhân vật hồi tưởng quá khứ sau đó không thấy trở về hiện tai, hoặc người đọc không rõ đâu là thời gian tiểu thuyết (thời gian sự việc đang diễn ra ở hiện tại)?
Thoát Y Dưới Trăng lấy nguyên văn ý tưởng và cách thể hiện cuả I’m Đàn Bà (Y Ban ) ở đoạn tả Di làm ôsin cho Mạnh, giúp Mạnh hồi sinh, sau đó chung đụng xác thịt với Mạnh, làm nảy nở tình yêu (tr.130-139) . Việc lấy ý tưởng của người khác là không nên (tôi không tin rằng Thuỷ Anna không biết I’m Đàn Bà của Y ban), vì sẽ tạo ra sự ngộ nhận nơi người đọc và lộ ra sự hạn chế trong năng lực sáng tạo của tác giả. Ai cũng hiểu rằng, năng lực sáng tạo là một tố chất quyết định tài năng của nhà văn.
Tôi cứ băn khoăn điều này, phải chăng tác giả bắt Di phải đi con đường số phận do mình hư cấu ? Bỗng dưng người anh dẫn con về và bỏ trốn vì tội giết vợ, rồi bỗng dưng có đưá trẻ bị bỏ rơi trong bụi rậm, thế là Di phải làm mẹ hai đưá trẻ. Khả năng kiếm sống cũa Di để nuôi hai con trở nên ngặt nghèo, đẩy Di vào con đường bán thân cho lão Độ. Sao Di không đem cháu bé cho tổ chức từ thiện nào ? Chính cái bỗng dưng ấy làm người đọc hoài nghi tính logic hiện thực của cốt truyện. Rồi lại bỗng dưng Di đi bốc mộ cho bà già bịnh cùi, để lây bịnh cùi. Y khoa chỉ ra rằng, bệnh cùi từ lúc nhiễm đến lúc phát là rất lâu, có khi 15-20 năm, vậy mà chỉ mấy tháng thì tay Di đã bắt đầu cụt dần, máu chảy ròng ròng…(ngày nay y khoa đã có thuốc chữa khỏi căn bệnh này).Tất cả những điều như thế đặt một dấu hỏi lớn về tính chân thật nghệ thuật của tác phẩm
Có một chi tiết có thể làm người đọc bình thường rối trí. Đó là, toàn bộ đối thoại của các nhân vật đều không được đánh dấu bằng dấu gạch ngang đầu dòng. Lời đồi thoại được viết liền mạch với lời kể cuả tác giả. Điều này có ý nghiã gì ? Phải chăng viết như vậy, tác giả muốn lưu ý người đọc rằng đó là dòng ý thức của nhân vật, không phải là dòng hiện thực đang diễn ra. Tôi thấy rằng cách viết của Thuỷ Anna chưa đạt tới kỹ thuật “dòng ý thức” của văn chương hiện sinh. Cách trình bày như vậy chỉ làm rối trí người đọc thôi, không mang lại hiệu quả diễn đạt nào.
Trở lại tên truyện Thoát Y Dưới Trăng và đoạn tả cảnh Di tắm trần dưới ánh trăng:”Bóng trăng đổ ập xuống căn nhà rất sớm. Di tắm trần như nhộng dưới bóng trăng nhễ nhại, cảm giác đau đớn và bỏng rát khi dội nước lên cơ thể đang nổi mần đỏ. Dường như trăng càng sáng nỗi đau đớn hành hạ Di dữ hơn. Cô lăn lộn dưới trăng như con sói hoang lăn lộn giữa rừng già cô độc”, tôi đã tra hỏi xem tác giả có ngụ ý gì trong hình ảnh ấy và nhan đề ấy ? Có thể nhận xét của An ninh Thủ đô là một kiến giải.
An ninh Thủ Đô nhận xét thế này : Ngoài lối hành văn truyền thống, biểu cảm, thì ấn tượng đối với “Thoát y dưới Trăng” chính là những… “cảnh nóng” được chị xây dựng trong câu chuyện đầy bản năng nhưng cũng rất con người, đó là những hình ảnh gây xúc động đối với người đọc. (2)
Có thật rằng nhan đề truyện và đoạn tả cảnh trên là chí có dụng ý gây tò mò ? Tôi đã không đọc được ngụ ý gì trong đoạn tả trên, ngoài hình ảnh trần trụi của việc tắm. Nhưng nếu chỉ quy TYDT về còn lại ấn tượng ở những “cảnh nóng”, tôi nghĩ người đọc đã không hiểu đúng những thông điệp cuả tác giả. Có điều, tác giả khai thác nhiều lần đoạn tả cảnh mẹ làm đĩ với khách một cách hoang dã trước mặt con, và sử dụng những hình ảnh tục để tô đậm những cảnh sex sẽ là trái với quy luật sáng tạo nghệ thuật của văn chương.
Xin đọc :” mẹ là người lọc lõi trong tình trường, mẹ kéo khoá quần gã xuống. Di nhìn thấy rõ cái bộ phận đàn ông của gã như con chó con mới đẻ. Mẹ mơn trớn con chó con ấy đến khi gã không chịu được nữa vùng lên và quăng mẹ Di xuống ven đường, lột sạch quần áo, cả cái quần chip mẹ mới mua chiều nay trên phố huyện, trông diêm duá, nửa kín nửa hở. Mỗi nhịp gã thúc mạnh xuống người mẹ Di, lạ thay, mẹ tỏ ra mãn nguyện”(tr.12)
Sẽ chẳng ai tin rằng người mẹ này vì nghèo khổ mà phải làm đĩ nuôi con, như ý định của tác giả trong tác phẩm. Nếu An Ninh Thủ Đô có cho rằng “ấn tượng đối với “Thoát y dưới Trăng” chính là những… “cảnh nóng” được chị xây dựng trong câu chuyện đầy bản năng nhưng cũng rất con người, đó là những hình ảnh gây xúc động đối với người đọc”, thì nhận xét đó có lý của nó, nhưng Tôi không rõ “xúc động” người đọc nhận được qua “cảnh nóng” ấy là xúc động gì? Hay cũng chỉ là “xúc động” bản năng ? Nếu vậy thì cả người viết và người đọc (ANTĐ) chưa hiểu điều này là, con người khác loài vật ở chỗ, con người đã nâng bản năng lên thành văn hoá. Đó là điều đáng tiếc. Tôi nghĩ, có lẽ do mục đích câu khách, hay do “phong trào” viết sex bẩn như một mốt thời trang của tư tưởng giải phóng phụ nữ (kiểu đòi nữ quyền phương Tây) mà Thuỷ Anna chịu ảnh hưởng chăng ? Dù thế nào, Thuỷ Anna đã tỏ ra chưa đủ tự tin trong sự sáng tạo của mình.
Thoát Y Dưới Trăng có được ý tưởng sáng tạo tốt, có những trang văn hay (thí dụ, đoạn tả tâm trạng Mạnh sống trong mộng du, tr.108-116), có khơi gợi được tình cảm nhân đạo nơi người đọc, nhắc nhở người đọc quan tâm đến những con người bất hạnh chung quanh mình. Tác phẩm cũng hé lộ chút ánh sáng bất chợi trong năng lực sáng tạo của tác giả (Thí dụ, đoạn tả giấc mơ của Mạnh với thằng Đỏ - tr.114), điều ấy đem đến cho người đọc hy vọng ở ngòi bút trẻ này
Xin đọc giấc mơ của Di :”Di thấy mình bay bổng trên những chòm sao. Trong giấc mơ của Di, mỗi vì sao giống như một ngôi nhà trong xóm nghèo này, nhưng trên các chòm sao ấy có đầy ắp ánh sáng. Di cầm từng nắm ánh sáng ném vung vãi xuống nhân gian như cô tiên cầm cây đũa thần kỳ ban phát phép màu. Trên cơ thể Di khoác tấm áo màu lụa có gắn đôi cánh bạc lấp lánh, khi khoác đôi cánh ấy trên vai Di có thể bay từ chòm sao này đến chòm sao khác..(tr.107)
Tất nhiên để đạt được thành tựu trong tiểu thuyết, Thuỷ Anna phải vượt qua được cách viết báo chí, đem văn chương vượt lên thời sự ; phải tự tìm kiếm cho mình một bút pháp phù hợp (không phải là sự lắp ghép hiện thực và lãng mạn một cách vụng về như trong TYDT) và phát huy hơn nữa năng lực sáng tạo để không bị ảnh hưởng người khác. Điều ấy cần có thời gian, nỗ lực rèn luyện và sự tìm tòi khổ công. Văn chương bao giờ cũng đền bù xứng đáng cho những khổ công như vậy.
Bùi Công Thuấn. Tháng 7. 2010
_______________________________________________________
(1) http://ca.cand.com.vn/vi-VN/vanhoathethao/guongmat/2010/2/159091.cand
(2) http://tintuc.xalo.vn/00-1824511543/thuy_anna_va_cuon_tieu_thuyet_thu_2.html
Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010
NHẮM MẮT THẤY GÌ ? phêbình văn chương của Bùi Công Thuấn
Bùi Công Thuấn đọc văn trẻ
NHẮM MẮT THẤY PARIS
Tiểu thuyết của Dương Thuỵ. Nxb Trẻ 2010
Dương Thuỵ tên thật là Dương Thụy Phương Khanh, sinh năm 1975 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh Đại Học Liège-Vương Quốc Bỉ. Đã dự nhiều lớp tu nghiệp ở Tây Ban Nha. Vương Quốc Anh và Pháp. Từ 1997 đến 2010 đã in 11 tác phẩm. Nhắm Mắt Thấy Paris (NMTP) được viết với vốn sống của Dương Thuỵ trong quá trình học tập và làm việc của mình. Bối cảnh chính cuả tác phẩm là Paris, thành phố mà tác giả nhiều lần nhắc đến với tình cảm yêu mến. “Bản thân tôi cũng thường nhắm mắt thấy Paris và Paris từ lâu với tôi đã là một chốn đi về đầy yêu thương “(Lời nói đầu)
Câu truyện kể về nhân vật Mai, một Product Manager nhãn hàng cho giới trẻ Fleuroral của công ty L’Aurore ở sàigòn. Dự hội nghị của công ty ở Hong Kong, Mai quen biết với Louis De Lechamps, (Industry Manager), và Daniel Ng. đến từ Singpore, là sếp vùng (Asia Development Director). Cả hai người này đều có cảm tình với Mai khi thấy cô phát biểu ấn tượng trong hội nghị. Sau đó Louis đến Saigòn làm việc, anh tưởng có thể gắn bó với Mai nhưng lại xa Mai. Nhờ tiến cử ngầm cuả Daniel, Mai được sang Pháp tu nghiệp tại trụ sở tập đoàn L’Aurore một năm. Từ đây con đường sự nghiệp của Mai thăng tiến vùn vụt. Cô hội nhập rất nhanh và được Giám đốc nhân sự của tập đoàn đưa vào danh sách manager cao cấp đầy tiềm năng, sẽ làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hoá, sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ cao cấp của tập đoàn. Nhưng tình địch của Mai là Tuyết Hường (Pink Lady), người làm cùng công ty với Mai ở Sàigòn đã giành mất Louis của Mai. Pink Lady dùng scandal tình dục làm diên đảo công ty L’Aurore : Louis bị đuổi việc, suýt tự tử chết. Sếp Lafatoine tan tành sự nghiệp, thân bại danh liệt. Daniel phải nghỉ việc. Mai đau khổ chia tay với Louis. Sau cùng Mai nhận ra tình yêu của Daniel. Truyện kết thúc vui vẻ trong tha thứ. Mỗi người đều vượt qua tai nạn nghề nghiệp và tìm thấy con đường mới cho tương lai. Mai làm trưởng phòng đại diện cho công ty mỹ phẩm Sunny Hàn Quốc. Lafatoine là giám đốc chuỗi cửa hàng bán túi xách phụ nữ nhập từ Ý. Daniel thành công trong việc mở hàng loạt các cửa hàng ăn uống. Louis đã tìm được việc làm ở Úc. Mai hẹn với Maman Christine se cùng chàng (Daniel) trở lại Paris thăm bà.
Nếu đọc để giải trí thì Nhắm Mắt Thấy Paris là tác phẩm hấp dẫn. Độ căng của cốt truyện được giữ trong suốt tác phẩm . Mỗi chương kết thúc bằng cách mở ra một căng thẳng mới. Chương cuối cùng hoá giải tất cả các mâu thuẫn trong 21 chương trước đó. Mạch truyện kết cấu logic. Nhiêu cảnh sắc Paris được miêu tả đẹp. Nhiều chương miêu tả khá sắc xảo tâm lý, tính cách nhân vật, đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Ngôn ngữ dùng trong tiểu thuyết là ngôn ngữ của người trẻ hiện đại. Bút lực của Dương Thuỵ khá mạnh mẽ. Kết thúc có hậu làm người đọc yên tâm.
Nếu đọc Nhắm Mắt Thấy Paris để thưởng thức những giá trị văn chương thì (người đọc) có thể cần trao đổi với tác giả đôi điều.
Trước hết, cách kể truyện không mới nếu không nói là cấu trúc truyện khá đơn giản. Mạch thời gian và những bước thăng tiến cuả Mai là mạch chính. Không có các mạch phụ, không có nhiều tuyến đan xen nhau. Việc khai thác scandal tình dục như là cốt lõi của truyện cũng không có gì mới. Louis vì tình dục mà bị đuổi việc. Lafatoine vì tình dục mà thân bại danh liệt. Mai cũng vì tình dục mà mất đời con gái và bị tổn thương trầm trọng. Điều đáng nói là tác giả đã cổ vũ thái quá cho tự do tình dục và lối sống thực dụng phương Tây (đậm đặc ở chương 14,15) và nhất là ở nhân vật Pink Lady (chương 16). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ với người đọc trẻ Việt Nam. Bạn trẻ có thể lầm tưởng như thế mới là tự do, mời là giải phóng, là hiện đại, là tiến bộ. Maman Christine nói với Mai: “tiết hạnh chẳng là gì cả nếu sau này con lấy phải một ông chồng cục mịch và trao cho ông tiết hạnh của mình. Tình cho không biếu không, con ơi! Mình không cho xả láng, nhưng nếu mình thấy đối tác xứng đáng, hãy cho đi con, vì con sẽ nhận lại gấp bội”(172) Lan cổ vũ Mai :”Chị không tin vào hai chữ thuỷ chung ở đàn ông. Những ông nào vẫn còn chung thuỷ thì thật ra là chưa có khả năng để ngoại tình”..”..Em nên sáng suốt với Louis và đừng đòi hỏi anh ta phải có trách nhiệm gì cả, sex không phải là trách nhiệm, đó là thú vui”(173). Tất nhiên là sau những lời cổ vũ như thế, cùng với sự cuốn hút cuả Louis, cô gái được giáo dục tử tế đã lao vào hưởng thụ sung sướng xác thịt, mà ngay sau đó Mai cũng xác nhận đó không phải là tình yêu.
Nhân vật Mai là nhân vật chính, lẽ ra phải là được xây dựng như một điển hình cho giới trẻ Việt nam có tài năng và phẩm chất tốt, hội nhập tốt với thế giới, nhưng trái lại, nhân vật này bị sụp đổ hoàn toàn. Hành xử của nàng như một con khùng con điên (tr.45), không bao giờ kềm chế được mình. Mai tự nhận mình là kẻ đớn hèn không hề có một hành động chủ động nào cho sự thăng tiến tương lai của mình. Số phận của Mai bị định đoạt trong tay những nhân vật khác và trôi đi theo triết lý :”Tout s’arrangera : rồi mọi thứ sẽ tự ổn “(tr.256). Người đọc thấy Mai thăng tiến vù vù, nhưng tác giả không hề miêu tả cụ thể Mai đã làm được gì để được thăng tiến. chỉ thấy Mai đứng coi người ta làm và chạy theo các nhóm đi fiels . Sau cùng việc Mai bỏ L’Aurore để làm cho Sunny Hàn Quốc cũng không được lý giải, mặc dù L’Aurore hậu đãi Mai.
Đáng trách nhất ở Mai là không hề có một chút bản lĩnh văn hoá Việt Nam nào. Khi đối xử với gia đình Louis quý tộc, Mai tỏ ra hoàn toàn thiếu văn hoá. Hơn thế Mai còn nhận mình là dân Cowboy Mỹ, để rồi bị Louis nói thẳng vào mặt rằng cowboy Mỹ cũng không hành xử thiếu văn hoá như thế. Chẳng hạn, trong khi Louis đang ở trần trong phòng của anh, Mai sang để noí chuyện. Nhưng khi thấy chiếc quần đùi hiệu Hermes đắt tiền anh đang mặc trên người, cô nhào đến cố sờ cho được. Louis bỏ chạy, Mai đuổi theo. Hai người lăn lộn trên giường. Louis không cho cô chạm được vào chiếc quần ấy. Tôi không hiểu tác giả nghĩ gì khi xây dựng những tình tiết thiếu văn hoá đến thô bỉ như thế về Mai? Trong khi tác giả viết, Mai sinh ra, lớn lên trong một gia đình nề nếp, tốt nghiệp đại học ở VN, vậy mà, khi đối diện với Louis và các sếp người Pháp khác, Mai không hề tỏ lộ được nét văn hoá VN nào, trái lại Mai bị văn hoá sex và chủ nghĩa thực dụng phương Tây đánh bại.
Một điều phi lý khác là Mai đã để cho Pink Lady đeo bám mình, ngủ chung với mình ở Paris và theo đến Milan. Pink đóng kịch đau khổ làm Mai phải xót thương, để rồi trong khi Mai đi làm thì ở nhà Mai, Pink Lady khám phá ra việc Mai giữ hàng của công ty, khám phá ra Mai gửi hàng về cho mẹ. Pink đã dùng những chứng cớ đó để dằn mặt Mai, khiến cho Mai phải kêu lên “Lần này con chết chắc rồi. Mất danh dự, mất việc làm, con sẽ bị gởi trả về Việt Nam trong ê chề”(tr,256). Khi tác giả đã sử dụng bút pháp hiện thực thì phải tuân thủ nguyên tắc logic khách quan của bút pháp này. Không thể có một nhân vật Mai hành xử như thế trong đời thực. Một thiều sót quan trọng , theo tôi, là tác giả không hề miêu tả tâm hồn Việt Nam của Mai. Mai yêu Paris và ngày càng yêu Paris. Người đọc không gặp được dòng nào Mai yêu Sàigòn, yêu cha mẹ, yêu bạn bè Việt Nam. Những điều ấy hiển nhiên đọng trong tâm hồn bất kỳ ai khi đi ra nước ngoài.
Thất bại trong xây dựng nhân vật Mai là thất bại của cả tác phẩm
Bạn đọc trẻ ngỡ rằng sẽ học được ở Mai kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa quốc gia, học được cung cách hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, học được những cái tiến bộ, cái mới để về phục vụ tổ quốc, nhưng Mai đã không đáp ứng được yêu cầu ấy. Điều này xuất phát từ sự non yếu của tác giả về vốn sống và khả năng thể hiện chủ đề.
Nhân vật Mai thất bại, thay vào đó Pink Lady lại là nhân vật xuất sắc của Dương Thuỵ. Con người này là hiện thân sinh động của lối sống thực dụng. Không có khái niệm đạo đức tốt - xấu, không có thiện - ác, càng không có tình nghĩa. Với Pink, để sống còn, chỉ có thủ đoạn. Phải thủ đoạn để đạt cho được mục đích điạ vị, tiền bạc. Pink đã gài bẫy sex đánh bại Louis và Lafatoine, cô đã thành công trong việc làm khuynh đảo công ty L’Aurore ở Saigòn. Pink đã đeo bám Mai ở tận Paris để lấy được tài liệu răn đe Mai, đặt Mai trước sự mất trắng nhục nhã. Tài năng, tâm huyết, sức lực của Mai thành số không. Công ty L’Aurore phải đền bù Pink một số tiền khá lớn. Số tiền này sẽ giúp Pink kinh doanh, mở công ty sau này. Điều đáng nói là, Pink được trình bày như một mẫu hình của giới trẻ thực dụng, thành đạt. Triết lý sống của Pink có sức thuyết phục ngưởi đọc. Đương Thuỵ nhận xét” Hường chưa bao giờ ở vào thế bị động và chờ người ta ra tay trước “(251). Pink nói vào mặt Mai:”Dân Việt Nam đớn hèn hay tin vào luật nhân quả để tự an ủi khi bị đối xử bất công. Thay vì tức tối rủa xả’Nó sẽ bị trả giá’ rồi mòn mõi ngồi chờ ông Trời ra tay, sao họ không đích thân hành xử kẻ bị cho là xấu xa? Cuộc đời này khắc nghiệt lắm, không tự cứu mình thì Trời cũng không có thì giờ mà cứu đâu!”(tr.252). Một con người đáng ghê tởm như vậy, ở cuối tác phẩm lại được mọi người tha thứ. Lafatoine nói :”..có lúc tôi cay đắng oán giận tập đoàn đã quá nặng tay đuổi việc tôi, và tôi hận Pink Lady. Nhưng giờ mới thấy tôi phải nên cám ơn cô ta”(tr.264). Dương Thuỵ để cho Lafatoine triết lý :”chỉ là tôi muốn cô hiểu rằng khi tha thứ, mình sẽ được cuộc đời đền bù gấp bội.”(tr.271)
Gấp cuốn tiểu thuyết lại, điều gì còn đọng lại trong lòng người đọc ?
Đó là chất ký sự viết về những cảnh sắc đẹp, những chuyến đi Paris, Ba Lan, Hong Kong của Mai. Quảng trường Vendôme (Paris) với những cửa hàng sang trọng, cầu Mirabeau dành cho những cuộc tình trôi theo dòng nước, những lâu đài ở thung lũng sông Loire với phong thái quý tộc Pháp, Paris Noel rực rỡ, Paris muà xuân, Paris những ngày tháng sáu, Paris tháng Bảy, cuối xuân đầu hè…có nắng hanh vàng, bầu trời trong xanh gợn những cụm mây trắng như bông, gió nhè nhẹ đủ thổi bay những chiếc lá chấp chới trong vườn Luxembourg (tr.210). Dương Thuỵ còn dẫn người đọc đến Otwock Balan là nơi có khí hậu trong lành nhất châu Âu, và Milan (ý)…Bối cảnh ấy có tạo ra sự mới lạ trong chất liệu của tiểu thuyết và chứng tỏ người viết đi nhiều, biết nhiều. Quả thực, châu Âu là một trong những cái nôi văn minh nhân loại, tất cả cô đọng ở Paris, vì thế Châu Âu luôn quyến rũ khách du lịch. Những cảnh sắc và sinh hoạt của Partis trong tác phẩm có đem đến những nét thoáng qua về Paris cho người đọc. Rất tiếc là tầm nhìn của Mai còn rất hẹp. “Paris! Paris! Thật ra mình đâu biết gì về nơi này ngòi đoạn đường từ các trạm metro”(tr.154) Cô chỉ biết Paris từ nhà trọ đến công ty, những cửa hàng mua sắm ở siêu thị, ngoài ra cô không biết gì về người dân Paris. Tác phẩm không hề miêu tả đời sống sinh hoạt của người dân Paris thuộc mọi thành phần, không khám phá đời sống văn hoá, xã hội, chính trị cuả Paris. Có thể nói Mai hiểu biết Paris rất hời hợt. Thực ra ngay ở Sàigòn là quê hương cô sinh ra và lớn lên, cô cũng không biết gì. “Mai thích khu trí trong vùng an toàn là gia đình, bạn bè thân thuộc, giới trí thức đàng hoàng và những cuốn sách văn học kinh điển “(tr,70) thậm chí không biết giữa Sài gòn có một nơi sang trọng mát mẻ là Saigon Domain nếu Louis không dẫn cô tới.
Kết thúc tác phẩm theo lối có hậu đem đến cho người đọc sự an tâm về thái độ và ý thức sáng tác của người cầm bút trẻ. Tất nhiên có hậu của Dương Thuỵ không phải là kết quả triết lý ở hiền gặp lành như trong truyện dân gian. Dương Thuỵ nghiêng về những suy gẫm triết lý. Daniel vì scandal sex mà bị mất việc, sau đó anh mở cửa hàng ăn uống và thành đạt. Anh nóì với bạn gái cũ :”Chuá đóng cánh cửa này thì sẽ mở ra cánh cửa khác”, còn Lafatoine tan gia bại sản, thân bại danh liệt vì Pink Lady lại nói lời tha thứ Link Lay, rằng “ khi tha thứ mình sẽ đượccuộc đời đền bù gấp bội…Giờ tôi không sem thành công là cáiu đích của mỗi con người. Tất cả chỉ còn lại cái tình, và hạnh phúc được sống trong thanh thản, đó mới là điều quan trọng nhất “(tr.271). Người đọc thấy thấp thoáng tư tưởng nhân văn Thiên Chuá Giáo và triết lý an vi của Lão Trang. Rất tiếc những tư tưởng này không được thể hiện bằng hình tượng, mà chỉ được nhân vật phát ngôn, như là sự tự an ủi cho sự thất bại.
Còn nhân vật Mai thể hiện tư tưởng gì ? Lúc đầu Mai hăm hở làm việc cho công ty L’Aurore, làm việc miệt mài để hội nhập và thăng tiến, Mai đã đạt được điạ vị mà mọi người trẻ đếu ao ước. Mai bằng lòng với thành đạt ấy, vậy mà trong những mail gửi cho Lan, Mai lại than thở nỗi cực nhục :”em cày như trâu, làm việc không nghỉ ngơi, lúc nào cũng cúc cung tận tuỵ. Nhiều lúc thực tình muốn chửi thề thẳng vô mặt bà sếp rồi ra sao thì ra. Nhưng đúng là dân Việt Nam mình được nuôi dạy là ‘ một câu nhịn là chín câu lành(nhất là nhịn tụi Tây). Nhịn luôn đi liền với nhục, nhục lắm chị à”(tr195). Mai cũng than thở về nạn bè phái, ô dù trong công ty và ngộ ra rằng ở đâu cũng vậy. Những tưởng Mai sẽ nung nấu lý tưởng học tập để có kinh nghiệm về Việt Nam làm việc giúp cho sự thăng tiến cuả đất nước, nhưng cuối cùng, Mai bỏ L’Aurore về làm cho Sunny Hàn Quốc tác gỉa không một lời lý gỉai. Thế nghiã là gì, nhân vật Mai chưa chuyển tải được tư tưởng gì của tác giả. Phê phán chủ nghiã Tư Bản chăng ? hay chỉ ra kinh nghiệm kinh doanh nhỏ lẻ thành công hơn như Daniel và Lafatoine? Mai không hề có lý tưởng gì, tư tưởng gì. Chẳng lẽ tuổi trẻ Việt Nam đầy tài năng, nhiệt tình, được giáo dục và đào tạo bài bản lại hời hợt đến thế sao?
Thấp thoáng đây đó Dương Thuỵ cũng phê phán xã hội Việt Nam. Điều này không công bằng khi tác giả luôn ca ngợi Paris. Trước hết, nhiều lần Louis đốp thẳng vào mặt Mai rằng cô thiếu văn hoá, dù là một cowboy Mỹ cũng không hành xử thiếu văn hoá như cô. Trước mặt giới quý tộc Pháp, Mai hiện diện như một kẻ thiếu văn hoá, một tiện dân. Tôi không rõ người trẻ Việt Nam ở nước ngoài tất cả có hành xử như Mai không, và tôi tin Mai chỉ là một trường hợp méo mó do trình độ viết của tác giả tạo ra. Mai là một hình ảnh mà tác giả viết bôi bác về giới trẻ hôm nay. Qua lời Lan động viên Mai, Dương Thuỵ chỉ ra bản chất của xã hội Việt Nam :“Giỏi thì có giỏi nhưng xã hội này vàng thau lẫn lộn, sâu bọ ngoi lên làm người. Đâu phải giỏi là hay, nhiểu khi còn khiến mình chết sớm”(tr.53). “ở Việt Nam có khối kẻ giàu một cách đáng kinh ngạc “(tr.105). Thái độ cần có với xã hội đó là chửi :”Chửi đi em! Cho đời bớt khốn nạn “(tr124), rồi nhân đó Dương Thuỵ bôi bác quá khứ qua lời Lan an ủi Mai:”Thôi, ráng cày, ráng làm mọi, rồi có ngày mình về VN mở công ty. Lúc đó mình tuyển nhân viên Tây vô để trả thù dân tộc. Nhớ nhé ! Mình từng thắng đế quốc Mỹ, diệt thực dân Pháp. Tiến lên !”(124). Có lẽ Dương Thuỵ học nhiều ở nước ngoài nên có cái nhìn lệch lạc về đất nước mình chăng. Và mặc dù được giáo dục đào tạo bài bản , chẳng lẽ Dương Thuỵ cũng có thái độ sống và hành xử như Mai? Điều này có thể hiểu được, vì Văn là người.
Cũng cần nhận rõ điều này, ảnh hưởng chủ nghiã Hậu Hiện Đại có trong tư tưởng của tác phẩm qua nhân vật maman Chritine. Christine dạy Mai phải biết chửi “merde” (cứt ) vào tất cả.”Chửi thề là cách hữu hiệu để chống stress ở Paris. Nào ! hét to lên “Merde! Merde!(tr.95). Christine giải thích :”Đừng quá băn khoăn, đừng quá nghiêm trọng hoá vấn đề, rồi mọi thứ cũng tự ổn thỏa, bởi cuộc đời này vốn không phức tạp như những triết gia thích tư duy. Sự vật hào nhoáng nếu nhìn dưới lăng kính trần tục cũng chỉ là một đống ‘merde’ mà thôi. Không phải Paris hoa lệ cũng tồn tại chung cùng những đống phân chó đó sao ?(tr.181). Đó là sự lật nhào mọi giá trị, mọi tím niệm, là sự “giải thiêng” những chân lý ở đời, là đạp đổ những “đại tự sự”. Cái gì cũng chỉ là “merde”(cứt). Cho nên việc việc giữ gìn trinh tiết và tự giải phóng mình khỏi xiềng xích của vấn đề trinh tiết cuả Mai (tr.161) cũng cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Pink Laday đã ăn nằm với bạn giai từ khi cô còn học năm 2 Đại Học, có sao đâu! Điều ấy phản ánh sự mất phương hướng, không có lý tưởng, của tuổi trẻ. Họ trở thành nạn nhân của chủ nghiã thực dụng phương Tây. Rất tiếc trong tác phẩm Dương Thuỵ lại cổ vũ cho những tư tưởng này một cách đậm đặc. Nếu tuổi trẻ Việt Nam đều tiêm cái tư tưởng này vào đầu và hành xử hoang tưởng như vậy, không biết xã hội Việt Nam còn tha hoá thế nào?
Bỏ hết những vấn đề đã nêu ở trên đi, Nhắm Mắt Thấy Paris còn lại điều gì ? Còn lại ấn tượng về sex và vấn đề trinh tiết. Dương Thuỵ đã cổ vũ nhiệt tình cho việc gỉai phóng xiềng xích vấn đề trinh tiết, đã miêu tả sự hoan lạc cuả sex tự do , sex lạc thú thân xác, không gắn với trách nhiệm xã hội. Mai đã chủ động đòi sex ở Louis và không ân hận gì khi cuộc tình gãy đổ. Cô chỉ trơ ra rằng :” Đời tôi coi như xong rồi! Tôi không còn cửa để có một người chồng Việt Nam đàng hoàng nữa”(tr.228). rất may ở gần cuối tác phẩm, Dương Thuỵ lật mặt trái vấn đề này. Trong những phút đau đớn nhất của Louis, anh nhận ra danh dự làm người mới là giá trị quan trọng :” Suy cho cùng, tình dục là cái thá gì! Có thì được vài khoảnh khắc hưởng thụ, không thì cũng chẳng chết ai! Thậm chí bất lực càng hay, sẽ không bị đuổi việc nhục nhã và phá huỷ hết những gì đã gây dựng được”(tr.240) .
Cũng nên ghi nhận điều này, Dương Thuỵ có ý thức đặt vấn đề sex gắn với những vấn đề xã hội, không miêu tả sex kích dục, sex bẩn. Những chỗ miêu tả cảnh sinh hoạt nam nữ, ngòi bút Dương Thuỵ có sự tế nhị văn hoá. Chỉ tiếc Dương Thuỵ đã không đi đến cùng minh triết vấn đề sex trong văn hoá phương Đông và văn hoá Việt Nam. Tình yêu, tình dục là vấn đề cá nhân, nhưng hậu quả cuả nó lại là hậu quả xã hội, vì thế cần thấy rõ tư tưởng thực dụng phương Tây về sex là hoàn toàn trái với truyền thống nhân văn phương Đông. Tiết trinh là một trong những giá trị bảo đảm cho hạnh phúc gia đình của người Việt Nam. Tình yêu của người Việt Nam gắn với tình nghiã và trách nhiệm xã hội. không có “tình cho không biếu không”, không có chuyện tình dục chỉ là thú vui không đòi buộc trách nhiệm xã hội. Sau cùng Mai cũng đã nhận ra điều này khi hiểu ra Daniel mới chính là tình yêu thật sự của cô. Tình yêu bao gồm trong nó sự quan tâm chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau, thuỷ chung với nhau. Daniel đạt những chuẩn mực lý tưởng đó. Là người Việt Nam trong hội nhập với thế giới, nhất thiết chúng ta phải bảo vệ những giá trị bản sắc của dân tộc. Đã qua rồi cái thời Phương Tây là văn minh, phương Tây mới là tiến bộ. Cũng cần ý thức sâu sắc cuộc xâm lăng văn hoá của phương Tây đang tràn vào Việt Nam qua cửa hội nhập, mà hậu quả của nó đối với xã hội Việt Nam đã hiển hiện nhãn tiền.
Nhắm Mắt Thấy Paris đã hoàn toàn khác với tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975 và thời kỳ đổi mới (những năm 1986). Khác từ đề tài, bối cảnh đến nhân vật và những vấn đề tác phẩm đặt ra. Dương Thuỵ viết về thời hôm nay, về những vấn đề của người trẻ hôm nay. Rất tiếc tác giả chưa làm sáng lên được những giá trị của thời đại mới, những hình mẫu tuổi trẻ trong thời đại mới.
Xét đến cùng , tiểu thuyết là câu chuyện của con người, là quan hệ người với người, dù thời nào, bối cảnh nào thì những mối quan hệ và những bí ẩn nhân thế vẫn cần được tiểu thuyết khám phá, để vưà khắc hoạ cho được con người của thời đại, vưà nói tiếng nói lương tri của thời đại, đem ánh sáng vào những ngõ ngách khuất tối nhất của tâm hồn con người. Dương Thuỵ chưa làm được những điều như vậy trong Nhắm Mắt Thấy Paris. Nhưng tôi tin rằng Dương Thuỵ còn tiến xa trong nghệ thuật tiểu thuyết vì Nhắm Mắt Thấy Paris đã thể hiện được nhiều tố chất của một nhà văn có cốt cách và tài năng, có vốn sống và lòng say mê văn chương, có năng lực sáng tạo dồi dào. Cái thiếu ở Dương Thuỵ là ánh sáng bản sắc văn hoá Việt và minh triết phương Đông để nâng giá trị tác phẩm lên ngang tầm với thời đại.
BCT. Tháng 6.2010
______________________________________________
Đã đăng trên Phong Điệp 02.07.2010 : tác phẩm và dư luận http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10494
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)