30 NĂM VĂN XUÔI ĐỒNG NAI, MỘT PHÁC THẢO Bùi Công Thuấn
1.Tác giả và tác phẩm
Trong 30 năm phát triển của Hội VHNT Đồng Nai (1979-2009), đội ngũ tác giả văn xuôi ít hơn tác giả thơ. Hai tác giả nguồn cội của Văn Nghệ Đồng Nai là Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn . Lý Văn Sâm chỉ có hai truyện ngắn : Chuyện Ấy Đã Qua Rồi (1979) và Chuyện Người Thổi Sáo ở Bến Xuân (1991). Nhà Văn Hoàng Văn Bổn, chỉ tính từ 1979 trở đi, đã viết 24 tác phẩm, trong đó có nhiều bộ tiểu thuyết sử thi như Miền Đất Ven Sông (3tập.1984), Khắc Nghiệt (4 tập.1990 ), Nước Mắt Giã Biệt (4 tập.1994). Khôi Vũ là nhà văn viết rất khoẻ . Anh đã in 25 tác phẩm. Nhà văn mặc áo lính Phạm Thanh Quang in 8 tác phẩm. Lê Đăng Kháng : 6 , Nguyễn Đức Thọ : 6. Nhà văn nữ Thu Trân :10. Nhà văn trẻ Nguyễn Một : 9 , nhà văn trẻ Trần Thu Hằng :5 (1). Nếu tính số lượng tác phẩm của các nhà văn Đồng Nai đã in trong 30 năm qua, con số là trên 120 tác phẩm truyện ký. Quả là một đóng góp rất lớn vào văn học Miền Đông Nam Bộ .
Trong 30 năm ấy, Đồng Nai đã mất đi những nhà văn tài năng như Lý Văn Sâm (1921-2000), Nguyễn Đức Thọ (1955-2001), Hoàng Văn Bổn (1928-2006 ),… Nhưng cũng có thêm các cây bút trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Một, Trần Thu Hằng ( sinh năm 1975)
Một số giải thưởng tiêu biểu ( không kể gỉai thưởng Trịnh Hoài Đức của Đồng Nai và giải thưởng của các báo, tạp chí ở trung ương )
Hoàng Văn Bổn :. Giải thưởng Nhà Nước về Văn Học Nghệ Thuật năm 2007
Khôi Vũ : Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 1988-1989, tác phẩm Lời Nguyền
Hai Trăm Năm
Thu Trân : Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, tác phẩm Đường bong bóng bay.
Lê Đăng Kháng : Giải ba truyện ký, Bộ Lâm Nghiệp, Hội Nhà Văn 1982
Phạm Thanh Quang : Giải ba, Ủy ban toàn quốcLHVHNT Việt Nam 2001
với tập truyện Địa Linh…
2. Những khuynh hướng chính của văn xuôi Đồng Nai Hoàng Văn Bổn viết nhiều về đề tài cách mạng và kháng chiến, đặc biệt ông xây dựng những bộ sử thi miêu tả cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân Đồng Nai, chẳng hạn, Miền Đất Ven Sông phản ánh hiện thực đấu tranh cách mạng từ những năm 1940 đến 1954. Đề tài của ông rất rộng. Bầu Trời Mặt Đất (1981) viết về cuộc chiến đấu của không quân Việt nam. Sóng Bạc Đầu (1982) viết về cuộc chiến đấu cuả hải quân nhân dân mình…Ông cũng viết những trăn trở của mình về thời đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường (Tình Đời Đen Bạc, 1988- Người Điên Kể Chuyện Người Điên, 1992…).. Lũ Chúng Tôi (1981), Gặp lại Một Dòng sông là những ký ức của tác giả về quê hương . Hoàng Văn Bổn qua đời, mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Đồng Nai khó có người kế thừa. Có thể nói Hoàng Văn Bổn là nhà văn đóng góp nhiều bộ tiểu thuyết sử thi cho văn học Việt Nam.Tuy vậy, tiểu thuyết sử thi của ông chưa thành công (2)
Đề tài chiến tranh cách mạng cũng được nhà văn khác khai thác. Mặt Trận Thầm Lặng cuả Anh Hoàng, Viên Gạch Lạ , Muối Đỏ của Tấn Hoài, Chất Anh Hùng Của Người Đồng Nai của Đặng Minh Hân , Chuyện Nhà Tôi của Trần Thúc Hà. Người Ở Miệt Vườn và Mùa Trái Cây của Nguyễn Đức Thọ. Khuynh hướng chung là ngợi ca những nhân vật anh hùng của chủ nghiã anh hùng cách mạng trong đấu tranh sống còn với kẻ thù, chia sẻ những đau thương mất mát không sao bù đắp được của những người còn sống. Truyện được viết chủ yếu dựa trên tư liệu người thật việc thật , nhằm phản ánh hiện thực.
Viết về người lính trong chiến tranh và trong hoà bình, Nguyễn Đức Thọ có Xứ Sở Tình Yêu, Ốc Mượn Hồn, Phạm Thanh Quang có Tình Yêu Thưở Ấy và Điạ Linh, Lê Đăng Kháng có Tàu Đến Ga Long Khánh, Trần Thúc Hà có Hai Ngôi Mộ, Nén Nhang Ngoài Khuôn Viên, Xế Chiều. Lê Bá Ước có Một Thời Rừng Sác. Người lính trong chiến đấu, họ dũng cảm hy sinh nhưng trong cuộc sống thời kỳ đầu chuyển sang kinh tế thị trường học không thích ứng được. Người lính của Phạm Thanh Quang trong Tình Yêu Thuở Ấy đi vào chiến trường như đi vào ngày hội ““ Toâi trôû thaønh anh boä ñoäi khi chæ coøn hai thaùng nöõa laø thi heát caáp 3 Phoå thoâng – vöøa chôùm 17 tuoåi “ ( tr. 6) .” Toâi mong tôùi chieán tröôøng nhö mong tôùi hoäi hoa xuaân “( tr. 10 ) . Ốc Mượn Hồn của Nguyễn Đức Thọ gửi lại người đọc một “ bản di chúc lạ lùng nhất trên cõi đời “, di chúc của người lính tự chọn cái chết , dù dày dạn chiến trường nhưng lại khó thích ứng với hoàn cảnh dân sự.
Khi đời sống kinh tế thị trường đi vào ổn định và phát triển, nhà văn khai thác nhiều những cảnh đời mới. Khôi Vũ là nhà văn xông xáo mạnh mẽ trong mảng đề tài này. Từ Chuyện Ở Dãy Phố Năm Căn , Người Có Một Thời đền Cái Bóng, Phiá Sau Một Khách Sạn, Vỡ Dần Trong Mắt và Tri Thiên Mệnh. Khôi Vũ đã ghi nhận nhiều biến thái xã hội, nhiều đổi thay nhân cách, nhiều số phận quay quắt trong vòng xoáy của cuộc đời. Anh “ lăn mình vào cuộc sống ...thấy hết sự đa dạng và luôn bất ngờ của cuộc sống.., thấy nhiều điều đáng yêu và không thiếu điều đáng ghét “ ( tr.10 Tri Thiên Mệnh). Giữa những bộn bề đa đoan của cõi người, anh dã tìm thấy viên ngọc quý nơi cuộc sống những người lao động lương thiện. Trần Thu Hằng đi sâu khai thác thân phận của những nghệ sĩ đàn hát ca trù (Đàn Đáy ) và đi sâu vào bi kịch của một gia đinh trí thức (Người Đàn Bà Lưu Vong ). Hoàng Kim Chung quen thuộc với đời sống gia đình bộ đội, công chức viên chức ( Mái Ấm.2004). Các nhà văn còn mở rộng biên độ thời gian và hoàn cảnh . Hồi Ức Làng Che của Nguyễn Đức Thọ là thân phận hoá đá của những kiếp oan khiên từ thời cải cách ruộng đất…
Thu Trân, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Khôi Vũ và Phạm Thanh Quang có nhiều truyện cho thiếu nhi. Các nhà văn chú ý nhiều đến trẻ em bất hạnh, những đưá trẻ lang thang. Trong Nhà Có Cửa Sổ Tròn, Thu Trân viết về ước mơ của cô bé Thỏ Ngọc bị liệt phải ngồi xe lăn. Tóc Mây Vỉa Hè viết về cuộc sống của 4 bạn gái : Cỏ Gai, Đuôi Gà,Tơ Hồng, Me Chua. Thu Trân khẳng định những mặt tốt đẹp của tuổi mới lớn bất hạnh. Trong Chú Bé Phiêu Lưu, Khôi Vũ kể chuyện đám trẻ lang thang sống trong nhà tình thương. Khôi Vũ nhấn mạnh đến ước mơ tuổi thơ trong truyện Thằng Heo Sữa . Nguyễn Một viết về người anh hùng Điểu Cải và Hồ Thị Hương trong Màu Hoa Trắng(Nxb Kim Đồng 2001). Hoàng Ngọc Điệp có Bươm Đi Học, gồm 27 truyện ngắn viết cho lức tuổi tiểu học chứa đựng những bài học nhẹ nhàng. Bay Lên Thiên Thần của Diệp Kim Anh có nhiều truyện hay. Thần Đồng và Cuộc Chiến Bảo Vệ Thuỷ Tháp của Trần Thu Hằng là một truyện khoa học viễn tưởng thật hay, thấm đẫm tư tưởng nhân văn dành cho lứa tuổi thíếu niên.
Ký Đồng Nai cũng có những thành tựu. Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân của Trọng Phủ là một cuốn sử chân thực, hào hùng và sinh động về con người và cuộc chiến đấu cuả nhân dân Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều bài viết đạt đến tính nghệ thuật cao cuả văn chương. Nguyễn Tân Triều có Bến Bằng Lăng. Nguyễn Một có Quà Của Đất gồm 22 bài ký và tạp bút viết về nhiều vùng đất khác nhau nhưng đậm nét về con người Đồng Nai, Giữa Đời Thường gồm 13 bài khắc hoạ chân dung doanh nhân Đồng Nai và Dòng Sông Độ Lưọng viết về “gương người tốt việc tốt”, những người góp phần phát triển Đồng Nai. Chẳng hạn, người đọc gặp được lão nhà văn Hoàng Văn Bổn ; nhà thơ Thu Bồn ; nhà văn Khôi Vũ; cán bộ tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành chăm sóc bonsai; chủ trường dân lập Bùi Thị Xuân ; ông bà Lê Kỳ Phùng, chủ “ trang trại kỳ cục”; Bùi Văn Dương công ty cám Long Châu; Đỗ Khắc Long, tư nhân thầu thu gom rác Long Khánh ; ông Tám Hiệu, chủ cơ khi Nghiã Thành; Thầy Đỗ Văn Ban , Hiệu Trưởng trường PTTH Tân Phú ; Trần Văn Quyến, chủ trang trại Sơn Thuỷ; Võ Văn Quân, Giám Đốc XQ thêu Đà Lạt..Người đọc tiếp cận được một phần vẻ đẹp hiện thực cuả Đồng Nai qua những con người tiêu biểu cuả phong trào thi đua yêu nước. Nguyễn Một gửi trong trang viết tấm lòng trân trọng , yêu mến với đất nước con người Đồng Nai . Văn cuả anh trong sáng, lấp lánh ở từng câu chữ. Tuy nhiên, cách viết cuả anh là cách viết tụng ca, khiến những người biết chuyện phải hoài nghi những điều anh viết .Nguyễn Một bắt chước Nguyễn Tuân thể hiện “cái tôi” khá đậm trong bút ký. Nhưng “cái tôi” của anh rất ít chất thẩm mỹ. Anh thể hiện mình là một con người vưà có chút “ bụi” vưà có chút “ ngông” . Anh kể cả thói xấu không bỏ được cuả mình là thói hút thuốc. Nhân nói về đám tang Thu Bồn anh khoe chuyện làm nhà . Anh cũng khoe việc mua mấy phong tượng gỗ trang trí quán café cho bà xã , anh hả hê trong bưã rượu thuốc với thịt gà cuả Trần Văn Quyến . Anh nói thẳng ra tính cách cuả mình : “ Tính tôi khá kỳ quặc, tôi không thích cái gì quá mới và sặc sỡ, một chút rêu phong đủ làm tôi chết lặng hàng giờ liền “. Sự phô trương cái tôi thái quá làm hỏng chất văn chương của Nguyễn Một. Nguyễn Yên Tri có tập Nhà Giáo Đồng Nai . Anh hiểu sâu sắc về nhà giáo và những nỗ lực vươn lên của họ. Cách viết sinh động và chân thành. Hoàng Ngọc Điệp viết ký tài hoa hơn truyện ngắn.
Về Lý luận và phê bình văn chương, Đồng nai cũng có những khuôn mặt chuyên nghiệp ở lĩnh vực này. Bùi Quang Huy được coi là nhà “Lý Văn Sâm học”. Anh dành hàng chục năm để sưu tầm tác phẩm của Lý Văn Sâm. Anh có mấy chục bài viết nghiên cứu về tác giả này. Công việc cuả anh là một đóng góp đáng kể cho Văn Nghệ Đồng Nai. Đặng Minh Hân có Văn Thơ Đồng Nai, Đôi Điều Cảm Nhận, tập tiểu luận gồm những bài viết về tác giả tác phẩm cuả Đồng nai : Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Anh Hoàng, Nguyễn Một, Minh Chung, Lê Đăng Kháng, Kiều Văn Phẩm. Đặng Minh Hân thể hiện một tấm lòng yêu mến trân trọng với văn chương, đặc biệt là với văn thơ Đồng Nai. ĐMH tự nhận mình là người : “ Vốn là người yêu thơ, say thơ và nghiên cứu khá công phu về thơ cuả các nhà thơ viết về Biên Hoà..” và có quan hệ gần gũi, thân thiết với nhà văn Đồng Nai, vì thế ông có lợi thế khi viết về tác giả Đồng Nai, trang viết cuả ông có giá trị chân thực đáng quý. Tuy vậy, phương pháp phê bình văn chương của ông chủ yếu là phê bình xã hội học. Ông chưa tiếp cận được những phương pháp phê bình mới. Bùi Quang Tú có Một vài Chân Dung Văn Nghệ, anh có nhiểu tư liệu văn chương quý về các nhà văn. Phan Nam Sinh cũng là một cây bút viết phê bình văn chương sắc xảo và uyên bác. Bùi Công Thuấn có Chút Tình Tri Âm như là một nỗ lực đóng góp tiếng nói vào phê bình văn chương chung, một lĩnh vực đang có rất nhiều trì trệ và không theo kịp sự phát triển của sáng tác văn chương.
3. Hành trình nghệ thuật của văn xuôi Đồng Nai.Trong 30 năm qua, truyện ký trong cả nước có cố gắng cách tân về nhiều mặt cả về nội dung và nghệ thuật, quyết liệt nhất là sự từ bỏ phương pháp Hiện Thực xã Hội Chủ Nghiả. Nhiều tác phẩm đi sâu vào sự thức tỉnh và được viết với cảm hứng phê phán. Những năm gần đây còn có cả văn chương sex và những thể nghiệm Hậu Hiện Đại…
Văn Xuôi Đồng Nai vẫn được viết trong truyền thống cuả văn chương Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Bám sát hiện thực, khẳng định cái mới cái tốt, cách viết thiên lãng mạn cách mạng. Nhà văn vẫn kiên trì nhiệm vụ “phản ánh hiện thực’, thực hiện thiên chức tạo ra cái đẹp để bồi dưỡng thế giới tinh thần người đọc. Mỗi nhà văn đều cố gắng khắc hoạ con người Đồng Nai hôm qua và hôm nay, đều thể hiện tấm lòng và tâm huyết của mình với Đồng Nai, tô đậm thêm những truyền thống văn hoá Đồng Nai.
Hành trình nghệ thuật của văn xuôi Đồng Nai cũng có những nỗ lực đáng kể. Nhà văn Hoàng Văn Bổn dồn hết tâm huyết của mình vào những bộ sử thi về đất nước và con người Đồng Nai trong cách mạng và kháng chiến. Tuy chưa gặt hái được nhiều thành công về thể loại, song đây là một đóng góp đáng kể vào văn xuôi cả nước. Khôi Vũ cũng có nhiều nỗ lực đổi mới. Lời Nguyền Hai Trăm Năm của anh vưà lạ về câu chuyện anh kể và về cách viết ( tác phẩm này được giải thưởng cuả Hội Nhà Văn Việt Nam 1988-1989). Nhưng anh không dừng ở đó. Anh còn thể nghiệm bút pháp hiện thực và huyền thoại trong Những Người Nuôi Lửa, thể nghiệm kiểu kết cấu nghệ thuật mới trong Bay Với Đôi tay Trần và thay đổi hướng viết, anh hướng về những con người “dưới đáy xã hội “ trong Phiá Sau Một Khách sạn. Người đọc cũng nhận ra anh nâng dần khuynh hướng viết kiểu truyện tư tưởng thay vì chỉ phản ánh hiện thực trong Vỡ Dần Trong Mắt. Trần Thu Hằng là nhà văn trẻ, bút lực mạnh mẽ, năng lực sáng tạo dồi dào, ngôn ngữ giàu tính trí tuệ. Chị chuyển hẳn sang thể loại truyện hư cấu (fiction) trong Vườn Đá và Người Đàn Bà Lưu Vong. Chị còn có tác phẩm khoa học viễn tưởng viết cho thiếu nhi . Đó là kiểu truyện không viết để phản ánh mà thể hiện tư tưởng. Tôi tin rằng Trần Thu Hằng còn có khả năng đi xa. Tác phẩm của chị giàu tính nhân văn. Một nhà văn nếu viết chủ yếu bằng vốn sống thì khi những trải nghiệm đã vơi cạn, anh ta sẽ không thể viết được nưã. Và khi hiện thực bị vượt qua thì những gì đã được viết ra sẽ trở nên lạc hậu. Nhà văn viết bằng sự sáng tạo để trình bày vấn đề tư tưởng, nếu sự sáng tạo ấy độc đáo và tư tưởng được trình bày là những tư tưởng tiến bộ, tác phẩm sẽ có cơ may đứng được lâu dài. Vốn sống là điều kiện quan trọng để sáng tác, nhưng năng lực sáng tạo mới quyết định phẩm chất nhà văn. Không có năng lực sáng tạo thì không thể thành nhà văn, có chăng chỉ là những “người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu” ( chữ của Nam Cao)
4. Một cái nhìn xa về tương lai văn xuôi Đồng NaiVăn xuôi Đồng Nai phát triển trên nền văn chương truyền thống Nam Bộ, và đã có những đóng góp nhất định làm phong phú truyền thống ấy. Tuy nhiên , nhìn về lâu về dài, đội ngũ viết văn xuôi ở Đồng Nai còn rất mỏng. Những nhà văn có được những thành tựu hầu hết đã lớn tuổi. Lớp nhà văn trẻ bổ sung còn rất thưa thớt. Mặc dù trước đây Hội VHNTĐN , qua tập san Dưới Mái Trường có nhiều nỗ lực phát hiện và bồi dưỡng các mầm non văn chương, song kết quả không mấy khả quan. Một vài tác giả trẻ mới xuất hiện song chưa hưá hẹn được gì nhiều. Dương Đức Khánh được một vài truyện ngắn có giọng riêng. Nguyễn Một có tập tiểu thuyết đầu tay Đất Trời Vần Vũ (2008) khá đầy đặn trang in, song anh còn chịu ảnh hưởng nhiều về cách viết của những nhà văn Đồng Nai thế hệ trước…Thực trạng này đặt ra một trách nhiệm rất khó khăn cho lãnh đạo Hội.
Nhìn ở thành tựu văn chương, ĐN chưa có được những tác phẩm lớn. Có lẽ đã đến lúc nhà văn Đồng Nai nên dành một phần thời gian, sức lực, tâm huyết đầu tư cho tác phẩm của mình. Hy vọng 30 năm sau chúng ta có thể mừng nhau về những nỗ lực sáng tạo đạt được tầm vóc quốc gia và quốc tế. Tôi nghĩ đó không hẳn là ước mơ lãng mạn mà là yêu cầu tiến lên của văn nghệ Đồng Nai.
____________________________________________________
(1) Đây không phải là con số chính thức của Hội VHNTĐN, con số do tác giả tự tìm kiếm. nếu có thiếu sót, xin các tác giả lượng thứ
(2) Xin đọc thêm :Bùi Công Thuấn- Đọc Miền Đất Ven Sông, thử tìm hiểu tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn
Sáng tác ca khúc, truyện ngắn và phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn. Bạn cũng có thể đọc BCT tại http://yume.vn/buicongthuan
Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009
Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009
ĐẤT TRỜI VẦN VŨ hay câu chuyện của kẻ chơi dao
CÂU CHUYỆN CỦA KẺ CHƠI DAO
Bùi Công Thuấn đọc tiểu thuyệt Đất Trời Vần Vũ của Nguyễn Một, Nxb Hội Nhà Văn 2009Ai cũng biết rằng văn chương là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ, và tác phẩm văn chương là sự lên tiếng của nhà văn trước hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật. Khi đọc tác phẩm văn chương, tôi thường tìm kiếm sự sáng tạo cuả nhà văn và suy gẫm về những thông điệp nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Quả là thú vị nếu gặp được những sáng tạo mới mẻ , độc đáo. Bây giờ có người coi sáng tác văn chương là trò chơi chữ nghiã, nhưng tôi tin rằng nhà văn không chỉ là người “mua vui” cho thiên hạ, mà còn là người sáng tạo cái đẹp. Ngòi bút cuả nhà văn có sức mạnh…
Tôi sẽ viết những cảm nghĩ cuả mình một cách tự nhiên như nó xuất hiện khi tôi đọc tác phẩm, ngổn ngang như nội dung cuả Đất Trời Vần Vũ, và theo cái cách bây giờ người ta đọc văn bản, văn bản có nhiểu nghiã, diễn giải là vô tận, người đọc muốn giải mã thế nào cũng được (!), có khi không trùng khớp với ý định chủ quan cuả tác giả. Cũng không sao ! vì tác phẩm là một sinh thể biệt lập với tác giả. Khi đứa con tinh thần ra đời thì cũng là lúc tác giả bị khai tử.
Đất Trời Vần Vũ (ĐTVV) có hai câu chuyện được kể theo cấu trúc song song. Một câu chuyện ở hiện tại : đám tang lão Tư Ngồng, một câu chuyện ở quá khứ , do nhân vật Nhà Thơ kể, câu chuyện về dòng họ Tư Ngồng và con dao quyền lực.
Câu chuyện ở hiện tại : Trong quán cafe cuả Lụa, Bảy Tánh thông báo tin Tư Ngồng chết bí ẩn (chương 1), sau đó là việc chuẩn bị đám tang (chương 2) và chôn cất Tư Ngồng (chương 40). Rải khắp 27 chương sau đó là những sự việc và con người liên quan đến Tư Ngồng. Ông đã đi chiến đấu vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương đất nước. Khi hoà bình, ông có chức có quyền và đặc biệt nắm trong tay quyền lực bí mật từ con dao, ông đã thay đổi (tr. 316) .Ông chiếm đoạt Lan, cô gái quê từ tay Trần Đình, bằng thủ đoạn. Ông chiếm đoạt Biển, giám đốc ngân hàng bằng quyền lực. Ông chiếm đoạt Diễm bằng tiền(tr.318) ,và sau cùng, chết bằng chính lưỡi dao quyền lực của mình.
Tuyến truyện quá khứ do nhân vật Nhà Thơ (Miên Trường ) kể gồm 13 chương, xen kẽ với tuyến truyên hiện tại. Nhà Thơ kể lại câu chuyện về con dao quyền lực mà dòng họ Trương Phước có được từ thời ông tổ Trương Phước theo Trần Thượng Công. Trương Phước đã dùng con dao quyền lực hãm haị nhà họ Trần. Tội ác chồng chất từ đời Trương Phước đến cháu là Trương Phước Loan, đến người cuối cùng là Trương Phước Tư (Tư Ngồng ). Khi chôn Tư Ngồng, ni cô Diệu Lan (vợ Tư Ngồng) đã ném con dao xuống huyệt.
Nguyễn Một là nhà văn Đồng Nai. Tôi đọc trong ĐTVV, anh chịu ảnh hưởng những sáng tạo nghệ thuật cuả những nhà văn Đồng Nai đi trước anh (điều này có thể anh không ý thức được?).
Cấu trúc truyện theo hai tuyến song song này tôi đã gặp trong Lời Nguyền Hai Trăm Năm cuả Khôi Vũ (1989). Khôi vũ kể hai tuyến truyện, lấy “lời nguyền “ làm yếu tố trung tâm của truyện, lấy năm cụ thể để định chương, có gắn với những sự kiện lịch sử được ghi chéo trong sách sử, tạo nên không khí sử thi cho tác phẩm và sức thuyết phục người đọc. Nguyễn Một lặp lại cấu trúc này, anh cũng dùng “con dao quyền lực” huyền hoặc làm trung tâm truyện, và xử lý chương khác đi. Anh không xác định thời gian những sự kiện lịch sử. Anh gọi đó là hiện thực mà lịch sử không chạm tới được. Nói nôm na thì đó là lịch sử được anh hư cấu, vì thế nó không có giá trị gì về sử liệu. Anh đã dùng “thi pháp ngược “ ( chữ cuả nhà văn Trần Thu Hằng) , xoá bỏ mốc thời gian. Nhân vật chết rồi, sau đó kể lại hành vi cuả anh ta qua những hồi tưởng, những giấc mơ cuả những nhân vậy khác.
Nguyễn Một sử dụng những huyền thoại của người Mạ để tạo ra tính ly kỳ hấp dẫn cho truyện. Cách viết này Lý Văn Sâm đã sử dụng từ những năm 1942 trong Thần Ngư Động và Xác Mu Mi Trên Núi Đá. Người đọc nhận ra điều này, Nguyễn Một viết không hấp dẫn bằng Lý Văn Sâm. Bởi vì, Lý Văn Sâm có bề sâu văn hoá Đồng Nai hơn, vì thế tình yêu quê hương Đồng Nai trở thành một đặc sắc văn chương của ông. Nguyễn Một chưa có được phẩm chất thẩm Mỹ này trong ĐTVV
Hình tượng Thế giới song song như là “sáng tạo” đặc biệt cuà Đất Trời Vần Vũ, cũng đã được dựng thành phim chiếu trên HTV9 ở Việt Nam từ hơn chục năm trước (Phim Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng http://img264.imageshack.us/img264/4139/spellbinderfw5.jpg ), Tuy vậy, nhân vật Nhà Thơ, một nhân vật kể truyện, người có khả năng đi về giữa thế giới song song và thế giới vật chất, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Người đọc nghe được tiếng nói thẳm sâu của tâm hồn Nguyễn Một qua những tự tình của nhân vật này (chương 21).
Chi tiết Diệu Lan phải bú chó để sống cũng đã có trong truyện ngắn Hảo Hớn ( tập Tri Thiên Mệnh của Khôi Vũ) , kỹ thuật để cho Diệu Lan noí chuyện với con nhện (tr.70) cũng là kỹ thuật Khôi Vũ đã sử dụng trong Lời Nguyền Hai Trăm Năm.( Hai Thìn nói chuyện với con két, với gió, biển trên đường về làng biển Cát). Hình ảnh con người bị nhốt trong cũi (Thắng) như một con dã thú cũng đã có trong Đường Đi Không Đến cuả Xuân Vũ (1973). Chương 39, dường như anh viết không định tâm. Trương Phước Tư (Tư Ngồng ) lại đẻ ra Trương Phước Tư ?(tr.331)
Trong ĐTVV có những đoạn miêu tả thiên nhiên lấp lánh chất văn chương, làm cho trang văn của Nguyễn Một mượt mà hơn, tiểu thuyết hơn. Tuy vậy, Lý Văn Sâm đã sử dụng chất liệu thiên nhiên như là một đặc sắc thi pháp trong hầu hết truyện ngắn của ông, những cảnh sắc thiên nhiên đậm đặc chất Đồng Nai, Nguyễn Một chưa có được phẩm chất thẩm mỹ của ngòi bút tài hoa và đôn hậu này.
Như vậy, về nghệ thuật , từ cốt truyện đến chất liệu, Đất Trời Vần Vũ chưa có gì mới, và cũng chưa vượt qua được những nhà văn đi trước.
Nguyễn Một nói gì trong tác phẩm này ?
Có hai dang phát ngôn cuả nhà văn trong tác phẩm : qua lời nhân vật, lời bình ngoại đề, và qua hệ thống hình tượng. Phát ngôn cuả Nguyễn Một qua lời nhân vật có khi còn sống sượng và lộ diện. Người đọc thấy ngay rằng, nhân vật chỉ là cái loa phát rất to lời của tác giả thôi. Còn hệ thống hình tượng lại chưa đủ sức chuyên chở thông điệp Nguyễn Một muốn gửi gắm.
Nguyễn Một phê phán gay gắt nền giáo dục, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại . Giáo viên khổ vì chuyện vẽ vời của mấy ông lãnh đạo bên giáo dục (tr.114), đó là một nền giáo dục tồi tệ (tr.121). Muà hè, các thầy cô giáo có một tháng nghỉ ngơi, trước khi vào mùa hành xác với những giáo trình nhàm chán, được đặt tên là ‘bồi dưỡng nghiệp vụ’(tr.196). “Các thầy giáo, những trí thức của đất nước như em mà hàng tháng tranh giành nhau cái lốp xe đẹp theo phân phối. Các cô giáo hàng tháng được phát hai tấc vải mùng để làm băng vệ sinh, xài xong giặt phơi và để dành các tháng còn lại may mùng để ngủ, anh chưa thấy ở đâu trên thế giới này, con người sống nhục nhã như thế “(tr.225). ”thời buổi gì mà ngành giáo dục cũng có tham nhũng thì còn ra cái thể thống gì”(tr.200). “Hoá ra lâu nay lũ trẻ bị lưà dối, Cả nền giáo dục bị lưà dối”(tr.310)
Qua lời bà Năm Trầu, Nguyễn Một cũng chửi thẳng vào mặt loại cán bộ nhà nước tha hoá như Tư Ngồng (cán bộ cấp cao, tr. 285). Đó là “cái đồ dô ơn bạc nghiã “(tr.52), làm quan bây giờ là để hưởng thụ, vì “Kẻ chiến thắng phải được hưởng thụ những chiến lợi phẩm mà họ đã bỏ xương máu ra đổi lấy, đó là lẽ tự nhiên thôi, từ xưa đến giờ là thế, chế độ nào cũng vậy thôi”(tr.61). Chuyện cán bộ lợi dung quy hoạch để cuớp đất khiến cho nhân dân phải đấu tranh, đả đảo (chương 32, tr.264), Nguyễn Hữu Trí đi đòi công lý bị bắt (tr.209) Phải chăng Nguyễn Một tuyệt vọng khi than lên rằng Vân Tiên, Tử Trực chết hết rồi (chương 25)?
Nguyễn Một cũng không ngại khi phải đề cập tới những vấn đề “nhạy cảm”, có thể gây ngộ nhận: Trần Thượng Công suy tư về xứ sở phương Nam, ông cay đắng nhớ lại sự cai trị cuả người Mãn trên đất nước ông. “Ông không thể nào chịu đựng nổi bọn mọi rợ phương bắc lại có thể cai trị đất nước ông”(tr.28), ông còn nghe được lời thề cuả dân chúng “kề vai sát cánh với Chuá chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc “(tr.30)
Ấn tượng mạnh mẽ người đọc cảm nhận được là tiếng nói phản kháng chiến tranh. Chiến tranh đồng nghiã với chết chóc. Cha Diệu Lan đã nghĩ thế này :”Ông chẳng có lý tưởng chính trị gì cả, là người nông dân, ông yêu ruộng đồng và ghét chiến tranh, cuộc chiến liên miên trên quê hương ông, người chết như rạ “(tr.72). “người anh hùng “ Trần Đình đi kiếm đàn bà, gây ra hai cuộc tàn sát trên cù lao Dao (chương 11). Nguyễn Một cũng đồng nhất những cuộc tàn sát cuả lính ngoại cuốc thời chống Mỹ với cuộc tàn sát vì hận thù tư lợi cuả Nguyễn Biện (chương 36). Anh không coi đâu là chiến tranh chính nghiã hay phi nghiã. Anh gọi chung là đội quân cứu nước, lính Cộng Hoà, lính ngoại quốc. Anh bảo “Mọi cuộc chiến nhìn từ phiá trước đều là chính nghiã (tr.92), như vậy nếu nhìn từ phiá sau hay nhìn từ phiá khác, thì sẽ thế nào ? chính nghiã hay không là tuỳ thuộc vào phiá người đứng nhìn. Cách đặt vấn đề như thế là rất khác với cách nhìn cuả những nhà văn trực tiếp sống chết ở chiến trường chống Mỹ (Anh Đức, chẳng hạn ). Nói về tàn khốc cuả chiến tranh , Phan Nhật Nam đã có Muà Hè Đỏ Lưả, sau đó Bảo Ninh đã sao chép lại y như vậy trong Nỗi Buồn Chiến Tranh. Nguyễn Một không phải là người trải nghiệm sinh tử trong lửa đạn nên không viết được như hai tác giả đi trước. Tiếng nói phản chiến của anh chỉ là lặp lại ngôn từ của người khác.(Trinh Công Sơn đã nói từ lâu trong Ca Khúc Da Vàng, và gần đây cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng đã bị phê phán )
“Tư tưởng” được Nguyễn Một khẳng định trong tác phẩm là : “Tình yêu đã cứu thế giới này, tình yêu mới thực sự có quyền lực và sức mạnh”(339). Anh có nói đến Phật, đến sư bà, ni cô Diệu Lan, nhưng họ vẫn vướng bận lòng trần, không siêu thoát được. Anh ca ngợi Chuá Kitô. “Ở đời này chuyện chết, sống là chuyện tương đối. Vì vậy, tôi tin vào sự phục sinh cuả Chuá Kitô, người ta đóng đinh thể xác Ngài vào cây thánh giá, nhưng triết lý ‘yêu thương loài người’ vĩ đại của ngài giúp cho Chuá ‘phục sinh’ trong lòng con người ‘ như bây giờ và hằng có đời đời chẳng cùng’”(232). Tư Ngồng mặc dù có lưỡi dao quyền lực nhưng không thể giết được Diễm khi Diễm đang hạnh phúc trong tình yêu bên Phong, trái lại, lưỡi dao quyền lực ấy quay lại giết lão. Rất tiếc ý tưởng này mới chỉ là ý tưởng của nhân vật chưa chuyển hoá thành hình tượng tư tưởng xuyên suốt tác phẩm. Và dù có thành hình tượng thì tư tưởng tình yêu thương cứu rỗi nhân lọai cũng đã được V.Hugo thể hiện thành công trong Les Misérables từ lâu rồi (1862).
Hình tượng tư tưởng xuyên suốt tác phẩm là “con dao quyền lực” và ý nghiã “ chơi dao có ngày đứt tay”. Chủ đề này đã được Nguyễn Huy Tiệp viết thành Kiếm Sắc rất ấn tượng trước đây. Con dao quyền lực cuả dòng họ Trương Phước đã gây hoạ đến người cuối cùng cuả dòng họ là Tư Ngồng. Nguyễn Một không miêu tả cụ thể Tư Ngồng có quyền lực gì, anh chỉ nói quyền lực ngầm, và vì thế hình tượng naỳ không có sức thuyết phục. Tư Ngồng có ăn chơi, có giết đồng đội, có có tranh quyền (nhưng có lý do), nhưng do đâu anh ta có tiền, do dâu có quyền thì Nguyễn Một không lý giải. Cái chết cuả Tư Ngồng không do hậu quả tranh giành quyền lực giưã các thế lực xả hội, mà chết do vỡ tim, vì lưỡi dao vô hình (Một cách lý giải duy tâm không có cơ sở ). Đây là mâu thuẫn bi kịch của Nguyễn Một. Anh biết rõ “con dao quyền lực “ là gì, ai nắm quyền lực ngầm ấy, họ sử dụng quyền lực ấy để làm gì, nhưng không dám nói thẳng ra hoặc thể hiện tư tưởng bằng hình tượng nghệ thuật, cuối cùng Diệu Lan vứt con dao quyền lực ấy xuống mộ huyệt cuả Tư Ngồng. Hình tượng anh xây dựng suốt tác phẩm bỗng trở nên vô nghiã.
Nguyễn Một giải quyết mọi mâu thuẫn thù hận trong cõi đời vật chất này bằng thế giới song song, vậy hình tượng này có ý nghiã gì? Đó là một thế giới “ không có hận thù, chiến tranh và những tranh chấp vật chất như chùng ta, nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, bởi tình yêu không là dạng vất chất”(tr.85). Có thể đó là một thế giới lý tưởng mà Nguyễn Một mong muốn có được trong cõi đời này khi anh thể hiện tinh thần phê phán chiến tranh. “Tôi đã gặp ông già người Mạ, kẻ đã đưa tôi vào thế giới song song để tránh cuộc chiến mà tôi chán ghét và sợ hãi “(tr.137). Nhưng trong xử lý nghệ thuật, anh đã không đạt được ý nguyện cuả mình. Anh vẫn phải vay mượn tư tưởng về kiếp sau cuả tôn giáo khi cho nhân vật đầu thai lại cõi nhân gian này (Linh Chi treo cổ và đầu thai lại), tất cả các nhân vật chết, đều vào thế giới song song và trở nên vô nghiã, vì anh không miêu tả họ sống thế nào trong thế giới ấy, vưà từ giã thế giới vật chất, họ bị lôi đi, nhẹ tênh, không còn thù hận, thế thôi. Cha mẹ Lụa , Lài đi vớt cá chết không thấy có mặt trên thế giới song song. Trần Đình kể cho Nhà Thơ nghe cuộc hỏi cung cuả Tư Ngồng khi gặp nhà thơ ở thế giới song song. Và Khi đã ở nơi ấy, Thắng vẫn nhìn cô giáo tắm, vuốt ve thân thể cô giáo !!(tr.288)
Tôi nghĩ Nguyễn Một chưa hình dung rõ ràng thế giới song song là gì, dùng thế giới song song để làm gì. Anh mới tưởng tượng ra (thực ra là mượn ý tưởng của người khác ) để lạ hoá văn chương tạo sự hấp dẫn thôi. Xin nhớ rằng thiên đàng, điạ ngục, niết bàn, cõi tiên cuả tôn giáo đã được dân gian miêu tả cụ thể, nơi ấy có thưởng có phạt rạch ròi, không sống chung hoà bình giưã kẻ xấu, kẻ ác với người hiền. Vì thế, thiên đàng, điạ ngục có ý nghiã giáo dục đối với tín đồ. Trái lại, sau cùng, Nguyễn Một phải tự phủ định thế giới song song của mình :”Hoá ra thế giới vật chất này có quy luật riêng cuả nó không lệ thuộc vào thế giới song song”(tr.338). Đặt ra thế giới song song nhưng không xây dựng thành hình tượng có ý nghiã tư tưởng mới lạ, tôi nghĩ Nguyễn Một đã làm nghèo nàn óc tưởng tượng cuả độc giả khi họ đã đọc Liêu Trai Chí Dị, Truyền Kỳ Mạn Lục , đọc các truyện tôn giáo, hoặc xem phim The Gosh
Trong Đất Trời Vần Vũ, Nguyễn Một tỏ ra tham lam quá đỗi khi anh biến tác phẩm thành một cái lẩu đủ mọi món trong đó, nhưng chẳng món nào ra món nào. Chương 28, 29 đưa chuyện Nguyễn Hữu Hà, anh cuả thấy giáo Nguyễn Hữu Trí vượt biên, phải ăn thịt người, được định cư ở Đan Mạch, chán trở về Việt Nam. Có lẽ Nguyễn Một muốn tuyên truyền tư tưởng này, ở nước ngoài (Châu Âu) không hạnh phúc bằng ở Việt Nam chăng. Nếu nghĩ như vậy thì thật đáng buồn cười. vấn đề là chương 28, 29 này chẳng ăn nhập gì với chuyện Tư Ngồng cả. Cũng vậy, anh đưa chuyện Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh vào ( không nói rõ tên ) và lên án cả nền giáo dục, tôi nghĩ cũng là chuyện thưà so với cốt truyện chính (chương 37. Tr. 310). Chuyện kể về tù cải tạo của Bảy Tánh cũng chỉ là để thêm vào cho có mùi vị thời đại. So với Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn thì những gì anh viết không tạo ra hiệu quả nghệ thuật nào.
Chuyện anh gọi cù lao Phố là cù lao Dao cũng là giải pháp nửa vời của chủ nghiã hiện thực. Trong truyện, anh đề cập đến những điạ danh của Đồng Nai (Đá Ba Chồng Định Quán-143, Miệt vườn Long Khánh-198, căn cứ Bàu Hàm-208…) rồi nửa úp nửa mở là cù lao Dao là cù lao Phố trong thế giới song song (chương 14) mà lịch sử không ghi chép lại, không đụng tới. Tại sao lại mập mờ như vậy. Có lẽ anh sợ đụng chạm hiện thực ở cù lao Phố chăng ?Người đọc sẽ nghĩ rằng ở cù lao Phố, cán bộ hầu hết tha hoá như Tư Ngồng? Đó là vùng đất mặc sức chém giết để giành gựt quyền lực. Những người dân thấp cổ bé miệng như bà Năm Trầu, Ba Thược, thầy giáo Trí đành bất lực đi tìm công lý?
Những chuyện vượt biên, chuyện dân khiếu tố vì đất bị quy hoạch, chuyện tiêu cực trong giáo dục, cuốn Hồi Ký cuả GS Nguyễn Đăng Mạnh, của Nhạc sĩ Tô Hải, bút ký chính trị cuả Nguyễn Khải, chuyện cán bộ tha hoá, báo chí đã nói quá nhiều rồi, noí mạnh mẽ. Nguyễn Một có nói lại cũng chỉ là theo đuôi hiện thực thôi, không góp thêm được tiếng nói có giá trị vào vấn đề. Hay anh muốn tác phẩm của mình làm nóng lại vấn đề chăng! Rất tiếc là tiếng nói anh đưa ra không có sức thuyết phục. Chẳng hạn chuyện giáo dục, chẳng lẽ tất cả các thầy cô giáo đều như anh nghĩ? Có thể anh vì lý do nào đó bỏ nghể dạy học (trước đây Nguyễn Một dạy học. tr.177. Đó là chuyện của cá nhân anh), nếu tất cả thầy cô giáo đều vì chán mà bỏ dạy thì đất nước này sẽ thế nào. Chỉ một lời nói của em bé với người tù cải tạo mà anh thoá mạ cả nền giáo dục của miền Bắc (tr.121), anh ca ngợi người tù cải tạo miền Nam. Tôi nghĩ tác giả hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến chủ quan của mình, thậm chí kể cả những ý kiến sai lầm trong nhất thời. Tuy nhiên, chỉ qua lời một em bé (trẻ con chưa có ý thức chính trị) mà xổ toẹt mọi giá trị của nền giáo dục miền Bắc, tôi nghĩ, nhận định như vậy là xuyên tạc hiện thực. Vì nền giáo dục ấy đã tạo nên những thế hệ anh hùng, và rất nhiều người tài giỏi làm rạng rỡ dân tộc này. Điều này không có gì phải nghi ngờ.
Người đọc còn tìm thấy nhiều phát ngôn cuả Nguyễn Một về nhà thơ (tr.174), về Bùi Giáng, về “văn học khai khẩn “(tr.199), “tính đặc thù” cuả miền Đông gian lao mà anh dũng (tr.14), những câu triết lý vặt về cuộc đời, chẳng hạn :” biết bao cuộc chiến tranh trên thế giới này vì người đàn bà “(164)’ hoặc, “ chỉ cần họ tin có thần thánh, cho dù điều đó có tồn tại hay không thì thần thánh và linh hồn cũng giúp con người sống tốt hơn em ạ”(tr.233)
Như vậy từ nội dung đến nghệ thuật, Đất Trời Vần Vũ không mới. Tôi noí ĐTVV không mới không có nghiã là không hay, không hấp dẫn.
Vậy ngòi bút Nguyễn Một có gì để người đọc hy vọng ?
Nếu đọc truyện ngắn và bút ký cuả Nguyễn Một, so sánh với ĐTVV, người đọc sẽ nhận thấy anh đã có một bước tiến khá dài và đáng trân trọng. Viết một tiểu thuyết 40 chương, 344 trang ,quả là công việc lao động tổn hao nhiều sức lực và tâm huyết. Anh muốn tác phẩm cuả mình chuyên chở được những vấn đề lớn như kiểu tác phẩm tư tưởng. Điều ấy anh chưa làm được trong ĐTVV. Tuy vậy, anh đã thể hiện một khả năng dàn dựng tiểu thuyết có tầm vóc lớn về thời gian, không gian với nhiều số phận . Văn chương của anh đã trau chuốt hơn , có chất Văn hơn, anh ít phô trương “cái tôi” hơn (mặc dù chất tự truyện vẫn còn rất rõ- chương 21). Nhiều chương anh viết rất sinh dộng, hấp dẫn, đã lộ ra cá tính thẩm mỹ của ngòi bút. Năng lực sáng tạo của trở nên hào sảng khi anh noí về thế giới song song, khi anh dựng lại chuyện lịch sử không ghi trong sách sử.Tôi nghĩ rồi đây anh sẽ vượt được những người đi trước nếu anh có được một ý thức sáng tạo mới mẻ và vẫn giữ được phong độ sáng tác như thế này.
12/2009
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009
Bùi Công Thuấn đọc lại
LỜI NGUYỀN HAI TRĂM NĂM
Tiểu thuyết của Khôi Vũ. Nxb Thanh Niên, Hànội 1989
Tiểu thuyết Lời Nguyền Hai Trăm Năm (LNHTN) của Khôi Vũ đạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 1989, đến nay đã 20 năm, đọc lại vẫn thấy thú vị.
Làng biển Cát có ông tổ họ Lê theo Gia Long. Ông phò dưới trướng Lê Văn Duyệt . Khi Gia Long chiến thắng và tiến hành trả thù khắp nơi, họ Lê cũng nguyền trả thù cho gia huynh mình. Họ Lê đã bắt được và giết chết một cách dã man cha con họ Vũ, một viên tướng Tây Sơn, Trước khi bị chem. làm hai mảnh, họ Vũ nguyền rằng, dòng họ Lê, “chỉ đến khi tuyệt tự mới hết kẻ ác tâm”. Sau đó hồn họ Vũ đầu thai vào nhà họ Lê để trả thù riêng. Lời nguyền ấy đã ứng nghiệm . Mỗi đời họ Lê muốn có con trai nối dòng đều phải làm một việc ác . Tổ họ Lê đã làm phản, bị triều đình nhà Nguyễn truy đuổi, chạy về lập nghiệp ở làng biển Cat, sinh ra Gia Trí. Gia trí theo làm nghiã quân của Trương Định, sau phản bội Trương Định, nhờ đó có con trai là Châu Toàn. Châu Toàn tin rằng lời nguyền sẽ chẳng tha mình, anh sống phóng đãng và bỏ rơi một cô gái người dân tộc tên là Tòng Mật. Châu Toàn sinh Phú Quý. Phú Quý bị Pháp bắt giam, trong tù anh quen một người tù trí thức và trở thành đảng viên , người tù này đặt tên Phú Quý là Hai xung Phong. Rồi Phú Quý bị Pháp bắt và tra tấn. Không chịu đựng được đòn thù, Phú Quý đã chỉ điểm cho Pháp bắt một cán bộ cao cấp . Người này bị tra tấn chết. Hai Xung Phong hối hận, từ bỏ gia đình đi tu, đổi tên là Thích Huệ Mẫn. Ông có một con trai ,đặt tên là Lê Trung Hiếu.
Hiếu chính là Vua Biển Hai Thìn. Anh sống ở làng biển Cát. Sau giải phóng, a bị cán bộ điạ phương ép đi kinh tế mới. Nhà cửa của anh bị chiếm đoạt. Một năm sau đó a xin hồi cư , ví anh là dân biển. Anh bị cán bộ điạ phương là Năm Mộc, Sáu Thế, Năm Hường o ép đủ điều. Sau cùng nhờ người dân trung kiên như ông Bảy, bà cả Mọi và ông Ba Tê, một đảng viên hưu trí đấu tranh mạnh mẽ, Hai Thìn được nhập lại hộ khẩu, làm ăn, trở nên giàu có, được cử là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân. Anh xây trường học cho trẻ, làm nhà văn hoá cho xã và đòi lại đình thờ tổ cho dân làng. Anh không có con trai. Cha anh (Thích Huệ Mẫn) muốn anh làm một điều xấu, điều ác để có con trai nối dòng, anh nhất định từ chối. Vợ anh cũng sắp đặt một kế hoạch cho anh ăn nằm với Tám, người vợ goá của Ba Vui, bị bịnh giời hành, để a phạm tội, nhưng Hai Thìn đã tránh được. Hai Thìn yêu vợ nồng nàn trong đêm trước khi anh đi biển. Chuyến đi ấy thuyền Hai Thìn bị sóng thần đánh vỡ. 15 người đi biển chỉ còn Năm Mộc sống sót, 9 người mất tích. Trong đêm yêu đương sau cùng, Hai Thìn đã để laị trong bụng vợ một đưá con. Chị đã sinh một cháu trai, ước mơ tuyệt vời của vua biển .
Tôi vừa tóm tắt lại nội dung truyện, nhưng đã làm hỏng cấu trúc song song của tác phẩm. Sức hấp dẫn của Lời Nguyền Hai Trăm Năm trước hết là ở cốt truyện. Có hai câu truyện được kể cùng một lúc. Đó là kiểu cấu trúc khá mới lạ vào thời điểm cuốn tiểu thuyết xuất hiện. Trước đây nhiều nhà văn dùng kỹ thuật kể truyện trong kể truyện để tạo môt cấu trúc kép. Khôi Vũ có cách cấu trúc song song. Anh kể hai câu truyện, xen kẽ nhau, lấy mốc thời gian từng năm để định chương : Câu truyện năm đời của dòng họ Lê, từ 1802 đến 1988, và câu truyện Hai Thìn trở về làng biển Cát từ 1977 đến 1988. Người đọc bị hấp dẫn bởi hai câu truyện, nhưng đồng thời cũng cảm thấy thật thú vị khi nhận ra Khôi Vũ đã khéo léo cài đặt, ráp nối hai tuyến nhân vật và sự kiện trong những không gian và thời gian khác nhau, để đi tới một kết thúc toàn vẹn, giải quyết mọi vấn đề của cả quá khứ và hiện tại
Vấn đề của quá khứ là lời nguyền của họ Vũ. Bốn đời họ Lê đã phải làm ác mới có con trai nối dòng, kể cả Thích Huệ Mẫn, dù hối hận về hành động tội ác của mình, dù đã tu hành, vẫn muốn con mình là Hai Thìn phạm tội. Đến đời thứ năm, Hai Thìn không tin sự ứng nghiệm của lời nguyền, anh nhất quyết từ chối làm xấu, làm ác. A chọn cuộc sống tự do tuyệt đối, sống với lương tâm của mình, cương quyết không làm gì trái với lương tâm. Anh đã thắng được lời nguyền. Anh chết trong lòng yêu thương của nhân dân, để lại một đưá con trai.
Điều thú vị của cốt truyện nằm trong tư tưởng của tác phẩm này. Nhìn kỹ vào tội ác 4 đời họ Lê đã làm, đó là những tội ác gì ? hầu hết là tội phản bội, từ đó gây ra cái chết bi thương cho đồng đội, cho nhân dân. Ông tổ thứ Nhất làm phản triều Nguyễn, Ông tổ thứ Hai là Gia Trí đã phản bội Trương Định. Ông tổ thứ ba là Châu Toàn đã phản bội Tòng Mật (bà cả Mọi). Tổ thứ tư là Phú Quý (Hai xung phong) đã phản bội đảng mình, làm hại đồng chí. Hai Thìn là đời thứ năm cũng bị quyến rũ phản bội lại nhân dân trong việc đòi lại đình thờ tổ.
Đọc Lời Nguyền Hai Trăm Năm, người đọc nhận ra bản chất của hiện thực, của cõi người này, từ xưa đến nay là sự phản bội. Người ta vì quyền lợi cuả cá nhân mình mà sẵn sàng phản bội, sẵn sàng bán đứng tất cả, sẵn sàng gây ra tội ác cho đồng đội, đồng chí, đồng bào mình. Khôi Vũ đã phản đối mạnh mẽ cái tưởng như định mệnh không thay đổi ấy bằng hành động đấu tranh tích cực của Hai Thìn. Giá trị thực của đời người là nghiã tình với cộng đồng, với người dân làng xã, là cống hiến công sức cho sự sống chung. Sự tồn tại đích thực của một con người phải là sự tồn tại tự do, thẳng thắn, bao dung. Nhờ thế anh được biển tặng cho anh tất cả những gì anh đã bị tước đoạt mất, cả ước mơ cháy bỏng là có được đưá con trai nối dòng. Nhưng hạnh phúc lớn nhất mà anh có được là những gì anh đã cống hiến cho dân làng. Anh ra đi thanh thản trong sự yêu thương cuả mọi người.
Qua nhân vật Hai Thìn, Khôi Vũ hướng về một lẽ sống tích cực, một thái độ sống mạnh mẽ và một triết lý nhân sinh giàu chất nhân văn. Lẽ thiện phải thắng cái ác, dù cái xấu, cái ác có phủ bong tối dày đặc từ đời này sang đời kia. Những gì trái với lương tâm phải được loại trừ khỏi cuộc sống này. Có vậy cuộc sống mới có ý nghiã. Khôi Vũ không chấp nhận cách giải thích duy tâm về hiện thực. Hai Thìn được biển tặng cho tất những gì anh ước muốn bằng sự đánh đổi sức lực, tâm huyết và cả sinh mệnh của mình. Hai Thìn tha thứ và cứu vớt Năm Mộc là để hoán cải cái xấu cái ác bằng hành động nhân ái, xóa sạch ảnh hưởng của lời nguyền, để chứng minh rằng lời nguyền chỉ là cái cớ giả tạo biện minh cho hành động xấu xa xuất phát từ bản chất con người. Và Khôi Vũ đã để cho “con rắn độc” Năm Mộc được sống, đó là một chi tiết có ý nghiã tư tưởng.
Vấn đề của hiện tại là vấn đề tự do , hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là vấn đề căn cốt của cách mạng. Ngày nay đọc lại những gì Hai Thìn đã trải qua, ta hiểu đó là thời nhận thức ấu trĩ về chủ nghiã xã hội. Chủ nghiã xã hội đồng nghiã với hợp tác xã, với tập đoàn. Người giàu có đều bị quy thành tư sản bóc lột. cán bộ điạ phương lợi dụng lúc luật pháp chưa rõ ràng, hành xử theo luật rừng , chà đạp lên người dân. (Năm Hường, Sáu Thế, Năm Mộc và Tài Nguyễn, đối với gia đình Hai Thìn, với chuyện đình thờ tổ ba ông…) Khôi Vũ đứng hẳn về phiá nhân dân mà tiêu biểu là Hai Thìn, Ông Bãy , bà cả Mọi và ông Ba tê, một đảng viên hư trí , đấu tranh đến cùng cho lẽ phải của nhân dân. Đọan đối thoại giữa ông Bảy và Tài Nguyễn, giữa ông Ba Tê và phó văn phòng Ủy Ban Tỉnh được viết thật mạnh mẽ, sắc xảo. Cả ông Bảy và Ba tê đã cho những nhân viên cán bộ ấy biết lẽ phải của nhân dân là gì, và họ phải trả lời những ý kiến của dân, và dù có né tránh bằng mưu ma chước quỷ thì sau cùng lẽ phải của nhân dân cũng thắng, quyền lợi của nhân dân được tôn trọng ( xây trường học cho trẻ, làm nhà văn hoá, trả lại đình thờ 3 tổ làng biển Cát ). Điều thú vị là ở chỗ Khôi Vũ đã miêu tả được sức mạnh của nhân dân, sức mạnh lẽ phải chiến thắng được kẻ xấu có thế lực. Khôi Vũ cũng chỉ ra rằng khi sức mạnh cuả nhân dân được phát huy, quyền lợi của nhân dân được bảo đảm thì đời sống xã hội cũng thăng tiến (Hai Thìn trở thành triệu phú nhờ đi biển, anh chẳng thiếu thứ gì, dân làng biển Cát nhiều người cũng khá giả lên ) Hình ảnh bà cả Mọi hơn trăm tuổi, vẫn lao động khoẻ, vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của con cháu là một hình ảnh thật cảm động.
Vấn đề đau đáu của tác phẩm là số phận người phụ nữ. Tại sao người phụ nữ trong tác phẩm lại đau khổ đến thế. Bà Cả Mọi suốt một đời bị bỏ rơi, cô độc sống ngoài rừng. Tám (vợ Ba Vui ), vợ Mười Hoà , cả hai đều mất chồng, sau đó còn bị bịnh giờ hành khổ sở, nhục nhã, Vợ Mười Hoà còn bị con rắn độc Năm Mộc giày vò hành hạ không thôi nữa. Sau cùng, Lài và cô giáo Út, cả hai cùng mất người thân yêu nhất của mình. Họ giàn giụa nước mắt trên thân xác người thân. Nguyên nhân những nỗi thống khổ của họ, về sâu xa, là do đàn ông, cùng với hoàn cảnh xã hội trói buộc họ. Đàn ông đã xử với họ thật đê tiện (Châu Toàn, Năm Mộc ). Khôi Vũ chưa đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ, mặc dù nhà văn đã đặt họ vào những vị trí không lệ thuộc đàn ông ( bà Cả Mọi ). Khôi Vũ viết những trang văn đầy thương cảm về họ . Đây là hình ảnh Lài bên xác chồng :”Lài được tin, chạy như người mộng du thẳng đến bãi biển…Hai Thìn nằm úp sấp, dáng hồn nhiên của người đang ngủ say…Lài ôm lấy thân thể chồng, lật anh nằm ngửa, áp tai sát ngực anh mà tìm một nhịp đập trái tim . Chị chẳng sao tìm được, dẫu một nhịp đập nhỏ nhất, dẫu một nhịp đập cuối cùng. Hai Thìn nhắm mắt như nhủ, môi cười. Anh ngủ. Anh ngủ thôi mà…”(tr.142). Khôi Vũ miêu tả rất thương cảm cảnh vợ Mười Hoà bị bịnh trời hành (chương 8-Một Đêm Trăng, đoạn 3 và sau đó …tr.70), nhất là những lúc chị bị Năm Mộc giày vò cả thể xác và linh hồn. Người đọc không thể cầm lòng được trước những nỗi khổ nhục của chị, không thể không căm phẫn trước những kẻ đê tiên như Năm Mộc, và tự hỏi làm thế nào để cứu giúp chị. Khôi Vũ đã chỉ rõ nạn nhân của lời nguyền không phải là dòng họ Lê không có con trai nối dõi tông đường, mà là thân phận phụ nữ trong mọi nỗi tủi nhục. Đó mới là lời nguyền mà xã hội cũ muốn mãi mãi ứng nghiệm. Khôi Vũ có hé mở ra hướng giải quyết nhân bản : tìm chồng cho Tám để chị không còn bị giời hành, bù đắp sự mất mát lớn lao của Lài khi cho chị sinh một cháu trai. Bà Cả Mọi thấy được con cháu ấm no hạnh phúc. Thế nhưng những bi kịch vẫn còn đó. Kẻ xấu, con rắn độc Năm Mộc được Hai Thìn cứu sống vẫn nhởn nhơ, tự hào rằng hắn được “trời thương “, rồi lại “sa dần vào những canh bạc như trước kia, đam mê, si cuồng”(tr.143) nghiã lả những thảm họa của vợ Mười Hoà vẫn còn đó. Điều này hẳn Khôi Vũ có dụng ý. Nó khác hẳn cái triết lý “ác giả ác báo “ xưa nay, Năm Mộc làm ác nhưng lại được “trời thương “
Phải chăng Khôi Vũ pha trộn những triết lý sống khác nhau trong tác phẩm ?
Trước hết là một kiểu duy tâm dân gian, lời nguyền ứng nghiệm, họ Vũ báo ác nhà họ Lê, ứng nghiệm đến đời thứ năm. Khôi Vũ tô đậm triết lý này thêm bằng một giấc mơ. Họ Vũ đấu thai vào nhà họ Lê để trả mối thù riêng. Thực ra, đây chỉ là yếu tố làm tăng sự hấp dẫn của truyện, nối kết các sự kiện của quá khứ mà thôi, bởi vì sau cùng Khôi Vũ đã để cho Hai Thì làm thiện, làm theo lương tâm của mình, chống lại lời nguyền, a đã chiến thắng, có con trai nối dòng. Hồn họ Vũ không hề có tác động gì trong suốt quá trình 5 đời họ Lê. Nói khác đi Khôi Vũ đã đưa vào tác phẩm triết lý sống con người có thể chiến thắng định mệnh bằng lẽ sống thiện tâm của mình, sống theo lẽ phải của lương tâm mình (không phải chữ Tâm của Phật )
Lẽ sống thiện tâm ấy là gỉ ? Hai Thìn dang dở việc học, lại bị bịnh lao. Anh trở về làng biển Cát đi biển kiếm sống. Biển đã chưã lành bịnh cho anh, lại cho anh tất cả những gì anh đã bị tước đoạt mất, Anh trở thành triệu phú, nhờ đó anh xây trường học, làm nhà văn hoá hỗ trợ đình làng cho dân. Lẽ thiện với anh là lao động chân chính, là không làm gì tổn hại đến mọi người xung quanh, là góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Lẽ thiện của anh là tự do tuyệt đối trong sự chọn lựa thái độ sống của mình. Anh nhất quyết không làm xấu, không làm ác, dù khát vọng có con trai là khát vọng sâu xa, cháy bỏng. Khôi Vũ đề cao triết lý sống này ở Hai Thìn, ở Bà Cả Mọi và ở cả ông Bảy. Từ đây ánh lên một tư tưởng khác, tư tưởng về vai trò, sức mạnh của nhân dân.
Nhân dân, trong nhất thời, bị những thế lực xấu đè bẹp (trong quá khứ, Trương Định bị phản bội phải tự sát, cán bộ Đảng bị Hai Xung Phong chỉ điểm, bị bắt, bị tra tấn đến chết ; trong hiện tại, Hai Thìn, ông Bảy bị Năm Mộc, Sáu Thế, Năm Hường, Tài Nguyễn ức chế ) nhưng họ có lẽ phải, có những nguyện vọng chính đáng, vì thế họ không nhường bước trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải, họ không nao núng trong cuộc đối đầu, trái lại họ vững tin đi tới. Sau cùng họ đòi được công lý cho cả cộng đồng, tìm được cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Hẳn người đọc rất vui khi tác phẩm kết thúc bằng chiến thắng của nhân dân, dù rằng sự tổn thất của nhân dân là không nhỏ (ông Bảy chết, Hai Thìn, Ba Vui, Mười Hoà chết, vợ Mười Hoà bị làm nhục ). Đó phải chăng là niềm tin, là thông điệp mạnh mẽ mà Khôi Vũ muốn gửi gắm trong tác phẩm? Anh viết thông điệp này bằng niềm say mê tuôn trào trên trang văn, bằng sự tô đậm phẩm chất các nhân vật, bằng tiếng reo vui ào ạt mỗi khi nhân vật của anh tràn tới, buộc những kẻ xấu phải lui bước trong những ý đồ đen tối của mình. Với ông Ba Tê, một đảng viên hưu trí, “Hạnh phúc là đấu tranh”. Triết lý này gặp gỡ với tinh thần dân chủ của nhân dân, trở thành sức mạnh cuốn phăng đi tất cả những trở ngại trên đường đi tới của nhân dân. Ông Ba Tê thực sự trở thành người đảng viên tiên phong của nhân dân.
Lời Nguyền Hai Trăm Năm hấp dẫn ở kỹ thuật viết tiểu thuyết điêu luyện. Văn của Khôi Vũ mộc mạc, thanh thoát. Mạch kể nhanh, cấu trúc chương gọn. Khôi Vũ thể hiện một tài năng vượt trội trong cấu trúc truyện theo hai tuyến song song, hai tuyến này phát triển riêng rồi gặp nhau ở cuối truyện. Sự ráp nối hai tuyến truyện đòi hỏi những bố trí khéo léo các mạch truyện từ trước, để khi hoà vào nhau, truyện không bị khập khiễng, có thể giải quyết được những mâu thuẫn đã mở ra từ đầu tác phẩm. Đó là lời nguyền của họ Vũ, và sự trở về của “Vua Biển”, một con người trở thành đối tượng phải cảnh giác, phải loại trừ, phải cản trở của các cán bộ xã Đại Dương. Tác phẩm giữ được độ căng hấp dẫn liên tục do cốt truyện mở ra liên tiếp những tình huống đối đầu mới, căng thẳng hơn, quyết liệt hơn ; đồng thời Khôi Vũ cũng xen vào những cảnh, những chương nhẹ nhàng trữ tình để tạo ra sự đa dạng của nhịp điệu truyện, nuôi dưỡng được cảm hứng của người đọc hơn. Gần đây có những tiểu thuyết sử dụng kỹ thuật xây dựng thế giới song song, tôi nghĩ Khôi Vũ đã đi trước rất xa trong kỹ thuật này.
Khôi Vũ có cách tô đậm nhân vật của mình lên bằng những kỹ thuật đặc sắc. Trước hết là khắc hoạ cá tính riêng của nhân vật bằng nhiều hành động trong nhiều hoàn cảnh đối đầu đặc biệt. Tính cách Hai Thìn, Năm Mộc, Sáu Thế hiện lên ngay từ chương đầu trong những cuộc đối mặt dẫn đến nổ súng. Tính cách bà Cả Mọi được tô đậm qua những lần thử thách quyết liệt Tòng Út, khi anh xin được trở lại làm người con của thần rừng, những lần bà đòi chính quyền xã phải chăm lo cho con cháu bà. Các nhân vật quá khứ như ông tổ họ Lê, Gia Trí, Châu Toàn, Phú Quý (Hai Xung Phong - cha của Hai Thìn ) cũng có những tích cách đặc biệt, rất riêng. Nhờ thế, dù tác phẩm có khá nhiều nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng đứng được, cũng tạo được ấn tượng khó quên trong tâm trí người đọc. Mỗi nhân vật lại được miêu tả kèm theo một đặc sắc sinh hoạt nào đó. Hai Thìn có con ó lửa, anh thường tâm sự với nó. Nó theo anh từ đầu tác phẩm và cùng chết với anh ở cuối tác phẩm. Tòng Út giữ bên mình cây đàn ống tre, mà ngay cả khi đã chềt, tay anh vẫn ôm giữ cây đàn ấy. Bà cả Mọi sống với những bài dân ca của dân tộc mình. Hai Thìn thường nói chuyện với gió, với ánh nắng, với con ó lửa, kỹ thuật này tạo nên chất lãng mạn cho nhân vật, giúp người đọc hiểu sâu hơn nội tâm nhân vật. Đây là kỹ thuật phân thân đã có từ lâu trong tiểu thuyết.
Nếu Văn là người thì Khôi Vũ bộc lộ những đặc điểm phong cách gì trong tác phẩm này?
Trong LNHTN, Văn của anh giản dị, trong sáng, giống như cá tính con người anh. Văn anh giàu nhiệt tình nhưng đằm thắm, cô đọng nhiều giá trị văn hoá . Anh miêu tả khá trần trụi những khốn nạn mà người phụ nữ bị giời hành phảu chịu, nhưng ngòi bút cuả anh rất chừng mực khi miêu tả những cảnh sex. Tính cách mạnh mẽ, minh bạch, dứt khoát của anh cũng thể hiện trong từng nhân vật. Nhân vật nào cũng có cá tính riêng, góc cạnh. Tốt xấu, trắng đen phân biệt. Tư tưởng của anh là tư tưởng của nhân dân. Có lẽ anh trải nghiệm nhiều đời sống dân dã nên thấm nhuần được cách cảm, cách nghĩ của nhân dân, hoá thân trong hành động, trong lẽ sống, trong mọi quan hệ xã hội của nhân vật. Anh không trình bày tác phẩm như kiểu tác phẩm tư tưởng, mà trình bày như đời sống thực đang diễn ra là vậy, tự nhiên, sinh động, gần gũi. Có thể coi Ông Bảy, Hai Thìn, bà Cả Mọi là biểu hiện tư tưởng của Khôi Vũ. Anh khẳng định những mặt tích cực của các nhân vật này, khẳng định sự chiến thắng trong lẽ sống, trong suy nghĩ và hành động của họ. Thực ra đó cũng là tính cách con người Nam Bộ, bộc trực, nghiã tình, không thuyết lý (Bà cả Mọi chỉ đánh giá Hai Thìn trên hành động thực tiễn) .
Đọc văn Khôi Vũ, trước hết người đọc bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của tác phẩm sau đó nghiệm ra những thông điệp mà anh gửi gắm, và nếu người dọc nghiền ngẫm một chút thì có thể nhận ra tư tưởng của anh bàng bạc trong từng trang văn giàu tình giàu nghiã. Tôi tin Lời Nguyền Hai Trăm Năm có thể đứng được lâu vì Khôi Vũ gửi trong đó những lời tâm huyết của mình. Cuôc sống còn nhiều cái xấu, cái ác quá, không thể coi nó như là định mệnh không tránh khỏi, mà phải tích cực đấu tranh đẩy lùi nó, để bớt đi những số phận khốn khổ, để thoát ra khỏi những bi kịch và để đem đến cuộc sống an lành hạnh phúc cho nhân dân. Chắc ai trong chúng ta cũng mong cho ước nguyện ấy của Khôi Vũ thành hiện thực. Nhưng chúng ta cũng biết Khôi Vũ là người thực tiễn, anh không ảo tưởng trong tác phẩm của mình. Những nhân vật như Năm Mộc vẫn còn đó, khiến chúng ta không thể an tâm khi nghĩ đến những thân phận như vợ Mười Hoà. Có lẽ vì thế mà Khôi Vũ tiếp tục viết, tiếp tục đặt những vấn đề không thể né tránh vào lẽ thiện trong tâm người đọc chăng?
Tháng 11/2009
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)