Bùi Công Thuấn
1.Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn Học Nghệ Thuật Đồng Nai (1979-2009) tôi viết những dòng tản mạn về hành trình 30 năm thơ Đồng Nai. Để góp một chút gì cho những sinh hoạt chung của Hội. Những thiếu sót, phiến diện , chủ quan là không tránh khỏi, mong các nhà thơ lượng thứ. 30 năm là một chặng thời gian ngắn ngủi so với lịch sử, song chỉ cần 15 năm (1930-1945) thi ca Việt Nam có cả một thời đại rực rỡ, và 30 năm sau (1945-1975) thơ ca Việt Nam lại đạt những đỉnh cao mới. 30 năm thơ Đồng Nai có được những gì ? để lại dấu ấn gì trong lòng người đọc, đóng góp được gì cho thơ ca cả nước ?
2.Nói thơ Đồng Nai thì cần xác định ai là “nhà thơ Đồng Nai”? Trong 47 nhà thơ Đồng Nai mà tôi đã đọc (*), chỉ có 4 nhà thơ người Đồng Nai, còn lại ở Lạng Sơn (1),Vĩnh Phú(1), Hải Dương (2),Bắc Ninh (1), Nam Định (3), Ninh Bình (5),Thái Bình (4), Hà Tây (1), Nam Hà (1),Thanh Hoá (3), Nghệ Tĩnh (5), Quảng Bình (2), Quảng Trị-Huế (4), Quảng Nam (1), Quảng Ngãi (3), Bình Thuận (1), Bình Dương (1),Tiền Giang(1).. Trong số họ có người đã thành người thiên cổ (Hải Ba, Tạ Nghi Lễ, Đinh Quang Dữa). Có người đã chuyển sinh hoạt đi nơi khác như Cao Xuân Sơn, Trương Nam Hương.. và những nhà thơ mới chuyển đến Đồng Nai vài năm gần đây(2004). Cũng phải kể đến những nhà văn làm thơ như Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ (anh gọi là văn vần, không gọi là thơ ) .Quả thực lấy ranh giới điạ dư để xác định nhà thơ Đồng Nai là điều không ổn, bởi vì không có văn học điạ phương, văn học tỉnh lẻ, văn học miệt vườn. Thơ văn là của mọi người, mọi nơi, không có ranh giới. Thơ không bị bó hẹp trong thời gian và không gian.Tuy vậy tôi xin giới hạn trong các tác giả đang sinh hoạt tại Hội VHNT Đồng Nai, đã công bố tác phẩm tại Đồng Nai trong 30 năm qua để xem xét vấn đề.
3.Thơ là tiếng nói của tình cảm, tiếng nói tâm hồn trực tiếp của nhà thơ.Trong 30 năm qua, Văn Nghệ Đồng Nai đã có hàng trăm tập thơ được xuất bản, nhà thơ Đồng Nai đã cảm nhận gì, đã nói tiếng nói gì của tâm hồn mình trước những cái vặn mình đau đớn của lịch sử và thời đại ?
Trước hết nhà thơ nào cũng tỏ lộ lòng mình với quê hương ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn, với những kỷ niệm ấu thơ, với mẹ, với người thân yêu. Quê hương ruột thịt ấy làm nên căn cốt nhà thơ. Hồng Phương viết Bến Đồng Nai Nhớ Dòng Nhật Lệ, Phan Huyền Tùng day dứt với Hồn Quê. Tạ Nghi Lễ khôn nguôi nỗi thương nhớ xứ Huế (Gởi Huế Thân Yêu )(2). Tình quê trong bài Đưa Mẹ Về Quê (3) của Đỗ Minh Dương thật cảm động
”xa quê mấy chục năm rồi
khôn nguôi thửa ruộng cát bồi vồng khoai”
Đồng Nai là quê hương thứ hai của nhà thơ. Nơi này đất hiền người lành nhưng cũng là vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Đào Trọng Thử nhất định không về quê Ninh Bình mà chọn “làm trai đất lành” Đồng Nai (Gửi Đồng Nai). Đàm Chu Văn có Đồng Nai Tráng Khúc khá hay và giá trị, thể hiện được truyền thống lịch sử và hào khí Đồng Nai. Các nhà thơ khác thì viết về các điạ danh, cuộc sống ở Đồng Nai tươi đẹp, sôi nổi : Hồi Ức Mã Đà (Đặng Minh Hân ), Thăm Văn Miếu Trấn Biên (Đỗ Minh Dương ), Soi Gương Hồ Trị An (Vũ Đức Hậu), Đêm Biên Hoà (Nguyễn Hiếu ), Chợ Vĩnh An (Phan Quang Hợp ), Trở Lại Đồng Nai (Vũ Xuân Hương ), Muà Cao Su Thay Lá (Ngọc Khánh), Trẩy Hội Chiến Khu D (Lê Liên ), Chiều Gia Ray (La Hồng sơn ), Cù lao Phố, Mộ Cổ Hàng Gòn (Lê Thanh Xuân ), Ký Ức Cánh Đồng (Dương Đức Khánh )…Tình yêu với quê hương Đồng Nai cũng thắm thiết trong sự khám phá riêng của mỗi nhà thơ.
Cầu Ghềnh nam nữ sóng đôi
Trăng cù lao sáng giữa trời –Trăng yêu
(Trăng Cù Lao Phố - Đào Trọng Thử)
Mùa mưa quay lại Trị An
Nhìn mênh mông nước võng ngàn bờ xanh
Soi vào quá khứ lung linh
Nắm cơm hậu cứ lặng thinh nuôi người…
(Phan Quang Hợp-Trầm Tích Chiến Khu Đ.nxb HNV.2006)
Đề tài đau đáu trong lòng nhà thơ là những hoài niệm đẹp về thời kháng chiến chống Mỹ, với tình đồng đội, tình quê hương sâu nặng. Tất cả đã trở thành những giá trị của đời lính, và trở thành thang giá trị để đo cuôc sống hiện tại. Nằm Võng Giữa Chiến Khu (Đỗ Minh Dương ) là một bài hay và là một bài lục bát tài hoa. Tìm Ba, Viếng Đồng Hương (Thạch Hà) là những bài thơ nặng tình nghiã với người đã hy sinh..Rừng Gọi (Vũ Đức Hậu ) là tiếng lòng thiết tha của người lính. Đỗ Minh Dương, Đào Trọng Thử, Hải Ba có nhiều bài thơ hay về mảng đề tài này, và dường như các anh chỉ làm thơ hay ở chính những gì các anh đã trải nghiệm trong chiến đấu và hy sinh.
Võng nghiêng về phiá rừng dày
Bếp Hoàng Cầm tỏa ấm ngày khao quân
Võng chao cho dạ bần thần
Thương hoài mắt mẹ trong lần tiễn đưa
Nghiêng rừng cơn sốt mùa mưa
Bạn hy sinh để võng thừa chông chênh…
(Nằm Võng Giữa Chiến Khu –Đỗ Minh dương )
…Hát ở trong hầm đứa nào cũng say
Như gió cuộn như nước xoáy
Gỗ lát hầm chính dòng nhạc đấy
Chúng tôi gọi là :”bàn xô- nát xanh”
Chúng tôi để dành :”bản xô-nát chiến tranh”
Đường đạn thẳng tạo ra khung nhạc
Nốt trắng, nốt đen…là xe tăng đại bác…
Sẽ gầm lên sau phút dịu êm này”
(Hát Ở Trong Hầm-Hải Ba-1986. Trong tập thơ Đứng Bóng.NxbHNV.2004)
Trên nền của quá khứ hào hùng và hy sinh , nhiều nhà thơ không hoà lòng mình được với hiện tại còn ngổn ngang tốt xấu. Có lẽ hơn ai hết , nhà thơ mang nỗi buồn đau chất ngất trong tim mình. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mọi giá trị như bị đảo lộn. Cuộc sống nề nếp lấy tình nghiã làm trọng trở nên chông chênh. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gay gắt. Lối sống thực dụng thống trị mọi nẻo hồn người . Nhà thơ chóng mặt với những quay quắt và không thích ứng được
Bán buồn mua được mấy vui
Bán quen mua lạ, bán xui mua hời
Chợ trời bán cái dở hơi
Tôi đành mua hết ngậm ngùi vào thân
Bán xa mua láng giềng gần
Bán vàng mua phải lần khân lọc lưà
Đất trời còn kẻ bán mua
Tôi về chuộc ánh trăng xưa làm quà
(Bán và Mua- Nguyễn Hoài Nhơn. VNĐN số 20/04)
Xa Quê hơn bốn mươi năm
Đường gần lại hoá đường thăm thẳm dài…
Đi đâu rồi sẽ về đâu?
Nửa đêm chợt trắng mái đầu chiêm bao…
( Lê Thanh Xuân- VNĐN số 41/08)
Đưa đất vào miệng nhai
Tôi nhận ra
Vị tanh của máu
Vị mặn của mồ hôi và nước mắt
Lạo xạo xương người
Tôi bỗng hiểu vì sao
đất thiêng
Và đắt thế !
(Đào Trọng Thử - Nếm Đất. - Tập thơ Mất Ngủ. Nxb HNV.2005. tr.40)
Đại hạ giá
Đại hạ gía
Ai mua thơ…
(Nguyễn Đức Phước- Đại Hạ Giá-. trong tập Đêm Khát.Nxb HNV 2008)
Hiện tại tấp nập, hiện tại công nghiệp hoá, tương lai rực rỡ, được ghi nhận trong những bài thơ :Tình Thơ Trên Công Trường (Nhật Tú) , Hội Xuân (Nguyễn Thị Lệ Thuỷ ), Giữa Màu Xanh (Thân Nghệ Thuật) , Tham Quan Bè Cá La Ngà ( Nguyễn Thanh Tâm) , Xuân Lộc vào Xuân (Hoàng Vĩnh Phú) , Nhịp Nhàng (Kiều Văn Phẩm) , Những Ánh Đèn (Hoàng Đình Nguyễn) , Trẩy Hội Chiến Khu Đ (Lê Liên) , Hạt Cát Yêu Thương (Tiêu Thanh Giang) , Đi Giữa Mùa Xuân (Xuân Bảo)…
nhưng không phải là không có những vị đắng, không có những tối tăm. Đàm Chu Văn vắt ra giọt đắng đời nữ công nhân:
“Nhịp đời thầm lặng
Dây chuyền máy móc cuốn hết buồn vui
Giờ giải lao hé một tiếng cười
Bữa cơm trưa vội vã
Tháng hai kỳ lãnh lương chớp lóa
Tính sao cho đủ mọi bề
Ngày chủ nhật vèo đi
Quanh quẩn căn phòng trọ
Nhìn đâu cũng thấy màu áo nữ
Tài trai ở hết phương nào?
Ló ra đường, đường xiết xa sao
Ai cũng về nhà mình vội vã
Lắm khi buồn nhớ cha nhớ mẹ
Đồng quê chân lấm tay bùn
Mảnh ruộng bé bằng bàn tay
Đồng tiền hiếm như châu ngọc …
(Đồng Phục Màu Hoa Lục Bình - VNĐN số 22/05)
Đỗ Minh Dương nhận ra gương mặt rác
…Một chiều buồn đem rác bầy trò chơi
Xếp hình mặt người bằng những gì nhặt được
Em bỗng thấy hiện lên từ rác
Mặt nhà giàu toàn thứ đắt tiền
Mặt nhà nghèo toàn đồ rẻ mạt
Rác vô tư ẩn nỗi ưu phiền
Và em chợt nhận ra từ rác
Gương mặt mình mang nỗi buồn riêng
(Gương Mặt rác- VNĐN số 39/07)
Phương Hà nhận ra thủ phạm cuả mọi cái tăm tối từ chính tim mình:
Anh điều tra ai giữa cuộc đời này…
…Đêm rất dài, đêm rất đỗi bao la
Trong nông sâu gió nói lời chân thật
Hãy đi tìm
Thủ phạm ẩn trong trái tim mình
(Thủ Phạm )
Thực ra cảm hứng thế sự của nhà thơ mở rất rộng. Đinh Quang Dưã suy tưởng về Hai bà Trưng, về Ải Nam Quan. Vũ Đức Hậu ngơ ngác trước chuyện tình Mỵ Châu ở Cổ Loa (Về Cổ Loa) . Nguyễn Hiếu nhớ Tố Hữu về Đồng Nai, Xuân Bảo tạc một tượng đài về Huỳnh Văn Nghệ (Nhớ Về Anh). Cao Xuân Sơn chia sẻ với Nguyễn Bính bằng một bài lục bát sóng sánh chất Nguyễn Bính (Đọc Lại Nguyễn Bính ).Lương Định uống rượu với bạn ngày tết(Tết Sớm ). Thạch Hà lại cảm thương Dã Quỳ, Ngọc Khánh Đọc Thơ Cụ Đồ Chiểu.Nguyễn Hoài Nhơn gọi mãi chuyến đò đời mình, chuyến đó đã lỡ. Tiếng gọi đò âm vọng trong tim (Đò Ơi).Với Bùi Ngọc Phúc, con đường đầy bụi đỏ cũng thành thơ (Con Đường Bụi), cái cầu thang chật cũng thành tình yêu(Cái cầu Thang). Nhật Tú viết thơ tình Trên Bãi Biển. Đỗ Minh Dương khám phá ra nhiều cái hay của những điệu Lý ( Ở Miền Quê Lý). Tiêu Thanh Giang ướp hương bưởi trong bài thơ tình yêu (Hương Bưởi). Phương Hà “cứ đau đáu khi trời se se gió” về một muà thu Hà Nội. Đặng Minh Hân mừng con vào Đảng và khuyên con “hãy vững vàng trận tuyến giữ đất này mãi mãi bình yên “(Con Tôi vào Đảng). Phan Quang Hợp uống rượu với xoài xanh và ca vọng cổ, “Câu vọng cổ mềm lòng rưng rưng nước mắt”(Đêm tài Tử). Vũ Xuân Hương thả hồn lãng mạn với ngưới con gái Ch’ro mang gùi “Suối chiều một mảnh trăng rơi/ bóng ai gùi nước cho tôi hát thầm “(Lời Ru tặng Những Cái Gùi ). Kiều Văn Phẩm ngắm Trăng Tròn Trong Cõi Phật. Trần Ngọc Tuấn Vẽ Núi mà “lạnh mười ngón tay”, rồi tự Hỏi “hay tôi đã hoá ai rồi ?”…
Thơ về Bác Hồ không có mấy bài thành công. Bởi vì viết về Bác rất khó :
Ngợi ca Người dễ hơn mọi ngợi ca
Ngợi ca Người khó vô cùng bạn hỡi
Bởi ngôn từ chỉ là mạch suối
Mà Bác Hồ biển cả mênh mông
(Nghĩ về Bác nghĩ về đời. hải Ba-Đứng Bóng nxb HNV 2004..tr.38)
Hồng Phương ngợi ca Bác Là Ông Tiên
Bác cười phơ phất chòm râu
Cháu nay tóc bạc in sâu tim hồng
Đập tan nô lệ xiềng gông
Từ con giun, dế hoá rồng bay cao
Nhắc tên Bác long tự hào
Những lời Bác dạy con nào dám quên
(Mênh Mông - Nxb Thanh Niên2007)
Đỗ Minh Dương Về Thăm Quê Bác và Kể Chuyện Bác Hồ có đôi nét mới hơn trong những bài thơ viết về Bác
Hoàng Trù quê ngoại bao năm
Nhà tranh vách nứa như đang đợi Người
Nơi đây đón Bác chào đời
Giường tre, võng cói vọng lời mẹ ru…
…kể sao cho xiết ơn Người
Lòng ta nhớ Bác bùi ngủi khôn khuây !
(Với Miền Đất đỏ.Nxb HNV 2007.tr20)
Có lẽ Về Thăm Nhà Bác của Lê Thanh Xuân là có chất thơ hơn cả
Ngôi nhà đổ bóng nhân gian
Mái gianh vắng khói, cam vàng chớm hoa
Thân cau vươn thẳng tóc xòa
Tiếng chim vườn gọi, tiếng cò đồng xa…
…Con về quê bác chiều nay
Nhạt nhoà nắng Nghệ, mắt cay nỗi niềm
Đào Trọng Thử Trước Đền Thờ Bác Hồ Ở Trà Vinh với rất nhiều dấu hỏi !
Những người dựng đền
Lần lượt về bên Bác
Để lại cho Đời
Cả một giang sơn
Ta chậm đến
Thắp một tuần nhang nhỏ
Lậy!
Cúi đầu !
Nào đã tỏ nguồn cơn ?!
(Đau. Nxb HNV.2009)
Có một điều hơi bất thường là, tôi không tìm thấy bài thơ tình yêu nào hay cả. Không phải nhà thơ Đồng Nai không làm thơ tình yêu. Đỗ Minh Dương có Đối Thoại Tình. Thạch Hà có Biển, Ngọc Khánh có Hẹn, Trần Thị Hương Lan hoài niệm một tình yêu “anh đi quên trở lại”(Giao Muà). Nguyễn Đức Phước có Nửa Yêu “vơi với những lời gió trăng “. Thân Nghệ Thuật Trở Lại Làng Xưa để nhớ mộtkỷ niệm “hoàng hôn xưa đó chúng mình yêu nhau”…, nhưng những bài thơ tình yêu ấy không vượt qua được thơ tình trước đó, và đọng lại ít nhiều ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi trong thơ tình của Đàm Chu Văn thì rất thật:
Chị tìm về tuổi hai mươi
Hình như tuổi ấy lưng trời đâu đây
Hình như mái tóc rất dày
Có người lính trẻ mang đầy gối mơ
Hình như tơ dại đến giờ
Phập phồng những nỗi đợi chờ đâu đâu
Hình như thi thoảng hương cau
Thinh không một chút lòng trầu dửng dưng
Hình như gió những cánh rừng
Hơi bom còn quạt hất tung gối màn
Hình như dâu bể đa đoan
Tiếng chuông ngân dạt tiếng đàn lỗi dây
(Tìm -VNĐN số 8/02)
Vâng, có lẽ nhà thơ Đồng Nai đa số đã quá tuổi yêu, dù Trần Ngọc Tuấn có Tụng Ca Cho Tình Đầu, dù Đa Tình như Nguyễn Đức Phuớc thì tình chỉ “còn lại mớ bòng bong/ đem về rao bán giữa dòng sông đêm “ . Mảng thơ tình hãy còn bỏ ngỏ chờ các nhà thơ trẻ. Nhà thơ Đồng Nai giờ chỉ thù tạc với bạn , vui với hoa : Dã quỳ, sen, hoa tầm xuân, phượng tím, cúc mâm xôi, hoa ngọc lan, hoa dại bên đình, hoa bất tử . Ẩn trong sắc màu và hương ngát ấy, thấp thoáng bóng dáng đoá hoa hạnh phúc
Thôi bây giờ mày cũng đã bình yên
Con chim lạ tắt bên trời tiếng hót
Rượu chiều nay chỉ một mình tao rót
Uống một mình say đến chết thí thôi
(Độc Ẩm-Ngọc Thuỳ Giang-Gửi hương hồn Nguyễn Đức Thọ.
Tập thơ Chia Nửa Cho Ai. Nxb HNV.2009)
Đoá hoa hạnh phúc dâng hương
Trái tim vô ngã sáng đường chân như
(Đường Sáng-Tập thơ Suối Reo- Trần Ngọc Tuấn.Nxb HNV 2006)
4.Trong ba mươi năm qua thơ Đồng Nai đã có những vận động nghệ thuật thế nào ?
Trong cả nước đã có khá nhiều nỗ lực cách tân thơ, không ít nhà thơ đã thử nghiệm nhiều hướng mới, thơ Siêu Thực, Hiện Thực Huyền Ảo, thơ Tân Hình Thức, và cả thơ Hậu Hiện Đại. Theo tôi thì tất cả còn đang là thể nghiệm, Những thành tựu nếu có, còn khiêm tốn, chưa đủ tạo ra một thời đại mới của thơ ca Việt nam. Cũng có những bứt phá ngoạn mục ở những nhà thơ trẻ. Nhưng những thể nghiệm ấy chưa tràn tới thơ Đồng Nai.
Nhà thơ Đồng Nai hầu như vẫn sáng tác theo quán tính của thi pháp cũ, thi pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Nhân vật chính là công, nông binh. Tiếng nói nhà thơ là tiếng nói công dân, nói về cái chung không bản sắc. Thơ kể người kể việc, con cà con kê, gọi nhau ơi ới. Cảm hứng chính là cảm hứng lãng mạn, chỉ nói cái đẹp, cái ước mơ, cái không thật mặc dù nhà thơ biết rằng mình nói dối. Khuynh hướng thơ là khuynh hướng tụng ca, ca ngợi cả những điều mà cuộc sống đã vượt qua (thí dụ ca ngợi hợp tác hoá ) .Nhiều người còn chịu ảnh hưởng nặng nề của người đi trước . Đi Giữa Muà Xuân (Xuân Bảo), Bài Ca Người Thợ Lò (Tiêu Thanh Giang), Tình Thơ Trên Nông Trường (Nhật Tú), Ôi Đẹp Trăng Rằm (Nguyễn Thị Hồng Phương)… là những bài còn nguyên thi pháp cũ . Hôm Nay và Ngày Mai (Hoàng Vĩnh Phú ) chưa thoát khỏi thi pháp thơ Tố Hữu. Giữa Màu Xanh (Thân Nghệ Thuật) là bài thơ chỉ có chữ, không có hồn. Nhiều bài thơ câu chữ lấp lánh, nhạc điệu hân hoan, cuộc sống hiện lên đẹp tuyệt vời, nhưng đọc cứ trôi đi. Thương cho nhà thơ không sao níu được con chữ. Con chữ đã mòn vẹt ý nghiã và trơn tuột , như khi ta rờ trên một thây ma trôi trên sông. Con chữ đã khô như đất nẻ mùa nắng hạn và ái ngại nhìn nhà thơ, không muốn hiện mình trên giấy. Người đọc thì thất vọng
Có thể nào ba trăm năm mở cõi
Để giờ đây đất nước hoá thành thơ”
(Biên Hoà Mong Bác - Xuân Bảo )
Câu thơ này không thoát được câu thơ : “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn “ của Chế Lan Viên trong Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng.
Câu thơ sau đây đã cũ lắm rồi:
Tôi lại về đây Tân Phú Ơi!
La Ngà xanh nỗi nhớ vơi đầy
(Về Tân Phú – Phương Hà)
Ai đã đọc thơ Tố Hữu đều nhớ câu này
Tôi lại về đây, hỡi các anh…
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm…
(Mẹ Tơm. 1961 )
Tôi không có ý nói làm thơ theo thi pháp cũ thì không hay. Nằm Võng Giữa Chiến Khu (Đỗ Minh Dương), Viếng Đồng Hương (Thạch Hà), Mẹ (Vũ Đức Hậu ), Lời Ru Tặng Những Cái Gùi (Vũ Xuân Hương), Tìm Câu Hát Ấy Trong Lời mẹ Ru (Hoàng Đình Nguyễn), Đò Ơi (Nguyễn Hoài Nhơn ), Đọc lại Nguyễn Bính (Cao Xuân Sơn ), Gửi Đồng Nai (Đào Trọng Thử), Tìm (Đàm Chu Văn)…là những bài thơ hay mặc dù được viết bằng thi pháp cũ. Thơ hay là do tư chất nghệ sĩ tài hoa của nhà thơ. Ở kiểu thi pháp này, Đồng Nai đã có những nhà thơ sáng giá như Đàm Chu Văn, Nguyễn Hoài Nhơn, Đỗ Minh Dương, Vũ Đức Hậu, Vũ Xuân Hương, Đào Trọng Thử, Hải Ba…Không có tư chất nghệ sĩ, nhà thơ chỉ có thể làm được những bài văn xuôi bắt thành vần, không hồn không viá.
Tuy nhiên Thơ Việt Nam không thể không cách tân. Nhà thơ nào của Đồng Nai có những nỗ lực cách tân ?
Trước hết làTrần Ngọc Tuấn, một nhà thơ tài hoa .Từ thơ truyền thống, anh chuyển hẳn sang thơ Thiền. Anh có nhiều tập thơ. Tập Suối Reo là một thành công bước đầu. Tôi đã có bài viết riêng về tập thơ này (xem : Một Mình Ra Khơi-VănNghệ Trẻ. 28/01/2007). Trần Ngọc Tuấn phối hợp Lục bát với Tứ Tuyệt, thể hiện những chiêm nghiệm Thiền bằng những hình tượng mới mẻ. Anh dấn thân vào con đường thơ tư tưởng khá cam go.Anh đang chờ qua sông (Đáo bỉ ngạn –chữ của nhà Phật )
Lục bình nở tím dòng thơ
Đò ngang một chuyến ai chờ qua sông
(Qua Sông- trong tập Suối Reo. Nxb HNV 2006)
Trần Ngọc Tuấn không cách tân, anh đang tiếp bước dòng thơ Thiền đã có trong thơ ca truyền thống, nói là cách tân là so với thơ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Tuy vậy, so với thơ Thiền truyền thống, thơ anh cũng rất mới. Ngoài ra Anh viết tuỳ bút về các nhà thơ rất tài hoa.Anh hiểu và đồng cảm sâu sắc với họ, anh nói được những tinh tuý của hồn thơ mà ít nhà phê bình có thể viết được.
Nguyên Đức Phước cũng có những nét mới, khác hẳn với thơ truyền thống ở một số bài trong tập Đêm Khát.Tôi cũng có bài viết riêng về tập thơ này (xem Trái Tim Biết Khóc, Văn Nghệ Trẻ 10/8/08,)
Thử đọc : HỢP XƯỚNG ĐÊM
Thơ tình
Rơi xuống đất
Nỗi đau quăng vào xọt rác
Thiếu nữ trong bài thơ
Cùng gã đàn ông
Khúc khích
Khúc khích
Chuột reo trong sọt rác
Đêm…
(Đêm Khát. Nxb HNV 2008. Tr.8)
Với những bài thơ như Đêm Hợp Xướng thì cách đọc truyền thống sẽ bất lực. Ngôn ngữ và tư duy thơ thách thức những cách hiểu dễ dãi . Nó níu lấy người đọc và buộc người đọc phải giải mã cho được những ngữ nghiã rất lạ . Điều này rất khác với thơ làm theo tư duy cũ .
Lê Thanh Xuân , tuy rất âm thầm, nhưng thơ anh có những bước cách tân mạnh mẽ. Ngôn ngữ thơ anh mới lạ đến không ngờ, nhất là mới lạ trong kiểu tư duy thơ khác hẳn thơ truyền thống. Nếu chỉ đọc lướt qua, người đọc có thể không nhận ra sự cách tân của thơ anh. Và tôi thực sự ngỡ ngàng khi đọc nhiều lần chùm thơ anh đăng trên tạp chí thơ số 01/2009. Thơ anh có bề sâu của sóng ngầm mạnh mẽ với những quặn thắt dữ dội khôn nguôi. Thơ anh lại có bề rộng thênh thang của sa mạc hoang vu quạnh quẽ không có dấu tích con người. Thơ anh đưa ta về miền tâm tưởng ngỡ như siêu thực mà rất thực. Thơ anh chất chứa bao điều không nói thành lời, vì ngôn ngữ không chuyên chở được vô lượng nỗi đau trong thẳm sâu thân phận con người.Thơ anh thiên về tư tưởng, nhưng không chìm khuất trong màu xám hư vô, mà vẫn nồng nàn với cây đời rất xanh. Thơ anh có nỗi buồn trong cái vui, có vị mặn đắng trong cái ngọt. Đọc thơ anh , trái tim người đọc không thể không bị thôi thúc bởi câu chữ, và bởi cả những gì không thành lời.
Ô Cửa Sổ
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt
Chút nắng chiều lặng lẽ ra đi
Một gương mặt buồn như bình hoa đã vãn
Một không gian chờ đợi điều gì?
Đã như thế nhiều ngày, nhiều tháng
Dòng sông qua và gió đi qua…
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt
Một bình hoa, không có bóng hoa
Tôi chờ đợi. Có thể em chờ đợi
Hai trái tim không cất nên lời
Vườn lá rụng cành đã ra lớp mới
Bãi ngoài sông thêm mấy sa bồi…
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt
Tôi trở về tìm lại chính tôi
Nỗi buồn cũ, nhưng bình hoa đã khác
Có rất nhiều màu sắc hoa tươi
Hoa đang nói về một người mới mẻ
Còn một người quen cũ là em
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt
Đứng nhìn tôi như một kẻ không quen.
Bạn cứ đọc thật chậm, lắng tâm hồn vào cõi xa xăm. Không cần tra hỏi ngữ nghiã làm gì, nhưng cứ để cho hình ảnh thơ lan toả, cho những âm thanh rất trầm nở bung ra và cho những điệp khúc cứ trăn trở dày vò, đến khi trái tim bạn bị nung đỏ lên. Lúc ấy tâm hồn bạn sẽ vỡ oà ánh sáng nỗi niềm không tên không tuổi vọng mãi vào hư không.
Nghĩ về thơ Đồng Nai, tôi lại băn khoăn. Nhà thơ trẻ Đồng Nai ít quá, và họ nghĩ rất khác. Khương Hà sinh trưởng ở Đồng Nai, từng có bài đăng trên Văn Nghệ Đồng Nai . Xin đọc
Lựa Chọn
Nếu phải chọn giữa hai con đường
Em sẽ đi ngược lại
Bởi hai con đường có thể dẫn đến đau thương
Nếu phải chọn giữa hai hình hài
Em mong mình là đá
Bởi đá vô tri trước bia miệng người đời
Nếu phải chọn giữa khóc và cười
Em xin được lặng im
Bởi khóc cười có nghiã gì đâu
Nhưng nếu cho em lựa chọn giữa khổ đau và hạnh phúc
Em xin chọn cả hai
Bởi tình yêu chưá những điều này
(Khương Hà -VNĐN số 8/02)
Trong thực tế, Khương Hà đã lựa chọn con đường thơ của mình khi trở thành một “Ngưạ Trời”, làm ngựa hoang nghệ thuật. Đó là con đường “đi ngược lại”, tránh né đau thương. Nhà thơ im lặng và vô tri trước thực tại có nghiã gì đâu…Thế hệ nhà thơ đi trước xin bình tâm và chờ đợi. Biết đâu…
Đồng Nai là một vùng đất hiền hoà, thơ Đồng Nai cũng đằm thắm như đất và người Đồng Nai . Đồng Nai cũng đã góp những khuôn mặt thơ rạng rỡ vào thơ ca chung cả nước. Chúng ta có quyền tự hào và hy vọng.
Đồng Nai 9/2009
______________________________________________
(*) Đây không phải là con số chính thức.
Những tác giả, tác phẩm nói đến trong bài viết này dựa vào các tuyển tập :
Tuyển Tập thơ Đồng Nai 30 Năm. Nxb Tổng Hợp Đồng nai 2005;
Theo Sóng Đồng Nai, Nxb Đồng Nai 2000.
Trầm Tích Chiến Khu D, Nxb HNV 2006. Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai…
Một số tập thơ của các nhà thơ
(2) Gởi Huế Thân yêu. Tập thơ Những Khoảng Trời trong Sáng-nxb Trẻ 1995. Tr.67 :” Lâu rồi xa quê mẹ/ Miền trung nắng cát vàng/ Tiếng ru hời xứ Huế/ Một thời mãi âm vang…/Chiều nay gởi về mẹ/ tấm lòng con nhớ thương/ Chim nào xa xứ cũ/ Vẫn mang tình cố hương”
(3) Đỗ Minh Dương, tập thơ Với Miền Đất Đỏ.Nxb HNV 2007. Tr.11