album của BCT

album của BCT
một vài hình ảnh chia sẻ với bạn đọc

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

ĐI VỀ PHÍA ÁNH SÁNG

ĐI VỀ PHÍA ÁNH SÁNG
Bùi Công Thuấn


Lời cuối cùng Phật dạy đệ tử, “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác…”

1.”Thầy bói sờ voi”
Heraclites (544-483 Tr.CN) cho rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông. “Vạn vật đang biến dịch, chẳng có chi thường trụ”(All things flow, nothing asides). Ngược lại, Parmenides (- 511 tr.Cn) lại cho rằng bản thể vũ trụ là tự hữu, bất biến, vĩnh hằng. Ông phủ nhận thuyết biến dịch của Heraclites. Khổng Tử ca ngợi thánh nhân, quân tử, “đức của bậc chí thánh sánh bằng trời… Bậc thánh nhân thông hiểu hết đạo lý trời đất…trí tuệ của người xiết bao uyên bác (Chương 31, 32 Trung Dung)[1], trái lại, Lão Tử chủ trương :”Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội” (diệt thánh, dứt trí, dân lợi trăm bề)[2]. Descartes chỉ công nhận những gì là chân lý khi ông xác lập được những chứng lý để nghĩ rằng nó là chân lý. “Tôi tư duy, vậy nên tôi hiện hữu” (Cogito, ergo sum), thế nhưng khi Descartes chưa hiện hữu thì vạn vật đã tồn tại trước ông rồi, và khi Descartes đã được vùi sâu trong lòng đất, chẳng thể nào tư duy được nữa, thì vạn vật vẫn sinh tồn. Hegel (1770-1831) cho rằng ”Tinh thần tuyệt đối” là thực thể và bản chất của toàn thể thế giới, trong đó có con người và xã hội. Các nhà Duy Vật biện chứng thì phủ định triết học Duy Tâm của Hegel. Họ cho rằng “thế giới vật chất” là bản chất và thực thể của tất cả. Phật giáo phủ định “thế giới vật chất’ vì nó vô thường. Chủ nghĩa Thực dụng thế kỷ 20 có tham vọng phủ định cả Duy tâm và Duy vật. [3].
Ôi! Các triết gia, người này phủ định người kia. Các hệ thống triết học cũng phủ định nhau. Còn biết tin ai? Chẳng lẽ lại tin “thầy bói sờ voi”!

2. Những câu chuyện của F. Kafka
Tôi thích hai câu chuyện này của F. Kafka

Thôi đi
Trời vừa tảng sáng, đường phố sạch sẽ và hoang vắng. Tôi đang trên đường đến bến xe. So sánh giờ trên tháp đồng hồ với đồng hồ đeo tay, tôi nhận ra tôi đã bị trễ nhiều hơn tôi tưởng và rằng tôi phải nhanh lên. Cú sốc vì khám phá này khiến tôi không cảm thấy chắc chắn đường đi. Tôi chưa quen thuộc lắm thành phố này. May mắn có một cảnh sát ngay kia. Tôi chạy lại anh ta, và không kịp thở, hỏi thăm đường. Anh ta mỉm cười và hỏi lại tôi :
“Anh hỏi tôi đường đi hả?”
“Vâng,” tôi nói, “vì tôi không tự tìm được.”
“Thôi đi! Thôi đi!” anh ta nói, và thình lình quay phắt đi, như một người muốn được ở một mình mà cười ha ha vậy.
(Nguyễn Phan Thịnh dịch. Nguồn : tienve)

Một Ngụ Ngôn Nho Nhõ
“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.
(Hải Ngọc dịch. Nguồn : Tienve)

Kinh Thánh viết :”Ai có tai thì nghe”(Mt 13, 9)

3.”Mua vui cũng được một vài trống canh”

Ngày nay cả nước ca ngợi truyện Kiều (Đoạn Trừờng Tân Thanh), nhưng Nguyễn Du bảo rằng, ông kể truyện Kiều là để mua vui. Phạm Quỳnh thề trước anh linh Nguyễn Du :”Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây! … Ngô Đức Kế phủ định giá trị truyện Kiều:”Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi…Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu”[5].

Các cụ tranh cãi như vậy thì còn biết đâu là giá trị thực của truyện Kiều?

Xem thế, vấn đề văn chương là gì, giá trị của văn chương là gì, thật không có câu trả lời cho minh triết. [One of the fundamental questions of literary theory is "what is literature?" – although many contemporary theorists and literary scholars believe either that "literature" cannot be defined or that it can refer to any use of language - http://en.wikipedia.org/wiki/Literary_theory].

Xin lần theo một vài manh mối.

Phúng dụ Cái Hang của Platon (427-347 trc.Cn) giải thích mối quan hệ giữa thế giới khả giác và thế giới ý niệm. Con người được so sánh như một tù nhân bị giam trong một cái hang. Mặt luôn hướng vào vách tường. Trên mặt tường hang in hình bóng qua lại của những vật thể bên ngoài hang do ánh sáng mặt trời chiếu vào. Những hình bóng trên tường là những sự vật ta thấy được trong thế giới khả giác. Những vật ở ngoài hang là những ý niệm, và mặt trời là ý niệm thiện là thực tại cao cả nhất [6]. Đó là khởi nguồn của thuyết nghệ thuật là tấm gương phản ánh thực tại. Aristote (384 – 323 trc CN) trong Tác phẩm Poétique (Nghệ thuật thi ca) xác định nghệ thuật là sự bắt chước.[7]

Thời Chiến Quốc (475 - 221 trc.Cn.), sách Tả truyện có ghi : "Thi dĩ ngôn chí" - thơ để nói chí. Hàn Dũ (768-824) dùng văn để làm sáng tỏ đạo (“văn dĩ minh đạo”), Chu Hy (1130-1200) dùng văn để chở đạo (“văn dĩ tải đạo”). Nguyễn Đình Chiểu dùng văn chương để “chở đạo, đâm gian”. Những quan điểm như vậy không giải thích được hiện tượng “thơ dâm tục” của Hồ Xuân Hương, “cái dâm” trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Người ta phải viện dẫn Freud (1856-1939). Ông cho rằng sáng tác là sự thăng hoa những ẩn ức về tính dục, tác phẩm là sự thể hiện giữa những xung đột vô thức, mặc cảm về tính dục.

Thế kỷ XX, J.P.Sartre (1905-1980) nói đến “văn học dấn thân” (litérature engagée): « Nhà văn dấn thân biết chữ nghĩa… là những ‘khẩu súng đã nạp đạn’. Nếu hắn nói ra là hắn bắn…”,”nhà văn chọn ‘vén màn’ cuộc đời, tức là làm lộ con người, trước mặt mọi người, để cho tất cả đều nhìn thấy đối tượng trần trụi trước mắt mà biết trách nhiệm của mình.” [8]; Trong cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”[9] Thiếu Sơn viết: “Các ông muốn cải tạo xã hội để tô điểm cho sự sống loài người. Tôi không biết cải tạo cái gì, nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông tô điểm. Tự nó đã mãn nguyện rồi. Nếu trong thiên hạ còn nhiều ngươì biết yêu mến nghệ thuật, nhờ thưởng thức những công trình của chúng tôi mà quên được những nỗi nhỏ nhen ti tiện ở cõi đời, để sống chung với chúng tôi chẳng có công với xã hội loài người đấy ư?(“Nghệ thuật với đời người” -Tiểu thuyết thứ Bảy số 41 ).
Lý thuyết văn học hiện đại cố tìm hiểu thực chất vấn đề về mối quan hệ giả-tác phẩm-người đọc. Roland Barthes nói đến Cái chết của tác giả (The Death of the Author) : “đối với chúng tôi, chính ngôn ngữ nói chứ không phải là tác giả nói; viết chính là thông qua một cái phi cá nhân tiên quyết… để đạt tới cái điểm mà chỉ có ngôn ngữ hành động,“biểu diễn” chứ không phải “cái tôi” nào đó.[10] Chủ nghĩa Cấu trúc (Structuralism) cho rằng nghĩa của tác phẩm nằm trong cấu trúc. Hậu cấu trúc luận /Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction) coi nghĩa của tác phẩm trong liên văn bản. Thuyết người đọc chỉ ra nghĩa của tác phẩm thuộc về kinh nghiệm đọc của người đọc, bởi họ thuộc về một cộng đồng diễn dịch (interpretive community), hoặc họ mang theo ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations) của thời đại, và diễn dịch ý nghĩa tác phẩm là một cuộc đối thoại vô tận giữa quá khứ và hiện tại…[11]

Lần theo những manh mối ấy, ta có thể vỡ vạc ra điều gì đó, nhưng lại lâm vào tình trạng bi đát của sự luẩn quẩn. Cần phải thoát ra khỏi sự trói buộc ý thức lẩn quẩn ấy. Mọi thứ trong đời này đều tồn tại trong sự tương quan xã hội. Văn chương cũng vậy. Nói đến một cộng đồng diễn dịch (interpretive community), hay ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations) của thời đại, chính là nói văn chương trong mối quan hệ xã hội. Văn chương là một thành tố văn hóa cộng đồng, nó không còn là sở hữu của một cá nhân.

3.”Văn chương quan thế đạo thịnh suy”

Cụ Phan Bội Châu chắc chắn chưa tiếp cận với lý luận văn học hiện đại, nhưng vẫn khẳng định điều này :”Văn chương quan thế đạo thịnh suy”, nghĩa là : Văn chương rất có quan hệ với đường đời, đời mà thịnh thì thường có văn chương hay, mà có văn chương hay thì đường đời mới thịnh, nếu trái thế thì văn chương dở mà đường đời suy và văn chương càng dở....Văn chương sở dĩ có giá trị không chỉ tại ở nơi văn chương mà hơn nữa phần ở nơi người làm văn chương…”[12]
Lưu Hiệp (465- 520) trong Văn Tâm Điêu Long cũng luận rằng “…Vì vậy, cho nên Giả Nghị tuấn kiệt nên lời văn sạch sẽ và cái thể trong sáng; Tư Mã Tương Như ngạo mạn và dối trá nên lý thì quá đáng mà lời thì tràn ngập; Dương Hùng thâm trầm lặng lẽ nên ý vị của văn ông sâu; Lưu Hướng giản dị nên văn có thú vị rõ ràng và việc bàn rộng;… ”Lưu Hiệp nhận định về mối quan hệ của văn chương với thời đại: ”Cho hay văn mà biến đổi là bị ảnh hưởng của tư tưởng tình cảm của thời đại. Việc hưng hay phế của văn là gắn liền với sự biến đổi của các đời. Xét cái gốc để năm cái kết thúc thì có xa tram đời cũng có thể biết được” …[13]

Từ Đề Cương Văn Hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị Quyết Trung Ương V (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính Tri Đảng Cộng Sản Việt Nam đều nhất quán quan điểm của chủ nghỉa Mác-Lênin về văn học : “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy xã hội – dân chủ vĩ đại thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch thống nhất của Đảng xã hội – dân chủ…”(Mác – Ăng-ghen – Lê-nin : Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, tr. 305). Quan điểm đó được cụ thể hoá thành : Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Nhà văn là chiến sĩ của Đảng. Văn học nghệ thuật là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, thực hiện nhiệm vụ cách mạng của từng thởi kỳ. Hội Nhà văn là tổ chức chính trị- nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo.

Những ý kiến trên soi sáng điều gì?

Ấy là, thái độ viết là sự chọn lựa có ý thức của người cầm bút. Viết là lên tiếng nói, là dấn thân, là hành động cải tạo xã hội (không phải là nhặt rác)… Nói như Sartre: “hắn nói ra là hắn bắn”. Không có hành động nào là không có mục đích. Và mục đích viết ẩn sau con chữ. Và sau mặt nạ chữ ấy là con người. Con người ấy có thể “thành ý, chính tâm”, hay “gian ý, tà tâm”, tùy theo mục đích viết của anh ta có trùng khớp với cộng đồng diễn dịch (interpretive community-Stanley Fish), hay ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations- Hans Robert Jauss) của thời đại hay không. Salman Rushdie viết The Satanic Verses (Những Vần Thơ của Quỷ Satan). Ông bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình. The Last Temptation’ (Cơn Cám Giỗ Cuối Cùng) của Kazantzakis cũng bị Giáo hội Công Giáo cấm.

Chỉ những tác phẩm góp phần nâng cao phẩm giá con người mới có gía trị lâu bền, và mới được nhân loại yêu mến.
Tháng 8. 2013
______________________________________
[1] Tứ Thư-Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2003. Tr.91, 92
[2] Đạo Đức Kinh, Nxb Thanh Niên, 2008, chương XIX, tr. 87
[3] Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Khoa học Huế, Những nét chính của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
[4] Phạm Qùynh : Bài diễn thuyết này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du ngày 8.12 .1924 do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức. Bài được đăng lại tại Tạp chí Nam Phong số 86.
[5] Bài báo này đăng trong Hữu Thanh tạp chí số 21.
[6] dẫn theo Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch sữ triết học, tr 79
[7] “Epic poetry and Tragedy, as also Comedy, Dithyrambic poetry, and most flute-playing and lyre-playing, are all, viewed as a whole, modes of imitation. But at the same time they differ from one another in three ways, either by a difference of kind in their means, or by differences in the objects, or in the manner of their imitations” (http://www.authorama.com/the-poetics-27.html)
[8] “Không ai có thể nói là mình không biết pháp luật, bởi vì luật pháp luôn luôn được viết thành văn. Cũng không ai cấm anh phạm luật, nhưng anh biết trước là nếu phạm luật thì anh sẽ bị tội gì. Chức năng của nhà văn cũng tương tự như thế tức là anh phải làm thế nào để cho không ai có thể chối là mình không biết đến thế giới xung quanh, và cũng không ai có thể cãi là mình vô tội vạ. Một khi trót đã dấn thân vào thế giới chữ nghiã rồi, thì anh không còn có thể giả vờ bảo rằng tôi không biết "nói", vì nếu anh đã vào thế giới của ý nghĩa rồi, thì anh không thoát ra được nữa (...) Trong thế giới ý nghĩa này, ngay cả yên lặng cũng có nghĩa (...) Yên lặng là một khoảnh khắc của ngôn từ, im không có nghĩa là câm, mà là từ chối nói, tức là có nói (...)…”
(Dẫn theo Thụy Khuê : Qu'est-ce que la littérature - Văn chương là gì?, http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch16.html
[9] Nguyễn Đình Chú-Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1537:cuc-tranh-lun-v-quan-im-ngh-thut-thi-k-1935-1939&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106
[10] “for us too, it is language which speaks, not the author; to write is, through a prerequisite impersonality… to reach that point where only language acts, ‘performs’, and not ‘me’… (http://www.deathoftheauthor.com/)
[11] The literary text possesses no fixed and final meaning or value; there is no one "correct" meaning. Literary meaning and value are "transactional," "dialogic," created by the interaction of the reader and the text
( http://www2.cnr.edu/home/bmcmanus/readercrit.html)
For Gadamer, past and present are firmly connected and the past is not something that has to be painfully regained in each present (https://tspace.library.utoronto.ca/citd/holtorf/3.10.html)
[12] Phan Bội Châu-Quan niệm của tôi đối với văn chương.Thơ văn Phan Bội Châu, nxb Văn Học, 1985, tr. 266
[13] Lưu Hiệp-Văn Tâm Điêu Long-Thể tính. Nxb Văn Học, 1999, tr.194, 257


Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC

NHÀ VĂN - NGƯỜI NHẶT RÁC
Bùi Công Thuấn

1.Tôi ghi lại vài ý tưởng của GS Trần Đình Sử trong bài Nghề Văn Không Sang Trọng để suy gẫm. GS Trần Đình Sử mượn lời của Walter Benjamin để đưa ra các nhận định:

“…từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng…

Walter Benjamin “ ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa…”

…Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.”

2. Tôi không nghĩ như GS Trần Đình Sử. Người nhặt rác là người nhặt rác, anh ta lượm nhặt những gì dùng được để kiếm sống, chẳng bảo lưu gì cả. Còn nhà văn là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ. Dù nhà văn có dùng chất liệu thô là những rác rưởi của xã hội, thì nhất thiết anh ta bằng tài năng của mình, biến chất liệu thô ấy thành tác phẩm nghệ thuật.

3.Tôi tự hỏi, những áng "thiên cổ hùng văn" của thơ văn Lý-Trần chẳng nhẽ là rác? Bình Ngô Đại Cáo là do Nguyễn Trãi nhặt rác mà làm thành? Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộclà do rác mà Nguyễn Đình Chiểu nhặt được mà làm thành? Nguyễn Du viết "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" là kêu gọi nhặt rác? Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân cũng là rác? Phải chăng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tuân viết văn là nhặt rác kiếm sống, hay dọn rác làm vệ sinh cộng đồng, vì theo GS Trần Đình Sử, ngày nay "rác tràn ngập khắp nơi"?

4.Người ta đã nói quá nhiều về chức năng, nhiệm vụ của văn chương. Mỗi người cầm bút sáng tác đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, mục đích của mình và những giá trị mình viết ra. Chỉ khi nhà văn có ý thức sáng tạo tiến bộ mới làm nên những tác phẩm giá trị... Nguyễn Đình Chiểu dùng văn chương để “chở đạo, đâm gian”. Lỗ Tấn dùng ngòi bút để phanh phui các tật bệnh tinh thần của quốc dân để mọi người tím phương chạy chữa. Phan Bội Châu cho rằng “Văn chương quan thế đạo thịnh suy” và ông cổ vũ người An Nam nên học lấy nghề văn. Nam Cao cho rằng Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, và ông chỉ viết về những tiếng đau khổ. Trái lại Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp, cái đẹp cao cả, cái đẹp có sức cảm hóa cái xấu…

5. Mọi người đều có thể nhận ra mục đích đằng sau một loạt bài viết gần đây của GS Trần Đình Sử như : Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại; Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ; Phê bình kiểm dịch,…

Nhà thơ Trần Trương nhận xét :” Cách viết của ông trong mấy bài viết gần đây tôi thấy :Loằng ngoằng” quá. Ông tỏ ra khách quan, có vẻ bênh cái luận văn rất tầm thường va tục tĩu của Nhã Thuyên, ông chê bai và phân tích một cách bôi bác và dè bỉu lịch sử văn chương của ta qua từng thời kỳ”. Nhà thơ Trần Trương khuyên GS Trần Đình Sử :” Nhà nước phong cho ông là giáo sư do sự phấn đấu của ông bao nhiêu năm, vậy mà ông đang quên ông là nhà khoa học , Xin ông hãy thật khách quan, đứng đắn trong những vấn đề cụ thể, đừng biến mình làm con thoi trong khung dệt rối chỉ ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16234/may-loi-voi-ong--tran-dinh-su.vhtm)

Đạo diễn-Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn phản bác :” Nhà văn Trần Đình Sử có nhắc lại điều tác giả Benjamin đã ví: nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế...Vâng, đúng vậy! Và tôi nghĩ: nhà văn nhà thơ không chỉ trân trọng nhặt nhạnh những gì là "rác", mà còn nâng niu những gì là nguyên liệu tinh khôi, là "khí của trời đất"- ( http://trannhuong.com/tin-tuc-16230/nghe-van-khong-sang-trong-nhung-van-chuong-lai-can-su-sang-trong.vhtm)

Tôi rất quý mến GS Trần Đình Sử. Trang viết của ông chứa hàm lượng trí thức đáng trân trọng. Và tôi tự hỏi tại sao những bài viết gần đây của ông làm tôi nghĩ khác hẳn về ông. Cũng có thể đến một lúc nào đó đầu óc người ta không còn đủ sáng suốt trong cái mớ bòng bong lý luận màu xám trói buộc lấy mình, hoặc không còn đủ sức thoát ra khỏi sự nô lệ ý thức khi viện dẫn ông này, ông kia, mà không tự mình độc lập suy nghĩ? Và điều đó cũng là thường tình. Nhưng tôi lấy làm tiếc, như thể tôi đã đánh mất một niềm tin.

Tháng 8. 2013

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT

HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT
Bùi Công Thuấn



Tôi chưa một lần được gặp hoạ sĩ Văn Phúc (VP) để được nghe ông chia sẻ quan điểm nghệ thuật, cũng chưa một lần được nhìn tận mắt tác phẩm của ông, để được cảm thụ cái đẹp mà hoạ sĩ dâng hiến cho đời, cũng chưa một lần theo dõi từng công đoạn ông sáng tác và nghe ông tỏ lộ những thông điệp gửi gắm trong tác phẩm. Đó là một điều rất thiếu sót của tôi khi xem tranh của ông. Tôi chỉ quen và biết ông qua trang blog Yume, và xem những tranh ông chụp lại. Mọi phản ánh, dù là chụp chân dung, cũng không giúp người xem tiếp cận được đúng bản chất của sự vật.

Đọc thơ, văn, tôi có thể cảm thụ được ngay ý tưởng của tác giả. Bởi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy. Nhưng với những nghệ thuật khác, thì sự tiếp cận ý tưởng sáng tạo phải thông qua hình tượng. Nghe một bản giao hưởng, người nghe phải nhận ra được hình tượng âm thanh, thông qua giai điệu, hoà âm, phối khí và nghệ thuật trình tấu. Xem một bức tranh, người xem phải đọc được hình tượng hội hoạ qua đường nét, màu sắc, bố cục, bút pháp. Có sự khác biệt rất lớn giữa tranh và nguyên mẫu, và nếu lấy nguyên mẫu để đánh giá tranh, thì đó là sự thủ tiêu nghệ thuật, bởi người xem đã gạt bỏ phần sáng tạo và những độc đáo thẩm mỹ của tác giả.

Tôi chỉ là kẻ thứ dân trong thiên hạ xem tranh của hoạ sĩ Văn Phúc, và biết đâu lại không phải là một trong 5 “thầy bói sờ voi”. Dù sao được chia sẻ những cảm nhận nghệ thuật với tác giả và bạn đọc, thì đã là hạnh phúc. Bạn đọc có thể có những cảm nhận hoàn toàn khác với tôi, thậm chí trái ngược, điều đó cũng là bình thường, như người miền Tây thích Cải Lương, còn người Bắc bộ thích Chèo, và bạn trẻ thích Rock vậy.


TRANH GÒ NHÔM –MỘT THỂ LOẠI ĐỘC ĐÁO

(Tiếng trống trường)

Tôi gọi đây là một thể loại độc đáo so với các loại tranh khác (thuỷ mặc, sơn dầu, tranh dân gian…) bởi vì gò nhôm kết hợp cả kỹ thuật và nghệ thuật. Hoạ sĩ thực hiện tranh gò nhôm trước hết phải là một hoạ sĩ có tài, vẽ những bức tranh độc đáo, và biến bức vẽ ấy thành hình ảnh nổi trên nhôm thông qua một kỹ thuật đặc biệt, kỹ thuật đuc nhôm ở mặt âm bản. Người hoạ sĩ phải đục hàng triệu nhát búa nặng nhẹ khác nhau, để tạo nên đường nét, hình khối, với những góc phản chiếu đa diện để những chỗ dục chạm toả ra những màu sắc, ánh sáng khi tranh phản chiếu ánh mặt trời ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Điều này thật quá công phu, tốn nhiều thời gian và rất hiếm người làm được. Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Bởi người hoạ sĩ phả tập trung tất cả sức lực, sự kiên trì, kỹ thuật và óc sáng tạo ở độ căng thẳng nhất khi thực hiện tranh. Bởi chỉ cần đập sai một nhát búa là có thể làm hỏng cả bức tranh. Xin nghe hoạ sĩ Văn Phúc nói về nỗ lực sáng tạo của mình:

“Ngoài các công đoạn như các dòng tranh khác. Tranh gò nhôm phải phác hình rất kỹ, dùng mê ka phim đồ lại, sắp xếp cho chuẩn (mông-ta), đem đi phô tô phóng lớn theo kích thước tranh, đem bản phô tô dán lên mặt miếng nhôm. Chờ thật khô, rồi gõ theo nét, phải đều tay gõ, thở nhẹ. Lâu lâu kiểm tra mặt sau đã hết chưa, đem ngâm nước chừng 30 phút mới bóc giấy ra khỏi mặt nhôm lau khô.

Phần tác nghiệp có mấy từ chuyên môn MATRE trong tranh là gì? Gốc từ tiếng Pháp là chất. Ví dụ chất nhẵn nhụi, nhẵn bóng, chất sần sùi, thô nháp, hình xoáy trôn ốc, như xếp sỏi đá, hình sóng lượn, hình nhịp điệu hai nhịp diệu ba v. v.mỗi nhát đục xuống nhôm tạo ra một hạt bằng hạt tấm, bắt sáng. Hàng triệu hạt bắt sáng tạo ra sự kỳ ảo của tranh, và kìa chúng còn thay đổi mầu sắc trong ngày, cái đẹp gây cảm giác ngất ngây các bạn phát hiện là ở đó”

Nói những điều ấy là để chia sẽ nỗi vất vả của người sáng tạo. Điều quan trọng là tác phẩm của anh ta làm ra có giá trị nghệ thuật không, có giá trị cống hiến cho đời cái đẹp nghệ thuật và góp phần làm phong phú giá trị tinh thần của dân tộc hay không. Tôi tin rằng bạn xem tranh đều có thể nhận thấy ngay những giá trị này của tranh gò nhôm Văn Phúc. Tôi rất ấn tượng với tác phẩm Tắm Dưới Trăng Quê, đó là một bài thơ lãng mạn đậm hơi thở đồng ruộng. Chiều Ven Đô, Chợ Nổi Cái Răng là cuộc sống thương hồ nơi ĐBSCL, một cuộc sống vừa mộc mạc chân chất, vừa thắm nghĩa tình và “nguyên chất” Nam bộ. Tác phẩm Hợp Tấu Vô Lý là một sáng tạo độc đáo, độc đáo ở cái “vô lý” mà tôi ngắm mãi không ra. Tiếng Trống Trường làm ngỡ ngàng giới nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, bởi tác phẩm thể hiện tư duy nghệ thuật tổng hợp giữa mĩ học và triết học trong tạo hình và bố cục. Tranh của họa sĩ Văn Phúc gần gũi với đời sống và giàu chất thơ (cái đẹp). Nó giúp người xem tranh nhận ra cái đẹp ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, điều mà chỉ người hoạ sĩ mới nhận ra.

Nếu nghệ thuật là cách điệu, thì tranh gò nhôm của Hs Văn Phúc thực sự là sự sáng tạo trong cách điệu, dù bút pháp của tác giả là bút pháp hiện thực. Hs Văn Phúc vẽ những sinh hoạt của miền quê Nam Bộ, đối tượng là người lao động bình dân, trong nhiều sinh hoạt khác nhau. Chỉ cần đọc tên tác phẩm, người xem tranh có thể hiểu những đặc thù Nam Bộ: Miệt Quê Phong Điền, Tắm Dưới Trăng, Chợ Nổi cái Răng, Hợp Tấu Dân Tộc, Đi Học Vùng Ven, Một thời đã qua, Hợp tấu Vô Lý, Mùa Trái Chín, Tình Mẫu Tử, Đò Ơi, Đi Chợ Sớm, Hạnh Phúc, Cầu Tre Lắt lẻo, Đêm Trăng, Lý Qua Cầu,…(1). Trong những bức tranh này, những chất liệu Nam Bộ được dựng làm nền. Đó là những cành lá dừa, chiếc áo bà ba, cảnh sông nước, chiếc ghe tam bản, con cò, rất nhiều vầng trăng. Có cả những đứa con nít, chiếc nón lá và chiếc khăn rằn. Những chất liệu ấy làm nên đặc trưng dân tộc ở Nam Bộ, nhưng dáng nét, tính các phóng khoáng của con người Nam Bộ mới là chất tài hoa của Hs Văn Phúc.(Miệt Quê Phong Điền, Cầu Tre Lắt lẻo, Lý Qua cầu, Đêm Trăng…)

Tuy nhiên, vì là thủ pháp cách điệu, nếu không được giải thích, người xem tranh khó nhận ra những chỗ tinh tế nghệ thuật. Thí dụ bức tranh Hợp Tấu Vô Lý, đâu là sự vô lý nghệ thuật. Bức Tiếng Trống Trường, không có hình ảnh nhà trường hay chiếc trống, chỉ có hình ảnh hai nữ sinh áo dài trắng, quần trắng đang vội vã. Nếu không có tựa đề tranh, người xem khó đoán định nhân vật đang làm gì. Nhưng cái đẹp của bức tranh này không nằm trong nội dung ấy, mà nằm ở hình hai cô gái. Hình thể thon đẹp, thướt tha và trẻ trung. Ánh sáng làm rực lên sức sống và sự thanh khiết tâm hồn. Cành lá dừa sum suê, gần gũi. Sự hồn nhiên của con chim non khiến cho người xem tranh nhận ra sự hiền hoà của con người Nam Bộ. Bức tranh như một bức ảnh chụp cận cảnh, có sức thu hút ngay cái nhìn của người xem tranh. Nghệ thuật tạo ánh sáng, sự tương phản sáng tối, sự phong phú đường nét và chuyển động, đã làm nên một tuyệt tác. Tuyệt tác ở chỗ, miền Tây Nam bộ là miền sông nước, đường đất, sình lầy, vậy mà tác giả lại chắt lọc được cái đẹp tinh khiết đến như vậy. Đó là nghệ thuật, là sáng tạo vượt lên trên hiện thực, là chưng cất hiện thực thành cái tinh anh của thế giới tinh thần. Miệt Quê Phong Điền cũng có những đặc sắc nghệ thuật thú vị như vậy.

Lẽ ra cần phải có thời gian nói về sự độc đáo của từng bức tranh gò nhôm của Hs Văn Phúc, nhưng thực sự tôi chưa làm được, bởi xem tranh của hoạ sĩ, tôi cần có thời gian nghiền ngẫm, khám phá sự sáng tạo và đọc cho được thông điệp của tác giả. Điều này có khi mất nhiều thời gian hơn cả thời gian tác giả thực hiện bức tranh. Dù thế nào, tôi thực sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hs Văn Phúc ở thể loại tranh này, yêu mến cái tình hoạ sĩ dành cho miền Tây Nam Bộ, mà tôi đã sống qua một thời tuổi nhỏ, và mong Hoạ sĩ có thêm nhưng tuyệt tác gò nhôm nữa cho đời, vì khi thời gian qua đi, sẽ khó có người kế thừa dòng nghệ thuật độc đáo này.


NHỮNG NÉT KÝ HOẠ TÀI HOA

(Bạn gái tôi)

Nếu gò nhôm là thể loại đòi hỏi sức lực, sự kiên trì và sự nuôi dưỡng lâu dài cảm xúc để sáng tạo, thì ký họa lại đòi hỏi khả năng “chớp” rất nhanh những phút xuất thần “đốn ngộ”, và ghi lại cũng bằng nét bút xuất thần cái đẹp mà tâm trí và trái tim vừa chớp được. Những nét ký hoa phải thật “nhiễn”, thật thanh thoát, bay bướm. Điều ấy phân biệt một hoạ sĩ tài hoa và một anh thợ vẽ. Ký hoạ thực sự thể hiện tính cách tài hoa nghệ sĩ của hoạ sĩ Văn Phúc.

Hoạ sĩ Văn Phúc tập trung ký hoạ nhân vật. Xin hãy thưởng thức những bức ký của Văn Phúc, bạn sẽ kinh ngạc ở sự khám phá tính cách con người, kinh ngạc ở sự khắc hoạ không gian, bối cảnh, và thán phục ở sự “chộp bắt” được cái “thần” con người Nam Bộ. Đó là các bức ký hoạ : Bạn Gái Tôi, Chú Hiếu, Bên Sông Hậu, Người đẹp xứ Huế, Hát lên đi Trường Sa ơi, Trung tâm vũ trụ, Phương pháp ký hoạ mới, Thần Vệ Nữ, Hậu duệ những anh hùng mở đất năm xưa, Em đã từng làm trái tim tôi thổn thức, ký hoạ Cà mau…

Ký họa Văn Phúc có những khác biệt gì so với tranh gò nhôm của ông? Có rất ít bối cảnh trong ký hoạ (sông nước, con đò, chiếc ghe tam bản, con cò, cành lá đừa, chiếc cầu tre…). Tác giả tập trung vào nhân vật, vẽ cho được cái cốt cách tinh thần của con người trong một khoảnh khắc xuất thần (Bạn gái tôi). Hoạ sĩ Văn Phúc vẽ những đường cong thân thể thật bay bướm (Trung tâm vũ trụ, Bên sông Hậu…), hình thể nhân vật tròn, chắc khoẻ, nhưng ánh mắt, nét mặt, dáng người lại rất thanh tú, rất sâu sắc trong đời sống tinh thần, và tất cả đều đẹp, tươi sáng. Ở những bức ký hoạ người lao động, ánh mắt nhân vật thường nhìn lên, động tác mạnh mẽ (dáng chèo đò, dáng người lính Trường Sa, dáng người chạy đò máy…), dáng trữ tình, ánh mắt nhân vật thường hồn nhiên, đam mê, dịu ngọt, thân thiện (Không gian trầm lắng, Thần vệ Nữ, Tóc hoa, Em đã từng làm trái tim tôi thổn thức…). Văn Phúc cũng có những bức vẽ với những đường nét “gai góc” thật ấn tượng (Chú Hiếu). Cả những tranh “nude” của hoạ sĩ Văn Phúc cũng có nét riêng, đó là nghệ thuật của tranh dân gian, kết hợp với tranh lãng mạn (Bên sông Hậu, Trung tâm vũ trụ, thần vệ nữ…) người xem tranh giật mình về sự táo bạo của ngòi bút ký hoạ, và bất chợt lo lắng về sự quá đà của cảm xúc, nhưng không, hoạ sĩ Văn Phúc vẫn giữ được cái giới hạn giữa nghệ thuật và sự thô tục. Đấy là tài năng và là tấm lòng với nghệ thuật.

Tôi thán phục sự đa dạng tài hoa của hoạ sĩ Văn Phúc. Từ một bức ký hoạ, ông có thể chuyển sang tranh gò nhôm, mà vẫn giữ được thần thái tài hoa của ký hoạ. Ông làm phong phú thêm màu sắc thẩm mỹ của tranh (Hậu duệ những anh hung mở đất, ký hoạ Cà Mau 2: người lái đò máy, ký hoạ : Bên song Hậu…). Ông cũng có những bức tranh ký hoạ phong cảnh, tuy không thật ấn tượng, song đủ giúp người xem tranh nhận ra cái đẹp cảnh vật (Du lịch miệt vườn Cái Sơn)

Trong nhữ ký hoạ của hoạ sĩ Văn Phúc, tôi rất thích bức Bạn Gái Tôi, vẽ chân dung cô gái trẻ. Nét vẽ thật phóng túng, rất hiện thực và thật lãng mạn. Hiện thực ở khuôn mặt thanh tú. Cằm tròn, mắt to, mũi thẳng, miệng xinh, tóc bồng bềnh. Người như thế gặp trong đời thực là cảm ngay. Tất nhiên đây là cảm xúc thẩm mỹ, cảm động về cái đẹp thanh tú, đầy sức sống hiền hoà và mạnh mẽ. Nhưng sức hấp dẫn của bút pháp lãng mạn mới âm thầm mãnh liệt. Khuôn mặt hơi nhìn lên, chiếc cổ dài, áo khoác hơi hở ngực, và vành môi hơi hé như cười, nét nhìn như mời gọi. Ở con người ấy, toát ra và bay lên bao quyến rũ đối với người xem tranh (nam). Tôi rất thích cái đẹp thanh tú, mạnh mẽ và đầy nữ tính như vậy. Chuyện ngày xưa Tú Uyên (Bích Câu Kỳ Ngộ) mê người trong tranh có lẽ là thật. Vâng, những bức tranh đẹp có thể làm ta say người như trong hiện thực.

Tôi đã thử so sánh bức ký hoạ Người Đẹp với hình chụp nguyên mẫu (3) để khám phá một bức tranh nghệ thuật khác với nguyên mẫu như thế nào. Nếu là người xem tranh bình thường, họ sẽ khen người mẫu đẹp hơn ký hoạ. Người mẫu khoả thân, khuôn mặt tròn nhìn lên. Hình chụp chỉ làm lộ lưng trần. Một vầng ánh sáng tô đậm trên bờ vai. Tương phản sáng tối, tạo hiệu quả nghệ thuật. Bắt người xem tranh phải chú ý vào khuôn mặt nàng mà không bận tâm đến tấm lưng trần. Tất cả những điểm gợi cảm (dục tính) đều bị che khuất. Nàng có nét mặt buồn, ngậm ngùi, ánh nhìn sâu, muốn nói điều gì đó, nhưng nét mặt vô cảm. Ký họa Người Đẹp của hoạ sĩ Văn Phúc có những nét sáng tạo khác hẳn. Văn Phúc giữ nguyên dáng nét của nguyên mẫu, nhưng để mái tóc xoã, bồng bềnh trên lưng nàng. Lưng của nguyên mẫu ngắn và khá cong, lưng của Người Đẹp được ký hoạ dài hơn, dịu hơn, có sức gợi hơn. Vẫn là khuôn mặt thanh tú, ngước nhìn lên, mắt mở to, nhưng ánh mắt ngây thơ hơn, và bờ môi trái tim đang động cựa, như nói điều gì. Có một thông điệp khác trong bức ký hoạ, so với hình chụp nguyên mẫu. Hình chụp chỉ để phô diễn vẻ đẹp thân xác, còn ký hoạ ghi lấy vẻ đẹp tinh thần, trong sáng mà quyến rũ.
Đã có lần tôi ao ước mình cũng ký hoạ được thần thái ngưới bạn gái để tặng nàng, chắc là nàng hạnh phúc lắm, nhưng trời không cho tôi những hoa văn tài hoa, như hoa văn trên tay hoạ sĩ Văn Phúc, tôi biết mình không có được những hạnh phúc thanh khiết mà hoạ sĩ Văn Phúc đã có.


TRANH SƠN DẦU, TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

(Đám cưới giờ Tý)


Sơn dầu có ưu thế hơn hẳn hai loại tranh gò nhôm và ký họa. Gò nhôm đòi hỏi quá nhiều sức lực, lại hạn chế đường nét, màu sắc, bố cục, còn ký họa lại đơn giản nghệ thuật hội hoạ xuống chỉ còn đường nét. Sơn Dầu cho phép người hoạ sĩ phát huy những ưu thế của hội hoạ. Đó là màu sắc, đường nét, bố cục, bút pháp. Người hoạ sĩ có thể vẽ bằng bút pháp của tranh dân gian Đông Hồ, hay tranh Thuỷ Mặc, tranh Dada, tranh Lập Thể, tranh Trừu Tượng, tranh Siêu Thực và cả loại tranh hồn nhiên như tranh của trẻ con vẽ theo trí tưởng tượng mà chưa lệ thuộc vào bất cứ lý thuyết hội hoạ nào…
Sơn dầu của hoạ sĩ Văn Phúc có đủ loại bút pháp ấy.

Người Bán Hàng Rong là kiểu tranh thiếu nhi. Đề tài, nhân vật, bố cục, đường nét, màu sắc, rất rậm rạp và sặc sỡ, như trong một tranh dân gian. Những mảng màu gây ấn tượng mạnh, khuôn mặt các nhân vật được vẽ cách điệu. Tranh diễn tả niềm vui hồn nhiên trẻ thơ. Tiếng Trống Trường vẽ hai thiếu nữ với những màu sắc đường nét cách điệu như một bức tranh trừu tượng. Khác hẳn với Tiếng Trống Trường gò nhôm về màu sắc thẩm mỹ. Bức tranh này, những dải màu, những đường con thật phức tạp và phong phú, phối hợp với những nét tài hoa của ký hoạ. Sự tương phản màu sắc sáng tối (màu nâu đậm của phông nền và màu áo xanh trắng tím nâu đen) có sức níu giữ sự quyến luyến mắt nhìn người xem tranh. Hai bức Giao Ca thấp thoáng bố cục và đường nét tranh lập thể. Bởi hiện thực đã được cách điệu hoàn toàn khiến cho người xem tranh khó đoán định nội dung tranh nếu tác giả không ghi tiêu đề. Bức Giao Ca hai người thợ nằm ngang, ngược đầu ngược chân cả hai cùng cầm một cây xà beng thật khó nhận diện không gian thực. Bức tranh được vẽ chỉ bằng một màu hồng, viền trắng, buộc người xem phải tự tìm lấy ý nghĩa chứa đựng trong hình tượng. Bức tranh Bên Sông Hậu (bốn bức kết hợp) sửng dụng gam màu xanh, trắng và nâu khác với những bức tôi giới thiệu ở trên. Bên Sông Hậu vừa có nét dân gian vừa mang đặc trưng nghệ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa. Những bức vẽ Bác Hồ (Bác Hồ nhường ngựa, Bác từ chối đi giày mới) nét vẽ hiện thực hơn. Tác giả chọn được những khoảnh khắc nghệ thuật trong đời thường của Bác Hồ để thể hiện thành nghệ thuật. Làm bộc lộ lòng nhân hậu của Bác đối với kẻ thù đã bị đánh bại, và với bộ đội…

Điều dễ nhận ra trong tranh sơn dầu của hoạ sĩ Văn Phúc là việc sử dụng những gam màu có sức gây ấn tượng. Đa phần là màu đỏ (Biến thể cầu vượt), bố cục dày đặc nhân vật, sự việc. Màu sắc phong phú, trộn lẫn với nhau, có khi là những màu tương phản, có khi là những màu tương đồng của gam màu. Xem họa sĩ phối mầu ta bắt gặp một tư duy hiện dại cách phối màu dương dại, nếu gam mầu nóng mầu lạnh chỉ khoảng ba mươi phần trăm và ngượi lại, nhìn kỹ ta còn thấy ông diễn tả không gian đang chuyển dộng theo sự chuyển động của con người. Một bút pháp chỉ bắt gặp các họa sĩ cao thủ trong nghệ thuật mới có. Và dù vẽ nội dung gì, thì trung tâm, tranh sơn dầu của Văn Phúc luôn là cái đẹp đời sống trong lao động của nhân dân ta.

Xin lắng nghe hoạ sĩ nói về tranh của mình:

Tác phẩm NHỮNG NGƯỜI THỢ CẦU: “ Tranh diễn tả những người thợ hàn trên công trường cầu vượt Cần Thơ, ánh lửa hàn lóe sáng đến chói mắt, một bố cục kinh diển (tụ- tán) phối hợp diễn tả ánh sáng đi vào chiều sâu của không gian ba chiều, trong tranh nội dung được diễn bằng hòa sắc lạnh”

Tác phẩm GIAO CA: “Phản ánh nét đẹp của người thợ giao ca với chiếc xà beng nhổ đinh chứng tỏ họ là thợ làm sắt cầu vượt. Hậu cảnh là cây cầu CẦN THƠ và khu dô thị nam thành phố nhìn hoành tráng vươn lên trời cao. Về nghệ thuật, bố cục song song nhưng hai người dang vội vàng , với hòa sắc nóng làm nhịp chính của tranh. Lần đầu ta thấy bút pháp con người ( hai anh công nhân) lẩn vào trong không gian, chỉ thấy trong tranh Văn Phúc”

Tác phẩm CHIỀU CỒN ẤU :” Đây là địa danh ngay chân cầu Cần Thơ, tác phẩm ca ngợi nét dẹp người Cồn Ấu dang thu hoạch mè đen với dáng chiều đỏ rực với hòa sắc nóng làm chủ đạo. các nhân vật dược phối màu nhìn trong veo như những viên đá cẩm thạch hoặc đá hồng ngọc một kỹ thuật phối mầu rất khó”

Có sự khác biệt rất xa tranh phương Tây. Nghệ thuật phương Tây thể hiện cái Tôi cá nhân, thường là cái Tôi cô đơn, rất ít kiểu tranh vẽ sự nhộn nhịp của cộng đồng trong những hoạt động chung như tranh Văn Phúc (Người thợ cầu Cần Thơ, Người bán hàng rong, Thu hoạch me, Cù Lao Tân Lộc, Bên sông Hậu, Chợ nổi Cái Răng…)


HOẠ SĨ VĂN PHÚC NHƯ TÔI BIẾT

Chiều Cồn Ấu

Tôi không viết về con người xã hội của hoạ sĩ Văn Phúc. Các chương trình của HTV đã làm những phóng sự rất cụ thể về ông. Những bức ảnh chụp lúc ông gò tranh, tưới cây, đi thực tế Cà Mau, Kiên Giang, họp mặt với bạn bè từ Hà Nội, Tp Hồ Chí minh cũng đủ giúp bạn đọc hình dung đầy đủ về hoàn cảnh sống, làm việc và vị thế xã hội cùa ông. Tôi viết về hoạ sĩ Văn Phúc, nhân vật chủ thể những bức tranh của ông. Nếu nói Văn là người thì cũng có thể tìm thấy con người tác giả trong tranh, tất nhiên là con người nghệ thuật.

Ấn tượng của tôi về hoạ sĩ văn Phúc là ấn tượng về một người nghệ sĩ có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, phong phú, tài hoa. Những mảng màu ông sử dụng là màu đậm (thí dụ màu đỏ đậm), những đường nét ông khắc hoạ là những đường nét trẻ, khoẻ. Con người, sự vật, sự việc của ông được bố cục sao cho làm bật ra sức sống ngồn ngộn, sức phát triển và sự hoà điệu. Ở mỗi bức tranh, đều có sự khẳng định mạnh mẽ chủ đề, tư tưởng và phong cách nghệ thuật. Ông chọn thể loại gò nhôm là thể loại tốn nhiểu sức lực, thời gian, sự kiên trì, và sự tập trung cao độ trong suốt quá trình tác tạo sản phẩm. Không có một cá tính mạnh mẽ, trổi vượt thì không thể sáng tạo như hoạ sĩ Văn Phúc.

Điều làm tôi yêu mến tranh của hoạ sĩ Văn Phúc là hình ảnh đất nước, con người, cuộc sống của nhân dân được ông tái tạo. Thực ra hiện thực đã được ông chưng cất để chắt lọc lấy “cái tinh anh” làm nên hồn cốt tác phẩm. Cuộc sống đời thường dễ làm ta chai lì những cảm xúc thẩm mỹ. Phát hiện ra cái đẹp, và thể hiện cái đẹp ấy, gửi gắm trong cái đẹp ấy những thông điệp về cuộc sống, đó là phẩm chất và thiên chức của người nghệ sĩ. Tranh Văn Phúc giúp người xem nhận ra một tấm lòng nghệ sĩ yêu đất nước và nhân dân mình nồng nàn sâu sắc như thế nào. Hoạ sĩ Văn Phúc vẽ đất nước, con người, cánh cò, chiếc cầu tre, chiếc áo bà bà, những người thợ làm cầu, sinh hoạt chợ nổi miền Tây. Họa sĩ quê ở Hưng Yên nhưng các tác phẩm của ông hoàn toàn ca ngượi Cần Thơ và ĐBSCL một diều dễ hiểu vì ông sống gần hết cuộc dời của mình ở đây. Đây cũng là quy luật sáng tạo. Chỉ khi người nghệ sĩ sống sâu sắc và gắn bó với một vùng văn hoá nhất định, thì tác phẩm của anh ta mới thu phục được sự ngưỡng mộ của công chúng.

Tôi ngạc nhiên, vì trong khi giới nghệ thuật chạy đua theo nghệ thuật phương Tây, từ lãng mạn, Siêu Thực, Ấn Tượng, đến Trừu tượng, Lập thể, Hậu Hiện Đại… thì Văn Phúc vẫn kiên trì với nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Nghệ thuật truyền thống trong tranh Văn Phúc có cội nguồn ở sự gắn bó với đất nước, con người Nam Bộ, để chất liệu hiện thực trở thành chất liệu nghệ thuật, khiến cho người xem tranh nhận ra ngay cái hồn dân tộc trong từng chi tiết của tranh (cành lá dừa, con cá, con cò, đứa con nít, cầu tre, ghe tam bản, áo bà ba, …) Nghệ thuật truyền thống trong tranh Văn Phúc cũng thể hiện ở đường nét, lối vẽ cách điệu, những motip quen thuộc của tranh dân gian (ký hoạ Trung tâm vũ trụ, Hạnh phúc, Suối tóc, Người bán hàng rong…). Chất hiện đại thể hiện ở đề tài, nội dung, sự vật, con người hôm nay (Chợ nổi Cái răng, cù lao tân Lộc, những người thợ cầu Cần Thơ, Bên sông Hậu…), tuy nhiên cần phải nhận ra chất hiện đại về nghệ thuật của tranh Văn Phúc (Biến thể Cầu vượt, Tiếng Trống Trường sơn dầu, Hoà tấu vô lý…). Người xem tranh không hề gặp bất cứ một chi tiết ngoại lai nào trong tranh Văn Phúc. Tôi nghĩ, giữ vững được hồn dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật và hiện đại hoá bút pháp, tạo được cốt cách riêng, đó là một thành công của hoạ sĩ Văn Phúc.

Ngoài những phẩm chất, chuẩn mực nghiêm nhặt của quá trình sáng tạo mà người nghệ sĩ phải tuân thủ, tôi còn nhận ra một tâm hồn lãng mạn, tài hoa làm nên cái đẹp tranh Văn Phúc. Không có yếu tố này, tranh Văn Phúc sẽ chỉ có kỹ thuật của người thợ vẽ, không thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật (Tôi đã phân tích ký hoạ người đẹp và hình chụp của nguyên mẫu để chỉ ra sự sáng tạo của hoạ sĩ Văn Phúc). Tôi chia sẻ được với ông ở phẩm chất này. Nếu không có tâm hồn lãng mạn (biết nhận ra cái đẹp, yêu cái đẹp) thì không thể sáng tạo. Chỉ có những trái tim biết rung động mãnh luiệt trước cái đẹp mới giúp người nghệ sĩ làm nên tác phẩm. Điều rất lạ là, bạn xem tranh sẽ khó nhận ra phẩm chất ấy trong hình hài một con người nghiêm nghị, chuẩn mực và rất thực tiễn như hoạ sĩ Văn Phúc trong đời thường

(Tiếng trống trường)

Không biết tôi có nói được điều gì về những đặc sắc nghệ thuật của hoạ sĩ Văn Phúc Không. Trong muôn một, tôi ao ước được chia sẻ những cảm thức nghệ thuật với hoạ sĩ như một tri kỷ, và ao ước được một lần diện kiến, lênh đênh trên một chiếc ghe tam bản nơi sông nước miền Tây, nghe hoạ sĩ nói về những tâm nguyện sáng tác của mình.
Tháng 7. 2013

______________
(1) Xin xem tranh trên blog của Hs Văn phúc .
(2) Mời bạn thưởng lãm tranh ký hoạ của Văn Phúc : http://yume.vn/vanphucart/article/moi-cac-ban-thuong-lam-nhung-ky-hoa-cua-van-phuc.35DB352C.html
(3) http://yume.vn/vanphucart/article/moi-cac-ban-thuong-lam-nhung-ky-hoa-cua-van-phuc.35DB352C.html
và : http://yume.vn/vanphucart/article/vang-sao-sao-vang.35DB3143.html

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

SÓNG - SÓNG GIÓ - THÔNG ĐIỆP NGHỆ THUẬT

SÓNG, SÓNG GIÓ VÀ THÔNG ĐIỆP NGHỆ THUẬT
(Đọc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, chương trình Ngữ Văn 12)



1.Câu chuyện tình yêu

Có lẽ trong chương trình Văn 12, không có tác phẩm nào được thầy cô giảng dạy bằng cảm hứng dào dạt như bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bởi chuyện tình yêu là chuyện muôn đời, lại là chuyện rất riêng, “sống để bụng, chết mang theo”, mỗi người đều có những trải nghiệm mà người khác không có, thành ra, khi có dịp, nhất là dịp được công khai mở cửa trái tim, thầy cô nào cũng thao thao bất truyệt. Còn học trò thì há miệng nghe, như đàn chim non há mỏ chờ, khao khát. Và rồi giờ dạy trở thành giờ nói chuyện tình yêu. Thay vì phân tích khám phá, đánh giá tác phẩm, người giảng dạy lại chỉ dựa vào lời thơ để “tán”. Ngôn ngữ tán đạt đến sự tuyệt vời hơn cả sự tuyệt vời của bài thơ.

Cũng nên thông cảm, bởi trong chương trình Ngữ Văn 10 đến 12 đâu có tác phẩm nào đề cập trực diện đến tình yêu lứa đôi, điều mà trái tim lứa tuổi 18, đôi mươi đang rực lửa. Tình yêu của Thuý Kiều với Kim Trọng (Đoạn Trường Tân Thanh-Nguyễn Du) đã là “cổ” lắm rồi. Tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở ư (Chí Phèo-Nam Cao)! chỉ tồn tại năm ngày và kết thúc bằng cái chết đẫm máu của Chí. Tương Tư của Nguyễn Bính chăng! thời đại công nghệ thông tin, chẳng còn bạn trẻ nào biết tương tư nữa. Nhớ nhau là bấm Smart phone, cần thì phóng lên xe, bay đến gặp, rồi quấn lấy nhau và… “yêu” thoải mái. Cặp đôi Tràng và người “vợ nhặt”(Vợ Nhặt-Kim Lân) có yêu nhau không hay bỗng dưng Tràng bị “đèo bòng”“của nợ đời” ? Mị và A Phủ (Vợ Chồng A Phủ- Tô Hoài) cùng nhau chạy trong rừng mấy tháng trời để trốn Pátra, không thấy nhà văn miêu tả họ yêu nhau thế nào. Chuyện tình của người đàn ông và người đàn bà chài (Chiếc Thuyền Ngoài Xa-Nguyễn Minh Châu) có tình có nghĩa và cuối cùng là…bạo hành, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” không biết họ yêu nhau như thế nào?...

Thế nên Sóng là bài thơ đáp ứng đúng cái yêu cầu tâm lý của cả thầy lẫn trò, giờ học vô cùng say sưa, mê đắm, chia sẻ…

2.Sóng và “nghệ thuật “ diễn giải ngoài văn bản

Cho đến tận hôm nay, những lời có cánh này của Hoài Thanh viết về Thơ Mới (1930-1945) vẫn có ma lực ám ảnh nhiều người bình thơ :” “ Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta.”(Một Thời Đại Trong Thi Ca).

Đó là cách bình thơ bằng trực giác cảm tính, không dựa trên những phương pháp khoa học để phân tích giá trị thơ. Nếu một người có tri thức rộng, trí tuệ sắc xảo, đọc nhiều, am hiểu thi pháp của nhiều nền thơ Đông-Tây , kim cổ ; lại có tấm lòng tri kỷ với văn chương, thì trực giác cảm tính của người ấy giúp cho họ nhận ra giá trị thơ ca rất nhanh, và có giá trị khả tín. Hoài Thanh là một nhà phê bình như thế. Bạn đọc bình thường cũng có thể cảm nhận thơ ca theo cách này. Chỉ cần đọc thoáng một lần, ta đã có thể nhận ra ngay một bài thơ hay, hay dở, mà chưa cần phải phân tích. Cảm thụ nghệ thuật là cảm thụ dựa trên cảm tính chủ quan.
Nhưng trong nhà trường, phân tích, giảng, bình thơ, không thể dựa vào cảm tính chủ quan, rồi áp đặt lên học sinh. Bởi tinh thần của thời đại hôm nay là tinh thần khoa học, chỉ những gì dựa trên phân tích khoa học mới có thể thuyết phục được người đọc. Phê bình văn học trở thành một khoa học, không còn là cảm thụ trong những lúc trà dư tửu hậu, những khi tom-chát rồi mặc sức tang bốc nhau bằng những lời châu ngọc như các cụ ngày xưa. Phê bình văn học phải dựa trên khoa học ngôn ngữ (những quy luật về dùng từ, về cú pháp, về ngữ pháp văn bản..), phải sử dụng những phương pháp có cơ sở khoa học (phương pháp phê bình Marxist, Phân Tâm Học, Phê Bình Mới, Cấu Trúc Luận, Giải Cấu Trúc, Thi Pháp Học, Phong Cách Học, các lý thuyết tiếp nhận văn học…)

Vậy mà, nhiều người phân tích bài thơ Sóng vẫn cứ ru học sinh trong những lời có cánh kiểu Hoài Thanh. Người ta cắt nhỏ bài thơ thành từng câu, rồi diễn giải ra ngoài văn bản tác phẩm (tán). Điều này có nguyên nhân của nó. Có thể là do quán tính bắt chước Hoài Thanh, cũng có thể là bất lực trước bức tường chữ nghĩa không thể vượt qua, khi tác phẩm văn chương được mã hoá bằng một kiểu tư duy nghệ thuật khác lạ (những người quen đọc tác phẩm Hiện Thực, sẽ bất lực khi tiếp cận với tác phẩm Siêu Thực). Vì thế, người phân tích thơ thoát ly văn bản, không bám vào cấu trúc tác phẩm để giải mã ý nghĩa, ngược lại, tự mình gán cho câu thơ những ý nghĩa mà cấu trúc văn bản không có. Không khám phá được cấu trúc văn bản cũng đồng nghĩa với sự bất lực trước toà lâu đài nghệ thuật, người phân tích thơ đành đứng bên ngoài mà tán tụng.

Xin đọc lời bình đoạn thơ sau :

- Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Sách Giáo Viên của Bộ Giáo Dục đã hướng dẫn thầy cô dạy học sinh như sau :”Soi vào lòng mình, đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu của mình, nhân vật trữ tình ở đây đã nói lên được một quy luật sâu xa của tình yêu. Cái điều mà Xuân Diệu trước kia đã nói như tổng kết một chân lý ‘Làm sao cắt nghĩa được tình yêu’ thì nay Xuân Quỳnh lại phát hiện ra, nhưng bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình, như lời thú nhận thành thực, hồn nhiên mà ý nhị sâu sắc” (1)

Tác giả Nguyễn Đức Hùng (1) 10 năm sau Sách Giáo Viên, cũng viết như vậy :”Tình yêu phải chăng là sự hướng về, nhưng sự hướng về lại không biết đâu là nguyên nhân, đâu là cội nguồn? Tình yêu ở chỗ nào, những rung động do dâu mà có? Hình như con người vẫn và mãi mãi ‘bé thơ’, ‘ngơ ngác’ trước tình yêu? Bởi nó như là hiện thân của quy luật thiên nhiêu sâu xa và bí hiểm:

Từ nơi nào sóng lên
. . . . . . . . . . . . . . . .
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu

Đây cũng chính là lời thú nhận vừa hồn nhiên vừa trăn trở nhưng cũng ý nhị, sâu lắng :”Em cũng không biết nữa”. Xuân Diệu :”Ông hoàng thơ tình” cũng đã từng hồn nhiên thú nhận:”Làm sao cắt nghĩa được tình yêu…” (tr.174)

Cả hai lời giảng trên chỉ là diễn thành văn xuôi nghĩa tường minh của câu thơ, rồi tán về “quy luật sâu xa của tình yêu”, “ Xuân Quỳnh lại phát hiện ra, nhưng bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình…”. Lời “tán” của Nguyễn Đức Hùng thực sự thô thiển! “Tình yêu ở chỗ nào, những rung động do dâu mà có? Hình như con người vẫn và mãi mãi ‘bé thơ’, ‘ngơ ngác’ trước tình yêu? Bởi nó như là hiện thân của quy luật thiên nhiêu sâu xa và bí hiểm..””Tán” như thế này chính là giết chết lòng yêu thơ, yêu nghệ thuật trong lòng học sinh (ấy là chưa nói việc “đạo” ý tưởng cùa Sách Giáo Viên), và thật ái ngại khi nhà trường dạy cho người trẻ cách nghĩ, cách nói, cách viết sáo rỗng, giả dối, qua những giờ giảng văn diễn giải ngoài văn bản.

Thực ra không cần mất thì giờ để diễn xuôi nghĩa tường minh của khổ thơ, bởi học sinh 12 dư khả năng để đọc hiểu ý nghĩa câu nói bộc trực này “ - Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Trong thực tế, các cô gái cũng dư trình độ để trả lời vấn đề “Gió bắt đầu từ đâu”. Đoạn thơ này là đoạn bản lề, để chuyển ý từ phần I sang phần II trong cấu trúc của bài thơ. Nếu cần giải mã ngôn ngữ thơ, thì cần làm rõ tính trí tuệ và nữ tính của thơ Xuân Quỳnh (đây mới thực sự là giá trị thẩm mỹ của khổ thơ). Và muốn nói thêm, thì nên đặt vấn đề, tại sao khi nói đến tình yêu, Xuân Quỳnh lại tra hỏi về “sóng-gió” ? Đó là một thông điệp. Có thể nói với người trẻ về thông điệp này: bước vào tình yêu là bước vào sóng gió. Nếu thuyền tình không chắc, người cầm lái con thuyền không vững tay, thì con thuyền ấy sẽ đắm chìm. Bao nhiêu người trẻ đã trầm luân trong đau khổ, bất hạnh của tình yêu, là vì không vượt qua được sóng-gió…

3. Cấu trúc Sóng/Em

Nhìn tổng thể, bài thơ được cấu tứ thành ba đoạn. Mỗi đoạn tác giả khám phá hình tượng sóng trước, sau đó dùng sóng để đối sánh với tình yêu của nhân vật em, nâng tình yêu ấy lên. Xin đọc đoạn mở đầu.

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Nếu giảng từng khổ thơ, theo thứ tự, từ trên xuống, tức là phá vỡ cấu trúc đoạn thơ, người giảng thơ sẽ thất bại. Góc nhìn của nhân vật Em nằm ở khổ thứ ba. Em đang đứng trước bể nhìn sóng và suy nghĩ (cần chú ý điệp từ Em nghĩ, bộc lộ chất suy tư, kiều thơ tư tưởng của bài thơ). Khổ I và khổ II là nhận thức của Em khi nhìn sóng biển. Em không miêu tả sóng, mà nghĩ về biển rồi nhận ra những đặc tính trái ngược của sóng. Hình tượng Sóng ở phần mở đầu là sóng hiện thực, sóng biển, đối tượng suy tư khám phá của nhân vật em, và qua đó Em tỏ lộ tình yêu của mình. Sóng có những đặc tính trái ngược (Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ), nhưng cũng có những đặc tính vĩnh cửu (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế).

Tình yêu cũng thế, cũng có những đặc tính trái ngược và vĩnh cửu như sóng, nhưng tình yêu còn là sự sống, sức sống của người trẻ (Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ). Xuân Quỳnh đã rất bạo khi dùng hình ảnh “bồi hồi trong ngực trẻ” để nói về một thuộc tính rất Người của tình yêu. Chỉ người trẻ mới yêu, mới cần yêu. Trái tim trẻ con và người già không có nhu cầu yêu. Ngực của một người cho biết thể lực và sức sống của người ấy. Một người nằm bất động trên giường, nếu ngực anh ta còn phập phồng, ta biết người ấy còn sống. Kim Lân miêu tả sự thảm thương của người “vợ nhặt” khi về nhà Tràng bằng hình ảnh, “Thị đảo mắt nhìn quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài…”. Tố Hữu diễn tả sức sống mãnh liệt của dân tộc trong Cách Mạng tháng Tám 1945 ,”Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi bùng lên. Tim bỗng hoá mặt trời”(Huế Tháng Tám ). Cũng chẳng phải vô tình, Chí Phèo đang yêu (được 5 ngày), bị bà cô Thị Nở ngăn cản, Chí xách dao đi “đến cái nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Mất tình yêu của Thị Nở, Chí mất tất cả.

Nói tất cả những điều ấy, Em gián tiếp tỏ lộ tình yêu của mình với anh trong tâm tưởng. Hình tượng sóng giúp cho sự bộc lộ tình yêu được kín đáo và sâu sắc. Trong bố cục khổ thơ, Xuân quỳnh đã dùng kỹ thuật của điện ảnh hiện đại. Màn hình hiện ngay lên, đột ngột, bất ngờ, một đối tượng : “ dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”. Câu thơ chỉ có Tính Từ, không có Danh Từ, nên người đọc không hiểu Xuân Quỳnh đang nói về điều gì. Ông kính camera lùi lại dần dần, khổ II, rồi khổ III, người đọc mới nhận ra đối tượng ấy là biển, sóng biển, rồi nhận ra một nhân vật nữ (Em) đang đứng nhìn biển. Em đang suy tư về biển, về anh/ em, về tình yêu. Em lặng im, độc thọai, đối thoại trong tâm tưởng với anh. Bài thơ trở thành dòng suy tư (không phải dòng tâm trạng), thơ trữ tình trở thành thơ trí tuệ. Ở vào thời điểm Xuân Quỳnh làm bài thơ này (1967), thì kỹ thuật này gây được ấn tượng mạnh về sự mới lạ.

4. Bí mật của ngôn ngữ

Hai khổ thơ cuối chứa đựng một bí mật của cấu trúc ngôn ngữ mà ít người do vô tình, không nhận ra, vì thế đành phải diễn giải ngoài văn bản (tán)

Tôi xin trích một đoạn giảng bình trong một tài liệu ôn thi “đáng tin cậy” do tập thể nhiều GS-TS, Ths. viết: (3)

“Xuân Quỳnh không miêu tả các cung bậc, sắc thái yêu mà đi tri nhận tình yêu ở khía cạnh dâng hiến và khao khát hoà nhập, dẫu biết sự hoà nhập kia vẫn chỉ luôn là vọng tưởng :

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Sự mong manh của kiếp người cũng là sự mong manh của kiếp tình. Con người đã không trường cửu thì làm gì có tình yêu trường cửu? Tuổi thanh xuân rồi sẽ chóng qua. Năm tháng vẫn lặng lẽ đi qua cuộc đời mà cuộc đời đâu thể níu giữ. Cảm giác về sự hữu hạn càng thôi thúc thêm cường độ yêu. Và càng yêu nhau say đắm, người đang yêu sẽ càng cảm thấy bất an trước sự nỗi chia lìa. Hình ảnh mây, biển, trời lại gợi cảnh trăng và nước trong thơ Hàn Mặc Tử: “có chở trăng về kịp tối nay” ? nhưng cả hai vẫn cũng vẫn cứ gợi cảm thức chia lìa : Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa” (tr.178-179)

Đoạn văn phân tích được viết bằng một kỹ thuật khá điêu luyện, lướt từ ý này sang ý khác, có vẻ uyên bác, có vẻ trải đời. Người viết xoay nhiều góc độ để quán chiếu đoạn thơ, rồi tiên đoán, dự cảm những khả năng, những suy nghiệm từng trải trong tình yêu. Nhưng cũng không sao che dấu được sự bất lực trướclâu đài ngôn ngữ thơ, không sao thâm nhập được vào cấu trúc ngôn ngữ của khổ thơ, nên đành đoán mò, và diễn giải lấy được. Làm gì có “Sự mong manh của kiếp người” trong khổ thơ này, làm gì có “thôi thúc thêm cường độ yêu.” Khổ thơ không có chữ nào nói đến “tuổi thanh xuân rồi sẽ qua”, “Và càng yêu nhau say đắm, người đang yêu sẽ càng cảm thấy bất an trước sự nỗi chia lìa” như trong Vội Vàng của Xuân Diệu. Sao lại cố ép Xuân Quỳnh giống Hàn Mặc Tử?! Nếu học sinh cần nắm “kiến thức cơ bản “ của khổ thơ này, thì qua đọan phân tích trên, học sinh sẽ nắm điều gì!

Đoạn kết gồm hai khổ thơ, là đoạn suy tư giàu chất trí tuệ về những quy luật của cuộc đời.

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Chúng ta chú ý đến cấu trúc câu có những từ nối “Tuy, dẫu” và những phó từ “vẫn”. Khổ thơ gồm những câu ghép có cặp từ nối tương phản : “Tuy… nhưng; dẫu.. thì…” Xuân Quỳnh viết vế câu phía trước với nghĩa tường minh, và người đọc phải hiểu ẩn ý phía sau, có nghĩa tương phản.

Cuộc đời tuy dài thế (nhưng đời ta thì ngắn ngủi, “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”- giới hạn về thời gian). Biển dẫu rộng (thì vẫn có bến bờ. Kha Luân Bố lênh đênh mãi trên biển, rồi cũng đến bờ chây Mỹ- tức là giới hạn về không gian). Thời gian đi qua, mây vẫn bay, đó là hai hiện tượng tự nhiên được dùng để nêu một chân lý. Từ “vẫn” được lặp lại, khẳng định tính quy luật của vấn đề. Quy luận đó là : Con người bị giới hạn trong thời gian và không gian, đó là một tất yếu, tất yếu như sự chuyển dịch của thời gian, sự biến đổi của mây. Xuân Quỳnh suy tư về những quy luật của đời sống hiện tại, tiếp cận với tư tưởng triết học. Nắm được quy luật ấy, Xuân quỳnh muốn vượt qua giới hạn, để vươn tới vĩnh cửu, thể hiện khát vọng về một tình yêu lớn, được yêu mãi ngàn năm. Sóng trở thành hình ảnh tượng trưng cho khát vọng của Xuân Quỳnh. Ta nói sóng trở thành biểu tượng cho khát vọng của Xuân Quỳnh, bởi những điều XQ mong muốn không thể thành hiện thực trong cỏi đời này.

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Đễ ngàn năm còn vỗ

5. Sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Xuân Quỳnh

Sách Giáo Viên của Bộ Giáo Dục kết luận thế này :”Mặc dù có những câu thơ còn nhẹ, chưa nhiều câu thật cô đọng, nhưng Sóng là bài thơ có cái hay ở toàn bài của tình cảm chân thành tha thiết và tự nhiên, hồn hậu, có chỗ đạt đến sâu sắc”(tr.168). Thầy cô dạy lớp 12 sẽ triển khai đánh giá này như thế nào?

Tôi nghĩ, cần phải khám phá cho được sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Xuân Quỳnh, bởi chính điều ấy mới làm nên giá trị bài thơ và cốt cách thơ Xuân Quỳnh, mới làm say lòng bao thế hệ độc giả, và bài thơ vẫn đứng được dù ngày hôm nay bạn trẻ đã yêu rất khác.

Trước XQ, nhiều nhà thơ đã viết về tình yêu. Hồ Xuân Hương dùng trầu, cau làm chất liệu (Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi-Mời Trầu). Tản Đà dùng hình ảnh con thuyền của ca dao:”Thuyền tình một chiếc con con/ Khoan khoan tay lái, ai còn đợi ai?...(4) Nguyễn Bính cũng khai thác giọng điệu và chất liệu thơ ca dân gian :”Nhà em có một giàn giầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng” (Tương tư). Ca Dao viết :”Thuyền ơi có nhớ bến chăng / Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”; “Khăn thương nhớ ai/ khăn vắt lên vai…” XQ khai thác hình tượng Sóng (biển ) để khám phá, thể hiện tình yêu. Cái nhìn về tình yêu của XQ vượt thời gian, không gian (ôi con sóng ngày xưa/ và ngày sau vẫn thế..Trong biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ). Khám phá hình tượng sóng để diễn tả đặc điểm của tình yêu là một khám phá đặc biệt sáng tạo. Tình yêu cũng như sóng (đặc điểm trái ngược và vĩnh cửu), Em hoá thân vào sóng để tỏ lộ chiều kích lớn lao của tình yêu của mình (chiều không gian, chiều thời gian, chiều tâm thức), Em cũng khẳng định những giá trị của tình yêu (như sự thuỷ chung, một tình yêu rộng lớn vĩnh cửu, không phải thứ tình yêu vị kỷ nhỏ hẹp…). So sánh sóng với trầu, cau, thuyền, bến, chiếc áo, cây cầu, miếng ngói… thì tầm vóc của sóng lớn lao hơn nhiều. Điều đáng nói là, qua sóng, Xuân Quỳnh đạt tới sự tiếp cận tư tưởng. Những người làm thơ tình yêu đi sau Xuân Quỳnh khó mà vượt qua được XQ trong việc khám phá tứ thơ giàu chất trí tuệ, và có tầm vóc lớn lao như Sóng.

Hình tượng sóng trở thành một hình tượng đối sánh với nhân vật em. Hình tượng này được phát triển trong suốt bài thơ, từ sóng biển- sóng hiện thực, thành sóng hoá thân của Em và sóng tượng trưng cho khát vọng tình yêu của em. Đây là hình tượng tư tưởng, bởi sóng là đối tượng suy tư, khám phá của XQ, sóng không phải là vật thể, khách thể vật chất như Nguyễn Tuân miêu tả trong Người Lái đò Sông Đà :”Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm…” Điều này nâng chất trí tuệ thơ Xuân Quỳnh, mà Sách Giáo Viên gọi là có chỗ đạt đến sâu sắc.

Hình tượng Em cũng là một hình tượng có màu sắc riêng, đó là người phụ nữ đang yêu, vừa có nét truyền thống, vừa có phẩm chất hiện đại.Truyền thống ở tình yêu thuỷ chung, sự kín đáo nữ tính, giàu đức hy sinh (nhận về mình tất cả những thiệt thòi trong tình yêu cách trở xuôi ngược). Hiện đại ở hình ảnh người phụ nữ suy tư sâu sắc, có tầm tư duy rộng trong thời gian và không gian. Người phụ nữ ấy tự tra hỏi tìm ra ý nghĩa tình yêu, giá trị cuộc sống, độc thoại, đối thoại trong tâm tưởng chia sẻ với anh. Và trong tương quan với anh, người phụ nữ hoàn toàn tự lập, không lệ thuộc vào anh, thẳng thắn bộc lộ tình yêu. Nếu thân phận HXH trong Tự Tình, đầy xót xa, thì tính cách Em trong Sóng đầy bản lĩnh.

Điều đọng lại trong lòng người đọc, và cũng là thông điệp đáng trân trọng của XQ, là khát vọng về một tình yêu mãnh liệt, sâu sắc, rộng lớn trong không gian, vĩnh cửu với thời gian. Đó cũng là khát vọng của mọi người yêu nhau trong cõi thế gian này.

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Đễ ngàn năm còn vỗ


_____________
(1) Tr.166 - Sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000
(2). Nguyễn Đức Hùng - Cẩm nang ôn luyện môn Văn- thi vào Cao Đẳng-Đại Học,Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2011)
(3) Ngữ Văn- Ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh quốc gia. Nhóm tác giả : PGS-TS Lê Huy Bắc, TS Phan Huy Dũng, PGS-Ts Nguyễn Đăng Điệp, Ts Đào Thị Thu Hằng, PGS-Ts Lê Quang Hưng, Ths Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Ts Nguyễn Văn Phương, Ts Chu Văn Sơn, GS.Ts Trần Đăng Chuyển, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội 2011.
(4) Tản Đà-Hơn nhau một chén rượu mời-Tuyển tập tản Đà, Nxb Văn Học, Hà nội. 1986. Tr. 87

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

ĐẤT NƯỚC - Nguyễn Khoa Điềm

Đất Nước là Đất Nước nhân dân
(Đọc đoạn trích ĐẤT NƯỚC, chương V Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

Bùi Công Thuấn


Đoạn trích Đất Nước, chương V trường ca Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm là một bài rất khó giảng trong chương trình Văn lớp 12.(SGK Văn 12, tập I, tr. 117, Nxb Giáo dục). Sách Giáo Viên lớp 12 (tập 1, Nxb Giáo Dục tr. 174) tuy có hướng dẫn tổng quát, song không đi vào chi tiết giảng thơ, thành ra thầy cô dạy 12 vẫn phải tự mình mày mò giải mã tác phẩm và lại loay hoay tìm cách hướng dẫn học sinh học tập. Và dường như xoay cách nào, vẫn không thấy an tâm với việc khám phá ý nghĩa thật của tác phẩm. Với thời lượng 2 tiết, việc đọc hiểu đoạn trích đã là vất vả, còn nói gì đến giảng giải, phân tích, cảm thụ một đoạn thơ hay. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều với thầy cô dạy lớp 12 về những gì mà Sách Giáo Viên không nói đến, và chia sẻ một cách tiếp cận khác đối với bài thơ này

1.Đất Nước là thơ Chính luận…

Chính luận –trữ tình là kiểu thơ đặc sắc của thơ ca chống Mỹ, là sự kết tinh giữa cảm xúc và suy tư. Thơ là dòng chảy tâm trạng của nhân vật trữ tình thông qua tứ thơ. Tư duy thơ là tư duy hình tượng. Chính luận thuộc kiểu tư duy logic, là suy tư, nhận thức, bàn luận. Đặc trưng của chính luận là nghệ thuật lập luận. Hai kiểu tư duy này trái ngược nhau, nhưng lại có thể kết hợp để tạo ra một kiểu thơ trí tuệ trong thơ ca Việt Nam đương đại, nâng thơ ca VN lên bước phát triển mới so với thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Đất Nước là một thành công đặc biệt của kiểu tư duy chính luận –trữ tình, trí tuệ mà dân dã, truyền thống mà hiện đại. Cái hay của thơ Chính luận-trữ tình là cái hay trí tuệ, không phải cái hay cảm tính, vì thế, nếu không hiểu được nội dung thơ, không hiểu sự khám phá trí tuệ của nhà thơ, thì không thể cảm nhận được giá trị thẩm mỹ của thơ.

Xin đọc đoạn thơ mở đầu

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..

Cấu trúc đoạn thơ là một lập luận quy nạp. Câu mở đầu và câu kết, mở ra và chốt lại chủ đề : Đất nước đã có từ lâu đời, từ “ngày xửa ngày xưa”. Những tứ thơ nằm ở giữa đoạn là chất liệu, nhằm chứng minh cho chủ đề, khẳng định lập luận của tác giả.

Điệp từ “có” khẳng định sự tồn tại của Đất Nước.
Tác giả không nói Đất Nước là gì, mà khám phá ra sự tồn tại của Đất Nước. Người đọc theo chỉ dẫn của tác giả, mà tự mình khám phá ra Đất Nước. “Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể”, tức là có trong cổ tích. Đọc truyện Họ Hồng Bàng, ta hiểu cội nguồn dân tộc từ Lạc Long Quân-Âu Cơ truyền lại 18 đời vua Hùng, hiểu những truyền thống cao đẹp của ĐN. ĐN là miếng trầu của bà, là búi tóc của mẹ, là cái tên của ta, là hạt gạo ta ăn. Do đâu tác giả có thể khẳng định điều ấy ? Bởi vì, chỉ có người VN mới có tục ăn trầu. Người VN “búi tó của hành làm anh thiên hạ” khác với người Hoa tết tóc đuôi sam... Người VN đặt tên con bằng những vật dụng mộc, cái kèo, cái cột, thằng tí thằng tèo, khác với người Hoa đặt tên chữ. Hạt gạo cũng là ĐN, bởi hạt gạo VN nhiều mồ hôi, nhiều tình nghĩa “Một nắng hai sương” khác hạt gạo Mỹ sản xuất bằng máy móc công nghiệp.

Vâng, ĐN là những cái cụ thể, thiết thân. ĐN không phải là cái xa với ở ngoài ta. Nguyễn Khoa Điềm nhắc đến miếng trầu của bà, bới tóc của mẹ, tình thương của cha mẹ là để nói đến mối quan hệ máu thịt , thiết thân của ta với ĐN, như ta với bà, với mnẹ, với mẹ cha.

Hiểu như thế, mới chỉ là hiểu trên mặt cấu trúc tường minh, còn một lớp nghĩa khác nằm ngoài cấu trúc. ĐN có những truyền thống cao đẹp ngàn đời. Truyền thống “trồng tre đánh giặc”, tức là truyền thống đánh giặc anh hùng khởi đi từ Gióng. Truyền thống thuỷ chung : “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Câu thơ này không thể hiểu bằng nghĩa tường minh, mà nghĩa nằm trong một liên văn bản. Ca dao có câu :”Tay bưng đĩa muối chén gừng/ gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Cha mẹ thương nhau bằng tình nghĩa thuỷ chung, câu thơ mượn tình ý ở vế ẩn “xin đừng quên nhau”để nói về một truyền thống cao đẹp của gia đình VN. Gia đình Phong kiến Trung Hoa thì “năm thê bảy thiếp”, phương Tây thì lứa đôi li dị như thay áo, chỉ có người VN mới sống thuỷ chung, vì cha mẹ cùng chia nhau “gừng cay muối mặn”, gian khổ ngọt bùi.

Người đọc vẫn còn băn khoăn ở những từ, tuy thoáng qua, nhưng không thể không giải mã. Chẳng hạn, ĐN đã có 4000 năm lịch sử, sao tác giả lại có thể viết :” Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”? Hai chữ “bắt đầu” và “bây giờ”tạo nên một ngữ nghĩa thật lạ lùng. Đất Nước bắt đầu với miếng trầu hay ĐN bắt đầu bây giờ”? Cả khi hiểu ĐN bắt đầu từ khi có miếng trầu (truyện trầu cau thời vua Hùng) cũng không ổn. Phải Giải Cấu Trúc câu để tìm đến liên văn bản. Người Việt có tục ăn trầu, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Chữ “bắt đầu” trong câu thơ có nguồn từ câu tục ngữ này. Cả câu thơ chỉ có nghĩa, miếng trầu bà ăn hôm nay, tuy đã có từ thời vua Hùng, cũng là đất nước.

Câu thơ sau đây còn lạ lùng hơn nữa về một kiểu ngôn ngữ thơ.

“Tóc mẹ thì bới sau đầu”

Đọc ở mặt văn bản thì câu này chỉ là một câu văn nói vụng về, lủng củng (thì, là, mà…). Vậy “chất thơ” thể hiện ở yếu tố nào ? Tôi nói đây là câu văn nói vụng về bởi câu văn có thể viết lại cho trong sáng hơn : “tóc mẹ bới sau đầu”. Ngay cả viết như thế, câu văn cũng không đem lại một thông tin nào mới mẻ. Bởi tóc ai mà không bới sau đầu, chẳng nhẽ lại bới tóc trước đầu (?!). Ấy vậy mà câu văn nói vụng về ấy lại là một câu thơ. Thật không dễ phát hiện ra chất thơ của phát ngôn này. Chất thơ được tạo ra ở chữ “thì”. Đó là một điều lạ lùng của ngôn ngữ. Từ “thì” được dùng để nhấn mạnh,(nghĩa tu từ, không phải nghĩa từ vựng) và nhấn mạnh vào búi tóc. Người đọc buộc phải suy nghĩ xem tại sao tác giả khẳng định búi tóc của mẹ cũng là Đất Nước. Đến Đây, buộc ta phải quan sát, so sánh. Người Việt búi tó củ hành, khác với người Hoa tết tóc đuôi sam. Phụ nữ phương Tây thì uốn tóc. Nếu có ba người phụ nữ khác nhau về quốc tịch : Hoa, Pháp, Việt, thì ta có thể nhận ra ngay người phụ nữ VN qua búi tóc. Nhận ra búi tóc cũng là là nhận ra ĐN. Tác giả bước thêm một bước nhận thức : búi tóc của mẹ cũng là Đất Nước.

Để hiểu Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, cần phải giảng giải cận kẽ nghệ thuật ngôn ngữ, kiểu tư duy thơ rất riêng của NKĐ như vậy. Nếu không, sẽ chỉ là “tán”, là “đoán mò” ngữ nghĩa, và không thể nhận ra chất thơ, và cái hay của kiểu thơ trí tuệ. Điều đặc sắc là NKĐ đã khám phá và khẳng định sự tồn tại của Đất Nước từ văn hoá, tục ngữ, ca dao, cổ tích, phong tục… Bởi bản sắc của một dân tộc nằm trong văn hoá, lịch sử, lối sống. Nhiều người nước ngoài không phân biệt được văn hoá Việt Nam với văn hoá Trung Quốc. Khẳng định sự tồn tại của đất nước qua sự tồn tại của một nền văn hoá lâu đời, có bản sắc riêng, là một khẳng định đầy tính thuyết phục. Và người đọc, nếu không có vốn văn hoá này, và không hiểu kiểu tư duy thơ Nguyễn Khoa Điềm thì không thễ cảm thụ đoạn thơ.

2. Đất nước là thơ trữ tình

Nhiều khi thầy cô quá thiên về khai thác những ý nghiã chính luận của đoạn thơ mà dễ dàng bỏ qua chất trữ tình trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

NKĐ đã triển khai một hệ thống ý tưởng để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước là của nhân dân. Mở đầu tác giả khẳng định ĐN đã tồn tại lâu đời. ĐN là một thể thống nhất, ĐN do nhân dân hoá thân thành và ĐN là của nhân dân. Nhà thơ kêu gọi mỗi người phải có trách nhiệm “gắn bó và san sẻ” trách nhiệm với ĐN, kêu gọi mọi người “hoá thân “ để làm nên ĐN muôn đời

Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời

Đoạn thơ hoàn toàn là là một lời kêu gọi chính luận. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ chính luận, là lời kêu gọi trực tiếp. Đoạn này được ra thi Tú Tài, hầu hết thí sinh sẽ phân tích thơ như làm một bài chính luận, có chăng chỉ khác một chút là cố gắng “tán” mấy từ “hoá thân cho dáng hình xứ sở”, và cũng chỉ tán chung chung mơ hồ, không thể giải mã được gì. Tất nhiên, nếu xét về tư tưởng, thầy cô vẫn khai thác được những ý tứ có chiều sâu. Chẳng hạn, tư tưởng “ĐN là máu xương của mình”. Đây là ý thức yêu nước sâu sắc. Chỉ đến thơ thời kỳ chống Mỹ mới đạt đến. Thơ thời kháng chiến chống Pháp tình cảm yêu nước lồng trong tình quê hương (chẳng hạn, bài thơ Đồng Chí-Chính Hữu). Văn học trung đại thể hiện tư tưởng yêu nước Thiên Mệnh (Sông Núi Nước Nam), yêu nước trung nghĩa (Hịch Tướng Sĩ), yêu nước nhân nghĩa (Bình Ngô Đại Cáo). Đến Nguyễn Đình Chiểu , yêu nước là yêu “tấc đất ngọn rau ơn chúa”. Phan Bội Châu thì hát bài ca Ái Quốc: ” Nay ta hát một thiên ái quốc/ Yêu gì hơn yêu nước nhà ta/ Trang nghiêm bốn mặt sơn hà/ Ông cha để lại cho ta lọ vàng…”(Ái quốc). Yêu nước là yêu núi sông gấm vóc do cha ông để lại…Nhưng nếu giảng như thế, đoạn thơ hoàn toàn thiên về tư tưởng chính luận, làm mất đi chất thơ của đoạn trích

Trong tình huống như vậy, cần phải khai thác chất trữ tình trong thơ NKĐ.

Trong cụm từ “em ơi em” thì nhân vật em là ai. Những từ “ta, anh, em, dân mình, đồng bào ta, con ta..” bộc lộ cảm xúc gì của tác giả ?

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn…
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ…
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Nhà thơ đã nhập thân vào ĐN, đã hoá thân để nói tiếng nói sâu thẳm trong lòng mỗi người, bộc lộ trực tiếp những tình cảm với ĐN, khiến cho câu thơ không cần giảng nghĩa mà vẫn có thể cảm được. Thực ra những tiếng nói như thế đã là tiếng nói của cả dân tộc từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc lập. Người tố cáo tội ác của thực dân Pháp:

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết…

3.Sự hài hoà chính luận-trữ tình làm nên đặc sắc của Đất Nước.

Đoạn thơ sau đây có thể là tiêu biểu

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Chủ đề đoạn thơ là câu cuối cùng:” Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Chủ đề này được triển khai bằng một đoạn quy nạp. Tám câu đầu là những trường hợp cụ thể sự hoá thân của nhân dân thành Đất Nước. Bốn câu cuối là khái quát sự hoá thân của nhân dân trong không gian, trong thời gian lịch sử.

Nếu chỉ trình bày ý tưởng chính luận ấy của đoạn thơ thì sẽ không sao cảm nhận được tài thơ của ngòi bút NKĐ. Hãy nhìn vào cấu trúc của 8 câu thơ đầu. Tất cả các câu đều có cùng một cấu trúc ngữ pháp (tu từ cú pháp). Vế trước của mỗi câu là nhân vật, phía sau của câu là một di tích , một địa danh. Tác giả khám phá ra ĐN từ những di tích, địa danh, và khám phá ra sự hoá thân của nhân dân thành ĐN.

Tại sao tác giả lại đưa lên đầu đọan hình ảnh người phụ nữ?

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Từ sự tích Hòn Vọng Phu, người đọc khám phá ra ý nghĩa này, lịch sử 4000 năm của dân tộc là lịch sử chống ngoại xâm. Những người mẹ, người vợ đã dâng hiến con mình, chồng mình cho ĐN, hy sinh hạnh phúc, hy sinh tuổi thanh xuân. Nếu không có sự hy sinh âm thầm, lớn lao ấy của những người mẹ, người vợ, ĐN này đã không thể tồn tại. Ngay trong thời đại chúng ta, có người mẹ anh hùng hy sinh 7 người con. Mẹ đã đi từ bắc chí nam, theo dấu chân hành quân của đơn vị để tìm mộ con, nhưng đến đâu cũng chỉ tìm thấy mộ tập thể của đồng đội con. Những người vợ nhớ chồng đáng tôn kính biết bao.

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình điều gì?

Học trò Việt Nam xưa nay vốn nghèo, lấy gì mà đóng góp ? Còn nhớ chuyện học trò nghèo Trần Minh khố chuối. Nghèo đến thế thì lấy gì mà góp cho ĐN? “Núi Bút non Nghiên” là một di tích, trở thành biểu tượng cho sự đóng góp to lớn của anh học trò nghèo. Một nhân vật lịch sử có thể làm rõ ý tưởng này. Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh, vốn là người học trò nghèo. Thế nhưng, những gì Nguyễn Trãi “góp” cho ĐN này, khó có ai sánh bằng. Tư tưởng nhân nghĩa, Bình Ngô Đại Cáo, thơ Quốc Âm, Lam Sơn Thực Lục, Dư Địa Chí, Quân Trung Từ Mệnh Tập là những tác phẩm vô giá cho đời sau. Nguyễn Trãi trở thành danh nhân văn hoá thế giới. Trở thành niềm tự hào của dân tộc này.

Khai thác những ý tưởng như thế của hình ảnh thơ, sẽ chạm đến giải tầng tình cảm sâu thẳm trong lòng học sinh về nhân dân và đất nước mình. Để rồi sau đó, ở 4 câu cuối, tình cảm ấy sẽ cất lên thành niềm yêu mến, tự hào có sức ngân vang sử thi. Tình cảm yêu mến tự hào về đất nước của tác giả hoà trong bai ca, ca ngợi sự hoá thân của nhân dân thành ĐN.

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Trong phần khái quát này, NKĐ tiếp tục khám phá ĐN bằng những suy tư không dễ giải mã.
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.

Tác giả nhìn thấy căn gốc Việt, bản lĩnh Việt, sức mạnh Việt là ở nông thôn, tận những “ruộng đồng gò bãi”, hiển lộ trong dáng hình, trong ao ước và trong lối sống ông cha. Đó là cái nhìn vừa có chất sử thi, vừa đậm màu sắc tâm linh (địa linh nhân kiệt). Dáng hình đó là gì, cha ông có ao ước gì, lối sống ông cha là lối sống thế nào ?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải trở lại hệ thống hình ảnh ở trên, tìm ý nghĩa trong, những người vợ, Gióng, Hùng Vương, anh học trò nghèo, con voi, con rồng, con cóc con gà, ông Đốc, ông Trang, Bà Đen Bà Điểm, cả những con người không tên. Đó là dáng hình yêu nước anh hùng của Gióng, là ao ước hoà bình của những người vợ chờ chồng đi chiến trường, là khát vọng cống hiến cho đất nước của người trí thức nghèo, là lối sống giản dị nghĩa tình (con cóc con gà-những người lao động bình dân), lối sống lấy sự hoà mình, tự nguyện vì cộng đồng (Ông Đốc, ông Trang), khác rất xa với lối sống vị kỷ, cá nhân thực dụng chủ nghĩa của một bộ phận người Việt hôm nay. Nếu cảm nhận được như vậy, ta sẽ thấy yêu thêm đất nước mình, quý mến trân trọng hơn nhân dân mình.

Vì tác giả khai thác vốn văn hoá làm chất liệu thơ, người đọc cũng phải có vốn văn hoá dân tộc mới cảm hiểu được những suy tư của tác giả. Sức hấp dẫn của thơ trí tuệ là ở năng lực trí tuệ khám phá những ý tưởng thơ. Người xưa nói , “vô tri bất mộ”, không hiểu thì không yêu mến. Không biết đất Tổ Hùng Vương có 99 ngọn núi nằm như 99 con voi phục, thì sao hiểu được tầm trí tuệ cha ông thời mở nước, để đất nước này tồn tại mãi với muôn đời. Không biết ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm là ai, sao có thể hiểu tính cách con người phương Nam. Không hiểu Gióng thì không thể hiểu sức mạnh Việt Nam. Thế mới biết, giảng văn đòi hỏi thầy cô một trình độ hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc mình, một tấm lòng yêu tha thiết nhân dân mình, và một lòng nhiệt thành cháy mãi khôn nguôi truyền lửa cho học sinh thân yêu của mình. Đất Nước là một đoạn trích hay và sâu sắc.

Tháng 6 năm 2013


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

NHÂN CUỘC THI THƠ CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, NGHĨ...

NHÂN CUỘC THI THƠ CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, NGHĨ…
Bùi Công Thuấn



Nhà ngôn ngữ học và phê bình Lê Xuân mời tôi chia sẻ bài anh viết về 11 bài thơ của cuộc thi thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long lần V-2012 (ĐBSCL) mới được công bố. Tôi đã gửi lên trang blog Yume của anh một comment, chỉ là để chia sẻ những suy nghĩ riêng tư, giữa cá nhân với cá nhân. Đó không phải là bài viết chính thức tôi đánh giá về cuộc thi và về các bài thơ. Tuy nhiên, comment của tôi lại “làm buồn lòng” một vài người bạn mà tôi quý mến, thành ra tôi phải viết tiếp những dòng này. Xin nói rõ điều này, tôi chỉ là kẻ ngoại cuộc, không viết để bày tỏ”chính kiến” về cuộc thi, vì thế Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo cuộc thi thơ ĐBSCL không nên bận tâm. Các nhà thơ dự thi cũng không phải “băn khoăn” điều gì. Tôi viết những ngẫm nghĩ của mình nhân có cuộc thi thơ, vậy thôi.

CUỘC THI NÀO CŨNG CÓ TIÊU CHÍ, MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG

Thể lệ cuộc thi thơ ĐBSCL đã được công bố:
I. Đề tài:

- Vùng đất, con người ĐBSCL trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển và hội nhập. xây dựng thành phố và nông thôn mới hiện nay.

- Những điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Về các biển đảo của Việt Nam.

II. Thể loại:

- Thơ (không nhận trường ca và thơ đường luật)
- Tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; chưa xuất bản sách và phổ biến dưới mọi hình thức.

VỀ CUỘC THI THƠ

Tổ chức Hội Văn Nghệ của các địa phương là tổ chức chính trị-nghề nghiệp được tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo. Hoạt động của Hội là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh uỷ. Đường lối hoạt động của Hội thực hiện theo nghị quyết 5 của Trung Ương Đảng (khoá VII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị…
Vì thế cuộc thi thơ ĐBSCL là một trong những hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, có mục đích rõ ràng, đó là : Viết về ” Vùng đất, con người ĐBSCL trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển và hội nhập…, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Về các biển đảo của Việt Nam.” Đây là những nhiệm vụ chính trị quan trọng toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện. Tổ chức cuộc thi là để phát động phong trào quần chúng làm văn nghệ, để khẳng định và ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng, để khẳng định và học tập gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình một bộ phận cán bộ, quần chúng suy thoái về đạo đức mà Nghị Quyết TW 4 đã đề ra…Viết về biển đảo trong tình hình chính trị hiện nay, ai cũng hiểu đó là Trường Sa, Hoàng Sa. Người làm thơ phải nói tiếng cói của dân tộc, khẳng định chủ quyền biển đảo, ca ngợi và cổ vũ các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo tổ quốc, thể hiện lòng yêu nước... Nội dung chính trị, mục đích chính trị của cuộc thi là tiên quyết. Các tác giả có thơ dự thi không nên mơ hồ điều này. Xin đừng nghĩ rằng làm thơ chính trị sẽ không hay. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những bài thơ chính trị của Tố Hữu đã trở thành tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Là những “bài ca” hung tráng của cả nước cùng một nhịp bước tiến quân (Bài ca mùa xuân năm 1961, bài ca xuân 1968, Bài ca xuân 1971, Một khúc ca xuân, …)Tiếng nói riêng của nhà thơ trở thành tiếng nói của nhân dân, của dân tộc. Thơ hay là do tài năng, không phải do đề tài.

Có lẽ vì thế mà trong thể lệ cuộc thi, tôi không thấy có tiêu chí nghệ thuật. Thế có nghĩa là cuộc thi chỉ đánh giá thơ dự thi theo tiêu chí nội dung, mà không quan tâm đến nghệ thuật. Việc gạt bỏ thể thơ Đường Luật là điều thật khó hiểu. Những bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật của chủ tịch Hồ Chí Minh làm trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) là những bài thơ tuyệt hay (Nguyên Tiêu, Báo Tiệp, Không Đề, Lên Núi…) đóng góp những giá trị vượt trội cho thơ ca sau CM tháng Tám. Tại sao cuộc thi lại gạt bỏ thơ Đường luật?

Không có tiêu chí nghệ thuật, tôi e rằng sẽ có những bài thơ hay về nghệ thuật bị loại bỏ ngay ở vòng sơ khảo. Tất nhiên tôi tin rằng, BTC, BGK không đến nỗi chỉ chọn bài đạt tiêu chí nội dung.

Nhưng đọc 11 bài thơ vào chung kết, tôi thực sự hoài nghi.

Bài “Về đồng mùa nước nổi” sao có thể lọt vào chung kết? Trước hết, bài thơ không chuẩn về luật thơ Lục Bát. Gieo vần sai, làm tan nát nhạc thơ, dùng từ lủng củng, lời không diễn được ý. Những câu thơ vụng về khó chấp nhận.

Ta về vác cát oặn lòng
Hòa dân ngăn nước thở cùng mặt đê
Trăng tròn trượt xuống tiếp hơi
Gánh gồng gìn giữ màu trời quê hương.

Chữ “mặt đê”, không vần với chữ “tiếp hơi”. Làm thơ lục bát sai vần là điều cấm kỵ. Câu thơ này cực kỳ tối nghĩa:” Hòa dân ngăn nước thở cùng mặt đê”. Câu đầu là vác cát ngăn nước, câu cuối là “gánh gồng”, không hiểu “nhà thơ” “gánh gồng” cái gì, sao không ngăn nước lũ lại “giữ màu trời quê hương”, trong tiếng Việt, người dân chỉ gánh gồng dắt díu nhau đi…Nội dung bài thơ là những than thở “sầu”: “nát tan”, “Trăm ngàn nỗi đau”, đất trở sầu”, “lúa khóc”,” trôi giạt về đâu”. Tôi không thấy đâu là công nghiệp hoá, đâu là hội nhập toàn cầu hoá, như tiêu chí cuộc thi. Có nhiều chữ dùng rất thô như: “Trăng…thình lình trượt xuống, bất cần đò đưa,.. Tôi chưa bao giờ thấy ở bến đò miền ĐBSCL có hình ảnh này :” Áo hồng bay ngát bến xưa”. Nói thế để thấy tác giả rất lúng túng trong bút pháp. Miêu tả hiện thực hay thể hiện tâm trạng lãng mạn? suy tư triết lý hay bày tỏ tâm trạng trữ tình. Tất cả nháo nhào trong một bài thơ, khiến cho, ngôn từ không sao diễn được tình ý. Có lẽ không nên mất thì giờ của bạn đọc về một “bài thơ” chưa thành hình hài như thế. Có thể là tác giả muốn nói về hiện thực ĐBSCL chống lũ, nhưng lực bất tòng tâm. Đành vậy ! Bạn đọc nên trân trọng nỗ lực của tác giả khi tham gia cuộc thi!


Tôi cũng hoài nghi cả về nội dung một số bài vào chung kết, vì không đạt tiêu chí thể lệ cuộc thi. Bài Đồng con gái là nỗi buồn “bao đời” :” ruộng lom khom nón lá đội trên đầu/ sống từ đất/ chết trở về cùng đất/ hạt lúa trời bơi qua nỗi bể dâu…”.Bài Nhật ký cho ngày rỗng là tâm trạng buồn
Cho quê hương, nỗi buồn tha hương: bạn bè bỏ xứ đi tha phương, bóng mẹ nhoè, dáng cha buồn thân phận, giấc mơ không hình thù/ bọt bóng (chỉ ảo tưởng, tuyệt vọng)

con rô, con lóc đi đâu cho ta bỏ câu ngày nhàu soi tăm cá…
thằng bạn cùng quê bỏ xứ theo cha tha phương đổi vận
cô bạn chơi trò cô dâu chú rể lên thành phố từ đó không thấy về…
…ở đó có bóng mẹ ngồi chiều nhòe mong nhớ mỗi khi trời trở gió, mùa đuổi mùa…
có cái ghế dựa, cha ngồi uống ngụm trà thả buồn vui thân phận…

Bài “Xóm mình nghèo cất giấu điện vào đêm”, là tâm trạng buồn của đứa con phương xa, nhớ nhớ những khôn khó ở quê đêm không có điện, nhớ xóm quê, nhớ tuổi học trò và nhớ mẹ, nhưng không mẹ không còn

“…Bên dòng kênh quen im lìm phèn mặn
Bằng bộ mặt nhiều màu nổi váng những tâm tư…

Giờ đi lập nghiệp phương xa
Ước mơ lăn theo sóng vỗ
Câu vọng cổ lại phải cất vô tờ giấy cũ
Về quê
Mẹ không còn..

Tản mạn trưa là tâm trạng buồ của tác giả khi nhìn con kiến, con sâu, con bướm, con mèo, lũ tò vò… mà thương ông thương bà

thương bà khóc cả đời
chiến tranh màu lá rụng
không biết ông nằm đâu…

Bài Tôi đã từng đến biển không nói được điều gì, ngoài sự mơ hồ, chung chung. Tôi không biết bài này có nằm trong tiêu chí viết về biển đảo không? Sao lại diễn tả người dân đánh cá Việt Nam là “vơ vét thiên nhiên”? Làm sao sánh được với bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận viết cách nay đã mấy chục năm!
Biển là trời xanh trôi trên mặt đất
Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ
Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên
Bài Phía mùa cam bạc lá cũng là tâm trạng buồn của đời nghèo rỗng không. Chỉ có tiếng mẹ thở dài, tiếng cha dằn cơn ho trong đêm, người chị lỡ làng tuổi xuân vì nghèo. Chỉ có bàn tay chai sạn… và tâm tư day dứt
gió cuốc những đường thở nhọc nhằn trên nền đất đen nâu
sau lưng cha màu xanh đã ngã
là đồng nghĩa với màu trắng tay người gom về ngập rỗng
nỗi buồn đeo đĩa

Có lẽ không cần viết thêm về nội dung những bài thơ không đạt tiêu chí thể lệ cuộc thi. Điều đáng ngạc nhiên là những bài tôi đã dẫn lại lọt được vào chung khảo, vượt qua tiêu chí chính trị.

THƠ HAY Ở NỘI DUNG HAY Ở HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT?

Ở Việt Nam, nội dung chính trị của tác phẩm nghệ thuật đã là mặc định. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :”… không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật mà cần nói rõ văn hoá phục vụ công, nông, binh” (Bàn về văn hoá và nghệ thuật, Nxb Văn Hoá-Nghệ thuật Hànội. 1963, tr 104-105)

Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng xác lập mục tiêu của văn học nghệ thuật :” Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,… phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Như vậy, về nội dung ta không phải bận tâm, vậy tiêu chí nào để phân biệt giá trị bài thơ? Hãy xem, Bộ đội cụ Hồ ai cũng gian khổ hy sinh, sáng ngời lý tưởng, giàu tình quê hương, lẫm liệt chí anh hùng. Bài thơ nào viết về họ, các nhà thơ cũng nói nội dung ấy. Vậy những bài như Đèo Cả của Hữu Loan, Đồng Chí của Chính Hữu, Lên Tây Bắc của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, bài nào là nổi trội và trở thành bất hủ? Câu trả lời mọi người có thể đồng ý là Tây Tiến, bài thơ nổi trội nhất. Do đâu? Bài Đồng Chí được viết bằng bút pháp hiện thực chất phác. Bài Đèo Cả cũng một bút pháp ấy, có chất hùng ca hơn một chút. Trái lại, Tây Tiến được viết bằng bút pháp hiện thực, kết hợp với cảm hứng lãng mạn, chất cổ điển và tinh thần bi tráng. Quang Dũng có sự sáng tạo đặc sắc trong dùng từ, trong khám phá những tứ thơ mới, và đặc biệt là tấm lòng của nhà thơ với đồng đội.
Những bài thơ dự thi đã được mặc định về nội dung, vậy sự phân biệt giá trị nằm ở tiêu chí nghệ thuật. Cuộc thi thơ ĐBSCL lần V 2012 không có tiêu chí nghệ thuật thì biết căn cứ vào điều gì làm chuẩn mực? chắc chắn là phải dựa vào trực giác cảm tính. Xưa nay thưởng thức nghệ thuật là thưởng thức cảm tính chủ quan, còn đánh giá giá trị nghệ thuật phải đựa trên thang giá trị trí tuệ, trên phân tích khoa học. Có thể nói, cái hay ở mỗi người là khác nhau, và như thế, không thể căn cứ vào cảm tính mà đánh đồng bài thơ Tây Tiến với bài thơ Con Cóc trong dân gian được (mặc dù có người là tiến sĩ, viết một bài dài, khen bài Con Cóc là độc đáo)
Thơ hay, trước hết phải là thơ có những khám phá mới về hiện thực, sáng tạo mới về tìm tòi những tứ thơ, làm mới ngôn ngữ, về tư duy nghệ thuật, về góc nhìn và cách cảm, cách thể hiện mới. Thơ hay còn đòi buộc một hồn thơ tính tế, tài hoa, giàu cảm xúc, một cá tính sáng tạo độc đáo, một thế giới nghệ thuật riêng (xin đọc Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Tố Hữu …)
11 bài thơ vào chung khảo, những bài nào đạt tiêu chí này? Tôi cho rằng không có bài nào, bởi những bài dự thi này đều rất cũ cả về tình, ý nội dung, và cũ cả về thi pháp. Những bài như Nhật Ký Rỗng, Tản Mạn Trưa, Xóm Mình Nghèo cất Giấu điện Vào đêm, Phía Mùa Cam Bạc Lá, tuy có mới hơn so với những bài khác, nhưng cũng đã cũ so với phong trào thơ trẻ những năm 2005-2010, và ngay tại ĐBSCL, cũ so với thơ Huỳnh Thuý Kiều trong hai tập Kiều Mây (2008) và Giấu anh Vào Cỏ Xanh (2010)

Xin đọc một bài của Huỳnh Thuý Kiều, để thấm sâu chất châu thổ ĐBSCL trong thơ
Mắc nợ đồng bằng

Cá trê nấu với dây tơ hồng
Ăn để về khóc đầm lưng áo mẹ
Gót chân son nợ một đời dâu bể
Giữa đồng bằng chợt thèm…
Trái giác nấu canh chua…
Sinh ra con đã nợ rồi
Cả tiếng dạ thưa
Cả nhịp xuồng chèo khuya xa người đi trễ tép
Mai sau tràm mật ngọt chỉ còn là kỷ vật
Bướm bay chiều tà. Ơi nguồn cội khẳng khiu!
Sợi chỉ vàng dệt kín mái lá bên hiên
Nồi canh rau tập tàng
Vị cua nêm hương ngọt
Lùa chén cơm mồ hôi rơi nước mắt
Rơm vụ đầu dậy những nấm nhỏ xinh.
Mùa nước lên
Đêm. Lúa thao thức cựa mình
Ánh trăng rớt dưới tàn cây cuối làng cổ thụ nhất
Trò chơi dân gian bặt tăm bóng dáng
Chú dế than buồn ngoẹo cổ gãi râu.
Muốn quên đồng bằng. Dễ đâu quên được?
Màu ký ức cứ xòe ra như bàn tay năm ngón
Đây bếp lửa thơm mùi tro bánh tét
Mắm sặc kho bông súng chấm trưa nồng
Nợ khói ụn dừa buổi sớm lạnh đông
Nợ dọc đời người đau đáu chốn cưu mang…

NGHĨ...

Làm thơ hay rất khó. Cả đời tôi không làm được câu thơ nào, dù rất yêu thơ. Những nhà thơ tài năng luôn được nhân dân yêu quý. Và tôi nghĩ, cuộc thi thơ không chỉ là hoạt động phong trào của Hội Văn Nghệ, mà là nơi tìm kiếm những tài năng, mà nhờ họ, đời sống tinh thần của ta thêm phong phú, nhờ họ, tiếng Việt trở nên đẹp và giàu có, nhờ họ ta khám ra cái đẹp ngay trong đời thường, ngay cả trong gian khổ hy sinh, và cũng nhờ họ mà đất nước này là đất nước của thi ca…
Tháng 6 năm 2013

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

dương đức khánh-nhà văn đạt giải thưởng cuộc thi của báo Văn Nghệ 2011-2013

DƯƠNG ĐỨC KHÁNH,
NIỀM VUI VÀ CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Bùi Công Thuấn



1.Xin chúc mừng

Cuộc thi nào cũng có những tiêu chí và mục đích để tuyển chọn những người ưu việt. Dương Đức Khánh đã thắng trong hai cuộc thi khá bề thế. Truyện ngắn Nông Nổi Cù Lao của anh đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1200 chữ của báo Tuổi Trẻ. Anh đã vượt qua 1.758 bản thảo của cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên từ nhiều nơi trên cả nước gửi về tham dự. Ban giám khảo cuộc thi gồm các nhà báo và nhà nghiên cứu văn học: Nguyên Ngọc, Lê Văn Thảo, Phạm Xuân Nguyên, GS- TS Lê Ngọc Trà, Nguyễn Quang Sáng... Nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên ban giám khảo cuộc thi, nhận xét, đây là truyện ngắn "vừa buồn cười, vừa đau đớn". Theo ông, tính trào lộng trong câu chuyện chính là sự tự chế giễu cần thiết về những vụng dại của một thời chưa xa đã làm méo mó xã hội, đau khổ cho bao con người[1]. Cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ (2011-2013) có hơn 2000 bản thảo (Theo nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, có gần 3000 bản thảo, còn nhà báo Hiền Nguyễn, báo Tổ Quốc thì cho biết hơn 3000 tác phẩm dự thi*). Trước khi kết quả được công bố, nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá cao những tên tuổi như Uông Triều, Chu Thị Minh Huệ, Võ Diệu Thanh, Chu Thùy Anh, Nguyễn Đức Lợi, Hoàng Hải Lâm[2]. Nhà văn Khuất Quang Thuỵ nói về tiêu chí của cuộc thi :” Yếu tố văn chương và những đóng góp cho thể loại được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là nội dung phải đề cập tới vấn đề bức thiết của đời sống xã hội, của thời đại chúng ta. Chuyện có thể xa xôi, nhưng cuối cùng nhất thiết nó phải rọi chiếu được vào đời sống hiện tại.[3]. Nói như thế để thấy một lần nữa Dương Đức Khánh lại vượt lên, trong một cuộc thi mà tài năng mới là yếu tố quyết định.
Thành công của Dương Đức Khánh, Thu Trân...đã ghi một “dấu ấn”[4] cho văn nghệ Đồng Nai. Xin chúc mừng các nhà văn trẻ của Văn nghệ Đồng Nai trên văn đàn cả nước.
2. Yếu tố nào đem đến thành công cho Dương Đức Khánh?
Nhà báo Hoàng Oanh tường thuật, “Dương Đức Khánh khiêm tốn tự nhận mình chỉ là"một người sắp chữ cần mẫn", vì những gì viết trong truyện đều là những sự việc có thật đã từng xảy ra ở nơi này nơi kia trong quá khứ - thời anh và nhiều người từng sống.” Anh sinh ra và lớn lên ở Huế, đến 19 tuổi vào Nam lập nghiệp và xây dựng gia đình ở Long Xuyên. Tuy nhiên, niềm đam mê viết lách và máu nghệ sĩ thôi thúc Dương Đức Khánh chuyển ra Đồng Nai, bỏ nghề may để công tác ở tập san Dưới Mái Trường (Sở Giáo dục Đồng Nai)[5].

Truyện của Dương Đức Khánh gây được ấn tượng ngay về một giọng văn nguyên chất nông dân. Hà Minh Anh nhận xét :” Dương Đức Khánh biết chắt lọc những tình tiết dân dã, những sinh hoạt thường ngày ở một làng quê nghèo để nói lên được những điều lớn lao là con người không nên thù địch, hãy vui vẻ bên nhau mà sống trong cảnh hòa bình. Dương Đức Khánh có một giọng văn riêng nghe mộc mạc như người nhà quê nói chuyện.”[4]

Với đặc điểm ngôn ngữ này, nếu Dương Đức Khánh còn dự thi, anh sẽ còn đạt giải, bởi đó là một giọng văn “lạ” giữa những giọng văn trau chuốt, hoặc giọng văn kiểu “teen” hay giọng văn “truyền thống”...điềm đạm, thâm trầm. Đương Đức Khánh (DĐK) mang được nguyên vẹn ngôn ngữ nông dân vào tác phẩm, nguyên vẹn cái không khi sinh hoạt đồng quê tạo ra kiểu ngôn ngữ ấy, và anh biết cách dấu mình đi để cho kiểu ngôn ngữ mộc, chân chất của người nông dân hiển hiện trên từng con chữ. Những đọan kể của riêng anh, cũng bắt chước giọng điệu ấy, tuy có chắt lọc hơn. Điều này không mới, vì Nguyễn Ngọc Tư đã đi trước anh, xa hơn là Nguyễn Thi, xa hơn là Sơn Nam, và nếu lần về nguồn cội ta gặp lạ Nguyễn Đình Chiểu. DĐK đã kế tục được một dòng văn chương mang những đặc thù thẩm mỹ của văn chương Nam Bộ, và anh góp thêm được chất riêng ngòi bút của mình, đó là “bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.”

Điều làm nên giá trị đạt giải của Người Chợ Kệ là ở hình tượng con người nông dân mà DĐK khắc hoạ được. Người Chợ Kệ là người thế nào? Truyện kể về lai lịch tên chợ, “sự tích” của Mụ Thợ Rèn, và những câu chuyện “tào lao xịt bộp” của chú Tuỳ, con Mụ Thợ Rèn. Đây không phải là những kỳ tích đánh giặc hay kỳ tích làm được những việc phi thường trong kháng chiến, mà chỉ là những chuyện cười dân gian, đời thường, có cả yếu tố tục (truyện cười dân gian sử dụng nhiều yếu tố tục). Đây là chuyện của Mụ Thợ Rèn

” Bận nọ ở bến Lở làng Hạ Lang, mụ say sưa hô tát, khum lên khum xuống một hồi, cái quần lĩnh lưng vận sũng nước, tuột luốt! Mụ mặc kệ!. Nước sông Bồ thì trong leo lẽo. Đàn ông trên bờ vừa la vừa cười hô hố! Mụ cứ tát, cứ hô cho tới khi ghe làng qua khỏi, mụ quăng theo luôn cái nón móp méo tơi tả rồi mới thủng thẳn, kéo quần lên!...Lần ấy ghe làng về “nhứt phá”, giựt luôn giải “tam liên thắng, cờ trống tưng bừng mặt sông! Mụ vừa đi vừa chạy trên bờ, tay vung lên trời: “Nhờ tau đó! Nhờ tau đó!”

Chuyện chú Tuỳ cũng vậy, một lần Chú Tuỳ uống rượi với thằng Mỹ say, rồi dạy cho nó hát bài Hành Quân Xa (của Đỗ Nhuận)[6]. Cảnh tượng hài hước :” Rượu ngấm. Chú bắt đầu hát, rồi hò…Hắn ngồi nghểnh cổ nhìn rồi gục gặc hát theo. Bọn trẻ cứ lăn ra mà cười. Đến lúc hắn đứng dậy loạng choạng bước đi, không biết đứa nào đã bày đầu ra bài hát, cả bầy chạy theo vỗ tay hát ghẹo: “Hành quân xa không có tiền mua phở/ Trở lui về mà xin vợ vài trăm!...” Vậy mà cách có mấy buổi chiều hắn đã thuộc, giọng hắn ò ò theo bước đi khật khưởng: “Hanh quan xa khong co chien mo phọ…” Chú còn nghĩ cách bày nhiều trò ngoạn mục khác khiến cả làng phải cười nhiều trận đến khản cổ!.”

Tôi không nghĩ DĐK chỉ ghi nhận những “chuyện cười” để mua vui như vậy (mặc dù người Việt Nam thích cười). Người chợ Kệ có thể “mặc kệ” những chuyện đàm tiếu, cười cợt sự hồn nhiên của mình, nhưng không mặc kệ những chuyện về lòng nhân ái, về tình người, tình làng nghĩa xóm, về cái lẽ phải ở đời.“Một hôm có người đàn bà làng Hạ mang thai sắp đến ngày sinh nở, đang giữa buổi chợ chiều sắp tan bỗng đau trở dạ. Vật vã, rên la đến ngất lịm! Cả chợ xúm lại. Là đàn bà với nhau, cũng từng qua lần đi biển mồ côi nên ai cũng cảm thấy quặn lòng. Thế là mỗi người một tay, kẻ giúp chăn người giúp chiếu. Cuộc vượt cạn nơi góc lều quán chợ cũng mẹ tròn con vuông!” Có người nói, đàn bà làng khác đến đẻ rơi đẻ rớt giữa chợ làng mình là điềm xui, điềm gở! Mụ Thợ Rèn thì nói :” Ôi dào! Ông trời có mắt, mình cứ ăn ở cho phải, ai nói chi mặc kệ! Cứ “kệ” là qua hết!”

Chú Tuỳ say sưa, hồn nhiên vậy, thế nhưng trong câu hò chú dạy cho thằng Phớt (thằng Mỹ say), lại có ý nghĩa sâu sắc: Chú bắt nhịp cho thằng Mỹ hò: ” Hò hô hố hô!...”.“Đáo tói noi đay/ đát nuoc la lung/ nghe con chim keu tui cung sơ…Họ hô!...” Rồi chú hò “thông dịch” lại câu hò của thằng Mỹ : Hò hô…Đáo tới nơi đây/ đất nước lạ lùng / nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy vùng run ví cũng… ờ run! Hò hô!...” Hành động của chú Tuỳ được dân làng tán thưởng :” Mụ Thêm vỗ đùi ra chiều hả hê: “Ờ, không run răng được!...Chết gần hết rồi mới “chạy làng” về đây! Không run răng được!”. Cả chợ cười cái rần. Mụ Lé nổi hứng: “Chà, hò nghe hợp tình chi lạ! Đây, thưởng cho…một đòn bánh tét! Hai anh em ăn cho no mà hò!...” Hơn thế, Chú Tuỳ còn có công “thuần hoá” thằng Mỹ khi cho nó tham gia cuộc đua ghe, và một lần nữa nó lại thua những người nông dân bình thường. Tác giả bình luận :” Nhưng những động tác này đối với một thân hình nặng nề - một người Mỹ như thằng Phớt thì phải học tới “bạc râu” may ra mới theo kịp!.” Chú Tuỳ tự hào :” “Mỹ dưng mà…thành dân chợ Kệ rồi!...Biết uống rượu Hương Cần, biết hò giã gạo…được mụ Lé thưởng bánh tét đàng hoàng nghe! Hề!...”

Trong truyện, những “thằng Mỹ” đã thua đến 2 lần. Lần thứ nhất, “Đêm căn cứ Ti-bon trên núi Mệ bị pháo quân giải phóng tấn công, cả trái núi đỏ lựng như hòn than khổng lồ...Mờ sáng, cái thứ bay dạt về đồng làng không phải là những chiếc dù mà là…một tốp lính Mỹ te tua xơ mướp bị đẩy xuống từ một chiếc trực thăng! Chúng la ó hoảng loạn, xí lô xí la như bồ chao bể tổ một hồi rồi thất thểu kéo nhau vô náu trong nhà thờ hoang. ». Lần thứ hai, thằng Phớt tham gia đua ghe phải bỏ cuộc, trở thành trò cười cho dân làng. Chúng đã biết « sợ » dân tộc này. « Nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy vùng run..”.

Khi viết về những người Mỹ thua trận, DĐK đã không nói về sự căm thù và thái độ trả thù giặc Mỹ như những truyện thời kháng chiến (chẳng hạn, Những đứa con trong gia đình-Nguyễn Thi). Điều ấy là hợp tình trong hoàn cảnh hiện nay khi cả hai dân tộc đã khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, hợp tác và hữu nghị. Chú Tuỳ đã thể hiện cái tinh thần ấy. Nói chuyện với tác giả, « Chú vỗ cái bốp: “Rồi! Tau sẽ đi Mỹ!” Rồi chú vỗ bùm bùm xuống bộ sập: “Này, trong này là hai tấn rưỡi, tau đang trữ, chờ giá! Tau sẽ “mần” một chuyến “xuất khẩu tự túc”!...Qua bên đó, tau sẽ đi tìm thằng Phớt! Uống rượu với hắn…hai ba tháng đã đời chơi! Hà!…”

3. Con đường phía trước
Hai cuộc thi đã khẳng định tên tuổi Dương Đức Khánh là một nhà văn có văn phong riêng, có sức gây ấn tượng. Con thuyền đã ra khơi, mênh mông vẫy vùng. Tôi cầu chúc nhà văn Dương Đức Khánh mọi điều tốt đẹp để anh có thể thực hiện được ước vọng nghệ thuật của mình và làm tròn “thiên chức” của một nhà văn.

Con đường sáng tạo còn dài phía trước và không ít khó khăn. Nhà văn Nguyễn Đức Thọ sau thành công của Hồi Ức Làng Che đã thốt lên một câu Kiều “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh “. Anh gọi 15 truyện ngắn anh đã viết được là 15 năm của đời Kiều. Nhà văn tài hoa và viết được những câu chuyện bi kịch dữ dội của một thời ấy đã sớm ra đi trong sự nhớ tiếc của Văn Nghệ Đồng Nai. Cũng không xa Đồng Nai gì lắm, Nguyễn Ngọc Tư đã nếm trải vinh quang và cay đắng của nghiệp cầm bút...”Đã mang lấy nghiệp vào thân”..., làm sao giữ được lửa của ngòi bút, làm sao tích luỹ được vốn cho đầy, làm sao tìm được con đường sáng tạo riêng cho mình, và làm sao đứng vững trước những phong ba bão táp của tình đời, để sáng tạo cho đời những tác phẩm giá trị, góp phần làm giàu đẹp tâm hồn và văn hoá Việt Nam, tôi nghĩ nhà văn nào cũng trăn trở về những điều ấy.

Điều tôi chia sẻ với nhà văn DĐK là ở những gì anh sẽ viết. Ngay trong những thành công của anh đã hàm chứa những khó khăn. Nếu anh chỉ viết về những gì thuộc về vốn sống, thì sẽ có lúc anh cạn vốn. Và nếu anh chỉ giữ một cách viết dân dã, một giọng dân dã thì sắc màu nghệ thuật của anh sẽ rất đơn điệu. Nguyễn Ngọc Tư khởi đầu bằng những chuyện đồng quê dân dã, nhưng ngay sau đó nhà văn này đã tìm đi những lối khác. Điều làm người đọc còn thấy “thiếu” trong những truyện ngắn của DĐK là “chất tư tưởng” của tác phẩm. Chất hồn nhiên, tự nhiên của sự việc lấn át tính tư tưởng, khiến cho truyện của anh gần như là kiểu truyện phong tục, viết về những cái “lạ” trong đời sống, sinh hoạt ở một vùng nào đó. Người đọc có thể ngạc nhiên, thú vị về những câu chuyện “lạ”, nhưng không đọng lại được điều gì về tư tưởng và nghệ thuật.

Người Chợ Kệ, giàu chất ký hơn truyện. Đoạn anh miêu tả về những người lính Mỹ thua, chạy núp trong nhà thờ hoang, chiều chiều trực thăng Mỹ thả xuống những thùng lương thực cho họ rồi bỏ đi. Những người lính Mỹ này gào thét và bắn đạn xối xả lên trời. ”Từng gương mặt đỏ ngầu vằn lên giận dữ như đang nguyền rủa một ai đó… », Tôi e rằng tác giả miêu tả như vậy để đọc cho vui. Ngưởi Mỹ không bao giờ bỏ rơi đồng đội của họ như thế, và Việt Cộng cũng không để yên cho những người lính Mỹ này, vì bọn chúng đã gây tội ác với nhân dân.

Cũng vậy, nhân vật tôi trong truyện không có vai trò gì, ngoài vai trò là người bịa chuyện để gạt chú Tuỳ, khiến cho Chú tưởng thật và quyết tâm đi Mỹ. Nhưng chú đi Mỹ để làm gì ? Tác giả không có một dòng nào miêu tả ý thức dân tộc về hành động của chú. Đi Mỹ chỉ để uống rượu hai ba tháng với thằng Phớt cho đã. Đúng là chuyện « tào lao xịt bộp ». Nhân vật chú Tuỳ có thể tào lao, còn người đọc muốn nghe tác giả nói những điều gan ruột, những điều xuất phát từ chân tâm. Tác giả bịa ra chuyện « tào lao xịt bộp » để làm gì ? Phải chăng tác giả muốn đùa cợt trên sự « chất phác » của chú Tuỳ « ? Hay để có câu chuyện vui mà nhớ về ngày xưa ? Dù thế nào, tôi nghĩ rằng tác giả có những cách kết thúc truyện khác. Cách kết truyện của DĐK không tạo được hiệu quả tư tưởng và nghệ thuật. Đọc xong truyện tôi cảm thấy hụt hẫng và tiếc.

Tôi lại có một mong ước, một ngày nào đó được đọc truyện Người Đồng Nai của DĐK. Một lần nữa xin chúc mừng thành công của nhà văn.
Tháng 5. 2013
_____________________________________________________
[1] http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/mot-nha-tho-doat-giai-cuoc-thi-viet-truyen-ngan-1-200-chu-1973025.html
[*] http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/49/doi-song-van-hoc/115930/nhin-lai-cuoc-thi-truyen-ngan-bao-van-nghe-2011-2012.aspx
[2] http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=16574
[3] http://www.baomoi.com/Xuat-hien-mot-lop-nha-van-tre-chung-chac/152/10905873.epi
[4] http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/414169
[5] Hoàng Oanh-Tuổi Trẻ: http://news.socbay.com/tac_gia_duong_duc_khanh_cuoi_buon_ve_thoi_toi_da_song_-600126154-302055424.html
[4] Hà Minh Anh: http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/414169
[6] Hành Quân Xa -Sáng tác: Đỗ Nhuận - Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi....